THỰC TIỄN XÁC ĐỊNH CHA, MẸ, CON: TRUY NHẬN NGƯỜI ĐÃ CHẾT LÀ CHA – KHÓ!

HOÀNG YẾN
Một cặp chị em song sinh hơn 27 tuổi kiện xin xác nhận cha. Vụ việc bế tắc bởi người cha đã mất…
Ngày 23-7, sau khi nghị án, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao đã quyết định hoãn phiên xử để cân nhắc việc lấy mẫu giám định ADN xác định huyết thống vì phía bị đơn cương quyết phản đối. Tuổi thơ vắng bóng cha Tháng 4-2009, hai chị em song sinh N. và H. đã nộp đơn đến TAND tỉnh Tây Ninh xin xác định ông S. là cha. Theo nội dung đơn, năm 1980, mẹ họ cùng ông S. không làm lễ cưới hỏi nhưng sống công khai như vợ chồng. Khi người mẹ mang thai họ thì giữa bà với ông S. phát sinh mâu thuẫn nên hai bên sống riêng. Đến năm 1983, họ chào đời, sống với mẹ và hoàn toàn không biết đến mặt cha. Người mẹ giận ông S. nên không chịu đi làm giấy khai sinh. Đến lúc phải khai sinh cho con để đi học, khai sinh của anh H. thì bà để trống tên cha, còn khai sinh của chị N. thì bà lấy họ ngoại và tên người khác ghép lại. Khoảng năm 2001-2002, bà mới nói cho hai chị em N. và H. biết ông S. là cha ruột của họ. Biết chuyện, chị em họ vẫn thường qua thăm nom cha và ông S. cũng không hề ngăn cản. Ông còn thường cho tiền, hỏi thăm đời sống của hai chị em. Đến cuối năm 2007, ông S. bệnh chết, hai chị em N. và H. đến xin chịu tang thì bị các cô chú ngăn cản. Vì thế, hai chị em họ đã nộp đơn ra tòa, yêu cầu xác định ông S. là cha của họ với chứng cứ là lời khai của người mẹ cùng một số nhân chứng đang sống tại địa phương. Không giám định được ADN Quá trình giải quyết án, hai chị em N. và H. đã yêu cầu xin quật mộ ông S. thu thập mẫu ADN để giám định huyết thống. Nhưng phía bị đơn đồng loạt phản đối. Họ nói chưa từng nghe hay biết gì về mối quan hệ giữa mẹ của hai chị em N. và H. với ông S. Lúc còn sống, ông S. chưa từng lần nào thừa nhận hai chị em N. và H. là con ruột; ngược lại, hai chị em N. và H. cũng chưa lần nào yêu cầu xác định ông S. là cha, nay ông S. đã mất mới yêu cầu là không thể chấp nhận.   Xử sơ thẩm hồi tháng 5, TAND tỉnh Tây Ninh phân tích: Nhà ông S. và nhà người mẹ của hai chị em N. và H. chỉ cách nhau khoảng 2 km. Suốt nhiều năm ông S. không có con, chỉ ở chung với một người vợ chính thức (đã mất từ năm 2005). Tuy nhiên, giữa ông S. và hai chị em N. và H. không có sự qua lại, chăm sóc nhau. Cạnh đó, ông S. khi còn sống không chính thức thừa nhận hai chị em N. và H. là con ruột. Khi mất, ông cũng không để lại di chúc hay thừa nhận miệng rằng họ là con ông. Mặt khác, giấy khai sinh của hai chị em N. và H. không thể hiện ông S. là cha của họ. Dù các nhân chứng đều khẳng định họ là con ruột của ông S. nhưng chỉ là sự suy đoán không có căn cứ, không phải là chứng cứ pháp lý để xem xét. Ngoài ra, suốt 24 năm (từ 1983 đến khi ông S. mất năm 2007), phía nguyên đơn sinh sống cùng địa phương nhưng không yêu cầu xác định ông S. là cha, nay lại yêu cầu khai quật mộ để giám định ADN là không thể chấp nhận bởi không phù hợp, trái quy luật xã hội, không được bên bị đơn đồng tình. Từ đó, TAND tỉnh Tây Ninh đã bác yêu cầu của hai chị em N. và H. Hai chị em N. và H. kháng cáo. Theo họ, nếu cơ quan tố tụng không cho khai quật mộ ông S. để lấy ADN giám định thì họ xin được xác định huyết thống thông qua ADN của các anh em ông S. Khó xử Có mặt tại phiên phúc thẩm, mẹ của hai chị em N. và H. trình bày rằng chỉ vì ngày đó bà hận một câu nói của ông S. mà không cho các con biết ông S. là cha ruột. Khi hai chị em N. và H. lớn lên, mọi người nói ra nói vào, bà mới cho con biết để cha con còn nhìn nhận nhau. Giờ đây, ông mất rồi, các con chỉ muốn thờ phụng cha mà bên bị đơn không thừa nhận nên bà quyết làm rõ trắng đen. Chính vì thế, khi tòa hỏi nếu giám định ADN thì chi phí rất cao, liệu phía nguyên đơn có khả năng chịu nổi không, người mẹ giục các con đồng ý ngay! Tại phiên xử, tòa cũng khuyên các anh em bị đơn là nên chấp nhận yêu cầu giám định của hai chị em N. và H. Theo tòa, họ cần tạo điều kiện để làm sáng tỏ vụ án, nếu xét nghiệm ADN giống nhau, họ có thêm hai người cháu, còn nếu không thì sự việc cũng được rõ ràng. Một thẩm phán nhấn mạnh: Ở đây tòa chỉ động viên chứ không bắt buộc. Thật ra dù chưa có chứng cứ nhưng nếu nhìn bằng mắt thường, hai chị em N. và H. đều có những nét rất giống với các anh em của ông S… Tuy nhiên, các anh em của ông S. vẫn cương quyết từ chối, nói “không có lý do gì để phải đi giám định cả”.
Bế tắc? Nhiều thẩm phán nhận xét sẽ rất khó giải quyết thỏa đáng vụ án này. Việc quật mộ ông S. để giám định ADN là trái đạo đức xã hội và vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía bị đơn. Trong khi đó, phía bị đơn lại từ chối, không chịu hợp tác để tiến hành giám định AND mà luật thì không có quy định nào cho phép tòa cưỡng chế họ cả. Chưa kể, việc giám định thông qua gien của cô chú khó có thể cho kết quả chính xác cao. Thực tế, nhiều vụ giám định ADN cha con còn cho những kết quả khác nhau, phải làm tới làm lui nhiều lần. Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM lấy làm tiếc trước cách xử lý của tòa sơ thẩm trong vụ này. Theo ông, vụ việc ngoài tính pháp lý còn có yếu tố thiêng liêng của quan hệ cha con. Nếu khi xử sơ thẩm, tòa cho rằng không thể giám định ADN thì nên căn cứ vào lời khai của các nhân chứng để xác định ông S. là cha của hai chị em N. và H. Nếu phía bị đơn không đồng ý, kháng cáo thì lên cấp phúc thẩm, họ có trách nhiệm chứng minh ngược lại là ông S. và hai chị em N. và H. không có quan hệ huyết thống. Lúc đó, chính họ sẽ phải chủ động đề nghị giám định ADN để có chứng cứ rõ ràng.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM Trích dẫn từ: http://phapluattp.vn/2010072309414928p1063c1016/truy-nhan-nguoi-da-chet-la-cha-kho.htm

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật