ÁN LỆ TRONG HỆ THỐNG TÒA ÁN AUSTRALIA. LỰA CHỌN NÀO CHO VIỆT NAM TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN ÁN LỆ ?

I. Bối cảnh

Hệ thống Tòa án của Australia được tổ chức thành hệ thống Liên Bang và tiểu bang. Ở cấp Liên bang, hệ thống Tòa án bao gồm Tòa án tối cao Liên Bang, Tòa án Liên Bang, Tòa án gia đình và Tòa án sơ thẩm Liên Bang. Ở cấp tiểu bang, hệ thống tòa án tiểu bang bao gồm Tòa án tối cao, Tòa phúc thẩm, Tòa án quận hạt và Tòa án sơ thẩm. Trong hoạt động xét xử, án lệ được mô tả như là đặc trưng, nền tảng của hệ thống Tòa án của hệ thống thông luật nói chung, là xương sống của hệ thống Tòa án Australia và là cách thức để luật sư Australia sử dụng để giải quyết những vấn đề liên quan đến luật pháp nói riêng.

Những quan điểm ủng hộ học thuyết án lệ cho rằng tính nhất quán, tính ổn định và có thể dự đoán của án lệ là rất quan trọng cho việc duy trì sự độc lập của của hệ thống luật pháp và sự khách quan của hệ thống Tòa án của các nước theo hệ thống pháp luật thông luật (Common Law system) trong việc thực hiện chức năng xét xử. Đối với Việt Nam, cụ thể hơn là trong hoạt động xét xử của Tòa án, án lệ chưa được chính thức thừa nhận như là một nguồn của pháp luật để có thể xác lập và áp dụng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng trong thực tiễn xét xử của Tòa án, nếu nhìn nhận án lệ với hình thức là sự hướng dẫn áp dụng pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao, thì án lệ đã và đang tồn tại và phát triển và có những đóng góp rất quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp, bảo đảm pháp luật được áp dụng thống nhất trong cả nước. Vấn đề “phát triển án lệ” đã được xác định là một trong những nội dung định hướng cải cách tư pháp trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Hiện nay, việc triển khai thực hiện nội dung này đã có những bước phát triển mới khi Tòa án nhân dân tối cao đang tiến hành nghiên cứu học thuyết án lệ của các nước theo hệ thống pháp luật thông luật (Common Law system) và án lệ của các nước khác, các xu hướng phát triển của học thuyết án lệ trên thế giới, thực tiễn hoạt động xét xử của Tòa án Việt Nam dưới góc độ án lệ để từ đó đưa ra các phương hướng cách thức cụ thể để tiếp cận, rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt nam trong việc “phát triển án lệ”. Trong bối cảnh đó, để việc nghiên cứu án lệ của Tòa án nhân dân tối cao có thêm sự tham khảo, bài viết này cố gắng khái quát những nét cơ bản về án lệ của Tòa án các nước thuộc hệ thống pháp luật thông luật; việc xác lập, áp dụng án lệ của các Tòa án Australia; sự ảnh hưởng của hệ thống pháp luật của Vương quốc Anh đối với việc xác lập, áp dụng án lệ trong hệ thống Tòa án Australia và xu hướng phát triển của án lệ Australia. Từ đó, tác giả đưa ra một số nhận xét, đánh giá về việc triển khai thực hiện “phát triển án lệ” của Việt Nam theo định hướng tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị. Đồng thời, trên cơ sở so sánh thực tiễn xác lập, áp dụng nguyên tắc án lệ với tư cách là hoạt động hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án các nước theo hệ thống pháp luật thông luật nói chung, của Tòa án Australia nói riêng với thực tiễn hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án Việt Nam, tác giả tranh luận rằng việc xác lập, áp dụng án lệ đã và đang tồn tại và phát triển trong hoạt động xét xử của Tòa án Việt Nam.

II. Một số nội dung về án lệ của Tòa án

1. Khái niệm

Như đã nói ở trên, không chỉ ở Australia, mà tại các nước thuộc hệ thống thông luật, hệ thống luật pháp đều được xác lập từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có một nguồn rất quan trọng là án lệ của hệ thống Tòa án. Đây là một đặc điểm quan trọng và là đặc trưng về nền tảng cơ bản của hệ thống thông luật. Trong hệ thống này, án lệ của Tòa án không chỉ đơn thuần là một ví dụ tốt mà nó còn có tính bắt buộc phải tuân theo và phải áp dụng đối với Tòa án. Nguyên tắc này thường được nhắc đến bằng một thuật ngữ Latinh “Stare Decisis”-được diễn giải một cách đơn giản là “tuân thủ các quyết định trước”. Cụ thể hơn, trên thực tế, nguyên tắc này được hiểu là khi xét xử một vụ việc nhất định, Tòa án phải tuân thủ và áp dụng phán quyết đã được ban hành trước đó nếu vụ án đang được xét xử có những tình tiết khách quan quan trọng tương tự như các tình tiết khách quan của vụ án đã được xét xử. Trong trường hợp này, nguyên tắc pháp luật đã được xác lập trong vụ án đã xét xử cũng được áp dụng để giải quyết vụ án đang được xét xử. Việc áp dụng phán quyết đã được ban hành trước đó cho việc xét xử các vụ án hiện tại và trong tương lai có tình tiết khách quan quan trọng tương tự như nhau được gọi là việc áp dụng án lệ.

2. Đặc điểm của án lệ

Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của án lệ là tính bắt buộc tuân thủ và áp dụng. Án lệ của Tòa án cấp cao nhất trong hệ thống Tòa án phải được các Tòa án cấp dưới áp dụng khi giải quyết các vụ án. Các Tòa án cấp dưới không được bỏ qua các án lệ của Tòa án cao nhất. Trong trường hợp Tòa án cấp dưới cho rằng một án lệ nào đó là không phù hợp với vụ án mà Tòa án này đang giải quyết thì Tòa án phải chứng minh sự khác nhau giữa các tình tiết khách quan quan trọng giữa án lệ và vụ án đang được giải quyết. Tuy nhiên, cần chú ý khái niệm “phán quyết” khi nói đến việc Tòa án cấp dưới áp dụng phán quyết của Tòa án cấp cao nhất trong một hệ thống Tòa án để xét xử những vụ việc có tình tiết khách quan quan trọng tương tự như vụ án đã được Tòa án cấp cao nhất xét xử. Khái niệm “phán quyết” trong trường hợp nêu trên không dùng để chỉ toàn bộ những gì mà Thẩm phán quyết định trong vụ án. Tòa án cấp dưới chỉ tuân theo một phần phán quyết được gọi theo tiếng La tinh là “the ratio decidendi”- phần lý do mà dựa trên đó phán quyết giải quyết vụ án được đưa ra. Những lý do này được xác lập bởi đa số ý kiến đồng thuận của các thẩm phán sau khi đánh giá các tình tiết khách quan của vụ án. Cách thức tiếp cận án lệ này dẫn đến một kết quả là các ý kiến bảo lưu của các thẩm phán và các ý kiến khác mang tính tổng quát về một vấn đề chung của pháp luật có liên quan hoặc được bổ sung hoặc những vấn đề không quan trọng trong vụ án sẽ không phải là những thành phần của án lệ mang tính bắt buộc. Thành phần này được gọi theo tiếng Latinh là “the obiter dicta”-có nghĩa là tham khảo. Thành phần này trên thực tế có thể được các Tòa án cấp dưới tham khảo khi xét xử các vụ án. Việc xác định án lệ bắt buộc-“the ratio decidendi” rất phức tạp trong trường hợp có nhiều thẩm phán mặc dù đồng ý với một phán quyết chung nhưng mỗi thẩm phán lại nêu ra các lý do khác nhau mà theo họ đó mới là cơ sở để xác lập nên phán quyết đó. Trên thực tế trong một bản án có thể có một hoặc nhiều thẩm phán cùng nhau đưa ra nhiều lý do khác nhau-những lý do mà theo họ là cơ sở để xác lập phán quyết giải quyết vụ án. Trong trường hợp này thì án lệ bắt buộc chính là các lý do được đa số thẩm phán thống nhất đưa ra làm cơ sở cho phán quyết giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đặc điểm áp dụng bắt buộc của án lệ thì các đặc điểm khác của án lệ được các Thẩm phán Tòa Liên bang Australia là Branson và Finkelstein trong vụ án Telstra Corporation kiện Treloar năm 2000, diễn giải cụ thể, bao gồm: tính ổn định, bảo đảm công bằng, hiệu quả và hiện diện của công lý. Theo giải thích của hai Thẩm phán này thì án lệ mang tính ổn định vì luật pháp có chức năng định hướng cho người dân một cách xử sự rõ ràng. Người dân được pháp luật cho phép xử sự trong một cách thức mà người dân chắc chắn rằng pháp luật sẽ được áp dụng cho người dân trong tương lai cũng giống như pháp luật đang được áp dụng với họ tại thời điểm hiện tại mà không có sự khác biệt. Đồng thời án lệ thúc đẩy sự công bằng trong hoạt động áp dụng pháp luật khi các vụ án có những tình tiết khách quan quan trọng của vụ án tương tự như nhau thì Tòa án sẽ đưa ra các phán quyết tương tự như nhau. Bên cạnh đó, án lệ mang lại hiệu quả tích cực cho hoạt động xét xử khi Tòa án cấp cao nhất đã đưa ra một cách giải quyết một vấn đề pháp lý thì những Tòa án cấp dưới không cần thiết phải lãng phí thời gian và nguồn lực để xem xét, đánh giá và đưa ra cách giải quyết với vấn đề pháp lý tương tự như vấn đề pháp lý đã được Tòa án cấp cao nhất giải quyết.

3. Các nguyên tắc áp dụng án lệ

Trong hoạt động xét xử, việc áp dụng án lệ không phải là một hoạt động kỹ thuật đơn thuần mà đều dựa trên một số nguyên tắc nhất định. Thông thường các Thẩm phán dựa vào những nguyên tắc sau đây để xác định một án lệ nào đó có phải là án lệ mà họ bắt buộc phải áp dụng để giải quyết vụ án mà họ đang xét xử hay không. Các nguyên tắc đó là: (i) Tòa án cấp thấp hơn bắt buộc tuân theo các phán quyết của các Tòa án cấp cao hơn trong cùng một hệ thống; (ii) Một Thẩm phán không bắt buộc phải tuân theo phán quyết của Thẩm phán khác trong cùng một cấp Tòa án và trong cùng một hệ thống Tòa án; (iii) Một Thẩm phán không bắt buộc phải tuân theo các phán quyết của Tòa án cấp cao hơn nhưng không cùng một hệ thống Tòa án, mặc dù những phán quyết đó có thể tham khảo; (iv) Tòa án cao nhất của một hệ thống Tòa án có thể hủy bỏ những phán quyết trước đây của chính Tòa án đó trong trường hợp để bảo lệ công lý hoặc phán quyết đó rõ ràng là sai; (v) chỉ một phần của phán quyết được gọi theo thuật ngữ Latinh là ratio decidendi-tức là các lý do làm cơ sở xác lập phán quyết mới có hiệu lực bắt buộc áp dụng; (vi) các ý kiến khác mang tính tổng quát về một vấn đề chung của pháp luật có liên quan hoặc được bổ sung hoặc những vấn đề không quan trọng trong vụ án được gọi theo thuật ngữ Latin là obiter dicta không mang tính bắt buộc áp dụng nhưng có thể tham khảo khi giải quyết vụ án.

4. Mối quan hệ giữa án lệ và các đạo luật do Quốc hội ban hành

Án lệ và các đạo luật do Quốc hội ban hành có mối quan hệ chặt chẽ với nhau theo nguyên tắc các đạo luật luôn có giá trị pháp lý cao hơn án lệ. Nguyên tắc này là biểu hiện trên thực tế của nguyên tắc giám sát tối thượng của Quốc hội đối với hoạt động của Tòa án mà nếu xét về nguồn gốc lịch sử thì nguyên tắc này vốn là kết quả của sự giải quyết mâu thuẫn về quyền lực giữa Vua nước Anh, Stuart, hệ thống Tòa án và Quốc hội vào thế kỷ thứ 17. Nguyên tắc này luôn là cánh cửa mở cho Quốc hội thực hiện việc thay đổi các nguyên tắc pháp luật được xác lập bởi án lệ bằng việc ban hành các đạo luật hoặc đưa ra cách giải thích về một hoặc một số quy định của pháp luật. Trong khi đó, hệ thống Tòa án có trách nhiệm giải quyết các tranh cãi pháp lý về các định nghĩa, khái niệm trong các quy định của các đạo luật bằng việc sử dụng án lệ và Luật về giải thích nghĩa của từ, ngữ trong các đạo luật-một đạo luật được ban hành nhằm chuẩn hóa cách thức giải thích nội dung từ, ngữ trong các đạo luật. Đồng thời, bằng việc giải thích các từ ngữ của các đạo luật, Tòa án bảo đảm rằng cơ quan lập pháp cần phải tuân thủ các quy định của Hiến pháp về các thủ tục, trình tự ban hành các đạo luật.

III. Xác lập, áp dụng án lệ ở Tòa án Australia

Như đã nói ở trên, án lệ được xác lập bởi các tòa án: Tòa án tối cao Liên Bang, Tòa án Liên Bang, Tòa án tối cao tiểu bang và Tòa phúc thẩm của tiểu bang. Sau đây là một số ví dụ về việc xác lập án lệ của Tòa án tối cao Liên Bang, Tòa án tối cao bang Victoria, áp dụng án lệ của Tòa phúc thẩm bang New South Wales.

1. Xác lập án lệ tại Tòa án tối cao Liên bang

Thông thường Tòa án tối cao Liên bang xác lập án lệ thông qua các phán quyết phúc thẩm các kháng cáo các phán quyết của Tòa án Liên Bang, Tòa án tối cao tiểu bang. Sau đây là một ví dụ mà Tòa án tối cao Liên Bang xác lập một án lệ thông qua việc xét xử phúc thẩm kháng cáo đối với phán quyết của Tòa án tối cao bang Victoria trong vụ án Dow Jones v Gutnick. Vụ án này có thể tóm tắt như sau: Bị đơn kháng cáo là Dow Jones-nhà xuất bản của Thời báo Phố Wall (Wall Street Journal) và một tạp chí xuất bản định kỳ có tên là Tạp chí Barrons (Barrons Magazine). Tạp chí này được xuất bản trực tuyến và đăng ký hoạt động tại bang New Jersey, Mỹ, nơi có máy chủ mà trang web của tạp chí này được đặt trên đó. Tạp chí Barrons cung cấp cho khoảng 550 nghìn khách hàng, bao gồm một số khách hàng cư trú tại tiểu bang Victoria, Australia, có đăng ký mua các bài viết online của tạp chí. Các bài viết trên tạp chí không được đăng tải trên trang web của tạp chí theo cách thức bất kỳ ai cũng có thể xem được, đọc được. Chỉ có những khách hàng trả tiền mua bài viết mới được tạp chí cung cấp tên và mật mã đăng nhập để xem, đọc, lưu trữ bài viết. Nguyên đơn không kháng cáo là Joe Gutnick, một doanh nhân Australia cư trú tại bang Victoria, Australia. Nguyên đơn là một doanh nhân thành đạt có tiếng trong kinh doanh, làm từ thiện và cả trong lĩnh vực tôn giáo. Hoạt động kinh doanh của nguyên đơn chủ yếu liên quan với Mỹ. Ngày 29/10/2000, tạp chí Barron đăng một bài báo có tựa đề “Unholy Gains” kèm ảnh chụp nguyên đơn. Nguyên đơn đã khởi kiện bị đơn tại Tòa án tối cao tiểu bang Victoria vì cho rằng bị đơn đã xúc phạm danh dự nhân phẩm của nguyên đơn. Cụ thể bài báo nói trên đã cáo buộc nguyên đơn là khách hàng thường xuyên của một tên tội phạm nổi tiếng tên là Nachum Goldberg đang bị giam giữ về tội rửa tiền và trốn thuế tại Mỹ. Bài báo còn cho rằng nguyên đơn đã giả vờ là một công dân đáng kính trong khi thực sự là một tên tội phạm trốn thuế và nguyên đơn đã rửa một khoản tiền lớn thông qua Nachum Goldberg và nguyên đơn đã mua sự im lặng của tên tội phạm này. Bị đơn đã khiếu nại hai vấn đề lên Tòa án tối cao Liên Bang: (i) nơi xuất bản bài báo mà nguyên đơn cho rằng đã xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của nguyên đơn và (ii) thẩm quyền xét xử của Tòa án tối cao bang Victoria đối với vụ kiện của nguyên đơn. Về nội dung thứ nhất liên quan đến nơi xuất bản bài báo, bị đơn cho rằng bài báo được xuất bản tại bang New Jersey khi bài báo được đưa lên máy chủ nơi trang web của tạp chí Barron được lưu trữ. Đối với vấn đề thứ hai là thẩm quyền xét xử, bị đơn cho rằng Tòa án tối cao tiểu bang Victoria, Australia không có thẩm quyền xét xử vụ án vì bài báo được xuất bản tại Mỹ. Theo Luật về bồi thường thiệt hại do danh dự nhân phẩm bị xúc phạm thì việc xúc phạm xảy ra ở đâu, luật ở đó sẽ được áp dụng. Việc xúc phạm nguyên đơn xảy ra ở New Jersey, Mỹ thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án New Jersey, Mỹ chứ không phải là Tòa án tối cao bang Victoria. Nguyên đơn phản bác rằng việc bị đơn đưa bài viết lên máy chủ của tạp chí và làm cho bài viết có thể tải về không phải là hành vi xuất bản. Hành vi xuất bản của bài viết chỉ được xác lập khi và chỉ khi bài viết được tải về và hiển thị lên trên máy tính của người đọc và người tải về đã đọc nó. Như vậy bài viết được coi là xuất bản ở Australia chỉ khi khách hàng ở Australia đã tải được bài viết và họ đã đọc được những lời xúc phạm nguyên đơn từ bài viết. Bị đơn phản bác ý kiến của nguyên đơn và cho rằng bị đơn không xuất bản bài báo ở bang Victoria, Australia. Hành vi tải bài báo từ máy chủ về không phải là hành vi xuất bản. Sẽ là không công bằng cho bị đơn nếu người đọc từ các nước khác nhau tải bài báo về để đọc mà việc tải đó lại được cho là hành vi xuất bản. Như vậy, bị đơn sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị kiện ở rất nhiều nơi khác nhau. Tòa án tối cao tiểu bang Victoria do Thẩm Phán Hedigan chủ tọa đã phán quyết về hai vấn đề trên như sau: Thứ nhất, về nơi xuất bản ấn phẩm xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác. Tòa kết luận rằng pháp luật về xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác trong nhiều thế kỷ đã khẳng định việc xuất bản ấn phẩm xúc phạm đến người khác xảy ra khi và tại địa điểm mà các nội dung của ấn phẩm được nói ra, được thấy, được nghe và được người đọc, người nghe hiểu nội dung đó. Ấn phẩm xuất bản thông qua phương thức Internet được coi là xuất bản khi ấn phẩm đó được tải về và người tải về có thể đọc được, nghe được, và nhìn thấy được. Tòa cũng xác định rằng một người bị xúc phạm danh dự nhân phẩm tại nơi thực hiện xuất bản ấn phẩm có nội dung xúc phạm tới người đó. Nguyên đơn là người Australia, sinh sống tại Melbourne, bang Victoria, nơi mà nguyên đơn được nhiều người biết đến nhất. Nơi nguyên đơn sinh sống đồng thời cũng là nơi có khách hàng tải bài báo xúc phạm về để đọc. Do đó, khi bài báo đã được đọc tại nơi nguyên đơn sinh sống có nghĩa là danh dự nhân phẩm của nguyên đơn bị tổn hại tại chính nơi này. Thứ hai, về thẩm quyền xét xử của Tòa án tối cao bang Victoria khi bị đơn không cư trú tại bang Victoria, Australia. Tòa án phán quyết rằng theo Lệnh số 7 của Tòa án tối cao bang Victoria thì Tòa án này có thẩm quyền xét xử các vụ án xâm phạm danh dự nhân phẩm kể cả trường hợp bị đơn không cư trú nơi Tòa án có thẩm quyền (ngoài lãnh thổ Australia). Trong trường hợp này, nguyên đơn đã thực hiện việc khởi kiện nơi nguyên đơn bị xâm phạm danh dự nhân phẩm là bang Victoria. Nguyên đơn đồng thời từ bỏ không khởi kiện bị đơn tại bất kỳ nơi nào khác, kể cả tại Mỹ. Do đó, Tòa án tối cao của bang Victoria có thẩm quyền xét xử. Bị đơn đã làm đơn xin kháng cáo lên Tòa phúc thẩm của Tòa án tối cao bang Victoria nhưng đã bị Tòa này từ chối vì cho rằng phán quyết của Thẩm phán Hedigan là chính xác, không có cơ sở chấp nhận cho bị đơn kháng cáo. Bị đơn tiếp tục kháng cáo lên Tòa án tối cao Liên bang với hai khiếu nại như trên về nơi xuất bản và thẩm quyền xét xử của Tòa án tối cao bang Victoria. Tòa án tối cao Liên Bang với Hội đồng xét xử gồm 7 Thẩm phán đã bác nội dung kháng cáo của bị đơn và phán định rằng những phán quyết của Tòa án tối cao bang Victoria về nơi xuất bản ấn phẩm xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác và thẩm quyền xét xử của Tòa án tối cao bang Victoria đối với yêu cầu của nguyên đơn là hoàn toàn chính xác. Như vậy, khi Tòa án tối cao Liên bang phán quyết chấp nhận những lý do mà Tòa án tối cao tiểu bang Victoria, Australia đưa ra về thời gian và địa điểm xảy ra việc xúc phạm danh dự nhân phẩm và thẩm quyền xét xử của Tòa án này đối với vụ kiện giữa nguyên đơn Gutnick với nhà xuất bản Dow Jones thì phán quyết đó (hay còn gọi là án lệ) có hiệu lực bắt buộc tuân thủ và áp dụng đối với Tòa án Liên Bang, các Tòa án tối cao tiểu bang và vùng lãnh thổ khi các tòa án này xét xử các vụ án có những tình tiết khách quan quan trọng tương tự như vụ án này.

2. Xác lập án lệ tại Tòa án tối cao của tiểu bang và vùng lãnh thổ; áp dụng án lệ tại Tòa phúc thẩm của tiểu bang và vùng lãnh thổ

Tại tiểu bang và vùng lãnh thổ thì việc xác lập án lệ được thực hiện bởi Tòa án tối cao của tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ đó. Khi án lệ được xác lập thì các tòa án phúc thẩm, Tòa án quận hạt của tiểu bang và vùng lãnh thổ đều phải tuân thủ áp dụng khi xét xử các vụ án có tranh chấp về những nội dung pháp lý tương tự như vụ án đã được xét xử. Sau đây là một ví dụ về việc xác lập án lệ, áp dụng án lệ trong một số vụ án hình sự liên quan đến việc nạo thai. Theo quy định tại các điều 82, 83 và 84 của Luật hình sự năm 1900 của bang New South Wales và Điều 65 và Điều 66 của Luật hình sự năm 1958 của Bang Victoria thì hành vi nạo thai bất hợp pháp và hành vi cung cấp các dụng cụ, thuốc hoặc chất độc để dùng trong việc nạo thai là hành vi phạm tội. Tại bang Victoria, Australia trong vụ án R kiện Davidson năm 1969, bị cáo Davidson nguyên là một bác sỹ, bị buộc tội đã có hành vi nạo thai bất hợp pháp. Tuy nhiên, Thẩm phán Menhennitt của Tòa án tối cao bang Victoria đã bác bỏ lời kết tội đối với Davidson. Thẩm phán Menhennitt cho rằng Luật hình sự năm 1958 không định nghĩa thế nào là “bất hợp pháp” tại các điều luật 65 và 66 và khi điều luật quy định nghiêm cấm các hành vi nạo thai “bất hợp pháp” thì cũng có nghĩa rằng có những hành vi “nạo thai hợp pháp” mà luật cho phép. Đồng thời Thẩm phán này cũng cho rằng có thể định nghĩa hành vi nạo thai “bất hợp pháp” bằng cách xác định thế nào là hành vi nạo thai “hợp pháp”. Để xác định hành vi nạo thai “hợp pháp” Thẩm phán Menhennitt đã viện dẫn một phán quyết của Anh quốc trong vụ kiện R kiện Bourne năm 1939. Trong vụ án R kiện Bourne, bị cáo-bác sỹ Bourne đã bị buộc tội nạo thai trái phép cho một bé gái 14 tuổi mang thai do bị hãm hiếp. Tuy nhiên, do quy định của Luật hình sự của Anh nghiêm cấm việc “nạo thai bất hợp pháp” mà cũng không định nghĩa thế nào là “bất hợp pháp” cho nên khi xét xử, Thẩm phán Macnaughten cho rằng, trong một số trường hợp “bác sỹ nạo thai là hợp pháp”. Thẩm phán này đã viện dẫn Luật về hủy bỏ trẻ sơ sinh năm 1929 của Anh quốc có quy định một trường hợp việc hủy bỏ trẻ sơ sinh (nạo thai) là hợp pháp nếu được thực hiện để bảo vệ sự sống của bà mẹ. Dựa trên cơ sở quy định đó, Tòa án của Anh quốc đã phán quyết rằng bị cáo-bác sỹ Bourne đã tiến hành nạo thai hợp pháp cho khách hàng vì bác sỹ đó có lý do hợp lý, với một hiểu biết đúng đắn để tin tưởng rằng việc nạo thai là cần thiết nhằm bảo vệ thể chất hoặc tinh thần của bà mẹ mang thai trước mối đe dọa nguy hiểm đến tính mạng của bà mẹ đó nếu tiếp tục giữ thai nhi. Do đó, hành vi thực hiện nạo thai của bị cáo-bác sỹ Bourne là hành vi nạo thai hợp pháp. Dựa trên phán quyết này, Thẩm phán Menhennitt đã phán quyết rằng hành vi nạo thai của bác sỹ Davidson là hành vi hợp pháp với lý do tương tự nêu trong phán quyết củavụ án R kiện Bourne của Tòa án Anh Quốc. Phán quyết của Thẩm phán Menhennitt xác định 2 điều kiện để hành vi nạo thai là hợp pháp: (i) Bác sỹ tiến hành nạo thai tin tưởng trung thực một cách có cơ sở hợp lý rằng việc đó là cần thiết để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần cho bà mẹ và (ii) việc nạo thai đó được tiến hành trong những trường hợp mà rủi ro của việc tiến hành nạo thai không lớn hơn hậu quả của việc vẫn giữ thai nhi mang lại. Năm 1971, Thẩm phán Levine trong vụ án R kiện Wald tại Tòa án quận hạt của bang New South Wales cũng đã áp dụng và đã phát triển thêm nội hàm của phán quyết của vụ án R kiện Davidson của Tòa án tối cao bang Victoria. Thẩm phán Levine cho rằng cần quan tâm đến những đe dọa nguy hiểm từ các khía cạnh kinh tế, xã hội hoặc các lý do khác tại thời điểm bà mẹ mang thai để bồi thẩm đoàn quyết định rằng việc nạo thai là cần thiết hoặc không cần thiết để duy trì sức khỏe của bà mẹ mang thai trước mối đe dọa nguy hiểm đến tính mạng của bà mẹ mang thai nếu tiếp tục giữ thai nhi. Những đe dọa đến tính mạng của bà mẹ mang thai có thể xảy ra tại thời điểm bác sỹ khám thai hoặc xảy ra tại bất kỳ một thời điểm nào trong cả quá trình mang thai nếu bà mẹ vẫn giữ thai nhi. Phán quyết của vụ án R kiện Davidson Tòa án tối cao bang Victoria đã được áp dụng trong các vụ kiện CES v SuperClinics năm 1995 tại Tòa phúc thẩm của bang New South Wales và vụ kiện R v Sood năm 2006 tại Tòa án tối cao bang New South Wales. Trong vụ kiện CES v SuperClinics năm 1995, Thẩm phán Kirby của Tòa phúc thẩm của Tòa án tối cao bang New South Wales phán quyết rằng bác sỹ phụ sản cần quan tâm đến những đe dọa đến tính mạng của bà mẹ mang thai có thể xảy ra sau khi mang thai và trong quá trình mang thai. Do những phán quyết trên của Tòa án nên hiện nay việc nạo thai được thực hiện bởi những bác sỹ sản khoa có uy tín là khá phổ biến và quy định hành vi nạo phá thai là tội phạm được coi là không còn hiệu lực áp dụng khi trên thực tế không hề có một vụ nạo thai nào bị truy tố thêm tính từ khi có các phán quyết nói trên ở hai bang New South Wales và Victoria của Australia. Trên thực tế, sau các phán quyết nói trên đến trước năm 2008, Quốc hội của hai bang này không tiến hành sửa đổi quy định của Luật hình sự về hành vi nạo phá thai. Tuy nhiên, năm 2008, Quốc hội bang Victoria đã ban hành Luật cải cách về nạo thai. Luật này đã hợp pháp hóa việc nạo thai trong các trường hợp sau: (i) việc nạo thai do bác sỹ sản khoa có đăng ký hành nghề tiến hành đối với những phụ nữ mang thai mà thai kỳ thai nhi chưa vượt quá tuần thứ hai mươi bốn; (ii) việc nạo thai do bác sỹ sản khoa có đăng ký hành nghề tiến hành đối với những phụ nữ mang thai mà thai kỳ thai nhi vượt quá tuần thứ hai mươi bốn nếu có lý do để tin tưởng rằng việc nạo thai là đúng đắn trong mọi trường hợp và bác sỹ này ít nhất cũng đã được một bác sỹ sản khoa khác có đăng ký hành nghề tư vấn rằng họ cũng có lý do để tin tưởng việc nạo thai đó là đúng trong mọi trường hợp. Từ những ví dụ trên, có thể thấy rằng các phán quyết của Tòa án đã giải quyết được “khoảng trống” của pháp luật bằng việc đưa ra phán quyết định nghĩa một hoặc một số khái niệm cụ thể của quy định của đạo luật mà Tòa án áp dụng để giải quyết một vụ án cụ thể. Phán quyết đó giải quyết một vấn đề pháp lý cụ thể liên quan đến việc áp dụng hoặc giải thích các nguyên tắc pháp luật hoặc một điều luật cụ thể. Phán quyết đó được gọi là án lệ để các Tòa án cấp thấp hơn tuân theo và áp dụng khi giải quyết những vụ án có tình tiết khách quan tương tự. Trong các ví dụ nêu trên, phán quyết của Tòa án khi trở thành án lệ còn có ý nghĩa thúc đẩy Quốc hội xây dựng, ban hành các văn bản luật điều chỉnh những vấn đề mà án lệ đã giải quyết.

3. Áp dụng án lệ tại Tòa án cấp sơ thẩm của tiểu bang và vùng lãnh thổ

Có thể nói rằng Tòa án cấp sơ thẩm ít khi được toàn quyền quyết định việc áp dụng luật pháp để giải quyết các vụ việc. Thông thường việc áp dụng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm đề giải quyết các vụ việc là áp dụng án lệ của các Tòa án cao nhất-Tòa án tối cao của tiểu bang hoặc Tòa phúc thẩm của tiểu bang cũng như Tòa án Liên Bang và Tòa án tối cao Liên Bang. Giả định rằng, Tòa án tối cao của tiểu bang hoặc Tòa phúc thẩm của tiểu bang đã ra phán quyết về một vấn đề pháp lý trong một vụ án cụ thể. Sau đó, Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết một vụ án mà có vấn đề về pháp lý tương tự như vụ án mà Tòa án tối cao của tiểu bang hoặc Tòa phúc thẩm của tiểu bang giải quyết. Trong trường hợp này thì Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng cách giải quyết về vấn đề pháp lý đó của Tòa án tối cao của tiểu bang hoặc Tòa phúc thẩm của tiểu bang. Ví dụ sau có thể làm rõ cách thức áp dụng án lệ của Tòa án cấp sơ thẩm. Giả định rằng Quốc Hội tiểu bang New South Wales ban hành một đạo luật nghiêm cấm các hành vi không lành mạnh nơi công cộng. Đạo luật này có điều luật X quy định như sau: “bất kỳ người nào có hành vi không lành mạnh ở nơi công cộng thì bị coi là phạm tội. Người vi phạm bị phạt tiền 500 Đồng Australia. Tuy nhiên, Đạo Luật này không có điều khoản nào giải thích thế nào là “hành vi không lành mạnh”. Trong một vụ án, cảnh sát đã bắt giữ một thanh niên tên là A có hành vi nhảy múa trên đường phố vào lúc 2 giờ sáng. Lý do bắt giữ là thanh niên này đã phạm tội quy định tại điều X của Đạo Luật nói trên. Vụ án sau nhiều lần xét xử đã được xem xét ở Tòa án tối cao bang New South Wales. Tòa án Tòa án tối cao bang New South Wales đã phán quyết rằng hành vi nhảy múa của bị cáo A vào lúc hai giờ sáng trên đường phố không phải là hành vi không lành mạnh. Phán quyết này của Tòa án tối cao bang New South Wales có hiệu lực áp dụng bắt buộc đối với các tòa án sơ thẩm và tòa án quận hạt của tiểu bang New South Wales. Sau phán quyết này, Tòa án sơ thẩm vùng Bankstown của thành phố Sydney thuộc tiểu bang New South Wales xét xử một vụ án mà bị cáo B bị bắt giữ vì có hành vi không lành mạnh là nhảy múa ở vỉa hè một con phố vào lúc 2 giờ sáng. Tòa án sơ thẩm vùng Bankstown thấy rằng tình tiết vụ án này tương tự như tình tiết vụ án mà Tòa án tối cao bang New South Wales đã phán quyết như đã nói ở trên. Trong vụ án này, bị cáo cũng viện dẫn phán quyết của Tòa án tối cao của Bang để chứng minh hành vi của bị cáo là lành mạnh. Tuy nhiên, phía cảnh sát cho rằng phán quyết của Tòa án tối cao của Bang không được áp dụng vào vụ án này bởi lẽ trong vụ án của Tòa án tối cao của Bang, bị cáo A nhảy múa “ở giữa phố”; còn bị cáo B trong vụ án này lại nhảy múa trên vỉa hè. Tòa án sơ thẩm vùng Bankstown phán quyết rằng hành vi nhảy múa của bị cáo B trên vỉa hè không phải là “hành vi không lành mạnh” với dẫn chiếu phán quyết của Tòa án tối cao bang New South Wales với bị cáo A. Tòa lý giải thêm vỉa hè của phố mà bị cáo có hành vi nhảy múa là một phần gắn liền với phố đó. Do đó, án lệ của Tòa án tối cao của Bang được áp dụng để giải quyết. Từ ví dụ này, có thể thấy rằng Tòa án cấp sơ thẩm khi giải quyết vụ việc, chỉ cần tuân thủ và áp dụng những án lệ đã có từ trước, nếu tình tiết hai vụ án có nhiều tình tiết quan trọng tương tự như nhau. Tuy nhiên, công bằng mà nói đây chỉ là ví dụ đơn giản nhất để giúp người đọc có thể hiểu một cách cơ bản về việc áp dụng án lệ. Trên thực tế, việc áp dụng án lệ rất phức tạp và khó khăn và phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định. Việc áp dụng án lệ khó khăn hơn khi phải phân tích, đánh giá tại sao một án lệ cụ thể nào đó không được áp dụng vào vụ việc đang được giải quyết hoặc chưa có án lệ cho vụ việc đó. Trên thực tế, một phán quyết hiện tại của Tòa án có thể là án lệ hoặc có thể không. Sự khác biệt này chỉ có thể tồn tại khi có cách thức xác định án lệ-cách thức cho thấy những sự kiện, tình tiết trong quá khứ là tương tự với những sự kiện, tình tiết hiện tại. Khi đánh giá hiệu lực của án lệ hiện tại trong tương lai, chúng ta thường dự đoán trước rằng sẽ có những dữ kiện tương lai tương tự như những dữ kiện của án lệ hiện tại. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng không có các sự kiện hoàn toàn giống nhau. Điều kiện để một phán quyết của Tòa án trở thành một án lệ không đòi hỏi rằng các tình tiết khách quan của vụ án được giải quyết trước và của vụ án được giải quyết sau là hoàn toàn tuyệt đối giống nhau. Với cách tiếp cận như vậy thì tính liên quan của một án lệ của vụ án trước đối với vụ án sau phụ thuộc vào cách xác định các tình tiết khách quan của hai vụ án này, theo đó chỉ cần xác định những tính tiết nào tương tự như nhau mà quan trọng, còn những tình tiết khác thì có thể bỏ qua. Vì vậy, cần hiểu rằng việc áp dụng án lệ không phải là một việc làm đơn thuần mang tính kỹ thuật là tìm kiếm một vụ án giống hoặc tương tự một vụ án khác. Trong trường hợp chưa có án lệ của tiểu bang, Liên Bang thì Thẩm phán có thể dẫn chiếu án lệ của Tòa án tối cao, Tòa phúc thẩm của tiểu bang khác với điều kiện án lệ đó có tính “tham khảo rất cao”.Nghĩa là vụ án đang giải quyết và vụ án có án lệ được dẫn chiếu có nhiều tình tiết quan trọng tương tự như nhau và vấn đề pháp lý cần được giải quyết trong hai vụ án là giống nhau. Về mặt lý thuyết thì có thể Tòa án sơ thẩm tiểu bang sẽ đối mặt với những vụ án mà cách thức giải quyết vụ án đó chưa có án lệ của Tòa án tiểu bang, Liên Bang hoặc luật của Quốc hội tiểu bang điều chỉnh. Trong trường hợp này, thì Thẩm phán rất ngại ngần đưa ra phán quyết có giá trị như án lệ, bởi lẽ theo học thuyết án lệ thì chỉ những Tòa án tối cao của tiểu bang, Tòa án phúc thẩm của tiểu bang, Tòa án Liên Bang và Tòa án tối cao Liên Bang mới có thẩm quyền xác lập án lệ. Tuy nhiên, trên thực tế Tòa án sơ thẩm tiểu bang ít khi gặp phải những vụ việc này.

IV. Án lệ trong hệ thống Tòa án Australia

Phần này sẽ giới thiệu, phân tích, đánh giá sự ảnh hưởng của nước Anh trong việc xác lập, áp dụng án lệ của Australia; án lệ trong hệ thống Tòa án Liên Bang và hệ thống Tòa án tiểu bang của Australia.

1. Hội đồng cơ mật của Vương quốc Anh

Đối với Australia, sự thay đổi quan trọng nhất trong việc áp dụng án lệ trong vòng 30 năm qua là sự thay đổi mà theo đó Tòa án tối cao Liên Bang Australia có thẩm quyền giải quyết các tranh cãi về áp dụng pháp luật, án lệ. Cho đến những thập niên 70 và 80 của thế kỷ 20 thì Ủy Ban Tư Pháp của Hội đồng Cơ Mật của Vương quốc Anh vẫn được xem là Tòa án cao nhất xem xét giải quyết các các tranh cãi về áp dụng pháp luật, án lệ trong tất cả các lĩnh vực luật pháp của Australia. Trong một thời gian khá dài, tất cả các quyết định của Ủy ban Tư pháp của Hội đồng Cơ Mật liên quan đến bất kỳ nguyên tắc cơ bản của pháp luật được xác lập trong các phán quyết của Tòa án đều có hiệu lực bắt buộc đối với tất cả các tòa án, kể cả Tòa án Liên Bang, các tòa án tiểu Bang và vùng lãnh thổ của Australia. Tuy nhiên theo thời gian, việc kháng cáo lên Ủy ban Tư Pháp đã bị hạn chế bằng việc Quốc hội Liên Bang ban hành một số đạo luật như Đạo Luật hạn chế phúc thẩm năm 1968, theo đó Luật này sẽ hạn chế việc kháng cáo yêu cầu Ủy ban Tư Pháp của Hội đồng Cơ Mật giải quyết đối với các phán quyết của Tòa án Liên Bang và Tòa án tối cao của tiểu bang và vùng lãnh thổ; Đạo Luật hạn chế phúc thẩm năm 1975, nhằm hạn chế việc kháng cáo yêu cầu Ủy ban Tư Pháp của Hội đồng Cơ Mật giải quyết đối với các phán quyết của Tòa án tối cao Liên Bang. Cuối cùng, vai trò của Ủy ban Tư Pháp của Hội đồng Cơ Mật đối với hệ thống Tòa án Australia bị chấm dứt khi Quốc hội Liên Bang Australia ban hành đạo luật Australia Act năm 1985. Vai trò của Hội đồng Cơ Mật đối với Tòa án Australia đã thay đổi xuất phát từ việc Vương quốc Anh là thành viên của Ủy Ban Châu Âu và Liên Minh Châu Âu và sự gia tăng ảnh hưởng của luật pháp của Liên Minh Châu Âu đối với sự phát triển luật pháp của Vương quốc Anh. Kết quả của sự thay đổi này là sự giảm thiểu vai trò án lệ của Vương quốc Anh đối với sự phát triển của luật pháp Australia trong tương lai. Sự giảm thiểu này có thể thấy thông qua việc Tòa án tối cao Liên Bang Australia và các tòa án khác của Australia ngày càng ít sử dụng án lệ của Vương quốc Anh. Hiện nay, sự phát triển của luật pháp của Australia chủ yếu dựa trên các quyết định của Quốc hội, Tòa án và sự giải thích, áp dụng và phát triển của án lệ của Australia với vai trò không thể tranh cãi của Tòa án tối cao Liên Bang Australia như là nguồn chính của pháp luật có hiệu lực áp dụng bắt buộc đối với toàn bộ hệ thống Tòa án Australia.

2. Án lệ trong hệ thống Tòa án cấp Liên Bang

a. Tòa án tối cao Liên Bang

Tòa án tối cao Liên Bang là tòa án cao nhất trong hệ thống Tòa án của Australia. Tòa án tối cao Liên Bang được thành lập năm 1901 trên cơ sở quy định tại Điều 71 của Hiến pháp Australia. Tòa án tối cao Liên Bang có chức năng giải thích và áp dụng pháp luật của Australia; xét xử các vụ án đặc biệt thuộc thẩm quyền liên bang bao gồm các vụ án liên quan đến hiệu lực pháp luật của một đạo luật cụ thể và liên quan đến cách giải thích Hiến pháp; xét xử phúc thẩm các vụ án từ Tòa án Liên Bang, Tòa án tiểu bang và vùng lãnh thổ; xét xử sơ thẩm một số vụ án khác. Tòa án tối cao Liên Bang là Tòa án xét kháng cáo phúc thẩm cuối cùng của hệ thống tòa án của Australia. Quyết định phúc thẩm của Tòa án tối cao Liên Bang là quyết định cuối cùng và có tính bắt buộc tuân thủ đối với các Tòa án Liên Bang, các Tòa án của tiểu bang. Tòa án tối cao Liên Bang có thẩm quyền hủy bỏ tất cả các phán quyết của Tòa án Liên Bang, các Tòa án của tiểu bang cũng như có thể hủy bỏ án lệ của chính nó trong một số trường hợp đặc biệt. Thực tiễn xét xử tại Tòa án tối cao Liên Bang cho thấy khi xét xử sơ thẩm, Thẩm phán không bắt buộc phải tuân thủ và áp dụng án lệ được xác lập bởi Thẩm phán Tòa án tối cao Liên Bang trong các phán quyết trước đó. Tuy nhiên, Thẩm phán này phải tuân thủ án lệ phúc thẩm do “Full Court” của Tòa án tối cao Liên Bang xác lập. “Full Court” là một Tòa án của Tòa án tối cao Liên Bang mà khi xét xử thì phải có từ hai Thẩm phán trở lên thực hiện. Trên thực tế, khi xét xử “Full Court” của Tòa án tối cao Liên Bang không bắt buộc tuân thủ và áp dụng các án lệ của chính nó đã được xác lập trong các phán quyết trước. Như đã nói ở trên, Tòa án tối cao Liên Bang có thể hủy bỏ án lệ do chính Tòa án này xác lập từ trước. Tuy nhiên, việc hủy bỏ án lệ không thể tiến hành bằng một Thẩm phán. Nói cách khác việc hủy bỏ án lệ chỉ có thể tiến hành bởi Hội đồng xét xử có ít nhất hai Thẩm phán trở lên. Trong trường hợp này, các Thẩm phán thường gọi những án lệ bị hủy bỏ là “sai lầm cơ bản”, “rõ ràng là sai” để nhấn mạnh tính ngoại lệ của việc hủy bỏ đó. Tòa án tối cao Liên Bang tuyên bố rằng việc hủy bỏ án lệ chỉ được áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt và được tiến hành một cách cẩn trọng. Việc Tòa án tối cao Liên Bang hủy bỏ án lệ của chính Tòa án này không được tiến hành thường xuyên mà chỉ diễn ra trong một số trường hợp đặc biệt. Trên thực tế, Tòa án tối cao Liên Bang không đặt ra bất kỳ một quy tắc chung cho việc tiến hành hủy bỏ án lệ nhưng tại vụ án Commonwealth v. Hospital Contribution Fund năm 1982, Chánh án Tòa án tối cao Liên Bang Gibbs với 2 Thẩm phán tối cao Liên Bang khác là Stephen và Aickin cùng thống nhất cho rằng có 4 lý do để một án lệ bị hủy bỏ. Các lý do cụ thể đó là: (i) án lệ đó đã dựa trên một nguyên tắc pháp lý mà nguyên tắc này đã không được đánh giá cẩn thận, đầy đủ trong quá trình xét xử vụ án này; (ii) Sự khác nhau giữa những lý do mà các Thẩm phán đưa ra về việc giải quyết vấn đề pháp lý của vụ án; (iii) án lệ đã không mang lại một sự thuận tiện trong việc tuân thủ và áp dụng; (iv) án lệ đã không thể hiện được sự độc lập trong quá trình xem xét lại chính án lệ này. Bên cạnh đó, việc hủy bỏ án lệ có thể tiến hành khi Quốc hội ban hành luật liên quan đến các nguyên tắc pháp lý, cách giải thích một điều luật được xác lập bởi án lệ. Tuy nhiên, đối với án lệ liên quan đến Hiến pháp thì không thể bị hủy bỏ bởi việc ban hành luật của Quốc hội. Những án lệ này có thể bị hủy bỏ, sửa đổi hoặc diễn giải theo nhiều các nhau trong tương lai khi Hiến pháp được sửa đổi.

b. Tòa án Liên Bang

Tòa án Liên Bang được thành lập trên cơ sở Đạo luật về Tòa án Liên Bang được ban hành năm 1976. Tòa án Liên Bang bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 2 năm 1977. Thẩm quyền xét xử của Tòa án Liên Bang được xác lập từ một phần thẩm quyền xét xử vốn là của các Tòa án như Tòa án tối cao Liên Bang, Tòa án sở hữu công nghiệp Liên Bang và Tòa phá sản Liên Bang. Thẩm quyền xét xử của Tòa án Liên Bang đối với các vụ việc được ghi nhận tại hơn 150 đạo luật khác nhau do Quốc hội Liên Bang thông qua. Tòa án Liên Bang có nhiều phân tòa khác nhau thực hiện việc xét xử phúc thẩm. Các phân tòa này có thể phúc thẩm các vụ án do một Thẩm phán Tòa án Liên Bang xét xử sơ thẩm và các vụ án không liên quan đến gia đình do Tòa án sơ thẩm Liên Bang xét xử sơ thẩm. Các vụ án do Tòa án Liên Bang có thẩm quyền xét xử sẽ do một Thẩm phán hoặc do “Full Court” tiến hành. “Full Court” là một Tòa án của Tòa án Liên Bang mà khi xét xử thì có 3 Thẩm phán hoặc 5 Thẩm phán tham gia. Khi việc xét xử do một Thẩm phán tiến hành thì Thẩm phán đó phải tuân thủ và áp dụng án lệ của “Full Court” của Tòa án Liên Bang. Tuy nhiên, khi xét xử, một Thẩm phán của Tòa án Liên Bang không phải tuân thủ và áp dụng án lệ của một Thẩm phán Liên Bang khác.

c. Tòa án gia đình của Australia

Tòa án gia đình của Australia được thành lập ngày 5 tháng 1 năm 1976 trên cơ sở một đạo luật về gia đình được Quốc hội Liên Bang ban hành năm 1975. Tòa án gia đình của Australia có thẩm quyền giải quyết đối với các yêu cầu tuyên bố hôn nhân vô hiệu hoặc hôn nhân là hợp pháp, ly hôn, cư trú, liên lạc, giám hộ, cấp dưỡng và tài sản liên quan đến các quan hệ nói trên. Tòa án gia đình của Australia xét xử phúc thẩm các vụ án do Tòa án sơ thẩm của Liên Bang xét xử sơ thẩm; phúc thẩm các phán quyết của các Thẩm phán của Tòa án gia đình, của Tòa án gia đình bang Tây Australia. Việc xét xử của Tòa án gia đình có thể tiến hành bởi một Thẩm phán hoặc bởi “Full Court”. “Full Court” là một Tòa án của Tòa án gia đình mà khi xét xử thì có 3 Thẩm phán hoặc 5 Thẩm phán tham gia. Khi việc xét xử do một Thẩm phán tiến hành thì Thẩm phán đó bắt buộc phải tuân thủ và áp dụng án lệ của “Full Court” của Tòa án gia đình. Tuy nhiên, Thẩm phán không bắt buộc phải tuân thủ và áp dụng án lệ của Thẩm phán khác trong Tòa án gia đình cũng như “Full Court” của Tòa án gia đình không bắt buộc phải áp dụng án lệ của chính nó.

d. Tòa án sơ thẩm Liên Bang

Tòa án sơ thẩm Liên Bang được thành lập trên cơ sở đạo luật về Tòa án sơ thẩm Liên Bang được ban hành năm 1999 và bước vào hoạt động từ năm 2000. Tòa án sơ thẩm Liên Bang có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm các vụ việc liên quan đến luật gia đình và hỗ trợ trẻ em, liên quan đến hành chính, bắt giữ hàng hải, phá sản, bản quyền, nhân quyền, sở hữu công nghiệp, di dân, quyền riêng tư của công dân và hoạt động thương mại. Khi xét xử, Tòa án này phải tuân thủ và áp dụng án lệ của Tòa án gia đình Liên Bang và Tòa án Liên Bang được xác lập trong các phán quyết phúc thẩm. Thẩm phán Tòa án sơ thẩm Liên Bang phải tuân thủ án lệ do “Full Court” của Tòa án Liên Bang xác lập. Đồng thời, Thẩm phán Tòa án sơ thẩm Liên Bang còn phải tuân thủ án lệ của Thẩm phán Liên Bang xác lập trong các phán quyết phúc thẩm. Tuy nhiên, Thẩm phán Tòa án sơ thẩm Liên Bang không phải tuân thủ án lệ của Thẩm phán Liên Bang xác lập trong các phán quyết sơ thẩm.

3. Án lệ tại Tòa án của các tiểu bang và vùng lãnh thổ

Liên Bang Australia có 6 tiểu bang và 2 vùng lãnh thổ. Mỗi tiểu bang đều có hệ thống chính quyền, lập pháp và tư pháp riêng biệt. Hệ thống Tòa án được tổ chức như sau: Tòa án tối cao, Tòa phúc thẩm của tiểu bang, Tòa án quận hạt và Tòa án sơ thẩm tiểu bang.

a. Tòa án tối cao tiểu bang và vùng lãnh thổ

Nếu việc xét xử tại Tòa án tối cao của tiểu bang và vùng lãnh thổ do một Thẩm phán tiến hành thì Thẩm phán đó phải tuân thủ và áp dụng án lệ của Tòa phúc thẩm của tiểu bang và vùng lãnh thổ đó. Đồng thời, các Thẩm phán của Tòa án tối cao tiểu bang và vùng lãnh thổ phải tuân thủ và áp dụng án lệ của “Full Court” của Tòa án Liên Bang. Tuy nhiên, Thẩm phán Tòa án tối cao của tiểu bang và vùng lãnh thổ không bắt buộc phải tuân thủ án lệ của các Thẩm phán khác trong cùng Tòa án đó. Bên cạnh đó, Tòa án tối cao của mỗi tiểu bang và vùng lãnh thổ cũng không bắt buộc phải tuân thủ án lệ xác lập bởi các tòa án tối cao của bang và vùng lãnh thổ khác. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, trên thực tế các Tòa án tối cao, các tòa phúc thẩm của các tiểu bang và vùng lãnh thổ đều có sự tham khảo hoặc áp dụng án lệ của nhau. Lý do được đưa ra là mặc dầu các hệ thống Tòa án của các tiểu bang và vùng lãnh thổ khác nhau về cơ cấu tổ chức, hoạt động nhưng sự khác biệt có thể giải quyết được bởi Tòa án tối cao Liên Bang. Khi án lệ của Tòa phúc thẩm hoặc Tòa án tối cao của một bang hoặc vùng lãnh thổ được Tòa án tối cao Liên Bang giữ nguyên thì các Tòa án tối cao hoặc Tòa phúc thẩm bang khác có thể viện dẫn án lệ đó. Mặt khác, trong hoạt động lập pháp, Quốc hội của các bang và vùng lãnh thổ nói trên đã ban hành những đạo luật về một số vấn đề về kinh tế, xã hội mà cách giải quyết của các đạo luật là có sự giống nhau.

b. Các Tòa phúc thẩm của các tiểu bang và vùng lãnh thổ

Các Tòa phúc thẩm của các tiểu bang và vùng lãnh thổ bắt buộc tuân thủ án lệ của “Full Court” của Tòa án tối cao Liên Bang. Tuy nhiên, các Tòa phúc thẩm nói trên không bắt buộc phải tuân thủ án lệ của Thẩm phán Tòa án tối cao Liên bang xác lập trong các vụ việc do một Thẩm phán xét xử.

c. Tòa án sơ thẩm và Tòa án quận hạt của tiểu bang và vùng lãnh thổ

Tòa án sơ thẩm của tiểu bang và vùng lãnh thổ là Tòa án thấp nhất trong hệ thống Tòa án của từng tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ. Khi vụ việc do Tòa án sơ thẩm của tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ bị kháng cáo thì vụ việc đó sẽ xem xét tại Tòa án quận hạt của tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ đó. Vấn đề đặt ra là Tòa án sơ thẩm của tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ có bắt buộc tuân thủ và áp dụng các phán quyết của Tòa án quận hạt của tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ đó hay không? Vấn đề này đã được Thẩm phán Grove của Tòa án tối cao của bang New South Wales phán quyết trong vụ án Valentine v Eid năm 1992 rằng án lệ không áp dụng giữa hai cấp tòa án này bởi các lý do sau: (i) Các phán quyết của Tòa án quận hạt của tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ không phải là nguồn của án lệ; (ii) Các phán quyết của Tòa án quận hạt của tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ ít khi được tuyển chọn và biên tập lại thành các báo cáo. Tuy nhiên, Thẩm phán Grove cũng cho rằng mặc dù không bắt buộc tuân thủ các phán quyết của Tòa án quận hạt nhưng các Tòa sơ thẩm có thể tham khảo hoặc xử lý tương tự như các phán quyết của Tòa án quận hạt, ngoại trừ trường hợp có căn cứ rõ ràng rằng phán quyết của Tòa án quận hạt rõ ràng là sai.

4. Áp dụng án lệ của các nước thuộc hệ thống thông luật khác

Các án lệ của các nước thuộc hệ thống thông luật như Mỹ, Anh, New Zealand và Canada thường được dẫn chiếu trong các phán quyết của Tòa án tối cao, Tòa phúc thẩm của tiểu bang của Australia. Mặc dù vậy, các Tòa án của Australia không bị bắt buộc phải tuân thủ và áp dụng các án lệ của các nước nói trên. Tuy nhiên, có một thời gian khá dài khi Hội đồng cơ mật của Vương quốc Anh là cơ quan có quyền quyết định cuối cùng tất cả vấn đề áp dụng, giải thích các đạo luật cũng như các án lệ của Australia thì việc các Tòa án tối cao của tiểu bang áp dụng án lệ của Tòa án tối cao của Vương quốc Anh là khá phổ biến. Năm 1986, Hội đồng này chấm dứt vai trò như là một Tòa án cao nhất của Australia có thẩm quyền giải quyết các vấn đề tranh cãi về áp dụng, giải thích luật.

V. Xu hướng phát triển của án lệ ở Australia

Trong thời điểm hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động lập pháp của cơ quan lập pháp đã dẫn đến sự chuyển hướng từ việc áp dụng án lệ sang áp dụng luật ban hành bởi Quốc hội và các văn bản hướng dẫn luật của các cơ quan hành pháp. Việc ban hành các văn bản luật và văn bản dưới luật ngày càng nhiều cũng đồng nghĩa với việc Tòa án giảm việc xác lập các án lệ. Ngày nay khi xét xử các Thẩm phán có xu hướng sử dụng cách định nghĩa, giải thích của văn bản luật được áp dụng để giải quyết vụ án hơn là sử dụng cách giải thích từ những định nghĩa khác hoặc từ những nguyên tắc pháp lý có trong án lệ tồn tại từ trước. Việc thay đổi này có thể nhận thấy từ việc thay đổi cách giảng dạy luật ở các trường luật. Năm 2006, trường luật thuộc Đại học Havard, Mỹ đã tổ chức bỏ phiếu để thay đổi cách giảng dạy truyền thống về luật ở trình độ đại học. Đến thời điểm trước năm 2006 thì việc dạy luật ở Đại học Havard vốn nổi tiếng với phương pháp tìm kiếm án lệ từ các tuyển tập án lệ để đánh giá các phán quyết của Tòa án, xác định án lệ bắt buộc-the ratio decidendi hay còn gọi là các nguyên tắc pháp lý được xác lập trong các phán quyết và các án lệ tham khảo-the obiter dicta. Trên thực tế, phương pháp dạy luật nói trên đã trở thành “thương hiệu” của trường luật thuộc Đại học Havard. Phương pháp này đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Australia. Tuy nhiên, kể từ năm 2006, trường luật Đại học Havard đã bãi bỏ phương pháp dạy học này và chuyển sang phương pháp mới bằng việc đưa vào giảng dạy các luật được ban hành bởi cơ quan lập pháp và cách thức giải thích luật của các cơ quan này. Sự thay đổi quan trọng trong thực tiễn hoạt động áp dụng pháp luật ở Mỹ có những tác động nhất định đối với Australia khi nước này có sự chuyển hướng áp dụng phương pháp giảng dạy luật tương tự như Mỹ. Sự thay đổi ở Mỹ, Australia thể hiện xu hướng giảm dần vai trò của án lệ với tư cách là nguồn quan trọng cho việc xác định pháp luật áp dụng cho những vấn đề pháp lý của xã hội; thay vào đó là sự phát triển của hoạt động lập pháp thông qua việc ban hành các văn bản luật, hướng dẫn luật. Mặc dù vai trò của hoạt động lập pháp của Australia đã có những bước phát triển mới nhưng có thể khẳng định rằng học thuyết án lệ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật của Australia. Đặc biệt, án lệ vẫn thể hiện được vai trò chủ đạo của mình đối với hoạt động xét xử của các Tòa án trung cấp của Australia (các tòa án quận hạt).

VI. Phát triển án lệ ở Việt Nam: từ nghiên cứu khoa học đến thực tiễn

Có thể nói rằng cho đến thời đểm hiện nay, học thuyết án lệ của hệ thống thông luật chưa được nghiên cứu kỹ và biết đến đầy đủ ở Việt Nam, mặc dầu không thể nói rằng Việt Nam không hề quan tâm đến vấn đề này. Bằng chứng là Việt Nam đã tổ chức khá nhiều chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệm xây dựng luật pháp đến các nước theo hệ thống thông luật như Vương quốc Anh, Liên Bang Australia, Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ và một số nước Châu á mà hệ thống pháp luật có sự ảnh hưởng của hệ thống thông luật. Một trong những nội dung được các thành viên của đoàn đề cập đến là vấn đề án lệ: từ lịch sử hình thành, khái niệm, nguyên tắc áp dụng, cách thức xác lập và áp dụng án lệ trong hệ thống Tòa án. Với sự thiếu vắng của hoạt động nghiên cứu khoa học về học thuyết án lệ như đã nói ở trên mà kết quả là nhận thức chung của xã hội về vấn đề này còn chưa được xác lập, đặc biệt trong giới các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực lập pháp vấn đề này còn tồn tại ở nhiều mức độ hiểu biết khác nhau, thì sẽ là quá vội vàng và thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn để đề nghị rằng nên có một bước cải cách trong hoạt động xét xử của Tòa án về việc áp dụng pháp luật, theo đó án lệ được xác định là một nguồn luật chính thức tương tự như ở các nước theo hệ thống pháp luật thông luật. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị đã xác định phát triển án lệ là một trong những nội dung của cải cách tư pháp. Việc triển khai thực hiện nội dung này đã có chuyển biến mới trên thực tế khi Tòa án nhân dân tối cao đang tiến hành tổ chức nghiên cứu học thuyết án lệ của các nước theo hệ thống thông luật và các nước khác có sử dụng án lệ. Mặc dù chỉ mới dừng ở mức đề tài khoa học cấp bộ nhưng là hoạt động nghiên cứu khoa học đầu tiên có quy mô lớn nhất, bài bản nhất từ trước tới nay ở Việt Nam nhằm đưa ra phương hướng, cách thức tiếp cận với vấn đề này trong bối cảnh thực tiễn của Việt Nam. Hiện nay, hoạt động nghiên cứu khoa học về vấn đề án lệ đang được Tòa án nhân dân tối cao tiến hành khẩn trương. Ngoài việc tiến hành nghiên cứu lý luận, thực tiễn hoạt động của hệ thống Tòa án của Việt Nam từ năm 1945 đến nay chắc chắn sẽ được nghiên cứu, đánh giá nhằm tìm ra những cách thức, kinh nghiệm cụ thể, đúng đắn và phù hợp để thực hiện hoạt động cải cách tư pháp “phát triển án lệ” theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Trên cơ sở so sánh thực tiễn xác lập, áp dụng nguyên tắc án lệ với tư cách là hoạt động hướng dẫn..?

SOURCE: CHƯA XÁC ĐỊNH – BÀI VIẾT DO  TÁC GIẢ CUNG CẤP

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật