I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM
1. Đánh giá chung về sự phát triển của thị trường bảo hiểm sau khi ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm
1.1 Sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm
- Trước khi có Luật KDBH ra đời chỉ có 14 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm: 8 DNBH phi nhân thọ (2 DN liên doanh), 4 DN nhân thọ (100% vốn nước ngoài), 1 DN MGBH (Liên doanh), 1 DN tái bảo hiểm.
- Đến nay đã tăng lên 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, cụ thể:
Loại hình doanh nghiệp |
Nhà nước |
Cổ phần |
Liên doanh |
100% vốn nước ngoài |
Tổng cộng |
Bảo hiểm phi nhân thọ |
2 |
16 |
3 |
7 |
28 |
Bảo hiểm nhân thọ |
|
1 |
1 |
9 |
11 |
Tái bảo hiểm |
|
1 |
|
|
1 |
Môi giới bảo hiểm |
|
6 |
|
4 |
10 |
Tổng cộng |
2 |
24 |
4 |
20 |
50 |
Trong tổng số 50 doanh nghiệp bảo hiểm và môi giới bảo hiểm, số doanh nghiệp có vốn nước ngoài (24) gần tương đương với số doanh nghiệp trong nước (26). Trong số các doanh nghiệp bảo hiểm liên doanh và 100% vốn đầu tư nước ngoài, có 3 doanh nghiệp của Nhật Bản (2 PNT, 1NT), 2 Đài Loan (1 NT, 1 PNT), 2 doanh nghiệp của Hàn Quốc (1 NT, 1PNT), 1 doanh nghiệp của Singapo (NT), 7 doanh nghiệp của Mỹ (3 PNT, 2 NT, 2 MG), 4 doanh nghiệp của Pháp (trong 3 lĩnh vực), 3 doanh nghiệp của Anh (1 NT, 1 MG), 1 của Úc và 1 Canada.
*
Trong lĩnh vực phi nhân thọ:
Trước năm 2001 (trước khi Luật KDBH có hiệu lực thi hành) có 08 DNBH phi nhân thọ, đến nay, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đã có 28 doanh nghiệp, trong đó có 2 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, 16 doanh nghiệp cổ phần, 3 doanh nghiệp liên doanh và 7 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.
*
Trong lĩnh vực nhân thọ:
Trước năm 2001, có 4 DNBH nhân thọ, đến nay, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã có 11 doanh nghiệp, trong đó có 1 doanh nghiệp cổ phần, 10 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.
*
Trong lĩnh vực môi giới bảo hiểm:
Trước năm 2001, trên thị trường bảo hiểm có 1 Công ty liên doanh môi giới bảo hiểm Aoninchibrok. Đến nay, đã có 10 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm hoạt động trên thị trường, trong đó có 4 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài và 6 doanh nghiệp cổ phần.
Như vậy, việc hình thành thị trường bảo hiểm với sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, hoạt động trong tất cả các lĩnh vực bảo hiểm gốc, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm là yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp chú trọng cải tiến các khâu đánh giá rủi ro, thẩm định bảo hiểm, xét giải quyết bồi thường, tư vấn phục vụ khách hàng từ khâu đàm phán, giao kết hợp đồng đến khâu thực hiện hợp đồng.
1.2. Kết quả đạt được đối với nền kinh tế vĩ mô:
Sự gia tăng về số lượng và quy mô của các công ty bảo hiểm từ khi có Luật Kinh doanh bảo hiểm đã có tác động tích cực lên sự phát triển của thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung, điều đó thể hiện qua việc:
- Đầu tư trở lại nền kinh tế trở thành kênh huy động vốn đáng kể
Tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm đã huy động đầu tư trở lại nền kinh tế từ năm 2001 đến năm 2009 tăng hơn 10 lần, từ gần 6.000 tỷ đồng lên 66.905 tỷ đồng.
- Đóng góp vào ổn định nền kinh tế – xã hội và đời sống người dân
Bảo hiểm thực hiện tốt vai trò phòng ngừa rủi ro, đóng góp vào việc duy trì sự phát triển ổn định của ngân sách nhà nước và nền kinh tế xã hội
. Năm 2009, các doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường và trả tiền bảo hiểm số tiền gần 9.700 tỷ đồng.
- Giải quyết công ăn việc làm cho xã hội:
Các doanh nghiệp tham gia thị trường bảo hiểm đã giải quyết được nhiều công ăn, việc làm. Tính đến cuối năm 2009 số lượng lao động ngành bảo hiểm đạt 182.000 lao động (trong đó đại lý bảo hiểm là 164.591 người).
- Nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo hiểm:
Bảo hiểm giờ đây đã trở thành khái niệm quen thuộc đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh và dân cư. Vì vậy, nhiều cá nhân, tổ chức đã quan tâm hơn đến bảo hiểm trong việc bảo vệ gia đình, bảo vệ sản xuất kinh doanh, coi đây là giải pháp ổn định tài chính mà không trông đợi vào các hoạt động cứu trợ, hoặc các hoạt động bao cấp từ ngân sách nhà nước.
- Thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước trong khuôn khổ hợp tác đa phương
Sự phát triển của thị trường bảo hiểm góp phần đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước Châu Âu, Mỹ, Nhật bản, đồng thời thúc đẩy quá trình đàm phán ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ.
Việc cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài vào Việt Nam phù hợp với lộ trình phát triển quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước, đảm bảo tỷ lệ hài hoà giữa các khu vực Châu Á, châu Âu và Châu Mỹ đảm bảo thận trọng trong cấp phép, vì các doanh nghiệp được cấp phép đều thuộc các tập đoàn bảo hiểm lớn như Prudential, Manulife, AIG, ACE,..
Việc cấp phép cho các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài khuyến khích hợp tác giữa cơ quan quản lý bảo hiểm Việt Nam với cơ quan quản lý bảo hiểm các nước và các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước, thông qua đó học tập kinh nghiệm quản trị, điều hành.
1.3. Đối với phạm vi ngành bảo hiểm:
- Phạm vi, quy mô của thị trường bảo hiểm phát triển:
Thị trường bảo hiểm đạt tốc độ tăng trưởng cao so với tốc độ tăng trưởng GDP. Tổng doanh thu bảo hiểm tăng từ 3.056 tỷ đồng năm 2001 lên 25.256 tỷ đồng năm 2009, với tốc độ tăng bình quân trên 27%/năm. Cơ cấu tỷ trọng doanh thu dịch vụ bảo hiểm trên GDP từ 0,99% lên 1,95%/GDP năm 2009;
Trong năm 2009, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 25.510 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ 13.661 tỷ đồng (tăng 24,78% so với năm 2008), doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ 11.849 tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2008). Doanh thu hoạt động đầu tư đạt 6.506 tỷ đồng.
- Sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Đến nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có trên 800 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ thuộc cả 3 lĩnh vực bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm, được cung cấp trên thị trường, đáp ứng nhu cầu phong phú của người tham gia bảo hiểm. Cơ cấu sản phẩm bảo hiểm đã chuyển dần từ ngắn hạn sang dài hạn, kết hợp giữa bảo hiểm với tiết kiệm và đầu tư.
Việc chuyển đổi cơ cấu sản phẩm này làm tăng nguồn vốn đầu tư dài hạn cho nền kinh tế. Đồng thời đã đáp ứng được mục tiêu chiến lược phát triển thị trường là chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng các sản phẩm tiết kiệm và đầu tư dài hạn trên 10 năm chiếm 80%-85% doanh thu các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ
- Chất lượng sản phẩm được nâng cao:
Các doanh nghiệp đã chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, bổ sung thêm quyền lợi cho các khách hàng tham gia bảo hiểm. Phí bảo hiểm tương ứng với mức trách nhiệm, phạm vi bảo hiểm rộng hơn. Quy tắc điều khoản bảo hiểm được quy định rõ ràng về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp bảo hiểm, bảo vệ được quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
- Chất lượng phục vụ có bước cải tiến đáng kể:
Các doanh nghiệp đã quan tâm và đổi mới phương thức phục vụ, chăm sóc khách hàng, giải quyết bồi thường nhanh chóng, đầy đủ theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm giữa doanh nghiệp và người tham gia bảo hiểm.
Trong bối cảnh thị trường đang phát triển, khách hàng có nhiều thông tin và cơ sở lựa chọn cho mình sản phẩm bảo hiểm phù hợp nhất, có mức phí bảo hiểm hợp lý, với doanh nghiệp bảo hiểm phục vụ tốt nhất. Do đó các doanh nghiệp không chỉ chú trọng đến khâu phục vụ mà còn phải chú trọng đến khâu nghiên cứu thiết kế các sản phẩm bảo hiểm với mức phí bảo hiểm phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Vì vậy, quyền lợi khách hàng cũng được bảo đảm hơn.
- Năng lực tài chính của các DNBH đã được nâng lên nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động KDBH, cạnh tranh và hội nhập quốc tế, cụ thể:
Tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm là 1.545 tỷ đồng năm 2000, đến cuối năm 2009, con số này đã lên tới khoảng 20.000 tỷ đồng; Dự phòng nghiệp vụ cũng tăng từ 2.818 tỷ đồng lên 49.000 tỷ; Hầu hết các DNBH đều đảm bảo khả năng thanh toán.
Thị trường phát triển an toàn không xảy ra vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh.
Môi trường kinh doanh tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư, nhiều Công ty bảo hiểm nước ngoài và nhiều nhà đầu tư trong nước được cấp phép thành lập công ty bảo hiểm mới.
- Các kênh phân phối có bước phát triển đáng kể
+ Hoạt động môi giới bảo hiểm: Từ năm 2001 đến nay, tổng phí bảo hiểm thu xếp qua các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tăng lên đáng kể: Từ 70 tỷ – 580 tỷ – 908 tỷ – 1.159 tỷ – 1311 – 1.856 – 1.581 tỷ tương ứng với năm: 2001 – 2004 – 2005 – 2006 – 2007 – 2008 và 2009.
Doanh thu từ hoa hồng môi giới bảo hiểm cũng tăng lên nhanh chóng: Năm 2001 là 7,6 tỷ đồng, năm 2009 ước đạt 221 tỷ đồng.
Ngoài việc đóng góp vào sự tăng trưởng phí bảo hiểm của toàn thị trường, các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm cũng đóng góp nhiều vào việc nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong nước về những lợi ích, vai trò của bảo hiểm thông qua việc phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị giới thiệu về hoạt động bảo hiểm, hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm gốc xây dựng những sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của người tham gia bảo hiểm và phù hợp với thông lệ, tập quán, chuẩn mực quốc tế.
Hầu hết các sản phẩm bảo hiểm, nghiệp vụ bảo hiểm do các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai đều được các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thực hiện.
+ Đại lý bảo hiểm: hoạt động đại lý bảo hiểm đã được phát triển đáng kể về số lượng và chất lượng đại lý. Hơn 164.000 đại lý trong cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ đã được đào tạo tốt hơn và nâng cao tính chuyên nghiệp, dần khẳng định được vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng.
- Hội nhập quốc tế được tăng cường và mở rộng
Thị trường bảo hiểm từng bước áp dụng các chuẩn mực quốc tế về kinh doanh bảo hiểm, các cam kết về mở cửa, không phân biệt đối xử giữa các DNBH trong và ngoài nước, hoạt động hợp tác trao đổi kinh nghiệm với các đối tác nước ngoài nhằm nâng cao năng lực kinh doanh và quản lý giám sát thị trường bảo hiểm tiếp tục được tăng cường.
Cơ quan quản lý đã gia nhập Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế (IAIS), cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN, v,v.
2. Việc chấp hành các quy định của Luật theo nhóm các đối tượng
2.1. Cơ quan quản lý nhà nước
Là một trong đối tượng điều chỉnh của Luật, cơ quan quản lý nhà nước cơ bản đã làm tốt vai trò của mình trong việc thực hiện các quy định của Luật, thể hiện qua các công việc như: xây dựng các văn bản hướng dẫn; sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn; tổ chức thực hiện Luật; tổ chức công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành luật.
a. Công tác hướng dẫn thi hành Luật:
Luật KDBH được Quốc hội ban hành năm 2000 về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phát triển thị trường bảo hiểm và là công cụ quan trọng giúp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh đặc thù này.
Từ khi Luật Kinh doanh Bảo hiểm được ban hành, đã có 31 văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ và
Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn thi hành, trong đó có 09 Nghị định, 09 Quyết định và 13 Thông tư. Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã điều chỉnh tương đối toàn diện các vấn đề pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, khá phù hợp với thực tiễn và có tác dụng tạo hành lang pháp lý thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển.
Cho đến nay, hầu hết các quy định trong Luật Kinh doanh Bảo hiểm đã được hướng dẫn thực hiện, các văn bản được ban hành khá kịp thời, đồng bộ và tương đối thống nhất, đáp ứng được các nguyên tắc chung trong việc ban hành văn bản, cụ thể là:
* Công khai, minh bạch:
Luật KDBH và các văn bản hướng dẫn thi hành bảo đảm các quy định công khai, minh bạch. Các văn bản đều quy định rõ doanh nghiệp được làm gì, cơ quan quản lý có trách nhiệm gì trong tất cả các vấn đề như: cấp phép thành lập doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp v…v.. Vì vậy, các nhà đầu tư có đủ năng lực và điều kiện sẽ được cấp phép, các doanh nghiệp được chủ động trong hoạt động kinh doanh, không phải "xin cho" và không bị can thiệp hành chính; việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp phải đáp ứng những nguyên tắc nhất định.
* Tính kịp thời:
Ngay sau khi Luật KDBH được Quốc hội ban hành và có hiệu lực thi hành, các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định, Thông tư) được ban hành kịp thời đảm bảo Luật KDBH thực thi ngay trong cuộc sống:
Luật có hiệu lực tháng 4/2001, tháng 8/2001 Chính phủ ký ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật (Nghị định 42/2001/NĐ-CP và Nghị định 43/2001/NĐ-CP ngày 1/8/2001). Cũng trong tháng 8/2001, Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định (Thông tư 71/2001/TT-BTC và Thông tư 72/2001/TT-BTC ngày 28/8/2001 hướng dẫn thực hiện các Nghị định nêu trên).
Sau khi các Nghị định và Thông tư hướng dẫn trên ban hành, trong quá trình phát triển của thị trường, cơ quan quản lý đã kịp thời ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các Nghị định, Thông tư sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Các Nghị định sửa đổi sau khi được Chính phủ ký ban hành, Bộ Tài chính đều kịp thời ban hành các Thông tư hướng dẫn (Các văn bản cụ thể theo Phụ lục đính kèm).
* Tính phù hợp và thống nhất:
Các Nghị định hướng dẫn cơ bản đảm bảo phù hợp và thống nhất với Luật KDBH đã ban hành, các Nghị định ban hành thống nhất với nhau; các Thông tư hướng dẫn đảm bảo phù hợp với Nghị định và Luật đã ban hành, không có gì mâu thuẫn, trái ngược.
* Tính đồng bộ:
Các văn bản hướng dẫn đảm bảo được ban hành đồng thời cùng thời điểm, không để xây ra tình trạng văn bản hướng dẫn lĩnh vực này phải chờ văn bản hướng dẫn khác. Chính vì các văn bản hướng dẫn được ban hành đồng bộ nên trên thị trường bảo hiểm ít gặp những vướng mắc do việc ban hành các văn bản không đồng bộ gây ra.
* Tính hiệu lực:
- Luật KDBH và các văn bản hướng dẫn thi hành có tính pháp lý cao, tạo cơ sở để duy trì trật tự, kỷ cương, ngăn ngừa những hành vi trục lợi, cố ý làm trái các quy định pháp luật; đấu tranh phòng, chống thất thoát, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực bảo hiểm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia bảo hiểm; đồng thời duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, bảo đảm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm được thực hiện nghiêm túc.
- Các quy định pháp lý đồng bộ đã buộc các DNBH phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường và minh bạch hơn; tạo ra những DNBH có quy mô lớn, tài chính lành mạnh và kinh doanh hiệu quả; cung cấp nhiều sản phẩm bảo hiểm, bao gồm cả sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ hấp dẫn, với chất lượng dịch vụ tốt đáp ứng nhu cầu xã hội; thu hút đầu tư, tạo điều kiện thu hút các luồng vốn ngoài nước. Bên cạnh đó, cũng nhờ có môi trường đầu tư thuận lợi nên đã thu hút thêm đầu tư trong lĩnh vực bảo hiểm: số lượng doanh nghiệp cũng đã tăng lên nhanh chóng, cho đến nay, đã có 50 doanh nghiệp hoạt động KDBH, thuộc nhiều hình thức sở hữu khác nhau: doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần, có vốn đầu tư nước ngoài.
- Năng lực quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm được nâng cao. Phương thức quản lý được thực hiện theo hướng hạn chế sự can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật. Công tác quản lý, giám sát dựa trên các chỉ tiêu tài chính khách quan, trong đó chú trọng khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm và duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Tóm lại, việc ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm về cơ bản đã đảm bảo tính kịp thời, phù hợp, thống nhất và đồng bộ. Các quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm đã phản ánh đúng và phù hợp với trình độ phát triển của kinh tế xã hội, bắt nhịp kịp thời với sự phát triển của xã hội, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong việc có những quy định pháp luật để điều chỉnh trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Bên cạnh đó, các quy định trong Luật cũng thể hiện sự thống nhất, không bị chồng chéo, trùng lặp hoặc mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác.
b. Tổ chức thực hiện
- Văn bản được ban hành đã được cơ quan quản lý triển khai thi hành ngay trong thực tế và đã được các doanh nghiệp bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm hưởng ứng tích cực như các quy định về bảo hiểm bắt buộc.
- Công tác tổ chức thực hiện được cơ quan quản lý tiến hành bằng nhiều hình thức khác nhau: tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, giáo dục v.v
- Công tác tổ chức thực hiện tốt nên Luật KDBH và các văn bản hướng dẫn đã đi vào cuộc sống, góp phần làm cho thị trường bảo hiểm phát triển.
c. Công tác thanh tra, kiểm tra giám sát thi hành Luật
Với chức năng thanh tra,
kiểm tra giám sát đã được quy định trong Luật, trong những năm qua cơ quan quản lý nhà nước đã không ngừng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp tuân thủ các quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và các quy định pháp luật có liên quan; tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp và một môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp cho các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả nhất các cơ hội phát triển theo đúng các nguyên tắc quy định.
Công tác kiểm tra ngày càng được tăng cường, từ năm 2000 đến 2003 mỗi năm chỉ có một cuộc kiểm tra, từ năm 2004 đến 2006 tăng lên 3 cuộc kiểm tra, đến 2009 tăng lên 11 cuộc thanh tra, kiểm tra (chưa kể kiểm tra các VPĐD).
2.2. Doanh nghiệp bảo hiểm
Hầu hết các doanh nghiệp đều có bộ phận pháp chế để tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo doanh nghiệp trong việc áp dụng, thi hành pháp luật thể hiện trên các mặt như rà soát, hệ thống hóa và cập nhật văn bản có liên quan đến doanh nghiệp; phổ biến, giáo dục pháp luật; tư vấn soạn thảo, xây dựng quy trình, quy chế nội bộ, việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế cũng như áp dụng pháp luật trong kinh doanh… giúp doanh nghiệp có khả năng dự báo, phòng tránh, xử lý các rủi ro pháp lý trong kinh doanh.
Các quy định của Luật KDBH và các văn bản hướng dẫn về quản trị điều hành, kiểm soát nội bộ, trong triển khai nghiệp vụ và công tác tài chính, kế toán đều được doanh nghiệp triển khai trong hoạt động quản lý doanh nghiệp.
2.3. Người tham gia bảo hiểm
- Các tổ chức và cá nhân đã ý thức được việc tham gia bảo hiểm là một biện pháp bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất và ổn định cuộc sống.
- Tính tự nguyện, tự giác của tổ chức, cá nhân trong việc tham gia bảo hiểm nhất là bảo hiểm bắt buộc ngày càng được cải thiện.
II – MỘT SỐ BẤT CẬP TRONG THỰC TIỄN THI HÀNH LUẬT
1. Bất cập trong việc tổ chức thực hiện Luật và trong quy định pháp luật về bảo hiểm
1.1. Bất cập từ việc tổ chức thực thi Luật:
a. Bất cập trong quy định pháp luật về bảo hiểm
- Các quy định về cấp phép mặc dù đã tương đối đầy đủ, chặt chẽ nhưng vẫn còn một số điều kiện, tiêu chí vẫn cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc phải nâng từ cơ sở pháp lý thấp (Nghị định) lên mức cao hơn (Luật) như điều kiện đối với chủ đầu tư góp vốn thành lập DNBH.
- Một số vấn đề mới phát sinh trên thị trường bảo hiểm chưa được điều chỉnh kịp thời: các quy định liên quan đến chuyên
gia định phí bảo hiểm, nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh trong bảo hiểm phi nhân thọ, các quy định về bảo hiểm liên kết đầu tư trong bảo hiểm nhân thọ chưa được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm (mới quy định ở mức Nghị định).
- Một số vấn đề liên quan đến hội nhập quốc và các cam kết gia nhập WTO chưa được điều chỉnh trong Luật: Quy định về tham gia bảo hiểm quy định tại Điều 6 Luật Kinh doanh bảo hiểm; Quy định về tái bảo hiểm tại Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm;
b. Bất cập trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện
- Các cuộc thanh tra, kiểm tra tiến hành trong năm còn hạn chế, có doanh nghiệp còn chưa được thanh tra, kiểm tra.
- Việc kiểm tra, giám sát chủ yếu mới tập trung nhiều vào lĩnh vực phi nhân thọ. Đồng thời chưa đi sâu kiểm tra về nghiệp vụ: sản phẩm bảo hiểm, quy trình, quy chế v..v… do cán bộ thanh tra (đặc biệt là thanh tra tài chính, không phải là thanh tra chuyên ngành bảo hiểm) chưa nắm rõ các vấn đề đặc thù trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
- Sự phối hợp trong ban hành văn bản và tổ chức thực hiện chưa thực sự chặt chẽ.
- Trình độ cán bộ, nhân viên quản lý nhìn chung chưa theo kịp sự phát triển của thị trường.
1.2. Bất cập trong quy định của pháp luật
- Các vấn đề về cạnh tranh, đấu thầu trong bảo hiểm chưa được điều chỉnh, dẫn đến nhiều cách hiểu và vận dụng không phù hợp trong thời gian qua.
- Có nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp giữa DNBH, vấn đề này được quy định khác nhau giữa Luật KDBH và Bộ Luật Dân sự, tuy nhiên, toà án căn cứ vào Bộ Luật Dân sự, từ đó gây ảnh hưởng đến uy tín của DNBH, đồng thời phản ánh không đúng bản chất hoạt động KDBH.
- Một số doanh nghiệp phi nhân thọ vi phạm quy định về tái bảo hiểm:
+ Thực hiện nhận dịch vụ bảo hiểm nhưng chuyển nhượng toàn bộ trách nhiệm không đúng với quy định.
+ Thực hiện giữ lại trên một đơn vị rủi ro vượt quá 10% nguồn vốn chủ sở hữu không đúng quy định.
+ Thực hiện tái bảo hiểm cho cả nhà nhận tái không được xếp hạng.
- Hoạt động đại lý:
+ Đại lý hoạt động khi chưa đủ điều kiện: chưa có hợp đồng đại lý, chưa có chứng chỉ đào tạo đại lý, chứng chỉ đào tạo đại lý cấp sau khi ký hợp đồng đại lý hoặc hợp đồng đại lý đã hết hạn.
+ Tranh giành đại lý
3. Nguyên nhân của tồn tại
- Về quy định của pháp luật: Quy định của pháp luật còn chưa phù hợp hoặc chưa đầy đủ làm cơ sở phát sinh ra các vi phạm. Ví dụ như quy định đề đại lý: hiện tượng nhiều doanh nghiệp cấp chứng chỉ cho đại lý nhưng không qua đào tạo hoặc đào tạo không theo quy định về thời lượng, nội dung là do quy định của pháp luật cho phép các doanh nghiệp được cấp chứng chỉ đào tạo, nếu chức năng này chuyển cho cơ quan quản lý thì sẽ khắc phục tình trạng này.
- Về kiểm tra, giám sát:
Công tác thanh tra, xử lý vi phạm tách rời với công tác quản lý, giám sát trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Chức năng thanh tra và xử lý vi phạm được giao cho Thanh tra Bộ, độc lập với Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm dẫn đến việc thanh tra không được tiến hành hoặc tiến hành không kịp thời và không xử lý được các sai phạm.
- Về phía doanh nghiệp:
+ Các doanh nghiệp chú trọng phát triển theo doanh thu mà chưa chú trọng nhiều đến hiệu quả, chất lượng hoạt động
+ Chưa chú trọng đến việc xây dựng uy tín thương hiệu trên thị trường;
+ Công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ chưa tốt.
III- KIẾN NGHỊ VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP
a. Các quy định về cấp phép:
- Bổ sung điều kiện đối với chủ đầu tư xin góp vốn, phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế và tình hình thị trường
b. Về các nghiệp vụ bảo hiểm:
Quy định mới cần quy định theo hướng bao quát hơn, theo nhóm nghiệp vụ bảo hiểm như bảo hiểm nhân thọ và hưu trí, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ tự nguyện, phù hợp với thông lệ quốc tế và luôn luôn phù hợp với sự phát triển không ngừng của thị trường bảo hiểm.
c. Loại hình doanh nghiệp:
Để phù hợp với cam kết WTO (cho phép hình thức chi nhánh của DNBH nước ngoài) và phù hợp với Luật Doanh nghiệp, quy định mới sẽ bỏ hình thức doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp liên doanh, bổ sung hình thức chi nhánh của DNBH nước ngoài.
d. Hợp đồng bảo hiểm:
Do sự khác nhau giữa Bộ Luật Dân sự và Luật Kinh doanh bảo hiểm về Hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt trong quy định về chấm dứt hiệu lực hợp đồng bảo hiểm và trách nhiệm của DNBH, BMBH đối với trường hợp này, nên trong thời gian xảy ra rất nhiều tranh chấp bất lợi cho DNBH. Vì vậy, quy định mới sẽ ban hành theo hướng trường hợp có sự khác nhau về cùng một vấn đề giữa Luật KDBH và các luật khác thì áp dụng luật chuyên ngành.
g. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tái bảo hiểm:
Bãi bỏ quy định về tái bảo hiểm bắt buộc, đồng thời đưa ra yêu cầu về hệ số tín nhiệm đối với tổ chức nhận tái bảo hiểm.
h. Thẩm quyền cơ quan quản lý nhà nước:
- Bổ sung quy định về chức năng giám sát và thanh tra chuyên ngành bảo hiểm
k. Bổ sung quy định khác:
Bổ sung quy định về cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, về chi nhánh của DNBH phi nhân thọ nước ngoài, về chứng chỉ đại lý bảo hiểm, về quỹ bảo vệ bên mua bảo hiểm,…
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"