Sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự: Nên giữ hay bỏ thời hiệu khởi kiện?

Nhiều ý kiến cho rằng cần giữ thời hiệu nhưng phải nới rộng thêm thời gian. Không quy định thời hiệu đối với các vụ kiện tranh chấp liên quan đến quyền về nhân thân và quyền về sở hữu. Một số chuyên gia pháp luật cho rằng quy định về thời hiệu khởi kiện dân sự như hiện nay là hơi ngắn. Tuy nhiên, nếu quy định bỏ hẳn thời hiệu khởi kiện thì không nên.
Kéo dài thêm thời hiệu Theo ông Nguyễn Văn Trí, Phó Chánh án TAND quận Tân Bình (TP.HCM), nếu bỏ hẳn thời hiệu thì sẽ rất khó cho tòa. Chẳng hạn, có trường hợp sau 20 năm người dân mới khởi kiện và nhờ tòa thu thập chứng cứ. Lúc này tòa sẽ rất mệt mỏi. Ngoài ra, chắc chắn một điều là khối lượng công việc của tòa sẽ nhiều hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc án tồn đọng kéo dài nhiều năm mà không biết khi nào sẽ xử xong. “Chỉ cần kéo dài thêm thời hiệu khởi kiện đối với một số vụ án từ hai năm như hiện nay lên khoảng 5-10 năm để đảm bảo quyền lợi cho dân là ổn” - ông Trí chia sẻ. Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Trịnh Thanh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng thời hiệu khởi kiện hiện nay là quá ngắn. Chính vì thời hiệu ngắn mà trong một số trường hợp vì người dân không hiểu biết pháp luật đã bị tước mất quyền lợi của mình. Ngoài ra, pháp luật cũng làm ảnh hưởng đến phong tục tập quán của dân ta. Ví dụ, ông A cho bạn mượn tiền. Đến hạn nhưng bạn không có tiền trả thì ông A có thể kéo dài thời gian trả nợ cho bạn mà không sợ hết thời hiệu khởi kiện. Ngược lại, sợ hết thời hiệu khởi kiện ông A đành phải khởi kiện bạn. Như vậy, vô hình trung pháp luật làm mất đi tình bạn của hai người. Theo luật sư Trịnh Thanh, nếu bỏ hẳn thời hiệu khởi kiện thì sẽ nảy sinh một số vấn đề bất cập trong thu thập chứng cứ… Cần thiết phải kéo dài thời hiệu khởi kiện lên khoảng 20 năm. Bỏ thời hiệu một số trường hợp Thạc sĩ Lê Minh Hùng, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, phân tích quy định thời hiệu khởi kiện là cần thiết. Nó đảm bảo được trật tự công cộng, quyền được an toàn, quyền được ổn định của con người. Vấn đề là cần hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật liên quan đến thời hiệu. Vì thời hiệu dân sự liên quan đến thời hiệu khác như hành chính hoặc dân sự. Cũng cần xác định rõ hơn những trường hợp không áp dụng thời hiệu như vấn đề liên quan đến nhân thân, nhận cha mẹ cho con và ngượi lại... TS Nguyễn Minh Hằng, Trưởng bộ môn Tranh tụng dân sự (Học viện Tư pháp), tán đồng: Không nên bỏ thời hiệu khởi kiện vì quy định như hiện nay là khá cụ thể, chặt chẽ. Tuy nhiên, cần phải sửa đổi đôi chút để pháp luật hoàn thiện hơn. Nên chăng chúng ta không quy định thời hiệu đối với các vụ kiện tranh chấp liên quan đến quyền về nhân thân và quyền về sở hữu. Vì hai quyền này tuyệt đối phải được pháp luật bảo hộ.
Bỏ thời hiệu khởi kiện PGS-TS-Luật sư Phạm Hoài Hải lại ủng hộ việc hủy bỏ thời hiệu khởi kiện. Ông Hải cho rằng quyền khởi kiện là quyền của người dân, được nhà nước, pháp luật bảo hộ. Do vậy, người dân khởi kiện thì tòa án phải thụ lý. Một số ý kiến cho rằng nếu không có quy định về thời hiệu khởi kiện thì sẽ không hạn chế được những tranh chấp đã xảy ra quá lâu khiến cho việc thụ lý, giải quyết án của tòa không đạt được hiệu quả mà nhiều khi còn phát sinh tác dụng ngược. Tuy nhiên, hiện nay án tồn đọng của tòa đã được giải quyết rất tốt. Công tác xét xử của tòa được nâng cao nên đã giảm đáng kể án tồn, án quá hạn. Vì vậy, việc bỏ thời hiệu khởi kiện sẽ không thể khiến án chồng án. Từ đó, cần phải sớm bỏ thời hiệu khởi kiện, đảm bảo nguyên tắc cái gì có lợi cho dân thì làm. Mất quyền kiện vì hết thời hiệu - Cha mẹ anh Đ. có tất cả tám người con. Hai cụ mất trước năm 1985, để lại cho các con một căn nhà. Người anh cả đại diện các đồng thừa kế quản lý, sử dụng. Sau đó, ông này tự tiến hành khai nhận di sản với tư cách đại diện thừa kế duy nhất để hưởng tiền đền bù giải tỏa căn nhà. Phát hiện ra sự việc, tháng 2-2009, bảy anh em anh Đ. khởi kiện ra TAND quận 12 (TP.HCM) đòi chia thừa kế. Tại đây, cán bộ tòa cho họ biết là thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đã hết. - Tháng 11-1993, ông Nguyễn Văn Cảnh (huyện Cần Giờ, TP.HCM) chuyển nhượng cho ông Trần Văn Bằng một mảnh đất đất nông nghiệp. Sau khi thỏa thuận xong, ông Cảnh nhận của ông Bằng ba chỉ vàng tiền cọc. Tuy nhiên, việc mua bán không thành khi vợ ông Cảnh phát hiện chồng mình tự ý bán đất. Bà này yêu cầu chồng dừng việc mua bán và hoàn trả lại số tiền cọc. Ông Bằng không đồng ý nên tháng 10-2000, ông khởi kiện ra TAND huyện Cần Giờ. Sau đó, TAND huyện Cần Giờ ra quyết định đình chỉ vụ án do hết thời hiệu khởi kiện. TAND TP.HCM cũng xác định việc đình chỉ của tòa cấp sơ thẩm là đúng.
Tiến Hiếu - Hồng Tú Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM
 

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật