BÀN VỀ THUẬT NGỮ “BẢN QUYỀN CÔNG NGHỆ”

TS. TRẦN VĂN HẢI – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội Theo tác giả, việc định nghĩa thuật ngữ “bản quyền công nghệ” (BQCN) trong các văn bản quy phạm pháp luật là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu và mục đích sử dụng của các nhà công nghệ và những người có liên quan. Bài viết dưới đây, tác giả nêu ra và phân tích một số trường hợp điển hình trong việc áp dụng chưa đúng thuật ngữ này. Trong các thuật ngữ có liên quan đến khoa học và công nghệ (KH&CN), chúng ta thấy tồn tại thuật ngữ “BQCN”. Chỉ cần vào công cụ tìm kiếm google, gõ mấy chữ “BQCN” sẽ cho ra khoảng 12.600.000 mục từ cho BQCN. Nếu bỏ qua 99,99% số mục từ rời rạc không liên quan gì đến thuật ngữ cần bàn thì chúng ta vẫn thấy còn khá nhiều website đang sử dụng thuật ngữ BQCN. Không những “cư dân mạng” sử dụng thuật ngữ này mà ngay cả trong các văn bản và lời nói hàng ngày, chúng ta vẫn thấy sự hiện diện của thuật ngữ BQCN. Như vậy, thuật ngữ này đã được nhiều người chấp nhận thì có gì cần phải bàn? Không hoàn toàn như vậy, bởi vì nó đang được sử dụng với các nghĩa rất khác nhau, ví dụ: - “Công ty Michael S Sutton Ltd. của New Zealand hôm 30.4 đã gửi đơn khiếu nại lên toà án quận Đông Texas buộc tội Nokia vi phạm BQCN của Công ty này và yêu cầu được bồi thường”[1]. - “Vừa đặt chân vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Trung Quốc đã gặp một số khó khăn trong chuyện BQCN, và nhu cầu phải đẩy nhanh việc đăng ký bản quyền các sáng chế của chính người Trung Quốc đang châm ngòi cho một sự bùng nổ bản quyền”[2].   - “Bán BQCN tiết kiệm 25% nhiên liệu cho xe gắn máy. Cần bán công nghệ tăng công suất động cơ và tiết kiệm nhiên liệu thế hệ thứ II cho xe gắn máy. Thiết bị này đã được nghiên cứu và đã được kiểm nghiệm 2 năm. Đã sản xuất dùng thử trên nhiều loại xe gắn máy và ô tô và đã được đăng ký bản quyền”[3]. Qua các ví dụ trên, chúng ta thấy thuật ngữ BQCN được sử dụng với các nghĩa thuộc các đối tượng như: Chương trình máy tính, sáng chế, bí mật kinh doanh…, là các đối tượng rất khác nhau về bản chất của quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Trong một số trường hợp, thuật ngữ BQCN còn được thể hiện ở dạng khác, ví dụ “hợp đồng chuyển giao BQCN” dùng để chỉ hợp đồng chuyển giao công nghệ, “công nghệ có bản quyền” dùng để chỉ một chủ thể nào đó đang sử dụng công nghệ được bảo hộ quyền SHTT hoặc công nghệ được mua, bán đàng hoàng… Như vậy, thuật ngữ BQCN đang được dùng không thống nhất, thậm chí dùng sai nghĩa. Việc sử dụng sai thuật ngữ BQCN có thể dẫn đến những tranh chấp không đáng có giữa chủ sở hữu công nghệ và người sử dụng công nghệ, có thể dẫn đến những xâm phạm quyền SHTT, cũng có thể dẫn đến cách hiểu sai trong hoạt động KH&CN, cho rằng kết quả nghiên cứu nhất thiết phải được đăng ký bảo hộ quyền SHTT thì mới dễ thương mại hóa nó… Bởi vậy, thiết nghĩ rất nên bàn về các nghĩa của thuật ngữ BQCN. Hàm nghĩa của thuật ngữ BQCN Cho tới nay, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào định nghĩa thuật ngữ BQCN. Nhìn vào thuật ngữ này, dễ nhận thấy nó được ghép bởi hai thuật ngữ độc lập, đó là bản quyềncông nghệ. Trong lĩnh vực SHTT, thuật ngữ bản quyền thường dùng để chỉ quyền tác giả (đây là cách nói thông thường, còn trong Luật SHTT cũng không định nghĩa thuật ngữ bản quyền). Quyền tác giả là một trong những đối tượng độc lập của quyền SHTT. Điều 4.2 Luật SHTT định nghĩa: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”. Tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả có thể là tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật và tác phẩm khoa học. Điều 2.2 Luật KH&CN định nghĩa: “Công nghệ là tập hợp các phương pháp, quy trình, kỹ năng, bí quyết, công cụ, phương tiện dùng để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm”. Công nghệ nếu là một giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình thì có thể được bảo hộ là sáng chế. Nếu công nghệ tồn tại dưới dạng một bí quyết thì được bảo hộ như bí mật kinh doanh. Trong mọi trường hợp, hình thức thể hiện của công nghệ được định hình dưới một dạng vật chất nhất định đều được coi là tác phẩm khoa học và được bảo hộ quyền tác giả. Như vậy, hình thức thể hiện của công nghệ được bảo hộ quyền tác giả, nội dung của công nghệ có thể được bảo hộ như sáng chế và cũng có thể được bảo hộ như bí mật kinh doanh. Quyền SHTT bao gồm: quyền tác giả và quyền liên quan; quyền sở hữu công nghiệp; quyền đối với giống cây trồng mới. Sáng chế và bí mật kinh doanh thuộc quyền sở hữu công nghiệp. Bởi vậy, xét dưới góc độ quyền SHTT, thuật ngữ BQCN là không chính xác, nó đã ghép hai thuật ngữ thuộc quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp – hai đối tượng độc lập của quyền SHTT – với nhau. Tác phẩm khoa học về công nghệ được bảo hộ quyền tác giả Tác phẩm khoa học về công nghệ có thể được định hình ở dạng chữ viết trên giấy hoặc trên các chất liệu khác, hoặc được định hình ở dạng khác chữ viết đều được coi là tác phẩm khoa học và được bo hộ quyền tác giả. Cần phải phân biệt tác giả của công nghệ (người sáng tạo nên công nghệ) và chủ sở hữu công nghệ (người đầu tư tài chính, cơ sở vật chất cho tác giả sáng tạo nên công nghệ)[4]. Theo điều 49.2 Luật SHTT, để tác phẩm khoa học về công nghệ được bảo hộ quyền tác giả thì không nhất thiết phải đăng ký bảo hộ. Nhưng việc bảo hộ tác phẩm khoa học về công nghệ trong trường hợp này có ý nghĩa thương mại rất thấp. Chủ sở hữu công nghệ chỉ có thể thu lợi nhuận chủ yếu ở việc xuất bản tác phẩm khoa học về công nghệ. Trong nhóm quyền tài sản đối với tác phẩm khoa học về công nghệ, chủ sở hữu có quyền ngăn cấm người khác sao chép tác phẩm và thực hiện các quyền khác được quy định tại Điều 20 Luật SHTT trong khoảng thời gian suốt cuộc đời tác giả cộng với 50 năm sau khi tác giả qua đời. Nhưng theo nguyên tắc chỉ bảo hộ hình thức thể hiện của tác phẩm mà không bảo hộ nội dung, ý tưởng của tác phẩm, chủ sở hữu lại không có quyền ngăn cấm người khác làm theo tác phẩm. Như vậy, bất kỳ ai khi tiếp cận công nghệ thể hiện qua tác phẩm khoa học về công nghệ (nếu tác phẩm đó được thể hiện chi tiết nội dung, ý tưởng của công nghệ) đều có thể áp dụng công nghệ đó. Việc chuyển giao công nghệ giữa chủ thể có quyền chuyển giao công nghệ và người có nhu cầu sử dụng công nghệ trở nên không cần thiết, vì người có nhu cầu sử dụng công nghệ chỉ cần bỏ ra một khoản tiền nhỏ là có thể tiếp nhận được công nghệ thông qua tác phẩm khoa học về công nghệ. Trong thực tế hoạt động KH&CN, có lẽ không có chủ sở hữu công nghệ nào chỉ đi công bố công khai chi tiết công nghệ của mình thông qua tác phẩm khoa học về công nghệ (nếu công nghệ đó đang còn trong thời kỳ khai thác thương mại) mà lại không áp dụng các biện pháp khác để bảo vệ thành quả nghiên cứu của mình. Nhưng về mặt lý thuyết thì vẫn phải nêu, bởi vì mục tiêu của bài viết này là bàn về thuật ngữ BQCN. Công nghệ được bảo hộ là sáng chế Nếu công nghệ là một giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình thì được bảo hộ là sáng chế, khi hội tụ đủ cả ba điều kiện: tính mới; trình độ sáng tạo; khả năng áp dụng công nghiệp thì được cấp bằng độc quyền sáng chế, khi chỉ hội tụ đủ hai điều kiện: tính mới; khả năng áp dụng công nghiệp thì được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Để được cấp hai loại văn bằng vừa nêu thì nhất thiết phải đăng ký bảo hộ. Khác với trường hợp tác phẩm khoa học về công nghệ được bảo hộ quyền tác giả như đã phân tích ở trên, khi công nghệ được bảo hộ là sáng chế thì chủ sở hữu của nó hoàn toàn có quyền ngăn cấm người khác làm theo công nghệ đó và thực hiện các quyền tài sản khác được quy định tại Điều 123.1 Luật SHTT trong khoảng thời gian 20 năm trên lãnh thổ quốc gia cấp bằng độc quyền sáng chế, đối với bằng độc quyền giải pháp hữu ích là 10 năm. Các chủ thể khác dù bằng mọi cách để tạo ra sản phẩm được bảo hộ đều bị coi là đã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chủ sở hữu sáng chế. Cụm từ bằng mọi cách vừa nêu, có thể là cách mua sản phẩm được bảo hộ rồi áp dụng “công nghệ ngược” (Reverse Engineering) để giải mã tìm ra cấu trúc, nguyên lý hoạt động, quy trình sản xuất… nhằm mục đích tạo ra sản phẩm được bảo hộ là sáng chế. Công nghệ được bảo hộ như sáng chế là một hình thức để chủ sở hữu có khả năng thu lợi nhuận tốt bằng cách độc quyền áp dụng công nghệ hoặc bằng cách chuyển giao công nghệ cho các chủ thể khác. Nhưng cần phải thấy hạn chế của nguyên tắc bảo hộ theo lãnh thổ đối với sáng chế, mặt khác, theo nguyên tắc bảo hộ độc lập do Công ước Paris quy định đối với việc bảo hộ sở hữu công nghiệp, nếu một quốc gia thành viên của Công ước Paris cấp bằng độc quyền sáng chế cho một công nghệ dưới dạng giải pháp kỹ thuật thì không có nghĩa là tất cả các quốc gia thành viên còn lại đều phải cấp bằng độc quyền sáng chế cho chính công nghệ đó. Chủ sở hữu công nghệ cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đăng ký bảo hộ sáng chế, bởi vì các thông tin về công nghệ đều phải bộc lộ công khai và chi tiết, khi đó các chủ thể hoạt động trên lãnh thổ các quốc gia không cấp bằng độc quyền sáng chế cho công nghệ đó đều có thể áp dụng công nghệ đó. Sau nữa, do hạn chế về thời gian bảo hộ, nên nó chỉ có thể mang lại lợi nhuận tối đa cho chủ sở hữu công nghệ có vòng đời công nghệ tương đương với thời gian là 20 năm. Đối với công nghệ có vòng đời lớn hơn 20 năm thì chủ sở hữu nên tìm cách khác để bảo hộ cho công nghệ của mình. Trường hợp Coca Cola là một ví dụ điển hình, nếu quy trình sản xuất nước ngọt Coca Cola được bảo hộ là sáng chế thì 20 năm sau, cả thế giới đều có thể sản xuất được nước ngọt Coca Cola, bởi vậy Coca Cola đã chọn bí mật kinh doanh để bảo hộ cho quy trình công nghệ của mình. Công nghệ được bảo hộ là bí mật kinh doanh Công nghệ được bảo hộ là bí mật kinh doanh nếu đáp ứng các điều kiện: Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được; khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó; được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được. Luật SHTT không quy định việc đăng ký bảo hộ bí mật kinh doanh. Công nghệ được bảo hộ là bí mật kinh doanh có thể là: các công thức sản xuất sản phẩm; cấu tạo kỹ thuật của sản phẩm, bản thiết kế sản phẩm; các phương pháp sản xuất và bản mô tả kỹ thuật; các kiểu dáng, bản vẽ, các đồ án kiến trúc; bí quyết cần thiết để thực hiện một hoạt động cụ thể; dữ liệu thử nghiệm, sổ sách trong phòng thí nghiệm… Cần nhấn mạnh rằng, do yếu tố không phải đăng ký bảo hộ bí mật kinh doanh, nên theo quy định tại điều 84.3 Luật SHTT phải “được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được”. Hình thức bảo hộ này có rất nhiều rủi ro khi công nghệ bị đánh cắp bí quyết. Hơn nữa, khác với công nghệ được bảo hộ là sáng chế, trong trường hợp này chủ sở hữu công nghệ không có quyền ngăn cấm chủ thể khác áp dụng “công nghệ ngược” để giải mã tìm ra cấu trúc, nguyên lý hoạt động, quy trình sản xuất… nhằm mục đích tạo ra sản phẩm được bảo hộ là bí mật kinh doanh. Hãy tưởng tượng, nếu có ai đó mua nước ngọt Coca Cola rồi tiến hành “công nghệ ngược” để sản xuất ra nước ngọt Coca Cola thì cũng không bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với Công ty Coca Cola. Kết luận Mặc dù thuật ngữ BQCN chưa được pháp luật định nghĩa, nhưng nó đã và đang được sử dụng với nhiều nghĩa khác nhau như vừa phân tích. Trên đây, chúng tôi đã nêu nội hàm của thuật ngữ BQCN, nhưng vẫn cần phải nhắc lại quan điểm của tác giả là: theo quy định của pháp luật hiện hành, sự tồn tại của thuật ngữ BQCN như các cách sử dụng đã nêu trong 3 ví dụ ở đầu bài là chưa đúng. Bước đầu, chúng tôi đề xuất: - Có thể sử dụng thuật ngữ BQCN (Technological Copyright) với nghĩa chỉ tác phẩm khoa học về công nghệ. - Không dùng thuật ngữ BQCN đối với trường hợp công nghệ được bảo hộ là sáng chế và bí mật kinh doanh, bởi vì quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp (có bao gồm sáng chế và bí mật kinh doanh) là 2 đối tượng độc lập của quyền SHTT, quyền tác giả bảo hộ hình thức thể hiện của tác phẩm khoa học về công nghệ, còn nội dung của công nghệ thì có thể được bảo hộ là sáng chế hoặc có thể được bảo hộ là bí mật kinh doanh. Trường hợp này, thuật ngữ “bản quyền sáng chế” như một số người vẫn dùng cũng không chính xác. Trong tiếng Anh, không tồn tại thuật ngữ Copyright Patent (bản quyền sáng chế), mà chỉ tồn tại 2 thuật ngữ độc lập là Copyright, Patent. Cũng không tồn tại thuật ngữ Copyright Trade Secret (bản quyền bí mật kinh doanh), mà chỉ tồn tại 2 thuật ngữ độc lập là Copyright, Trade Secret. Xét trên góc độ ngôn ngữ học, sự xuất hiện một thuật ngữ mới là hiện tượng bình thường trong lĩnh vực KH&CN. Bởi vậy, việc định nghĩa chi tiết thuật ngữ BQCN là cần thiết và nó đòi hỏi có một nghiên cứu sâu hơn.

[1] http://www.tin247.com/nokia_bi_kien_vi_pham_ban_quyen_cong_nghe_sms. [2] http://vietbao.vn/The-gioi/Trung-Quoc-Bung-no-ban-quyen-cong-nghe. [3] http://www.sankinhdoanh.vn/ads/detail. [4] Xin tham khảo thêm: Trần Văn Hải, Xác định chủ sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học, Tạp chí Hoạt động Khoa học số tháng 3.2009, trang 33, 34.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật