Ninh Thuận: triệt để mô hình một cửa

  • Bài viết
  • 28 tháng 6, 2011
  • 447 lượt xem
  • 0 bình luận
Một trong những cản trở lớn đối với nhà đầu tư tại các địa phương là sự phối hợp không tốt giữa các cơ quan trong tỉnh, giữa các sở, ngành, giữa cấp tỉnh và cấp huyện. Với sự chỉ dẫn nhiều khi “vô trách nhiệm”, nhà đầu tư có thể phải “chạy lòng vòng” giữa các cơ quan trong trong tỉnh với hành trình không có điểm dừng. NBRS xin giới thiệu một số mô hình một cửa đang được triển khai ở một số địa phương dựa trên nghiên cứu về Thực tiễn tốt trong tăng cường minh bạch của môi trường kinh doanh cấp tỉnh Việt Nam. Một số thủ tục tưởng như đơn giản nhưng nếu như trong đó cần có ý kiến của các sở, ngành, huyện thị có liên quan thì đó lại là khởi đầu của một chuỗi thủ tục khác mà sẽ không rõ về thủ tục, quy trình, thời gian và điểm đến… Do vậy, thành lập được một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp là một trong những giải pháp mà các tỉnh áp dụng. Với quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, ngày 8/3/2010 UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 207/2010/QĐ-UB thành lập Văn phòng Phát triển Kinh tế, tên giao dịch bằng tiếng Anh: NINH THUAN ECONOMIC DEVELOPMENT OFFICE, tên viết tắt: EDO. Đây là mô hình mới được xây dựng trên cơ sở mô hình Văn phòng Phát triển Doanh nghiệp (EDB) của Singapore và ý tưởng của Công ty Tư vấn Monitor (Hoa Kỳ). Theo quyết định thành lập EDO là “đơn vị sự nghiệp công, trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, có chức năng giúp Ủy ban nhân dân tỉnh vận động, thu hút nguồn vốn đầu tư các thành phần kinh tế (đầu tư trong nước và nước ngoài), các nguồn tài trợ chính thức (ODA), viện trợ chính phủ nước ngoài (NGO); làm đầu mối tiếp xúc, hướng dẫn, tiếp nhận và xử lý hồ sơ dự án đầu tư và các thủ tục liên quan đến thành lập doanh nghiệp, xây dựng, đất đai, môi trường và các thủ tục cấp phép liên quan khác để triển khai dự án theo quy trình “một cửa liên thông”; hỗ trợ các nhà đầu tư, nhà tài trợ trong quá trình triển khai dự án đầu tư, tài trợ trên địa bàn tỉnh”.   Hoạt động của EDO hướng đến 4 mục tiêu cụ thể: •      Tăng cường mối quan tâm của nhà đầu tư và đối tác phát triển đối với Ninh Thuận •      Đơn giản hóa và xúc tiến hoạt động đầu tư cho các nhà đầu tư và đối tác phát triển •      Đề xuất và đấu tranh cải thiện môi trường hành chính và kinh doanh •      Cải thiện năng lực thực hiện của các cơ quan liên quan của Ninh Thuận   Về tổ chức bộ máy, điểm mới là EDO chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Cụ thể, trưởng Ban Chỉ đạo EDO là chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban là Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Thành viên gồm lãnh đạo các sở, ngành và địa phương liên quan. Kinh phí hoạt động của EDO theo quy định tại quyết định thành lập do ngân sách nhà nước cấp và từ các nguồn tài trợ hợp pháp khác.   Hình 1: Mô hình của EDO Nguồn: EDO, 2010   Tỉnh Ninh Thuận cũng ra Quyết định 290/2010/QĐ-UBND ngày 17/3/2010 ban hành Quy định về cơ chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa liên thông” tại Văn phòng phát triển kinh tế. Tại quyết định này có 14 nhóm thủ tục hành chính  liên quan đến doanh nghiệp được “tập trung” thực hiện tại một đầu mối là EDO.   Một nguyên tắc chung trong quy trình giao dịch này là nhà đầu tư (trừ các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp) giao dịch, nộp hồ sơ và nhận kết quả đối với tất cả các nhóm thủ tục trên tại EDO. Nếu như quy trình trước đây, nhà đầu tư phải trực tiếp làm việc với tất cả các phòng ban liên quan từ 6-8 lần đến khi nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn sau khi thành lập EDO, nhà đầu tư chỉ cần làm việc với EDO và thời gian làm việc và chi phí liên quan sẽ giảm mạnh.   Hình 2: Quy trình trước và sau khi có EDO Nguồn: EDO, 2010 Theo thiết kế có 3 nhóm thủ tục. Nhóm thứ nhất là các thủ tục xử lý giải quyết ngay tại EDO. Đây là những thủ tục đơn giản, thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp phòng như: Đăng ký kê khai thuế, cấp mã số thuế, trích lục sơ đồ vị trí, giới thiệu địa điểm đầu tư ... sẽ do cán bộ kiêm nhiệm các Sở ngành thực hiện giải quyết ngay tại EDO. Nhóm thứ hai là các thủ tục thuộc thẩm quyền tham mưu giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư, như: chấp thuận chủ trương địa điểm, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, do EDO tiếp nhận và tham mưu Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh. Nhóm thứ ba là các thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyền của các Sở, ngành, địa phương, như: Thủ tục về xây dựng, đất đai, môi trường.....thì EDO tiếp nhận và chuyển trực tiếp đến các Sở, ngành, địa phương xử lý theo thẩm quyền. Điểm khác biệt là EDO là địa chỉ duy nhất và là nơi chịu trách nhiệm tiếp nhận và trả các kết quả về các thủ tục đầu tư cho nhà đầu tư.   Quy trình tiếp nhận một dự án đầu tư theo thiết kế của mô hình mới đã cải thiện rất nhiều.   Hình 3: Thay đổi trong quy trình tiếp nhận dự án đầu tư tại Ninh Thuận Nguồn: EDO, 2010 Như vậy, quy trình ban đầu toàn bộ các thủ tục từ tối thiểu 96 – 113 ngày đã giảm xuống gần một nửa, còn khoảng 53-63 ngày.   Chắc còn phải cần có nhiều thời gian để đánh giá về sự thành công hay không của mô hình EDO nhưng rõ ràng với cách thiết kế đầy đủ và bài bản thì đây là bước tiến quan trọng trong nỗ lực làm tăng tính minh bạch của môi trường đầu tư và kinh doanh của Ninh Thuận.   Bảng 1: So sánh thời gian giải quyết thủ tục đầu tư tại Ninh Thuận và Trung ương
Lĩnh vực Thủ tục Thời gian giải quyết tại EDO (số ngày) Quy định của Trung ương (số ngày)
Đăng ký kinh doanh Cấp mới ĐKKD 3 5
  Thay đổi ĐKKD 3 5
  Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp 3  
  Giải thể 7 12
Đầu tư Chấp thuận chủ trương về địa điểm đầu tư 15  
  Đăng ký đầu tư (không cấp GCN đầu tư) 1  
  Thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư (đối với dự án không thuộc diện phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương trước khi cấp GCNĐT) 15 30
  Thẩm tra cấp GCNĐT (đối với dự án thuộc diện phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương trước khi cấp GCNĐT ) 15 37
Xây dựng Quy hoạch chi tiết 20 35
  Ý kiến thiết kế cơ sở                      Nhóm B 13 15
  Nhóm C 8 15
  Cấp giấy phép xây dựng 7 20
Đất đai Giao đất, thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 25  
Tài nguyên và môi trường Thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường 25 30
  Đăng ký và xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường (thuộc thẩm quyền huyện, thành phố) 5 5
Khoáng sản Cấp giấy phép thăm dò khoáng sản 20 60
  Cấp lại, gia hạn, chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản 15 30
  Cấp, gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản 20 30
Nguồn: EDO, 2010
Anh Tuấn
 

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :