BẢO HỘ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ DƯỚI HÌNH THỨC NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN CỦA HOA KỲ

TS. LÊ THU HÀ – Học viện Tư pháp Là một trong những đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ nhưng khái niệm chỉ dẫn địa lý mới chính thức lần đầu tiên được đưa ra trong Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs). Hiệp định TRIPs không áp đặt một hình thức bảo hộ chung nào cho các quốc gia thành viên mà để cho các quốc gia tự quyết định hình thức bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý1. Trong khuôn khổ thực thi nghĩa vụ pháp lý quốc tế theo Hiệp định TRIPs, Hoa Kỳ đã lựa chọn mô hình bảo hộ chỉ dẫn địa lý thông qua hệ thống pháp luật hiện hành về nhãn hiệu với các sửa đổi và bổ sung cho phù hợp với các quy định tối thiểu của Hiệp định này. Các sản phẩm đặc sản của Việt Nam có nhiều đặc điểm khá tương đồng với các sản phẩm của Hoa Kỳ: ngoại trừ một số sản phẩm đặc thù như nước mắm, các chỉ dẫn địa lý còn lại của Việt Nam không quá đặc biệt tới mức không thể tìm thấy ở khu vực địa lý khác. Trên thực tế, các sản phẩm mang chỉ dẫn của Hoa Kỳ mặc dù không quá đặc thù nhưng lại khá thành công trong thương mại. Vì vậy, nghiên cứu kinh nghiệm bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo hệ thống bảo hộ nhãn hiệu, đặc biệt là nhãn hiệu chứng nhận sẽ rất hữu ích đối với Việt Nam. 1. Khái niệm nhãn hiệu chứng nhận theo pháp luật Hoa Kỳ Hệ thống pháp luật về nhãn hiệu của Hoa Kỳ có lịch sử lâu đời với những quy định tương đối đầy đủ, đã được thực thi trong thời gian dài, trong đó Lanham Act và Luật nhãn hiệu Trademark Act 1905 là các đạo luật có vai trò quan trọng nhất. Bên cạnh đó, quy định của Văn phòng quốc gia Hoa Kỳ về rượu, thuốc lá và súng (BATF) có một số điều khoản liên quan đến các chỉ dẫn địa lý cho rượu vang và rượu mạnh. Theo đó, chỉ dẫn địa lý có thể được bảo hộ theo ba cách: bảo hộ dưới dạng nhãn hiêu thông thường, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể, trong đó nhãn hiệu chứng nhận là hình thức pháp lý được xem là phù hợp nhất với chỉ dẫn địa lý2. “Nhãn hiệu chứng nhận là bất kỳ chữ, tên gọi, biểu tượng, hình vẽ hoặc sự kết hợp các yếu tố đó đã được sử dụng hoặc có ý định sử dụng trong hoạt động thương mại bởi một người không phải là chủ sở hữu nhãn hiệu, được chủ sở hữu đăng ký nhằm mục đích cho phép người khác sử dụng và nộp đơn đăng ký bảo hộ nhằm chứng nhận rằng hàng hoá và dịch vụ mang nhãn có nguồn gốc khu vực hoặc nguồn gốc khác, có nguyên liệu, cách thức sản xuất, chất lượng, sự chính xác hoặc đặc tính khác của hàng hóa hay dịch vụ của người nào đó hoặc chứng nhận quy trình và cách thức sản xuất hàng hoá và dịch vụ được thực hiện bởi các thành viên của hiệp hội hoặc tổ chức khác” (Lanham Act, chương 15, điều 1127).   Như vậy, về cơ bản, nhãn hiệu chứng nhận của Hoa Kỳ tương đồng với cách hiểu nhãn hiệu chứng nhận của các nước. Chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ được độc quyền sử dụng nhãn hiệu nếu chủ sở hữu: (i) thực hiện việc quản lý một cách hợp pháp việc sử dụng nhãn hiệu đó cho hàng hoá; (ii) không được từ chối chứng nhận hàng hoá đáp ứng tiêu chuẩn chứng nhận; (iii) không sử dụng nhãn hiệu cho hàng hoá để bảo đảm tính trung lập; (iv) không được sử dụng nhãn hiệu với mục đích nào khác việc chứng nhận nhằm bảo đảm không gây nhầm lẫn cho công chúng về chức năng của nhãn hiệu chứng nhận. Nhãn hiệu chứng nhận được sử dụng cho một hoặc nhiều sản phẩm và một hoặc nhiều nhà sản xuất trong một khu vực cụ thể3. Ví dụ như cam Florida, khoai tây Idaho, hành Vidalia, rượu vang Napa Valley và táo bang Washington. Có ba loại nhãn hiệu chứng nhận: (i) nhãn hiệu chứng nhận hàng hoá hoặc dịch vụ có nguồn gốc xuất xứ từ một khu vực địa lý nhất định; (ii) nhãn hiệu chứng nhận hàng hoá và dịch vụ đạt tiêu chuẩn về chất lượng, nguyên liệu sản xuất hay cách thức sản xuất; (iii) nhãn hiệu chứng nhận cách thức cung cấp dịch vụ hoặc quy trình sản xuất hàng hoá đáp ứng theo tiêu chuẩn nhất định. Trong đó, nhãn hiệu chứng nhận hàng hoá, dịch vụ có nguồn gốc từ khu vực địa lý có nhiều đặc điểm tương đối gần với chỉ dẫn địa lý. Vì vậy, các chỉ dẫn địa lý của các nước thường đăng ký bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận về nguồn gốc tại thị trường Hoa Kỳ như Parmigiano Reggiano, Roquefort, Swiss, Darjeeling…4 Một yêu cầu chung đối với nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc xuất xứ là khi đăng ký phải xác định rõ khu vực sản xuất. Ví dụ, nhãn hiệu chứng nhận Parmigiano Reggiano để chỉ loại pho mát “có nguồn gốc từ khu vực Parma Reggio của Italy, bao gồm các vùng Parma, Reggio Emilia, Modena và Mantua bên phải dòng sông Po và Bologne, bên trái sông Reno”5. Hay Swiss là nhãn hiệu chứng nhận sử dụng cho sô cô la và các sản phẩm làm từ sô cô la được sản xuất tại Thuỵ Sĩ. Tuy nhiên, bên cạnh việc chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu chứng nhận còn xác nhận chất lượng hoặc đặc tính của sản phẩm. Ví dụ Roquefort là nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm pho mát làm duy nhất từ sữa cừu và được lên men tự nhiên trong các hầm của làng Roquefort, quận Aveyron, Pháp”6. Các dấu hiệu đăng ký làm nhãn hiệu chứng nhận không giới hạn chỉ ở các tên địa lý. Một tên không chính thức của địa danh, tên viết tắt, thậm chí những dấu hiệu gián tiếp đều có thể được sử dụng như hoặc trong một nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý. “Idaho”, “Idaho Prefered Idaho”, “Idaho Potatoes Grown in Idaho”, “Grown in Idaho” là những ví dụ về nhãn hiệu chứng nhận được đăng ký bảo hộ cho táo và các sản phẩm từ táo được trồng ở vùng Idaho, Hoa Kỳ7. Bên cạnh những nhãn hiệu chứng nhận chỉ ra nguồn gốc địa lý của táo, còn có một số nhãn cũng có chứa tên địa lý như “Idaho’s Best” hay “Idaho Naturally”, nhưng những nhãn hiệu này không chỉ ra nguồn gốc địa lý của sản phẩm như các nhãn hiệu nói trên mà chỉ đơn thuần xác nhận loại táo mang nhãn đó đáp ứng yêu cầu về đặc tính, chất lượng sản phẩm nhất định. Các sản phẩm mang nhãn hiệu “Idaho’s Best” có thể trồng ở California hay một nơi khác và chỉ được chế biến ở Idaho nhưng vẫn đáp ứng được một số tiêu chuẩn về chất lượng hay đặc tính mà chủ nhãn hiệu đưa ra. Đây chính là điểm đặc biệt của nhãn hiệu chứng nhận theo pháp luật Hoa Kỳ: sản phẩm không nhất thiết phải sản xuất ở khu vực địa lý đó, sản phẩm vẫn có thể mang nhãn hiệu chứng nhận nếu sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra và chỉ cần một công đoạn sản xuất được thực hiện ở khu vực địa lý đó là đủ. Do đặc điểm của các chỉ dẫn địa lý ở Hoa Kỳ không quá đặc thù và độc đáo tới mức không thể tìm thấy các sản phẩm tương tự ở địa phương khác, nên Hoa Kỳ đã lựa chọn hình thức bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận nhằm bảo đảm việc kiểm soát chất lượng các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý mà không cần có sự can thiệp sâu của Chính phủ. Như vậy, với hệ thống pháp luật lâu đời và hoàn thiện về nhãn hiệu, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo hệ thống bảo hộ nhãn hiệu giúp Hoa Kỳ giảm bớt việc thiết lập một hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý mới, tồn tại song song với hệ thống nhãn hiệu. Điều này sẽ giúp giảm chi phí và đơn giản hoá thủ tục bảo hộ chỉ dẫn địa lý. 2. Một số nguyên tắc bảo hộ chỉ dẫn địa lý dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận 2.1. Khẳng định quyền tư hữu đối với chỉ dẫn địa lý nhưng dưới sự giám sát của tập thể và cộng đồng Nếu như theo quy định của châu Âu hay Pháp, quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý không thể coi là quyền tư hữu8, thì pháp luật Hoa Kỳ lại khẳng định việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý thông qua pháp luật về nhãn hiệu như một quyền tư hữu9. Tuy nhiên, quyền tư hữu đối với chỉ dẫn địa lý của Hoa Kỳ có điểm khác biệt ở chỗ nó vẫn bảo đảm được tính tập thể trong việc sử dụng và đầu tư vào việc thương mại hoá các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Thứ nhất, tính tập thể trong bảo hộ chỉ dẫn địa lý thông qua nhãn hiệu ở Hoa Kỳ được hiểu là cơ chế cho phép nhà sản xuất tham gia cùng nhau, với cùng mục đích bán được sản phẩm giá cao và mang lại lợi ích kinh tế cho họ. Để đạt được mục tiêu tập thể đó, cần có cơ chế kiểm soát sao cho bảo đảm chất lượng sản phẩm đồng nhất. Đây cũng là quan điểm của các nhà sản xuất chỉ dẫn địa lý ở châu Âu. Tuy nhiên, nếu như các nhà sản xuất châu Âu luôn có xu hướng hạn chế sự tham gia của các thành viên, tạo thế độc quyền cho các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ở thị trường, thì đối với các nhà sản xuất ở Hoa Kỳ, quan điểm này được tiếp cận theo cả hai hướng. Quản lý tập thể mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất và sản phẩm và ngược lại, việc kiểm soát chất lượng các chỉ dẫn địa lý có thể làm nảy sinh yêu cầu quản lý tập thể vì việc kiểm soát chất lượng sản phẩm sẽ làm gia tăng giá trị cho sản phẩm và thu hút sự tham gia của các thành viên vào tổ chức để cùng khai thác lợi thế thương mại của tập thể cũng như của sản phẩm. Điều này thể hiện rõ ràng trong quy định về nhãn hiệu chứng nhận. Chủ sở hữu nhãn hiệu được quyền tự xác định tiêu chuẩn bảo hộ cho sản phẩm sao cho đáp ứng đồng thời hai mục tiêu: bảo đảm chất lượng sản phẩm đúng tiêu chuẩn đến tay người tiêu dùng và bảo đảm cho các nhà sản xuất trong khu vực có thể sử dụng chỉ dẫn địa lý hiệu quả nhất. Chính vì mục tiêu đó mà việc xác định tiêu chuẩn cho sản phẩm quá khắt khe hoặc không chính xác đều dẫn đến những hậu quả không tốt cho chủ sở hữu. Nếu tiêu chuẩn xác định quá khắt khe sẽ làm hạn chế sự tham gia của các nhà sản xuất trong khu vực. Hơn nữa, việc quy định quá chặt chẽ cũng có thể làm giảm khả năng sáng tạo của các nhà sản xuất. Chỉ dẫn địa lý của Hoa Kỳ chủ yếu được bảo hộ thông qua cơ chế bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận nhằm mục đích khuyến khích sự tham gia vào tổ chức tập thể các nhà sản xuất. Chính sự tham gia đông đảo của các nhà sản xuất trong khu vực sẽ xuất hiện yêu cầu cần kiểm soát chất lượng sản phẩm bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn nhãn hiệu chứng nhận và cũng đồng thời tạo môi trường cạnh tranh giữa chính các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Trường hợp ngược lại, nếu tiêu chuẩn chứng nhận không đúng với chất lượng của sản phẩm, người tiêu dùng sẽ mất niềm tin ở chất lượng và danh tiếng sản phẩm, nhãn hiệu đó sẽ không mang lại lợi ích thương mại, thậm chí không tồn tại lâu dài và sẽ không thu hút được các nhà sản xuất sử dụng nhãn hiệu. Điều này đặt ra cho chủ sở hữu trách nhiệm xác định đúng, hợp lý chất lượng sản phẩm cũng như quy trình kiểm soát, chứng nhận sản phẩm sao cho đáp ứng mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, việc đánh giá các tiêu chí chất lượng dựa trên các bộ tiêu chuẩn đang được áp dụng trên thế giới, thực hiện trên nguyên tắc quản lý từ bên ngoài và theo cách thức công nhận cũng sẽ làm tăng hiệu quả kiểm soát chất lượng sản phẩm. Thứ hai, tính tập thể trong bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận của Hoa Kỳ còn nhằm mục đích khuyến khích mối liên hệ hợp tác giữa chủ sở hữu nhãn hiệu và những người sản xuất địa phương. Sự hợp tác này được thể hiện ở điểm khi nhãn hiệu chứng nhận có chứa chỉ dẫn địa lý thì trong phần lớn các trường hợp, chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc là một cơ quan Chính phủ, hoặc một tổ chức được Chính phủ uỷ quyền hoặc cho phép, thay mặt cho các nhà sản xuất trong khu vực đăng ký và phát triển sản phẩm. Chủ sở hữu làm gia tăng giá trị của sản phẩm mang nhãn thông qua việc chứng nhận một đặc tính riêng biệt của sản phẩm và kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu đó trên hàng hoá để chứng nhận đặc tính. Tuy nhiên, thành công chỉ có được khi các nhà sản xuất tham gia và sẵn sàng sử dụng nhãn hiệu chứng nhận để làm gia tăng giá trị cho sản phẩm. Chính giá trị gia tăng cho sản phẩm nhờ việc kiểm soát mang lại cho các sản phẩm của địa phương, thúc đẩy tính tập thể các nhà sản xuất trong khu vực đó. Mặt khác, dù quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận là quyền tư hữu nhưng để bảo vệ các nhãn hiệu chứng nhận chỉ dẫn địa lý, bất kỳ bên thứ ba liên quan nào đều có thể phản đối việc đăng ký hoặc yêu cầu huỷ bỏ đăng ký theo các thủ tục như đối với nhãn hiệu thông thường. Do đó, nếu cho rằng cơ quan chứng nhận không tuân thủ các tiêu chuẩn đã đưa ra hoặc từ chối không có lý do chính đáng việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của một tổ chức, cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn, tổ chức, cá nhân liên quan có thể nộp đơn phản đối hoặc yêu cầu huỷ nhãn hiệu chứng nhận đó hoặc kiện lên Toà án liên bang. 2.2. Xây dựng quan điểm kiểm soát chất lượng hiện đại Cách tiếp cận về khái niệm chất lượng của Hoa Kỳ theo quan điểm hiện đại, dựa trên hệ thống tiêu chuẩn chất lượng đang được triển khai hiệu quả tại quốc gia này. Điều quan trọng nhất đối với mọi tiêu chuẩn chất lượng là thoả mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Vì vậy, quan điểm về chất lượng của Hoa Kỳ được tiếp cận trên hai góc độ, từ sản phẩm và từ chính doanh nghiệp10. Đứng dưới góc độ doanh nghiệp, “quản lý chất lượng” hay “bảo đảm chất lượng” phải mang lại niềm tin cho người tiêu dùng. Với mục đích này thì các doanh nghiệp thường áp dụng hai hệ thống quản lý là ISO 9001 (phiên bản 2000) về hệ thống quản lý chất lượng doanh nghiệp và ISO 14000 về hệ thống quản lý môi trường. Cả hai hệ thống quản lý này đều hoạt động dựa trên nguyên tắc độc lập, quản lý từ bên ngoài và theo cách thức công nhận (theo tiêu chuẩn 45011). Chủ sở hữu hệ thống quản lý sẽ thực hiện việc kiểm tra sổ sách và chứng nhận sự phù hợp của hệ thống quản lý với các tiêu chuẩn (9001 hoặc 14000) hoặc chứng nhận sự phù hợp của doanh nghiệp với các tiêu chuẩn kỹ thuật nhất định (như sinh thái, nông nghiệp…). Mục tiêu của chứng nhận doanh nghiệp là đem lại sự tin cậy và cho người tiêu dùng. Dưới góc độ sản phẩm, sự đa dạng của sản phẩm có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức như các tính chất sản phẩm (màu sắc, mùi vị….), hay bao gói sản phẩm… Các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin về sản phẩm, các đặc tính nổi trội hay các chỉ số mang tính xã hội (tuân thủ các quy định về môi trường, chế độ nuôi dưỡng động vật…). Các tiêu chí chất lượng này thường được chia thành hai nhóm: - Tiêu chuẩn chất lượng chung: liên quan đến sức khoẻ hay dinh dưỡng, được áp dụng cho tất cả các sản phẩm và doanh nghiêp. - Tiêu chuẩn đặc biệt: (bổ sung cho tiêu chuẩn chung, không mang tính bắt buộc) được xác định thông qua các chỉ tiêu chất lượng và thể hiện thông qua các công cụ như nhãn hiệu chứng nhận. Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý thông qua nhãn hiệu chứng nhận của Hoa Kỳ luôn dựa trên nền tảng tiêu chuẩn chất lượng chung và bổ sung một số tiêu chuẩn đặc biệt. Các tiêu chuẩn đặc biệt của sản phẩm có được nhờ nguồn gốc địa lý được mô tả dưới các chỉ tiêu định tính và định lượng bên cạnh các bộ tiêu chuẩn chung sẵn có. Vì vậy, quá trình đăng ký các sản phẩm dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận hoặc nhãn hiệu tập thể được thực hiện đơn giản hơn rất nhiều so với các quy định của châu Âu. Hiện nay, ở Việt Nam, một trong những khó khăn của các địa phương có các sản phẩm đặc sản là thiếu kinh nghiệm và kinh phí cho việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Vì vậy, việc xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đặc thù dựa trên các bộ tiêu chuẩn quốc tế đang áp dụng trên thế giới cũng là một hướng mà chúng ta cần xem xét. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc thương mại hoá các sản phẩm của Việt Nam ở thị trường nước ngoài, đồng thời giảm bớt thủ tục về mặt hành chính đối với hoạt động xác lập quyền ở Việt Nam. 2.3. Chính sách quản lý phù hợp đối với các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Việc quản lý hợp lý chỉ dẫn địa lý cần được xem xét. Kiểm soát quá chặt hoặc đặt ra quá nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt có thể làm hạn chế đổi mới, sáng tạo, không khuyến khích người khác tham gia tập thể. Quản lý lỏng lẻo có thể dẫn đến uy tín và chất lượng của nhãn hiệu bị ảnh hưởng. Đối với một số quốc gia, các nhà sản xuất dựa vào sự quản lý của Chính phủ trong việc thành lập tổ chức tập thể, xác định tiêu chuẩn, chính sách sản xuất, kiểm tra, kiểm soát sản lượng và sau đó kiểm soát thực thi bảo vệ chỉ dẫn địa lý khỏi việc sử dụng trái phép. Điều này trong ngắn hạn có thể có tác dụng nhưng về lâu dài, việc kiểm soát chỉ dẫn địa lý quá chặt chẽ bởi chủ sở hữu và cơ quan nhà nước có thể dẫn đến việc làm giảm tính sáng tạo của các nhà sản xuất, họ không có quyền đổi mới nhằm xây dựng bản sắc riêng cho sản phẩm của họ và tham gia một cách hạn chế vào việc kiểm soát, ngăn ngừa việc sử dụng trái phép bởi đối thủ cạnh tranh. Việc kiểm soát chất lượng thông qua hệ thống nhãn hiệu chứng nhận của Hoa Kỳ tạo ra một cơ chế kiểm soát với sự đồng thuận của chính các nhà sản xuất. Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận xây dựng quy trình sản xuất hoặc tiêu chuẩn chất lượng với một cơ chế cấp phép thích hợp để bảo đảm cho các nhà sản xuất có thể khai thác lợi thế thương mại từ nhãn hiệu đó và đồng thời cũng mang lại lợi ích cho chính chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận. Nếu các nhà sản xuất không có lợi từ việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận do nhãn hiệu đó không làm gia tăng giá trị hàng hoá, họ sẽ không tham gia. Hơn nữa, khi cơ chế cấp nhãn hiệu chứng nhận tạo sự phân biệt đối xử cho các nhà sản xuất, hoặc bằng cách đưa ra các tiêu chuẩn quá khắt khe để nhiều nhà sản xuất không thể đáp ứng các tiêu chuẩn chứng nhận, hoặc áp dụng các tiêu chuẩn một cách tuỳ tiện, không nhất quán, nó cũng không khuyến khích nhà sản xuất sử dụng nhãn hiệu. Nếu điều đó xảy ra, một bên liên quan thứ ba có thể kiện chủ sở hữu nhãn hiệu về sự phân biệt đối xử và hậu quả là nhãn hiệu sẽ bị huỷ bỏ, gây thiệt hại cho tất cả các bên. Bên cạnh đó, nhãn hiệu chứng nhận còn được sử dụng để ngăn chặn việc gây nhầm lẫn cho công chúng. Chức năng của nhãn hiệu chứng nhận là chứng nhận nguồn gốc, các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận phải có nhiệm vụ giám sát hoạt động của những người sử dụng nhãn nhằm bảo đảm sự tuân thủ với các tiêu chuẩn chứng nhận. Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận thường là hiệp hội hay tổ chức phi lợi nhuận có nhiệm vụ thay mặt cho sản xuất trong khu vực thúc đẩy phát triển sản phẩm. Thông thường, lệ phí cấp giấy chứng nhận được sử dụng để trang trải các chi phí quản lý chương trình và thúc đẩy việc sử dụng hệ thống chứng nhận. Ngay cả khi nhãn hiệu chứng nhận thuộc sở hữu của một cơ quan Chính phủ, chẳng hạn một Bộ Nông nghiệp, thì các cơ quan này vẫn thường yêu cầu người sử dụng nhãn phải trả tiền lệ phí cấp giấy chứng nhận (ví dụ: một khoản thuế dựa trên số lượng của hàng hoá được chứng nhận) và ký thỏa thuận cấp phép sử dụng nhãn hiệu trên hàng hoá, ngay cả khi pháp luật của các bang đã quy định tiêu chuẩn chứng nhận. Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận phải có trách nhiệm tiến hành các biện pháp hợp lý kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu cho hàng hoá nhằm mục đích ngăn chặn việc gây nhầm lẫn cho công chúng. Ví dụ: chủ sở hữu nhãn hiệu phải tiến hành thanh tra, kiểm soát xem tất cả các chai rượu có được chứng nhận có được làm đúng từ loại nho được trồng trên loại đất đặc trưng của khu vực địa lý không hay yêu cầu kiểm tra mẫu của tất cả các bao gạo xem có đặc tính đúng như tiêu chuẩn chứng nhận không. Theo các toà án của Hoa Kỳ, biện pháp kiểm soát hợp lý mà chủ sở hữu nhãn hiệu phải thực hiện để chứng nhận một số lượng lớn và chủng loại đa dạng hàng hoá là chỉ cần lấy mẫu đại điện để kiểm tra. Quy trình này được làm rất nghiêm túc. Chính vì vậy, mặc dù không phải bất kỳ sản phẩm nào trước khi mang nhãn hiệu chứng nhận cũng được kiểm tra nhưng việc lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra buộc các nhà sản xuất phải tự mình thực hiện việc kiểm tra đó tại chính cơ sở sản xuất ngay từ ban đầu. Tóm lại, là một quốc gia không ủng hộ bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở mức độ cao như Liên minh châu Âu nhưng thực tiễn cho thấy các chỉ dẫn địa lý của Hoa Kỳ được bảo hộ theo pháp luật nhãn hiệu nói chung và dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận nói riêng tỏ ra khá hiệu quả. Đến nay, Hoa Kỳ đã có 42 chỉ dẫn được bảo hộ cho các sản phẩm nông sản dưới các hình thức nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể11. Điều này có được là nhờ Hoa Kỳ đã xây dựng được quan điểm chất lượng và kiểm soát chất lượng sản phẩm phù hợp. Hơn nữa, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý dưới hình thức pháp lý này vừa phát huy tính tập thể trong việc sử dụng chỉ dẫn địa lý, vừa bảo đảm khả năng thành công trong thương mại cao cho các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005 có một phần riêng quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo cách tiếp cận của Pháp và các nước thuộc liên minh châu Âu. Vì vậy, các sản phẩm đặc sắc của địa phương thường chủ yếu được đăng ký bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý mà chưa có quy định tương ứng đối với hình thức đăng ký nhãn hiệu chứng nhận. Trên thực tế, ngoài việc công nhận một cái tên đã tồn tại từ lâu cho những sản phẩm đặc sắc của Việt Nam, hoạt động bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý hầu như chưa đạt hiệu quả. Trong lần sửa đổi thứ nhất năm 2009, Luật Sở hữu trí tuệ đã bổ sung quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý (Điều 87 Khoản 4) cho các đặc sản địa phương. Tuy nhiên, quy định này cũng mới chỉ mang tính nền tảng mà chưa có hướng dẫn triển khai trên thực tế. Vì vậy, nghiên cứu kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong bảo hộ chỉ dẫn địa lý dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận thực sự hữu ích đối với Việt Nam. Chú thích: (1) Bảo hộ chỉ dẫn địa lý thường được các quốc gia thực hiện theo ba cách: xây dựng hệ thống riêng về bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bảo hộ chỉ dẫn địa lý thông qua pháp luật nhãn hiệu hoặc thông qua pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh. (2)Coerper, M.G, The protection of geographical indications in the United States of America, with particular reference to certifications marks, xem tại http://www.iprsonline.org/ictsd/docs. (3)Bruce A Babcock & Roxanne Clemens, “Geographical Indications and Property Rights: Protecting Value-Added Agriculture Products”, Matrict briefing paper, Iowa State University, 2004, pp 3. (4) Grevers, F ; Topical issues of the protection of geographical indication, WIPO, 1999. (5)Đăng ký nhãn hiệu Hoa Kỳ số 1754410, tra cứu tại Website của Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ: http://www.uspto.gov (6) Đăng ký nhãn hiệu Hoa Kỳ số 571798, ngày 13/3/1953, tra cứu tại Website của Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ: http://www.uspto.gov (7) Bernard O’Conor, The Laws of Geographical Indications, Cameron and May, London, 2003. (8)Quyết định của Toà phúc thẩm Angers ngày 5/9/1989 và Toà thượng thẩm ngày 17/12/1991 và 24/03/1992 liên quan đến nhãn hiệu Chateau de la Roche aux Moines của Pháp, nguồn: Bernard O’Conor, The Laws of Geographical Indications, Cameron and May, London, 2003. (9) Rangnekar Dwijen, “Geographic Indications – A Review of Proposals at the TRIPS Council: Extending Article 23 to Products other than Wines and Spirits”, UNCTAD/ICTSD Capacity Building Project on IPR and Subtainable Development, 2003, pp. 36. (10)Amy Cotton and David Morfesi, Key Ingredients for Geographical Indications: Collectivization and Control, Nguồn: http://www.uspto.gov/web/offices/dcom/olia/globalip/gi_protection_wipo.htm. (11) Thống kê và tra cứu tại Website của Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ: http://www.uspto.gov  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật