BÀN VỀ CƠ CHẾ KIỂM SOÁT BIÊN GIỚI NHẰM BẢO HỘ HIỆU QUẢ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

TS. ĐẶNG VŨ HUÂN -  Bộ Tư Pháp Bảo hộ sở hữu trí tuệ là vấn đề quan trọng trong thương mại quốc tế và là lĩnh vực được WTO quan tâm xây dựng hành lang pháp lý khá chặt chẽ thông qua Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS). Đây là một Hiệp định đa phương của WTO có tính toàn diện nhất về quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài các yêu cầu chung quy định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong xây dựng pháp luật, các thiết chế thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ; phải đối xử công bằng đối với các chủ thể và đối tượng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, TRIPS còn quy định về các biện pháp kiểm soát biên giới nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (quy định từ Điều 51 đến Điều 60 của Hiệp định). Trong bài viết này, chúng tôi muốn trao đổi về các biện pháp kiểm soát biên giới theo yêu cầu của TRIPS và những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát biên giới nhằm bảo hộ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ. 1. Yêu cầu của các Hiệp định quốc tế về kiểm soát biên giới đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh, ngăn chặn sự thâm nhập của bất kỳ loại hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nào vào thị trường nội địa của các quốc gia đã trở thành yêu cầu không chỉ riêng cho hệ thống pháp luật của từng quốc gia, mà nó đã trở thành các cam kết quốc tế. Trước khi có Hiệp định TRIPS, thì Công ước về Bảo hộ sở hữu công nghiệp (Công ước Pari năm 1883, được sửa đổi tại Stockholm năm 1967) tại Điều 9 có quy định về thu giữ khi nhập khẩu hàng hóa có gắn trái phép nhãn hiệu hàng hóa hay tên thương mại. “1. Tất cả hàng hóa mang nhãn hiệu hàng hóa hoặc tên thương mại một cách bất hợp pháp đều bị thu giữ khi nhập khẩu vào những nước thành viên của Liên hiệp, nơi mà nhãn hiệu hàng hóa hoặc tên thương mại đó có quyền được bảo hộ pháp lý. 2. Việc thu giữ hàng hóa cũng áp dụng tại nước nơi đã xảy ra việc sản xuất hàng hóa có gắn nhãn hiệu hàng hóa hoặc tên thương mại một cách trái phép hoặc tại nước nơi hàng hóa đã được nhập vào.   3. Việc thu giữ hàng hóa được tiến hành phù hợp với pháp luật quốc gia của mỗi nước theo yêu cầu của cơ quan công tố; hoặc bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào khác; hoặc của bất kỳ cá nhân hoặc pháp nhân nào có liên quan. … 5. Nếu pháp luật quốc gia không quy định việc thu giữ hàng hóa khi nhập khẩu, thì việc thu giữ được thay thế bằng biện pháp cấm nhập khẩu hoặc thu giữ hàng hóa này trên thị trường nội địa…”. Như vậy, yêu cầu kiểm soát biên giới nhằm bảo đảm tính hợp pháp, trung thực của hàng hóa nhập khẩu đã được pháp luật quốc tế quan tâm từ rất sớm. Mục đích của các quy định này ngoài việc đề cao yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, còn kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa giả mạo cả trên thị trường nội địa và thị trường xuất, nhập khẩu. Các quy định trên còn được cụ thể hóa và hoàn thiện hơn tại Điều 51 Hiệp định TRIPS. Theo quy định tại điều luật này, thì Cơ quan Hải quan có thẩm quyền đình chỉ thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời các quốc gia thành viên phải ban hành các quy định pháp luật về nội dung cũng như về thủ tục để bảo đảm: - Cho phép các cá nhân, pháp nhân là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có quyền nộp đơn cho các cơ quan có thẩm quyền (là cơ quan hành chính hoặc cơ quan xét xử) để đề nghị Cơ quan Hải quan đình chỉ thông quan đối với các trường hợp có căn cứ hợp lý để nghi ngờ rằng, có thể xảy ra việc nhập khẩu các hàng hóa mang nhãn hiệu giả mạo hoặc vi phạm bản quyền nhằm ngăn chặn việc đưa hàng hóa đó vào lưu thông tự do. - Cho phép các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có quyền nộp đơn trong trường hợp phát hiện hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu xâm phạm các quyền sở hữu trí tuệ khác. - Quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đình chỉ thông quan tại Cơ quan Hải quan đối với các loại hàng hóa xuất, nhập khẩu có sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điều 50 (khoản 1) của Hiệp định TRIPS khi quy định về các biện pháp tạm thời cũng cho phép các cơ quan xét xử có quyền ra lệnh áp dụng một cách khẩn cấp và hữu hiệu các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm bất kỳ loại quyền sở hữu trí tuệ nào và đặc biệt ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu vào các kênh thương mại thuộc phạm vi quyền hạn của mình ngay sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan. Qua các quy định ở trên, thấy rằng, về mặt nguyên lý, mọi hàng hóa xuất, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi qua biên giới đều có thể bị Cơ quan Hải quan kiểm soát và thu giữ ngay tại chỗ theo những trình tự và thủ tục nhất định. Trong trường hợp nếu đã hoàn thành thủ tục thông quan rồi mới phát hiện sự vi phạm, thì cơ quan xét xử có thể ra lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để thu giữ số hàng hóa có vi phạm đó. Có thể nói, mặc dù các biện pháp kiểm soát biên giới chỉ chiếm một phần rất khiêm tốn trong Hiệp định TRIPS và chủ yếu liên quan đến bảo hộ hàng hóa có nhãn hiệu và tên thương mại được đăng ký bản quyền, song nếu như, những hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm bản quyền đã được bảo hộ này bị kiểm soát và thu giữ tại biên giới, sẽ làm giảm nguy cơ gây nhầm lẫn hoặc gây thiệt hại của chúng trên thị trường phân phối và lưu thông nội địa. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, không những nhằm bảo hộ tích cực quyền sở hữu trí tuệ mà còn bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, các nhà sản xuất, quyền lợi của người tiêu dùng và xã hội. Tuy nhiên, cũng theo quy định của TRIPS, thì Hiệp định loại trừ không đề cập lĩnh vực nhập khẩu song song, mà dành quyền quy định về vấn đề này cho pháp luật quốc gia của các thành viên. Bên cạnh đó, các biện pháp kiểm soát biên giới là các biện pháp khẩn cấp tạm thời, trong vòng 10 ngày, chủ thể có quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm phải thu thập đủ chứng cứ để khởi kiện, nếu không số hàng hóa bị thu giữ sẽ được giải tỏa. Bởi vậy, vấn đề đặt ra không phải là phụ thuộc hiệu lực kiểm soát và thu giữ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm, mà là cơ chế bảo đảm thực thi, tạo điều kiện để người có quyền lợi bảo vệ được lợi ích hợp pháp của họ thông qua hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, thì quốc gia này đã phát triển một hệ thống kiểm soát Hải quan đặc biệt để chống hàng giả mạo. Chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể liệt kê các quyền sở hữu trí tuệ của họ vào hệ thống điện tử để Hải quan kiểm soát khi làm thủ tục cho các hàng hóa xuất nhập khẩu thông quan. Trong quá trình kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu ở Nhật Bản, Hải quan sẽ kiểm tra tất cả các loại hàng hóa kê khai làm thủ tục và đối chiếu với các quyền sở hữu trí tuệ đã đăng ký trong hệ thống điện tử để phát hiện và thu giữ những hàng hóa có dấu hiệu vi phạm. Hệ thống này tỏ ra rất có hiệu quả đối với các trường hợp bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Tuy nhiên, đối với việc bảo hộ bản quyền thì khó khăn hơn trong việc triển khai cơ chế thực thi vì chưa có hệ thống đăng ký điện tử. Vì vậy, việc kiểm soát biên giới dường như chỉ được tiến hành khi có sự phát hiện của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ báo rằng có việc nhập khẩu hàng hóa xâm phạm bản quyền và phương thức này chưa thật sự đảm bảo cho việc ngăn chặn hàng giả mạo vào thị trường nội địa một cách toàn diện và hiệu quả. 2. Những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng cơ chế kiểm soát biên giới nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ Thực hiện chính sách mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình phù hợp điều kiện đất nước và bảo đảm thực hiện những cam kết quc tế trong quan hệ song phương và đa phương, tiến tới gia nhập WTO. Trong thời gian qua Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng quan tâm tới việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, trong đó có việc tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Về các quy định chung mang tính nguyên tắc được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 1995, các Nghị định của Chính phủ đã lần lượt được ban hành, quy định bao quát hầu hết các lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, như: Bảo hộ quyền tác giả; bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng mới… Có thể nói, cho đến nay, hệ thống pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam là khá đầy đủ và toàn diện, đảm bảo cơ sở pháp lý để các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ và các cơ quan thực thi pháp luật bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ. Trong việc thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Nghị định số 63/CP ngày 24/10/1996 của Chính phủ, tại khoản 6 Điều 64 đã chỉ rõ: “… Tổng cục Hải quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường quy định về các biện pháp kiểm soát biên giới về sở hữu công nghiệp đối với hàng hóa xuất nhập khẩu…”. Theo quy định này, nhiệm vụ thực thi kiểm soát biên giới nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu đã được Chính phủ giao cho Tổng cục Hải quan. Và một lần nữa, nhiệm vụ này được quy định trong Luật Hải quan năm 2001. Phù hợp với các quy định của Hiệp định TRIPS, Luật Hải quan năm 2001 tại Chương III, Mục 5 (các Điều 57, 58, 59) có quy định việc tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam có quyền đề nghị Cơ quan Hải quan tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu khi có căn cứ cho rằng hàng hóa đó xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Khi thực hiện việc đề nghị dừng làm thủ tục hải quan, người đề nghị phải có đơn đề nghị gửi Cơ quan Hải quan, xuất trình các bằng chứng về quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp của mình được pháp luật bảo hộ, bằng chứng về việc hàng hóa đã xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, họ phải nộp một khoản tiền bảo chứng để bảo đảm bồi thường thiệt hại trong trường hợp đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan của họ không đúng. Khi xét thấy người đề nghị đã thỏa mãn những điều kiện ở trên, Cơ quan Hải quan sẽ xem xét và ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Về thủ tục tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu khi có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được quy định chi tiết tại Điều 14, Nghị định số 101/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31/12/ 2001. Thời gian tạm dừng là 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định, tuy nhiên, thời hạn này có thể bổ sung không quá 10 ngày nữa, nếu người đề nghị nộp bổ sung một khoản tiền tạm ứng bằng 20% giá trị lô hàng tạm giữ. Nếu quá thời hạn tạm dừng, người đề nghị tạm dừng không đưa ra được bằng chứng hay kết luận của cơ quan có thẩm quyền chứng minh lô hàng tạm dừng đã có sự vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; không có cơ quan hoặc Tòa án can thiệp bằng văn bản yêu cầu Cơ quan Hải quan bàn giao lô hàng tạm dừng để xử lý thì Cơ quan Hải quan sẽ giải tỏa, làm thủ tục thông quan cho lô hàng. Người yêu cầu tạm dừng phải bồi thường thiệt hại về các chi phí do lô hàng bị tạm dừng. Còn nếu như người yêu cầu tạm dừng chứng minh được chủ hàng hóa xuất, nhập khẩu đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thì chủ hàng và hàng hóa vi phạm sẽ được xử lý theo các quy định của pháp luật. Nhìn chung, các quy định của pháp luật Việt Nam về cơ chế kiểm soát biên giới khi có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã xích dần với quy định của nhiều quốc gia trên thế giới và phù hợp với Hiệp định TRIPS. Tuy nhiên, vấn đề cần tăng cường là cơ chế thực thi pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và kiểm soát biên giới khi có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu nói riêng. 3. Một số ý kiến góp phần tăng cường cơ chế kiểm soát biên giới nhằm bảo hộ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ Thứ nhất, để các biện pháp kiểm soát biên giới nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được tiến hành hiệu quả, thì cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong nước phải được thực hiện ngăn nắp và quy củ. Tất cả các loại hàng hóa đều phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại; các nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chủ dẫn địa lý phải minh bạch, rõ ràng. Chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ thường xuyên phải có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ kịp thời các quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ của mình, khi có hành vi xâm phạm. Thứ hai, pháp luật hiện hành cho phép Cơ quan Hải quan được tạm dừng hàng hóa xuất, nhập khẩu khi có đề nghị tạm dừng hợp pháp của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Việc áp dụng biện pháp tạm dừng này, dẫu sao vẫn là ở trạng thái bị động (chỉ khi được yêu cầu), vì vậy, biện pháp kiểm soát biên giới chưa thực sự ngăn ngừa toàn diện hàng hóa giả mạo. Nên chăng, trong Luật Hải quan cần bổ sung các quy định về thông quan, yêu cầu “những chủ hàng có hàng hóa xuất, nhập khẩu cần phải xuất trình trước cơ quan Hải quan giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm hàng hóa mà mình làm thủ tục xuất, nhập khẩu”. Tương tự như vậy, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cũng phải được coi là cơ sở để kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa xuất, nhập khẩu (trong mọi trường hợp) nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Thứ ba, cho đến nay, chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, các quyền sở hữu trí tuệ khác, thông thường chỉ làm thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học – Công nghệ), chứ chưa có quy định nào yêu cầu họ đăng ký với cơ quan Hải quan. Nên chăng, pháp luật cần bổ sung thêm quy định yêu cầu các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ thực hiện đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại thành một hệ thống tại cơ quan Hải quan các cửa khẩu, để khi tiến hành kiểm tra, giám sát hàng hóa làm thủ tục thông quan, cơ quan Hải quan có thể chủ động phát hiện các trường hợp hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và thu giữ kịp thời; hoặc kịp thời báo cho chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ biết để tìm biện pháp ngăn chặn. Trường hợp này cũng sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho cơ quan Hải quan khi kiểm soát hàng hóa nhập khẩu song song. Thứ tư, tăng cường thẩm quyền và hiệu lực của cơ quan Hải quan trong việc kiểm soát biên giới đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Để làm tốt vấn đề này, cần thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ – Cục Sở hữu trí tuệ – Cơ quan Hải quan trong việc phòng ngừa hàng hóa xuất, nhập khẩu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Xây dựng bộ phận chuyên trách giám sát, quản lý về sở hữu trí tuệ tại các cơ quan Hải quan trung ương, Hải quan địa phương cũng như Hải quan cửa khẩu với trách nhiệm cụ thể và thẩm quyền cần thiết. Tăng cường mối quan hệ giữa Cơ quan quản lý thị trường và Cơ quan Hải quan trong việc phát hiện, điều tra hàng giả mạo được sản xuất trong thị trường nội địa chuẩn bị xuất khẩu ra nước ngoài. Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống sản xuất và buôn bán hàng giả. Trong phạm vi quyền hạn của mình, Cơ quan Hải quan cần tăng cường kiểm tra ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán các loại hàng giả qua biên giớ.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật