Bắc cực càng tan băng, tranh giành "đất đai" càng nóng bỏng

Bắc cực càng tan băng, tranh giành
Bắc cực với diện tích khoảng 1,2 triệu cây số vuông được phủ toàn đá băng lạnh giá với nhiệt độ xuống dưới -35 độ C là quê hương của gấu trắng, hải mã, hải âu… có thể sẽ trở thành chiến trường tranh chấp quyết liệt của ít nhất 5 quốc gia trong tương lai.

 Năm 1920, các nước Liên Xô cũ, Na Uy, Đan Mạch, Hoa Kỳ và Canada đã thỏa thuận toàn bộ đất đai, hải đảo Bắc cực và vùng Bắc Băng Dương đều thuộc chủ quyền lãnh thổ của năm nước trên, trong đó Moskva là người được phần lớn nhất (bằng 1/3 diện tích thềm lục địa Bắc Băng Dương). Tuy nhiên, trong vài thập niên qua, biến đổi thời tiết do thải quá nhiều chất CO2 vào bầu khí quyển đã khiến trái đất ngày càng nóng làm đá băng tan dần tại Bắc cực tạo ra những cơ hội thuận tiện cho cuộc tìm kiếm và khai thác dầu hỏa cũng như khí đốt tại vùng này.

Bắc Cực- Ảnh chụp từ vệ tinh

Theo một báo cáo của Cơ quan địa chất Mỹ được công bố hồi mùa hè 2008, nguồn tài nguyên tại Bắc cực rất lớn, có trữ lượng khoảng 90 tỷ thùng dầu và 1.670 nghìn tỷ mét khối khí đốt, tương đương 25% trữ lượng dầu khí chưa khai thác trên Trái đất cùng vô vàn khoáng sản quý hiếm, nguồn hải sản vô cùng phong phú… Ngoài ra, với độ tan băng đá của Bắc Băng Dương vào khoảng 3% một năm, trong tương lai gần nơi đây sẽ hình thành một tuyến đường thủy lý tưởng về kinh tế bởi nếu đi theo hướng Tây Bắc thì khoảng cách từ London tới Tokyo giảm xuống còn 16.000 cây số so với 21.000 cây số khi phải đi ngang kênh đào Suez của Ai Cập hoặc 23.000 cây số khi đi qua kênh đào Panama ở Trung Mỹ. Vì vậy, 5 nước Nga, Na Uy, Đan Mạch, Hoa Kỳ và Canada đều thay đổi quan điểm cũ và tuyên bố rằng họ "có các lợi ích an ninh quốc gia cơ bản và rộng lớn tại khu vực Bắc cực và sẵn sàng thực thi các biện pháp để bảo vệ các lợi ích chính sách này một cách độc lập hoặc cùng với các quốc gia khác". Từ đó tới nay, cuộc chiến tranh nóng về Bắc cực diễn ra quyết liệt dưới mọi hình thức giữa Nga với 4 nước còn lại và giữa 4 nước còn lại với nhau.

Ngày 2-8-2007, Nga mở đầu chương trình thám hiểm lòng biển Bắc cực bằng tàu ngầm có sự yểm trợ của tàu ngầm hải quân Nga… Tàu ngầm mini Mir-1 của Nga đã thành công trong sứ mệnh lặn ở độ sâu 4.261 mét và cắm quốc kỳ Nga xuống đáy biển Bắc cực để khẳng định chủ quyền mà Nga tuyên bố lên tới 1 triệu cây số vuông. Hải quân Nga đã nối lại hoạt động tuần tra tại vùng biển Bắc cực, nơi hiện đóng góp gần 11% thu nhập quốc dân và chiếm 22% kim ngạch xuất khẩu của Nga và trong tương lai Moskva sẽ xem Bắc cực là "nguồn tài nguyên chiến lược hàng đầu" của mình vào năm 2020. Động thái này của Nga đã khiến Canada nhảy vào cuộc để chứng minh dãy núi ngầm Lomonosov được bắt nguồn từ châu Mỹ và khẳng định: "Chủ quyền lãnh thổ của Canada ở Bắc Cực đã có từ lâu và được xây dựng bởi cội nguồn lịch sử". Mặt khác, Canada ngay lập tức đã chi 95 triệu USD nhằm xây dựng một hải cảng nước sâu tại Nanisivik gần lối vào phía đông của tuyến đường biển Tây Bắc. Đây sẽ là nơi tiếp nhiên liệu cho các tàu tuần tra quân sự của nước này. Toronto còn dự định chi khoảng 3 tỷ USD nữa để mua ít nhất 6 tầu tuần tra cho vùng Bắc Băng Dương và thêm 4 triệu USD khác nhằm hiện đại hoá một căn cứ ở vịnh Resolute để huấn luyện các lực lượng quân sự tại Bắc cực.

Tàu phá băng Rossiya (Nga) tại Bắc cực

Ngày 18/10/2004, Đan Mạch chính thức tuyên bố có chủ quyền vùng Bắc cực vì chỉ có Greenland của Đan Mạch là gần Bắc cực hơn cả. Bộ khoa học và Công nghiệp của Đan Mạch đã bỏ ra 38 triệu Mỹ kim để hoàn chỉnh bản đồ thềm lục địa nhằm thuyết phục tất cả các quốc gia rằng, Bắc cực chính là phần tiếp theo của đảo Greenland… Na Uy cũng có những hành động tương tự. Vừa qua tại Moskva đã diễn ra Hội nghị "Bắc cực - lãnh thổ đối thoại" trong hai ngày với sự tham dự của các chuyên gia nghiên cứu Bắc cực đến từ Mỹ, Nga, Canada, Na Uy, Đan Mạch, EU và đại diện các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, các chính trị gia... nhằm tìm sự cân bằng giữa lợi ích quốc gia và quốc tế.

Trên thực tế, đã có những thành công trong việc hợp tác để đôi bên cùng có lợi, bởi trước đó, vào ngày 15/9, Nga và Na Uy đã ký một hiệp định hợp tác trên biển Barents - phần biển của Bắc Băng Dương nằm ở phía Bắc Na Uy và Nga. Theo đó, hai bên phân chia đồng đều một khu vực rộng 175.000km2, tương đương 50% diện tích nước Đức, chấm dứt cuộc tranh chấp kéo dài suốt 40 năm qua. Tổng thống Nga Medvedev mô tả hiệp định này là "mô hình mang tính xây dựng" để các nước tranh chấp Bắc cực tham khảo nhằm xóa đi bất đồng và biến lục địa cuối cùng chưa được khai thác này trở thành miền đất hứa không chỉ mang lại phồn vinh cho các nước liên quan mà còn cho toàn bộ nhân loại.

- Tháng 12/2001, Nga tuyên bố đỉnh núi Lomonosov kết hợp giữa Bắc cực (Arctic) và Siberia là sự trải dài của lục địa Âu - Á, vì vậy Bắc cực là một phần của thềm lục địa của Nga theo như Luật Quốc tế quy định. Nếu được LHQ công nhận, Nga sẽ kiểm soát một vùng rộng hơn 463.222 dặm vuông, gần một nửa lòng biển Bắc cực và do đó nước này sẽ có thêm tới 10 tỷ tấn dầu và khí đốt ở Bắc Băng Dương. Nguồn năng lượng này được xem như một vũ khí chính trị để hóa giải tất cả những chống đối của Tây phương.

- Mỹ lấy lý do công dân của mình là người đầu tiên đặt chân đến Bắc cực vì vậy họ là người sở hữu lục địa băng giá này. Theo lời John Bellinjer - Cố vấn tư pháp Bộ Ngoại giao Mỹ - "Người Mỹ không thể dửng dưng ngồi nhìn các nước khác chia chác Bắc cực" và Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn ngay một gói ngân sách trị giá 8 tỷ USD nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thám hiểm Bắc cực.

 Theo Ngọc Hà (CAND)

 

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật