Về việc tăng cường công tác quản lý di tích, bảo vệ cổ vật trên địa bàn tỉnh

  • Bài viết
  • 07 tháng 8, 2010
  • 384 lượt xem
  • 0 bình luận
Về việc tăng cường công tác quản lý di tích, bảo vệ cổ vật trên địa bàn tỉnh

   

UỶ BAN NHÂN DÂN

UỶ BAN NHÂN DÂN

TỈNH PHÚ THỌ

______________

Số: 17/2005/CT-UBND

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_______________________

Việt Trì, ngày 25 tháng 10 năm 2005

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH PHÚ THỌ

___________________________

Về việc tăng cường công tác quản lý di tích,

bảo vệ cổ vật trên địa bàn tỉnh

Thời gian qua, công tác quản lý di tích, bảo vệ cổ vật trên địa bàn tỉnh nhìn chung đã được chú trọng và thu được nhiều kết quả. Ngành văn hoá - thông tin đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, Uỷ ban mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực bảo vệ, tôn tạo và phát huy tác dụng các di sản văn hoá, đưa hoạt động tại các di tích lịch sử văn hoá đi vào nền nếp, đảm bảo các quy định của Nhà nước. Hoạt động xã hội hoá trong công tác quản lý, bảo vệ di tích được đẩy mạnh, nhất là trong việc tôn tạo di tích đã từng bước khơi dậy các nguồn lực to lớn trong nhân dân tham gia bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá.

Tuy nhiên, tại một số địa phương, công tác quản lý di tích và bảo vệ cổ vật chưa được quan tâm thoả đáng dẫn đến tình trạng di tích bị bỏ hoang, hoặc xuống cấp nghiêm trọng (có cả di tích cách mạng, kháng chiến); hiện tượng mất cắp cổ vật diễn ra ở một số nơi, trong đó có cả di tích xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh mà chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Nhằm tăng cường công tác quản lý phát huy tác dụng tích cực của các di tích lịch sử văn hoá; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng mất cắp cổ vật trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Sở Văn hoá - Thông tin:

- Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các di tích lịch sử văn hoá; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại di tích; kiểm tra và có biện pháp tôn tạo, tu bổ kịp thời đối với những di tích đang bị xuống cấp;

- Xây dựng kế hoạch khai quật khảo cổ học hàng năm để sưu tầm, bổ sung và hoàn thiện các bộ sưu tập hiện vật gốc; xây dựng phương án bảo vệ một số di tích khảo cổ học có giá trị và các cổ vật quý hiếm trên địa bàn tỉnh;

- Phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành kiện toàn và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý di tích, bảo vệ cổ vật cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di tích ở cơ sở;

- Tiếp tục triển khai thực hiện "Đề án bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hoá tỉnh Phú Thọ giai đoạn 1998 - 2010" theo hướng đẩy mạnh công tác xã hội hoá theo tinh thần Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ.

2. Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thị, thành tăng cường công tác phối hợp với ngành văn hoá - thông tin cùng cấp và các cơ quan liên quan làm tốt công tác quản lý, bảo vệ di sản văn hoá; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành động xâm hại di tích lịch sử văn hoá, trộm cắp, buôn bán trái phép cổ vật, xâm hại di chỉ khảo cổ học; đẩy mạnh việc truy tìm các ổ trộm cắp, buôn bán trái phép cổ vật và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

3. Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ di tích lịch sử văn hoá nhằm nâng cao nhận thức về giá trị văn hoá tinh thần của các di sản văn hoá, cổ vật, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ di tích lịch sử văn hoá, cổ vật, coi việc quản lý, bảo vệ di sản văn hoá, cổ vật là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành, của mọi tổ chức và công dân trên địa bàn tỉnh.

4. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành:

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cùng cấp mở cuộc vận động tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác quản lý di tích lịch sử văn hoá, bảo vệ cổ vật;

- Hướng dẫn, chỉ đạo việc đưa nội dung quản lý, bảo vệ di tích lịch sử văn hoá, cổ vật vào quy ước khu dân cư văn hoá là một trong những tiêu chí để đánh giá, công nhận đơn vị văn hoá cấp khu dân cư, cấp xã;

- Quy định trách nhiệm cụ thể của Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, trách nhiệm của ban quản lý di tích cấp xã trong công tác quản lý di tích lịch sử văn hoá và bảo vệ cổ vật.

5. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể nhân dân của tỉnh tăng cường công tác vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia vào công tác quản lý, tôn tạo, tu bổ di tích lịch sử văn hoá, bảo vệ cổ vật và tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" trên địa bàn các địa phương.

Yêu cầu các Sở, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện với Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Văn hoá - Thông tin).

 

KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Nguyễn Thị Kim Hải

 

 


Hiện thuộc tính văn bản

  Tệp đính kèm
CT17UB.DOC

Tư vấn thuế - Kế toán - Báo cáo thuế - Luatthue.Info

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :