BÀN VỀ THÀNH VIÊN ĐỘC LẬP CỦA CÔNG TY

I. THÀNH VIÊN ĐỘC LẬP ANH LÀ AI? HẢI LÝ Chúng tôi sẵn sàng trả lương cao và các ưu đãi đi kèm cho những người có thể đại diện cho chúng tôi làm thành viên độc lập trong hội đồng quản trị (HĐQT) những doanh nghiệp nơi chúng tôi góp vốn – tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ cho biết. Tìm kiếm người làm thành viên độc lập trong HĐQT đang không chỉ là vấn đề đối với các tổ chức, quỹ đầu tư mà còn của nhiều doanh nghiệp niêm yết. Thành viên độc lập, anh là ai? Và vì sao thị trường tài chính lại cần đến anh vào lúc này? “Độc lập” trên giấy Hai năm trước ở một công ty sản xuất dầu ăn niêm yết trên sàn TPHCM đã xảy ra mâu thuẫn giữa HĐQT và ban tổng giám đốc. Hai thành viên độc lập trong HĐQT đại diện cho các quỹ nước ngoài, “đấu tranh” bảo vệ tổng giám đốc, nhưng đã không có kết quả vì chủ tịch HĐQT đại diện cho phần vốn nhà nước 51% có quyền phủ quyết tại đại hội. Cuối cùng các thành viên độc lập từ chức, quỹ đầu tư thoái vốn. Sự rút lui của họ cho thấy vai trò của thành viên độc lập chưa thể thể hiện hiệu quả trong những hoàn cảnh nhất định. Khoản 1, điều 11, Quyết định 12/2007/QĐ-BTC ngày 13-3-2007 về việc ban hành quy chế quản trị doanh nghiệp áp dụng cho các công ty niêm yết, quy định số lượng thành viên HĐQT một đơn vị ít nhất là 5 người, nhiều nhất 11 người, trong đó một phần ba là thành viên độc lập không điều hành. Khái niệm về thành viên độc lập theo các văn bản pháp lý cho đến nay chỉ có thế. Ngoài ra không ở đâu, không văn bản nào định nghĩa thành viên độc lập là gì, họ phải đáp ứng những tiêu chí nào, trình độ, kinh nghiệm ra sao. Không có tiêu chí, cũng chẳng có hướng dẫn, nhưng các công ty niêm yết vẫn phải bầu cho được thành viên độc lập vào HĐQT. Vì thế, trong các đợt tập huấn công ty đại chúng, nhiều doanh nghiệp đứng lên hỏi, song đại diện cơ quan quản lý cũng không biết trả lời ra sao. Hỏi không được trả lời, nhưng vẫn phải thực hiện quy định.
Ở nhiều nước, thành viên độc lập là một nghề, được đào tạo hẳn hoi và được trả lương xứng đáng. Việt Nam chưa có một nghề như vậy!
    Yêu cầu về thành viên độc lập có từ bao giờ? Bà Trần Anh Đào, Trưởng phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết HOSE, cho biết yêu cầu này xuất hiện trong điều lệ mẫu dành cho các công ty niêm yết từ những năm 2002-2003. Tuy nhiên, số doanh nghiệp thực hiện không nhiều vì yêu cầu có tính khuyến khích, không chế tài. Điều lệ mẫu cũ đòi hỏi mỗi năm công ty niêm yết phải bầu lại một phần ba HĐQT. Các công ty thường lấy những thành viên có phiếu bầu thấp nhất lần trước ra bầu lại. Cách làm này không hiệu quả, gây xáo trộn HĐQT, nên sau đó bị bỏ. Bây giờ hầu hết các công ty niêm yết ở HOSE đã có thành viên độc lập trong HĐQT. Nhưng sự “có” đó chỉ mang tính hình thức. Tìm đâu thành viên độc lập? Bà Đào nhấn mạnh theo các nguyên tắc quản trị công ty của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), thành viên độc lập hoàn toàn không liên quan đến lợi ích công ty (mà một trong số đó là không nắm giữ cổ phiếu). Nhưng luật pháp Việt Nam chưa quy định điều này. Các công ty Việt Nam chọn thành viên độc lập theo hai xu hướng. Thứ nhất từ các quỹ đầu tư, đối tác chiến lược, công ty chứng khoán… Những thành viên đó trên thực tế không độc lập hoàn toàn vì họ đại diện cho một nhóm cổ đông hoặc cho tổ chức đầu tư nơi họ làm việc. Thứ hai, những thành viên trước đây tham gia điều hành doanh nghiệp (phó tổng, tổng giám đốc) nay không điều hành nữa, nghĩa là từ không độc lập trở thành “độc lập”. Ở những công ty xuất thân từ gia đình, tính đại chúng hạn hẹp, thành viên độc lập trong HĐQT có thể là anh em, người thân, người có liên quan đến tổng giám đốc, phó tổng giám đốc. Họ thậm chí là người điều hành công ty con, công ty liên kết của doanh nghiệp niêm yết. Sự độc lập đúng nghĩa ở đây, do đó, bị xóa mờ. Các quỹ, tổ chức đầu tư thường bỏ vốn vào nhiều công ty. Họ không có đủ người để tham gia HĐQT, nên có trường hợp một người làm thành viên HĐQT 5 -7 doanh nghiệp. Tuy nhiên, Quyết định 12 quy định một thành viên HĐQT không được là thành viên HĐQT của quá năm công ty. Thế nên các quỹ, các tổ chức lao vào tìm kiếm người có thể làm đại diện cho họ trong HĐQT các công ty. Những người này phải có trình độ, kinh nghiệm, tham gia các cuộc họp, góp ý các quyết sách kinh doanh, theo dõi hoạt động các doanh nghiệp đó cho họ. Tìm được những người như thế không dễ. Tổng giám đốc một quỹ đầu tư nói ở nhiều nước thành viên độc lập là một nghề, được đào tạo hẳn hoi và được trả lương xứng đáng. Việt Nam chưa có một nghề như vậy! Xung đột lợi ích Vai trò của thành viên độc lập là gì? Thêm một lỗ trống mà văn bản pháp quy không làm rõ. Theo khoản 2-3, điều 25, Quyết định 15/2007/QĐ-BTC ngày 19-3-2007 về việc ban hành điều lệ mẫu áp dụng cho công ty niêm yết, vai trò của thành viên độc lập cũng giống như những thành viên HĐQT khác. Thực tế lại đang phản ánh những hiện tượng phức tạp trong hoạt động của công ty niêm yết mà chỉ có thành viên độc lập mới phát hiện, giải quyết được. Theo OECD, chẳng hạn, tôi là thành viên HĐQT một doanh nghiệp niêm yết, nhưng đồng thời là chủ một công ty (sân sau) chuyên tiêu thụ sản phẩm của đơn vị niêm yết làm ra. Nếu tổng doanh số tiêu thụ hàng năm của công ty tôi vượt 20% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp niêm yết, thì giao dịch này phải được đại hội đồng cổ đông thông qua; nếu dưới 20% thì phải được HĐQT thông qua và khi HĐQT quyết định, tôi không được bỏ phiếu. Trong trường hợp đó, tiếng nói (lá phiếu) của thành viên độc lập là vô cùng quan trọng. Điều này mới đây đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa vào Thông tư 09 về công bố thông tin. Trong đó nêu rõ báo cáo tài chính hàng quí, hàng năm phải công khai giao dịch dạng trên của các bên liên quan nhằm ngăn ngừa xung đột lợi ích. Hàng loạt các vấn đề khác liên quan đến thành viên HĐQT đang khiến nhà đầu tư đau đầu, đòi hỏi phải có thành viên độc lập ở vai trò giám sát. Thí dụ công ty cho thành viên HĐQT vay tiền hoặc ngược lại; thành viên HĐQT dùng tài sản của mình thế chấp ở ngân hàng cho công ty niêm yết vay tiền hoặc ngược lại; đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết mà thành viên HĐQT có cổ phần… Từ những mối quan hệ chằng chịt này, đã xảy ra việc chuyển lời lỗ từ các công ty niêm yết về các công ty con làm các thành viên có lợi ích liên quan được hưởng lợi. Các nguyên tắc quản trị công ty của OEDC chỉ ra rằng trong HĐQT phải lập ra các tiểu ban đề giúp HĐQT như tiểu ban lương thưởng, kiểm toán, nhân sự… và trưởng các tiểu ban bắt buộc phải là thành viên độc lập HĐQT. Việt Nam chưa hề có một quy định bắt buộc như thế. Thị trường tài chính Việt Nam còn trẻ, nhà đầu tư phần lớn ngắn hạn, chưa quan tâm đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, mới chỉ chú ý đến công ty sinh lời nhanh, thiếu các tổ chức tạo lập thị trường… Trên cái nền đó, chỗ đứng của thành viên độc lập HĐQT chưa thể nổi bật. Nhưng khi thị trường càng lớn, xung đột lợi ích giữa các chủ thể phát sinh càng nhiều, thành viên độc lập sẽ trở thành nhân vật không thể thiếu để bảo vệ nhà đầu tư. Sự hoàn chỉnh quy định về thành viên độc lập phải bắt đầu từ khía cạnh pháp luật bằng sự sửa đổi, bổ sung, cập nhật quy định về mẫu hình này. II. ĐỂ HIỂU THÊM VỀ THÀNH VIÊN ĐỘC LẬP TS. NGUYỄN HỮU LONG TBKTSG số 20, ra ngày 13-5-2010 có bài viết “Thành viên độc lập, anh là ai?(Xem phần 1 – Civillawinfor) của tác giả Hải Lý, nêu lên thực trạng hoạt động của các thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) độc lập trong các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. Người viết bài này (đang là thành viên HĐQT độc lập ở một vài công ty) xin chia sẻ thêm các quan điểm phổ biến trên thế giới về thành viên HĐQT độc lập và vai trò cũng như sự đóng góp của các thành viên HĐQT độc lập đối với các công ty cổ phần (niêm yết hoặc chưa niêm yết) tại Việt Nam. Độc lập như thế nào? Thành viên HĐQT độc lập có khi được gọi đầy đủ là thành viên HĐQT độc lập không điều hành là thành viên HĐQT không có quan hệ vật chất với công ty, hay các công ty con, công ty liên kết của công ty – dù là trực tiếp hay gián tiếp (với tư cách đối tác, cổ đông, hoặc nhân viên của các tổ chức có quan hệ kinh doanh với công ty). Định nghĩa trên có thể diễn giải thành các điều kiện sau (tùy theo quốc gia và tùy theo công ty): - Không phải là người lao động của công ty hay các công ty con, công ty liên kết trong vòng ba năm gần nhất. - Không có người trong gia đình là thành viên HĐQT, tổng giám đốc, người quản lý khác, hay cổ đông lớn của công ty, công ty con, công ty liên kết trong ba năm gần nhất. - Không sở hữu cổ phần ở công ty hay công ty con, công ty liên kết với công ty. - Không nhận bất kỳ khoản thù lao nào khác từ công ty, ngoại trừ khoản thù lao được trả cho vai trò thành viên HĐQT. - Không tham gia vào các chương trình quyền chọn cổ phần (share option scheme) hoặc bất kỳ chương trình nào khác của công ty liên quan đến việc trả thu nhập theo hiệu quả làm việc. - Không là thành viên của kế hoạch hưu trí (pension scheme) của công ty. - Không có quan hệ lãnh đạo chéo hoặc có mối liên hệ đáng kể nào với các thành viên HĐQT khác thông qua việc cùng tham gia vào các tổ chức, doanh nghiệp khác. - Không là đại diện ủy quyền của một cổ đông lớn nào cả. Ngoài ra, ở một số công ty, còn có thêm các điều kiện khác như: - Thời gian tham gia vào HĐQT của công ty không quá 10 năm. - Chưa từng làm việc tại công ty hoặc tham gia thành viên ban kiểm soát của công ty. Vì sao cần có thành viên độc lập? Thứ nhất, cần tính khách quan. Một hội đồng quản trị, nếu chỉ bao gồm những người bên trong, có quan hệ lợi ích bên trong công ty, rất khó có thể đưa ra những quan điểm, ý kiến khách quan để dẫn đến các quyết định có lợi cho đa số cổ đông, nhưng bất lợi, hoặc ít có lợi, cho bản thân mình. Thành viên HĐQT độc lập là người không có quan hệ lợi ích với công ty, không bị “lấn cấn” bởi những suy nghĩ liên quan đến lợi ích riêng tư, nên sẽ đưa ra những ý kiến khách quan, nhằm vào lợi ích tổng thể của công ty chứ không nhằm vào lợi ích riêng tư của cá nhân hoặc một nhóm người. Nhờ tiếng nói khách quan này, HĐQT công ty tránh được những quyết định mang tính “có ý đồ”, có thể gây xung đột lợi ích trong cổ đông, và đôi khi, trong chính nội bộ HĐQT. Có những công ty, tiếng nói của thành viên HĐQT độc lập mang tính quyết định vì trong nội bộ HĐQT đang có hai nhóm lợi ích xung đột lẫn nhau và đang trong trạng thái “cân bằng lực lượng”. Ngoài ra, trong thời đại ngày nay, để phát triển bền vững, một công ty không chỉ quan tâm đến quyền lợi của các cổ đông (shareholders) mà còn quan tâm đến các chủ thể liên quan (stakeholders) khác như chủ nợ, người cung cấp, khách hàng, người lao động… Không có sự khách quan của các thành viên độc lập, có thể HĐQT sẽ chỉ đưa ra các quyết định đem lại lợi ích trước mắt cho cổ đông mà không quan tâm đến các chủ thế khác, dẫn đến việc công ty mất uy tín, khách hàng mất lòng tin, người lao động bỏ việc… gây thiệt hại lâu dài cho công ty. Thứ hai, cần có cái nhìn rộng hơn từ bên ngoài. Có thể xuất phát từ khát vọng kinh doanh, tham vọng làm giàu, từ cảm giác “say sưa trong chiến thắng”… các thành viên HĐQT bên trong công ty – thường là các cổ đông lớn – có thể không có được cái nhìn toàn diện về bức tranh thị trường và tình hình kinh doanh của công ty. Các quyết định mang tính chiến lược có thể được đưa ra từ sự lạc quan (hoặc bi quan) quá mức, dẫn đến vội vàng, liều lĩnh, không tính hết các yếu tố rủi ro, và dễ dẫn đến thất bại. Khi đó, với góc nhìn của người ngoài, thành viên HĐQT độc lập có thể có nhiều thông tin hơn về thị trường, môi trường kinh doanh để đưa ra những phân tích, nhận định sáng suốt hơn, giúp cho HĐQT “tỉnh táo” lại để đưa ra các quyết định đúng đắn. Thứ ba, cần thêm kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh và quản lý. Các thành viên HĐQT bên trong có thể rất giỏi, nhưng không thể giỏi hết mọi mặt. Đó là chưa kể, trong nhiều trường hợp, các thành viên HĐQT bên trong chỉ quen với cách làm ăn đơn giản ở quy mô nhỏ, không có đủ kiến thức, kinh nghiệm để tổ chức quản lý công ty ở giai đoạn phát triển lớn mạnh. Khi đó, việc đưa những thành viên độc lập có năng lực, kinh nghiệm từ bên ngoài vào để giúp lèo lái công ty là điều hết sức cần thiết. Thứ tư, cần chứng tỏ sự minh bạch. Những công ty đại chúng và công ty niêm yết rất cần chứng tỏ sự minh bạch của mình để làm an lòng cổ đông và thu hút thêm các nhà đầu tư. Một trong những cách thể hiện sự công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh của công ty là sự có mặt của ít nhất một phần ba số thành viên độc lập trong cơ cấu của HĐQT. Những thành viên HĐQT độc lập, ngoài việc đóng góp kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh và quản lý và đưa ra những ý kiến khách quan trong HĐQT, còn là người “để mắt” đến sự công bằng, minh bạch trong hoạt động quản trị của công ty. Nghề thành viên độc lập và nhu cầu sử dụng thành viên độc lập tại Việt Nam Tại Việt Nam, đã bắt đầu manh nha có nghề thành viên HĐQT độc lập. Một số ít công ty cổ phần tại Việt Nam đã bắt đầu nhận thức được nhu cầu phải tăng cường năng lực quản trị cho công ty, đặc biệt là năng lực tư duy và hoạch định chiến lược. Nhiều công ty bỏ tiền ra thuê tổng giám đốc (CEO), với mức lương rất cao, nhưng lại không biết cách “ra đề” cho CEO và không biết cách đánh giá năng lực của CEO này. Do CEO mới không biết rõ mong đợi và “đầu bài” của HĐQT, nên cứ vạch con đường dài hạn 5-10 năm của mình, trong khi HĐQT thì mong muốn có được kết quả sau 1-2 năm. CEO cứ làm theo cách của mình, còn HĐQT thì lờ mờ, không biết CEO đang làm gì, liệu có kết quả không, cũng không biết đánh giá CEO thế nào, chỉ biết các chương trình của CEO đưa ra sao tốn tiền quá. Khi đó, sự xuất hiện của một thành viên HĐQT độc lập có kinh nghiệm quản lý ở tầm cao sẽ giúp HĐQT xem xét, đánh giá lại các kế hoạch dài hơi của CEO xem “dài” cỡ nào, có khả thi không, và cách làm có sức thuyết phục không… Trong nhiều trường hợp, thành viên HĐQT độc lập vừa đóng vai trò “ra đề” cho CEO, vừa hỗ trợ, giám sát CEO thực hiện các chương trình theo đúng định hướng do HĐQT quyết định. Vấn đề đặt ra là đến khi nào các công ty cổ phần Việt Nam mới nhận thức rõ và chấp nhận có sự thay đổi trong quản trị công ty bằng việc mời các cựu quản lý cấp cao, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia tư vấn quản lý, các luật sư, nhà nghiên cứu… tham gia vào HĐQT công ty với tư cách thành viên độc lập để góp phần gia tăng giá trị của công ty.
Điều ít ai biết • Trong thành phần HĐQT gồm 16 người của tập đoàn kỹ thuật điện hàng đầu thế giới đồng thời là công ty lớn nhất thế giới theo xếp loại năm 2009 của tạp chí Forbes, là General Electric (GE) lại có đến 14 người (trên ba phần tư) là thành viên độc lập. Nguồn: http://www.ge.com/company/leadership/directors.html • Còn trong Berkshire Hathaway, một công ty đầu tư hàng đầu của tỉ phú Warren Buffet, HĐQT có 12 người thì có đến 8 người là thành viên độc lập. Nguồn: www.berkshirehathaway.com/govern/corpgov.pdf
 

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật