BÁO CÁO SỐ 1608/BC-UBTCNS12 NGÀY 1 THÁNG 10 NĂM 2010 CỦA UỶ BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 8 QUỐC HỘI KHÓA XII THẨM TRA VỀ MIỄN, GIẢM THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Kính thưa: Các vị đại biểu Quốc hội, Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 của Quốc hội, Ủy ban Tài chính – Ngân sách được phân công chủ trì thẩm tra Dự thảo Nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 7 tháng 9 năm 2010, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã họp để thẩm tra sơ bộ Dự thảo Nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tiếp đó, ngày 9 tháng 9 năm 2010 Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã họp phiên toàn thể để thẩm tra chính thức Dự thảo Nghị quyết theo Tờ trình số 97/TTr-CP ngày 23 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ. Tham dự họp có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên; đại diện Ủy ban Quốc phòng An ninh, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Tài chính và một số cơ quan hữu quan. Ngày 13 tháng 9 năm 2010, tại phiên họp thứ 34, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tiếp đó, Chính phủ đã tiếp thu nhiều ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, chỉnh sửa cơ bản Dự thảo Nghị quyết và tiếp tục trình Quốc hội theo Tờ trình số 131/TTr-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010. Ủy ban Tài chính – Ngân sách xin báo cáo Quốc hội ý kiến thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết theo Tờ trình số 131/TTr-CP về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp như sau: I. VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 1. Về sự cần thiết miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết, xuất phát từ các lý do sau:   (1) Việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm thể chế hóa chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc tạo động lực tích lũy vốn, tăng đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp và nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 26/NQ/TW ngày 5/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông thôn[1]. (2) Mặc dù định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm qua luôn đề cao đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn, song đến nay, kinh tế nông nghiệp vẫn là lĩnh vực chậm phát triển. Nhiều giải pháp nhằm góp phần khắc phục khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân đã được thực thi; chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp được áp dụng trong giai đoạn 2003 – 2010 đã mang lại kết quả tích cực[2], song sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; sức cạnh tranh của hàng hóa nông nghiệp trên thị trường khu vực và thế giới hạn chế. Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị quyết số 15/2003/QH11 ngày 17/6/2003 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp thì việc miễn, giảm thuế chỉ thực hiện đến hết năm 2010. (3) Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiện không phải là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nguồn vốn đầu tư cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn so với các lĩnh vực khác chiếm tỷ trọng không cao[3]. Để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích đầu tư, giảm nhẹ khó khăn, nâng cao đời sống nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, giữ vững an ninh lương thực quốc gia, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách tán thành việc tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong giai đoạn tiếp theo và đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về vấn đề này tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, trước mắt có thể tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, song về lâu dài, cần thiết phải thu thuế đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vì: Thứ nhất, về nguyên tắc, đã sử dụng tài nguyên đất đai thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước; Thứ hai, thực tế cho thấy, trong thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, bên cạnh những kết quả tích cực cũng phát sinh tồn tại trong quản lý, sử dụng đất đai như sử dụng kém hiệu quả, bỏ hoang hóa đất tại một số địa phương; Thứ ba, cần hạn chế tối đa việc miễn, giảm thuế nhằm bảo đảm bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các đối tượng sử dụng đất đối với Nhà nước, bình đẳng giữa các lĩnh vực kinh tế và giữ được tính trung lập của chính sách thuế. 2. Về mục tiêu, yêu cầu của miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, việc ban hành Nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cần quán triệt một số mục tiêu, yêu cầu cơ bản sau: Thứ nhất, việc áp dụng chính sách miễn, giảm thuế cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật liên quan, nhất là những văn bản về chính sách thu đối với đất đai. Thứ hai, phải chú trọng tính hiệu quả đích thực của việc miễn, giảm thuế. Mặc dù chính sách miễn, giảm thuế đã được áp dụng trong nhiều năm, song trên thực tế, việc thực thi chính sách còn hạn chế: (1) tình trạng bỏ hoang hóa đất nông nghiệp diễn ra ở một số địa phương; (2) chính sách miễn, giảm thuế chưa thể hiện định hướng ưu đãi của Nhà nước đối với từng loại đất, từng mục đích sử dụng đất nông nghiệp; (3) tình trạng quản lý đất nông nghiệp có phần buông lỏng diễn ra ở một số địa phương. Do đó, cùng với việc tăng cường quản lý đất đai, việc tiếp tục ban hành và thực thi chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong những năm tiếp theo phải góp phần khắc phục những tồn tại nêu trên. 3. Về tính hệ thống, đồng bộ, thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật Hiện nay trong hệ thống pháp luật về thuế đối với đất đai còn tồn tại nhiều văn bản khác nhau, bao gồm: Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993; Pháp lệnh thuế bổ sung đối với hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức diện tích năm 1994; Nghị quyết số 15/2003/QH11 của Quốc hội về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; tại kỳ họp thứ 7 khóa 12, Quốc hội đã ban hành Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Đánh giá tổng quan cho thấy, hệ thống pháp luật hiện hành về thuế đối với đất đai chưa được pháp điển hóa, chưa đồng bộ, tính hệ thống, tính ổn định chưa cao, dẫn đến khó khăn trong thực thi pháp luật, ổn định sản xuất và khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về miễn, giảm thuế còn mang tính tình thế, chưa điều chỉnh toàn diện những vấn đề liên quan đến một sắc thuế. Trong khi đó, Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp được ban hành từ năm 1993, cùng với sự thay đổi trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, đến nay nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Trước thực trạng này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị, sớm tổng kết quá trình thực thi pháp luật về thuế sử dụng đất nông nghiệp, pháp điển hóa tối đa các quy định liên quan đến chính sách thu ngân sách nhà nước đối với đất đai, từ đó ban hành một đạo luật chung về thuế đối với sử dụng đất (đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp) nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời tạo thuận tiện trong thực thi pháp luật. 4. Về tổng kết quá trình thực thi và đánh giá tác động của việc tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp Mặc dù Chính phủ đã có Báo cáo tổng kết việc thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, đất đai và việc thực hiện các nghĩa vụ về đất đai luôn là vấn đề nhạy cảm, phát sinh nhiều phức tạp trong quá trình thực thi pháp luật. Với quá trình dài (hơn 10 năm) thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, tác động nhiều mặt tới phát triển kinh tế – xã hội, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, việc tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện cần toàn diện, cụ thể hơn; đặc biệt, nên đánh giá kỹ hiệu quả thực tế của việc thực hiện chính sách đối với từng loại đối tượng, từ đó làm rõ kết quả đạt được, những vướng mắc phát sinh trong triển khai thi hành. Báo cáo đánh giá tác động của việc tiếp tục áp dụng chính sách miễn, giảm thuế trong những năm tiếp theo cũng cần được nghiên cứu sâu, rộng hơn, bảo đảm phù hợp với xu thế phát triển kinh tế – xã hội và chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; xác định rõ mục tiêu cần đạt được thông qua việc tiếp tục áp dụng chính sách từ nay đến năm 2020, bảo đảm đủ căn cứ để Quốc hội xem xét, quyết định việc ban hành chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. II. VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ 1. Về đối tượng được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp a. Về việc xác định đối tượng áp dụng miễn, giảm trong tình hình mới (1) Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận thấy, các quy định về đối tượng miễn, giảm thuế về cơ bản giữ nguyên như quy định trong Nghị quyết số 15/2003/QH11 hiện hành. Tuy nhiên, đến nay, đã qua quá trình khá dài áp dụng chính sách (hơn 10 năm thực hiện miễn, giảm thuế theo Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp, 7 năm thực hiện theo Nghị quyết số 15), theo đó là biến động trong vận hành nền kinh tế, điều chỉnh trong chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị: (1) Rà soát quá trình thực thi việc miễn, giảm; căn cứ vào tình hình mới, đặc biệt là những định hướng mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp của Đảng và Nhà nước để có điều chỉnh phù hợp; (2) Miễn, giảm thuế thực chất là chính sách ưu đãi về thuế. Vì vậy, việc miễn, giảm cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào lĩnh vực cụ thể, tránh ưu đãi dàn trải, kém hiệu quả. Cần phân loại đối tượng được miễn, giảm thuế theo mục đích sử dụng đất (đất trồng lúa, làm muối, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp,…), phân kỳ sử dụng đất (mới đưa vào sử dụng hoặc đã canh tác lâu năm) để có chính sách miễn, giảm phù hợp. (2) Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị miễn toàn bộ (100%) số thuế sử dụng đất nông nghiệp phải nộp đối với mọi đối tượng sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích vì cho rằng, số thu từ thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện nay không lớn (chỉ khoảng 84 tỷ đồng/năm), khó bù đắp chi phí hành thu. Việc miễn toàn bộ số thuế phải nộp sẽ tạo tâm lý đồng thuận trong nhân dân, góp phần khuyến khích nông dân yên tâm sản xuất, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện chính sách “tam nông”. (3) Có ý kiến đề nghị, đối với đối tượng thuộc diện miễn thuế theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 1 của Dự thảo Nghị quyết (vừa thuộc diện miễn thuế đối với diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức, vừa thuộc diện miễn thuế đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp) thì quy định rõ là được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp. b. Về bảo đảm miễn, giảm thuế theo đúng mục đích sử dụng Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận thấy, trên thực tế, việc quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có đất nông nghiệp những năm qua còn nhiều hạn chế. Nhiều diện tích đất nông nghiệp được sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp, tình trạng hoang hóa, lãng phí tài nguyên đất đai diễn ra ở một số địa phương. Đặc biệt, việc sử dụng đất ở một số nông, lâm trường đang là vấn đề bức xúc trong dư luận do không kiểm soát được quỹ đất, buông lỏng quản lý dẫn đến trục lợi từ đất đai, thất thoát nguồn thu cho NSNN. Vì vậy, để bảo đảm hiệu quả thực tế của chính sách miễn, giảm thuế, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị, đi đôi với việc ban hành chính sách, cần rà soát, đánh giá thực trạng sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là đất nông trường, lâm trường, đồng thời quy định rõ trong Dự thảo Nghị quyết về việc chỉ thực hiện miễn, giảm thuế cho diện tích đất nông nghiệp được sử dụng đúng mục đích; kiên quyết thu hồi và áp dụng các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật đối với diện tích đất bỏ hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí. c. Về đất giao khoán Điểm b, điểm c khoản 3 Điều 1 quy định miễn thuế đối với: “Hộ gia đình, cá nhân là xã viên Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã nhận đất giao khoán ổn định theo quy định của pháp luật của doanh nghiệp, Hợp tác xã để sản xuất nông nghiệp”; “Hộ gia đình, cá nhân là nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định theo quy định của pháp luật của doanh nghiệp, Nông trường, Lâm trường để sản xuất nông nghiệp”. Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận thấy, về mặt chính sách, chỉ miễn cho hộ gia đình, cá nhân là xã viên Hợp tác xã, nông trường viên, lâm trường viên. Do đó, đề nghị bỏ quy định về miễn thuế cho đối tượng nhận đất giao khoán ổn định theo quy định của pháp luật của “doanh nghiệp” tại điểm b, điểm c khoản 3 Điều 1 của Dự thảo Nghị quyết. 2. Về thời hạn miễn, giảm thuế Để tạo căn cứ pháp lý ổn định cho chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp trong nhiều năm tiếp theo, động viên nông dân yên tâm sản xuất, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách tán thành thời hạn miễn, giảm là 10 năm (2011 – 2020). Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, thời hạn miễn, giảm 10 năm là tương đối dài; chỉ nên miễn, giảm cho giai đoạn 5 năm, sau đó tổng kết, sửa đổi toàn diện và ban hành một đạo luật chung về chính sách thuế đối với đất đai (đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp) để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. 3. Về một số nội dung khác Có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc tính hợp lý của việc Quốc hội ban hành Nghị quyết để sửa đổi, bổ sung quy định của luật. Có ý kiến đề nghị, đối với đất thuộc Chương trình 134, cần tiến hành rà soát, tổng kết, đồng thời kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp sử dụng sai mục đích, sang nhượng quyền sử dụng đất trái phép. Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội, Trên đây là ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp này đã tiếp thu nhiều ý kiến của Ủy ban Tài chính – Ngân sách trong giai đoạn thẩm tra sơ bộ. Kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.  
TM. UỶ BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH CHỦ NHIỆM (đã ký) Phùng Quốc Hiển

[1] Đến năm 2020 sẽ nâng thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay [2] Chính sách miễn, giảm thuế nông nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất, xóa đói giảm nghèo; hạn chế tốc độ phân cấp giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn; góp phần bảo đảm bình đẳng trong việc điều tiết thu nhập, hạn chế đầu cơ đất nông nghiệp… [3] Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ và ngày càng có xu hướng giảm. Trong 10 năm (từ 1998-2008), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong nông nghiệp chỉ chiếm 10,7% tổng số dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của cả nước với 966 dự án. Quy mô của các dự án này cũng chỉ bằng 1/10 mức trung bình của các dự án khác.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật