BÌNH LUẬN VÀ GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT TRỌNG TÀI (DỰ THẢO NGÀY 04/11/2008)

I. BÌNH LUẬN CHUNG 1. Sự kế thừa Bản thân Pháp lệnh Trọng tài thương mại (sau đây: PLTTTM hoặc Pháp lệnh) là một sự phát triển vượt bậc so với các quy định tiền thân về giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài trong Nghị định số 116/CP ngày 05/9/1994 về tổ chức và hoạt động của trọng tài kinh tế, Quyết định số 204/TTg ngày 28/4/1993 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam và Quyết định số 114/TTg ngày 16/02/1996 của Thủ tướng Chính phủ về mở rộng thẩm quyền giải quyết trang chấp của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam[1]. Bởi vì, với PLTTTM, lần đầu tiên Việt Nam có một cơ sở pháp lý thống nhất, tương đối đầy đủ, tương đối chặt chẽ để thực thi một phương thức giải quyết tranh chấp đã được chứng minh tính hiệu quả của nó tại các nước phát triển. Trên cơ sở PLTTTM đã có một số tranh chấp trong hoạt động thương mại được giải quyết tại các trung tâm trọng tài, trong đó đặc biệt tại Trung tâm Trọng tài quốc tế bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC)[2]. Bên cạnh đó có một thực tế không được thể hiện trong các con số thống kê là đã có rất nhiều thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài Việt Nam trong các hợp đồng trong lĩnh vực thương mại, đặc biệt là trong các hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Các nhà soạn thảo PLTTTM cũng đã tham khảo Luật mẫu của UNCITRAL và luật nước ngoài, nên bản thân Pháp lệnh này đã đạt được một mức độ tương đồng nhất định với Luật mẫu và luật nước ngoài. Chính vì vậy, thương nhân nước ngoài cũng đã chấp nhận thỏa thuận giải quyết tranh chấp trước trọng tài Việt Nam.   Bởi vậy, Dự thảo đã biết kế thừa hạt nhân tốt của Pháp lệnh. Về cơ bản, Dự thảo có cấu trúc tương tự Pháp lệnh, mặc dù có sự sắp xếp lại cũng như bổ sung các chương, điều. Nhiều điều khoản của Pháp lệnh được giữ nguyên hoặc chỉ được sửa đổi trong cách sử dụng từ ngữ, thuật ngữ. Nhìn chung với Dự thảo như vậy, Luật mới sẽ không gây khó khăn đáng kể cho việc hiểu và áp dụng luật. Đây là một yêu cầu quan trọng trong lập pháp mà Dự thảo đáp ứng được. 2. Sự phát triển Mặc dù PLTTTM thể hiện sự tiến bộ vượt bậc so với quy định pháp luật tiền thân về trọng tài, nhưng nó cũng bộc lộ nhiều hạn chế trong thực tiễn áp dụng và vì vậy chưa thực sự trở thành một công cụ pháp luật được áp dụng phổ biến trong giải quyết tranh chấp. Bởi vậy, pháp luật về giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài cần phải được cải cách theo hướng phát huy được những ưu điểm vốn có của nó đã được thừa nhận rộng rãi trên bình diện quốc tế. Theo hướng đó, Luật mới không chỉ nhằm khắc phục các bất cập, thiếu sót mang tính kỹ thuật, mà còn phải tạo được những công năng mới, hiện đại và thân thiện với người sử dụng. Trên cơ sở kế thừa hạt nhân tốt của Pháp lệnh TTTM, tiếp thu các ý kiến phản ánh từ hoạt động thực tiễn và khoa học, tiếp thu luật nước ngoài và Luật mẫu của UNCITRAL, theo tôi, Dự thảo Luật Trọng tài này đã thể hiện những đổi mới, phát triển cơ bản như sau: Thứ nhất, Dự thảo đã dỡ bỏ hạn chế của Pháp lệnh là chỉ cho phép giải quyết các tranh chấp thương mại bằng phương thức trọng tài, thông qua việc mở rộng phạm vi điều chỉnh tới tất cả tranh chấp dân sự, dù phát sinh từ nghĩa vụ hợp đồng hay nghĩa vụ ngoài hợp đồng (Điều 2), chỉ trừ các tranh chấp liên quan đến các quyền nhân thân, tranh chấp liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình theo quy định của pháp luật dân sự và hôn nhân gia đình và tranh chấp hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính (Điều 18).[3] Điều đó một mặt giúp giải quyết được khó khăn trong việc phân định ranh giới giữa tranh chấp thương mại và không thương mại trong lý luận và thực tiễn. Mặt khác, và là điều quan trọng hơn, tạo cho các bên dân sự nói chung – không chỉ cho thương nhân – một công cụ giải quyết tranh chấp mà ưu điểm của nó đã được thừa nhận rộng rãi. Ngoài ra, điều đó còn giúp cho pháp luật tố tụng Việt Nam xích lại gần hơn với pháp luật tố tụng các nước phát triển. Tiếp đó, khi việc phán quyết trọng tài về các tranh chấp không thương mại cũng cần được công nhận và cho thi hành ở nước ngoài, thì bản thân Việt Nam cũng sẽ tiến tới hủy bỏ bảo lưu của mình trong việc công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài[4]. Tuy nhiên, cũng có ý kiến trái chiều về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật mới. Có ý kiến cho rằng việc mở rộng phạm vi áp dụng sẽ ít có ý nghĩa thực tiễn, vì thông thường chỉ các bên trong quan hệ thương mại mới thỏa thuận trọng tài. Ý kiến như vậy là không thuyết phục, bởi vì các bên trong tranh chấp không thương mại cũng phải cóquyền lựa chọn phương thức tranh chấp bằng trọng tài, cho dù họ có sử dụng nó trên thực tế hay không. Ý kiến cho rằng Luật mẫu cũng chỉ điều chỉnh phương thức giải quyết bằng trọng tài đối với tranh chấp thương mại cũng không thuyết phục, bởi vì hoạt động của UNCITRAL chỉ giới hạn trong phạm vi Luật thương mại quốc tế. Thứ hai, Dự thảo đã nâng vị thế của trọng tài một cách đáng kể thông qua việc cho phép trọng tài ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời, mặc dù đương nhiên vẫn phải bảo lưu quyền công nhận và cho thi hành của tòa án đối với các biện pháp của trọng tài. Điều này chắc chắn sẽ giúp cho tố tụng trọng tài vận hành có hiệu quả hơn. Trong chừng mực đó dự thảo đã tiếp thu phát triển mới quan trọng của Luật mẫu được thông qua năm 2006.[5] Thứ ba, Dự thảo đã hạn chế nguy cơ phán quyết của trọng tài bị tòa án tuyên hủy bởi lý do trọng tài viên vi phạm nghĩa vụ của trọng tài viên được quy định tại khoản 2 Điều 13 Pháp lệnh (khoản 5 Điều 54 Pháp lệnh), thông qua việc bỏ căn cứ hủy này trong Dự thảo. Thep Pháp lệnh thì phán quyết trọng tài rất dễ bị hủy bỏ nếu bên yêu cầu hủy viện dẫn vào căn cứ đó. Quy định này của Pháp lệnh làm tố tụng trọng tài trở nên rất rủi do và vì vậy kém hấp dẫn.[6] Thứ tư, Dự thảo đã tiếp thu một nguyên tắc cấm hành vi mâu thuẫn trong tố tụng, là một nguyên tắc rất quan trọng trong pháp luật tố tụng, đã hình thành lâu đời trong pháp luật tố tụng của các nước phát triển. Theo đó Dự thảo đã bổ sung điều khoản, theo đó “khi một bên biết rằng theo các quy định về tố tụng trọng tài của Luật này hoặc theo quy định của thỏa thuận trọng tài thì: (a) Hội đồng Trọng tài không có thẩm quyền xét xử; hoặc (b) Thủ tục tố tụng đã không được tiến hành đúng qui định; hoặc (c) Có sự không tuân thủ thoả thuận trọng tài; hoặc (d) Đã có vi phạm khác ảnh hưởng đến Hội đồng Trọng tài hoặc ảnh hưởng đến quá trình tố tụng; nhưng vẫn tham gia quá trình tố tụng mà không phản đối, thì sẽ bị xem như đã từ chối quyền tố tụng của mình tại Hội đồng Trọng tài hoặc trước tòa án.” Quy định này có khả năng ngăn chặn các hành vi cơ hội trong tố tụng một cách có hiệu quả. Thứ năm, Dự thảo cũng đồng thời hoàn thiện các quy định của Pháp lệnh về hỗ trợ của tòa án đối với tố tụng trọng tài. Trong đó Dự thảo mở rộng tòa án có thẩm quyền về lãnh thổ đối với việc hỗ trợ tố tụng trọng tài, giúp tố tụng trọng tài được tiện lợi hơn, tiết kiệm hơn và hiệu quả hơn. Thứ sáu, Dự thảo cũng thể hiện một đổi mới hết sức quan trọng cách thức lập pháp: Theo đó, Luật mới sẽ không ủy quyền một cách chung chung như các luật khác là “Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật này”. Thay vì điều đó Dự thảo quy định, “Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung đã được ủy quyền chi tiết trong Luật này. Quy định như vậy, nếu được tuân thủ nghiêm ngặt, sẽ góp phần hạn chế tình trạng Chính phủ làm luật và sửa luật lâu nay. Thứ bảy, ngoài ra Dự thảo cũng đã khắc phục nhiều bất cập, thiếu sót của Pháp lệnh, cho dù nhiều bất cập, thiếu sót của Pháp lệnh “chỉ” có tính kỹ thuật, nhưng lại hạn chế một cách đáng kể tính hiệu quả của tố tụng trọng tài. Mặc dù vậy, theo tôi Dự thảo cũng còn cần được hoàn thiện ở một số điểm. Sau đây là các bình luận và góp ý về một số điều khoản cụ thể của Dự thảo. II. CÁC BÌNH LUẬN VÀ GÓP Ý VỀ MỘT SỐ ĐIỀU KHOẢN CỤ THỂ [1] Điều 2. Các tranh chấp có thể giải quyết bằng trọng tài (mới) Về mặt kỹ thuật, nên ghép quy định tại Điều 18 vào đây hoặc loại trừ các trường hợp nêu tại Điều 18. [2] Điều 3. Giải thích từ ngữ (sửa đổi) Khái niệm “Trọng tài thường trực” không được sử dụng thì không cần phải được định nghĩa. Trong khi đó DT sử dụng khái niệm “trọng tài quy chế (khoản 11, 12 Điều 3) nhưng lại không định nghĩa. Hai khái niệm này đồng nghĩa; bởi vậy chỉ nên sử dụng một trong hai khái niệm này. [3] Điều 7. Khuyến khích giải quyết tranh chấp lựa chọn (mới) Mặc dù quy định của Điều này cho phép hiểu không bắt buộc phải tiến hành hòa giải trước khi khởi kiện tại trọng tài; tuy nhiên để không gây nhầm lẫn nên quy định rõ điều đó. Theo đó nên bổ sung vào khoản 2: Không bắt buộc phải tiến hành hòa giải trước khi khởi kiện tại trọng tài. Trong quá trình hoà giải, nếu một bên đưa tranh chấp ra trọng tài thì việc hoà giải đó mặc nhiên chấm dứt. [4] Điều 12. Cách thức gửi thông báo và trình tự gửi thông báo (mới) Điều 12 không quy định thời hạn nào cả. Bởi vậy cụm từ “Thời hạn quy định trong điều này bắt đầu được tính từ” nên được thay thế bằng cụm từ: “Các thời hạn do hội đồng trọng tài ấn định bắt đầu được tính từ”. [5] Điều 13. Trọng tài quốc tế (giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài) (mới) Từ “ký kết” tại điểm a khoản 1 nên được thay thế bằng từ “xác lập” cho nhất quán và phù hợp với quy định về hình thức thỏa thuận trọng tài tại Điều 16 Dự thảo. Cần xem xét lại diễn đạt của câu đầu tại điểm b khoản 1, vì không rõ nghĩa. [6] Điều 14. Pháp luật áp dụng giải quyết tranh chấp (sửa đổi) Bản thân việc lựa chọn pháp luật nước ngoài và áp dụng pháp luật nước ngoài là được phép thì không thể trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật VN hay trái với trật tự công cộng được thừa nhận tại VN. Bởi vậy nội dung này cần được diễn đạt lại là: “Không được áp dụng một quy định pháp luật của một nước khác, nếu việc áp dụng quy định đó dẫn đến kết quả mà kết quả đó rõ ràng trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, trái với trật tự công cộng được thừa nhận tại Việt Nam”. Nên tham khảo các quy định có nội dung tương ứng trong luật nước ngoài: Điều 6 Luật thi hành Bộ luật Dân sự CHLB Đức (EBBGB);… [7] Điều 17. Quyền khước từ trọng tài của người tiêu dùng (mới) Theo quy định tại Điều 17 thì người tiêu dùng trong tranh chấp có yếu tố nước ngoài không được khước từ giải quyết bằng trọng tài theo quy định này? Nếu đúng như vậy thì không hợp lý; ít nhất cũng không hợp lý trong trường hợp người tiêu dùng là người tiêu dùng VN. [8] Điều 18: Tranh chấp không thuộc thẩm quyền của trọng tài (mới) Nên ghép nội dung Điều 18 vào Điều 2 (Các tranh chấp có thể giải quyết bằng trọng tài) hoặc Điều 2 quy định “trừ các trường hợp quy định tại Điều 18 Luật này”. [9] Điều 19. Thoả thuận trọng tài vô hiệu (sửa đổi) Tại sao Điều 19 Dự thảo lại bỏ nội dung khoản 4 Điều 10 Pháp lệnh TTTM (Thoả thuận trọng tài không quy định hoặc quy định không rõ đối tượng tranh chấp, tổ chức trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp mà sau đó các bên không có thoả thuận bổ sung)? Có phải vì những trường hợp nêu ở đó thuộc trường hợp “thỏa thuận trọng tài không thực hiện được” nêu tại Điều 6 Dự thảo? [10] Điều 19. Thoả thuận trọng tài vô hiệu (sửa đổi) Trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu theo quy định tại khoản 5 Điều 19 Dự thảo (“Một trong các bên bị lừa dối, bị đe doạ trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó vô hiệu”) thì bên bị lừa dối, đe dọa yêu cầu ai tuyên bố vô hiệu? Có thể yêu cầu tòa án tuyên bố vô hiệu? Theo tôi bên bị lừa dối, đe dọa có thể yêu cầu tòa án tuyên bố thỏa thuận trọng tài vô hiệu trước khi bị khởi kiện trước trọng tài; còn nếu đã bị khởi kiện tại trọng tài thì chỉ có quyền yêu cầu trọng tài tuyên bố thỏa thuận trọng tài vô hiệu. Trường hợp chấp nhận đề xuất này thì nên bổ sung khoản 5 Dự thảo: “Một trong các bên bị lừa dối, bị đe doạ trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và yêu cầu tòa án tuyên bố thỏa thuận trọng tài đó vô hiệu. Trường hợp bên đó bị khởi kiện trước trọng tài thì chỉ được yêu cầu trọng tài đó tuyên bố thỏa thuận trọng tài đó vô hiệu.” [11] Điều 20. Sự độc lập của thoả thuận trọng tài (sửa đổi) Bổ sung trường hợp “hợp đồng không thể thực hiện được” có ý nghĩa gì? BLDS (Điều 411) chỉ quy định trường hợp “hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được” là trường hợp hợp đồng vô hiệu. Nếu Dự thảo cũng hiểu đây là trường hợp quy định tại Điều 411 BLDS, thì không cần bổ sung trường hợp này, vì trường hợp này đã được bao hàm bởi trường hợp “hợp đồng vô hiệu”. [12] Điều 21. Điều kiện của Trọng tài viên (sửa đổi) Nên xem xét lại việc dùng khái niệm “thương nhân” ở đây. Việc dùng khái niệm “thương nhân” ở đây phải tương thích với khái niệm thương nhân quy định trong các văn bản pháp luật về thương mại. Theo đó các nhân chỉ được xem là thương nhân khi có ĐKKD dưới hình thức hộ kinh doanh hay DNTN; cá nhân là người quản lý trong các doanh nghiệp loại khác thì không được xem là thương nhân. Bởi vậy, nên bỏ từ “thương nhân” trong điểm b khoản 1 Điều 21 Dự thảo. [13] Điều 22bis: Miễn trừ trách nhiệm Nếu quy định như trong Dự thảo thì Trọng tài viên của Trọng tài ad hoc tuân thủ tiêu chuẩn đạo đức nào? [14] Điều 23. Điều kiện thành lập Tổ chức Trọng tài (sửa đổi) Dự thảo tạo rào cản mới (đề nghị của một hiệp hội chuyên ngành) đối với việc thành lập Tổ chức trọng tài. Rào cản này có chính đáng? Cần có lý lẽ thuyết phục cho quy định này. [15] Điều 23. Điều kiện thành lập Tổ chức Trọng tài (sửa đổi) Nên sửa lại nội dung khoản 3 Điều 23 DT: “Trong thời hạn 45 ngày, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp giấy phép thành lập Tổ chức Trọng tài và phê chuẩn điều lệ. Trong trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản.” như nội dung khoản 5 Điều 14 Pháp lệnh TTTM, vì điều khoản của Pháp lệnh chính xác hơn. Như vậy nội mới nên là: “Trong thời hạn 45 ngày, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp giấy phép thành lập Tổ chức Trọng tài và phê chuẩn điều lệ. Trong trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.” [16] Điều 24. Đăng ký hoạt động của Tổ chức Trọng tài Quy định tại Điều 24 Dự thảo không cho thấy Giấy phép “bị thu hồi” như thế nào? Cần phải có quyết định thu hồi? Nếu không có quyết định thu hồi thì giấy phép vẫn còn hiệu lực? Trong trường hợp đó vẫn được đăng ký hoạt động? Sẽ chính xác hơn nếu câu cuối quy định: “Hết thời hạn này mà Tổ chức Trọng tài không đăng ký thì giấy phép hết hiệu lực.” [17] Điều 26. Tư cách pháp nhân và cơ cấu của Tổ chức Trọng tài (sửa đổi) Nên thay vế câu “đại diện cho pháp nhân tổ chức trọng tài” trong khoản 4 Điều 26 DT bằng “đại diện theo pháp luật của Tổ chức Trọng tài”. [18] Điều 29. Đơn kiện (sửa đổi) Khoản 1, 2 Điều 29 Dự thảo nên có cấu trúc như khoản 1, 2 Điều 20 Pháp lệnh TTTM, nghĩa là quy định về đơn kiện để giải quyết tranh chấp tại Tổ chức trọng tài cần được tách ra khỏi quy định về đơn kiện để giải quyết tranh chấp tại Trọng tài vụ việc. Quy định như Pháp lệnh rõ ràng và dễ áp dụng hơn. Còn quy định tại điểm g khoản 2 Điều 29 DT là đặc biệt rối rắm. [19] Điều 29. Đơn kiện (sửa đổi) Cụm từ “đơn kiện của bị đơn” trong khoản 4 Điều 29 cần được sửa lại thành “đơn kiện của nguyên đơn”. [20] Điều 30. Thời hiệu khởi kiện giải quyết vụ tranh chấp bằng trọng tài (sửa đổi) Sửa đổi như Dự thảo, theo đó thời hiệu được tính “kể từ ngày người bị vi phạm biết hoặc có nghĩa vụ phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm” là phù hợp với lôgíc pháp lý. Bởi vì nếu tính “từ ngày xảy ra tranh chấp” như Pháp lệnh thì xảy ra trường hợp: trong hoạt động thương mại nếu một bên không khiếu nại trong thời hạn khiếu nại thì mất quyền khởi kiện, nhưng theo Pháp lệnh thì vẫn còn thời hiệu khởi kiện nếu các bên không tranh chấp trong thời hạn khiếu nại. [21] Điều 31. Phí trọng tài (sửa đổi) Nếu quy định như khoản 3 Điều 31 Dự thảo (Bên thua kiện phải chịu phí trọng tài, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc Hội đồng Trọng tài có quyết định khácvề nghĩa vụ chịu chi phí trọng tài) thì “Hội đồng trọng tài quyết định khác” dựa trên căn cứ nào? Nên sửa lại: “Bên thua kiện phải chịu phí trọng tài, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Trường hợp mỗi bên thắng kiện, thua kiện một phần Hội đồng trọng tài quyết định nghĩa vụ chịu chi phí trọng tài theo tỉ lệ thắng thua, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. [22] Điều 32. Địa điểm tiến hành trọng tài (sửa đổi) Mặc dù quy định tại khoản 3 Điều 13 Dự thảo cho thấy các bên có thể thỏa thuận địa điểm giải quyết tranh chấp ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Nhưng để quy định pháp luật được rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, nên bổ sung vào Điều 32 cụm từ: “…trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam;…”. Như vậy Điều 32 sẽ có nội dung: “Các bên có quyền thoả thuận địa điểm giải quyết vụ tranh chấp trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam; nếu không có thoả thuận thì Hội đồng Trọng tài quyết định.” [23] Điều 33. Bản tự bảo vệ (sửa đổi) Sửa lại vế câu đầu của khoản 4 thành: “Ngoài nội dung quy định tại khoản 3 Điều này, …”. [24] Điều 36. Trọng tài vụ việc (sửa đổi) Trong các trường hợp nêu tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 36 đều mới chỉ quy định thời hạn Chánh án phải giao cho một thẩm phán chỉ định trọng tài viên cho bị đơn; bên cạnh đó còn cần phải quy định rõ Thẩm phán được giao phải chỉ định trọng tài viên trong thời hạn bao lâu? Ngoài ra tại các khoản của Điều 36 cần quy định thống nhất Chánh án có thẩm quyền là “Chánh án Tòa án có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 điều 8 của Luật này”. [25] Điều 40. Phạm vi thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài (sửa đổi) Nội dung Điều này tốt hơn điều khoản tương ứng của Pháp lệnh và phù hợp với Luật mẫu. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 40 nên được chỉnh sửa lại như sau: “3. Nếu bị đơn khiếu nại về việc Hội đồng trọng tài không có thẩm quyền thì đơn khiếu nại này phải được gửi cho Hội đồng trọng tài trước hoặc muộn nhất là cùng với bản tự bảo vệ. Bị đơn vẫn có quyền khiếu nại này kể cả khi đã chỉ định trọng tài viên hoặc tham gia việc chỉ định trọng tài viên. Khiếu nại về việc Hội đồng Trọng tài vượt quá phạm vi thẩm quyền phải được đưa ra ngay khi phát hiện sự kiện được cho là vượt quá thẩm quyền. Trong những trường hợp này, Hội đồng trọng tài có thể chấp nhận khiếu nại nếu thấy hợp lý.” [26] Điều 42. Thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài về chứng cứ (giữ nguyên) Nên sửa lại diễn đạt khoản 1 Điều 42 cho phù hợp với nội dung như sau: “Theo yêu cầu của một hoặc các bên, Hội đồng Trọng tài trưng cầu giám định hoặc kết luận chuyên gia và thông báo cho các bên biết. Bên yêu cầu phải nộp tạm ứng phí giám định và chi phí chuyên gia.” [27] Điều 43. Thẩm quyền của hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (mới) Bổ sung thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho Hội đồng trọng tài giúp nâng vị thế của Hội đồng trọng tài phù hợp với chức năng xét xử (giải quyết tranh chấp) của Hội đồng trọng tài. Bổ sung này phù hợp với bổ sung năm 2006 vào Luật mẫu. [28] Điều 44. Điều kiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (mới) Nên sửa lại diễn đạt của điểm b khoản 1 Điều 44 cho rõ nghĩa hơn như sau: “b. Có cơ sở để cho rằng bên yêu cầu có thể thắng kiện đối với các vấn đề được yêu cầu. Việc cho rằng có tồn tại cơ sở như vậy không ảnh hưởng tới việc đánh giá của Hội đồng trọng tài về bất kỳ vấn đề nào tiếp sau đó. Cần bỏ hai chữ “áp dụng” thừa trong khoản 3: “3. Trước khi áp dụng quyết định cho áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Hội đồng trọng tài có thể yêu cầu bên có yêu cầu và bất kỳ bên nào khác cung cấp các biện pháp an toàn phù hợp như là một điều kiện đối với việc chấp nhận một biện pháp bảo đảm tạm thời.” [29] Điều 50. Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (sửa đổi) Bởi vì tòa án cấp tỉnh nơi Hội đồng trọng tài đã thụ lý vụ tranh chấp đã được bao hàm bởi Điều 8 Dự thảo, nên cần sửa lại khoản 1 Điều 50 Dự thảo như sau: “1. Bên có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn gửi đến Toà án cấp tỉnh có thẩm quyền được xác định theo điều 8 của Luật này hoặc nơi Hội đồng Trọng tài đã thụ lý vụ tranh chấp.” [30] Điều 51. Thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (sửa đổi) Nên bổ sung quy định về thời hạn mà Thẩm phán được giao phải ra quyết định về đơn yêu cầu, theo đó khoản 2 Điều 51 Dự thảo sẽ có nội dung như sau: “2. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, Chánh án Toà án cấp tỉnh nơi đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giao cho một Thẩm phán xem xét, quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong thời hạn tối đa ba ngày làm việc, kể từ ngày được giao Thẩm phán phải ra quyết định về đơn yêu cầu. Quyết định này phải được gửi ngay cho Hội đồng Trọng tài và các bên tranh chấp.” [31] Điều 61. Nguyên tắc ra phán quyết (sửa đổi) Quy định tại khoản 2 Điều 61 Dự thảo, theo đóTrong trường hợp không đạt được đa số, quyết định của Hội đồng Trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tàilà quy định tốt so với Pháp lệnh, vì giúp giải quyết được bế tắc trong trường hợp mỗi trọng tài viên một ý khác nhau. [32] Điều 65. Lưu trữ hồ sơ trọng tài (sửa đổi) Sao lại quy định như Dự thảo: “1. Hồ sơ vụ tranh chấp tại Tổ chức Trọng tài được lưu trữ tại Tổ chức Trọng tài đó. Hồ sơ vụ tranh chấp tại Trọng tài vụ việc được lưu trữ tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 điều 8 của Luật này. 2. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày công bố phán quyết trọng tài hoặc biên bản hoà giải, Hội đồng Trọng tài phải gửi phán quyết trọng tài, biên bản hoà giải kèm theo hồ sơ giải quyết vụ tranh chấp cho Toà án cấp tỉnh nơi Hội đồng Trọng tài ra phán quyết trọng tài hoặc lập biên bản hoà giải để lưu trữ.” Nếu hồ sơ đã được lưu trữ tại Tổ chức trọng tài (khoản 1) thì làm sao có thể lưu trữ tại Tòa án được nữa? Quy định như Điều 48 Pháp lệnh tốt hơn. [33] CHƯƠNG XI: XEM XÉT LẠI PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI (MỚI) “Xem xét lại” hay “hủy”? Nên sử dụng “hủy”, bởi vì “xem xét lại” thể hiện một cấp xét xử. Nên tham khảo quy định của Luật nước ngòai và Luật mẫu về vấn đề tương ứng: - Luật Đức: Điều 1059: Antrag auf Aufhebung [Application for setting aside] (= yêu cầu hủy) - Luật Thụy Sỹ: Điều 190 Luật TPQT: Anfechtung (= yêu cầu hủy) - Luật Mẫu: Recourse against award Article 34: Application for setting aside (= yêu cầu hủy) [34] Điều 66. Căn cứ để bác phán quyết trọng tài (sửa đổi) “Bác” hay “hủy”? Nên sử dụng “hủy”. BLTTDS chỉ sử dụng khái niệm “bác” đối với đơn, yêu cầu, chứ không sử dụng đối với bản án, quyết định của tòa án, trong khi đó “phán quyết trọng tài” có giá trị như một bản án. [35] Điều 70. Toà án xét đơn yêu cầu bác phán quyết trọng tài (sửa đổi) Khoản 9 Điều 70 Dự thảo quy định: Trong trường hợp Hội đồng xét xử bác phán quyết trọng tài, nếu không có thoả thuận khác thì các bên có quyền đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Toà án trong thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật dân sự. Quy định như vậy chỉ đề cập đến “thời hiệu” chứ chưa đề cập đến “thời gian không tính vào thời hiệu”. Bởi vậy khoản 9 Điều 70 cần được bổ sung như sau: Trong trường hợp Hội đồng xét xử bác phán quyết trọng tài, nếu không có thoả thuận khác thì các bên có quyền đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Toà án trong thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật dân sự. Không tính vào thời hiệu khởi kiện thời gian từ ngày Hội đồng trọng tài nhận được đơn khởi kiện hoặc bị đơn nhận được đơn khởi kiện đến ngày tòa án ra quyết định hủy (bác) phán quyết trọng tài. [36] Điều 71. Kháng cáo quyết định của Toà án (sửa đổi) Khoản 3 Điều 71 Dự thảo quy định: “Trong trường hợp có bên không có mặt tại phiên toà sơ thẩm thì thời hạn kháng cáo quy định tại khoản 1 Điều này được tính từ ngày bản sao quyết định được giao cho bên vắng mặt; nếu kháng cáo quá hạn vì có sự kiện bất khả kháng, thì thời hạn được tính từ ngày không còn sự kiện bất khả kháng.” Khoản này nên được sửa lại cho nhất quán, theo đó “thời gian có sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hạn” chứ không quy định “thời hạn được tính từ ngày không còn sự kiện bất khả kháng”. Như vậy, khoản này sẽ có nội dung như sau: “Trong trường hợp có bên không có mặt tại phiên toà sơ thẩm thì thời hạn kháng cáo quy định tại khoản 1 Điều này được tính từ ngày bản sao quyết định được giao cho bên vắng mặt; nếu kháng cáo quá hạn vì có sự kiện bất khả kháng, thì thời gian có sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hạn [37] Điều 73. Hiệu lực của phán quyết trọng tài (sửa đổi) Khoản 1 Điều 73 Dự thảo bỏ đoạn: “trừ trường hợp Tòa án hủy (bác) phán quyết trọng tài…” trong Điều 6 Pháp lệnh TTTM là đúng, vì chừng nào phán quyết trọng tài chưa (không) bị hủy thì vẫn có hiệu lực. [38] Điều 76: Mất quyền từ chối (mới) Tiêu đề “Mất quyền từ chối” nên được thay thế bằng “Mất quyền viện dẫn”. Nội dung Điều khoản này rất tốt, vì giúp ngăn cản hành vi cơ hội trong tố tụng. Tuy nhiên nên diễn đại lại chính xác hơn như sau: “Khi một bên biết rằng theo các quy định về tố tụng trọng tài theo quy định của Luật này hoặc theo quy định của thỏa thuận trọng tài thì: (a) Hội đồng Trọng tài không có thẩm quyền xét xử; hoặc (b) Thủ tục tố tụng đã không được tiến hành đúng qui định; hoặc (c) Có sự không tuân thủ thoả thuận trọng tài; hoặc (d) Đã có vi phạm khác ảnh hưởng đến Hội đồng Trọng tài hoặc ảnh hưởng đến quá trình tố tụng; nhưng vẫn tham gia quá trình tố tụng mà không phản đối, thì sẽ bị xem như đã từ chối quyền tố tụng của mình tại Hội đồng Trọng tài hoặc trước tòa án.”

  [1] Tham khảo thêm: Nguyễn Thái Phúc, Một số ý kiến về Pháp lệnh Trọng tài thương mại, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 2/2003. [2] Tham khảo các số liệu về giải quyết tranh chấp tại VIAC trên website của tổ chức này: www.viac.org.vn ; Vũ Ánh Dương, Thực tiễn áp dụng Pháp lệnh trọng tài tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 3(46)/2008. [3] Tham khảo quan điểm về việc mở rộng loại tranh chấp được giải quyết bằng phương thức trọng tài: Phạm Duy Nghĩa, Góp ý xây dựng Luật Trọng tài, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 3(46)/2008. [4] Hiện Việt Nam bảo lưu việc chỉ công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài về các thanh chấp thương mại. [5] Năm 2006 Luật mẫu của UNCITRAL được bổ sung Chương IV A “Interim measures and priliminary orders” (Điều 17 – 17J), trong đó bổ sung thêm các quy định về việc ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài. [6] Tham khảo các ý kiến về căn cứ hủy quyết định trọng tài của Pháp lệnh TTTM: Đỗ Văn Đại, Giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài tại Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 6(43)/2007; Đỗ Văn Đại, Làm thế nào để Trọng tài Việt Nam là chỗ dựa của Doanh nghiệp?, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 2/2008.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật