DOANH NGHIỆP VÀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI

  • Bài viết
  • 25 tháng 5, 2011
  • 323 lượt xem
  • 0 bình luận

Luật Trọng tài thương mại đã được Quốc Hội thông qua tại kỳ họp tháng 6/2010. Đối với nhiều doanh nghiệp, luật này còn khá xa lạ. Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam ở nước ta khi xảy ra tranh chấp thương mại 89% trường hợp các bên đưa nhau ra toà án để giải quyết.

Trong khi đó, theo thống kê quốc tế, 90% các doanh nghiệp quốc tế chọn con đường trọng tài để giải quyết tranh chấp thương mại và chỉ có 10% số vụ việc là qua toà án. Vì sao đại đa số các doanh nnghiệp quốc tế lại chọn giải pháp trọng tài? Phân tích vấn đề này, các chuyên gia đưa ra những nguyên nhân sau.

Giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường trọng tài có những ưu điểm nổi bật nên nhiều doanh nghiệp quốc tế lựa chọn biện pháp này. Đó là:

- Nhanh chóng: Theo thủ tục tố trụng trọng tài, thời gian thụ lý giải quyết tranh chấp chỉ thu gọn trong vài tháng. Ở đây không có quá trình điều tra, xác minh mà tự các bên liên quan phải cung cấp đầy đủ căn cứ, tài liệu theo luật định cho Trung tâm trọng tài. Hội đồng trọng tài sẽ dựa trên những chứng cứ đó và các bộ luật để phân tích, đánh giá, phán quyết. Khi cần yêu cầu bổ sung thêm tài liệu, hồ sơ, Trung tâm trọng tài sẽ thông báo cụ thể đến bên liên quan và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các bên thực hiện nhiệm vụ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

- Sâu về chuyên môn: Các trọng tài viên của một Trung tâm trọng tài bao gồm hai nhóm: nhóm chuyên gia và nhóm luật sư. Nhóm đầu là những chuyên gia đầu ngành của nhiều lĩnh vực được Trung tâm mời làm trọng tài viên tham gia xử các vụ việc có liên quan đến chuyên ngành mà chuyên gia đang làm việc và có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, cùng với các luật sư trong hội đồng trọng tài, các khía cạnh chuyên môn được mổ xẻ, phân tích một cách khoa học, khách quan và nhanh chóng. Đây là một trong các ưu điểm nổi trội của phương pháp trọng tài.

- Chi phí thấp: Phí giải quyết tranh chấp bằng phương pháp trọng tài được ghi nhận thấp hơn qua con đường toà án. So sánh tương đối cho ta con số từ 1/3 đến 1/2 tuỳ theo độ phức tạp, quy mô của vụ việc và tuỳ theo từng trung tâm.

- Hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực: Trong một vụ tranh chấp, dù là nguyên đơn hay bị đơn, một khi đã ra toà thì uy tín của thương hiệu ít nhiều giảm sút nơi khách hàng. Ảnh hưởng đó mờ nhạt hơn khi giải quyết bằng con đường trọng tài. Trong thời đại Internet thì mọi thông tin đều có khả năng lan truyền rất nhanh và rất rộng vì thế giữ vững uy tín và thương hiệu luôn luôn là phương châm phát triển bền vững của các doanh nghiệp.

- Phán quyết trọng tài là chung thẩm: Khi hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thì phán quyết đó là chung thẩm, được pháp luật bảo hộ thi hành. Ở toà án có nhiều cấp hơn là sơ thẩm, phúc thẩm và chung thẩm vì thế phức tạp hơn và cũng kéo dài hơn.

Với những ưu điểm như thế thì việc thông qua bộ luật Trọng tài thương mại chắc chắn mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam những căn cứ và công cụ pháp lý mới thiết thực hơn trong việc giải quyết tranh chấp thương mại nhất là với các doanh nghiệp nước ngoài.

Các doanh nghiệp quan tâm sâu hơn đến luật Trọng tài thương mại và kỹ năng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại có thể liên hệ với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam theo địa chỉ email viac-vcci@hn.vnn.vn để được nhận tài liệu và hướng dẫn thêm.

SOURCE: DOANH NHÂN SÀI GÒN

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :