CÁC DOANH NGHIỆP DO NHÀ NƯỚC SỞ HỮU HOẶC KIỂM SOÁT, HOẶC ĐƯỢC HƯỞNG ĐẶC QUYỀN HOẶC ĐỘC QUYỀN

  • Bài viết
  • 22 tháng 5, 2011
  • 403 lượt xem
  • 0 bình luận

1. Đại diện của Việt Nam cho biết Việt Nam đang chuyển đổi từ một hệ thống mang tính kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Đến 31/12/2004, ở Việt Nam có khoảng 120.000 doanh nghiệp, trong đó có 3364 doanh nghiệp nhà nước. Số doanh nghiệp đã tăng lên khoảng 200.000 doanh nghiệp (gồm 2.663 doanh nghiệp nhà nước) vào cuối năm 2005. Theo luật Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước là những doanh nghiệp, gồm cả các công ty cổ phần, trong đó nhà nước sở hữu trên 50% cổ phần. Doanh nghiệp nhà nước chiếm 39,2% GDP năm 2004 (38,4% năm 2005), khu vực tư nhân (tức là các doanh nghiệp do tư nhân Việt Nam đầu tư toàn bộ) chiếm 45,6% GDP (45,7% năm 2005) và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 15,2% (15,9% năm 2005). Kinh doanh cá thể và hộ gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nhỏ ở Việt Nam. Phía Việt Nam cũng cung cấp các số liệu thống kê giá trị sản lượng, xuất nhập khẩu theo loại hình doanh nghiệp tại Bảng 3 và thông tin về các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc doanh nghiệp do nhà nước kiểm soát theo quy định tại Quyết định số 155/2004/QĐ-TTg ngày 24/8/2004 tại Bảng4.

2. Đại diện của Việt Nam lưu ý rằng các doanh nghiệp do tư nhân đầu tư được tự do thamgia vào các lĩnh vực nêu tại Quyết định số 155/2004/QĐ-TTg, trừ hoạt động sản xuất và cung cấp các hàng hoá và dịch vụ công có liên quan đến an ninh và quốc phòng, nhưng Nhà nước vẫn duy trì cổ phần chi phối ở các doanh nghiệp nhà nước hiện có vì các lĩnh vực này có tầm quan trọng sống còn về mặt kinh tế và công nghệ, có rủi ro cao, đòi hỏi đầu tư lớn, hoặc có thời gian hoàn vốn dài, hoặc để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các cư dân sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn. Ví dụ, Nhà nước sẽ sở hữu 100% các doanh nghiệp nhà nước hiện tại trong các lĩnh vực sản xuất phim khoa học, phim tài liệu và phim thiếu nhi vì các nhà sản xuất tư nhân Việt Nam sản xuất các loại phim này gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn và không quan tâm đến hoặc không có khả năng sản xuất các loại phim này.

3. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào các ngành nghề/hoạt động nêu tại Quyết định 155/2004/QĐ-TTg phù hợp với các cam kết gia nhập của Việt Nam. Đại diện của Việt Nam cho biết thêm là chính sách của Việt Nam là hạn chế việc thành lập mới các doanh nghiệp nhà nước và thu hẹp phạm vi các doanh nghiệp đang có. Danh mục các ngành nghề nhà nước duy trì 100% cổ phần hoặc nắm giữ cổ phần chi phối được quy định tại Quyết định số 155/2004/QĐ-TTg. Do các Bộ, ngành và địa phương đang trong quá trình rà soát và phân loại doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định 155 nên chưa thể cung cấp danh mục doanh nghiệp nhà nước vào thời điểm này (xem thêm phần Tư nhân hóa và Cổ phần hóa).

4. Khu vực doanh nghiệp nhà nước đã được cơ cấu và tổ chức lại từ năm 1986, và đặc biệt là tư năm 1991. Tài sản của các doanh nghiệp này được định giá lại và được kiểm toán. Nhà nước đã xoá bỏ việc giám sát và quản lý trực tiếp của các cơ quan chính phủ với các doanh nghiệp. Ban quản lý của các doanh nghiệp nhà nước được quyền tự chủ, và chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của mình.

5. Cuối những năm 90, Chính phủ bắt đầu chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Theo chương trình này, các doanh nghiệp nhà nước được “cổ phần hóa” — tức là được chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn trong đó Nhà nước có thể tiếp tục nắm giữ một tỷ lệ cổ phần nhất định. Kết quả của quá trình chuyển đổi này là những doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp mới thông qua vào năm 2005, và do vậy sẽ tuân thủ đúng các quy định về thành lập, đăng ký kinh doanh, quyền và nghĩa vụ, giải thể và phá sản tương tự như các doanh nghiệp tư nhân (xem phần “Tư nhân hóa và Cổ phần hóa”). Đại diện của Việt Nam xác nhận rằng tất cả các doanh nghiệp cổ phần hóa đều có trách nhiệm hữu hạn; các cổ đông và người góp vốn chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ khác của công ty trong hạn mức đóng góp của mình. Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp năm 2005 yêu cầu tất cả các doanh nghiệp nhà nước phải được chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn trong vòng 4 năm kể từ khi Luật này có hiệu lực vào ngày 1/7/2005. Do vậy, tới ngày 1/7/2010, tất cả các doanh nghiệp, kể cả tất cả các doanh nghiệp nhà nước, sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp.

6. Một Thành viên yêu cầu cung cấp thông tin về kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam và đặc biệt là về việc Việt Nam dự kiến tham gia vào một doanh nghiệp cổ phần hóa với tư cách là chủ sở hữu một phần doanh nghiệp này như thế nào. Thành viên này lưu ý rằng một chính phủ có thể thực hiện quyền kiểm soát với một doanh nghiệp ngay cả khi chính phủ đó không nắm giữ cổ phiếu đa số, ví dụ như thông qua việc chỉ định các thành viên của Ban Giám đốc và đề nghị Việt Nam cho biết Việt Nam có duy trì khả năng đưa ra những quyết định nhất định liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp ngay cả khi Nhà nước nắm cổ phần thiểu số hay không. Để trả lời, đại diện của Việt Nam cho biết trong trường hợp Nhà nước giữ cổ phần trong một doanh nghiệp cổ phần hóa, Nhà nước sẽ hoạt động giống như bất kỳ một nhà đầu tư tư nhân nào có cổ phần trong doanh nghiệp cổ phần hóa đó. Đặc biệt, đại diện của Việt Nam lưu ý rằng các quyền của nhà nước với tư cách là một cổ đông sẽ được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp và Luật Doanh nghiệp Nhà nước giống như với các cổ đông tư nhân khác. Do vậy, Nhà nước sẽ không thể chỉ định các thành viên của Ban Giám đốc, và cũng không thể kiểm soát hay chỉ đạo các quyết định của doanh nghiệp nếu như không nắm giữ cổ phần đa số. Trong trường hợp nhà nước nắm giữ cổ phần thiểu số, nhà nước có thể giữ cổ phần thiểu số đủ để phủ quyết giống như bất kỳ một cổ đông tư nhân nào khác, tùy thuộc vào tỷ lệ cổ phần do các cổ đông khác sở hữu, song nhà nước sẽ không thể tự mình có khả năng tác động tới các quyết định điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp.

7. Cùng với chương trình cổ phần hóa đang được tiến hành và nhằm điều chỉnh các doanh nghiệp nhà nước chưa được cổ phần hóa, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp Nhà nước sửa đổi tháng 12/2003 nhằm nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp Nhà nước và bảo đảm rằng các doanh nghiệp Nhà nước cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp tư nhân. Theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước được dùng vào các mục đích như chia lãi cho các thành viên góp vốn; dùng để bù lỗ cho các năm trước đó; được chuyển không quá 10% vào quỹ tài chính dự phòng của công ty với điều kiện quỹ này không vượt quá 25% vốn điều lệ; và với các công ty cung cấp dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm, được chuyển cho quỹ bảo hiểm rủi ro. Phần còn lại được chia theo tỷ lệ vốn nhà nước đầu tư và mức vốn huy động bình quân của công ty trong năm đó. Lợi nhuận chia theo vốn huy động có thể được chia thành các khoản tiền thưởng cho người lao động và sử dụng để tái đầu tư. Lợi nhuận chia theo phần vốn góp của Nhà nước được tái đầu tư. Luật mới cũng có các quy định về nghĩa vụ của các chủ sở hữu và về việc điều chỉnh cơ cấu sở hữu.

8. Trước đây, lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhà nước được nộp vào Ngân sách Nhà nước và Nhà nước bù lỗ thông qua trợ cấp. Hiện nay, các doanh nghiệp Nhà nước bị phá sản cũng chịu sự điều chỉnh theo Luật Phá sản năm 1994, sửa đổi lần cuối năm 2005, như các doanh nghiệp khác. Kể từ khi ban hành Luật Phá sản, 17 doanh nghiệp Nhà nước đã bị phá sản.

9. Cổ phần nhà nước do các Bộ, ngành, bao gồm Bộ Công nghiệp, Bộ Xây dựng, Bộ giao Thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Thương mại, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Thuỷ sản, Bộ Văn hoá – Thông tin, Tổng cục Du lịch v.v… và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nắm giữ. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật mới, các doanh nghiệp nhà nước tự chịu trách nhiệm về hoạt động và sự sống còn của mình, tức là có toàn quyền tự chủ trong việc tiến hành các hoạt động kinh doanh của mình và có thể và ra quyết định đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhà nước tự quyết định chế độ lương bổng, kể cả lương cho giám đốc theo đúng Luật Lao động và các quy định về lương tối thiểu mà không phụ thuộc vào bất kỳ sự can thiệp nào của Chính phủ. Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh không được phép can thiệp vào hoạt động của các doanh nghiệp và chỉ có trách nhiệm quản lý phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp cũng như giám sát và đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước theo Quyết định số 271/QĐ-TTg ngày 31/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Các doanh nghiệp nhà nước tự chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ đóng thuế, tiến hành kinh doanh, và sử dụng nguồn vốn nhà nước đầu tư hiệu quả. Các doanh nghiệp nhà nước không hoàn thành các nghĩa vụ thuế của mình sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy tố hình sự, tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của vi phạm. Việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước được đánh giá căn cứ vào lợi nhuận. Trong trường hợp sử dụng không hiệu quả, Giám đốc và các thành viên Hội đồng Quản trị có thể không được thưởng, không được tăng lương và được yêu cầu bồi thường cho những thua lỗ của công ty. Nghị định số 199/2004/NĐ-CP ngày 3/8/2004 của Chính phủ quy định trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác trong giới hạn mức vốn đầu tư của nhà nước trong doanh nghiệp. Chính phủ tiến hành rà soát định kỳ và đánh giá không định kỳ về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Kết quả rà soát có thể được công bố tại văn phòng công ty, hoặc được trình bày tại các cuộc họp nhân viên và cổ đông. Khi trả lời một câu hỏi, đại diện của Việt Nam lưu ý rằng pháp luật Việt Nam không điều chỉnh mối quan hệ giữa Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia và công tác giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.

10. Tổng giám đốc và Giám đốc của các doanh nghiệp nhà nước lớn có Hội đồng Quản trị sẽ do Hội đồng Quản trị lựa chọn. Theo luật Việt Nam, chỉ có các tổng công ty (doanh nghiệp có các công ty con) và công ty cổ phần mới có Hội đồng Quản trị; Hội đồng Quản trị là đại diện trực tiếp cho phần sở hữu nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước. Người nước ngoài cũng có thể được tuyển dụng làm giám đốc. Giám đốc của các doanh nghiệp nhà nước không có Hội đồng Quản trị sẽ do Bộ trưởng hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập doanh nghiệp lựa chọn.

11. Giám đốc công ty nhà nước không có HĐQT được quyền tự quyết định các dự án đầu tư có giá trị nhỏ hơn 30% tổng giá trị tài sản còn lại trên sổ sách kế toán của công ty hoặc dưới giá trị quy định tại điều lệ công ty và các hợp đồng vay, cho vay, thuê, cho thuê và hợp đồng kinh tế khác dưới mức vốn điều lệ của công ty. Hội đồng quản trị tại công ty nhà nước có HĐQT được quyền tự quyết định các dự án đầu tư có giá trị dưới 50% tổng giá trị tài sản còn lại trên sổ sách kế toán của công ty hoặc dưới giá trị quy định tại điều lệ công ty và tự quyết định về các hợp đồng vay, cho vay, thuê, cho thuê và hợp đồng kinh tế khác vượt quá mức vốn điều lệ của công ty. Những dự án đầu tư hoặc các hợp đồng kinh tế khác phải có sự phê duyệt của chủ sở hữu nhà nước. Các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa thì việc quyết định do Hội đồng quản trị quyết định.

12. Trả lời câu hỏi của một Thành viên về những hình phạt được áp dụng nếu Nhà nước tác động đến những quyết định của doanh nghiệp nhà nước theo những cách thức không phù hợp với luật, ví dụ như một hay nhiều thành viên hội đồng quản trị do Nhà nước chỉ định có những hành động vì lý do chính trị hoặc tham nhũng chứ không căn cứ vào các tiêu chí thương mại, đại diện của Việt Nam cho biết người đại diện cho sở hữu nhà nước phải đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh và trách nhiệm của cổ đông trong doanh nghiệp. Các hành vi tham nhũng ở Việt Nam chịu sự điều chỉnh của Luật Hình sự.

13. Nhà nước không can thiệp vào việc định giá tài sản. Theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003, việc định giá tài sản do các tổ chức tư vấn và trung tâm định giá thực hiện theo cơ chế thị trường và qua đấu giá. Việc mua bán tài sản là do doanh nghiệp tự quyết định và thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh. HĐQT hoặc đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước quyết định các dự án huy động vốn có giá trị lớn hơn vốn điều lệ. Các dự án còn lại do Tổng giám đốc hoặc giám đốc doanh nghiệp quyết định theo Nghị định số 199/2004/NĐ-CP về quy chế quản lý của công ty nhà nước. Đầu tư vốn của các công ty nhà nước đều phải thông qua hình thức đấu thầu cạnh tranh theo Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 7/2/2005. Trả lời câu hỏi về việc định giá quyền sử dụng đất trong quá trình định giá tài sản, đại diện của Việt Nam cho biết việc định giá quyền sử dụng đất được thực hiện theo Luật Đất đai và các quy định của Chính phủ về biểu giá – biểu giá phụ thuộc vào loại đất, khu vực, thời hạn và mục đích sử dụng đất. Thủ tục định giá quyền sử dụng đất được áp dụng thống nhất cho các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.

14. Theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam năm 2003, các doanh nghiệp nhà nước tuân thủ các nghĩa vụ kế toán, kiểm toán, báo cáo tài chính và thống kê theo luật và theo yêu cầu của chủ sở hữu đại diện Nhà nước (Điều 16.5 của Luật). Các doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán giống như các doanh nghiệp khác. Những tiêu chuẩn này được xây dựng phù hợp với các tiêu chuẩn kế toán quốc tế. Các doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm về độ tin cậy và tính pháp lý của các hoạt động tài chính của mình. Các doanh nghiệp này phải tuân thủ các yêu cầu về báo cáo tài chính hàng năm, công khai thông tin tài chính và cung cấp các thông tin cần thiết để có thể đưa ra đánh giá đáng tin cậy về hiệu quả hoạt động của công ty (Điều 18.4 và 18.5). Báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhà nước được kiểm toán theo quy định của pháp luật về kiểm toán của Việt Nam (Điều 89.1). Các doanh nghiệp nhà nước phải công khai thông tin tài chính của mình cho các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhận báo cáo tài chính (các cơ quan tài chính nhà nước, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thống kê) và các bên có liên quan (chủ sở hữu, người lao động và người góp vốn) trong vòng 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Các doanh nghiệp này đóng góp lợi nhuận cho Nhà nước chủ yếu thông qua nghĩa vụ thuế. Phần còn lại được tái đầu tư để tăng tài sản nhà nước trong công ty.

15. Các doanh nghiệp nhà nước tiến hành các hoạt động mua sắm phục vụ cho hoạt động của mình như bất kỳ doanh nghiệp nào khác. Các doanh nghiệp này có quyền tìm kiếm thị trường và khách hàng và tự quyết định giá sản phẩm và dịch vụ của mình, trừ các hàng hoá và dịch vụ công ích và các hàng hoá và dịch vụ khác được nhà nước ấn định giá (xem phần về Chính sách giá).

16. Đại diện của Việt Nam cho biết thêm là Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 đã loại bỏ khái niệm về doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích quy định tại Luật năm 1995, do vậy tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có thể tham gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích theo cơ chế Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu. Nghị định Chính phủ số 31/2005/NĐ-CP ngày 11/3/2005 về Sản xuất và cung ứng dịch vụ công ích đưa ra 3 tiêu chí xác định hàng hoá và dịch vụ công ích. Theo nghị định này, sản phẩm, dịch vụ được xác định là sản phẩm, dịch vụ công ích nếu (i) Là sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư của một khu vực lãnh thổ hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh (ví dụ như cung cấp điện tại các vùng nông thôn; quản lý, khai thác hệ thống kênh mương và các công trình thuỷ nông quy mô nhỏ và vừa; sản xuất, lưu giữ giống gốc cây trồng, vật nuôi; bảo vệ rừng tự nhiên, v.v…) (ii) Việc sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ này theo cơ chế thị trường khó có khả năng bù đắp chi phí; và (iii) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao kế hoạch, đấu thầu theo giá hoặc phí do Nhà nước quy định. Danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Các hàng hoá và dịch vụ không được nêu trong danh mục này không được coi là hàng hoá và dịch vụ công ích.

17. Tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều có thể sản xuất và cung ứng hàng hoá và dịch vụ công ích thông qua đấu thầu cạnh tranh, ngoại trừ những hàng hoá và dịch vụ liên quan đến an ninh quốc phòng được mua bán theo đơn đặt hàng hoặc phân công nhiệm vụ. Giá cả của hàng hoá và dịch vụ công ích được xác định thông qua đấu thầu hoặc, trong trường hợp hàng hoá và dịch vụ có liên quan đến an ninh quốc gia và quốc phòng, được căn cứ vào giá do Chính phủ quy định. Đại diện của Việt Nam xác nhận rằng hàng hóa và dịch vụ công ích trong đấu thầu công khai được đối xử như hàng hóa hay dịch vụ thương mại theo cách hiểu của Hiệp định WTO. Các doanh nghiệp cung cấp hàng hoá và dịch vụ công

ích có thể nhập khẩu hàng hoá để sản xuất hàng hoá và dịch vụ công ích. Đầu tư vào việc sản xuất và cung cấp dịch vụ công ích chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu tư và tuân thủ các thủ tục tương tự như với các dự án đầu tư khác. Hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng phương thức đấu thầu và đặt hàng trong việc sản xuất và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích đã được đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ để thông qua. Để trả lời câu hỏi về việc phân phối và tuyền tải điện, đại diện của Việt Nam lưu ý rằng hệ thống tuyền tải điện quốc gia vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam có kế hoạch cổ phần hoá các công ty cung cấp điện và đã cổ phần hoá thử nghiệm Công ty Điện lực Khánh Hoà, Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, Nhà máy Thủy điện Thác Bà và Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại.

18. Một Thành viên đề nghị Việt Nam làm rõ tại sao một số doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thương mại hàng nông sản không được đưa vào thông báo của Việt Nam về Doanh nghiệp thương mại nhà nước và lưu ý rằng một trang tin điện tử (website) của Việt Nam liệt kê một số đơn vị này là doanh nghiệp nhà nước, bao gồm Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (VINACAFE), Tổng Công ty Chè Việt Nam (VINATEA) và Tổng Công ty Sữa Việt Nam (VINAMILK). Đại diện của Việt Nam cung cấp thông tin về các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này tại Phụ lục 2 của Tài liệu WT/ACC/VNM/32. VINACAFE xuất khẩu 220.000 tấn cà phê hạt năm 2004, chiếm 25,9% tổng xuất khẩu cà phê hạt của Việt Nam và VINATEA xuất khẩu 20.000 tấn chè năm 2005 – chiếm 23,7% tổng xuất khẩu chè của Việt Nam. Đại diện của Việt Nam bổ sung thêm là 9 doanh nghiệp thành viên của VINACAFE và 8 doanh nghiệp thành viên của VINATEA đã được cổ phần hóa. VINAMILK đã được cổ phần hóa toàn bộ. Nhà nước sở hữu 50,1% cổ phần của VINAMILK. Các hoạt động của VINAMILK căn cứ vào các tiêu chí thương mại và không chịu sự can thiệp của chính phủ. Đại diện của Việt Nam khẳng dịnh không có quy định nào cấm VINAMILK bán các sản phẩm nhập khẩu tại thị trường trong nước. Đại diện của Việt Nam cho biết tính đến giữa năm 2005, 6 công ty muối thuộc Tổng Công ty muối đã được cổ phần hóa. Nhà nước vẫn giữ cổ phần đa số trong bốn công ty và giữ cổ phần thiểu số trong 2 công ty. Tỷ lệ cổ phần thuộc sở hữu nhà nước trong các công ty này nằm trong khoảng từ 51-57%. Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh muối thuộc sự quản lý của chính quyền địa phương cũng sẽ được cổ phần hóa. Đại diện của Việt Nam lưu ý rằng Nhà nước không bảo lãnh cho hoạt động thương mại của các công ty này.

19. Trả lời câu hỏi về làm rõ lý do Nhà nước tham gia vào phân phối muối, đại diện của Việt Nam nói rằng sản xuất muối là nguồn thu nhập chính của trên 100.000 nông dân nghèo ở các vùng ven biển, nơi mà đất đai hầu như không thể sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Sự tham gia của Nhà nước vào lĩnh vực này là nhằm đảm bảo thu nhập ổn định cho các nông dân này và bảo đảm cung cấp đủ muối cho cư dân ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Tổng công ty muối có 10 doanh nghiệp thành viên chuyên sản xuất và kinh doanh muối hoạt động theo cơ chế thị trường. Tổng công ty muối thu mua muối từ diêm dân (người sản xuất muối) để sản xuất ra các loại muối (muối sạch, muối tinh chế, muối iốt) và bảo đảm dự trữ quốc gia đối với muối. Sản lượng muối hàng năm của Tổng công ty muối, bao gồm lượng muối trực tiếp sản xuất và liên doanh sản xuất chiếm khoảng 15-20% tổng nguồn muối sản xuất trong nước. Tổng Công ty Muối mỗi năm thu mua khoảng 30 – 40% sản lượng muối của Việt Nam. Trong tổng số muối mà Tổng Công ty muối mua của diêm dân thì phần lớn được cung ứng làm nguyên liệu cho 32 xí nghiệp sản xuất muối của Tổng Công ty và các tỉnh miền núi để sản xuất muối iốt phục vụ tiêu dùng theo chương trình trọng điểm quốc gia. Việt Nam lưu ý rằng tất cả các doanh nghiệp được tự do tham gia sản xuất và phân phối muối. Không có hạn chế nào với các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Rất nhiều doanh nghiệp tư nhân đang kinh doanh muối tại Việt Nam và việc phân phối muối tới người tiêu dùng trong nước chủ yếu do các doanh nghiệp tư nhân và tiểu thương thực hiện.

20. Một Thành viên đề nghị Việt Nam cung cấp thông tin về các doanh nghiệp được hưởng độc quyền hoặc đặc quyền. Thành viên này bày tỏ lo ngại chung rằng các doanh nghiệp này khi tham gia xuất khẩu có thể sử dụng ưu đãi và đặc quyền của mình để che giấu trợ cấp xuất khẩu hoặc thực hiện các hành vi hạn chế cạnh tranh. Các Thành viên yêu cầu Việt Nam cung cấp chi tiết về các bước đi cụ thể mà Việt Nam sẵn sàng thực hiện nhằm bảo đảm hoạt động và chính sách của các doanh nghiệp thương mại nhà nước của Việt Nam sẽ không bóp méo thương mại và sẽ phù hợp với nguyên tắc không phân biệt đối xử quy định tại Điều XVII của Hiệp định GATT 1994. Thông tin về các sản phẩm bị áp dụng các biện pháp phi thuế mà Việt Nam cung cấp trong tài liệu WT/ACC/VNM/9, Phụ lục I cho thấy là nhiều sản phẩm thuộc danh mục thương mại nhà nước là đối tượng của các hạn chế bổ sung như hạn chế số lượng, phụ thu và cấp phép nhập khẩu. Một số doanh nghiệp Việt Nam dường như vừa tham gia vào hoạt động thương mại, vừa tham gia ban hành các qui định điều chỉnh hoạt động ngành và các Thành viên khuyến khích Việt Nam tách biệt các chức năng này để bảo đảm một môi trường thương mại và pháp lý minh bạch và cởi mở hơn.

21. Đại diện của Việt Nam cung cấp thông tin về doanh nghiệp thương mại nhà nước được hưởng độc quyền hoặc đặc quyền trong tài liệu WT/VNM/3/Add1, Phụ lục 6 và “Thông báo về các Doanh nghiệp Thương mại Nhà nước” trong tài liệu WT/ACC/VNM/14 ngày 28/6/2000, sau đó được sửa đổi trong tài liệu WT/ACC/VNM/14/Add.1 ngày 31/10/2003 và WT/ACC/VNM/14/Add.2 ngày 21/4/2006 và WT/ACC/VNM/14/Rev.1 ngày 6 tháng 10 năm 2006. Các đơn vị được xác định là doanh nghiệp thương mại nhà nước được hưởng độc quyền hay đặc quyền và các mặt hàng kinh doanh của các đơn vị này ghi theo mã số HS được trình bày chi tiết tại Bảng 5. Việt Nam lưu ý rằng tất cả các doanh nghiệp thương mại nhà nước ở Việt Nam đều vận hành theo tiêu chí thương mại. Việt Nam cũng xác nhận rằng doanh nghiệp thương mại nhà nước của Việt Nam không có chức năng hoạch định chính sách trong ngành mà các doanh nghiệp này hoạt động. Chức năng hoạch định chính sách thuộc về các cơ quan chính phủ.

Bảng 5: Các doanh nghiệp thương mại nhà nước ở Việt Nam

STT

SẢN PHẨM

MÃ HS

TÊN DOANH NGHIỆP

CHỨC NĂNG CỦA DOANH NGHIỆP

1

Dầu thô

27090010

Tổng Cty Dầu khí Việt Nam (PETROVIETNAM)

Tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến và kinh doanh sản phẩm dầu và khí đốt, cung cấp các dịch vụ liên quan đến dầu và khí đốt

2

Xăng dầu

271011,

271019,

271099

PETROLIMEX PETEC PETECHIM

SAIGON PETRO

PETROMEKONG VINAPCO (Cty xăng dầu hàng không là nhà tái xuất khẩu duy nhất xăng dầu máy bay)

Công ty chế biến và kinh doanh các sản phẩm dầu khí

MARINESUPPLY

Tổng Công ty dầu khí quân đội

Công ty Xuất nhập khẩu xăng dầu Đồng tháp

Được phép nhập khẩu xăng dầu nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa.

3

Máy bay, phụ tùng máy bay và các phương tiện, thiết bị hàng không

8802,

8803

Công ty XNK hàng không (AIRIMEX)

Đảm bảo việc cung cấp máy bay, phương tiện, thiết bị và vật tư dùng trong ngành hàng không; Là nhà nhập khẩu độc quyền máy bay và các vật tư, phụ tùng dùng cho hàng không.

4

Băng đĩa hình

ex8524

Cty XNK và phát hành phim Việt Nam (FAFILMVIETNAM)

Nhà nhập khẩu duy nhất và phân phối bán buôn.

5

Báo chí

4902

Cty XNK sách báo

(XUNHASABA)

Nhà nhập khẩu duy nhất và phân phối bán buôn.

6

Thuốc lá, xì gà, và các sản phẩm thuốc lá chế biến khác

2402,

2403

Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (VINATABA)

Nhà nhập khẩu duy nhất

Ghi chú: Xem Bảng 8(c) ở Phụ lục II để có danh sách chi tiết mã HS của toàn bộ các dòng thuế nhập khẩu thuộc diện thương mại nhà nước.

22. Một Thành viên lưu ý rằng một số mặt hàng bao gồm gạo, phân bón, dược phẩm, than, đá quý, thiết bị ngành in, trang thiết bị cho điện ảnh và rượu đã được đưa ra khỏi danh mục thương mại nhà nước và đề nghị Việt Nam giải thích quá trình cải cách nhằm đi đến xoá bỏ các hoạt động thương mại nhà nước này và cho biết hoạt động xuất, nhập khẩu hiện nay diễnra như thế nào.

23. Đại diện của Việt Nam trả lời rằng việc kiểm soát giá đối với xuất khẩu gạo và hệ thống doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo đã được loại bỏ. Do vậy, các mặt hàng này được đưa ra khỏi danh mục thương mại nhà nước của Việt Nam. Đối với phân bón, cơ chế áp đặt hạn ngạch và chỉ định đầu mối nhập khẩu phân bón đã được bãi bỏ theo Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 4 tháng 4 năm 2001, việc kiểm soát giá nhập khẩu phân bón của Ban Vật giá Chính phủ cũng đã được bãi bỏ. Bất kỳ doanh nghiệp nào đăng ký kinh doanh mặt hàng phân bón cũng được nhập khẩu và kinh doanh phân bón một cách tự do. Việc sản xuất và kinh doanh phân bón được điều chỉnh bởi Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 7/10/2003. Việt Nam không hạn chế doanh nghiệp tư nhân tham gia sản xuất và kinh doanh phân bón. Đại diện của Việt Nam xác nhận các công ty 100% vốn tư nhân kinh doanh phân bón có thể được thành lập. Tuy nhiên, để bảo đảm nhu cầu của cộng đồng dân cư ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, nơi mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chưa thể cung ứng đủ, Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chủ yếu trong Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và trong 4 hoặc 5 công ty khác thuộc một số tỉnh. Các doanh nghiệp khác tham gia nhập khẩu và phân phối phân bón đều là các doanh nghiệp tư nhân. Mặc dù không hạn chế các doanh nghiệp tư nhân nhưng đến nay chỉ có các doanh nghiệp Nhà nước tham gia vào sản xuất phân đạm bởi nhu cầu vốn đầu tư lớn. Đại diện của Việt Nam lưu ý rằng một số nhà đầu tư nước ngoài đã được cấp phép đầu tư để sản xuất và phân phối phân bón NPK ở Việt Nam. Tính đến tháng 12/2005, 4 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong ngành này đã được thành lập.

24. Lưu ý rằng Việt Nam bảo lưu quyền không cho phép các công ty nước ngoài được tham gia vào việc xuất và/hoặc nhập khẩu một số mặt hàng nhất định (Bảng 8 (a) – (c)), một Thành viên đặt câu hỏi rằng liệu có các doanh nghiệp thương mại nhà nước đang tồn tại hoặc sẽ được thành lập để kinh doanh các mặt hàng này không và liệu các doanh nghiệp liên quan đã hoặc sẽ được thông báo là doanh nghiệp thương mại nhà nước không. Đại diện của Việt Nam trả lời rằng tất cả các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thuộc diện thương mại nhà nước đều đã được thông báo. Việc bảo lưu quyền kinh doanh nhằm bảo lưu quyền nhập khẩu cho một số doanh nhiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong một khoảng thời gian nhất định. Việt Nam cam kết đảm bảo rằng hoạt động của các doanh nghiệp thương mại nhà nước sẽ tuân thủ các quy định của WTO, bao gồm Điều XVII của GATT 1994 và Hiệp định diễn giải Điều này.

25. Việt Nam bổ sung thêm rằng Việt Nam không có quy định cụ thể về việc mua sắm của doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp thương mại nhà nước khác. Tất cả các quyết định mua sắm hoặc nhập khẩu của doanh nghiệp thương mại nhà nước được dựa trên nhu cầu thực tế và được thực hiện theo tiêu chí thương mại thông qua đấu thầu.

77. Được yêu cầu đưa ra cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp đã được cổ phần hoá có thể khiếu nại về việc doanh nghiệp thương mại Nhà nước hoạt động không trên cơ sở thương mại hoặc có các hành vi hạn chế cạnh tranh, đại diện của Việt Nam nói rằng các hành vi hạn chế cạnh tranh thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh, cụ thể là Điều 15 (3) (xem phần về “chính sách cạnh tranh”).

26. Đại diện của Việt Nam xác nhận rằng Việt Nam sẽ đảm bảo tất cả các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước hay do nhà nước kiểm soát, kể cả các doanh nghiệp đã được cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ quyền kiểm soát, và các doanh nghiệp được hưởng đặc quyền hay độc quyền sẽ thực hiện việc mua sắm không phục vụ cho nhu cầu của chính phủ và bán hàng trong hoạt động thương mại quốc tế chỉ dựa trên các tiêu chí thương mại, tức là các tiêu chí về giá cả, chất lượng, khả năng bán ra thị trường, khả năng cung cấp, và rằng các doanh nghiệp của các Thành viên WTO khác sẽ có cơ hội thỏa đáng, theo đúng với tập quán kinh doanh thông thường, khi cạnh tranh để tham gia vào các giao dịch mua bán với các doanh nghiệp này mà không bị phân biệt đối xử. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam sẽ không tác động dù là trực tiếp hay gián tiếp tới các quyết định thương mại của các doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, do Nhà nước kiểm soát, hay các doanh nghiệp được hưởng đặc quyền hay độc quyền, gồm các quyết định về số lượng, giá trị hay nước xuất xứ của bất kỳ hàng hóa nào được mua hay bán, trừ trường hợp can thiệp theo cách thức phù hợp với các quy định của Hiệp định WTO và các quyền tương tự quyền dành cho các chủ doanh nghiệp hay cổ đông khác không phải là Chính phủ. Ban Công tác ghi nhận các cam kết này.

27. Đại diện Việt Nam xác nhận rằng, không ảnh hưởng tới các quyền của Việt Nam liên quan tới hoạt động mua sắm chính phủ, tất cả các luật, quy định và biện pháp liên quan tới mua sắm hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước kiểm soát hay doanh nghiệp được hưởng đặc quyền hay độc quyền để bán hàng vì mục đích thương mại, sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ vì mục đích thương mại, hoặc không nhằm phục vụ mục đích của chính phủ, sẽ không được coi là những luật, quy định và biện pháp liên quan tới mua sắm chính phủ. Do đó, các giao dịch mua bán này sẽ phải chịu sự điều chỉnh của các quy định tại Điều II, XVI, XVII của GATS và Điều III của GATT 1994. Ban Công tác ghi nhận cam kết này.

SOURCE: BÁO CÁO CỦA BAN CÔNG TÁC VỀ VIỆC VIỆT NAM GIA NHẬP WTO

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :