19 NĂM ĐÒI CÔNG NHẬN QUYỀN CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN

LÊ HUÂN Suốt 19 năm qua, kỹ sư đường sắt Lê Khắc Linh đòi bản quyền tác giả, đòi được công nhận sáng kiến với đề xuất 7 giải pháp hữu ích đồng bộ về "Rút ngắn thời gian chạy tàu khách trên tuyến đường sắt Thống Nhất".  Để rộng đường dư luận trả lời cho câu hỏi, vì sao suốt 19 năm qua kỹ sư Lê Khắc Linh vẫn kiên trì trong cuộc hành trình tìm đến sự công bằng, Lao Động đã vào cuộc. Chuyện 13 năm trước Báo Lao Động ra ngày 14.9.1995 đăng bài: "Tác giả của một sáng kiến có hiệu quả vẫn đang bị lãng quên?". Nội dung bài báo đề cập đến hành trình dài dằng dặc của những chuyến tàu Thống Nhất. Mặc dù hành trình chạy tới 72 tiếng, nhưng việc tàu chạy chậm thêm từ 6 đến 10 tiếng là chuyện… xảy ra hàng ngày. Việc rút ngắn hành trình chạy tàu là đòi hỏi của hành khách, là sự trăn trở của của không ít CBCNV ngành đường sắt, trong đó có KS Lê Khắc Linh – nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Khoa học và Công nghệ – Bộ GTVT. Năm 1982, KS Lê Khắc Linh đã trình Bộ GTVT và Tổng cục Đường sắt đề xuất 7 giải pháp hữu ích đồng bộ về "Rút ngắn thời gian chạy tàu khách trên tuyến đường sắt Thống Nhất". Bộ trưởng Bộ GTVT Đồng Sĩ Nguyên chấp nhận và trực tiếp chỉ đạo TC Đường sắt (TCĐS) triển khai sáng kiến của KS Lê Khắc Linh. Đến năm 1989, TCĐS đã tiến hành áp dụng lần lượt tất cả 7 giải pháp. Hành trình tàu Thống Nhất Bắc – Nam đã được rút ngắn từ 72 tiếng xuống 48 tiếng, rồi đến mốc đỉnh cao – 2005 hành trình tàu Thống Nhất được rút xuống thời gian chạy tàu nhanh nhất là 29 tiếng 30 phút. KS Lê Khắc Linh đã lập hồ sơ sáng kiến sáng chế trình Bộ GTVT và Hội đồng sáng kiến của bộ. Ngày 8.12.2008 – 13 năm sau khi đăng bài viết "Tác giả của một sáng kiến có hiệu quả vẫn đang bị lãng quên", Báo Lao Động lại nhận được thư khiếu nại của KS Lê Khắc Linh. Ông viết: "Tôi – người đề xuất 7 giải pháp hữu ích đồng bộ, cải tiến tốc độ chạy tàu, được áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thế nhưng vì sao sáng kiến của tôi lại không được công nhận?". Bị lãng quên hay cố tình phủ nhận Ông Nguyễn Tuấn Bình – nguyên Phó Tổng cục trưởng TCĐS – đã nhấn mạnh rằng: Đây là một vấn đề lớn về sở hữu trí tuệ. Ông khẳng định, tàu Thống Nhất chạy rút ngắn thời gian, làm lợi lớn, nhưng người đề xuất sáng kiến lại bị phủ nhận. Ông cho biết: Bộ trưởng Đồng Sĩ Nguyên đặc biệt quan tâm vấn đề rút ngắn thời gian chạy tàu trên tuyến đường sắt Thống Nhất Bắc – Nam, đã gọi tôi lên cơ quan bộ, trực tiếp giao nhiệm vụ tiếp thu, nghiên cứu và từng bước triển khai sáng kiến của tác giả Lê Khắc Linh. Nghiêm chỉnh chấp hành ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Đồng Sĩ Nguyên, ngày 12.1.1983 ngành đường sắt đã tổ chức hội nghị chuyên đề khoa học kỹ thuật "Rút ngắn thời gian chạy tàu khách trên tuyến đường sắt Thống Nhất" do tôi chủ trì để KS Lê Khắc Linh trình bày sáng kiến "Tách tốc độ cho tàu khách chạy nhanh hơn tàu hàng và các giải pháp hỗ trợ khác nhằm rút ngắn thời gian chạy tàu khách Thống Nhất". Rút ngắn thời gian chạy tàu khách là ý chí, nguyện vọng của các nhà khoa học tham gia hội nghị. Song  "vạn sự khởi đầu nan" – ông Bình nhớ lại – lúc đầu đối với vấn đề "tách tốc độ" có một vài cán bộ quản lý còn e ngại và tại thời điểm năm 1983 do điều kiện "cần và đủ" chưa đủ chín muồi, nên dù thấy hay, có lợi nhưng chưa thực hiện được ngay việc "tách tốc độ" mà mới chỉ bắt đầu triển khai áp dụng một số giải pháp kỹ thuật hỗ trợ. Phải qua 5 năm "thai nghén", đến năm 1988 ngành đường sắt đã quyết định cho thực hiện sáng kiến "tách tốc độ tàu". Và ngày 29.11.1988, ngành đường sắt đã ban hành "Lệnh tốc độ chạy tàu năm 1989" – áp dụng từ 0 giờ ngày 1.1.1989 có hai tốc độ chạy tàu (tàu khách và tàu hàng) "khác biệt" hẳn với lệnh tốc độ chạy tàu của các năm về trước, kể từ khi thành lập Tổng cục Đường sắt. Thế là, sáng kiến "tách tốc độ" chính thức được triển khai thực hiện đồng bộ từ năm 1989 đến nay. Nguyên Tổng cục phó TCĐS vẫn ngậm ngùi:  "Có thể nói không quá lời là "Lệnh tốc độ chạy tàu năm 1989" là một mốc son làm thay đổi quy phạm khai thác kỹ thuật đường sắt VN, tạo ra tư duy mới, hành động mới, góp phần vào quá trình đổi mới ngành đường sắt những năm tiếp theo. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rõ là từ trước thời điểm ban hành "Lệnh chạy tàu 1989" với sự lao động, sáng tạo không ngừng nghỉ của tập thể hơn 4 vạn CBCNV ngành đường sắt, có sự đóng góp của KS Lê Khắc Linh và các cộng sự, trải qua 5 năm (1983 – 1988), suy nghĩ và hành động áp dụng các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ, ngành đường sắt đã rút ngắn thời gian chạy tàu khách Thống Nhất… Lẽ ra sáng kiến "Tách tốc độ…" phải được công nhận và khen thưởng từ năm 1989. Thế nhưng khi Tổng cục trưởng TCĐS Nguyễn Văn Tư được sự phân công của T.Ư Đảng chuyển sang làm Chủ tịch Tổng LĐLĐVN thì… sáng kiến của KS Lê Khắc Linh bị… lãng quên từ đó cho đến nay.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật