BÀN VỀ CỔ PHIẾU NGÂN HÀNG

TS. TÔN THANH TÂM & THS. NGỤY BẢO HIỂM -  SGDIII-BIDV Tạp chí Ngân Hàng – Thời gian gần đây, đặc biệt là vào thời điểm giữa năm 2005 và đầu năm 2006, cổ phiếu của một số ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) lớn nói riêng, các NHTMCP nói chung có xu hướng “leo thang”. Theo chúng tôi, cổ phiếu các NHTMCP leo thang bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân cơ bản sau đây: Một là, trong năm qua, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, hệ thống văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến quản trị NHTM liên tục được bổ sung, sửa đổi và ban hành mới, vừa tạo thuận lợi, thông thoáng cho môi trường kinh doanh của các ngân hàng (NH), nhưng cũng vừa đảm bảo an toàn cho quá trình giám sát, quản trị rủi ro không những của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với các NHTM, mà còn cho chính bản thân nội tại của từng NHTM. Chính sự ổn định kinh tế vĩ mô và hành lang pháp lý an toàn đã góp phần làm cho giá trị cổ phiếu của các NHTMCP tăng cao; Hai là, sự hỗ trợ có hiệu quả của Hiệp hội Ngân hàng và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng như các cơ quan hữu quan đối với hệ thống NH góp phần củng cố niềm tin của công chúng, nâng cao tính liên kết trong hệ thống trước những khó khăn, tạo ra giá trị ổn định cho cổ phiếu NH;   Ba là, sự có mặt của một số đối tác chiến lược nước ngoài tại các NHTMCP tạo ra luồng “gió mát” đẩy giá cổ phiếu của một số NHTMCP lên cao; Bốn là, cuộc cách mạng tăng vốn điều lệ ở hầu hết các NHTMCP góp phần tạo ra diện mạo mới, sức mạnh mới, năng lực cạnh tranh mới của các NHTM, góp phần làm cho công chúng muốn sở hữu ngày một nhiều hơn cổ phiếu ở các NH; Năm là, một số lý do khác liên quan đến thị trường OTC (giao dịch ngoài sàn), chính OTC đã và đang góp phần tạo ra sự “khan hiếm” của cổ phiếu NH, làm cho giá cổ phiếu của các NH tăng lên… Sau đây bài viết xin đi sâu phân tích các nguyên nhân trên để lý giải tại sao giá cổ phiếu của các NHTMCP gần đây “leo thang” đến những nấc thang cuối cùng nếu so sánh với nấc thang cổ phiếu mà các doanh nghiệp hàng đầu hiện đang niêm yết trên thị trường chứng khoán. 1. Xét từ góc độ hệ thống các văn bản pháp qui Có thể nói, năm 2005 là năm NHNN tiến hành bổ sung, sửa đổi và ban hành mới nhiều văn bản pháp qui liên quan đến quá trình điều hành chính sách tiền tệ của Ngành. Hầu hết các văn bản pháp qui mà NHNN ban hành gần đây có xu hướng sát hơn với thông lệ quốc tế và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam. Chính hệ thống văn bản pháp qui này đã góp phần khép môi trường hoạt động kinh doanh của các định chế tài chính nói chung, NHTM nói riêng dần đi vào nề nếp, và hướng dần tới việc tuân thủ các thông lệ và luật chơi chung trong lĩnh vực ngân hàng. Trong đó, đáng ghi nhận là 2 văn bản mang tính bước ngoặt, tạo ra nhận thức mới trong quá trình quản trị rủi ro tại các NHTM được ban hành trong năm 2005, đó là: Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN ngày 19/4/2005 ban hành Qui định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn của TCTD và Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 của Thống đốc NHNN ban hành Qui định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động NH của TCTD. Bên cạnh 2 văn bản mang tính đột phá trên, trong năm 2005, NHNN còn ban hành một số văn bản pháp qui quan trọng khác nhằm góp phần bổ sung cho quá trình thực thi có hiệu quả hơn đối với 2 văn bản trên như: Quyết định số 888/2005/QĐ-NHNN ngày 16/6/2005 của Thống đốc NHNN Qui định việc mở, thành lập, và chấm dứt hoạt động sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của NHTM. Đây là quyết định nhằm hạn chế việc mở chi nhánh “tràn lan” hiện nay của các NHTM. Song song với quá trình ban hành các văn bản quan trọng nhằm góp phần nâng cao khả năng quản trị rủi ro đối với các NHTM, trong năm 2005, NHNN còn nghiên cứu, ban hành một số văn bản quan trọng khác nhằm quản lý và nâng cao khả năng quản trị rủi ro đối các loại hình định chế tài chính khác: như hệ thống quỹ tín dụng nhân dân… với Quyết định số 1328/2005/QĐ-NHNN ngày 6/9/2005 của Thống đốc NHNN ban hành Qui định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở (QTDND Trung ương thực hiện như các NHTM). Một sự kiện nổi bật khác không kém phần quan trọng, góp phần định hướng cho các loại hình định chế tài chính khác, không phải là ngân hàng, phải tuân theo đó là Nghị định số 28/2005/NĐ-CP ngày 9/3/2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính qui mô nhỏ tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, Chính phủ Việt Nam ban hành văn bản pháp luật ở tầm Nghị định nhằm điều chỉnh hành lang pháp lý đối với nhóm các định chế tài chính vi mô hoạt động tại Việt Nam. Nghị định 28 ra đời chắc chắn sẽ góp phần đưa hoạt động của các định chế tài chính vi mô vào khuôn phép, góp phần ổn định và từng bước làm lành mạnh hóa thị trường tài chính tại Việt Nam. Mặc dù các văn bản nói trên vẫn còn nhiều điểm cần phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thông lệ và tập quán quốc tế cũng như tập quán và môi trường hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, song, phải khẳng định rằng, chính hệ thống văn bản pháp luật nói trên đã góp phần mạnh mẽ vào quá trình làm thay đổi nhận thức của các NHTM, đặc biệt là các nhà quản trị ngân hàng đối với hoạt động ngân hàng. Đồng thời chính các văn bản pháp qui trên là liệu thuốc công dụng bước đầu giúp các NHTM tự mình điều trị lấy những căn bệnh kinh niên bấy lâu nay làm suy yếu ngân hàng, và từng bước khôi phục sức mạnh để chuẩn bị bước vào giai đoạn mới, giai đoạn hội nhập và phát triển. Một khi sức mạnh các NHTM được củng cố, cùng với hệ thống các văn bản qui phạm pháp luật không ngừng được hoàn thiện sẽ góp phần làm cho niềm tin của công chúng, trực tiếp là các cổ đông của từng ngân hàng ngày một tin tưởng hơn vào NH mà mình góp vốn, đặc biệt là tính an toàn cho quá trình phát triển của NH, qua đó gián tiếp đưa giá trị cổ phiếu lên cao. 2. Xét từ góc độ hỗ trợ tích cực và có hiệu quả của Hiệp hội Ngân hàng và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam Qua một số vụ việc mang tính “thất thiệt” trong thời gian qua đối với hệ thống ngân hàng và từ chính những bài học thất thiệt này cho thấy, ngoài vai trò trụ cột của NHNN, còn có tính liên kết và sự hỗ trợ đắc lực của của Hiệp hội Ngân hàng và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong những tình huống này… Nhờ đó, đã góp phần ngăn chặn kịp thời làn sóng rút tiền của công chúng. Đặc biệt, sự hiện diện của NHNN, Hiệp hội NH, Bảo hiểm tiền gửi… đã góp phần củng cố kịp thời niềm tin của công chúng đối với hoạt động ngân hàng. Chính sự hỗ trợ hữu hiệu có tính hệ thống từ NHNN đến Hiệp hội NH và Bảo hiểm tiền gửi đã góp phần giúp hệ thống NH hoạt động bình ổn, tránh được những cú sốc “thất thiệt”. Tính bình ổn trong hoạt động của hệ thống đã tạo nên tâm lý tin tưởng của công chúng khi mua cổ phiếu NH so với việc mua cổ phiếu của các doanh nghiệp khác. Thông thường giá cổ phiếu của các doanh nghiệp nói chung, các NHTM nói riêng tăng/giảm mạnh trước những sự kiện chính trị, hay trước những sự kiện mang tính “thất thiệt” như đã từng xảy ra tại các NHTM trong thời gian qua. Song, ở Việt Nam, do hầu hết cổ phiếu của các NHTM chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, mà chỉ mới giao dịch trên thị trường OTC, nên mức độ tác động mang tính ngoại cảnh đến giá cổ phiếu của các NHTM là không đáng kể. Tuy nhiên, dù niêm yết hay chưa niêm yết thì vai trò hỗ trợ của NHNN, Hiệp hội NH, Bảo hiểm tiền gửi và các cơ quan chức năng khác trước những biến cố bất thường là không thể thiếu được đối với các NHTM. Như vậy, tính nghiêm minh của pháp luật càng cao, tính liên kết và hỗ trợ lẫn nhau trong hệ thống càng lớn sẽ góp phần làm tăng chỉ số tín nhiệm của công chúng đối với cổ phiếu ngân hàng, qua đó trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho cổ phiếu của các NHTM tăng lên. 3. Xét từ góc độ tham gia mua cổ phần của các cổ đông nước ngoài và tiến trình cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (a) Xét từ góc độ tham gia mua cổ phần của các cổ đông nước ngoài (hay còn gọi là cổ đông chiến lược): Đây có thể coi là nguyên nhân chính và là ngòi nổ hâm nóng và đẩy giá cổ phiếu của các NHTMCP lên cao trong thời gian qua. Đã có sự xuất hiện của các cổ đông nước ngoài, đặc biệt các cổ đông nước ngoài lại là các NHTM quốc tế hiện đang đứng vị trí hàng đầu thế giới hoặc là các quỹ đầu tư có hạng… với sức mạnh vô song về vốn, công nghệ, và quản trị. Chính sự xuất hiện của các cổ đông nước ngoài cùng với các cuộc thương lượng về giá “cao ngất ngưởng”, mà chắc chắn trước đó, các cổ đông trong nước chưa hề nghĩ tới hoặc chưa bao giờ dám mua với giá cao gấp 5 đến 6 lần, đã đẩy giá cổ phiếu lên cao. Ví dụ: NH ANZ đã mua 10% cổ phần của NHTMCP Sài gòn Thương tín và Standard Chartered Bank (Anh) mua 8,56% cổ phần của NHTMCP á Châu với mức giá từ 4 đến 5,5 lần so với mệnh giá cổ phiếu. Và gần đây nhất là một số NHTMCP cũng lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài như NHTMCP Kỹ thương bán 10% cổ phần cho Tập đoàn tài chính HSBC và ngay lập tức đã đưa giá cổ phiếu của NH lên trên 5 lần mệnh giá; hay vừa qua, vào ngày 21/3/206, Tập đoàn tài chính Overseas-Chinese Banking Corp. (OCBC) của Singapore vừa ký thỏa thuận mua 10% cổ phần của NHTMCP ngoài quốc doanh (VP Bank), ngay lập tức làm cho giá cổ phiếu của VP Bank trên thị trường OTC lên cao hàng ngày… Rõ ràng, sự xuất hiện của các cổ đông nước ngoài tại các NHTM trong thời gian qua là nhân tố chính đẩy giá cổ phiếu của các NHTMCP lên cao. Việc đẩy giá lên cao đã tạo ra tâm lý trong công chúng về các kỳ vọng mua và bán cổ phiếu ngân hàng, đưa làn sóng mua – bán cổ phiếu ngân hàng lan rộng từ những NHTMCP mạnh, có vốn cổ đông nước ngoài sang các NHTMCP chưa có cổ đông nước ngoài, thậm chí là các NHTMCP nông thôn. Trong đó, các nhà đầu tư cổ phiếu trong nước bắt đầu tìm mua các chứng khoán của các NHTMCP chưa có sự tham gia của các cổ đông nước ngoài, nhằm hy vọng “đi tắt đón đầu” về giá một khi có sự tham gia của cổ đông nước ngoài tại các NH này trong tương lai. Rõ ràng khi có sự xuất hiện của cổ đông nước ngoài tại các NHTM sẽ góp phần làm cho giá cổ phiếu của NH đó lên cao, và lúc đó, cơn sốt mua cổ phiếu của NH theo kiểu phong trào lại tiếp tục xảy ra. Hơn nữa, sự xuất hiện của các cổ đông nước ngoài tại các NHTMCP trong nước sẽ góp phần củng cố niềm tin “sắt đá” của công chúng đối với NH đó, vì các cổ đông nước ngoài này là các NHTM quốc tế hay các quỹ đầu tư hàng đầu thế gới với năng lực tài chính mạnh, công nghệ tiên tiến, quản trị điều hành giỏi, thị trường rộng (toàn cầu)… Hơn nữa, một khi có sự hiện diện của các cổ đông nước ngoài tại các NHTMCP trong nước thì các cuộc đổ vỡ đối với các NHTM trong nước sẽ ít xảy ra hơn, vì chí ít, ngoài sự hỗ trợ của NHNN, Hiệp hội NH, Bảo hiểm tiền gửi… như phân tích trên, các cổ đông này cũng phải có trách nhiệm bảo toàn “sự sống” cho các NH mà mình góp vốn vào. Nghĩa vụ và trách nhiệm này cũng đồng nghĩa với việc góp phần ổn định hoạt động của NH, tạo tâm lý yên tâm trong công chúng trước những biến cố có thể xảy ra, và cuối cùng là tạo ra mong muốn nắm giữ cổ phần tại chính các NHTM này. Chính mong muốn này tiếp tục tạo ra làn sóng săn lùng cổ phiếu của NHTM có sự tham gia của cổ đông nước ngoài, đưa giá cổ phiếu của NH này lên cao. (b) Tiến trình cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (NHNTVN) Tại sao chúng tôi lại đặt vấn đề cổ phần hóa NHNTVN là một trong những NHTM Nhà nước hàng đầu vào quá trình phân tích giá cổ phiếu của các NHTMCP? Dĩ nhiên, chúng có mối quan hệ mật thiết mà bài viết sẽ đề cập dưới đây. Quay lại vấn đề cổ phần hóa NHNTVN cho thấy: sau nhiều năm cơ cấu lại NHNTVN, đến cuối năm 2005, Chính phủ mới chính thức thông qua đề án cổ phần hóa NHNTVN, với chủ trương bước đầu là phát hành trái phiếu (tạm gọi là trái phiếu chuyển đổi) phục vụ cho mục đích cổ phần hóa NHNTVN trong một vài năm tới đây. Trong đó, yếu tố tham gia mua trái phiếu của các cổ đông chiến lược không kém phần quan trọng, đẩy mức giá trái phiếu NHNTVN lên cao. Cụ thể có những cổ đông bỏ giá mua trái phiếu với lãi suất bằng không, tức không cần lãi suất mà NHNTVN trả cho các trái chủ khi huy động vốn thông qua hình thức phát hành trái phiếu. Họ chỉ cần nắm giữ trái phiếu mà không cần lãi suất, để kỳ vọng vào một ngày gần đây, khi NHNTVN tiến hành cổ phần hóa, thực hiện chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, lúc đó, ngoài kỳ vọng được nhận cổ tức cao, các nhà đầu tư còn kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tăng cao hơn 5 đến 7 hoặc 9 lần so với mệnh giá. Rõ ràng phiên đấu giá trái phiếu của NHNTVN như là một thông điệp góp phần đưa tâm lý công chúng muốn nắm giữ cổ phiếu của các NHTM lên cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho thị trường cổ phiếu ngân hàng thêm sôi động. (c) Quay trở lại mối quan hệ giữa việc tham gia mua cổ phần của các cổ đông nước ngoài tại các NHTMCP trong nước với tiến trình cổ phần hóa NHNTVN bằng việc phát hành trái phiếu chuyển đổi lần đầu tiên ra công chúng, minh chứng một điều rằng: thứ nhất, việc mua cổ phần của các cổ đông nước ngoài tại các NHTMCP trong nước như phân tích trên góp phần khẳng định vị thế ổn định và cam kết phát triển lâu dài của chính các NHTMCP trước công chúng; thứ hai, việc NHNTVN bắt đầu cổ phần hóa cho thấy vai trò của các cổ đông gồm: cổ đông là các doanh nghiệp nhà nước, cổ đông là các cá nhân, các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước… là bình đẳng như nhau. Tức là công chúng sẽ dần dần nhìn nhận NHTM nhà nước và NHTMCP là bình đẳng như nhau, được hưởng mọi quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Đây chính là yếu tố góp phần nâng cao vị thế và đưa cổ phiếu của các NHTMCP lên cao hơn so với mệnh giá cổ phiếu hiện nay. 4. Xét từ góc độ phát triển của từng NHTM Một điều dễ nhận thấy nhất đó là trong năm 2005, các NHTM đã đồng loạt tăng vốn điều lệ lên cao gấp nhiều lần so với mức vốn điều lệ của những năm trước. Việc tăng vốn điều lệ lên cao một mặt, nhằm đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra về mức an toàn vốn (capital adecacy ratio) theo Quyết định 457, cũng như các yêu cầu mới về mở chi nhánh theo Quyết định 888…; mặt khác, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng trước tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó, một phần vốn điều lệ dành cho quá trình phát triển công nghệ và dịch vụ ngân hàng. Rõ ràng, vấn đề tăng vốn điều lệ của các NHTM trong thời gian qua góp phần minh chứng cho công chúng hiểu thêm về năng lực tài chính của từng NHTM. Một khi năng lực tài chính được cải thiện sẽ góp phần làm cho giá cổ phiếu của chính từng NH tăng lên. 5. Xét từ góc độ thị trường OTC Hiện tại, chưa có NHTM nào niêm yết cổ phiếu chính thức trên thị trường chứng khoán, mà chỉ mới giao dịch thông qua thị trường OTC (giao dịch ngoài sàn). Thông thường những giao dịch không chính thức hay chứa đựng tâm lý mua – bán theo kiểu phong trào. Ví dụ, thời gian qua, khi Luật Đất đai chưa ra đời, hoặc ra đời nhưng hàng loạt điều khoản mua bán chưa thông thoáng, đã đẩy các cuộc mua bán ngầm (trao tay) xảy ra ồ ạt và trở thành cơn sốt, đưa giá mua bán nhà đất lên tận “trời xanh”. Nay Luật ra đời, nhiều điều khoản đã được thay đổi, bổ sung tạo thuận lợi thông thoáng cho quá trình mua bán, nên thị trường nhà đất dần đi vào ổn định, và các giao dịch mua bán cũng bắt đầu thể hiện gần đúng với giá trị thực của nó. Thị trường cổ phiếu ngân hàng cũng không nằm ngoài qui luật đó. Tức là khi cổ phiếu của 1 NHTM nào đó chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ tạo ra tâm lý “khan hiếm cổ phiếu” của NH đó trong công chúng, từ đó tạo ra làn sóng săn tìm cổ phiếu của NH. Khi các cuộc săn lùng hội đủ “gió” nó sẽ tạo thành “bão”, hay còn gọi là “cơn sốt” theo kiểu phong trào, thì vấn đề giá cả cổ phiếu không đặt thành vấn đề nữa, mà vấn đề sở hữu cổ phiếu mới là quan trọng. Giá cổ phiếu của một số NHTM gần đây lên cao là vậy. Tóm lại: vấn đề cổ phiếu hiện nay của các NHTM đang trở thành đề tài nóng hổi, nóng do cung nhỏ hơn cầu, do phong trào tìm mua cổ phiếu NH đang lan rộng và dâng cao. Giá cổ phiếu NH tăng là một tín hiệu mừng cho những người đang sở hữu cổ phiếu NH kể cả những nhà quản trị ngân hàng vì uy tín của ngân hàng đang lên cao. Tuy nhiên, đối với những người mua thì cũng nên cân nhắc, lựa chọn thời điểm để mua, mua với giá hợp lý chứ không nên mua với bất cứ giá nào. Vì như chúng tôi đã phân tích trên, chơi cổ phiếu là một lĩnh vực chứa đựng nhiều rủi ro. Hơn nữa, giá cả của hàng hóa nói chung, cổ phiếu NH nói riêng phải phản ánh đúng giá trị thực của nó, chứ không thể bao gồm cả giá “sốt”, giá “phong trào”, hay giá “ảo” vào giá trị thực của cổ phiếu. Tức là, chúng ta không thể bỏ ra 3 tỉ đồng đến 4 tỉ đồng. để rồi chỉ sở hữu 1 tỉ đồng mệnh giá thực của cổ phiếu. Hơn nữa, khi mua chúng ta cũng tính đến cơ hội bán, vậy chúng ta có bán được với giá 5 tỉ đồng hay 6 tỉ đồng (cao hơn giá mua 1 đến 2 tỉ đồng) cho 1 tỉ đồng mệnh giá trong tương lai hay không? Thậm chí ngược lại là thấp hơn nhiều lần như vậy? Nếu thị trường cổ phiếu NH có biến động, đặc biệt là khi các NHTMCP đồng loạt tăng vốn điều lệ lên trên 1.000 tỉ đồng. đến 2.000 tỉ đồng và cao hơn, lúc đó chắc chắn giá cổ phiếu sẽ thay đổi theo chiều có lợi cho người mua (do cơ hội mua cổ phiếu nhiều hơn). Rõ ràng cơ hội kinh doanh của mọi người còn nhiều. Đầu tư cổ phiếu NH chỉ là một trong muôn ngàn cơ hội đầu tư mà mọi người có thể lựa chọn.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật