BÀN VỀ CHỨNG TỪ GỐC TRONG GIAO DỊCH THƯ TÍN DỤNG

PHẠM THỊ THANH NGA – Sở giao dịch VietinBank

Trong hoạt động tín dụng chứng từ, việc xác định một chứng từ là bản gốc (original) hay bản sao (copy) là một vấn đề hết sức quan trọng. Chính vì vậy mà trong các văn bản liên quan đến tín dụng chứng từ như UCP, ISPB,.v.v. đều có những điều khoản rõ ràng quy định việc xác định tính chất gốc của một loại chứng từ. Tuy vậy, trong thực tế giao dịch thư tín dụng, các quy định này trong nhiều trường hợp đã từng bị cáo buộc là kẻ tội đồ gây tranh cãi và kiện tụng nhiều nhất. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ điểm lại các quy định về chứng từ gốc tại UCP 500, ISBP và gần đây nhất là UCP 600 với mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm, các tình huống thực tế với những người mà công việc hàng ngày gắn liền với các giao dịch thư tín dụng. Quy định về chứng từ gốc tại điều 20(b) UCP 500 Điều 20(b) UCP 500 quy định về chứng từ gốc như sau: “ Trừ phi LC quy định khác, các ngân hàng cũng sẽ chấp nhận là chứng từ gốc (đối với) chứng từ được tạo lập hoặc thể hiện là đã được tạo lập: (i)     Bằng hệ thống sao chụp, tự động hoặc được vi tính hóa; (ii)     Là các bản sao bằng giấy than; Miễn là chứng từ đó được ghi chú là bản gốc và thể hiện được ký ở nơi cần thiết. Chứng từ có thể ký bằng chữ viết tay, bằng chữ ký qua fax, bằng chữ ký đục lỗ, bằng con dấu, bằng biểu tượng, hoặc bằng bất cứ phương pháp xác thực bằng điện tử hay cơ khí khác.” Quy định về chứng từ gốc như vậy tưởng là đã quá rõ ràng cho các bên thực hành LC. Nhưng trên thực tế đã có không ít tranh chấp liên quan đến vấn đề chứng từ gốc xảy ra. Hai vụ tranh chấp dưới đây đã được tranh luận rất nhiều trên các diễn đàn của cộng đồng những người thực hành thư tín dụng trên toàn thế giới. Những phán quyết trái ngược của các tòa án khi xác định tính chất gốc của chứng từ. Vụ tranh chấp 1: Glencore International AG v Bank of China, [1996]   Trong trường hợp này, Tòa phúc thẩm của Anh được đề nghị xem xét một hợp đồng mua bán nhôm thỏi giữa người bán Thụy Sỹ là Glencore International AG và người mua Trung Quốc là Shan He Trade Co.,Ltd thông qua phương thức tín dụng chứng từ. Ngân hàng phục vụ người bán là Vereinsbank, ngân hàng phục vụ người mua là Bank of China. Khi bộ chứng từ xuất trình đòi tiền người mua, Bank of China đã đưa ra thông báo từ chối bộ chứng từ với lý do: “the buyer’s certificate of receipt is not an original – chứng nhận của việc nhận được không phải là bản gốc”. Trên thực tế, chứng từ của công ty Glencore xuất trình là một bản sao từ máy photocopy có chữ ký tươi của đại diện công ty. Khi công ty Glencore khởi kiện, tòa án phúc thẩm ở Anh lập luận rằng bất kỳ chứng từ, dù thực tế có phải là bản gốc hay không, được tạo lập bằng bất cứ phương pháp nào nêu ở điều 20(b) đều phải được ghi chú là bản gốc để được chấp nhận là chứng từ gốc. Ngay cả các chứng từ không phải là bản sao của một chứng từ khác cũng bị từ chối nếu không được đóng dấu bản gốc và nếu được tạo được tạo lập bằng một trong những cách thức nêu tại điều 20(b). Chính vì thế, chữ ký gốc chỉ là một cách để xác thực chứng từ. Nếu không ghi chú là bản gốc thì đây chỉ là một bản sao được xác thực và điều 20(b) không xem chữ ký là sự thay thế cho việc ghi chú là bản gốc, mà chỉ là một yêu cầu bổ sung cho một số trường hợp. Với cách giải thích này, Tòa phúc thẩm Anh đã hậu thuẫn cho Bank of China từ chối chứng từ với lý do rằng chứng từ không được ghi chú là bản gốc, mặc dù thực tế các chứng từ khác cho thấy chứng từ đó thể hiện là bản gốc và được người hưởng lợi ký bằng mực xanh. Vụ tranh chấp 2: Kredietbank Antwerp v Midland Bank plc, [1999] Với vụ tranh chấp này, Midland Bank PLC, theo yêu cầu của một công ty có tên là Karaganda Limited, đã mở một thư tín dụng tuân theo UCP 500 cho người hưởng là công ty Thụy Điển có tên là Micheal Goldstein. Việc thanh toán thư tín dụng này dựa trên bộ chứng từ trong đó có yêu cầu bản gốc của bảo hiểm đơn. Midland Bank PLC từ chối bộ chứng từ với lý do: “Insurance policy is not marked as original – Bảo hiểm đơn không được ghi chú là bản gốc”. Lập luận của Midland Bank PLC đưa ra 3 lý do: •     Bảo hiểm đơn được tạo lập bằng hệ thống sao chụp và được vi tính hóa; •     Điều 20(b) của UCP 500 yêu cầu một chứng từ như vậy cần được ghi chú là bản gốc; •     Bảo hiểm đơn khi xuất trình thì đã không ghi chú là bản gốc. Tuy nhiên, tòa án đã bác bỏ lập luận này của Midland Bank PLC với các lý do sau đây: •     Bản gốc và bản thứ hai của bảo hiểm đơn đã được xuất trình. Mỗi trang của bản gốc thì được in trên giấy của công ty có logo và được đánh dấu bằng mực tươi. Bản gốc đã được ký bằng mực tươi. •     Có 2 bản của bảo hiểm đơn được xuất trình. Bản thứ hai là một bản sao của bản gốc và đã được đóng dấu ‘duplicate’ và cũng được ký bằng mực tươi. •     Bảo hiểm đơn xuất trình có một điều khoản chỉ ra rằng: “Bảo hiểm đơn này được phát hành một bản gốc và bản thứ hai, một trong hai bản đã được thực hiện, thì bản còn lại sẽ trở thành không có giá trị”. Quan điểm của tòa án phúc thẩm trong trường hợp này là không có yêu cầu bắt buộc những chứng từ gốc, dù được tạo lập bằng các cách thức quy định tại điều 20(b), phải được ghi chú là bản gốc. Những quyết định hoàn toàn trái ngược của hai tòa án trên đã dẫn đến những cuộc tranh luận về chứng từ gốc trong cộng đồng những người thực hành thư tín dụng và cả trong nội bộ Ủy ban Ngân hàng ICC. Nhằm thống nhất cách giải thích về việc xác định chứng từ gốc trong ngữ cảnh của Điều 20(b) UCP 500, ICC đã đưa ra Chính sách ngày 12/07/1999. Xác định một chứng từ “gốc” theo quy định của điểm (b) điều 20, UCP 500 Các ngân hàng kiểm tra chứng từ xuất trình theo LC để xác định, trong số những điều khác, trên bề mặt chứng từ có thể hiện là chứng từ gốc hay không. Trừ phi chứng từ tự nó thể hiện rằng nó không phải là bản gốc, các ngân hàng xem chứng từ mà có chữ ký, ký hiệu, con dấu, nhãn mác của người phát hành là chứng từ gốc. Như vậy, trừ phi thể hiện khác, chứng từ được xem là chứng từ gốc nếu nó: (A) thể hiện được viết, đánh máy, đục lỗ, hoặc đóng dấu bằng tay của người phát hành; hoặc (B) thể hiển trên giấy văn phòng gốc của người phát hành; hoặc (C) nêu rằng nó là bản gốc, trừ phi lời diễn giải đó thể hiện là không áp dụng đối với chứng từ xuất trình (chẳng hạn do nó thể hiện là một bản sao chụp của một chứng từ khác và lời diễn giải về tính chất gốc thể hiện là áp dụng đối với chứng từ khác). Chứng từ được ký bằng tay Theo đoạn (A) nêu trên, các ngân hàng xem chứng từ được ký bằng tay bởi người phát hành chứng từ là chứng từ gốc. Ví dụ, một hối phiếu hoặc một hoá đơn thương mại được ký bằng tay được xem là một chứng từ gốc, dù có hay không một số hoặc tất cả các yếu tố cấu thành của chứng từ được in sẵn, được sao bằng giấy than, hoặc được tạo lập bằng các hệ thống sao chụp, tự động hoặc được vi tính hoá. Chứng từ được ký qua hệ thống máy fax Các ngân hàng xem chữ ký bằng fax tương đương với chữ ký bằng tay. Như vậy, một chứng từ mà có chữ ký bằng fax của người phát hành chứng từ cũng được xem là một chứng từ gốc. Bản sao chụp bằng máy photocopy Các ngân hàng xem chứng từ mà thể hiện là một bản sao chụp của một chứng từ khác không phải là chứng từ gốc. Tuy nhiên, nếu bản sao chụp thể hiện đã được người phát hành chứng từ hoàn thành bằng cách ghi chú bằng tay trên bản sao chụp, thì theo đoạn (A) nêu trên, chứng từ kết quả được xem là chứng từ gốc trừ phi chứng từ đó thể hiện khác. Nếu một chứng từ thể hiện đã được tạo lập bằng cách sao chụp văn bản lên trên giấy văn phòng gốc thay vì trên giấy trống, thì theo đoạn (B) nêu trên, chứng từ đó được xem là chứng từ gốc trừ phi nó đó thể hiện khác. Việc xuất trình chứng từ bằng telefax Các ngân hàng xem chứng từ được tạo lập tại máy telefax của ngân hàng không phải là chứng từ gốc. LC quy định cho phép việc xuất trình được thực hiện bằng telefax thì miễn yêu cầu xuất trình bản gốc của bất kỳ chứng từ được xuất trình bằng telefax. Những diễn giải thể hiện tính chất gốc (Statements indicating originality) Theo đoạn (A) hoặc đoạn (C) nêu trên, chứng từ sẽ được xem là một chứng từ gốc nếu trên chứng từ có đóng dấu “bản gốc”. Chứng từ cũng sẽ được xem là bản gốc nếu trong chứng từ có diễn giải rằng nó là “bản gốc thứ hai” (duplicate original) hoặc “bản thứ ba/ba” (third of the three). Tính chất gốc cũng được quy định bằng một sự diễn giải trong chứng từ rằng chứng từ không có giá trị nếu một chứng từ khác có cùng thời hạn và cùng ngày được sử dụng. Những diễn giải thể hiện tính chất không phải gốc (Statements indicating non-originality) Chứng từ không được xem là bản gốc nếu trong chứng từ có diễn giải rằng nó là một bản sao đích thực của một chứng từ khác hoặc thể hiện rằng một chứng từ khác là bản gốc duy nhất. Một diễn giải trong chứng từ thể hiện rằng nó là “bản sao của khách hàng” hoặc “bản sao của người gửi hàng” không phủ nhận và cũng không khẳng định tính chất gốc của nó. Những chứng từ không được xem là chứng từ gốc Chứng từ thể hiện không phải là bản gốc nếu nó: • thể hiện là được tạo lập trên máy telefax; • thể hiện là một bản sao chụp của một chứng từ khác mà chưa được hoàn thành bằng việc ghi chú bằng tay lên bản sao chụp hoặc bằng cách sao chụp nó trên giấy mà thể hiện là giấy văn phòng gốc; hoặc • nêu trong chứng từ rằng nó là một bản sao đích thực của một chứng từ khác hoặc chứng từ khác đó là một bản gốc duy nhất. Với Chính sách ngày 12/07/1999, có thể thấy rằng cách giải thích của Tòa phúc thẩm Glencore ngược với cách giải thích của ICC về việc xác định chứng từ gốc trong ngữ cảnh của điều 20(b) UCP 500. Theo giải thích của ICC, các ngân hàng xem chứng từ thể hiện ký bằng tay bởi người phát hành chứng từ là chứng từ gốc, dù có hay không một số hoặc tất cả các yếu tố cấu thành của chứng từ được in sẵn, được sao bằng giấy than, hoặc được tạo lập bằng các hệ thống sao chụp, tự động hoặc được vi tính hóa. Quy định về chứng từ gốc tại điều 17(b) và (c) của UCP 600 Quy định mới về chứng từ gốc được thể hiện tại Điều 17 (b) và (c) UCP 600, theo đó: (b) Ngân hàng sẽ xem là chứng từ gốc bất kỳ chứng từ nào mà có chữ ký gốc rõ ràng, được ghi chú, đóng dấu, hoặc có nhãn hiệu của người phát hành chứng từ, trừ phi chứng từ tự nó quy định rằng nó không phải là bản gốc; (c) Trừ khi chứng từ quy định khác, ngân hàng cũng sẽ chấp nhận chứng từ là bản gốc nếu nó: (i) thể hiện được viết, đánh máy, đục lỗ hoặc được đóng dấu bằng tay của người phát hành; hoặc (ii) thể hiện ở trên giấy văn phòng gốc của người phát hành; hoặc (iii) nêu rằng nó là bản gốc, trừ phi diễn giải đó thể hiện không áp dụng đối với chứng từ xuất trình. Các quy định này đã cụ thể hóa tinh thần của Quyết sách ngày 12/07/1999 của ICC về việc xác định chứng từ gốc. Tại điều khoản này, phương pháp tạo lập chứng từ đã không được đề cập đến khi xác định tính chất gốc của chứng từ. Việc xác định chỉ dựa vào chữ ký của người phát hành, chữ viết và giấy in sẵn tiêu đề. Quy định này cũng loại bỏ hoàn toàn yêu cầu bắt buộc chứng từ phải được ghi chú là “bản gốc” thì mới được xem là chứng từ gốc như tại UCP 500. Tóm lại, UCP 600 đã đơn giản hóa quy định về việc xác định chứng từ gốc trong giao dịch LC, giúp cho cộng đồng thực hành LC có cách hiểu và thực hành thống nhất thế nào là chứng từ gốc và chứng từ bản sao. Điều này chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi và ít rủi ro cho việc lập cũng như kiểm tra chứng từ./. ——————————— Tài liệu tham khảo: 1.     ThS. Nguyễn Trọng Thùy, (2009), Toàn tập UCP 600, Nxb Thống kê; 2.     Felix, W H Chan, (2000) Sự phù hợp chứng từ theo phương thức thư tín dụng; 3.     Nguyễn  Thanh Hải (2008), http://thanhai.wordpress.com/

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật