Doanh nghiệp cần chung sức ngăn chặn nguy cơ gian lận xuất xứ

Doanh nghiệp cần chung sức ngăn chặn nguy cơ gian lận xuất xứ

Hướng tới xuất khẩu bền vững, Bộ Công Thương đang tăng cường công tác cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM. Tuy nhiên, để đẩy lùi các nguy cơ gian lận thương mại, cần sự chung tay rất lớn từ cộng đồng kinh doanh, doanh nghiệp.

Ghi nhận của Cục PVTM, Bộ Công Thương cho thấy, số vụ việc điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tiếp tục tăng trong thời gian gần đây. Đặc biệt, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị áp dụng biện pháp PVTM. Nguy cơ này được khuyến cáo tiếp tục gia tăng khi Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA). Do, trong quá trình thực hiện các FTA, doanh nghiệp có thể tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Trước xu thế bảo hộ đang gia tăng, nhất là với nhiều nhóm sản phẩm như thép, nhôm, nông sản, thủy sản…, nhiều khuyến cáo đã nhấn mạnh, cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bởi nếu Việt Nam không có các biện pháp tích cực để xử lý vấn đề lẩn tránh bất hợp pháp trong PVTM, đặc biệt thông qua gian lận xuất xứ, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, ngành hàng cụ thể. Về lâu dài điều này còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tham gia hàng loạt FTA có yêu cầu cao về xuất xứ.

Lẩn tránh PVTM là hành vi thay đổi nguồn gốc hoặc loại hàng hóa để tránh biện pháp PVTM đang áp dụng, từ đó làm giảm hiệu quả của biện pháp này. Tại Việt Nam, các vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế hàng hóa xuất khẩu thuộc trường hợp hàng hóa của nước đang bị áp dụng biện pháp PVTM chuyển tải sang Việt Nam để lấy xuất xứ Việt Nam nhằm lẩn tránh thuế. Mặt khác, không ít trường hợp hàng hóa của nước ngoài lấy xuất xứ Việt Nam để hưởng thuế suất ưu đãi theo các FTA hoặc các quy định ưu đãi thuế quan.

Ngay từ đầu năm 2019, trước khả năng gian lận xuất xứ và lẩn tránh biện pháp PVTM có những diễn biến phức tạp, là cơ quan đại diện cho Chính phủ xử lý các vụ việc liên quan đến PVTM, Bộ Công Thương, trong đó nòng cốt là Cục PVTM đơn vị thực hiện chức năng nhà nước về công tác PVTM của Bộ đã nghiên cứu và tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ”.

Bộ Công Thương cũng đã tham mưu và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp. Đồng thời, nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa, Bộ Công Thương đã ủy quyền cho các cơ quan, tổ chức, phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực của Bộ cấp C/O ưu đãi theo các FTA. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là đơn vị duy nhất được ủy quyền cấp C/O không ưu đãi và C/O form A hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Hiện tại, nhằm ngăn chặn đẩy lùi các nguy cơ về gian lận thương mại, ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công Thương - cho biết, Bộ đang tiếp tục triển khai thực hiện những giải pháp, như: Có cơ chế thường xuyên theo dõi và cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM để thông báo cho các bộ, ngành và địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; Rà soát lại các quy định liên quan đến chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra các trường hợp nghi ngờ gian lận xuất xứ cũng tiếp tục được đẩy mạnh. "Đặc biệt, qua nghiên cứu, tham mưu của Cục PVTM, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ, đặc biệt là đối với các mặt hàng thuộc nhóm có nguy cơ cao"- ông Trung cho hay.

Dự báo của Cục PVTM, nền kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến khó lường, vì vậy các biện pháp PVTM sẽ tiếp tục gia tăng cả về số lượng cũng như mức độ phức tạp. Trong khi đó, PVTM vẫn còn là một vấn đề mới, đa số doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước chưa có sự hiểu biết sâu; nguồn lực của doanh nghiệp và nhà nước còn hạn chế nên chưa thể phân bổ một cách phù hợp cho công tác PVTM. Thách thức lớn hơn, khi bối cảnh các nền kinh tế toàn cầu đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, ngành sản xuất trong nước của Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia đều gặp khó khăn….

Bên cạnh đó, tình hình xuất khẩu một số sản phẩm của Việt Nam có sự gia tăng nhanh chóng trong vài năm gần đây, kể cả những mặt hàng đang là đối tượng bị áp dụng PVTM của một số nước. Vì vậy, Cục PVTM đã khuyến nghị tới doanh nghiệp, các hiệp hội cần tăng cường kiểm tra, giám sát về xuất xứ và sau thông quan nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa của quốc gia khác. Đồng thời, các doanh nghiệp không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, triển khai các giải pháp tem chống hàng giả tiên tiến. Bởi thực tiễn cho thấy, nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài "trừng phạt" rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ "mất" toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan.

Về phía Bộ Công Thương, đại diện Cục PVTM - cho biết, thời gian tới, công tác cảnh báo sớm các vụ kiện PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM, chống bán phá giá sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ tích cực theo dõi và nâng cao hiệu quả áp dụng các biện pháp PVTM, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng lẩn tránh các biện pháp này; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PVTM của Việt Nam cũng như của WTO và một số nước trên thế giới để nâng cao nhận thức và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng công cụ PVTM và ứng phó với các vụ kiện PVTM của nước ngoài; đẩy mạnh xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương để xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài.

Nguồn: congthuong.vn

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật