BÀN VỀ THU PHÍ SỬ DỤNG DỊCH VỤ ATM

ANH TUẤN Ngày 19/11/2008, tôi vào google thử tìm kiếm cụm từ “thu phí ATM”, sau 0,27 giây google tìm được cho tôi 22.800 kết quả. Đọc qua các kết quả tìm kiếm, thấy phần lớn là các ý kiến phản đối hoặc đề nghị hoãn thời điểm thu phí ATM. Lướt qua các báo viết đăng hàng ngày tình hình cũng tương tự, các tiêu đề như “Ngân hàng lại đòi thu phí ATM”, “Ngân hàng lại tính chuyện thu phí ATM”,… có thể tìm thấy trên rất nhiều mặt báo. Qua các thông tin này, dường như người ta có cảm giác là các ngân hàng thương mại (sau đây gọi tắt là ngân hàng) đang đòi hỏi một việc gì đó trái với lẽ thường, đòi hưởng cái mà mình không đáng được hưởng chăng? Chi phí Để duy trì hoạt động của một máy ATM, chi phí tối thiểu mỗi năm khoảng 150 đến 200 triệu đồng, gồm: Chi khấu hao máy khoảng 100 triệu đồng/năm (bình quân 500 triệu đồng/máy1, khấu hao 5 năm, có thể cao hơn hoặc thấp hơn tùy loại máy), chi thuê địa điểm đặt máy từ 30 – 50 triệu đồng/năm tùy vị trí, chi phí bảo vệ, điện, sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ khoảng 30 triệu đồng/năm. Đó là chưa kể các chi phí khác như chi mua phần mềm quản lý ATM, lương nhân viên quản lý, kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ, tiếp quỹ,… Như vậy một ngân hàng nếu phát triển một hệ thống 1.000 máy ATM thì vốn đầu tư ban đầu ước tính lên tới 500-600 tỷ đồng (riêng tiền mua máy khoảng trên 500 tỷ đồng) và mỗi năm phải chi phí khoảng 150-200 tỷ đồng cho hệ thống này. Thu nhập Một số người cho rằng khi phát hành thẻ ATM, ngân hàng đã thu phí hàng năm từ 50.000 -100.000 đồng/năm, như vậy đã có thu nhập rồi. Đúng là các ngân hàng có thu phí phát hành thẻ, nhưng số phí thu được cũng không thấm vào đâu so với chi phí khổng lồ phải bỏ ra đã nêu trên. Tổng số thẻ các loại đã phát hành tại Việt Nam đến nay khoảng 8 triệu thẻ. Tuy nhiên, theo tính toán của các ngân hàng thì chỉ có khoảng 2-3 triệu thẻ hoạt động bình thường, số còn lại là thẻ không hoạt động (bản thân người viết bài này đã được các ngân hàng cấp 5 chiếc thẻ các loại, nhưng hiện chỉ sử dụng thường xuyên 1 thẻ duy nhất). Bình quân mỗi ATM phục vụ khoảng 500-600 chủ thẻ đang hoạt động (thậm chí các ngân hàng phát triển thẻ muộn mới chỉ đạt bình quân dưới 300 thẻ / 1 ATM), nếu thu đủ tiền phí phát hành, thì phí thu được tối đa khoảng 30 triệu đồng/máy/năm. Đó là tính trên lý thuyết, còn thực tế hiện nay phần lớn các ngân hàng đang phải miễn giảm phí phát hành thẻ để khuyến khích người dùng, nên khoản phí này thực tế còn thấp hơn nhiều.   Cũng có người cho rằng khi phát hành thẻ, ngân hàng được sử dụng số dư tiền gửi trên tài khoản chưa sử dụng đến của chủ thẻ ATM (sau đây gọi tắt là số dư trong thẻ). Điều đó cũng đúng, nhưng đó có phải là nguồn thu đáng kể không thì còn phải phân tích thêm. Bởi vì, số dư trong thẻ ATM phụ thuộc nhiều vào thói quen sử dụng thẻ. Nếu thẻ được sử dụng để thanh toán tiền mua hàng hóa dịch vụ là chính thì số dư trong thẻ là đáng kể, còn nếu thẻ chỉ để nhận lương và rút tiền mặt ra tiêu, thì số dư trong thẻ rất ít. Hiện nay tại Việt Nam, phần lớn chủ thẻ dùng thẻ để lĩnh lương, sau đó chi tiêu bằng tiền mặt. Cứ đến ngày trả lương là lại xảy ra tình trạng xếp hàng rút tiền từ ATM, gây quá tải cho hệ thống ATM. Người nhận lương qua tài khoản thường rút một lần hết toàn bộ số tiền lương (chỉ để lại trong thẻ số dư tối thiểu theo quy định của từng ngân hàng). Với thói quen dùng thẻ như vậy thì số dư trong thẻ không thể lớn được. Theo thống kê từ một ngân hàng (đề nghị không nêu tên), trong 6 tháng đầu năm 2008 số dư bình quân trên các thẻ ATM của ngân hàng này là gần 25 tỷ đồng, nhưng đồng thời ngân hàng này cũng phải duy trì tiền tồn quỹ trong các máy ATM để phục vụ việc rút tiền lên đến gần 20 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy lượng tiền gửi qua thẻ cũng chỉ tương đương (nhỉnh hơn một chút) so với số tiền mặt ngân hàng phải duy trì tồn quỹ trong các ATM để phục vụ các khách hàng rút tiền, trong khi tiền gửi trong thẻ vẫn được ngân hàng trả lãi không kỳ hạn còn tiền tồn quỹ trong ATM thì ngân hàng không thu được gì. Vậy ngân hàng được gì từ hệ thống ATM? Đầu tư ATM rất tốn kém trong khi thu nhập không đáng là bao, câu hỏi đặt ra là tại sao các ngân hàng vẫn đầu tư hệ thống ATM? Câu trả lời hợp lý là các ngân hàng buộc phải phát triển hệ thống thẻ để cung cấp thêm tiện ích cho khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm và xây dựng thương hiệu của mình. Mục tiêu chính của các ngân hàng không phải chỉ là phát triển hệ thống ATM mà là phát triển các dịch vụ thanh toán qua thẻ, vì thu nhập của ngân hàng chủ yếu có được từ các dịch vụ thanh toán thẻ chứ không phải là từ phí ATM. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển các dịch vụ phát hành và thanh toán thẻ, hệ thống ATM và các điểm chấp nhận thanh toán thẻ cũng cần phải được phát triển song song. Có nên phản đối thu phí ATM? Vậy ngân hàng thu phí ATM có gì là không đúng? Xét về quan hệ ngân hàng và khách hàng thì đây là quan hệ bình đẳng, ngân hàng đầu tư, cung cấp dịch vụ thì phải thu phí. Về quy định pháp luật, việc thu phí là đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Xét về thông lệ, việc thu phí cũng phù hợp với thông lệ quốc tế (khi tham gia phát hành thẻ quốc tế, các ngân hàng Việt Nam cũng phải thực hiện các quy định của tổ chức thẻ quốc tế, trong đó có các vấn đề về phí dịch vụ thẻ). Thế thì tại sao ở Việt Nam việc thu phí ATM lại bị phản đối như vậy. Việc các ngân hàng phát triển các sản phẩm dịch vụ liên quan đến phát hành và thanh toán thẻ là rất phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó là cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và chi tiêu của người dân trở nên minh bạch và dễ kiểm soát hơn. Tuy nhiên, để thực hiện được chủ trương này không thể chỉ có mình hệ thống ngân hàng mà làm được, vì ngân hàng có thể là người đi tiên phong, chịu lỗ một thời gian đầu để tạo thói quen sử dụng sản phẩm, sau đó thì phải tiến tới thu hồi vốn và có lãi. Có như vậy mới kích thích các ngân hàng tiếp tục đầu tư, vì không có doanh nghiệp nào chấp nhận lỗ mãi chỉ vì phục vụ các yêu cầu mang tính chính sách xã hội. Ngoài phí phát hành thẻ và phí giao dịch qua ATM, việc đầu tư hệ thống ATM hầu như không còn thu được phí nào đáng kể. Nếu phản đối ngân hàng thu phí ATM thì ngân hàng lấy nguồn thu nào để hoàn vốn? Đầu tư lớn mà không có thu, các ngân hàng sẽ chùn bước trong việc đầu tư hệ thống ATM, mà sẽ chỉ chú trọng việc phát hành thẻ. Nếu số lượng thẻ phát hành nhiều mà hệ thống ATM không tăng tương ứng (do không được thu phí ATM nên các ngân hàng sẽ hạn chế mua thêm ATM) sẽ dẫn tới hệ thống ATM thường xuyên quá tải, các chủ thẻ muốn rút tiền mặt sẽ khó khăn hơn, và làm cho người dân càng rời xa các sản phẩm thẻ. Muốn thúc đẩy phát triển thẻ thì chúng ta cần phải quan tâm đồng thời cả hai mặt: khuyến khích người dân sử dụng thẻ và khuyến khích các ngân hàng tăng cường cung cấp dịch vụ thẻ ngày càng hoàn thiện. ————- 1) Theo thông tin do bà Nguyễn Thu Hà, Chủ tịch Hiệp hội Thẻ – nêu trên báo Thanh niên ngày 19/11/2008 thì giá mua một máy ATM khoảng 30.000 USD.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật