BẢN CHẤT CỦA GIAO DỊCH NHẬN TIỀN GỬI LÀ HỢP ĐỒNG VAY TIỀN

LS. ĐỖ HỒNG THÁI Hoạt động nhận tiền gửi, sử dụng số tiền này để cấp tín dụng và cung ứng các dịch vụ thanh toán – là nội dung thường xuyên của hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng, với nội dung kinh tế là: Nhận các khoản tiền gửi của khách hàng với nhiều hình thức khác nhau (phân chia theo loại kỳ hạn và tính chất của tiện ích), có trả lãi hoặc, cũng có thể bao gồm, cung ứng dịch vụ tiện ích theo hình thức huy động; đồng thời NHTM được quyền sử dụng nguồn vốn huy động ấy để cho vay lại hoặc để cung ứng dịch vụ tiện ích nhằm mục tiêu thụ lợi nhuận. Như vậy, về kinh tế việc nhận tiền gửi với nội dung trên không thuần tuý là giao dịch gửi – giữ tài sản (mặc dù trong lịch sử đó là khởi nguồn của hoạt động ngân hàng) bởi khi thực hiện giao dịch này ngân hàng không có trách nhiệm hoàn trả đúng đồng tiền đặc định đã nhận, không thu phí giữ hộ tài sản mà ngân hàng còn phải trả lãi hoặc cung cấp các tiện ích cho khách hàng, đổi lại ngân hàng được quyền khai thác công dụng tài sản đang chiếm hữu, tức sử dụng tiền gửi. Do vậy, ngay ở góc độ này nó đã hàm chứa đựng nội dung kinh tế của một giao dịch lưỡng tính – giao dịch gửi giữ và giao dịch vay tài sản (ở đây là tiền). Hợp đồng là giao dịch phát sinh trên cơ sở thoả thuận của các bên, trong đó giao dịch gửi giữ tài sản và giao dịch vay tài sản đều là các hợp đồng và xét một cách độc lập thì chúng có bản chất pháp lý khác nhau. Về pháp lý, sự khác nhau giữ hợp đồng gửi giữ tài sản với hợp đồng vay tài sản chính là sự khác nhau về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể được xác lập từ hợp đồng, theo đó: - Việc gửi giữ tài sản chỉ là sự chuyển giao quyền chiếm hữu tài sản từ bên gửi sang bên giữ, tài sản gửi giữ vẫn thuộc quyền sở hữu của bên gửi, bên giữ không tự có quyền sử dụng, định đoạt tài sản nhận giữ và sự chuyển giao trên nhằm đến nội dụng bên giữ có trách nhiệm nhận tài sản để bảo quản và có nghĩa vụ trả lại chính tài sản ấy, được thu tiền công, tức phí giữ hộ tài sản, trừ khi có thoả thuận không thu phí (Điều 559 Bộ Luật dân sự năm 2005 – BLDS); - Còn việc vay tài sản lại không đặt vấn đề trách nhiệm hoàn trả đúng tài sản đặc định đã nhận mà bên vay chỉ phải trả tài sản cùng chủng loại, cùng số lượng, chất lượng và có nghĩa vụ trả lãi theo thoả thuận (Điều 471 BLDS), trong thời hạn vay bên vay là chủ sở hữu tài sản vay nên được khai thác công dụng của tài sản để sinh lợi (Điều 472 BLDS), nghĩa là trong giao dịch vay tài sản bên cho vay đã có sự chuyển giao cả 3 quyền năng (chiếm hữu, sử dụng, định đoạt) và ngay lập tức trở thành chủ nợ của bên vay (cần lưu ý rằng quyền chủ nợ là một loại quyền tài sản và trong vị trí ấy chủ nợ sẽ có một số quyền cụ thể tương tự quyền của chủ sở hữu như: Chuyển nhượng, để lại thừa kế, dùng bảo đảm nghĩa vụ dân sự… Nhưng bởi đối tượng của quyền là khác nhau nên không bao giờ có thể xem chúng là một). Khi tiếp nhận tiền gửi, NHTM và khách hàng đã mặc nhiên thoả thuận nội dung: NHTM được toàn quyền sử dụng tiền gửi để đầu tư cho các mục đích kinh doanh hợp pháp của mình với điều kiện có hoàn trả theo phương thức đã thoả thuận (vốn, lãi, dịch vụ), số dư trên tài khoản tiền gửi là khoản Nợ phải trả của ngân hàng đối với khách hàng. Như vậy, đối với ngân hàng quyền sử dụng tiền gửi để đầu tư là một quyền năng của quyền sở hữu được xác lập theo hợp đồng nhận tiền gửi, hay nói cách khác, xuất phát từ hợp đồng nhận tiền gửi ngân hàng và khách hàng đã thoả thuận để chuyển giao, xác lập cho nhau quyền sở hữu (cho ngân hàng) và quyền chủ nợ (cho khách hàng). Ngay cả trường hợp mở tài khoản tiền gửi thanh toán hoặc tài khoản tiết kiệm không kỳ hạn, mặc dù khách hàng được quyền yêu cầu ngân hàng thực hiện thanh toán hoặc trả lại tiền tại bất kỳ thời điểm nào (mà không bị chế tài) thì điều đó cũng không phải là dấu hiệu để loại trừ quyền sở hữu của ngân hàng trong trường hợp này. Về tính chất, hành vi phát lệnh thanh toán hay rút tiền khỏi ngân hàng chẳng qua là việc chủ nợ đang thực hiện quyền thanh toán, quyền đòi nợ đã được dự liệu theo điều kiện đã thoả thuận trong hợp đồng mở tài khoản với ngân hàng là sự xác lập lại quyền sở hữu cho mình và khi tất toán tài khoản thì quyền chủ nợ sẽ tự mất đi. Mặt khác, theo cơ cấu sử dụng tiền gửi của mình ngân hàng luôn dự liệu nguồn hoàn trả thay thế và hơn nữa các quyền trên của khách hàng không phải là quyền đặc trưng, không phải là thuộc tính riêng chỉ thuộc về quyền định đoạt của chủ sở hữu mà rõ ràng nó còn có thể thuộc về quyền của chủ nợ tuỳ theo loại hợp đồng gửi tiền đã xác lập. Như vậy việc phân định quyền năng nào đó là thuộc quyền sở hữu hay quyền chủ nợ không chỉ xem xét qua việc chủ thể thực hiện quyền ấy theo phương thức nào mà cần được nhìn nhận thêm từ nhiều góc độ khác. Đồng tiền cụ thể là vật đặc định, song trong quan hệ gửi tiền (và sử dụng tiền nói chung) bên gửi rõ ràng chỉ quan tâm đến giá trị của đồng tiền, số lượng tiền sẽ thu về, giá trị và tiện ích của dịch vụ được cung ứng, hay nói cách khác hành vi gửi tiền là sự lựa chọn về một phương thức đầu tư của khách hàng và họ phải chấp thuận đổi lấy nó bằng việc trao quyền sở hữu tiền gửi cho ngân hàng trong một thời hạn nhất định. Như vậy, việc NHTM mở tài khoản tiền gửi cho khách hàng đã phản ánh rõ bản chất là hành vi vay tiền của ngân hàng với cam kết bảo toàn và có sinh lợi cho người gửi tiền (ngày nay không chỉ là hoàn trả gốc, lãi mà còn trao quyền thụ hưởng thêm các dịch vụ, tiện ích mang tính cạnh tranh khác). Khi tài khoản tiền gửi được thiết lập, hợp đồng vay tài sản đã hình thành, quyền và nghĩa vụ pháp lý của 2 bên đã phát sinh, theo đó: NHTM đã tiếp nhận sự chuyển giao quyền sở hữu và trở thành chủ sở hữu đối với số tiền nhận gửi từ bên gửi (Điều 472 BLDS) nên có quyền định đoạt nguồn tiền huy động đó nhằm thoả mãn các mục tiêu kinh doanh của mình và có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền (Điều 17 Luật các TCTD) bằng việc bảo toàn tiền gửi và hoàn trả gốc, lãi theo thoả thuận, hoặc cung cấp các dịch vụ các cam kết, nếu có (theo quy chế nhận tiền gửi mà NHTM đã công bố công khai và theo hợp đồng gửi tiền cụ thể); Với khách hàng, họ có quyền của một chủ nợ (đòi nợ, yêu cầu thanh toán… theo loại hình tài khoản) do là chủ tài khoản gửi tiền, tức là chủ nợ của ngân hàng, và có nghĩa vụ tôn trọng quyền sở hữu của ngân hàng đối với số tiền vốn đã ký thác cho ngân hàng. Việc xác định bản chất của hợp đồng nhận tiền gửi là hợp đồng vay tiền và hệ quả của nó V – dưới góc độ pháp lý sẽ có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ giúp giải quyết tốt các tranh chấp có thể phát sinh từ giao dịch nhận tiền gửi mà trước hết giúp hình thành nhận thức đúng về 2 vấn đề thực tiễn sau: - Về quyền sở hữu của ngân hàng đối với số tiền gửi, một khi đã khẳng định vấn đề trên (hợp đồng nhận tiền gửi là hợp đồng vay tiền – là một hợp đồng song vụ) thì hiển nhiên đã thừa nhận sự xác lập quyền sở hữu của ngân hàng đối với số tiền vay, kèm theo đó là xác lập quyền chủ nợ của người gửi tiền đối với ngân hàng và xác lập các nghĩa vụ đối ứng của mỗi bên trong quan hệ cho vay – vay, từ đó giúp định hình rõ ràng về các nhóm quyền và nghĩa vụ khác liên quan của mỗi chủ thể sẽ chi phối trong suốt thời gian duy trì hiệu lực của thoả thuận vay tiền. Ví dụ: khi ngân hàng được giao quyền sở hữu thì đương nhiên có quyền định đoạt khoản tiền nhận gửi theo mục tiêu kinh doanh của mình và tự chịu trách nhiệm về kết quả đầu tư, có quyền từ chối yêu cầu đòi tiền bất hợp lý của khách hàng hoặc chấp nhận và buộc chịu chế tài theo hợp đồng, khách hàng không là chủ sở hữu nên không thể đơn phương thực hiện quyền của một sở hữu chủ đối với số tiền đã cho ngân hàng vay trong thời gian hợp đồng vay còn hiệu lực, v.v… - Về quyền chủ nợ của người gửi tiền, trước hết cần nhất quán rằng chứng thư gửi tiền là bằng chứng xác định tư cách chủ nợ theo phạm vi số tiền gửi chứ không phải là việc xác định quyền sở hữu của chủ sở hữu đối với tiền gửi, vi phạm điều này sẽ gây ngộ nhận: khi gửi tiền khách hàng không trao quyền sở hữu cho ngân hàng (đồng nghĩa: không xem hợp đồng gửi tiền là hợp đồng vay), hoặc vô tình đồng nhất quyền sở hữu tài sản với quyền chủ nợ (trái với các chế định của pháp luật dân sự). Do bản chất là hợp đồng vay nợ, khách hàng gửi tiền là bên cho vay và “bên vay (ngân hàng) trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó” (Điều 472 BLDS), khách hàng được nhận quyền chủ nợ với bằng chứng xác lập tư cách chủ nợ là chứng thư gửi tiền của ngân hàng phát hành (thẻ tiết kiệm, phiếu nhận nợ, sec…). Với tư cách chủ nợ, khách hàng không có quyền can dự vào việc sử dụng đồng tiền đã gửi vào ngân hàng, nhưng có thể dùng quyền chủ nợ để tham gia một số giao dịch dân sự khác theo thể loại của hợp đồng tiền gửi, được đòi nợ hoặc nhận tiện ích theo thoả thuận với ngân hàng. Thực tiễn cho thấy do còn sự nhận thức khác nhau về bản chất vấn đề trên mà có văn bản còn sử dụng thuật ngữ hoặc có không ít nội dung quy định chưa phù hợp với các nguyên tắc và định chế cơ bản của pháp luật điều chỉnh về lĩnh vực này T (các quy định liên quan về quyền sở hữu, quyền tài sản – quyền chủ nợ trong BLDS, Luật các TCTD). Có thể tìm thấy sai sót ấy trong rất nhiều quy định trong quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành theo Quyết định 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/09/2004 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước, như: Việc sử dụng cụm từ “Chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm” trong các trường hợp liệt kê về người gửi tiền (tại các Điều 6, 9, 10, 11, 18, 24, 27…); “Chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm là người đứng tên trên thẻ tiết kiệm” (Khoản 3 Điều 6); “Đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm là 2 cá nhân trở lên cùng đứng tên trên thẻ tiết kiệm” (Khoản 4 Điều 6); “Thẻ tiết kiệm là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm hoặc đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm về khoản tiền đã gửi tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm” (Khoản 7 Điều 6)… ở đây rõ ràng đã có sự nhầm lẫn khi luôn coi bên gửi tiền là chủ sở hữu của tiền gửi (thay vì: người đứng tên trên thẻ tiết kiệm coi là chủ sở hữu của thẻ tiết kiệm, là chủ nợ của ngân hàng (hoặc đồng chủ sở hữu, đồng chủ nợ), còn ngân hàng mới là chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm). Không chỉ thế, căn cứ quy chế này các tổ chức tín dụng cũng đã ban hành quy định về tiền gửi tiết kiệm để áp dụng trong hệ thống của mình và trong các nội dung tương ứng đều hàm chứa quan niệm tương tự về vấn đề trên, trong đó bản Quy định về tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống NHCT Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 312/QĐ-HĐQT -NHCT9 ngày 12/09/2005 của Hội đồng quản trị NHCT Việt Nam cũng rơi vào trường hợp này. Để hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn huy động đạt mục tiêu an toàn, hiệu quả, thiết nghĩ với các nội dung trên trước hết Ngân hàng Nhà nước cần có sự nghiên cứu và chỉnh lý thấu đáo nhằm bảo đảm tính chuẩn mực của thuật ngữ pháp lý, tính nhất quán của hệ thống quy phạm pháp luật dân sự, qua đó xác lập chính xác các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể trong quan hệ vay nợ (quyền sở hữu, quyền chủ nợ), trên cơ sở đó các NHTM sẽ có cơ sở để tiến hành chỉnh lý nội dung, hoàn thiện các quy định điều chỉnh đến hoạt động huy động và sử dụng vốn và các hướng dẫn có liên quan khác của mình./.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật