THỰC TIỄN GIẢI QUYẾT VI PHẠM BẢN QUYỀN: AI ĐỊNH GIÁ TANG VẬT XÂM PHẠM QUYỀN?

LÊ VĂN KIỀU – Nguyên Chánh Thanh tra Bộ KH&CN Theo yêu cầu của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp (KDCN) xe máy, cơ quan quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra và phát hiện 106 xe máy xâm phạm KDCN. Để có căn cứ xác định khung tiền phạt và số tiền phạt cụ thể, cơ quan QLTT đã xác định giá trị của các chi tiết xâm phạm đối với xe xâm phạm kiểu dáng xe Future Neo. Các chi tiết tạo nên KDCN xâm phạm là toàn bộ phần đầu xe (cụm đèn pha, đèn xi nhan). QLTT định giá 30.000 đ/bộ, nhưng giá thực tế của cụm đầu xe này do Sở Tài chính xác định, cung cấp cho cơ quan điều tra là 90.000 đ/bộ (thời điểm tháng 9.2008) và 76.000 đ/bộ (thời điểm tháng 3.2009). Đối với ốp sườn trước trái, phải (vè), QLTT định giá 50.000 đ/bộ nhưng Sở Tài chính xác định giá thực tế là 100.000-116.000 đ/bộ. Đối với chắn bùn sau (vè sau), QLTT định giá 20.000 đ/bộ nhưng Sở Tài chính định giá theo thực tế ngoài thị trường đến 50.000 đ/bộ. Theo đó, mức giá của Sở Tài chính xác định dao động từ 425.000 đến 450.000 đ/bộ linh kiện có yếu tố xâm phạm, trong khi Chi cục QLTT thẩm định chỉ có 170.000-180.000 đ/bộ. Trên cơ sở giá trị các chi tiết do Sở Tài chính xác định với tổng số xe xâm phạm là 106 xe, cơ quan cảnh sát điều tra cho rằng, có sự chênh lệch khi định giá giá trị lô hàng này, dẫn tới định giá sai làm thiệt hại cho Nhà nước. Cơ quan cảnh sát sẽ xem xét đề nghị xử lý theo hướng khởi tố vụ án hình sự hoặc xử lý hành chính, tùy theo mức độ sai phạm và tổng giá trị tài sản sau khi được thẩm định giá chính xác. (Nguồn: Sài Gòn Giải phóng, ngày 16.6.2009) Lời bình 1. Cơ quan QLTT đã xác định 106 xe là tang vật của vụ xâm phạm quyền về KDCN, vì trên các xe này có các yếu tố xâm phạm”. Đó là các yếu tố được tạo ra từ hành vi xâm phạm. Đối với KDCN đó là sản phẩm, phần sản phẩm bị coi là yếu tố xâm phạm quyền đối với KDCN thuộc trường hợp là trên sản phẩm hoặc phần sản phẩm bị xem xét, kể cả trường hợp đã được cấp Bằng độc quyền KDCN, có tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể là bản sao hoặc về bản chất là bản sao (gần như không thể phân biệt được sự khác biệt) KDCN của chủ sở hữu khác đã được bảo hộ mà không được sự đồng ý của người đó.   Cụ thể trong trường hợp này, đối với xe vi phạm kiểu dáng xe Future Neo gồm toàn bộ phần đầu xe (cụm đèn pha, đèn xi nhan), ốp sườn trước trái, phải (vè), chắn bùn sau (vè sau) và một số chi tiết khác là các chi tiết có yếu tố xâm phạm. Như vậy, việc xác định 106 xe này có các yếu tố xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) đối với KDCN là đúng quy định. 2. Về thẩm quyền xác định giá trị tang vật xâm phạm. Để có thể xác định khung tiền phạt theo quy định của Nghị định số 106/2006/NĐ-CP ngày 22.9.2006, QLTT đã tiến hành xác định giá của các chi tiết này. Điều 28 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP quy định cơ chế xác định giá thực hiện như sau: Hàng hoá xâm phạm là phần (bộ phận, chi tiết) của sản phẩm có chứa yếu tố xâm phạm có thể lưu hành như một sản phẩm độc lập. Trường hợp không thể tách rời yếu tố xâm phạm thành phần sản phẩm độc lập thì hàng hoá xâm phạm là toàn bộ sản phẩm chứa yếu tố xâm phạm. Giá trị hàng hoá xâm phạm do cơ quan xử lý xâm phạm xác định tại thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm, dựa trên các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau: Giá niêm yết của hàng hoá xâm phạm; giá thực bán của hàng hoá xâm phạm; giá thành của hàng hoá xâm phạm (nếu chưa được xuất bán); giá thị trường của hàng hoá tương đương có cùng chỉ tiêu kỹ thuật, chất lượng. Giá trị hàng hóa xâm phạm được tính theo phần (bộ phận, chi tiết) sản phẩm xâm phạm và trên tổng số tang vật xâm phạm (trong trường hợp này là 106 xe). Theo quy định của Điều 28 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP, QLTT là cơ quan thụ lý vụ xâm phạm quyền này nên cũng là cơ quan xác định giá tại thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm. Do đó, việc QLTT xác định giá để làm căn cứ áp dụng khung tiền phạt quy định tại Nghị định số 106/NĐ-CP là đúng thẩm quyền. 3. Vấn đề nảy sinh ở đây là, giá trị từng chi tiết do QLTT và Sở Tài chính xác định có sự chênh lệch. Theo đó, mức giá của Sở Tài chính xác định dao động từ 425.000 đến 450.000 đ/bộ linh kiện, Chi cục QLTT xác định chỉ có 170.000-180.000 đ/bộ. Trong trường hợp này sử dụng giá do cơ quan nào xác định để làm căn cứ xác định khung tiền phạt? Nghị định số 105/2006/NĐ-CP đã lường trước trường hợp giữa cơ quan tài chính và các cơ quan có thẩm quyền xử phạt không thống nhất về việc xác định giá. Vì vậy, Điều 28 của Nghị định đã quy định: Trường hợp giữa cơ quan xử lý xâm phạm (trong trường hợp này là QLTT) và cơ quan tài chính cùng cấp (Sở Tài chính) không thống nhất về việc xác định giá trị hàng hoá xâm phạm thì việc định giá do Hội đồng xác định giá trị hàng hoá xâm phạm quyết định. Việc thành lập, thành phần, nguyên tắc làm việc của Hội đồng xác định giá trị hàng hoá xâm phạm thực hiện theo quy định của pháp luật. Theo Điều 34, Nghị định số 128/2008/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, trong trường hợp không áp dụng được các căn cứ quy định để định giá tang vật xâm phạm thì cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt thành lập Hội đồng định giá. Hội đồng định giá phải có sự tham gia của đại diện trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh hoặc đại điện cơ quan tài chính cấp huyện. Căn cứ vào tính chất, đặc điểm của từng vụ việc, người ra quyết định thành lập Hội đồng quyết định các thành viên của Hội đồng bao gồm đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan. Như vậy trong trường hợp này, không thể sử dụng kết quả định giá của Sở Tài chính để tính giá trị lô hàng 106 xe máy xâm phạm KDCN và kết luận QLTT làm sai mà phải sử dụng kết quả xác định giá của tổ chức thứ 3 là Hội đồng. Kết quả này sẽ là căn cứ để áp dụng khung tiền phạt tương ứng. 4. Việc cho rằng sau khi xác định lại giá trị lô hàng xâm phạm KDCN, thì có thể sẽ căn cứ vào giá trị lô hàng xâm phạm có giá trị nhỏ hay lớn để cân nhắc xử lý hành chính hay sẽ khởi tố vụ án để áp dụng biện pháp hình sự đối với cơ sở vi phạm là có căn cứ hay không? Việc áp dụng biện pháp hình sự để xử lý các vụ việc xâm phạm quyền SHCN phải căn cứ vào Bộ luật Hình sự và Thông tư hướng dẫn liên ngành của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp. Theo Thông tư này, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền SHCN phải thuộc một trong các trường hợp xâm phạm lần đầu nhưng hành vi là từ nghiêm trọng trở lên và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “xâm phạm quyền SHCN” theo khoản 1 Điều 171 của Bộ luật Hình sự: Đã thu được lợi nhuận từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng/gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 50 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng/hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng. Nếu các giá trị này ở các mức trên thì bị coi là rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài điều kiện đánh giá mức độ nghiêm trọng của hành vi để truy cứu trách nhiệm hình sự, Thông tư còn quy định phải theo quy định tại khoản 1 Điều 105 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó, chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự khi có yêu cầu của chủ sở hữu quyền. Giả thiết rằng, các điều kiện trên đều đáp ứng thì liệu trong vụ việc cụ thể này có thể khởi tố vụ án hình sự để truy cứu theo Điều 171 về tội xâm phạm quyền SHCN được không? Câu trả lời trong trường hợp này là không thể. Lý do không thể là vì việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội xâm phạm quyền SHCN quy định tại Điều 171 Bộ luật Hình sự chỉ áp dụng đối với hành vi giả mạo với đối tượng là giả mạo nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Các đối tượng SHCN khác như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, bí mật kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh dù giá trị tang vật lớn đến đâu cũng chỉ bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp dân sự.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật