4 NGUYÊN TẮC GIẢI CỨU KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH VÀ SUY GIẢM KINH TẾ TOÀN CẦU

Thế giới đang đối diện với ngày càng nhiều cuộc khủng hoảng đủ loại mang tính toàn cầu, liên đới nhiều nước khác nhau, dù là phát triển nhất thế giới hay đang và chậm phát triển. Những nỗ lực giải cứu cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện đang được soạn thảo và bàn cãi trong các nghị trường quốc gia, cũng như trên diễn đàn kinh tế thế giới… Mặc dầu còn chưa rõ ràng và còn cần hoàn thiện thêm, song có thể nhận dạng một số thông điệp và nguyên tắc sau: Một là, phối hợp hài hoà sử dụng bàn tay Nhà nước và bàn tay thị trường trong một mô hình Nhà nước kiểu mới Đại suy thoái kinh tế thế giới 1929-1933 đã ghi nhận sự thất bại của học thuyết “tự điều tiết” của trường phái kinh tế học cổ điển cũ và mới với lý thuyết “bàn tay vô hình” của A.Xmit và “cân bằng tổng quát” của L.Uôn-rát (L.Walras); còn cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính thế giới hiện nay đã hạ bệ không thương tiếc “Chủ nghĩa tự do mới” của Ph.A.Hay-éc vốn chủ trương phản đối mọi sự can thiệp của nhà nước đối với sự vận hành tự do của cơ chế thị trường, bởi những rào cản do Nhà nước dựng lên chẳng những ảnh hưởng đến tự do kinh tế mà còn tiềm ẩn những mối đe doạ về chính trị và nó chỉ muốn có một Nhà nước tối thiểu, hay nói đúng hơn, là Nhà nước với quy mô do thị trường định đoạt, vận hành theo yêu cầu của thị trường, các tập đoàn tư bản phải được hoàn toàn tự do; cá nhân phải được coi trọng hơn tập thể; phải kiềm chế các công đoàn… Tuy nhiên, thực tiễn khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 70 và 80 của thế kỷ XX cũng làm rạn vỡ học thuyết của G.M.Kên-xơ, cũng như những luận thuyết thiên tả đã từng chi phối tư duy chính trị và chính sách kinh tế của đa số quốc gia trên toàn cầu trong nhiều thập niên sau Đại chiến Thế giới thứ hai, cho rằng Nhà nước phải can thiệp trực tiếp sâu vào nền kinh tế để có thể tối đa hoá sản lượng tiềm năng và toàn dụng lao động, giải quyết tận gốc nạn thất nghiệp và tạo động lực mạnh, hiệu quả cao cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội đất nước…   Thực tế cho thấy, không chỉ nền kinh tế do Nhà nước chỉ huy tập trung thái quá không mang lại hiệu quả như mong đợi, mà ngay cả thị trường tự do cao độ cũng không giải phóng triệt để tài năng sáng tạo của cá nhân và là động cơ của sự tiến bộ lành mạnh, không khắc phục được sự bất bình đẳng trong thu nhập và tài sản giữa các tầng lớp, giai cấp trong mỗi nước và giữa nước này với nước khác. Hơn nữa, sự chủ động của tư nhân và tự do cạnh tranh thị trường vì mục tiêu lợi nhuận ích kỷ thuần tuý, thiếu kiểm soát, có thể trực tiếp và gián tiếp làm tích tụ ngày càng đậm những xung lực phát triển thiếu bền vững, lãng phí, gây ra những làn “sóng thần” khủng hoảng và tổn thất to lớn, toàn diện cho mỗi quốc gia và toàn nhân loại… Nói cách khác, khi “bàn tay hữu hình” của Nhà nước hoặc nắm quá chặt, hoặc bị buông lỏng quá mức, thì cũng đồng nghĩa với quá trình đã, đang và sẽ từng ngày từng giờ tạo ra những nguồn lực và thị trường “ảo”, gây đổ vỡ và tổn thất nặng nề cho đời sống kinh tế-xã hội và môi trường… Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay chứng tỏ rằng, các khiếm khuyết của thị trường tự do phải được sửa chữa bằng sự can thiệp chủ động và tích cực của Nhà nước, để các quy luật kinh tế khách quan vận động có lợi nhất cho xã hội. Thế giới đang cần một hướng đi mới trong hành trình tìm kiếm vai trò, xác định liều lượng và các công cụ can thiệp của mô hình Nhà nước kiểu mới, mang tính đại diện cao hơn cho các lợi ích chung của nhân loại. Trong đó, sẽ có yêu cầu cao hơn về tăng cường vai trò của luật pháp, chế tài, điều tiết nhà nước, kiểm soát các thể chế thị trường và cho vay tín dụng, thiết lập hệ thống thông tin công khai, minh bạch, phát triển các công cụ dự báo, cảnh báo và trừng phạt các sai trái và gian lận…, sao cho vừa tuân thủ các yêu cầu và lợi ích thị trường, vừa không làm xấu đi sự ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm hài hoà các lợi ích trong quá trình phát triển, nhất là không lạm dụng sức chịu đựng và đổ gánh nặng khủng hoảng lên người dân, người tiêu dùng. Hai là, đa dạng hoá và phối hợp các nguồn lực trong nước và quốc tế Để giải cứu vững chắc nền kinh tế thế giới thoát khỏi những hệ luỵ của khủng hoảng hiện nay, ông N.Xác-cô-di, Tổng thống Pháp đã kêu gọi phải “tái xây dựng một chủ nghĩa tư bản điều chỉnh”. Bộ trưởng Tài chính Bra-xin, ông Man-tơ-ga cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay có thể tạo ra một định chế tài chính thế giới mới, trong đó, vai trò của các nước phát triển bị kiệt sức do kinh tế trì trệ và khủng hoảng sẽ phải nhường lại cho các quốc gia mới nổi đang phát triển mạnh và là “những cỗ máy tăng trưởng kinh tế” của thế giới. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép thì nhấn mạnh: “…ngày nay thế giới cần một hệ thống tài chính mới công bằng hơn. Thời gian thống trị của một nền kinh tế và một đồng tiền đã lùi vào dĩ vãng. Chúng ta cần hợp tác để tiến tới xây dựng một hệ thống kinh tế – tài chính mới công bằng hơn trên thế giới dựa trên những nguyên tắc đa cực, luật pháp và có tính đến các lợi ích chung”. Còn Thủ tướng ấn Độ Ma-mô-han Xinh đi xa hơn khi chỉ rõ: “Cần một sáng kiến quốc tế mới để tiến hành cải cách cơ cấu và hệ thống tài chính thế giới với những quy định có hiệu quả hơn và hệ thống giám sát đa phương mạnh hơn. Cải cách cơ cấu càng mở rộng càng tốt”. Bản thân nước Mỹ, qua tuyên bố mới đây của cả Tổng thống và Ngoại trưởng nước này, cũng tự nhận thấy đã qua rồi thời kỳ nước Mỹ không cần lắng nghe ai và tự tiện hành động theo ý mình… Có thể nói, thế giới hiện đại và ngày càng “phẳng” hơn đang làm cho các nước xích lại gần nhau hơn bởi những quan tâm chung trong cuộc chiến với những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, cũng như các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Giải cứu cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu hiện nay không thể chỉ trông cậy vào một nguồn lực và trong phạm vi một quốc gia, mà đòi hỏi cần có sự đa dạng hoá và phối hợp chặt chẽ các nguồn lực toàn quốc và toàn cầu. Vấn đề then chốt để giải cứu một nền kinh tế thành công là các chính sách phát triển được lựa chọn phải phù hợp cả với bối cảnh quốc tế, lẫn các điều kiện lịch sử cụ thể trong nước, cho phép khai mở, cộng hưởng cao nhất các tiềm năng và hiệu quả các nguồn lực phát triển trong và ngoài nước, tham gia sớm, ngày càng chặt chẽ và hiệu quả vào “chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu”. Đồng thời, cần chủ động tham khảo, đan xen và phối hợp chính sách giữa các quốc gia trong phạm vi khu vực, cũng như toàn cầu, trước hết trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, dịch vụ và lao động; coi trọng các yêu cầu và thúc đẩy hoàn thiện các định chế quốc gia và quốc tế quản lý các quá trình phối hợp và trao đổi đó, để gia tăng sức mạnh, khả năng và hiệu quả giải quyết các vấn đề quốc gia, khu vực và toàn cầu. Ba là, coi trọng tính đồng bộ và chú ý đến tính 2 mặt của các giải pháp chính sách Do nguyên nhân không chỉ từ một phía của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, nên trong quá trình giải cứu, cần chú ý đến việc phối hợp đồng bộ các giải pháp chính sách phù hợp, nhất là “Liệu pháp kích cầu. Về bản chất, đó là việc chủ động sử dụng “Bàn tay Nhà nước” tác động tích cực tới tổng cung và tổng cầu xã hội một cách thống nhất, có tổ chức và có chủ đích, theo hướng khuyến khích đầu tư và mở rộng quy mô tiêu dùng, kích hoạt và tăng động lực phát triển kinh tế của doanh nghiệp, nhất là khu vực kinh tế tư nhân… Đặc trưng của những công cụ được dùng chủ yếu trong liệu pháp kích cầu ở các nền kinh tế thị trường thường là: áp dụng chính sách nới lỏng ở các mức độ khác nhau cả chính sách tài chính, lẫn tiền tệ và tín dụng, như miễn, giảm, hoàn thuế, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều kiện tín dụng, giảm lãi suất và tăng quy mô dư nợ tín dụng ngân hàng cho các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng, tăng lương, tăng phát hành tiền và trái phiếu nợ Chính phủ, gia tăng quy mô và phạm vi các hoạt động chi tiêu công và đầu tư Nhà nước…; Gia tăng mức độ tự do hoá trong kinh doanh, giảm bớt và thu hẹp lĩnh vực độc quyền Nhà nước, mở rộng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân trong các doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước; khuyến khích các hoạt động mua lại, sáp nhập và tái cấu trúc cơ cấu kinh tế vĩ mô và vi mô…; Giảm bớt rào cản thủ tục hành chính các loại cho hoạt động kinh doanh và tiêu dùng; khuyến khích giảm giá, đồng thời có thể có sự gia tăng các hình thức bảo bộ phi thuế quan đi đôi với kiểm soát an toàn vĩ mô đối với thị trường nội địa… Vũ khí chủ lực trong “liệu pháp kích cầu” thường là các “gói kích cầu” tức quỹ tài chính của Chính phủ trực tiếp chi cho các hoạt động kích cầu đầu tư và tiêu dùng, chống suy giảm, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội theo kế hoạch được các cấp có thẩm quyền định đoạt. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu năm 2009, sự xuất hiện các “gói kích cầu” này là phổ biến cả ở các quốc gia, dù phát triển hay đang phát triển, lẫn ở các tổ chức khu vực và quốc tế như IMF, EU, ASEAN, với quy mô ngày càng tăng, từ hàng ngàn tỷ USD như ở Mỹ, hàng trăm tỷ USD như ở Nhật, Trung Quốc, Nga và các nước thành viên EU… Ở Việt Nam, “gói kích cầu thứ nhất” trị giá 1 tỷ USD đã được Chính phủ quyết đoán thông qua và sớm được giải ngân nhanh chóng để hỗ trợ 4% lãi suất vay ngân hàng thương mại cho các khoản vay ngắn hạn dưới 1 năm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có vốn Điều lệ dưới 10 tỷ đồng, sử dụng không quá 300 công nhân, không nợ đọng thuế và nợ tín dụng quá hạn… Tiếp đó, “gói kích cầu thứ hai” cũng đã được công bố với quy mô lớn hơn (tổng cộng 2 gói trị giá 8 tỷ USD), cho vay dài hạn hơn (tới 2 năm), điều kiện nới lỏng hơn (doanh nghiệp và cả hợp tác xã có vốn dưới 20 tỷ đồng, sử dụng dưới 500 lao động, có thể nợ thuế và tín dụng quá hạn nhưng có dự án phù hợp thì vẫn được xét cho vay) và lĩnh vực cho vay cũng mở rộng hơn… Tuy còn cần thời gian, cũng như các số liệu cần thiết để tổng kết thực tế, phân tích khách quan hiệu quả của các gói kích cầu này, song trước mắt có thể dự cảm được một số tác động 2 mặt của chúng: Tác động tích cực của “gói kích cầu”: Thứ nhất, có thể nói, “gói kích cầu’ trước hết có hiệu ứng tâm lý tích cực, như một chiếc phao cứu sinh làm gia tăng tức thời lòng tin của các doanh nghiệp, các ngân hàng và nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào trách nhiệm và quyền năng của Nhà nước trong giải cứu các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, cũng như vào triển vọng thị trường và môi trường đầu tư trong nước… Thứ hai, “gói kích cầu” trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn ngân hàng với chi phí rẻ hơn, từ đó giảm bớt các chi phí kinh doanh, góp phần giảm giá, tăng cạnh tranh và tăng tiêu thụ hàng hoá và dịch vụ trên thị trường. Thứ ba, đồng thời, “gói kích cầu” còn giúp các ngân hàng cải thiện hoạt động huy động và cho vay tín dụng của mình, một mặt, không phải hạ thấp lãi suất huy động dễ gây giảm và biến động mạnh nguồn tiền gửi và huy động; mặt khác, mở rộng đầu ra nhờ không buộc phải nâng lãi suất cho vay dễ làm thu hẹp cầu tín dụng trên thị trường. Sự ổn định và hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng trong khi gia tăng dòng tiền bơm vào thị trường là điều kiện tiên quyết cho sự ổn định kinh tế vĩ mô và gia tăng các hoạt động đầu tư xã hội, mà bài học khủng hoảng tài chính ở Mỹ hiện đang là bài học đắt giá nóng hổi. Thứ tư, hơn nữa, “gói kích cầu” còn trực tiếp góp phần gia tăng các hoạt động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo nền tảng và động lực của sự phát triển xã hội cả hiện tại, cũng như tương lai. Thứ năm, ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ kịp thời của “gói kích cầu” đã có thêm cơ hội giữ vững và mở rộng sản xuất, từ đó góp phần giảm bớt áp lực thất nghiệp và đảm bảo ổn định xã hội. Thứ sáu, những hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại quốc gia được tài trợ từ “gói kích cầu” nếu thực hiện có hiệu quả cũng sẽ có tác động tích cực đến tăng dòng vốn chảy vào và mở rộng thị trường đầu ra cho doanh nghiệp và nền kinh tế, từ đó trực tiếp góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội đất nước… Tuy nhiên, cần tỉnh táo trước những hệ luỵ của gói kích cầu có thể gây ra một số di hại sau: Một là, làm thất thoát, lãng phí các nguồn vốn vay, gia tăng gánh nặng nợ nần và các hiện tượng “đầu cơ nóng” với những hệ quả đắt đỏ đi kèm cho cả Chính phủ, doanh nghiệp, ngân hàng và xã hội nói chung khi các dự án vay đầu tư được lập ra có chất lượng thấp hoặc triển khai kém, giải ngân không đúng mục đích vay…; Hai là, gia tăng các hiện tượng tham nhũng do sự bắt tay giữa các ngân hàng với các doanh nghiệp trong việc lập các dự án vay ảo để chiếm đoạt vốn hỗ trợ từ “gói kích cầu”; do các ngân hàng nhũng nhiễu doanh nghiệp để ”ăn chia” phần vốn hỗ trợ trong khi thẩm định, cho vay vốn, làm tổn hại lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; Ba là,làm tổn hại đến sức cạnh tranh của nền kinh tế do việc cho vay theo “gói kích cầu” thiên về quy mô và thành tích, tức góp phần níu kéo, duy trì cơ cấu kinh tế, cũng như cơ cấu sản phẩm và thị trường kinh doanh lạc hậu, kém hiệu quả; Bốn là, làm gia tăng hoặc kéo dài tình trạng bất bình đẳng thị trường giữa các loại hình doanh nghiệp, khu vực kinh tế và các địa phương nếu không tuân thủ tốt các nguyên tắc minh bạch và bình đẳng trong triển khai các “gói kích cầu”; Năm là,đặc biệt, về trung hạn, tạo áp lực tái lạm phát cao trong tương lai nếu kéo dài quá lâu “liệu pháp kích cầu” và sử dụng không hiệu quả “gói kích cầu” khiến gia tăng tích tụ các mất cân đối hàng -tiền và vi phạm thô bạo, nghiêm trọng quy luật lưu thông tiền tệ. Bốn là, trọng tâm là giữ vững lòng tin cho khu vực kinh tế tư nhân và thị trường tài chính Có lẽ chưa bao giờ yếu tố thông tin và lòng tin, nhất là trong khu vực kinh tế tư nhân và thị trường tài chính, lại có vai trò nhạy cảm và quan trọng như hiện nay, cả trong phát triển và quản lý khủng hoảng kinh tế. Cả trên cấp độ quốc gia và toàn cầu, vi mô và vĩ mô, khi tình trạng các thông tin bất đối xứng, bị hạn chế, chậm trễ, thiếu thốn và thiếu chính xác càng nặng nề và phổ biến, thì tình trạng khủng hoảng càng trầm trọng và kéo dài. Đặc biệt, bảo đảm lòng tin và duy trì ổn định dòng vốn huy động và cho vay qua hệ thống các ngân hàng thương mại nói riêng, thị trường tài chính trong nước và quốc tế nói chung, ngày càng là điều kiện tiên quyết cho lối thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế. Đặc biệt, ngăn ngừa sự xuất hiện và phát tán các tin đồn có ý nghĩa to lớn trong cuộc chiến với các chấn động kinh tế thị trường. Nhiều tin đồn có thể làm lao đao doanh nghiệp, thậm chí có thể làm giảm sút căn bản hiệu lực, hiệu quả của một chính sách quản lý nhà nước và làm tổn thất uy tín, cũng như tiền của quốc gia. Những tin đồn thất thiệt loại này thường xuất hiện khi có sự không rõ ràng, nhất quán trong chính sách của chính phủ, khi chậm hoặc không có những phát ngôn chính thức có liên quan, hoặc khi do cá nhân hoặc nhóm lợi ích nào đó chủ ý tung ra có mục đích định hướng dư luận, tranh thủ “đục nước béo cò” trước một đám đông hành động mất phương hướng và chủ kiến; Để góp phần ngăn chặn hiệu quả các tin đồn thất thiệt tương tự trong thời gian tới, cần chú ý: Tăng cường và thể chế hoá các phát ngôn và cung cấp thông tin chính thức có chất lượng và trách nhiệm pháp lý cao định kỳ và không định kỳ của các cơ quan và đại diện nhà nước, các tổ chức kinh doanh có liên quan, nhất là các bộ kinh tế-tài chính tổng hợp, cũng như của các ngành và doanh nghiệp đang có độ độc quyền kinh doanh cao. Không nên lạm dụng hoặc nhấn mạnh “yêu cầu bảo mật” trong các phát ngôn chính thức làm tổn hại uy tín và mất lòng tin của xã hội vào Chính phủ. Đảm bảo hoàn thiện và tuân thủ các nguyên tắc quản lý kinh tế và cạnh tranh thị trường, giảm thiểu và khắc phục các biểu hiện và lạm dụng công cụ quản lý hành chính, mệnh lệnh và hiện tượng “vận động hành lang”, “chạy chính sách” vì lợi ích ngành độc quyền, bất chấp lợi ích và uy tín quốc gia… Đảm bảo các biến động chính sách phải tường minh và có thể dự báo được trong xu hướng ổn định, nhất quán, phù hợp các nguyên tắc kinh tế thị trường và yêu cầu cam kết hội nhập, các thông lệ thế giới, cũng như các tín hiệu thị trường khách quan. Phát hiện và trừng phạt kịp thời, nghiêm khắc các cá nhân và tổ chức tung tin đồn thất thiệt nhằm mục tiêu phá hoại chính sách, đầu cơ và cạnh tranh không lành mạnh… Có thể áp dụng xử lý hình sự với các vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, thông báo rộng rãi làm gương trong dân chúng. Tăng cường giáo dục dân trí, nâng cao nhận thức về kinh tế thị trường và hiểu biết pháp luật, tăng khả năng tự nhận thức và cảnh giác, tránh hành động kiểu bầy đàn, vô tình hoặc cố ý tiếp tay và trở thành nạn nhân của tin đồn…/.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật