THUẾ LÀ CÔNG CỤ TẠO BÌNH ĐẲNG XÃ HỘI?

THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN - Hiện nay tỷ lệ thu thuế trên GDP của nước ta đã khá cao so với các nước khác trong khu vực. Lấy năm 2006 là năm có số liệu so sánh của ADB, tỷ lệ này ở Việt Nam là 23,7% so với 12,3% ở Indonesia, 15,1% ở Malaysia, 14,3% ở Philippines và 12,9% ở Singapore. Ngay ở Trung Quốc, tỷ lệ này cũng chỉ ở mức 16,4%. Vậy mà Bộ Tài chính vẫn đang soạn thảo một sắc thuế mới: Thuế nhà đất với các mức thuế suất khác nhau dựa vào giá trị và diện tích căn nhà. Thật ra đây cũng là điều phải làm vì hiện nay thu từ thuế đất chỉ chiếm 0,2% tổng thu thuế mà lẽ ra, cộng tất cả các loại thuế từ bất động sản, phải nâng lên khoảng 2% là hợp lý. Nhưng để sắc thuế này có thể đi vào cuộc sống một cách có hiệu quả nhất, vấn đề cần góp ý xem xét không phải là mức thuế suất mà là một số vấn đề cơ bản mang tính nguyên tắc. Như đã nói ở trên, tỷ lệ thu thuế đã khá cao, nếu thêm một loại thuế, cần phải giảm thuế ở các loại khác một cách tương ứng để giảm gánh nặng thuế khóa cho xã hội nói chung và người đóng thuế có thu nhập thấp. Lấy ví dụ, thuế giá trị gia tăng hiện nay đã được thu có hiệu quả nên “năng suất thuế” đã cao hơn cả các nước công nghiệp – cần được xem xét giảm ở nhiều mặt hàng và dịch vụ để chúng có thể đến tay người nghèo nhiều hơn nữa. Hay thuế thu nhập doanh nghiệp, theo Ngân hàng Thế giới, số hụt thu còn rất cao mà nếu chỉ cần cải tiến cách thu, biện pháp thu, sẽ làm tăng nguồn thu một cách đáng kể. Đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước, số thuế lẽ ra phải thu được trong năm 2007 là gần 30.000 tỉ nhưng số thực thu chỉ khoảng 8.000 tỉ, một tỷ lệ tuân thủ thuế chỉ có 26,8%. Như vậy, mục tiêu chính của thuế nhà ở không thể là tăng nguồn thu cho ngân sách. Mục tiêu chính của nó phải là nhằm điều tiết thu nhập, tạo công bằng xã hội, hạn chế việc đầu cơ vào nhà đất, ngăn cản những quả bong bóng địa ốc từng gây xáo động lớn cho nền kinh tế. Một khi đã xác định được như thế, những công việc còn lại sẽ dễ dàng hơn nhiều. Rõ ràng phải đánh thuế thật cao đối với những người sở hữu căn nhà thứ hai, thứ ba. Lúc đó, thuế sẽ có tác dụng buộc họ cân nhắc giữa việc nhà lên giá và chi phí thuế phải tính đến hàng năm. Những doanh nghiệp gom đất đai với giá đền bù rẻ mạt cho nông dân để làm những dự án phi sản xuất cũng phải đối diện với mức thuế thật cao để không ai có thể hưởng lợi bất công trên chênh lệnh giá. Mức thuế cho đại đa số người dân sở hữu một căn nhà bình thường phải thật thấp để việc thu thuế không phải là gánh nặng cho cơ quan hành thu, để không ai phải tìm cách trốn thuế. So với các loại thuế khác, thuế nhà đất có đặc điểm là giúp thể hiện tính công bằng cao. Nhà đất cũng là loại tài sản dễ kiểm tra tính chân thật trong kê khai. Những nhà làm chính sách nên soạn thảo luật thuế này sao cho những việc đầu cơ vào đất đai không còn hấp dẫn, việc sử dụng đất đai lãng phí phải bị trả giá – như vậy cũng là góp phần hạn chế tình trạng tham nhũng ở nước ta.   ————————————–
THUẾ KHÔNG THỂ TẠO BÌNH ĐẲNG XÃ HỘI Trung Hòa Thuế chưa bao giờ tạo ra bình đẳng xã hội. Cùng lắm nó chỉ có thể giúp giảm bớt bất bình đẳng xã hội mà thôi. Ví dụ như thuế nhà đất – việc đánh thuế các căn biệt thự của những người giàu sụ không bao giờ có thể tạo ra sự bình đẳng giữa họ với những người nghèo sống trong các căn nhà cấp 4 được. Vả chăng mục đích đầu tiên của thuế là tạo ra nguồn thu để duy trì bộ máy Nhà nước; bộ máy này, đến lượt nó, có chức năng chủ yếu là đảm bảo cho xã hội vận hành được trơn tru ở mức cao nhất có thể, và sự bất bình đẳng lại chính là một thuộc tính của cái xã hội đó. Giữ cho sự bất bình đẳng được tồn tại, ví dụ giám đốc lương cao ở nhà đẹp còn công nhân lương thấp ở nhà xấu, vì thế cũng là một nhiệm vụ của bộ máy Nhà nước. Chỉ một phần nhỏ số tiền thu được từ thuế là được dành cho các mục đích an sinh xã hội mà người hưởng lợi là các tầng lớp dưới, làm giảm bớt phần nào sự bất bình đẳng đó. Có thể nói, thuế chủ yếu nhằm duy trì sự bất bình đẳng xã hội, hơn là xóa bỏ nó. Bất bình đẳng xã hội là sản phẩm của xã hội ở giai đoạn phát triển nhất định, trong những điều kiện nhất định. Nó chỉ có thể bị xóa bỏ để tạo ra sự bình đẳng thực sự bằng con đường nào đó khác, chứ không phải thông qua thuế. Sẽ là chuyện khác nếu thay từ "bình đẳng" bằng "công bằng"; trong trường hợp này thuế thực sự là công cụ tạo ra công bằng xã hội: người ở nhà to thì phải nộp thuế nhiều, người ở nhà bé không phải nộp thuế, đó là công bằng vậy! Công bằng, nhưng không bình đẳng; và chính vì để cho công bằng nên không thể bình đẳng được.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật