THS. NGUYỄN THANH TÚ - ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh (NCS, Đại học Lund, Thụy Điển)
1. Giới thiệu chung
1.1. Mục đích chủ yếu của pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) là bảo hộ, khuyến khích và tạo động lực cho các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật thông qua việc trao cho chủ thể quyền SHTT các quyền độc quyền nhất định. Việc bảo vệ các quyền SHTT nhằm cho phép chủ thể quyền SHTT được quyền khai thác tài sản trí tuệ của mình, ngăn cấm các hành vi sử dụng, sao chép, bắt chước mà không có sự đồng ý của chủ thể quyền SHTT và không có sự bồi hoàn xứng đáng cho họ. Tuy nhiên pháp luật về SHTT không chỉ bảo vệ lợi ích của chủ thể quyền SHTT mà còn bảo vệ cả lợi ích của nhà nước, lợi ích xã hội cũng như lợi ích của người tiêu dùng, tức là phải bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền SHTT và lợi ích công cộng. Nếu lợi ích công cộng cần được bảo vệ lớn hơn lợi ích của chủ thể quyền SHTT thì nhà nước phải ưu tiên bảo vệ lợi ích công cộng. Do đó quyền SHTT luôn bị giới hạn trong phạm vi, thời hạn nhất định và trong những trường hợp đặc biệt Nhà nước có quyền “cấm hoặc hạn chế chủ thể quyền SHTT thực hiện quyền của mình hoặc buộc chủ thể quyền SHTT phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền của mình”.
[1]
1.2. Bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng (BBCGQSD) đối với quyền SHTT (compulsory licence), hay li-xăng không tự nguyện (non-vonluntary licence), là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép một bên không phải là chủ thể quyền SHTT được phép sử dụng quyền SHTT đó mà không cần có sự đồng ý của chủ thể quyền SHTT.
[2] Khái niệm BBCGQSD đối với quyền SHTT, gắn liền với nghĩa vụ đảm bảo cho sáng chế phải được sử dụng ở quốc gia bảo hộ sáng chế đó, đã từng được quy định trong Luật về độc quyền của Anh năm 1623, Luật sáng chế của Anh năm 1883 và pháp luật về sáng chế của nhiều quốc gia trong thế kỷ XIX nhằm tránh áp dụng biện pháp quá nghiêm khắc là trực tiếp đình chỉ hiệu lực của sáng chế (forfeiture).
[3] Trong Công ước quốc về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Công ước Paris năm1883, được sửa đổi vào năm 1925), BBCGQSD được quy định nhằm ngăn chặn việc lạm dụng trong quá trình thực hiện quyền độc quyền đối với sáng chế, theo đó việc đình chỉ hiệu lực của sáng chế chỉ được áp dụng khi biện pháp BBCGQSD không có hiệu quả nhằm điều chỉnh tình trạng không sử dụng (non-working) sáng chế.
[4] Mặc dù hiện nay Công ước Paris quy định thời hạn tối thiểu trước khi BBCGQSD (3 hoặc 4 năm tùy trường hợp), nó không quy định giới hạn của BBCGQSD cũng như quyền của chủ sở hữu sáng chế.
[5]
1.3. Với sự ra đời của Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPS) trong khuôn khổ của WTO, một số căn cứ BBCGQSD đối với sáng chế đã được đề cập, tuy nhiên Điều 31 Hiệp định TRIPS không giới hạn các trường hợp BBCGQSD đối với sáng chế. Nhưng BBCGQSD đối với sáng chế phải tuân thủ một số điều kiện nhất định, đó là: (i) việc BBCGQSD phải trên cơ sở từng trường hợp một, (ii) trừ trường hợp khẩn cấp, đặc biệt cấp bách hay xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh, trước khi BBCGQSD, người được chuyển giao theo hình thức này đã cố gắng xin phép người nắm độc quyền sử dụng sáng chế với các điều khoản và điều kiện thương mại hợp lý nhưng sau một thời gian nhất định, những cố gắng này vẫn không đem lại kết quả, (iii) quyền sử dụng trong BBCGQSD là không độc quyền, không thể chuyển nhượng quyền đó cho người khác trừ phi chuyển nhượng cùng với cơ sở kinh doanh; (iv) người nắm độc quyền sử dụng sáng chế được trả một khoản tiền đền bù thỏa đáng; (v) quyền sử dụng được chuyển giao chỉ được giới hạn trong phạm vi và thời hạn đủ để đáp ứng mục tiêu chuyển giao và chủ yếu để cung cấp cho thị trường trong nước.
1.4. Khái niệm BBCGQSD đối với sáng chế được mở rộng sang các quyền SHTT khác. Đối với quyền tác giả (QTG), các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố hay sử dụng quyền liên quan không phải xin phép được quy định cụ thể trong các chế định về QTG trong các Công ước quốc tế cũng như pháp luật quốc gia.
[6] Ngoài ra, thực tiễn áp dụng pháp luật của một số quốc gia trên thế giới cũng đề cập đến BBCGQSD đối với một số quyền SHTT khác trong những trường hợp đặc biệt.
[7]Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 21 Hiệp định TRIPS, BBCGQSD đối với nhãn hiệu là không được phép.
1.5. Một trong những trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể BBCGQSD đối với quyền SHTT là khi chủ thể quyền SHTT “bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh”.
[8] Vấn đề này đã được quy định tại Điều 31(c) và 31 (k) Hiệp định TRIPS, cũng như điểm c và k khoản 8 Điều 7 Chương 2 Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ. Tuy nhiên đây là một vấn đề mới ở Việt Nam, lần đầu tiên được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (Luật SHTT), mặc dù chế định BBCGQSD đối với quyền SHTT đã từng được quy định trong Pháp lệnh Bảo hộ sở hữu công nghiệp năm 1989, sau này là Bộ luật Dân sự năm 1995.
[9] Thậm chí ở Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU), nơi có nhiều án lệ liên quan đến quyết định BBCGQSD đối với quyền SHTT khi chủ thể quyền SHTT vi phạm pháp luật cạnh tranh (PLCT), vấn đề này cũng đang gây nhiều tranh cãi, nhất là ở EU sau quyết định của Ủy ban (UB) Châu Âu trong vụ việc
Microsoft và phán quyết của Tòa án Tư pháp Châu Âu (ECJ) trong vụ việc
IMS Health trong năm 2004.
[10]
Do đó, tìm hiểu vấn đề BBCGQSD đối với quyền SHTT dưới góc độ PLCT của EU và Mỹ, nơi có PLCT rất phát triển, và trên cơ sở đó, xem xét một số vướng mắc nhằm tìm biện pháp giải quyết khi áp dụng vấn đề mới này trong bối cảnh của Việt Nam theo quy định của Luật SHTT và Luật Cạnh tranh Việt Nam là hết sức cần thiết.
2. Bắt buộc huyển giao quyền sử dụng đối với quyền sở hữu trí tuệ dưới góc độ pháp luật cạnh tranh ở EU và Mỹ
2.1. EU
2.1.1. Án lệ
Magill[11] là vụ án đầu tiên Tòa án Tư pháp Châu Âu (ECJ) đã cho phép BBCGQSD đối với quyền SHTT. Trong vụ án này, RTE và ITV là các đài truyền hình phát sóng ở Ireland và Bắc Ireland. RTE tự mình còn ITV thông qua ITP xuất bản danh sách các chương trình phát sóng hàng tuần của mình. Dựa trên chương trình phát sóng đó, các báo, tạp chí chỉ được phép đăng chương trình phát sóng của RTE và ITV hàng ngày, hay chương trình phát sóng trong hai ngày nếu ngày tiếp theo là ngày lễ, cũng như chỉ có thể đăng các chương trình nổi bật (highlights) trong tuần. Magill muốn xuất bản một danh sách đầy đủ, tổng hợp các chương trình phát sóng hàng tuần của các đài truyền hình nhưng bị RTE, ITP ngăn cản vì việc xuất bản như vậy vi phạm QTG đối với danh sách các chương trình phát sóng hàng tuần riêng lẽ mà RTE, ITP đã xuất bản. Magill cho rằng việc không cho phép Magill xuất bản một danh sách tổng hợp trên cơ sở các danh sách các chương trình phát sóng riêng lẽ như vậy là hành vi lạm dụng vị thế độc quyền của RTE, ITP, vi phạm Điều 82 Hiệp ước thành lập Cộng đồng Châu Âu (TEC), nên đã khiếu nại lên UB Châu Âu. Sau khi xem xét vụ việc, UB Châu Âu kết luận hành vi đó của RTE, ITP vi phạm Điều 82 TEC và buộc phải chấm dứt bằng cách phải cung cấp cho bên thứ ba (khi có yêu cầu) danh sách chương trình truyền hình hàng tuần của mình và cho phép bên thứ ba xuất bản danh sách các chương trình đó. UB Châu Âu còn quy định nếu RTE, ITP có thu phí (tiền bản quyền) khi bên thứ ba xuất bản danh sách các chương trình phát sóng của mình thì phí đó phải hợp lý.
RTE và ITP đã khiếu nại quyết định này lên Tòa án Sơ thẩm Châu Âu (CFI), nhưng CFI đã ra phán quyết bác bỏ khiếu nại và đồng ý với quyết định của UB Châu Âu. RTE và ITP đã tiếp tục khiếu nại lên ECJ. ECJ xem xét vụ việc với hai câu hỏi cơ bản là (i) có tồn tại vị trí thống lĩnh thị trường không, và (ii) có sự lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hay không để xem quyết định của UB Châu Âu về việc BBCGQSD đối với QTG trong vụ việc này có đúng hay không.
2.1.2. ECJ đã khẳng định về nguyên tắc việc sở hữu đơn thuần quyền SHTT không thể dẫn đến việc có vị trí thống lĩnh thị trường vì quyền độc quyền của chủ thể quyền SHTT được pháp luật về SHTT cho phép. Tuy nhiên, những thông tin cơ bản như kênh truyền hình, ngày, giờ phát sóng, tên chương trình phát sóng là kết quả cần thiết của việc lên chương trình phát sóng của một đài truyền hình, là nguồn duy nhất để một doanh nghiệp như Magill có thể sử dụng để xuất bản cùng với các hình ảnh, nhận xét về chương trình phát sóng đó. Như vậy, do đặc thù của trường hợp này, RTE, ITP có sự độc quyền mặc nhiên (
de facto monopoly) đối với thông tin sử dụng để xuất bản danh sách các chương trình truyền hình (hầu hết các hộ gia đình ở Ireland và 30-40% hộ gia đình ở Bắc Ireland nhận những danh sách này). Vì vậy, RTE và ITP có vị trí thống lĩnh thị trường.
[12]
Đối với vấn đề có sự lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hay không qua việc không cho Magill xuất bản danh sách tổng hợp tất cả các chương trình hàng tuần của các đài truyền hình, ECJ cho rằng quyền sao chép (reproduction) là quyền độc quyền mà pháp luật về QTG trao cho tác giả, nên việc từ chối cho phép người khác thực hiện quyền sao chép, cho dù đó là hành vi của doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường, không tự chính nó cấu thành hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt, việc thực hiện quyền độc quyền của chủ thể quyền SHTT liên quan đến hành vi lạm dụng vị thế độc quyền.
[13] Trong án lệ
Volvo[14]trước đó, ECJ đã liệt kê 3 trường hợp đặc biệt mà 1 doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường khi thực hiện quyền SHTT của mình cấu thành hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường: (i) từ chối một cách thiên vị việc cung cấp phụ tùng thay thế cho các nhà sửa xe độc lập, (ii) ấn định giá một cách bất hợp lý (không công bằng) đối với phụ tùng thay thế, và (iii) ngừng sản xuất phụ tùng thay thế cho một dòng xe (model) mà xe thuộc dòng này vẫn còn lưu thông trên thị trường.
2.1.3. Trên cơ sở đó, ECJ đã khẳng định hành vi từ chối, ngăn cản của RTE, ITP đối với Magill là hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vì:
Thứ nhất, việc từ chối ngăn cản sự xuất hiện một sản phẩm mới mà khách hàng tiềm năng có nhu cầu. Sản phẩm mới trong vụ việc này là danh sách đầy đủ, tổng hợp tất cả các chương trình truyền hình hàng tuần của các đài truyền hình, và hiển nhiên người xem truyền hình rất muốn có danh sách này nhằm có thể lựa chọn chương trình để xem thay vì phải mua nhiều danh sách chương trình tuyền hình hàng tuần của các đài truyền hình, sau đó phải so sánh, đối chiếu nhằm tìm chương trình phù hợp để xem.
Thứ hai, không có sự giải thích hợp lý cho việc từ chối. RTE, ITP không thể giải thích một cách hợp lý là tại sao lại không cho phép Magill sử dụng danh sách các chương trình truyền hình hàng tuần của mình trong khi chỉ cho phép các báo, tạp chí đăng chương trình truyền hình hàng ngày (hay có thể 2 ngày liên tiếp nếu ngày tiếp theo là ngày lễ) và các chương trình nổi bật trong tuần mà thôi.
Thứ ba, sự từ chối đó đã loại bỏ tất cả các đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường thứ cấp (secondary market) và dành thị trường đó cho riêng mình.[15] Bằng việc không cho Magill sử dụng toàn bộ thông tin từ danh sách các chương trình phát sóng hàng tuần của mình, RTE, ITP đã loại bỏ Magill ra khỏi thị trường cung cấp thông tin liên quan đến tất cả các chương trình phát sóng hàng tuần của tất cả các đài truyền hình, và như vậy chỉ có RTE, ITP và các đài truyền hình (thông quan thỏa thuận giữa họ với nhau) sẽ độc quyền khai thác thị trường mới này.
[16]
2.1.4. Trong án lệ
IMS Health, ECJ có cơ hội khẳng định lại và giải thích rõ hơn 3 điều kiện cần phải thỏa mãn để cấu thành hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, từ đó có thể BBCGQSD đối với quyền SHTT. IMS Health là công ty theo dõi và cung cấp thông tin liên quan đến việc mua bán dược phẩm ở Đức trên cơ sở sử dụng “cấu trúc 1860 vùng” (1860 brick structure). Cấu trúc này chia nước Đức thành 1860 vùng, và mỗi “vùng” (brick) là tập hợp rất nhiều tiêu chuẩn của một vùng, như mật độ dân số, diện tích, mã bưu điện, các điểm giao thông, sự bố trí địa lý của các nhà thuốc, bệnh viện… IMS Health bán các thông tin về mua bán dược phẩm được phân chia thành các vùng như vậy để giúp cho khách hàng có một bức tranh tổng thể, thực tế về thị trường cần theo dõi. Các tòa án của Đức đã tuyên “cấu trúc 1860 vùng” được bảo hộ như cơ sở dữ liệu (database) theo pháp luật về QTG của Đức. Trước năm 1999, IMS Health là công ty duy nhất hoạt động trong việc cung cấp thông tin về mua bán dược phẩm ở Đức, nhưng từ năm 1999, các đối thủ của ISM Health đã thâm nhập thị trường, cung cấp thông tin bằng cách chia thị trường Đức với nhiều cách phân chia khác nhau, nhưng đã không thành công và họ quyết định sử dụng “cấu trúc 1860 vùng” hay cấu trúc tương tự. IMS Health kiện đối thủ cạnh tranh (NDC) đã vi phạm quyền SHTT của mình và tòa án của Đức đã cấm NDC sử dụng “cấu trúc 1860 vùng” hay cấu trúc tương tự. IMS Health cũng từ chối cho phép đối thủ của mình sử dụng cấu trúc này. Vì vậy NDC đã khiếu nại vụ việc lên UB Châu Âu, cho rằng việc IMS Health từ chối cho phép NDC sử dụng “cấu trúc 1860 vùng” là hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm theo Điều 82 TEC. UB Châu Âu đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bắt buộc IMS Health chuyển giao quyền sử dụng đối với “cấu trúc 1869 vùng” cho các đối thủ cạnh tranh, vì theo UB Châu Âu, cấu trúc này mặc dù là cơ sở dữ liệu được bảo vệ theo pháp luật về QTG, đã trở thành tiêu chuẩn ngành (industry standard) trên thị trường liên quan, và sự từ chối cho phép sử dụng nó mà không có lý do chính đáng, khiến cho các đối thủ không thể cạnh tranh được với IMS Health và loại bỏ hoàn toàn sự cạnh tranh trên thị trường liên quan.
[17]Quyết định này đã bị khiếu nại lên CFI và ECJ. Sau đó UB Châu Âu đã hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời BBCGQSD đối với “cấu trúc 1860 vùng”.
[18]
Trong khi NDC khiếu nại lên UB Châu Âu, Tòa án của Đức (Landgericht Frankfurt) cũng đã yêu cầu ECJ giải thích vụ việc này với câu hỏi chính đặt ra là hành vi của một doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường từ chối chuyển giao quyền sử dụng đối với cơ sở dữ liệu được bảo vệ theo pháp luật về QTG, trong khi nếu không sử dụng cơ sở dữ liệu đó thì doanh nghiệp khác không thể thâm nhập thị trường được vì khách hàng chỉ mua sản phẩm được cung cấp dựa vào cơ sở dữ liệu đó, có phải là hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường không.
2.1.5. ECJ đã khẳng định lại phán quyết của mình trong án lệ
Magill và cho rằng chỉ khi nào cả 3 điều kiện đã nêu trong án lệ
Magill được thỏa mãn thì hành vi từ chối đó rơi vào trường hợp đặc biệt, cấu thành hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, bị cấm theo Điều 82 TEC. Bên cạnh đó, ECJ đã giải thích rõ hơn 3 điều kiện này:
Đối với yêu cầu về sản phẩm mới mà khách hàng tiềm năng có nhu cầu, theo ECJ, yêu cầu này nhằm cân bằng lợi ích của chủ thể quyền SHTT và lợi ích của việc bảo vệ cạnh tranh tự do. Lợi ích chung trong việc đảm bảo cạnh tranh có hiệu quả chỉ được đặt ra khi việc từ chối chuyển giao quyền sử dụng đối với quyền SHTT ngăn cản sự phát triển của thị trường thứ cấp (secondary market), có hại cho nguời tiêu dùng. Vì vậy, chỉ khi nào doanh nghiệp mới thâm nhập thị trường không có ý định giới hạn hoạt động của nó là chủ yếu cung cấp sản phẩm trên thị trường thứ cấp mà sản phẩm này đã được chủ thể quyền SHTT trí tuệ cung cấp, mà doanh nghiệp này phải có ý định cung cấp sản phẩm mới chưa được cung cấp bởi chủ thể quyền SHTT và khách hàng tiềm năng có nhu cầu đối với sản phẩm mới này, thì việc từ chối chuyển giao quyền sử dụng mới có thể là hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.
[19]
Đối với yêu cầu về sự từ chối chuyển giao quyền sử dụng là không chính đáng, ECJ cho rằng tòa án của Đức (Landgericht Frankfurt) phải căn cứ vào tình tiết cụ thể của vụ án để xem sự từ chối chuyển giao quyền sử dụng là có chính đáng hay không. Rõ ràng sự từ chối có thể chính đáng, không hạn chế cạnh tranh nếu doanh nghiệp muốn nhận sự chuyển giao quyền sử quyền đối với quyền SHTT có thể tìm các nguồn thay thế hợp lý khác, tức quyền sử dụng đối với quyền SHTT đó không phải là không thể thiếu (indispensability test).
[20]
Liên quan đến thị trường thứ cấp, ECJ đã không đồng ý với lập luận của IMS Health rằng thông tin về việc mua bán dược phẩm mà IMS Health cung cấp thực chất là “cấu trúc 1860 vùng” của nó, vì không có cấu trúc này thì các thông tin liên quan đều không có giá trị (do người mua thông tin không thể rút ra được kết quả gì từ thông tin mình mua). ECJ lập luận rằng chỉ cần xác định được một thị trường tiềm năng hay thậm chí một thị trường giả định là đủ, nhất là trong trường hợp khi sản phẩm (đang có ý định cung cấp) là cần thiết để tiến hành một hoạt động kinh doanh cụ thể và khi có nhu cầu đối với sản phẩm đó. Theo ECJ, chỉ cần xác định được 2 giai đoạn của quá trình sản xuất và 2 giai đoạn này có sự kết nối, tức sản phẩm nguồn (upstream product) là hết sức quan trọng đối với việc cung cấp sản phẩm cuối (downstream product).
[21] Điều này có nghĩa “cấu trúc 1860 vùng” là giai đoạn đầu (sản phẩm nguồn) để thu thập thông tin về mua bán dược phẩm liên quan đến thị trường từng vùng (sản phẩm cuối), và như vậy đã thỏa mãn điều kiện thứ ba theo án lệ
Magill.
Tuy nhiên vụ án này hiện nay đang được tòa án của Đức (Landgericht Frankfurt) xem xét trên cơ sở 3 điều kiện mà ECJ xác định, để có thể khẳng định IMS Health có vi phạm Điều 82 TEC và áp dụng BBCGQSD đối với “cấu trúc 1860 vùng” hay không.
2.1.6. Bên cạnh án lệ
Magill và
IMS Health, UB Châu Âu trong năm 2004 cũng ra quyết định bắt buộc Microsoft phải chuyển giao quyền sử dụng đối với thông tin về liên kết và tương thích (inteoperatibility information) của chương trình phần mềm hệ điều hành máy chủ (work group server operating system) của hãng này cho các đối thủ, để sản phẩm cạnh tranh của các đối thủ có thể tương thích được với máy chủ và máy tính sử dụng hệ điều hành Windows trong vụ việc
Microsoft. UB Châu Âu đã sử dụng 3 điều kiện trong án lệ
Magill để chứng minh việc từ chối cung cấp thông tin về kết nối và tương thích đó là hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.
[22]Microsoft đã khiếu nại quyết định này lên CFI và CFI đang thụ lý vụ án này.
[23]
2.1.7. Qua các vụ việc liên quan đến BBCGQSD đối với quyền SHTT để khắc phục hạn chế cạnh tranh của hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của chủ thể quyền SHTT ở EU cho thấy BBCGQSD đối với quyền SHTT chỉ áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt, khi hành vi từ chối chuyển giao quyền sử dụng thỏa mãn các điều kiện nhất định, đó là: (1) việc từ chối chuyển giao quyền sử dụng đối với quyền SHTT ngăn cản sự xuất hiện một sản phẩm mới mà khách hàng tiềm năng có nhu cầu, (2) việc ngăn cản đó không có lý do chính đáng, và (3) việc ngăn cản đó nhằm loại bỏ cạnh tranh trên thị trường thứ cấp.
2.2. Mỹ
2.2.1. Ở Mỹ, BBCGQSD đối với quyền SHTT dưới góc độ PLCT đã tồn tại cùng với sự ra đời của PLCT, nhưng trong từng giai đoạn khác nhau thì các phán quyết cũng khác nhau. Đầu thế kỷ XX, quan điểm thịnh hành lúc bấy giờ ở Mỹ là pháp luật về SHTT (đặc biệt là về sáng chế) và pháp luật về cạnh tranh là mâu thuẫn với nhau: một bên trao quyền độc quyền, còn bên kia xóa bỏ quyền độc quyền.
[24] Vì vậy tòa án luôn ủng hộ quyền SHTT, và BBCGQSD đối với quyền SHTT do chủ thể quyền SHTT có hành vi vi phạm PLCT không được áp dụng. Tuy nhiên quan điểm pháp lý dần dần đã thay đổi, chuyển sang ủng hộ mạnh mẽ PLCT. Vào năm 1952, trong án lệ
Besser Manufacturing,
[25] Tòa án tối cao Mỹ cho rằng BBCGQSD đối với quyền SHTT là một biện pháp được áp dụng khi hành vi lạm dụng sáng chế vi phạm PLCT và việc bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng là cần thiết nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự lạm dụng đó. Trong án lệ
General Electric[26] một năm sau đó, tòa án quận New Jersey đã xóa bỏ cartel về bóng đèn và yêu cầu General Electric phải chuyển giao quyền sử dụng sáng chế bóng đèn của mình cho các đối thủ cạnh tranh. Tòa án Tối cao Mỹ trong án lệ
Glaxo Group[27] một lần nữa khẳng định chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế với một mức phí hợp lý là một biện pháp được thừa nhận dưới góc độ PLCT.
Tuy nhiên một lần nữa quan điểm về vấn đề BBCGQSD đối với quyền SHTT của tòa án ở Mỹ lại có sự thay đổi. Tòa án tối cao trong án lệ
Dawson Chemical v Rohm & Hass[28] năm 1983 lại cho rằng BBCGQSD đối với quyền SHTT là rất hiếm trong hệ thống pháp luật về sáng chế, và BBCGQSD đối với sáng chế thường được đề xuất nhưng chưa bao giờ được áp dụng trên phạm vi rộng.
2.2.2. Đặc biệt hiện nay đang tồn tại mâu thuẫn giữa phán quyết của Tòa án phúc thẩm thứ chín (Ninth Circuit) trong án lệ
Kodak[29] và phán quyết của Tòa án phúc thẩm liên bang (Federal Circuit: Tòa chuyên về xét xử phúc thẩm các vụ án liên quan đến SHTT) trong án lệ
Intel[30] và
Xerox[31] liên quan đến mối quan hệ giữa PLCT và pháp luật về SHTT cũng như việc áp dụng BBCGQSD đối với quyền SHTT mà Tòa án Tối cao Mỹ chưa có ý kiến.
Trong án lệ
Kodak, Kodak hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và cung cấp dịch vụ sửa chữa máy photocopy. Kodak đã từng bán phụ tùng thay thế cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sửa chữa máy photocopy, nhưng sau đó nó đã từ chối bán các phụ tùng thay thế còn (và một số không còn) trong thời hạn bảo hộ của sáng chế cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sửa chữa máy photocopy độc lập (ISO), trong đó có Image Technical Services, vì các ISO đã sử dụng các phụ tùng do Kodak cung cấp để cạnh tranh với Kodak trong việc cung cấp dịch vụ sửa chữa máy photocopy mang nhãn hiệu Kodak. Bên cạnh đó Kodak cũng có các thỏa thuận với khách hàng của mình là không bán các phụ tùng thay thế cho ISO. Tòa phúc thẩm thứ chín cho rằng người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thể được miễn trừ trách nhiệm theo quy định của PLCT, và nếu thực hiện các hành vi thông qua các hợp đồng hay các hay thỏa thuận ngầm đe dọa cạnh tranh thì vẫn có thể vi phạm PLCT. Tòa án này đã xem xét ý định chủ quan của Kodak và nhân viên của nó trong việc thi hành quyết định kinh doanh và cho rằng việc bảo vệ quyền SHTT chỉ là cái cớ để loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Như vậy giả định ủng hộ quyền SHTT bị bác bỏ bởi hành động vi phạm PLCT của Kodak. Do đó việc từ chối cung cấp phụ tùng của Kodak là vi phạm PLCT.
Tòa án phúc thẩm liên bang lại có các phán quyết trái trái ngược với phán quyết
Kodak. Trong án lệ
Intel, trước khi tranh chấp xẩy ra, Intel cung cấp cho Intergraph các thông tin mới về các sản phẩm sắp xuất hiện của Intel, để Intergraph có thể chuẩn bị sản xuất các thiết bị phần cứng (hardware) tương thích với các bộ vi xử lý (microprocessor) của Intel. Khi Integraph khiếu nại Intel vi phạm quyền SHTT của mình, Intel đã ngừng cung cấp các thông tin về sản phẩm mới cho Intergraph. Integraph đã khởi kiện Intel với lập luận là vì thiếu các thông tin về sản phẩm mới của Intel, nó không thể tung sản phẩm của mình đúng với thời điểm Intel tung ra bộ vi xử lý mới. Do vậy Intergraph không thể sản xuất có hiệu quả các sản phẩm phần cứng, và đã yêu cầu tòa án buộc Intel phải tiếp tục cung cấp các thông tin về sản phẩm mới cho Intergraph. Tuy nhiên Tòa phúc thẩm liên bang đã bác bỏ yêu cầu của Integraph vì cho rằng chủ sở hữu thông tin không có nghĩa vụ cung cấp thông tin đó cho đối thủ, khách hàng, hay nhà cung cấp. Trong án lệ
Xerox[32] với các tình tiết tương tự như án lệ
Kodak, Xerox từ chối bán các phụ tùng thay thế cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sửa chữa máy photocopy độc lập (ISO). Các ISO đã khởi kiện hành vi của Xerox. Tuy nhiên một lần nữa Tòa án phúc thẩm liên bang bác bỏ lập luận cho rằng việc từ chối chuyển nhượng sáng chế hay chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế có thể dẫn đến việc vi phạm PLCT. Tòa này khẳng định sáng chế được bảo hộ có thể trao cho chủ thể quyền SHTT đó quyền loại bỏ cạnh tranh trên một hay nhiều thị trường có liên quan. Tòa này đã kết luận rằng trừ khi (i) có sự ràng buộc bất hợp lý (illegal tying), (ii) có sự gian lận trong việc cấp sáng chế, hay (iii) việc khởi kiện việc xâm phạm quyền SHTT là vô căn cứ và chủ thể quyền SHTT khởi kiện như vậy để áp đặt hành vi hạn chế cạnh tranh (sham litigation), chủ thể quyền SHTT có quyền theo luật định không cho bên thứ ba sản xuất, sử dụng, hay bán sản phẩm chứa quyền SHTT mà không vi phạm PLCT. Như vậy BBCGQSD đối với quyền SHTT sẽ rất khó xẩy ra dưới góc độ PLCT theo quan điểm của Tòa án phúc thẩm liên bang.
[33]
2.2.3. Ngoài ra, BBCGQSD đối với quyền SHTT còn được áp dụng trong các trường hợp tập trung kinh tế. Theo Hướng dẫn của Bộ Tư pháp (DOJ) và Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) Mỹ về áp dụng PLCT trong chuyển giao quyền SHTT,
[34]quyền SHTT dưới góc độ PLCT được xem xét tương tự như các loại tài sản hữu hình và vô hình khác. Trong một vụ việc tập trung kinh tế, cơ quan quản lý cạnh tranh có thể yêu cầu việc chia nhỏ hay từ bỏ (divestiture) tài sản hữu hình, và áp dụng tương tự, có thể thấy cơ quan quản lý cạnh tranh có thể yêu cầu BBCGQSD đối với quyền SHTT trong trường hợp tập trung kinh tế có thể làm giảm cạnh tranh trên thị trường sản phẩm, thị trường công nghệ hay thị trường nghiên cứu-triển khai (innovation market). Bên cạnh đó, BBCGQSD đối với quyền SHTT trong vụ việc tập trung kinh tế còn có thể là biện pháp ít hạn chế và hiệu quả hơn so với yêu cầu chia nhỏ hay từ bỏ tài sản nhưng vẫn đảm bảo việc tập trung kinh tế sau đó không ảnh hưởng xấu đến cạnh tranh, và được miễn trừ.
Trong vụ tập trung kinh tế
AK Steel,
[35] AK Steel là doanh nghiệp duy nhất của Mỹ sản xuất một loại thép không gỉ đặc biệt (aluminized 409 stainless steel), sở hữu 2 sáng chế liên quan đến quy đình sản xuất thép không gỉ đó, và được chuyển giao quyền sử dụng đối với các sáng chế liên quan đến sản phẩm này. Armco là một doanh nghiệp đang có ý định sản xuất loại thép này, sở hữu 4 sáng chế liên quan đến sản phẩm và được chuyển giao quyền sử dụng đối với 2 sáng chế mà AK Steel đang sở hữu. AK Steel muốn tập trung kinh tế với Armco, nhưng Bộ Tư pháp Mỹ lo ngại rằng việc tập trung kinh tế này sẽ làm giảm cạnh tranh. Vì vậy, AK Steel đã đồng ý với Bộ Tư pháp chuyển giao quyền sử dụng không độc quyền các sáng chế sản xuất thép không gỉ đặc biệt cho Wheeling-Nisshin nhằm đổi lại sự đồng ý của Bộ Tư pháp Mỹ cho tập trung kinh tế.
[36] Mặc dù việc chuyển giao quyền sử dụng đối với quyền SHTT trong vụ việc này là có sự đồng ý của chủ thể quyền SHTT, nhưng bản chất của nó vẫn là BBCGQSD vì nếu không có sự chuyển giao quyền sử dụng đó thì việc tập trung kinh tế là không được phép.
2.2.4. Qua các án lệ của Mỹ cho thấy mặc dù ở Mỹ đang có xu hướng bảo vệ chủ thể quyền SHTT trước các cáo buộc vi phạm PLCT, và Tòa án tối cao của Mỹ hiện nay cũng chưa đưa ra những căn cứ cụ thể để có thể xác định trường hợp đặc biệt mà việc từ chối chuyển giao quyền sử dụng của chủ thể quyền SHTT vi phạm PLCT, qua đó để BBCGQSD đối với quyền SHTT. Tuy nhiên, trong án lệ
Trinko[37] gần đây, Tòa án Tối cao của Mỹ khẳng định BBCGQSG nhằm chống hành vi vi phạm PLCT vẫn được áp dụng nhưng phải cẩn trọng. Và rõ ràng là vấn đề giải thích hợp lý quyết định kinh doanh của doanh nghiệp khi từ chối chuyển giao quyền sử dụng (business justification) đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến phán quyết của tòa án.
3. Bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với quyền sở hữu trí tuệ và pháp luật cạnh tranh Việt Nam
3.1. Qua kinh nghiệm áp dụng pháp luật của EU và Mỹ có thể thấy, pháp luật về SHTT trao cho chủ thể quyền SHTT quyền độc quyền khai thác tài sản trí tuệ, nhưng điều đó không có nghĩa quyền SHTT không chịu sự tác động của PLCT. Tức là sự tồn tại (existence) quyền độc quyền theo quy định của pháp luật về SHTT không vi phạm PLCT, nhưng việc khai thác và sử dụng quyền đó (exercise) có thể vi phạm PLCT.
[38] Do đó, mặc dù việc khai thác, sử dụng quyền SHTT đã được quy định trong pháp luật về SHTT thông qua phạm vi, thời hạn bảo hộ cùng những ngoại lệ, PLCT được sử dụng bổ sung nhằm đảm bảo quyền độc quyền mà pháp luật về SHTT trao cho chủ thể quyền SHTT không bị lạm dụng bởi các hành vi hạn chế cạnh tranh. Vì vậy, khi chủ thể quyền SHTT thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của PLCT thì cơ quan có thẩm quyền có thể sử dụng BBCGQSD đối với quyền SHTT như là biện pháp nhằm chống lại hành vi hạn chế cạnh tranh đó, nhằm bảo vệ cạnh tranh tự do, phúc lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, để ra quyết định BBCGQSD đối với quyền SHTT trên cơ sở chủ thể quyền SHTT có hành vi vi phạm PLCT, cơ quan quản lý cạnh tranh và tòa án của EU và Mỹ đều phải xem xét, phân tích kỹ lưỡng các tình tiết của vụ án trong mối quan hệ giữa PLCT và pháp luật về SHTT. Do đó, việc học tập kinh nghiệm của Châu Âu và Mỹ, đặc biệt là các tiêu chí cụ thể mà Tòa án Tư pháp Châu Âu (ECJ) đã xác định nhằm chứng minh hành vi vi phạm PLCT của chủ thể quyền SHTT, qua đó để ra quyết định BBCGQSD đối với quyền SHTT là hết sức cần thiết đối với Việt Nam hiện nay khi đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới.
3.2. Mặc dù Luật SHTT đã quy định về vấn đề BBCGQSD đối với sáng chế và giống cây trồng, việc áp dụng BBCGQSD đối với quyền SHTT nói chung và đối với sáng chế và giống cây trồng nói riêng trên thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh của Việt Nam.
Thứ nhất, mặc dù Luật Cạnh tranh của Việt Nam đã được ban hành, nhưng PLCT và việc áp dụng PLCT trong thực tiễn là một vấn đề hết sức mới mẻ ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc xác định giới hạn can thiệp của PLCT trong lĩnh vực SHTT càng khó khăn hơn. Nếu không áp dụng BBCGQSD đối với quyền SHTT như là một biện pháp hữu hiệu nhằm chống các hành vi hạn chế cạnh tranh vi phạm PLCT thì chủ thể quyền SHTT sẽ lạm dụng quyền độc quyền mà pháp luật SHTT trao cho để gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Việc Công ty Zuellig Pharma VN liên kết với các công ty dược phẩm đa quốc gia trên thế giới độc quyền cung cấp các biệt dược, thuốc chuyên khoa đặc trị còn trong thời hạn bảo hộ sáng chế, và nâng giá của những loại thuốc này cao một cách bất hợp lý buộc người bệnh ở Việt Nam gánh chịu trong trong các năm 2001-2004 có thể là một ví dụ cho vấn đề này.
[39] Nhưng nếu lạm dụng biện pháp này cũng gây ảnh hưởng xấu đến việc khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo và đầu tư ở Việt Nam.
Thứ hai, Luật SHTT chỉ đề cập BBCGQSD đối với sáng chế và giống cây trồng trong trường hợp người nắm độc quyền sử dụng sáng chế, giống cây trồng bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của PLCT. Vậy trong trường hợp các chủ thể quyền SHTT ngoài sáng chế và giống cây trồng
[40] bị cơ quan có thẩm quyền về cạnh tranh cho là có hành vi vi phạm PLCT bị cấm, thì các chủ thể này có thể bị áp dụng biện pháp BBCGQSD hay không? Như đã phân tích qua thực tiễn áp dụng pháp luật ở EU và Mỹ, BBCGQSD được áp dụng đối với hầu hết các quyền SHTT, miễn là cơ quan có thẩm quyền về cạnh tranh chứng minh được chủ thể quyền SHTT đó đã có hành vi vi phạm PLCT bị cấm, và vấn đề BBCGQSD như vậy là cần thiết và hợp lý nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm PLCT. Do đó, về nguyên tắc, nếu chứng minh được hành vi vi phạm PLCT của chủ thể một quyền SHTT nào đó, dù không liên quan đến sáng chế và giống cây trồng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể ở đây là cơ quan có thẩm quyền theo quy định của PLCT và bộ quản lý chuyên ngành về quyền SHTT, có thể phối hợp ra quyết định BBCGQSD căn cứ vào Điều 117 Luật Cạnh tranh (Các hình thức xử phạt vi phạm PLCT và các biện pháp khắc phục hậu quả), và các nguyên tắc chung quy định tại Điều 7 (Giới hạn quyền SHTT), khoản 1 Điều 8 (Chính sách của Nhà nước về SHTT) Luật SHTT cũng như áp dụng tương tự các quy định BBCGQSD đối với sáng chế và giống cây trồng được quy định tại Điều 145-147 và 195-197 Luật SHTT. Tuy nhiên để tránh vướng mắc trong quá trình áp dụng, Tòa án Nhân dân tối cao và Chính phủ cần có hướng dẫn về việc này.
Thứ ba, theo quy định tại khoản 1 Điều 147 và khoản 1 Điều 196, Bộ Khoa học và Công nghệ (đối với sáng chế) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với giống cây trồng) là cơ quan có thẩm quyền quyết định BBCGQSD khi người nắm độc quyền sử dụng sáng chế, giống cây trồng “bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh”. Cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền quyết định chủ thể quyền SHTT “bị coi là” có hành vi vi phạm đó? Phải thấy rằng việc chứng minh người nắm độc quyền sử dụng sáng chế, giống cây trồng nói riêng và chủ thể quyền SHTT nói chung có hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của PLCT là rất khó khăn, không những đối với hai bộ này (thậm chí có thể khẳng định là ngoài khả năng đối với 2 bộ này) mà còn đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về cạnh tranh. Chính vì vậy cần có sự hỗ trợ, kết hợp giữa cơ quan quản lý chuyên ngành về quyền SHTT và Bộ Thương mại, Hội đồng Cạnh tranh để có thể áp dụng biện pháp này. Kinh nghiệm của Argentina trong quá trình giải quyết tranh chấp với Mỹ liên quan đến BBCGQSD đối với quyền SHTT trong khuôn khổ cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO (DSU) cho thấy, Argentina đã phải cam kết với Mỹ về việc cơ quan quản lý nhà nước về SHTT của Argentina (INPI) chỉ có thể ra quyết định BBCGQSD theo thẩm quyền của nó sau khi có quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh trên cơ sở PLCT của Argentina.
[41] Do đó, các bộ quản lý chuyên ngành về SHTT của Việt Nam chỉ nên ra quyết định BBCGQSD đối với quyền SHTT theo điểm d khoản 1 Điều 145 và điểm c khoản 1 Điều 195 Luật SHTT sau khi đã có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về cạnh tranh trên cơ sở Luật Cạnh tranh. Ngoài ra, nên chăng cần giao luôn thẩm quyền này cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về cạnh tranh nhằm có thể áp dụng tốt nhất các biện pháp cần thiết để khắc phục tác động hạn chế cạnh tranh của hành vi vi phạm của chủ thể quyền SHTT theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 117 Luật Cạnh tranh.
3.3. Đặc biệt, Việt Nam cần vận dụng tốt quy định của Hiệp định TRIPS liên quan đến BBCGQSD đối với quyền SHTT khi chủ thể quyền SHTT bị coi là có hành vi vi pháp PLCT. Như đã đề cập, Điều 31 Hiệp định TRIPS chỉ yêu cầu những điều kiện phải tuân thủ khi áp dụng BBCGQSD nói chung, chứ không giới hạn căn cứ để áp dụng. Trong khi đó, Điều 8 và Điều 40 Hiệp định TRIPS lại trao quyền cho các quốc gia áp dụng PLCT của quốc gia mình nhằm hạn chế các hành vi lạm dụng của chủ thể quyền SHTT vi phạm PLCT. Tuy nhiên dù có vận dụng như thế nào thì cũng phải đảm bảo nguyên tắc việc BBCGQSD đối với quyền SHTT khi chủ thể quyền SHTT vi phạm PLCT là nhằm bảo vệ cạnh tranh, tạo môi trường cạnh tranh tự do, thuận lợi để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng chứ không phải bảo vệ đối thủ cạnh tranh.
3.4. Tóm lại, việc áp dụng PLCT nói chung nhằm đảm bảo rằng chủ thể quyền SHTT không thể có các hành vi lạm dụng quyền độc quyền, vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật về SHTT, ảnh hưởng xấu đến cạnh tranh tự do và lợi ích của người tiêu dùng, cũng như việc áp dụng BBCGQSD đối với quyền SHTT nói riêng nằm khắc phục hạn chế cạnh tranh của hành vi vi phạm, không phải là công việc dễ dàng, cần có sự cẩn trọng và sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh, về SHTT cũng như hệ thống tòa án. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta lại không áp dụng. Việc Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) cuối năm 2005 đe dọa sử dụng quyền mà chế định pháp luật về BBCGQSD đối với sáng chế quy định, với lý do bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong dịch cúm gia cầm (H5N1), đã buộc Công ty dược phẩm Roche phải đồng ý chuyển giao quyền sử dụng sáng chế sản xuất thuốc Tamiflu cho các công ty dược phẩm Việt Nam,
[42] là một tiền lệ cho phép khẳng định việc quy định cụ thể chế định pháp luật về BBCGQSD đối với quyền SHTT khi chủ thể quyền SHTT vi phạm PLCT là hết sức cần thiết, ít nhất cũng có tác dụng răn đe các doanh nghiệp, nhất là các công ty đa quốc gia hoạt động ở Việt Nam, không thể lạm dụng quyền SHTT để hạn chế cạnh tranh vượt quá giới hạn cho phép.
[1] Xem Điều 10 BLDS năm 2005, Điều 7 và khoản 1 Điều 8 Luật SHTT.
[2] Xem UNCTAD-ICTSD,
Resource Book on TRIPS and Development, Cambridge University Press, 2005, p. 461; khoản 1 Điều 51 Nghị định số 63/CP ngày 24/10/1996 quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp.
[3] Xem Carlos Correa,
Intellectual Property Rights and the Use of Compulsory Licenses: Options for Developing Countries, www.southcentre.org/publications/complicence/toc.htm; Jerome H. Reichman & Catherine Hasenzahl,
Non-voluntary Licensing of Patented Inventions: Historical Perspective, Legal Framework Under TRIPS, and an Overview of Practice in Canada and the United States of America, UNCTAD-ICTSD, 2002, pp. 4-8.
[4] Xem Điều 5A Công ước Paris, Jerome H. Reichman & Catherine Hasenzahl, chú thích số 3, tr. 28-29.
[5] UNCTAD-ICTSD, chú thích số 2, tr. 463.
[6] Xem Điều 9.2, 10, 10 bis, 13 Công ước Berne; Điều 15 Công ước Rome; Điều 13 Hiệp định TRIPS; Điều 25-26 và 32-33 Luật SHTT.
[7] Xem Carlos Correa, chú thích số 3.
[8] Xem điểm d khoản 1 Điều 145, điểm c khoản 1 Điều 195 Luật SHTT.
[9] Xem Điều 14 Pháp lệnh Bảo hộ sở hữu công nghiệp năm 1989; Điều 802 BLDS 1995, Điều 51 Nghị định 63/CP ngày 24/10/1996 và Nghị định 06/2001/NĐ-CP ngày 01/2/2001; Điều 145-147 và 194-196 Luật SHTT.
[10] European Commission, Case COMP/C-3/37.792-
Microsoft, 24/3/2004; ECJ, C-418/01,
IMS Health, 29/4/2004, [2004] ECR I-5039.
[11] ECJ, C-241/91P & 242/91P,
Radio Telefis Eireann (RTE) and Independent Television Publications Ltd (ITP) v Commission of the European Communities, 06/4/1995, [1995] ECR I-743 (
Magill).
[12]
Magill, đoạn 46-47.
[13]
Magill, đoạn 49-50.
[14] ECJ, C-238/87,
AB Volvo v Erik Veng (UK) Ltd., 05/10/1988, [1988] ECR 6211, para. 8-9.
[15] Thị trường thứ cấp (secondary market/ downstream market) là thị trường mà sản phẩm lưu thông trên thị trường này phụ thuộc vào sản phẩm lưu thông trên một thị trường khác (thị trường nguồn: primary market/ upstream market), sản phẩm của thị trường nguồn là đầu vào để sản xuất sản phẩm trên thị trường thứ cấp.
[16]
Magill, đoạn 54-56. Xem them Frank Fine, “European Community Compulsory Licensing Policy: Heresy versus Common Sense”,
Northern Journal of International Law & Business, Spring 2004, 24, 3, pp. 619-646.
[17] Commission Decision 2001/65/EC,
Case COMP D3/38.044 – NDC Health v IMS Health: Interim measures, 03/7/2001, OJ 2002 L 59, p.18.
[18] Commission Decision 2003/742/EC,
Case COMP D3/38.044 – NDC Health v IMS Health: Interim measures,13/8/2003, OJ 2003 L 268, p. 69.
[19]
IMS Health, đoạn 48-49.
[20] Xem thêm ECJ, C-7/97,
Bronner, 26/11/1998, [1998] ECR I-7791, para. 37-46; Ingo Brinker, “Essential Facility Doctrine and Intellectual Property Law: Where Does Europe Stand in the Aftermath of the IMS Health Case”, 2004
Fordham Corp. L. Inst. 146-147 (B. Hawk, Ed. 2005).
[21]
IMS Health, đoạn 44-45.
[22] Xem Philip Lowe & Luc Peeperkorn, “Singing in Tune with Competition nad Innovation: The New EU Competition Policy Towards Licensing” trong 2004
Fordham Corp. L. Inst. 275-276 (B. Hawk, Ed. 2005). Mặc dù UB Châu Âu cho rằng quyết định BBCGQSD trong
Microsoft hoàn toàn phù hợp với
Magill và
IMS Health, nhiều ý kiến phản đối quyết định này. Xem thêm Ian S. Forrester, “Aricle 82: Remedies in Search of Theories” trong 2004
Fordham Corp. L. Inst. 167-194 (B. Hawk, Ed. 2005).
[23] CFI, T-201/04 & 313/05,
Microsoft v Commission, (đang thụ lý).
[24] Tuy nhiên hiện nay, trong nền kinh tế tri thức, các nhà luật học, kinh tế học ở Mỹ, Châu Âu và nhiều nước trên thế giới đều thừa nhận không có sự mâu thuẫn giữa PLCT và pháp luật SHTT. Xem Nguyễn Thanh Tú, “Pháp luật cạnh tranh trong hợp đồng chuyển giao công nghệ”,
Tạp chí Khoa học Pháp lý, số 2/2005, tr. 24-32.
[25]
US v Besser Manufacturing Co., 96 F. Supp. 304 (1952).
[26]
US v General Electric Co., 115 F. Supp. 835, 843-846 (DNJ 1953).
[27]
US v Glaxo Group Ltd., 410 US 52, 64 (1973).
[28]
Dawson Chemical v Rohm & Hass, 448 US 176, 215 (1980).
[29]
Image Technical Servics, Inc v Eastman Kodak Co., 125 F.3d 1195 (9
th Cir. 1997)
[30]
Integraph Corp. v Intel Corp, 195 F.3d 1346 (Fed. Cir. 1999).
[31]
CSU, L.L.C. v. Xerox Corp., 203 F.3d 1322 (Fed. Cir. 2000).
[32]
CSU, L.L.C. v. Xerox Corp., 203 F.3d 1322, 1324, 1326-1327 (Fed. Cir. 2000).
[33] Xem thêm Aaron B. Rabinowitz, “When Does a Patent Right Become an Antitrust Wrong? Antitrust Liability for Refusals to Deal in Patented Goods”, 11
Rich. J.L. & Tech. 7, 2005; John M. Taladay & James N. Carlin, “Compulsory Licensing of Intellectual Property Under the Competition Laws of the United States and European Community”, 10
Geo. Mason L. Rew. 443, 2002.
[34] DOJ & FTC,
Antitrust Guidelines for the Licensing of Intellectual Property, 06/4/2005, s.2.
[35] Xem Makan Delrahim,
Forcing Firms to Share the Sandbox: Compulsory Licensing of Intellectual Property Rights and Antitrust, www.usdoj.gov/atr/public/speeches/203627.htm. Xem thêm
Compulsory Licensing as Remedy to Anticompetitive Practices, www.cptech.org/ip/health/cl/us-at.html.
[36] Xem www.usdoj.gov/atr/public/press_releases/1999/2646.htm.
[37]
Verizon Communications Inc., v Law Offices Of Curtis V Trinko, Llp, 124 S Ct 872, 882 (2004).
[38] Xem
Guidelines on the Application of Article 81 of the EC Treaty to Technology Transfer Agreements, OJ 2004 C 101/2, para. 6-7; Xem thêm Nguyễn Thanh Tú, chú thích số 24.
[39] Xem Quyết định số 1353/QĐ-BYT ngày 16/4/2004; xem thêm
Zuellig Pharma VN thao túng thị trường tân dược, www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2004/04/3B9D1590/.
[40] Xét về bản chất, pháp luật bảo hộ giống cây trồng cũng là một dạng đặc biệt của pháp luật bảo hộ sáng chế. Do đó, Điều 31.3 (b) Hiệp định TRIPS quy định việc bảo hộ đối với giống cây trồng có thể bằng sáng chế, hay một hệ thống bảo hộ tương tự (
sui generic), hay là sự kết hợp cả hai.
[41] Xem WT/DS 171 & WT/DS 196,
Notification of Mutually Agreed Solution According to the Conditions Set Forth in the Agreement, 20/6/2002. Tuy nhiên giải pháp thỏa thuận chung giữa Mỹ và Argentina trong tranh chấp này đang bị chỉ trích, xem Daya Shanker, “Argentina-US Mutually Agreed Solution, Economic Crisis in Argentina and Failure of the WTO Dispute Settlement System”, 44
IDEA 565.
[42] Xem Thông báo số 8186/QLD-ĐK ngày 09/11/2005 của Cục Quản lý Dược.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"