MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH TẬP ĐOÀN KINH TẾ Ở VIỆT NAM

THS. LÊ HỒNG TỊNH Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (Khoá IX), Chính phủ đã tiến hành từng bước hình thành thí điểm các Tập đoàn kinh tế (TĐKT) với mục tiêu: hình thành một số TĐKT mạnh trong một số lĩnh vực có điều kiện, có thế mạnh, có khả năng phát triển để cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả. Nhìn lại 3 năm trước, khi 7 Tổng công ty 91 được thí điểm chuyển đổi thành TĐKT, đây thực sự là bước đổi mới, kịp thời với tiến trình hội nhập, nâng cao tính tự chủ trong hoạt động kinh doanh của các Tổng công ty. Sau 3 năm hoạt động thí điểm, về cơ bản, các TĐKT đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; cùng với các tổng công ty nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; góp phần bảo đảm điều tiết vĩ mô của Nhà nước; tham gia tích cực vào việc bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao khả năng hội nhập kinh tế quốc tế. Một số TĐKT giữ vai trò cân đối lớn trong nền kinh tế quốc dân, điển hình như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, đóng góp vào khoảng 30% GDP cho đất nước. Một số TĐKT đã đầu tư mở rộng tầm hoạt động, phát triển ngành nghề phụ trợ, không chỉ tập trung đầu tư trong nước mà bước đầu vươn ra đầu tư ở nước ngoài, tạo dựng được hình ảnh của Việt Nam trong một số lĩnh vực đối với khu vực và trên thế giới. Quy mô vốn sở hữu của các TĐKT tăng lên đáng kể. Các tập đoàn đã huy động được một lượng vốn khá lớn từ các thành phần kinh tế khác, thông qua việc cổ phần hoá các công ty thành viên của tập đoàn và thành lập mới các công ty cổ phần. Chính trong thời gian thí điểm này, thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các TĐKT, đã phát hiện và dần giải quyết một số khúc mắc như, khuôn khổ pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của các tập đoàn vẫn chưa hoàn thiện. Hiệu quả hoạt động của một số TĐKT còn chưa tương xứng với nguồn lực hiện có; cá biệt một vài TĐKT chưa nổi bật, chưa bền vững về chất lượng và hiệu quả so với khi còn là tổng công ty nhà nước.   Trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, như việc công ty mẹ có nên thực hiện đồng thời cả hai chức năng sản xuất, kinh doanh và đầu tư tài chính hay không? đơn cử một doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) – qua thực tế thí điểm thời gian qua đã cho thấy, trong điều kiện thực tế hiện nay, công ty mẹ thực hiện đồng thời cả hai chức năng là sản xuất, kinh doanh và đầu tư tài chính là phù hợp, đầu tư tài chính là điều kiện để hỗ trợ trở lại các thành viên trong tập đoàn và phát triển nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, nếu không trực tiếp sản xuất, kinh doanh thì công ty mẹ sẽ mất đi vai trò chi phối các công ty thành viên trong tập đoàn về công nghệ, chiến lược sản xuất… Qua 3 năm thực hiện thí điểm các TĐKT, có thể đánh giá chung những ưu điểm đạt được chủ yếu sau: 1. Quy mô vốn chủ sở hữu tăng lên, năng lực tài chính của các tập đoàn đã từng bước được cải thiện. 2. Các Tập đoàn kinh tế đã mở rộng tầm hoạt động; thương hiệu của nhiều TĐKT cũng đã khẳng định được vị trí vững vàng trên thị trường trong nước và quốc tế. Việc nghiên cứu đổi mới, ứng dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ được đẩy mạnh, gắn kết trực tiếp, chặt chẽ với sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác. 3. Hình thành cơ cấu đa sở hữu trong các TĐKT, góp phần huy động được nguồn lực từ các thành phần kinh tế vào sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn. 4. Các TĐKT cùng với các TCT nhà nước tiếp tục giữ được vai trò chủ đạo, bảo đảm cung ứng các vật tư, sản phẩm hàng hoá, dịch vụ thiết yếu cho nền kinh tế, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, đóng góp vào tăng trưỏng kinh tế, góp phần đảm bảo điều tiết vĩ mô của nhà nước, kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn suy giảm kinh tế. 5. Các TĐKT đã tích cực hưởng ứng các NQ của Chính phủ giúp các huyện nghèo ở cả nước giảm nghèo và phát triển bền vững; tham gia làm tốt công tác từ thiện, nhân đạo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt với các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn. Có thể khẳng định, các TĐKT đã có những đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế và mô hình này thể hiện được những ưu thế nhất định so với mô hình TCT trước đây. Tuy nhiên, nhìn lại hoạt động của các TĐKT, vẫn thấy còn những bất cập, hạn chế, mức độ đạt được các mục tiêu đề ra ban đầu còn thấp, biểu hiện trên một số điểm sau: Một là, quy mô vốn chủ sở hữu của các Tập đoàn còn quá nhỏ bé so với yêu cầu phát triển và hội nhập: Tuy vốn đã tăng lên đáng kể so với trước đây nhưng vẫn còn rất nhỏ bé so với các TĐKT các nước trên thế giới. Tổng vốn chủ sở hữu của các TĐKT năm 2008 tăng gấp ruỡi so với 2 năm trước đó, nhưng mới đạt hơn 300.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 20 tỷ USD. Tập đoàn PVN có mức vốn chủ sở hữu lớn nhất chiếm tới hơn 45% tổng vốn chủ sở hữu của các tập đoàn cũng chỉ đạt mức gần 145 nghìn tỷ đồng. Riêng mức vốn chủ sở hữu của Tập đoàn PVN và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chiếm gần 70% tổng số vốn chủ sở hữu của tất cả các TĐKT. Quy mô vốn nhỏ bé của các Tập đoàn cùng với hiệu quả hoạt động chưa cao sẽ hạn chế khả năng cạnh tranh của nhiều tập đoàn trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Hai là, hiệu quả hoạt động của các TĐKT còn chưa tương xứng với nguồn lực được đầu tư, nhiều mục tiêu đặt ra cho các tập đoàn, nhưng kết quả đạt được chưa tương xứng. Mức vốn chủ sở hữu của 7 TĐKT chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng nguồn lực của cả quốc gia (gần 80% tổng vốn trong các doanh nghiệp nhà nước), tuy nhiên hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với sự quan tâm, đầu tư của Chính phủ, còn để xảy ra tình trạng lãng phí trong đầu tư, điển hình là hiệu quả việc sử dụng vốn, chậm hoàn thành các dự án đầu tư trọng điểm. Còn có những đơn vị thành viên của các TĐKT hoạt động thua lỗ (năm 2007 ở các TĐKT tổng cộng có 8 đơn vị thành viên thua lỗ). - Các TĐKT chiếm tỷ trọng lớn tổng nguồn vốn của nhà nước, nhưng chỉ tham gia cùng các DNNN đóng góp 40% GDP; tổng mức đầu tư của các TĐKT lớn với tổng tài sản gần 700 nghìn tỷ mà tổng doanh thu của 7 TĐKT năm 2008 đạt ở mức hơn 500 nghìn tỷ đồng. Mức doanh thu này so với tổng tài sản là không tương xứng khi so sánh với các TĐKT lớn trên thế giới (Năm 2007, Wal-Mart, tổng tài sản 163.514 tỷ USD, doanh thu 378.799 tỷ USD; Exxol Mibile, tổng tài sản 242.082 tỷ USD, doanh thu 372.824 tỷ USD; Royal Dutch Shell, tổng tài sản 269.470 tỷ USD, doanh thu 355.782 tỷ USD; BP, tổng tài sản 236.076 tỷ USD, doanh thu 291.438 tỷ USD) và so sánh với mức đóng góp của các thành phần kinh tế khác. - Một số Tập đoàn chưa đạt được các mục tiêu chủ yếu đề ra, chưa làm tốt công tác quản lý. Hoạt động đầu tư của các TĐKT còn dàn trải, đa ngành nghề nhưng thiếu trọng điểm, quản lý chưa tương xứng nên hiệu quả kinh tế yếu, chậm thu hồi vốn, thiếu chuyên môn sâu. - Mục tiêu phát triển của các Tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực đã thực hiện sai lệch. Nhiều Tập đoàn đầu tư sang các lĩnh vực khác hẳn với ngành nghề kinh doanh chính, khiến cho nguồn lực vốn rất nhỏ bé của Tập đoàn lại bị phân tán. Đặc biệt nhiều Tập đoàn đã cùng đầu tư vào các lĩnh vực nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản và vào các lĩnh vực chuyên ngành đặc thù như ngân hàng, bảo hiểm, với tỷ lệ rất cao so với tổng vốn đầu tư ra ngoài của công ty mẹ. - Giữa các TĐKT chưa có sự phối hợp tốt, chưa tạo ra được sự liên kết, gắn bó hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh nên chưa phát huy được thế mạnh phát triển ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính của từng tập đoàn. Ba là, mô hình tổ chức quản lý TĐKT chưa được định hình rõ; một số quy định chưa được thể chế hóa. Còn nhiều lúng túng trong xác định mô hình tổ chức quản lý các TĐKT. Tập đoàn cũng như các TCT nhà nước có nhiều đầu mối quản lý, xong việc quản lý tập đoàn lại chưa được chặt chẽ. Chưa phân định rõ, còn có sự chồng chéo, phân tán trách nhiệm trong phân chia chức năng đại diện chủ sở hữu giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với các TĐKT. Bốn là, mô hình tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh, cơ chế quản lý nội bộ Tập đoàn cũng chưa xác định rõ. Cơ chế quản lý trong nội bộ Tập đoàn còn nhiều bất cập. Điều lệ tổ chức và hoạt động của các Tập đoàn chậm được phê duyệt làm khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của Tập đoàn vốn đã thiếu lại không kịp thời, đồng bộ, thiếu thống nhất. Cơ chế tài chính trong nội bộ Tập đoàn còn nhiều bất cập. Vốn đầu tư chồng chéo giữa công ty mẹ, công ty con, công ty cháu. Hạch toán nội bộ Tập đoàn còn nhiều tồn tại. Vai trò điều tiết, chi phối của Tập đoàn thông qua công ty mẹ còn nhiều hạn chế. - Cơ chế quản lý tài chính đối với các TĐKT còn nhiều lúng túng. Hiện một số Tập đoàn chưa có Quy chế Tài chính. Một số Quy chế Tài chính không được ban hành từ một đầu mối là Bộ Tài chính. Chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động tài chính của các Tập đoàn. - Tập đoàn lấy bộ máy quản lý công ty mẹ làm nhiệm vụ, chức năng quản lý tập đoàn. Một phần do thói quen quản lý hành chính trước đây, một phần do năng lực quản lý của cán bộ còn chưa đáp ứng yêu cu nhiệm vụ, nên hiệu quả công tác quản lý tập đoàn còn nhiều hạn chế. Việc phân công người đại diện phần vốn nhà nước của công ty mẹ tại các công ty con chưa thực sự phù hợp (có người đại diện tại nhiều công ty con, có người kiêm chức danh lãnh đạo của Tập đoàn…), dẫn tới kém hiệu quả, năng lực người đại diện chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tư duy của một số cán bộ lãnh đạo tập đoàn còn chậm đổi mới, chưa theo kịp quá trình phát triển của Tập đoàn trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Những yếu kém trên do các nguyên nhân chủ quan sau: - Cơ chế về quản lý nhân sự, phân công, phân cấp quản lý tiền lương, thưởng, sự tách bạch giữa quản lý nhà nước và quản lý vốn nhà nước, đối với TĐKT vẫn thực hiện theo quy định hiện hành. Việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường chưa thực sự hoàn chỉnh, đặc biệt là cơ chế hạch toán, giá cả. - Việc quản trị trong các TĐKT vẫn còn mang nhiều ảnh hưởng của cơ chế DNNN trước đây. Ở một vài Tập đoàn, Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc chậm xây dựng, ban hành các quy chế quản lý nội bộ nên vẫn còn hoạt động theo nếp cũ khi còn là tổng công ty. Trong các TĐKT, vẫn còn những đơn vị thành viên tổ chức và hoạt động theo Luật DNNN, không phù hợp quy định về hình thức công ty mẹ – công ty con là các đơn vị thành viên chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Có một số trường hợp, công ty con đầu tư ngược trở lại công ty mẹ, công ty mẹ góp vốn chi phối cả ở các công ty cháu làm cho quan hệ đầu tư phức tạp, chồng chéo. Có những trường hợp Công ty con phải gánh chịu cho Công ty mẹ những khoản đầu tư không hiệu quả dẫn đến nguy cơ thua lỗ, phá sản của Công ty con. Chưa tách bạch được chức năng quản lý hành chính nhà nước với chức năng quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với các TĐKT. Về lâu dài, nếu tiếp tục duy trì biện pháp quản lý này sẽ gây nên những bất lợi cho cả các TĐKT cũng như Nhà nước trước các áp lực của việc thực thi các cam kết gia nhập WTO. Trình độ quản lý của cán bộ chưa theo kịp yêu cầu quản lý mới: hoặc can thiệp trực tiếp theo thói quen hành chính trước đây, hoặc buông lỏng đối với phần vốn của mình tại các công ty thành viên. Bộ máy chuyên môn nghiệp vụ của Công ty mẹ ở một số TĐKT chưa đủ khả năng đảm nhận 2 chức năng vừa trực tiếp sản xuất, kinh doanh, vừa đầu tư tài chính và quản lý vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác. Hướng dẫn báo cáo tài chính hợp nhất vẫn còn tồn tại một số vấn đề như : hạch toán bù trừ các khoản doanh thu nội bộ, loại trừ lợi nhuận từ việc mua, bán tài sản giữa các công ty con trong tập đoàn, việc hợp nhất doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, tài sản của các công ty con là công ty cổ phần trong tập đoàn làm cho việc đánh giá hoạt động của tập đoàn gặp nhiều khó khăn. Lao động, cơ cấu lao động chưa thật hợp lý, nhưng một số TĐKT chưa chủ động trong việc sắp xếp lại lao động, cắt giảm lao động dôi dư nên dẫn đến năng suất lao động thấp, hạn chế đến lợi thế cạnh tranh. Trước những hạn chế như đã trình bày ở trên, cần có những giải pháp để hoàn thiện mô hình TĐKT ở Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực quản lý nhà nước đối với các TĐKT. Chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp chính về lâu dài như sau: Thứ nhất, hoàn chỉnh khung pháp lý cho hoạt động của TĐKT: Khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của các TĐKT phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển của các TĐKT và sự quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước. Nhanh chóng bổ sung và hoàn chỉnh Điều lệ tổ chức và hoạt động của một số tập đoàn còn thiếu, hoàn chỉnh lại các Điều lệ của các tập đoàn đã được phê duyệt cho phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Khẩn trương ban hành các Quy chế tài chính, thống nhất việc Ban hành Quy chế tài chính theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Thứ hai, hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý TĐKT: Phân công tổ chức lại chức năng sở hữu phần vốn nhà nước. Tránh việc kiêm nhiệm đối với các chức danh chủ chốt của tập đoàn do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm. Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn không kiêm nhiệm chức danh giám đốc ở các đơn vị thành viên. Chú ý nâng cao năng lực của bộ máy tham mưu, giúp việc của Công ty mẹ về đầu tư, quản lý tài chính ở các doanh nghiệp có vốn góp của Công ty mẹ; Nghiên cứu áp dụng cơ chế Hội đồng quản trị ký hợp đồng thuê Tổng giám đốc, Giám đốc giỏi điều hành doanh nghiệp. Rà soát lại toàn bộ các Tổng công ty nhà nước hiện có để sắp xếp lại theo ngành, lĩnh vực kinh doanh chính và phạm vi hoạt động của tổng công ty và các đơn vị thành viên, không phụ thuộc vào cơ quan quản lý và địa bàn hoạt động; sau đó, tiến hành cổ phần hoá để tạo điều kiện hình thành những TĐKT đa sở hữu mạnh hơn. Đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại các đơn vị thành viên theo ngành nghề kinh doanh, địa bàn hoạt động. Tiếp tục sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm về tổ chức, hoạt động để hoàn chỉnh mô hình, kiến nghị với Nhà nước trong việc ban hành quy định pháp luật về mô hình TĐKT. Thứ ba, tăng cường năng lực cho các TĐKT: - Tạo điều kiện thuận lợi cho các TĐKT lớn mạnh thông qua cơ chế đầu tư; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư để mở rộng thị trường, tìm kiếm các cơ hội đầu tư, kêu gọi mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển TĐKT. - Khẩn trương tổ chức việc kiểm kê, đánh giá lại vốn, tài sản của các TĐKT nhà nước để xác định rõ năng lực tài chính và quy mô vốn. - Xác định rõ nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính của các tập đoàn, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chủ chốt của tập đoàn không đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Trước mắt, chưa nên hình thành tập đoàn sản xuất – thương mại – tài chính, chỉ nên dừng lại ở mô hình tập đoàn sản xuất – thương mại. - Có mức khống chế đối với tỷ lệ vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính. Quy định rõ tỷ lệ vốn huy động (vốn vay) trên vốn chủ sở hữu đối với các tập đoàn để tránh rủi ro theo kinh nghiệm của nhiều TĐKT quốc tế. Trước mắt, cần một số biện pháp đối với TĐKT như sau: - Hướng các TĐKT hoạt động đúng quy định của pháp luật, không lợi dụng vị thế quy mô lớn, thị phần lớn làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, cạnh tranh. Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đầu tư các công trình trọng điểm, các dự án đầu tư quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội dài hạn để phát huy hiệu quả tối đa. Đánh giá lại hiệu quả sử dụng vốn vay để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh đối với những trường hợp sử dụng không có hiệu quả. Rà soát lại các ngành nghề không phải là ngành kinh doanh chính mà các TĐKT đã và đang đầu tư để cơ cấu lại ngành nghề một cách phù hợp. - Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu quản trị doanh nghiệp trong cơ chế thị trường nói chung và quản trị doanh nghiệp trong mô hình TĐKT nói riêng. - Đẩy mạnh quá trình xúc tiến thương mại để tiếp cận thị trường các nước trên thế giới, qua đó quảng bá hình ảnh, hàng hoá của Việt Nam với các TĐKT và thị trường lớn, có tiềm năng trên thế giới; tiếp tục tạo điều kiện để các tổ chức kinh tế, các tập đoàn kinh tế nước ngoài đầu tư vốn vào Việt Nam./.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật