BÌNH LUẬN QUYẾT ĐỊNH KHÔNG CÔNG NHẬN VÀ CHO THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH CỦA TRỌNG TÀI NƯỚC NGOÀI

Trong bài viết này, tác giả sẽ bình luận Quyết định không công nhận quyết định của Trọng tài nước ngoài của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (“Tòa Phúc thẩm”) số 02/PTDS ngày 21/01/2003 (“Quyết định 02″) trong vụ Công ty Tyco Services Singapore Ltd yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định của Trọng tài Úc (“vụ Tyco”). NỘI DUNG VÀ QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN TRONG VỤ TYCO Trong vụ việc này, công ty Tyco Services Singapore Ltd (“Tyco”) đã có đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành hai quyết định của Trọng tài bang Queensland của Úc (bên phải thi hành quyết định là Công ty Leighton Contractors VN Ltd (“Leighton”)). Tuy nhiên, Tòa Phúc thẩm đã từ chối công nhận hai quyết định này dựa trên những lập luận sau: “Việc cho thi hành tại Việt Nam hai phán quyết của trọng tài bang Queensland của Cộng hòa Úc hay không phải căn cứ vào Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài là chỉ xét và áp dụng đối với tranh chấp phát sinh từ quan hệ thương mại. Xét thoả thuận liên danh Thiess-Tyco ký kết ngày 17/10/1995 lúc này Nhà nước Việt Nam chưa có Bộ luật thương mại song năm 1992, 1995, 1996 Chính phủ Việt Nam đã có các Nghị định số 114/HĐBT ngày 7/4/1992, số 02/CP ngày 5/1/1995 và số 01/CP ngày 3/1/1996 thì hành vi xây dựng trong tất cả các nghị định nói trên không xác định là hành vi thương mại và điều 45 Luật thương mại sau này cũng không quy định “xây dựng” là một hành vi thương mại.   Liên danh Thiess-Tyco ngày 17/10/1995 là liên doanh xây dựng khách sạn Indochina beach tại Đà Nẵng Việt Nam. Công ty Leighton Contractors VN Ltd là công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và có trụ sở tại Hòa Thọ, Hòa Vang, Đà Nẵng có đủ tư cách pháp nhân và là nhà thầu chính còn công ty Tyco Services Singapore Pte, Ltd là một công ty thành lập tại Singapore, không có trụ sở tại Việt Nam, là nhà thầu phụ không có tư cách pháp nhân theo luật Việt Nam. Vì vậy, theo Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài và Quyết định số 453 CTN của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 28/7/1995 thì hai phán quyết của trọng tài bang Queensland Cộng hòa Úc không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh nói trên. Tyco Services Singapore Pte, Ltd là pháp nhân nước ngoài vào Việt Nam làm thầu phụ, không xin phép Nhà nước Việt Nam. Khi có thỏa thuận Thiess-Tyco cũng không được Nhà nước Việt Nam phê duyệt để xem Tyco có hổi đủ điều kiện để Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép thầu xây dựng theo điểm 2 của mục II Thông tư số 08-BXD-CSXD ngày 30/3/1995 của Bộ xây dựng Việt Nam với tư cách là nhà thầu phụ của Hải Vân Thiess không. Do liên danh không phải là một pháp nhân, vì Tyco vào hoạt động kinh tế trên lãnh thổ Việt Nam mà không được Nhà nước Việt Nam cho phép vừa không tôn trọng luật pháp Việt Nam. Tại điều 16.1 của thoả thuận Thiess-Tyco đã xác nhận họ không thuộc diện pháp nhân chịu thuế, như vậy Tyco đã ký kết thoả thuận liên danh Thiess-Tyco một cách bất hợp pháp vừa làm thiệt hại đến lợi ích Việt Nam, vừa không tôn trọng pháp luật Việt Nam. Luật gia bảo vệ quyền lợi cho Tyco nói theo điều 43 của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế thì các quy định của pháp lệnh này được áp dụng trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng giữa pháp nhân Việt Nam với các tổ chức cá nhân nước ngoài tại Việt Nam điều này phải được hiểu “các tổ chức cá nhân nước ngoài tại Việt Nam” là có nơi cư trú và được Nhà nước Việt Nam cho phép cư trú và hoạt động kinh tế tại Việt Nam. Tyco không có nơi cư trú tại Việt Nam và không được Nhà nước Việt Nam cho phép cư trú, hoạt động kinh tế trên lãnh thổ của mình; vì vậy, theo quy định tại điều 8 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế Việt Nam phải áp dụng, như vậy thoả thuận Thiess-Tyco ngày 17/10/1995 nếu nói là hợp đồng kinh tế thì phải coi là vô hiệu. Như trên đã phân tích thoả thuận liên danh Thiess-Tyco ngày 17/10/1995 đã hội đủ hai yếu tố: - Vụ tranh chấp giữa Thiess-Tyco theo thể thức trọng tài nhưng ở lĩnh vực xây dựng, không phải trong lĩnh vực thương mại - Hai phán quyết của trọng tài bang Queensland được Toà án sơ thẩm công nhận và cho thi hành tại Việt Nam trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”1 BÌNH LUẬN Sau khi gia nhập Công ước về công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài năm 1958 (“Công ước New York”), việc công nhận và cho thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài (“QĐTTNN”) tại Việt Nam được điều chỉnh bởi Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài năm 1995 (“PL”), và kể từ ngày 1/1/2005, bởi các quy định tại Phần thứ Sáu của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 (“BLTTDS”). Nhìn chung, các quy định của PL và BLTTDS về vấn đề này không có nhiều khác biệt vì đều là kết quả của sự chuyển hoá các quy định trong Công ước New York vào pháp luật Việt Nam2. Theo quy định của PL và BLTTDS, QĐTTNN sẽ được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam trừ trường hợp có một trong những căn cứ quy định tại Điều 16 PL hoặc điều 370 BLTTDS3. Thực chất đây cũng là những căn cứ không công nhận QĐTTNN được quy định tại Điều V của Công ước New York. Trong Quyết định 02 mà chúng ta đang xem xét, Toà Phúc thẩm đã từ chối công nhận các quyết định của Trọng tài Úc với hai lý do: (i) tranh chấp được giải quyết bởi Trọng tài nước ngoài không phát sinh từ quan hệ pháp luật thương mại; và (ii) việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam (căn cứ không công nhận QĐTTNN được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 PL4). Mặc dù Quyết định 02 được đưa ra trên cơ sở PL là một văn bản pháp luật đã hết hiệu lực, nhưng việc bình luận những quyết định này vẫn có ý nghĩa quan trọng về lý luận và thực tiễn. Như đã nói ở trên, nội dung của PL không có nhiều khác biệt so với BLTTDS. Hơn nữa, việc bình luận Quyết định 02 sẽ cho thấy một số vấn đề trong phương pháp giải thích và vận dụng các quy định về công nhận QĐTTNN trong BLTTDS và Công ước New York. Quan hệ pháp luật thương mại Điều 1 của PL quy định: “Trong Pháp lệnh này, “quyết định của Trọng tài nước ngoài” được hiểu là quyết định được tuyên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam của Trọng tài do các bên thoả thuận lựa chọn để giải quyết tranh chấp phát sinh từ các quan hệ pháp luật thương mại”. Trong thực tế, Toà án Việt Nam đã nhiều lần viện dẫn điều luật trên để từ chối công nhận QĐTTNN với lý do tranh chấp được giải quyết bởi Trọng tài nước ngoài không phát sinh từ quan hệ pháp luật thương mại mà vụ Tyco là một ví dụ. Điều đáng chú ý là PL không giải thích như thế nào là “thương mại” hay “quan hệ pháp luật thương mại”. Do đó, việc có áp dụng Điều 1 của PL để từ chối công nhận một QĐTTNN hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách hiều về những thuật ngữ này. Theo Điều 2 Quyết định 453/QĐ-CTN của Chủ tịch nước ngày 28/7/1995, “mọi việc giải thích Công ước trước Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải theo quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam”. Quy định này có thể hiểu theo hai nghĩa: (i) nội dung Công ước New York, bao gồm cả thuật ngữ “thương mại”, sẽ được hiểu theo các giải thích trong các văn bản quy phạm pháp luật (“VBQPPL”) của Việt Nam; và (ii) Toà án và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam phải giải thích nội dung của Công ước New York, trong đó có thuật ngữ “thương mại”, theo những phương pháp mà pháp luật Việt Nam quy định. Tuy nhiên, vào thời điểm mà vụ Tyco được đưa ra xét xử, pháp luật Việt Nam không hề đưa ra bất kỳ giải thích nào về nội dung của thuật ngữ “thương mại” hay “quan hệ pháp luật thương mại” trong PL nói riêng cũng như trong pháp luật nói chung. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam cũng không có quy định cụ thể về phương pháp giải thích pháp luật. Chính vì vậy, có thể thấy rằng Toà án có quyền chủ động rất lớn trong việc giải thích thuật ngữ “thương mại” hay “quan hệ pháp luật thương mại” và áp dung Điều 1 PL trong vụ Tyco. Trong vụ Tyco, Toà Phúc thẩm đã giải thích những thuật ngữ nói trên bằng cách dựa vào các định nghĩa về “hoạt động xuất nhập khẩu” trong Nghị định 114/HĐBT5, về “vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại” trong Nghị định 01/CP6, và về “hoạt động kinh doanh thương mại” trong Nghị định 02/CP7. Cần lưu ý rằng những định nghĩa này không được xây dựng cho việc áp dụng pháp luật thương mai nói chung mà chỉ dành cho việc áp dụng chính những VBQPPL đó. Điều 1 Nghị định 114/HĐBT, khoản 2 Điều 1 Nghị định 01/CP và Điều 2 Nghị định 02/CP đều nói rõ “hoạt động xuất nhập khẩu nói trong Nghị định này bao gồm…”, “vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này gồm…” và “hoạt động kinh doanh thương mại được điều chỉnh trong Nghị định này là…”[nhấn mạnh của tác giả]. Tác giả cho rằng phương pháp giải thích này có nhiều điểm bất hợp lý. Cụ thể như sau: Thứ nhất, Toà án đã không xem xét đến những yếu tố liên quan trực tiếp đến PL mà chỉ dựa vào các VBQPPL khác để giải thích thuật ngữ “thương mại”. Đồng ý rằng khi một VBQPPL không giải thích rõ một thuật ngữ được sử dụng trong văn bản đó thì việc tham khảo định nghĩa của những thuật ngữ tương tự hay liên quan trong những VBQPPL khác có thể giúp ích trong việc làm sang tỏ nội dung của thuật ngữ này. Song, Tòa an không nên chỉ dựa vào những định nghĩa này bởi lẽ các VBQPPL khác nhau thường có bối cảnh ra đởi, mục đích và phạm vi áp dụng khác nhau, và do đó, một thuật ngữ hoặc những thuật ngữ gần gũi với nhau có thể được hiểu theo những nghĩa khác nhau trong những VBQPL khác nhau. Một ví dụ cho trường hợp này là thuật ngữ “hoạt động thương mại” trong Luật thương mại năm 1997 (“LTM 1997″) và Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 (“PLTT”). Nếu trong LTM 1997, hoạt động thương mại chỉ bao gồm hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động liên quan trực tiếp đến các hoạt động này8, thì trong PLTT, hoạt động thương mại còn bao gồm cả những hoạt động khác như xây dựng, tư vấn, kỹ thuật, li-xăng, đầu tư, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thăm dò, khai thác, vận chuyển v.v…9, mặc dù đây là hai VBQPPL cùng có hiệu lực trong suốt một thời gian dài10. Thiết nghĩ, để có thể hiểu được đầy đủ và chính xác ý nghĩa của một thuật ngữ trong một VBQPPL, trước tiên, Tòa án nên dựa vào những yếu tố liên quan trực tiếp đến VBQPPL đó, chẳng hạn như: nội dung văn bản, ngữ cảnh mà thuật ngữ được sử dụng trong văn bản, bối cảnh ra đời của văn bản, quá trình soạn thảo văn bản v.v… Thứ hai, với việc chỉ dựa vào các Nghị định nói trên để giải thích PL, Tòa án đã không xem xét đến “tính quốc tế” của các quy định trong Pháp lệnh này. Ở đây, việc giải thích PL không đơn thuần là giải thích một VBQPPL quốc gia mà còn là giải thích một điều ước quốc tế – Công ước New York. Lẽ ra, Tòa án cần áp dụng những quy tắc về giải thích điều ước quốc tế khi giải thích thuật ngữ “thương mại” trong PL. Ngoài ra, để bảo đảm tính thống nhất của việc thi hành Công ước New York và sự hài hòa của pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc thế vaề trọng tài thương mại, Tòa án cũng cần chú ý đến những các cách hiểu phổ biến trên thế giới về thuật ngữ “thương mại” trong các quy định, thực tiễ và khoa học pháp lý về trọng tài thương mại quốc tế nói chung và Công ước New York nói riêng. Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969 Những phân tích trên cho thấy phương pháp giải thích pháp luật mà Tòa Phúc thẩm đã sử dụng trong vụ Tyco là chưa phù hợp. Vậy thuật ngữ “thương mại” trong PL nên được giải thích như thế nào? Trả lời cho câu hỏi này, thiết nghĩ, chúng ta nên tham khảo các quy tắc chung về giải thích điều ước quốc tế trong Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969 (“Công ước Viên”)11. Đề xuất này dựa trên những cơ sở sau đây: Một là, trong khi pháp luật Việt Nam không có quy định về phương pháp giải thích pháp luật thì Công ước Viên quy định khá rõ ràng về vấn đề này. Khoản 1 Điều 31 của Công ước Viên quy định: Một điều ước sẽ được giải thích trên tinh thần thiện chí theonghĩa thông thường của những thuật ngữ được sử dụng trong điều ước trong ngữ cảnh của những thuật ngữ này và trên cơ sở mục đích và ý nghĩa của điều ước [nhấn mạnh của tác giả]. Ngoài ra, Điều 32 của Công ước Viên còn quy định phương pháp giải thích bổ sung cho phương pháp giải thích nói trên: Còn có thể dựa thêm vào các cách giải thích bổ sung, kể cả những công việc chuẩn bị điều ước và hoàn cảnh ký kết điều ước nhằm khẳng định nghĩa của thuật ngữ rút ra được thông qua việc áp dụng Điều 31, hoặc để xác định nghĩa của thuật ngữ trong trường hợp việc giải thích theo Điều 31: (a) Đưa lại một cách hiểu mơ hồ hay khó hiểu; hoặc (b) Dẫn đến một kết quả rõ ràng là ngớ ngẩn hay phi lý. Hai là, việc vận dụng các quy định trong Công ước Viên bảo đảm việc giải thích PL phù hợp với các quy tắc chung về giải thích điều ước quốc tế. Mặc dù nước ta không phải là thành viên của Công ước Viên, các quy tắc về giải thích điều ước quốc tế trong Công ước này vẫn có hiệu lực pháp lý bắt buộc đối với Việt Nam bởi lẽ các quy tắc này từ lâu đã được xem như các tập quán quốc tế có tính bắt buộc12. Dựa vào các quy tắc giải thích của Công ước Viên, theo tác giả, thuật ngữ “thương mại” trong PL cần được giải thích như sau: Trước hết, Tòa án cần tìm hiểu nghĩa thông thường của thuật ngữ “thương mại” trong PL và Công ước New York. Thông thường, trong lĩnh vực thương mại quốc tế, thuật ngữ “thương mại” (commercial) được hiểu theo hai nghĩa. Theo nghĩa hẹp, thương mại chỉ liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ13. Còn theo nghĩa rộng, thương mại liên quan đến bất kỳ hoạt động nào nhằm làm ra lợi nhuận14. Vấn đề đặt ra là thuật ngữ “thương mại” trong PL và Công ước New York sẽ được hiểu theo nghĩa nào trong hai nghĩa trên đây. Theo khoản 1 Điều 31 Công ước Viên, nghĩa thông thường của một thuật ngữ phải được rút ra từ ngữ cảnh mà thuật ngữ này được sử dụng trong điều ước trên cơ sở mục đích và ý nghĩa của điều ước. Trọng vụ việc mà chúng ta đang xem xét, yếu tố ngữ cảnh có vẻ không giúp ích gì cho việc lựa chọn giữa một trong hai nghĩa nói trên của thuật ngữ “thương mại”15. Tuy nhiên, yếu tố mục đích và ý nghĩa lại có thể giúp ích cho điều đó16. Có thể khẳng định rằng mục đích và ý nghĩa cơ bản của Công ước New York và của việc ban hành PL là để khuyến khích việc công nhận và cho thi hành các QĐTTNN. Để bảo đảm mục đích này, thuật ngữ “thương mại” cần được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm bất kỳ hoạt động kinh doanh nào, trong đó có hoạt động xây dựng. Điều đáng chú ý ở đây là việc vận dụng các quy định của Công ước Viên đưa lại cách hiểu về thuật ngữ “thương mại” tương tự với cách hiểu phổ biến trên thế giới về thuật ngữ này trong pháp luật, thực tiễn và khoa học về trọng tài thương mại quốc tế. Theo chú thích ** tại Điều 1 của Luật mấu UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế do Ủy ban Liên hiệp quốc về Luật Thương mại quốc tế ban hành ngày 21/06/1985: Thuật ngữ “thương mại” nên được hiểu theo nghĩa rộng sao cho bao gồm các vấn đề phát sinh từ mọi quan hệ có tính thương mại, bất kể là quan hệ đó có tính hợp đồng hay không. Các quan hệ có tính thương mại bao gồm, nhưng không giới hạn bởi, các giao dịch sau: bất kỳ giao dịch thương mại nào về cung ứng hay trao đổ hàng hóa hay dịch vụ; họp đồng phân phối; đại diện hay đại lý thương mại; quản lý; cho thuê; xây dựng công trình; tư vấn; kỹ thuật; li-xăng; đầu tư; tài chính; ngân hàng; bảo hiểm; hợp đồng hoặc quyền khai thác; liên doanh và các hình thức hợp tác kinh doanh và công nghiệp khác; vận chuyển hàng hóa hay hành khách bằng đường hàng không, đường biển hoặc đường sắt. Trong thực tiễn xét xử ở nhiều nước trên thế giới, thuật ngữ “thương mại” cũng thường được hiểu theo nghĩa rộng 17. Thiết nghĩ, điều này là rất cần thiết nhằm khuyến khích việc công nhận và cho thi hành QĐTTNN và bảo đảm tính thống nhất của việc thực thi Công ước New York. Những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam Như đã nói ở trên, một trong hai lý do mà Tòa Phúc thẩm đã đưa ra để từ chối công nhận QĐTTNN trong vụ Tyco là những quyết định này trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Nhận định này của Tòa Phúc thẩm dưa trên hai cơ sở: (i) Tyco vào hoạt động kinh tế trên lãnh thổ Việt Nam mà chưa được Nhà nước Việt Nam cho phép (thỏa thuận Thiess – Tyco chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và Tyco cũng không có giấy phép thầu xây dựng); và (ii) theo thỏa thuận Thiess – Tyco, Tyco không thuộc diện pháp nhân chịu thuế. Tuy nhiên, lập luận này tỏ ra có nhiều điểm hạn chế và chưa thực sự thuyết phục. Cụ thể như sau: Thứ nhất, Tòa Phúc thẩm đã không chỉ ra được việc công nhận và cho thi hành các QĐTTNN là trái với nguyên tắc cơ bản nào của pháp luật Việt Nam. Rõ ràng, không thể xem chính các quy định pháp luật về cấp phép kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng và về nghĩa vụ đóng thuế  của nhà thầu nước ngoài là những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Theo cách hiểu được thừa nhận rộng rãi ở nước ta, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật là những quy tắc hay nguyên lý có tác dụng định hướng hay chỉ đạo việc xây dựng và áp dụng pháp luật18. Thật khó có thể nói rằng những quy định pháp luật này là những quy tắc hay nguyên lý có tính định hướng hay chỉ đạo. Có thể thấy rằng điểm hạn chế nói trên đã làm giảm đi đáng kể tính thuyết phục trong phán quyết của Tòa Phúc thẩm. Bên cạnh đó, điểm hạn chế này có thể gây ra sự quan ngại ở các nhà đầu tư và thương nhân nước ngoài rằng bất kỳ sự vi phạm nào đối với các quy định pháp luật của Việt Nam cũng có thể bị Tòa án Việt Nam xem là trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam19. Ngoài ra, việc không giải thích rõ là việc thi hành các QĐTTNN đã vị phạm nguyên tắc cơ bản nào sẽ làm giảm tính minh bạch, rõ ràng (transparency) và khả năng có thể dự báo (predictability) của pháp luật Việt Nam. Thứ hai, cách hiểu của Tòa Phúc thẩm về thuật ngữ “những nguyên tắc cơ bản củapháp luật Việt Nam” không phù hợp với thực tiễn thi hành Công ước New York ở các nước trên thế giới. Thực tiễn thi hành Công ước New York ở nhiều nước trên thế giới cho thấy Tòa án chỉ từ chối công nhận một QĐTTNN dựa trên căn cứ việc công nhận và cho thi hành QĐTTNN đó là trái “trật tự công cộng” khi có sự vi phạm những chuẩn mực cơ bản nhất về đạo đức và lẽ công bằng được thừa nhận rộng rãi trên bình diện quốc tế20. Trong khi đó, Quyết định 02 lại cho thấy dường như Tòa Phúc thẩm chị dựa vào các chuẩn mực quốc gia để xem xét việc công nhận và cho thi hành QĐTTNN. Kết luận: Mặc dù Việt Nam đã gia nhập Công ước New York kể từ năm 1995, hiện vẫn còn những vướng mắc nhất định trong thực tiễn công nhận và cho thi hành QĐTTNN. Những phân tích trên cho thấy trong một số trường hợp  Tòa án Việt Nam chưa vận dụng thực sự chính xác một số quy định của Công ước New York. Trong vụ Tyco, nguyên nhân của hiện tượng này là do Tòa Phúc thẩm chưa sử dụng các phương pháp thích hợp khi giải thích các quy định của Công ước này. Bên cạnh đó, Tòa Phúc thẩm cũng chưa đưa ra được những luận cứ vững chắc làm cơ sở cho lập luận của mình. Thiết nghĩ, những tồn tại này cần sớm được nghiên cứu, khắc phục nhằm bảo đảm việc thực thi Công ước New York và tạo điều kiện cho việc công nhận và cho thi hành QĐTTNN. CHÚ THÍCH: 1 Quyết định 02, tr. 8-9. Trong phần trích dẫn này, tác giả có chỉnh sửa một số sai sót rõ ràn về chính tả và ngữ pháp. 2 Có lẽ điểm khác biệt quan trọng nhất giữa các quy định của PL và BLTTDS về việc công nhận và cho thi hành QĐTTNN là ở phạm vi áp dụng của những quy định này. PL chỉ được áp dụng để xem xét việc công nhận và cho thi hành các QĐTTNN nhằm giải quyết các tranh chấp phát sinh từ quan hệ pháp luật thương mại (Điều 1 PL). Trong khi đó, BLTTDS được áp dụng để xem xét việc công nhận và cho thi hành các QĐTTNN nhằm giải quyết các tranh chấp phát sinh từ quan hệ pháp luật thương mai, kinh doanh và lao động (khoản 2 Điều 342 BLTTDS). 3 Các căn cứ không công nhận QĐTTNN được quy định trong Điều 16 PL và Điều 370 BLTTDS là hoàn toàn giống nhau. 4 Nay là điểm b khoản 1 Điều 370 BLTTDS. Cần chú ý là Công ước New York không sử dụng thuật ngữ “những nguyên tắc cơ bản của pháp luật” như trong PL và BLTTDS mà là thuật ngữ “trật tự công cộng”. 5 Xem Điều 1 Nghị định 114/HĐBT của Hội đồng bộ trưởng ngày 7/4/1992 về quản lý nhà nước đối với xuất khẩu, nhập khẩu. 6 Xem khoản 2 Điều 1 Nghị định 01/CP của Chính phủ ngày 03/1/1996 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại. 7 Xem Điều 2 Nghị định 02/CP của Chính phủ ngày 05/01/1995 quy định về hàng hóa, dịch vụ thương mại có điều kiện ở thị trường trong nước. 8 Xem khoản 1 Điều 5 LTM 1997. 9 Xem khoản 3 Điều 2 PLTT. 10 LTM 1997 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/1998 cho đến hết ngày 31/12/2005. PLTT có hiệu lực kể từ 1/7/2003 cho đến nay. 11 Xem các Điều 31 – 33 của Công ước Viên. 12 Giá trị pháp lý bắt buộc của các quy tắc giải thích điều ước trong Công ước Viên với tư cách là các tập quán quốc tế là điều đã được thừa nhận rộng rãi trong thực tiễn xét xử của Tòa án công lý quốc tế (xem, chẳng hạn, Case Concerining Kasikili/Sedudu Island (Bostwana/Namibia), Judgment (ngày 13/12/1999); Oil Platform (Islamic Republic of Iran v United States of America, Priliminary Objections, Judgment, International Court of Justice Reports 1996 (II) tr.803, tr.812; Teritorial Dispute (Libyan Arab Jamahiriya/Chad), Judgment. International Court of Justice Reports 1994 tr.6, tr.21-22; Arbitral Award of 31 July 1989 (Guinea-Bissau v Senegal), Judgment, International Court of Justice Reports 1991 tr. 53, tr.69-70) và thực tiễn giải quyết tranh chấp của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) (xem, chẳng hạn, Appellate Body Report, United States – Standards for Reformulated an Conventional Gasoline,WT/DS2/AB/R, ngày20/5/1996, tr. 17;   Appellate Body Report, Japan-Taxes on Alcoholic Beverages, WT/DS10/AB/R, WT/DS11/AB/R, WT/DS8/AB/R, ngày 1/11/1998, tr. 10; Appellate Body Report, India-Patent Protection for Pharmaceutical an Agricultural Chemical Products, WT/DS50/AB/R, ngày 16/1/1998, đoạn 46). 13 Từ điển Oxford Advanced Learners’ Dictionary (7th ed, 2005), tr. 203. 14 Như trên. 15 Khoản 2 và 3 của Điều 31 Công ước Viên quy định: “2. Ngữ cảnh để giải thích một điều ước, ngoài nội dung chính của văn bản, kể cả lời nói đầu và các phụ lục bao gồm cả: (a) Bất kỳ thỏa thuận nào có liên quan đến điều ước đã được tất cả các bên tham gia tán thành khi ký kết điều ước; (b) Bất kỳ văn kiện nào do một hay nhiều bên đưa ra trong dịp ký kết điều ước và được các bên chấp thuận là một văn kiện có liên quan đến điều ước. 3. Cùng với nội dung văn bản, sẽ phải xem xét đến: (a) Bất kỳ thỏa thuận nào về sau giữa các bên về việc giải thích điều ước hoặc về việc thi hành các quy định của điều ước. (b) Bất kỳ thông lệ nào về sau trong thực hiện điều ước được các bên thỏa thuận liên quan đến việc giải thích điều ước. (c) Bất kỳ quy tắc liên quan nào của pháp luật quốc tế áp dụng trong quan hệ giữa các bên.” 16 Trong thực tiễn công nhận và cho thi hành QĐTTNN ở một số nước trên thế giới, Tòa án đã nhiều lần xem xét đến “mục đích và ý nghĩa” của Công ước New York khi cần giải thích Công ước này (xem, chẳng hạn, án lệ Imperial Ethiopian Government v Baruch-Forster Corp 535 F 2d 334; án lệ Parsons & Whittemore Overseas Co Inc v Societe Generale de l’Industrie du Papier (RAKTA) 508 F 2d 969). 17 Van den Berg, The New York Arbitration Convention of 1958,Deventer/Netherlands: Kluwer Law and Taxation Publishers, 1981, tr. 51-52. 18 Lê Minh Tâm, Bản chất, vai trò và hệ nguyên tắc cơ bản của pháp luật xã hội chủ nghĩa, trong Lê Minh Tâm (chủ biên), Giáo trình Lý luận Nhà nước và pháp luật (Hà Nội: Nxb CAND, 1994) tr. 327, tr. 344-346. 19 Richard Garnett & Kien Cuong Nguyen, The Enforcement of Arbitration Awards in Vietnam (2006) 2 Asian International Arbitration Journal, tr. 137, tr. 145. 20 Xem: án lệ Soleimany v Soleimany [1999] QB 785; án lệ Parsons & Whittemore Overseas Co Inc v Societe Generale de l’Industrie du Papier (RAKTA) 508 F 2d 969. Cũng xem: Báo cáo của Ủy ban Luật Quốc tế của Liên Hiệp Quốc, phiên họp thứ 18, UN Doc A/40/17, đoạn 297; Ủy ban Trọng tài thương mại quốc tế, Final ILA Report on Public Policy as a Bar to Enforcement of International Arbitral Awards, (Báo cáo tại Hội thảo thứ 17 của Hiệp hội Luật Quốc tế, New Delhi, tháng 4/2002), tr. 2-7; Van den Berg, sđd, tr. 360-368; Domenico Di Pietro & Martin Platte,Enforcement of International Arbitral Awards, London: Cameron May, 2001, tr. 181-182; Van den Berg, sđd, tr. 365-366).  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật