“TỪ HẢI” KHÔNG CHẾT ĐỨNG!

NGUYỄN HỮU LONG Bài viết “Có một ‘Từ Hải’ thời nay” của tác giả Vũ Xuân Tiền đăng trên TBKTSG số 11-2010 kể chuyện Công ty cổ phần KHB không thể thay đổi người đại diện pháp luật công ty do không thể triệu tập được đại hội đồng cổ đông có số cổ đông tham dự đại diện cho ít nhất 75% số cổ phần có quyền biểu quyết. Trong bốn lần triệu tập họp, thành phần tham dự vẫn chỉ có hai người (ông K. và ông H.), chiếm 60% số vốn điều lệ của công ty; còn hai người còn lại (ông B. và ông Đ.), chiếm 40% vốn điều lệ công ty, thì liên tục vắng mặt. Bài viết cũng cho rằng “Luật Doanh nghiệp quy định, để thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty phải có số phiếu nhất trí đại diện cho ít nhất 75% số vốn có quyền biểu quyết”. Từ đó, bài viết kết luận, việc thay đổi người đại diện pháp luật của Công ty KHB đi vào bế tắc và ông K. – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty trở thành “Từ Hải thời @” – bị “chết đứng” vì không có cách nào tháo gỡ. Thực ra, trong trường hợp này, Luật Doanh nghiệp không hề để cho “Từ Hải” phải chết đứng. Điều 102, Luật Doanh nghiệp quy định rất rõ: 1. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định. 2. Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại khoản 1 điều này thì được triệu tập họp lần thứ hai trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. Cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông triệu tập lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định. 3. Trường hợp cuộc họp triệu tập lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại khoản 2 điều này thì được triệu tập họp lần thứ ba trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ hai. Trong trường hợp này, cuộc họp của đại hội đồng cổ đông được tiến hành không phụ thuộc vào số cổ đông dự họp và tỷ lệ số cổ phần có quyền biểu quyết của các cổ đông dự họp”.   Mặt khác, điều 104, khoản 2, mục b quy định: “Đối với quyết định về loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty; đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không có quy định khác thì phải được số cổ đông đại diện ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định”. Lưu ý là cụm từ “75% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp” trong Luật Doanh nghiệp hoàn toàn khác với cụm từ “75% số cổ phần có quyền biểu quyết” của tác giả Vũ Xuân Tiền. Nói cách khác, hai ông K. và H. trong bài viết, với tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết là 60%, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông tổ chức lần thứ hai (sau lần đầu không đủ mức 65%), hoàn toàn có quyền thông qua một nghị quyết với trên 75% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp (thực chất là của hai ông này) để thay đổi Điều lệ Công ty KHB, quy định lại Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty (tức ông K.) là người đại diện theo pháp luật của công ty (theo điều 116 Luật Doanh nghiệp). Khi đó, ông K. có quyền đăng ký lại với cơ quan có thẩm quyền để có thể ký các giấy tờ cần thiết, trong đó có tờ khai thuế của công ty, với tư cách là người đại diện theo pháp luật của Công ty KHB. Như vậy, “Từ Hải” đâu có “chết đứng”! Rõ ràng, trong trường hợp này, hai ông K. và H. ở Công ty KHB đã không vận dụng hết những điều khoản “mở” trong Luật Doanh nghiệp để xử lý tình huống không phải là quá lắt léo của mình. Cần nhớ rằng, kể cả khi hai ông chỉ chiếm một tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết thấp hơn 60%, thì hai ông vẫn có thể triệu tập đại hội đồng cổ đông lần thứ ba (không bị yêu cầu tối thiểu nào về số cổ đông dự họp và tỷ lệ số cổ phần có quyền biểu quyết) để thông qua một nghị quyết cứu “Từ Hải” một cách ngoạn mục, không phụ thuộc vào những kẻ “đào tẩu” vô trách nhiệm hoặc vô lương tâm. Cũng trong bài viết, tác giả cho rằng “chỉ cần một cá nhân chiếm 25,2% vốn điều lệ là đã có thể vô hiệu hóa tất cả các nghị quyết của đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng thành viên”. Điều này là không thể, vì như trên đã nói, nếu người này cố tình vắng mặt, các cổ đông khác vẫn có thể triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông lần thứ hai, hoặc thứ ba (nếu lần thứ hai không đủ tỷ lệ số cổ phần có quyền biểu quyết) để đưa ra các nghị quyết một cách hợp pháp. Đó là chưa kể, có rất nhiều nghị quyết Đại hội đồng cổ đông có thể được thông qua một cách hợp pháp với tỷ lệ chấp thuận chỉ 65% (chứ không cần đến 75%) tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tất cả các cổ đông dự họp (chứ không phải của tất cả cổ đông công ty). Khó khăn nhất là khi có một cổ đông chiếm giữ (hoặc đại diện) trên 35% số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty luôn đến dự họp và luôn bỏ phiếu không tán thành nghị quyết. Lúc đó tỷ lệ tán thành sẽ không thể đạt được mức 65%, và các nghị quyết Đại hội đồng cổ đông sẽ không thể được thông qua. Chỉ trong trường hợp này, “Từ Hải” mới thực sự là “chết đứng”!  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật