Tổng kết Luật Đất đai 2003 ở TP.HCM: Kết quả và những đề xuất

Mới đây, tại hội nghị tổng kết về công tác thi hành Luật Đất đai trên địa bàn TP.HCM từ năm 2003-2010, UBND TP đã đưa ra báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về đất đai và những đề xuất sửa đổi, bổ sung từ thực tiễn sau bảy năm thực hiện luật này.
  Nỗ lực lớn của TP.HCM Trên cơ sở Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai của Chính phủ và các bộ, ngành ở trung ương, thời gian qua (tính từ ngày 1-7-2004 - ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi hành đến ngày 30-10-2010), HĐND và UBND TP đã ban hành tổng cộng hơn 100 văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa và triển khai thi hành Luật Đất đai trên địa bàn TP. Trong đó gồm 11 nghị quyết, 10 chỉ thị và 95 quyết định, điều chỉnh đầy đủ 13 nội dung quản lý nhà nước về đất đai theo quy định tại Điều 6 Luật Đất đai năm 2003. Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành đã đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương, tập trung vào các nội dung cụ thể về hạn mức sử dụng đất, giá đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Trong đó báo cáo nêu rõ các kết quả đạt được cũng như những hạn chế và phân tích rõ các nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan của những hạn chế, bất cập. Một số nội dung khá nóng người dân đang rất quan tâm cũng được thể hiện khá rõ trong báo cáo như vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giá đất, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo các vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai… TP.HCM đã thành công khi chủ trương đưa các nguồn đất chưa sử dụng vào sử dụng hiệu quả. Mức độ chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp đạt tỉ lệ khoảng 40% theo kế hoạch. Nguyên nhân là do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2007, thị trường bất động sản suy giảm làm chậm tiến độ triển khai một số dự án quy mô lớn; khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng… Điều này kéo theo chỉ tiêu thực hiện của nhóm đất phi nông nghiệp cũng đạt thấp, chỉ 46% so với kế hoạch. Về đất chưa sử dụng, giảm từ 2.263 ha năm 2005 xuống còn 635 ha cuối năm 2009, đạt 97,1% so với kế hoạch. Kết quả này cho thấy TP đã tận dụng nguồn đất này và đưa vào sử dụng có hiệu quả. Báo cáo đánh giá công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất luôn được quan tâm đặc biệt thể hiện qua việc UBND TP đã ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, thường xuyên điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế địa phương, thành lập Hội đồng Thẩm định giải phóng mặt bằng TP và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng ở 24 quận, huyện… Số lượng dự án phải thực hiện bồi thường trên địa bàn TP từ năm 2004 đến nay khoảng 260 dự án với diện tích đất trên 2.000 ha, tổng số bị ảnh hưởng ước khoảng 36.000 hộ. Về công tác hậu kiểm đối với các dự án triển khai chậm hoặc không triển khai thực hiện sau khi đã được giao đất, cho thuê đất, TP đã xử lý thu hồi 80 dự án với tổng diện tích 1.140,2 ha. Về tình hình khiếu nại, tranh chấp liên quan đến đất đai, từ năm 2004 đến nay TP tiếp nhận khoảng 40.000 đơn, trong đó hơn 9.000 đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết, nhiều vụ việc công dân tập trung khiếu nại đông người gây ảnh hưởng trật tự, an toàn xã hội. Trên toàn địa bàn TP đã tiếp nhận và giải quyết hơn 25.000 vụ, trong đó chiếm số lượng lớn nhất là các tranh chấp về quyền sử dụng đất. Báo cáo cho biết, qua phân tích kết quả giải quyết nhận thấy hầu hết các trường hợp khiếu nại đòi lại đất, khiếu nại về việc thu hồi đất đều không có cơ sở giải quyết. Khoảng 5% trường hợp khiếu nại, tranh chấp có kết quả giải quyết lần hai của UBND TP sửa đổi quyết định của quận, huyện. Điều này thể hiện chất lượng giải quyết tranh chấp, tố cáo ngày càng được nâng cao. Đề xuất sửa đổi Luật Đất đai 2003 Bên cạnh những kết quả, hiệu ứng tích cực mang lại trong việc thực thi Luật Đất đai 2003, tình hình quản lý và sử dụng đất đai còn một số hạn chế, các quy định pháp luật chưa theo kịp với thực tiễn cuộc sống và sự biến chuyển của nền kinh tế thị trường. Nhiều khái niệm, thuật ngữ chưa được định nghĩa, chẳng hạn “hộ gia đình”, “cộng đồng dân cư”, “đấu thầu dự án có sử dụng đất”… Chính vì vậy, một số điều luật được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau hoặc không rõ. Có sự thiếu đồng bộ, nhất quán, thậm chí mâu thuẫn giữa Luật Đất đai với Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở… Hệ thống pháp luật đất đai hiện hành còn thiếu cơ chế thực hiện việc điều tiết hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng và chủ đầu tư. Bên cạnh đó, còn nhiều hạn chế khác gây khó khăn khi áp dụng luật vào thực tế. Từ thực tiễn đó, UBND TP.HCM đã kiến nghị một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện luật. Trước hết là bổ sung một số khái niệm, thuật ngữ chưa rõ ràng như đã nêu trên. Cùng với đó là nhiều kiến nghị về việc xác định địa giới hành chính; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất; về thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chế định về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất… Báo cáo của UBND TP cũng nêu rõ một số kiến nghị còn mang tính định hướng, cần những nghiên cứu sâu, rộng hơn trên nhiều khía cạnh của đời sống để có căn cứ hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật đất đai trong thời gian tới. NHƯ THỦY
 

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật