Sáu năm trước, mẹ của anh em ông A. (Bình Phước) chết để lại cho hai con một ngôi nhà và mảnh vườn trồng tiêu. Ông A. chưa có gia đình nên vẫn sống trong nhà cha mẹ, lo thờ cúng, trông coi đất đai, nhà cửa. Người em đã ra riêng nên hằng ngày chỉ đến làm vườn.
Giếng nước là ranh giới
Hai năm trước, hai anh em thống nhất ông A. sẽ được hưởng căn nhà và một ít vườn tiêu. Phần vườn tiêu còn lại là của người em. Ranh giới đất đai giữa hai nhà là một đường thẳng từ đầu đất chạy qua cái giếng nước. Hai anh em sẽ sử dụng cái giếng nước chung để tưới tiêu, trồng trọt và sinh hoạt. Chia tài sản xong xuôi đâu đó, hai anh em cắm cúi lo cho công việc của mình.
Đầu năm, người em có ý định bán đất vườn để lấy vốn làm ăn. Người mua đến xem, đã hỏi đến cái giếng nước tưới có nằm trong đất của người em hay không. Người em cho biết giếng nước chung của hai nhà. Người mua ngần ngừ, bảo như vậy sẽ rất bất tiện cho họ sau này.
Thế rồi người em về bàn với anh để lại cái giếng nước cho mình. Tuy nhiên, ông A. không đồng ý vì giếng nước này cũng quan trọng đối với ông. Mặt khác, ông cũng không muốn em bán đất của cha mẹ để lại. Lúc này người em bảo khi chia tài sản, hai anh em chỉ nói ranh giới đất đai giữa hai nhà chạy qua cái giếng nước, không nói rõ là chạy qua bên trái hay bên phải cái giếng. Như vậy cũng có nghĩa là giếng nước có thể nằm ở đất người em. Chưa kể tài sản ông A. được hưởng nhiều hơn, giá trị hơn nên ông A. phải cho em được hưởng luôn cái giếng nước này mới hợp lý.
Thế nhưng dù người em nói thế nào, ông A. cũng không chịu, bảo phải giữ nguyên hiện trạng, giếng nước là tài sản chung, cả hai nhà cùng dùng.
Chưa rõ kiện đất đai hay thừa kế
Thuyết phục ông A. không được, người em đã gửi đơn ra tòa huyện H. (Bình Phước) yêu cầu được công nhận cái giếng nằm trong đất của mình.
Đã có hai quan điểm khác nhau về yêu cầu của người em khiến tòa lúng túng, chưa thể thụ lý. Một bên cho rằng dù người em chỉ yêu cầu công nhận cái giếng trên đất mình nhưng thực chất nó là tranh chấp ranh đất. Cũng không thể coi cái giếng là tài sản trên đất để xác định nó là của ai. Do vậy, vụ này có xác định được ranh đất thì mới xác định được cái giếng nước là của ai. Liên quan đến tranh chấp về đất đai (đã có giấy tờ) thì phải qua thủ tục hòa giải ở địa phương. Tòa phải trả lại đơn để người em làm theo đúng trình tự rồi mới thụ lý.
Một quan điểm lại cho rằng phải xác định đây là vụ kiện về thừa kế. Trước đó, hai anh em đã thỏa thuận được phần hưởng di sản của mình nhưng sau lại phát sinh tranh chấp. Hai bên chưa có giấy tờ gì khẳng định quyền sở hữu của mình, tài sản vẫn là của cha mẹ. Nay người em khởi kiện đòi hưởng cái giếng nước đã làm phát sinh tranh chấp về mở thừa kế. Tranh chấp này vẫn nằm trong thời hiệu khởi kiện, tòa phải thụ lý xác định phần tài sản mỗi bên được thừa kế, trong đó giải quyết luôn việc yêu cầu về cái giếng nước của người em.
Tuy nhiên, ngay sau đó người em đã rút lại đơn kiện vì không muốn tình cảm anh em sứt mẻ. Việc kéo anh ra tòa là chuyện chẳng đặng đừng. Chuyện cái giếng nước anh em sẽ từ từ giải quyết sau...
HÀ AN
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"