BÀN VỀ NỘI DUNG VỐN ĐẦU TƯ TRONG KINH TẾ (*)

NGUYỄN THỊ VIỆT HỒNG – Viện Khoa học Thống kê Vốn đầu tư là chỉ tiêu kinh tế cơ bản thu hút sự quan tâm của nhiều người. Tùy theo nhu cầu quản lý và phân tích khác nhau mà mỗi người quan tâm đến nội dung của vốn đầu tư theo các giác độ khác nhau. Từ trước đến nay đã có những chỉ tiêu về “Vốn đầu tư xây dựng cơ bản” và “Vốn đầu tư phát triển” được công bố số liệu, nhưng chỉ tiêu về “vốn đầu tư trong kinh tế” theo tôi là rất quan trọng, nhưng hiện nay còn nhiều vấn đề cần bàn đến. Vậy nội dung của chỉ tiêu này bao gồm những gì? có khác hay không so với các chỉ tiêu về “Vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB)” và “Vốn đầu tư phát triển”. 1. Đầu tư Trong kinh tế “Đầu tư” được hiểu là sự chi tiêu mà kết quả làm tăng tài sản cho nền kinh tế (giá trị của những tài sản mua đi bán lại giữa các thực thể kinh tế với nhau không được coi là đầu tư đối với nền kinh tế). Vì vậy, có những trường hợp đối với một cá nhân, hoặc của một tổ chức nào đó là đầu tư, nhưng xét trên phạm vi toàn nền kinh tế thì đó không phải là đầu tư nếu quá trình đầu tư đó không tạo thêm tài sản mới. (ví dụ: một người bỏ ra một khoản tiền để mua một ngôi nhà của người khác để ở thì hành vi mua bán đó không được tính là đầu tư trên phạm vi toàn nền kinh tế). Các nhà kinh tế vĩ mô chia đầu tư thành 3 loại chính như sau: đầu tư vào tài sản cố định dùng trong sản xuất kinh doanh; đầu tư vào tài sản lưu động(1) và đầu tư vào nhà ở. Đầu tư tài sản cố định(2) là sự bỏ vốn ra để xây dựng nhà máy, cơ sở hạ tầng và mua sắm trang, thiết bị và các tài sản đủ tiêu chuẩn là TSCĐ của các đơn vị sản xuất kinh doanh (làm tăng thực sự tài sản sản xuất). Theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính là những tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên và có thời gian sử dụng trên 1 năm.   Đầu tư tài sản lưu động là sự bỏ vốn ra để làm tăng thêm giá trị hàng hoá tồn kho của các doanh nghiệp, bao gồm cả nguyên, nhiên vật liệu, sản phẩm dở dang và thành phẩm tồn kho. Đầu tư nhà ở là sự bỏ vốn ra của các hộ gia đình, các chủ đất để xây dựng nhà ở mới dùng để ở và cho thuê. Tuy nhiên có những ý kiến cho rằng đầu tư xây dựng nhà ở không thuộc phạm vi đầu tư trên phương diện toàn nền kinh tế. Người ta cho rằng nhà ở thuộc tài sản tiêu dùng của các hộ gia đình. Nhưng trong cuốn sách xuất bản lần thứ 3, của N.Gregory Mankiw, Tiến sỹ kinh tế của trường Đại học Harvard coi đầu tư nhà ở thuộc phạm trù đầu tư của nền kinh tế (xem [3]). Đồng thời thuật ngữ “Investment” của nhiều nước hiện nay vẫn bao gồm cả lĩnh vực đầu tư về nhà ở. Vì vậy, trong bài viết này, nội dung đầu tư được đề cập đến cả lĩnh vực đầu tư vào nhà ở vì nhà ở được coi là tài sản cố định của nền kinh tế (khác với các tài sản dùng trong tiêu dùng của hộ gia đình khác mặc dù về giá trị và thời gian sử dụng trên một năm, nhưng không được coi là tài sản cố định của nền kinh tế). Việc phân định ranh giới giữa tài sản cố định và tài sản lưu động không phải lúc nào cũng rõ ràng, đôi khi cũng gây lúng túng cho người thu thập và xử lý thông tin, chẳng hạn đối với thiết bị, máy móc, đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định nhưng chúng chưa được đưa vào sản xuất, vẫn nằm trong kho của các đơn vị thì được xếp vào nhóm tài sản lưu động. 2. Vốn đầu tư Vốn đầu tư là toàn bộ các chi phí bỏ ra để thực hiện mục đích đầu tư. Như vậy theo quan điểm kinh tế vĩ mô vốn đầu tư trong kinh tế bao gồm ba nội dung chính là: Vốn đầu tư làm tăng tài sản cố định; Vốn đầu tư tài sản lưu động và Vốn đầu tư vào nhà ở. Chỉ tiêu “Vốn đầu tư” với nội dung như trên là rất cần thiết cho việc tính toán các chỉ tiêu liên quan như: tích luỹ tài sản, vốn hiện có,… và dùng trong phân tích về hiệu quả của đầu tư và các phân tích khác có liên quan đến vốn đầu tư, đồng thời khái niệm này cũng bảo đảm phạm vi của chỉ tiêu trong so sánh quốc tế. Trước những năm 2000, do chế độ và điều kiện hạch toán, chỉ tiêu “vốn đầu tư cơ bản” hay thường gọi là “vốn đầu tư xây dựng cơ bản” được sử dụng phổ biến. Nhưng từ năm 2000 trở lại đây do thay đổi cơ chế quản lý, chế độ và điều kiện hạch toán, đồng thời do quan điểm của các nhà lãnh đạo, chỉ tiêu “Vốn đầu tư phát triển” đã trở thành một chỉ tiêu thay thế chỉ tiêu “vốn đầu tư XDCB” (trong niêm giám của ngành thống kê hiện nay chỉ công bố số liệu của chỉ tiêu “vốn đầu tư phát triển”). Do vậy, phần này tôi muốn so sánh nội dung của hai chỉ tiêu “Vốn đầu tư cơ bản” và “Vốn đầu tư phát triển” với nội dung của “Vốn đầu tư trong kinh tế”. 2.1. Vốn đầu tư cơ bản và vốn đầu tư trong kinh tế Vốn đầu tư cơ bản (hay vẫn quen gọi là vốn đầu tư XDCB) là toàn bộ chi phí dành cho việc tái sản xuất giản đơn và tái sản xuất mở rộng tài sản cố định cho nền kinh tế (xem [11]). Nội dung của vốn đầu tư cơ bản gồm: các khoản chi phí cho khảo sát thiết kế và xây lắp nhà cửa và vật kiến trúc; mua sắm và lắp đặt thiết bị máy móc; chi phí trồng mới cây lâu năm; mua sắm súc vật đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định và một số chi phí khác phát sinh trong quá trình tái sản xuất tài sản cố định. Vốn đầu tư cơ bản không bao gồm chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định của các cơ sở sản xuất; chi phí khảo sát thăm dò chung không liên quan trực tiếp đến việc xây dựng một công trình cụ thể. Vốn đầu tư cơ bản gồm: vốn đầu tư xây lắp; vốn đầu tư mua sắm thiết bị và vốn đầu tư cơ bản khác. · Vốn đầu tư xây lắp (vốn xây lắp) là phần vốn đầu tư cơ bản dành cho công tác xây dựng và lắp đặt thiết bị, máy móc gồm: vốn đầu tư dành cho xây dựng mới, mở rộng và xây dựng lại nhà cửa, vật kiến trúc; vốn đầu tư để lắp đặt thiết bị, máy móc. · Vốn đầu tư mua sắm thiết bị (vốn thiết bị) là phần vốn đầu tư cơ bản dành cho việc mua sắm thiết bị, máy móc, công cụ, khí cụ, súc vật, cây con đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định bao gồm cả chi phí vận chuyển, bốc dỡ và chi phí kiểm tra, sửa chữa thiết bị máy móc trước khi lắp đặt. Đối với các trang thiết bị chưa đủ là tài sản cố định nhưng có trong dự toán của công trình hay hạng mục công trình để trang bị lần đầu của các công trình xây dựng thì giá trị mua sắm cũng được tính vào vốn đầu tư mua sắm thiết bị. · Vốn đầu tư cơ bản khác là phần vốn đầu tư cơ bản dùng để giải phóng mặt bằng xây dựng, đền bù hoa màu và tài sản của nhân dân, chi phí cho bộ máy quản lý của ban kiến thiết, chi phí cho xây dựng công trình tạm loại lớn. Như vậy, so với tổng số vốn đầu tư trong kinh tế như trên đề cập ta thấy như sau: nội dung của “Vốn đầu tư cơ bản” là trùng với 2 nội dung chính (trong 3 nội dung) của vốn đầu tư cho nền kinh tế đó là đầu tư tài sản cố định và đầu tư xây dựng nhà ở (trình bày ở phần 1). Tuy nhiên, ở đây có một vấn đề còn gây tranh luận là phần vốn chi cho việc sửa chữa lớn tài sản cố định tại các doanh nghiệp có tính vào tổng vốn đầu tư trong kinh tế hay không? vì trong nội dung của vốn đầu tư cơ bản không bao gồm phần vốn này và cách tính này là hoàn toàn phù hợp với hạch toán của các doanh nghiệp hiện nay. Tại các doanh nghiệp phần vốn này không được quyết toán vào tăng tài sản của doanh nghiệp mà được tính vào phần chi phí và được phép hạch toán vào giá thành sản phẩm. Nguồn vốn sửa chữa lớn TSCĐ thường lấy từ phần trích khấu hao tài sản nên không coi là đầu tư mới trong năm. Điều này hiện nay là mâu thuẫn với chỉ tiêu “Tích luỹ tài sản (giá trị tài sản tăng trong kỳ)” của Tài khoản quốc gia. Như vậy để có nội dung đầy đủ của chỉ tiêu vốn đầu tư trong kinh tế, chúng ta chỉ cần cộng thêm phần vốn đầu tư bổ sung tài sản lưu động (đầu tư hàng tồn kho) và phần vốn mua sắm TSCĐ không thuộc công trình xây dựng) vào vốn đầu tư cơ bản là đủ, tức là:  
Vốn ĐT trong kinh tế = Vốn ĐTCB (bao gồm cả vốn mua sắm TSCĐ không thuộc công trình XD) + Vốn bổ sung tài sản lưu động
2.2. Vốn đầu tư phát triển và vốn đầu tư trong kinh tế Khái niệm và nội dung vốn đầu tư phát triển hiện nay còn nhiều tranh luận. Tôi xin trình bày hai khái niệm về vốn đầu tư phát triển đang sử dụng trong ngành thống kê như sau: a. Vốn đầu tư phát triển (xem [8]) là những chi phí bỏ ra để thực hiện các hoạt động đầu tư nhằm tăng thêm tài sản tài chính (tiền vốn); tài sản vật chất (nhà máy, thiết bị, vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hoá, cầu cống, đường xá); tài sản trí tuệ và nguồn nhân lực (trình độ văn hoá, trình độ chuyên môn, trình độ khoa học kỹ thuật). Vốn đầu tư phát triển gồm: vốn đầu tư XDCB và sửa chữa lớn tài sản cố định; vốn lưu động bổ sung; vốn đầu tư phát triển khác. Về nội dung của vốn đầu tư XDCB và vốn lưu động bổ sung là thống nhất với phần 2.1 nêu trên. Vốn đầu tư phát triển khác bao gồm: chi phí thăm dò, khảo sát và qui hoạch ngành, vùng lãnh thổ; chi phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Chương trình 773 phủ xanh đt trống ven sông ven biển, Chương trình 135 hỗ trợ các xã nghèo, Chương trình sắp xếp lao động và giải quyết việc làm, chương trình giáo dục và đào tạo, chương trình y tế; Chương trình văn hoá; Chương trình phủ sóng phát thanh; chương trình mục tiêu về truyền hình; Chương trình dân số và kế hoạch hoá gia đình; Chương trình phát triển công nghệ thông tin, chương trình hành động phòng chống ma tuý, Chương trình phòng chống HIV/AIDS, chương trình phòng chống tệ nạn mại dâm…); chi phí cho các hoạt động nghiên cứu, triển khai, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực không thuộc vốn đầu tư xây dựng cơ bản. b. Vốn đầu tư phát triển (xem [2]) là vốn được bỏ ra để thực hiện mục đích đầu tư nhằm sau một chu kỳ hoạt động hoặc sau một thời gian nhất định thu về một giá trị nhất định lớn hơn giá trị vốn đã bỏ ra ban đầu. Nội dung của vốn đầu tư phát triển gồm: vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn đầu tư mua sắm thiết bị máy móc, tài sản cố định dùng cho sản xuất kinh doanh, vốn đầu tư cho sửa chữa lớn tài sản cố định; vốn đầu tư bổ sung cho vốn lưu động và các nguồn vốn đầu tư phát triển khác như vốn đầu tư để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, cho khoa học công nghệ, cho đào tạo nguồn nhân lực con người…(xem [2]) Như vậy, khái niệm và nội dung của vốn đầu tư phát triển như trình bày trong phần a và b là thống nhất, không có gì mâu thuẫn, nhưng xét về khía cạnh thống kê thì khái niệm và nội dung của chỉ tiêu này được trình bày trong phần a “Tài liệu điều tra vốn 2000” là dễ nhận dạng hơn. Tuy nhiên, nội dung của phần “vốn đầu tư phát triển khác” có thể dễ gây ra hiện tượng tính trùng trong vốn đầu tư XDCB (vì theo qui định của nhà nước thì bất kể nguồn vốn nào thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện mục đích đầu tư XDCB thì đều được thống kê vào vốn đầu tư XDCB). So sánh giữa nội dung của chỉ tiêu “Vốn đầu tư trong kinh tế” và “Vốn đầu tư phát triển” ta thấy: nội dung của chỉ tiêu “Vốn đầu tư” trong kinh tế không bao gồm những phần đầu tư cho người lao động (hoặc nguồn lao động) như: Chi cho giáo dục, đào tạo nguồn lao động kể cả đào tạo của các doanh nghiệp và các đơn vị hành chính sự nghiệp; chi sự nghiệp khoa học công nghệ và chi cho nghiên cứu không trực tiếp liên quan đến công trình xây dựng nào; chi sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng,… và các khoản chi khác không được quyết toán vào tăng tài sản của nền kinh tế. Kết luận Cả hai chỉ tiêu "Vốn đầu tư XDCB" và "Vốn đầu tư phát triển" như Tổng cục Thống kê đang thực hiện đều có ý nghĩa nhất định cho công tác quản lý vốn và phân tích hiệu quả của vốn đầu tư theo các góc độ khác nhau. Tuy nhiên trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam đang thực hiện hạch toán theo hệ thống Tài khoản quốc gia (SNA) và tham gia hội nhập quốc tế, nếu chúng ta không làm rõ về nội dung của chỉ tiêu “Vốn đầu tư” trong kinh tế thì rất khó khăn cho việc phân tích về hiệu quả đầu tư cho quá trình phát triển sản xuất và khó khăn cho việc so sánh với các nước về các chỉ tiêu liên quan đến vốn đầu tư hiện nay (tính vốn hiện có từ vốn đầu tư, phân tích về hiệu quả vốn đầu tư và phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế,…). Đồng thời gây ra sự nhầm lẫn cho người sử dụng số liệu (nhiều người hiện nay đã dùng số liệu về vốn đầu tư phát triển để tính hệ số ICOR và ước tính chỉ tiêu vốn hiện có,…) và có thể mâu thuẫn giữa các chỉ tiêu: tích luỹ tài sản và đầu tư (thực tế tích luỹ tài sản là kết quả của quá trình đầu tư trong kinh tế)< clip_image001 (*) Khái niệm này hàm ý vốn đầu tư được các nhà kinh tế thường sử dụng trong phân tích kinh tế (1) Khái niệm về tài sản ở đây là những sản phẩm được sản suất ra để dùng trong sản xuất, không tính những tài sản dùng cho tiêu dùng cuối cùng và khái niệm sản xuất được hiểu theo khái niệm sản xuất của tài khoản quốc gia. (2) Tài sản cố định là những tài sản có thời gian sử dụng trên 1 năm, được sử dụng nhiều lần vào quá trình sản xuất có giá trị 10 triệu đồng trở lên (theo qui định hiện hành của Bộ Tài Chính) Tài liệu tham khảo 1. Chế độ báo cáo thống kê XDCB định kỳ áp dụng đối với các chủ đầu tư, các đơn vị xây lắp nhận thầu và các đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế quy hoạch xây dựng – Ban hành theo QĐ 31/ TCTK/QĐ ngày 12 tháng 3 năm 1995 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. 2. Chế độ báo cáo thống kê định kỳ Vốn đầu tư và xây dựng áp dụng đối với Cục Thống kê Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành theo QĐ 733/2002/QĐ – TCTK ngày 15 tháng 11 năm 2002. 3. Macroeconomics – N. Gregory Mankiw, Harvard University – Third Edition, Worth Publishers 4. Giáo trình kinh tế đầu tư – Trường Đại học kinh tế Quốc dân. 5. Nghị định của Chính phủ số 52/1999/NĐ- CP về việc ban hành quy chế quản lý đầu tư và xây dựng  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật