Thực tiễn áp dụng Luật hôn nhân và Gia đình: Khó lấy ý kiến con trẻ khi ly hôn

Theo quy định, khi giải quyết án ly hôn, tòa phải hỏi ý kiến của con trẻ từ chín tuổi trở lên xem các em muốn sống với cha hay mẹ. Thủ tục bắt buộc này trên thực tế đã gặp vướng mắc khi các bậc cha mẹ không hợp tác. Tại khoản 2 Điều 92 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: Vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Lấy ý kiến là cần thiết Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng việc lấy ý kiến của con cái là cần thiết. Khi cha mẹ ly hôn, các em đã mất đi một điểm tựa quan trọng nhất là mái ấm gia đình nên rất cần hỏi ý kiến để các em nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình. Điều này cũng phù hợp với tinh thần của Điều 12 Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là quốc gia thành viên. Theo đó: Các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho trẻ em có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình, được quyền tự do phát biểu những quan điểm đó về tất cả vấn đề có tác động đến trẻ em, những quan điểm của các em được coi trọng một cách thích ứng với tuổi và độ trưởng thành của các em. Cha mẹ không hợp tác Thủ tục lấy ý kiến của con trẻ là bắt buộc trong giải quyết án ly hôn. Nếu thiếu thủ tục này án sẽ bị tòa cấp trên tuyên hủy. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử của ngành tòa án đã gặp nhiều vướng mắc. Không ít tòa đau đầu vì các bậc cha mẹ không hợp tác, không đưa con cái tới để tòa lấy ý kiến của các em. Lý do chính là rất nhiều người không muốn cho con cái biết họ ly hôn, sợ các em bị tổn thương về tâm lý. Ra tòa, họ cương quyết ly hôn nhưng một, hai mong tòa xem xét không cho con cái biết.   Gặp tình huống này, tòa vẫn phải tiếp tục giải quyết án bởi nếu tòa ra quyết định đình chỉ giải quyết án dân sự với lý do không có nguyện vọng của con trẻ là không đúng. Bởi trong vụ án ly hôn, con trẻ không có tư cách tham gia tố tụng. Một thẩm phán TAND quận 3 (TP.HCM) kể nhiều vụ do cho cha mẹ không chịu đưa trẻ đến tòa nên cán bộ tòa phải tìm đến trường học hay nơi sinh sống của trẻ lấy ý kiến. Không cán bộ tòa nào muốn làm việc này, bởi hầu hết các trẻ đều ngơ ngác, khóc lóc khi biết cha mẹ mình muốn ly hôn. Và trong tờ tường trình của trẻ đều thể hiện là muốn sống chung với cả cha lẫn mẹ. Đã có những trường hợp, một số em buồn bã, học hành sa sút, thậm chí bỏ nhà đi bụi. Vướng mắc thứ hai mà gần đây TAND TP.HCM cũng gặp phải là trường hợp cha mẹ ly hôn, có tranh chấp nuôi con trên chín tuổi nhưng tại thời điểm tranh chấp, con lại đang đi học ở nước ngoài. Gặp tình huống này, tòa lúng túng, không biết có cần phải thực hiện ủy thác tư pháp để xem xét nguyện vọng của con hay không vì luật không hướng dẫn… Chỉ để tham khảo? Điều mà các thẩm phán băn khoăn là luật bắt buộc phải lấy ý kiến của con trẻ trong khi điều này thực chất cũng chỉ mang tính tham khảo. Tòa sẽ xem xét các điều kiện về việc chăm sóc, nuôi dưỡng cũng như tình cảm, đạo đức, phương pháp nuôi dạy… để lựa chọn người nuôi con, bảo đảm sự phát triển tốt nhất cho trẻ. Khi xem xét để ra quyết định giao trẻ cho cha hay mẹ,  tòa vẫn thường dựa trên thỏa thuận của họ là chính. Chưa kể, như thực tế đã nêu ra, việc lấy ý kiến nguyện vọng của trẻ nhiều trường hợp lại có thể gây tổn thương đến tinh thần của trẻ. Vì thế một thẩm phán chuyên giải quyết án ly hôn đề xuất nên sửa luật theo hướng hạn chế, giới hạn việc lấy ý kiến nguyện vọng của trẻ. Theo thẩm phán này, chỉ trong những trường hợp tranh chấp về quyền nuôi con mà qua thu thập chứng cứ, tòa xét thấy giao đứa trẻ cho bên nào cũng được thì mới bắt buộc phải thực hiện việc lấy ý kiến của trẻ. Việc thu thập chứng cứ nên tiến hành bằng cách xác minh thông qua ban giám hiệu, hội phụ nữ, tổ trưởng dân phố và nơi làm việc của vợ chồng… để tránh  việc trẻ bị tổn thương khi biết cha mẹ sắp ly hôn. Một thư ký tòa kể một người mẹ chở con đến tòa sau giờ tan học để hoàn thành thủ tục lấy ý kiến nguyện vọng của con trong vụ ly hôn của bà với chồng. Tại tòa, thẩm phán khuyên trẻ nên thực lòng viết ra những gì mình mong muốn, còn người mẹ lại ra sức ngồi bắt con viết theo ý mình là chỉ muốn sống chung với mẹ. Một lúc sau, đứa trẻ hoảng loạn, không những không viết được mà còn bật khóc và bỏ chạy ra đường, suýt chút nữa thì bị xe đụng…
Nên bỏ hẳn Thủ tục buộc đưa trẻ từ chín tuổi trở lên đến tòa làm bản tường trình để biết nguyện vọng trẻ muốn sống chung với cha hay mẹ sau khi ly hôn cần được loại bỏ. Bởi lý do khiến đứa trẻ muốn sống với ai thường rất cảm tính. Thực tế không phải cứ yêu thương nhiều là có thể đáp ứng được điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện như mục đích mà Luật Hôn nhân và Gia đình hướng đến. Hơn nữa, việc này gây chấn thương tâm lý không thể nào bù đắp được cho trẻ. Với một quyết định đi theo trẻ suốt đời có ảnh hưởng rất sâu đậm. Nếu mai này có một sự kiện nào xảy ra khiến trẻ ân hận hay oán trách về quyết định ngày đó, có phải sẽ là chấn thương tâm lý đối với trẻ hay không? Theo tôi, trong trường hợp cần thiết, tòa có thể lấy nguyện vọng của trẻ một cách nhẹ nhàng thông qua những người thân, thầy cô giáo. Đừng bắt buộc trẻ đến tòa làm bản tường trình như hiện nay sẽ gây ảnh hưởng tâm lý nặng nề cho trẻ thơ. Luật sư PHẠM TẤT THẮNG, Đoàn Luật sư TP.HCM Cần có hướng dẫn riêng Trẻ từ chín tuổi trở lên đã bắt đầu nhận thức được sự yêu thương người lớn dành cho mình nên đặt ra tiêu chí phải lấy nguyện vọng của trẻ khi giải quyết án ly hôn là cần thiết. Đây là một tiêu chí quan trọng để dựa trên đó, tòa có thể đánh giá một cách toàn diện về việc quyết định giao trẻ cho cha hoặc mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Vấn đề đặt ra là cách lấy nguyện vọng của trẻ như thế nào để tránh cho trẻ khỏi bị tổn thương. Theo tôi, TAND Tối cao nên có hướng dẫn cụ thể, không nhất thiết cứ phải triệu tập trẻ đến tòa lập biên bản trong không khí ngột ngạt, căng thẳng giữa cha và mẹ. Sức ép về tâm lý sẽ tạo nên nỗi ám ảnh khôn nguôi trong lòng trẻ thơ. Luật gia ĐẶNG ĐÌNH THỊNH, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật – Hội Luật gia Việt Nam
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM - HOÀNG YẾN  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật