BỔ SUNG TÌNH HUỐNG KHI XÁC LẬP QUỐC TỊCH CỦA TRẺ EM SINH RA TRÊN LÃNH THỔ VIỆT NAM

THS.  CAO NHẤT LINH – KHOA LUẬT ĐẠI HỌC CẦN THƠ Luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1999. Một trong những nội dung quan trọng của Luật là việc xác định quốc tịch của trẻ em và tạo điều kiện cho mọi trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều có quốc tịch. Thế nhưng, căn cứ vào những quy định của Luật này và các văn bản hướng dẫn thi hành thì, về mặt lý luận, có rất nhiều trường hợp không thể xác lập được quốc tịch cho trẻ sơ sinh được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam. Nguyên tắc xác lập quốc tịch của trẻ sơ sinh Quốc tịch có ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi cá nhân. Bởi vì, nếu không có quốc tịch thì cá nhân đó sẽ không được hưởng tất cả các quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của một công dân ở bất kỳ một quốc gia nào, đặc biệt là họ sẽ không được quốc gia nào thực hiện việc bảo hộ ngoại giao nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng khi tham gia vào các quan hệ pháp luật. Do đó việc xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về xác lập quốc tịch, trước tiên là đối với trẻ sơ sinh của các quốc gia, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo quyền có quốc tịch của mọi cá nhân.   Có hai nguyên tắc phổ biến để các quốc gia xác lập quốc tịch cho trẻ em mới được sinh ra. Đó là, quốc tịch của đứa trẻ được xác định theo quốc tịch của cha, mẹ (nguyên tắc huyết thống) hoặc đứa trẻ được sinh ra trên lãnh thổ của quốc gia nào thì có quốc tịch của quốc gia đó (nguyên tắc nơi sinh). Tuy nhiên, nếu một quốc gia chỉ áp dụng một trong hai nguyên tắc nêu trên thì sẽ xảy ra tình trạng rất nhiều đứa trẻ sinh ra sẽ không có quốc tịch của quốc gia nào cả. Cụ thể, đối với nguyên tắc thứ nhất, đứa trẻ sẽ không có quốc tịch khi cha và mẹ của đứa trẻ không có quốc tịch, hoặc khi không xác định được cha mẹ của đứa trẻ là ai. Ví dụ: Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và được tìm thấy trên lãnh thổ của quốc gia áp dụng nguyên tắc huyết thống. Do đó, nếu không xác định được quốc tịch của cha mẹ thì sẽ không thể xác định được quốc tịch của đứa trẻ. Đối với nguyên tắc thứ hai, đứa trẻ cũng có thể không có quốc tịch khi cha mẹ của đứa trẻ là công dân của quốc gia áp dụng nguyên tắc nơi sinh mà đứa trẻ lại được sinh ra trên lãnh thổ của quốc gia áp dụng nguyên tắc huyết thống. Bởi vì lúc này, quốc gia của cha mẹ đứa trẻ không chấp nhận quốc tịch của đứa trẻ với lý do theo pháp luật của quốc gia này thì đứa trẻ phải được xác định là có quốc tịch của quốc gia nơi được sinh ra. Nhưng ngược lại, quốc gia nơi đứa trẻ được sinh ra lại áp dụng nguyên tắc huyết thống và cho rằng đứa trẻ phải có quốc tịch của nước mà cha mẹ đứa trẻ là công dân nên không chấp nhận đứa trẻ có quốc tịch của quốc gia mình. Để khắc phục tình trạng nêu trên, nhằm đảm bảo cho trẻ em được sinh ra đều có quốc tịch, rất nhiều quốc gia áp dụng đồng thời cả hai nguyên tắc huyết thống và nơi sinh để xác định quốc tịch cho trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ của mình, trong đó có Việt Nam. Xác lập quốc tịch của trẻ sơ sinh theo pháp luật Việt Nam Theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam thì trẻ em sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam, không kể trẻ em đó được sinh ra trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam1. Rõ ràng, Việt Nam đang áp dụng nguyên tắc huyết thống để xác định quốc tịch cho trẻ em. Hơn thế nữa, nguyên tắc này còn được chúng ta áp dụng một cách rất thông thoáng, bằng việc quy định chỉ cần có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thì đứa trẻ chắc chắn sẽ có và có thể có quốc tịch Việt Nam2. Ngoài ra, để hạn chế tình trạng không quốc tịch của trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam, trong trường hợp không thể xác định quốc tịch của đứa trẻ theo nguyên tắc huyết thống, thì Việt Nam sẽ áp dụng nguyên tắc thứ hai, đó là nguyên tắc nơi sinh. Trường hợp này sẽ áp dụng để xác định quốc tịch cho đứa trẻ được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cả cha và mẹ đều không có quốc tịch hoặc trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam3… Như vậy, để xác định quốc tịch cho đứa trẻ sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam, Việt Nam áp dụng đồng thời cả hai nguyên tắc huyết thống và nơi sinh, trong đó nguyên tắc huyết thống là nguyên tắc ưu tiên. Có nghĩa là, khi nào không thể xác định quốc tịch cho đứa trẻ bằng nguyên tắc huyết thống thì chúng ta mới vận dụng nguyên tắc nơi sinh để xác định. Mặc dù vậy, theo chúng tôi, quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành vẫn còn rất nhiều khả năng đứa trẻ sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam có thể không có quốc tịch. Thứ nhất, có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài4 Đây là trường hợp xảy ra trong quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, rất phổ biến ở  Việt Nam hiện nay. Trong trường hợp này, đứa trẻ sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam sẽ không có quốc tịch nếu cha mẹ của đứa trẻ không thỏa thuận được, hoặc không chọn quốc tịch Việt Nam cho con, nhất là khi quốc gia của cha hoặc mẹ là người nước ngoài áp dụng nguyên tắc nơi sinh. Do đó, quy định tại khoản 2, Điều 17 cần phải dự liệu thêm cách xác định quốc tịch Việt Nam cho đứa trẻ khi cha mẹ không thỏa thuận được hoặc trong trường hợp cha hoặc mẹ là người nước ngoài chết hoặc sau khi đứa trẻ sinh ra thì bỏ về nước ngoài, không trở lại để thoả thuận chọn quốc tịch cho con lúc khai sinh… Bởi vì, căn cứ vào các quy định hiện hành thì chúng ta không thể xác định quốc tịch Việt Nam cho đứa trẻ trong khai sinh được, nếu xác định quốc tịch là quốc tịch Việt Nam thì sẽ vi phạm khoản 2, Điều 17 vì không có sự thỏa thuận giữa cha và mẹ của đứa trẻ. Còn nếu xác định quốc tịch Việt Nam theo khoản 1, Điều 17 theo cách “cha không rõ là ai” cũng không được vì rõ ràng chúng ta đã xác định được cha, mẹ của đứa trẻ. Ngoài ra, chúng ta phải dự liệu thêm trường hợp quốc gia của cha hoặc mẹ là người nước ngoài không chấp nhận quốc tịch của đứa trẻ. Như vậy, tại khoản 2, Điều 17 này nên quy định thêm như sau: “trong trường hợp cha hoặc mẹ là người nước ngoài chết hoặc cha mẹ không thỏa thuận được hoặc theo pháp luật của nước mà cha hoặc mẹ là người nước ngoài không chấp nhận quốc tịch của đứa trẻ thì đứa trẻ có quốc tịch Việt Nam nếu đăng ký khai sinh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam”. Tuy nhiên, đối với việc xác định quốc tịch Việt Nam mặc nhiên cho đứa trẻ trong trường hợp cha mẹ không thỏa thuận được, thì chúng ta có thể quy định thêm quyền lựa chọn lại quốc tịch của đứa trẻ khi đứa trẻ được từ 15 đến dưới 18 tuổi, nếu pháp luật của quốc gia hữu quan cho phép. Thứ hai, khi cha mẹ đứa trẻ là người không có quốc tịch mà sinh con trên lãnh thổ Việt Nam 5 Theo quy định thì những đứa trẻ sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam có cha mẹ là người không có quốc tịch, sẽ có quốc tịch Việt Nam: “Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh có cha mẹ đều là người không có quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam; trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh có mẹ là người không có quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai, thì có quốc tịch Việt Nam”. Tuy nhiên, quy định này lại cũng chưa bao quát hết. Bởi vì, căn cứ vào nội dung, chỉ có thể xác định được quốc tịch cho đứa trẻ khi cha mẹ, hoặc ít nhất là người mẹ có nơi thường trú tại Việt Nam. Điều này có nghĩa là, trong trường hợp cha mẹ của đứa trẻ không có quốc tịch và không có nơi thường trú tại Việt Nam nhưng sinh con trên lãnh thổ Việt Nam thì đứa trẻ sẽ không có quốc tịch. Do đó, chúng ta nên đảm bảo quốc tịch cho đứa trẻ bằng việc quy định: “nếu cha mẹ là người không có quốc tịch hoặc mẹ là người không có quốc tịch còn cha không rõ là ai thì đứa trẻ có quốc tịch Việt Nam nếu đăng ký khai sinh tại Việt Nam”. Có như thế mới đảm bảo được chủ trương tạo điều kiện tối đa cho trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều có quốc tịch, đảm bảo được quyền có quốc tịch của cá nhân nói chung và của trẻ em nói riêng khi sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Bộ luật Dân sự Việt Nam; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em năm 1989… Thứ ba, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam Theo Điều 19, Luật Quốc tịch Việt Nam thì trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai thì có quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ em này chưa đủ 15 tuổi mà tìm thấy cha mẹ đều có quốc tịch nước ngoài, cha hoặc mẹ có quốc tịch nước ngoài hoặc người giám hộ có quốc tịch nước ngoài thì người đó không còn quốc tịch Việt Nam… Quy định này cũng có thể làm cho đứa trẻ mất quốc tịch Việt Nam mà không nhận được quốc tịch nước ngoài và trở thành người không có quốc tịch. Cụ thể, nếu đứa trẻ tìm thấy được cha mẹ của mình nhưng quốc gia của cha mẹ đứa trẻ áp dụng nguyên tắc nơi sinh và quy định đứa trẻ phải có quốc tịch Việt Nam, nơi được sinh ra, thì lúc đó đứa trẻ sẽ không có quốc tịch. Do đó, Điều 19, Luật Quốc tịch Việt Nam cần phải bổ sung thêm là “trong trường hợp đứa trẻ không được quốc gia của cha mẹ chấp nhận quốc tịch thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam”. Tuy quy định như vậy sẽ không phù hợp với tính ưu tiên của nguyên tắc huyết thống theo Luật Quốc tịch Việt Nam, vì rõ ràng cha mẹ của đứa trẻ có thể là công dân nước ngoài. Nhưng khi tính đến yếu tố đứa trẻ đã và đang mang quốc tịch Việt Nam thì lại rất phù hợp với truyền thống và bản chất nhân đạo của pháp luật Việt Nam trong việc đảm bảo quyền có quốc tịch của đứa trẻ, khi pháp luật của quốc gia mà người cha và mẹ là công dân không chấp nhận quốc tịch của đứa trẻ. Ngoài ra, quy định tại khoản 2, Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam cũng còn có những điểm chưa chính xác về thuật ngữ, có thể dẫn đến việc mất quốc tịch của trẻ em là công dân Việt Nam. Khoản 2, Điều 17 quy định “trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là công dân nước ngoài, thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thoả thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con”, nhưng khoản 2, Điều 19 lại quy định đứa trẻ không còn quyền có quốc tịch Việt Nam nếu tìm thấy “cha mẹ đều có quốc tịch nước ngoài, cha hoặc mẹ có quốc tịch nước ngoài”. Như vậy sẽ xảy ra hai trường hợp là: Thứ nhất, trường hợp đứa trẻ tìm thấy cha hoặc mẹ có quốc tịch nước ngoài, còn người kia là công dân Việt Nam thì sao? Theo khoản 2, Điều 17 thì lúc này, cha và mẹ của đứa trẻ có thể thoả thuận chọn quốc tịch Việt Nam cho đứa trẻ. Thứ hai, trường hợp cha mẹ mà đứa trẻ tìm thấy là người “có quốc tịch nước ngoài”, căn cứ vào pháp luật Việt Nam nói chung và các quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam nói riêng thì “có quốc tịch nước ngoài” chưa hẳn đã là người nước ngoài, cụ thể, cha mẹ của đứa trẻ vừa có quốc tịch nước ngoài nhưng lại vừa có quốc tịch Việt Nam thì lúc đó họ là công dân Việt Nam theo nguyên tắc một quốc tịch của Luật Quốc tịch Việt Nam. Do đó, ở đây, chúng ta phải sử dụng thuật ngữ “công dân nước ngoài” thay cho “người có quốc tịch nước ngoài” thì mới tránh được tình trạng trẻ em bị mất quốc tịch Việt Nam trong khi cha mẹ của họ vẫn là công dân Việt Nam. Hay nói cách khác, trong trường hợp đứa trẻ tìm thấy được cha mẹ là người có hai quốc tịch mà trong đó có quốc tịch Việt Nam thì chúng ta phải giữ quốc tịch Việt Nam cho đứa trẻ. Một trường hợp nữa có thể xảy ra mà Điều 19, Luật Quốc tịch Việt Nam chưa dự liệu, đó là khi đứa trẻ tìm thấy cha mẹ, cha hoặc mẹ, người giám hộ nhưng những người này là người không có quốc tịch và cũng không có nơi cư trú tại Việt Nam thì quốc tịch của đứa trẻ sẽ xác định như thế nào? Lúc này, chúng ta không thể áp dụng pháp luật tương tự để xác định quốc tịch cho đứa trẻ theo quy định của Điều 18, Luật Quốc tịch Việt Nam. Bởi vì, có thể đứa trẻ không được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam và cha mẹ của đứa trẻ không có nơi thường trú tại Việt Nam vào lúc sinh ra đứa trẻ. Do đó, cần phải bổ sung thêm quy định “trong trường hợp đứa trẻ tìm thấy cha mẹ, cha hoặc mẹ, người giám hộ là người không có quốc tịch thì đứa trẻ vẫn còn quốc tịch Việt Nam”. Tóm lại, với quy định hiện hành thì Luật Quốc tịch Việt Nam vẫn chưa dự liệu hết những trường hợp rất dễ xảy ra nêu trên. Do đó, chúng ta cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành thêm những văn bản hướng dẫn thi hành nhằm hoàn chỉnh pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực quốc tịch nói chung và các quy định về việc xác lập quốc tịch của trẻ em sinh ra, tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam nói riêng để đảm bảo, tạo điều kiện cho trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều có quốc tịch. ======= ***** ======= Chú thích: 1 Điều 16, Luật Quốc tịch Việt Nam. 2 Điều 17, Luật Quốc tịch Việt Nam. 3Điều 18, Điều 19, Luật Quốc tịch Việt Nam. 4 Khoản 2, Điều 17, Luật Quốc tịch Việt Nam.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật