GS.TS. NGUYỄN VÂN NAM
Khác với Việt nam, Luật Cạnh tranh (gồm Luật chống độc quyền và Luật chống cạnh tranh không lành mạnh) ở các nước phát triển luôn giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động kinh doanh, điều tiết kinh tế và gần đây cũng trở thành công cụ sắc bén bảo vệ trực tiếp người tiêu dùng trong tư cách là một thành phần tham gia hoạt động cạnh tranh trên thị trường.
Vì vậy, phán quyết vào ngày 10/12/2008 (KVR 2/08) của Tòa án Tối cao CHLB Đức (BGH) về việc công ty khí đốt của thành phố Uelzen tăng giá bán khí đốt đã ngay lập tức được chính phủ của hàng loạt nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) đặc biệt chú ý. Phán quyết đưa ra những nhận định làm cơ sở cho việc xác định: a) thẩm quyền và trách nhiệm can thiệp của Nhà nước vào việc tăng giá bán lẻ; b) quyền tự chủ về giá cả của doanh nghiệp Nhà nước; c) vị trí thống lĩnh thị trường của một doanh nghiệp dưới góc độ bảo vệ người tiêu dùng và d) khi nào quyền tự do lựa chọn của người tiêu dùng bị vi phạm hay nói một cách khác, khi nào môi trường tự do cạnh tranh bị làm sai lệch?
Công ty cung cấp khí đốt của thành phố Uelzen (công ty U) là một công ty Nhà nước (Ở Đức và tất cả các nước Tây Âu, tuyệt đại đa số các công ty hoạt động trong lĩnh vực cung cấp điện, nước, khí đốt, sửa ấm, bưu điện, giao thông công cộng, là những công ty Nhà nước). Do giá nhập khẩu khí đốt tăng mạnh, công ty U đã nhiều lần tăng giá bán lẻ trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm 2005 đến tháng 03 năm 2006. Theo đơn khiếu nại của một người tiêu dùng mua khí đốt để sưởi ấm, cục chống độc quyền (CĐQ) tiểu bang đã tiến hành điều tra và đi đến kết luận công ty U thật sự đã lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để tăng giá một cách quá đáng. Nên đã ra quyết định buộc công ty U trả lại cho mọi người đã mua khí đốt khoản tiền tăng giá quá đáng là từ 0,3 đến 0,5 xu (cent) cho một mét khối.
Công ty U khởi kiện yêu cầu Tòa án tiểu bang hủy quyết định của cục CĐQ. Theo công ty U, một mặt quyền tự do quyết định giá cả của doanh nghiệp là bất khả xâm phạm đã được chính BGH xác nhận bằng phán quyết số VIII ZR 138/07; mặt khác nếu người tiêu dùng không muốn mua khí đốt vì giá cao, họ vẫn có thể lựa chọn chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng khác như điện, dầu diesel, điện mặt trời hay sưởi ấm bằng nước nóng. Cạnh tranh ở đây cần được hiểu là cạnh tranh trong thị trường cung cấp năng lượng chung gồm điện, dầu, khí, năng lượng tái sinh…Như vậy người tiêu dùng vẫn có quyền tự do lựa chọn, họ hoàn toàn không bị ép buộc phải chấp nhận giá của công ty U. Tòa án tiểu bang đồng ý với lập luận của công ty U, đồng thời nhận định công ty U-dù là doanh nghiệp Nhà nước và có thị phần hơn 33% – vẫn không có vị trí thống lĩnh thị trường vì người tiêu dùng có thể lựa chọn sử dụng các dạng năng lượng khác. Môi trường cạnh tranh vẫn không bị làm sai lệch. Do không có vị trí thống lĩnh thị trường nên-trên nguyên tắc- việc tăng giá của công ty U không phải chịu sự kiểm soát của cục CĐQ. Vì thế, Tòa án đã hủy quyết định của cục CĐQ.
Cục CĐQ gửi đơn phúc thẩm lên Tòa án Tối cao Liên bang. Nhận thấy việc giải quyết vụ tranh chấp này mang một ý nghĩa thực tiễn quan trọng có giá trị định hướng cho việc xử lý rất nhiều vấn đề trong hoạt động kinh doanh, BGH đã quyết định thụ lý.
Củng cố cho quan điểm của mình, công ty U lập luận rằng sự đan quyện kinh tế trong quá trình Toàn cầu hóa đã ở vào mức độ một doanh nghiệp không thể tự chủ về giá cả mà phải phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài, là những đối tác đến lượt họ cũng không thể không phụ thuộc
vào hàng loạt nhà cung cấp ở các nước khác nhau. Nói một cách khác, ngày nay, một công ty hội nhập vào kinh tế toàn cầu không thể bảo đảm giá cả ổn định trong một thời gian dài như khách hàng từng quen thuộc nữa; đồng thời các yếu tố rủi ro không thể xác định trước cũng nhiều hơn. Dẫn đến hệ quả là tần số tăng giá cũng như biên độ tăng giá phải cao hơn. Ngoài ra, công ty U cũng yêu cầu BGH xác định rõ cục CĐQ không được phép kiểm soát giá cả của công ty U.
Trong phán quyết quan trọng của mình, BGH nhận định rằng những người tiêu dùng đang sử dụng khí đốt không thể dễ dàng chuyển qua sử dụng dạng năng lượng khác- mà không phải tốn tiền thêm- như người ta chuyển đổi một đồ vật, một món hàng được. Để sử dụng khí đốt, người tiêu dùng đã phải bỏ ra không ít tiền để mua một số máy chuyên dùng chẳng hạn máy đốt khí tự động, bộ phân phối năng lượng để sưởi v…v. Khi chuyển sang dạng năng lượng mới, họ cũng phải đầu tư thêm tiền cho các thiết bị hỗ trợ thích hợp và gỡ bỏ hệ thống dùng khí đốt cũ. Họ phải buộc lòng chấp nhận tăng giá khí đốt nếu không muốn mất những khoản đầu tư này. Rõ ràng trong thực tế chưa thể có một thị trường cung cấp năng lượng chung, trong đó có sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà cung cấp khí đốt, dầu diesel, điện, năng lượng mặt trời. Do đó, thị trường cung cấp khí đốt là một thị trường riêng và với việc quyền tự do chọn lựa của người tiêu dùng bị giới hạn như thế, công ty U thực tế đã có vị trí thống lĩnh trong thị trường quan trọng này. BGH tái xác nhận cục CĐQ được phép kiểm soát giá cả của các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Không những thế cục CĐQ có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát giá cả ngay cả khi không có đơn khiếu nại của người tiêu dùng.
Bác bỏ lập luận của công ty U về lý do phải tăng giá cao nhiều lần, BGH nhắc nhở nguyên tắc quyền lợi gắn liền với trách nhiệm. Quyền tự do quyết định giá cả của doanh nghiệp luôn gắn liền với trách nhiệm tự chịu rủi ro trong kinh doanh, đặc biệt là các yếu tố liên quan trực tiếp đến giá cả. Doanh nghiệp không được phép chuyển gánh nặng rủi ro này sang Nhà nước và-không thể chấp nhận được-là sang người tiêu dùng. Với những nhận định trên, BGH đã hủy bỏ phán quyết của Tòa án tiểu bang. Cục CĐQ liên bang đã đạt được một thỏa thuận với 29 công ty cung cấp khí đốt, theo đó các công ty này phải trả lại cho người tiêu dùng tổng cộng là 127 triệu Euro tiền tăng giá „quá đáng“, để đổi lấy việc cục CĐQ chấm dứt điều tra 33 công ty cung cấp khí đốt vì bị nghi nghờ tăng giá quá đáng.
Tại các nước phát triển Tây Âu, doanh nghiệp được hiến pháp bảo vệ quyền tự chủ về giá cả và giữ bí mật số liệu liên quan đến giao dịch kinh doanh. Cho đến nay, mọi đơn kiện của người tiêu dùng nhằm buộc doanh nghiệp phải công khai số liệu chứng minh sự hợp lý của việc tăng giá đều bị Tòa án bác bỏ. Không một ai, kể cả người tiêu dùng, có quyền can thiệp vào chuyện tăng giá của doanh nghiệp. Trong việc các doanh nghiệp tăng giá bán, quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ-về mặt pháp lý- duy nhất và hiệu quả nhất qua Luật cạnh tranh. Nói một cách khác, doanh nghiệp có toàn quyền tự do tăng giá, còn người tiêu dùng có quyền đòi hỏi mức tăng giá phải là thỏa đáng. Việc xác định tính thỏa đáng hay không, được thực hiện theo các chuẩn mực của luật cạnh tranh và do cục chống độc quyền chịu trách nhiệm. Như vậy, cách chủ động bảo vệ người tiêu dùng tốt nhất trong một thị trường biến động giá cả liên tục là tạo ra môi trường cạnh tranh tự do, bình đẳng, hạn chế đến mức thấp nhất sự tập trung quyền lực kinh tế.
Dự thảo kinh doanh khí đốt hóa lỏng của Việt nam như hiện nay tạo hàng rào kỹ thuật góp phần hình thành một số quá ít doanh nghiệp chia nhau thị trường cung cấp khí đốt là đi ngược lại quyền lợi của người tiêu dùng. Trong môi trường kinh doanh mà Luật Cạnh tranh của ta chưa thể áp dụng hiệu quả do còn thiếu sót rất nhiều, thì việc công nhận quyền khiếu nại, khởi kiện doanh nghiệp của bất kỳ cá nhân nào mà không đòi hỏi phải là người trực tiếp chịu thiệt hại, cũng như buộc hội đồng cạnh tranh, cục quản lý cạnh tranh có trách nhiệm chủ động kiểm tra, kiểm soát việc tăng giá của các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp đầu mối là hết sức cấp bách.
SG, 23.12.2008
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"