MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN Ở VIỆT NAM

Quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Song cũng đặt ra những vấn đề cần được quan tâm giải quyết. Ở bài viết này, các tác giả đề cập đến một số vấn đề mới nảy sinh gần đây cần giải quyết nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướngXHCN ở Việt Nam. Quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng và cũng đặt ra một số thách thức cần giải quyết: Chất lượng tăng trưởng chưa cao, cơ cấu kinh tế chưa hợp lý, các nguồn lực chưa được huy động và sử dụng hiệu quả, môi trường tự nhiên còn bị huỷ hoại và tình trạng ô nhiễm xảy ra nhiều nơi, các yếu tố thị trường chưa được hình thành và vận hành thông suốt, khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, người giàu và người nghèo có chiều hướng gia tăng… Các vấn đề trên đã được đề cập dưới nhiều giác độ khác nhau cũng như được phân tích khá sâu sắc trong Báo cáo tổng kết 20 năm đổi mới. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích một số vấn đề mới phát sinh trong thời gian gần đây. Một là, với việc gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam đã trở thành một chủ thể mới trong luật chơi toàn cầu phức tạp với các tác động đa chiều, do đó, việc xác định cơ sở để ổn định và phát triển trong bối cảnh biến động liên tục của kinh tế toàn cầu có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Nền kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội để đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhưng cũng dễ bị ảnh hưởng và bị tổn thương trước những biến động của nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế của các nước thành viên. Nước ta gia nhập WTO muộn hơn so với các quốc gia khác và với trình độ phát triển của nền kinh tế thấp hơn. Vì vậy, sự chủ động thâm nhập vào nền kinh tế thế giới cũng như đón nhận các dòng vốn, hàng hóa và tri thức mới từ ngoài vào của nước ta cần dựa trên 2 nền tảng: Cầu nội địa mở rộng đủ lớn và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đảm bảo. Trong đó, cầu nội địa mở rộng được xây dựng dựa trên:   1) Nhu cầu của thị trường trong nước; 2) Nhu cầu của thị trường nước ngoài đối với những hàng hoá mà Việt Nam có lợi thế và độ co giãn của nó không lớn trước những biến động của kinh tế thế giới. Cầu nội địa mở rộng được xác định trong từng giai đoạn để làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển của các ngành sản xuất, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành kinh tế để hình thành một cơ cấu kinh tế bền vững. Hạ tầng kỹ thuật (hay còn gọi là phần cứng của nền kinh tế) trước đây được hiểu đơn giản là hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, viễn thông, điện, khu công nghiệp… Hạ tầng kỹ thuật trong nền kinh tế mới cần được mở rộng hơn, bao gồm các yếu tố như: Hệ thống phân phối; hệ thống hậu cần kinh doanh (logistics); hệ thống tài chính trợ giúp cho hoạt động thương mại và sản xuất; hệ thống thông tin… Phát triển hạ tầng kỹ thuật không chỉ đòi hỏi sự hiện đại và đồng bộ mà cần phải hài hoà với môi trường tự nhiên và hạ tầng xã hội. Hạ tầng xã hội (bao gồm tri thức, văn hoá, môi trường pháp lý và quy tắc ứng xử giữa các chủ thể tham gia nền kinh tế) không những tác động trực tiếp đến hiệu quả vận hành mà còn là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của mỗi nền kinh tế. Nếu hạ tầng kỹ thuật được kiến tạo để đảm bảo sự phát triển của nền kinh tế trong 50 năm thì hạ tầng xã hội sẽ đảm bảo cho sự phát triển lâu dài và trường tồn của dân tộc. Song việc phát triển hạ tầng xã hội là một quá trình khó khăn, lâu dài, khó định lượng, do đó dễ bị đặt ở vị trí thứ yếu so với phát triển hạ tầng kỹ thuật. Hai là, mức độ phức tạp và đa dạng trong các hoạt động kinh tế đang đặt Nhà nước trước lựa chọn quyết định: Làm gì và định hướng các chủ thể khác làm như thế nào? Trong các Nghị quyết Đại hội IX, Nghị quyết Đại hội X và gần đây nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khoá X), Đảng ta tiếp tục khẳng định, cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó xác lập rõ vai trò của Nhà nước và mối quan hệ giữa thể chế kinh tế của Nhà nước với các thiết chế kinh tế phi nhà nước. Nền kinh tế của chúng ta đã phát triển với quy mô, tính chất phức tạp và mức độ đa dạng gấp nhiều lần so với trước đây. Vì thế, Nhà nước không thể tiếp tục làm thay chức năng của thị trường và các chủ thể khác. Chúng tôi cho rằng, việc giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước, Thị trường và Các thiết chế xã hội chính là việc xác lập rõ 5 trụ cột trong quá trình phát triển của đất nước, bao gồm: 1) Các công dân của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam; 2) Nhà nước Việt Nam – nhà nước pháp quyền XHCN; 3) Nền kinh tế Việt Nam – nền kinh tế thị trường; 4) Các gia đình hoặc cộng đồng người Việt Nam; 5) Các tổ chức tập thể tự nguyện (còn gọi là xã hội dân sự). Trong đó, về cơ bản, chúng ta đã xác lập được nguyên tắc xây dựng mối quan hệ giữa 4 yếu tố đầu nhưng vẫn còn thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn để định hình hoạt động của xã hội dân sự. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề của nền kinh tế đặt ra thời gian qua, đặc biệt là sau khi nước ta gia nhập WTO cho thấy, Nhà nước không thể giải quyết (hoặc giải quyết không hiệu quả) bằng các hiệp hội ngành nghề, các liên kết tự nguyện của các thương lái, những người nông dân… Kinh tế thị trường tự bản thân nó với những quy luật vốn có cũng không thể tự giải quyết được hết các vấn đề xung đột trong lợi ích của các chủ thể tham gia. Nói cách khác, nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự song song tồn tại như là một yêu cầu tất yếu mà mỗi nền kinh tế đều cần có. Ba là, động lực và kết quả của quá trình phát triển chính là con người, những chủ thể của một xã hội thịnh vượng và bền vững trong tương lai. Điều này đòi hỏi phải tái xác lập định hướng giá trị của xã hội dựa trên nền tảng của văn hoá, giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ. Đảng ta luôn xác định: “Đổi mới tất cả các mặt của đời sống xã hội nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, có những bước đi thích hợp; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ giữa 3 nhiệm vụ: Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và phát triển văn hoá – nền tảng tinh thần của xã hội”. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa cần được gắn kết chặt chẽ, hài hòa. Các mục tiêu kinh tế và xã hội không chỉ được kết hợp chặt chẽ trên bình diện cả nước, ở từng lĩnh vực, từng địa phương và từng chủ thể tham gia thị trường mà còn phải thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi của chính sách phát triển, thực hiện tốt các chính sách xã hội trên cơ sở phát triển kinh tế. Càng đi vào nền kinh tế thị trường, càng phải chăm lo tốt hơn các mặt của đời sống xã hội như: Phúc lợi xã hội, công ăn việc làm, xóa đói – giảm nghèo, phát triển giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe nhân dân và càng phải đề cao vai trò của Nhà nước và toàn xã hội trên cơ sở phát huy sự đóng góp của các nguồn lực. Việc phát triển văn hóa phải gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với sự phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thực sự trở thành nền tảng của sự phát triển xã hội. Bên cạnh đó, không ngừng xây dựng và hoàn thiện giá trị của con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc bồi dưỡng các giá trị văn hóa, lý tưởng sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Trên thực tế, chúng ta chưa chú trọng và chưa hoàn thành tốt mục tiêu này. Những vấn đề xã hội xảy ra trong thời gian qua đang đặt ra một số vấn đề cần giải quyết. Dưới đây, chúng tôi mạnh dạn phân tích một ví dụ có liên quan: Khi đề cập cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất tại Mỹ (năm 1929), nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập đến những nguyên nhân về cơ cấu kinh tế, chính sách đối ngoại và hệ thống luật pháp. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ hệ giá trị xã hội. Ở Mỹ, phổ biến một quan niệm: Chỉ người giàu mới giỏi, mới được xã hội thừa nhận; những ai giỏi và được xã hội tôn vinh thì người đó là người giàu có. Điều này khuyến khích con người không ngừng sáng tạo, vươn lên để làm giàu cho bản thân mình, từ đó tạo ra của cải cho toàn xã hội. Tuy nhiên, nó cũng khiến người ta tìm mọi cách làm giàu nhanh chóng, làm cho một bộ phận thuộc giới kinh doanh và đầu tư tập trung quá nhiều vào thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán, từ đó kéo theo sự tham gia của hàng trăm triệu người dân. Khi dòng vốn và sự quan tâm của xã hội tập trung quá nhiều vào các nút thắt (điểm giao thoa giữa thị trường bất động sản với thị trường chứng khoán; giữa thị trường dầu mỏ với thị trường chứng khoán) thì tất yếu sẽ xảy ra những “vụ nổ”, gây rối loạn dòng chảy đang bình thường của nền kinh tế. Quan điểm giá trị đó đã xâm nhập vào Việt Nam suốt thời gian qua, tạo ra những quan niệm về định hướng giá trị mới. Nếu như trước đây, nhiều nghệ nhân, nhà khoa học được tôn vinh thì hiện nay số lượng các giải thưởng dành cho doanh nhân cao gấp 100 lần số giải thưởng dành cho các nhà khoa học. Đưa ra dẫn chứng này không phải là để phê phán doanh nhân, những người “lính mới” rất đáng được tôn vinh trên mặt trận kinh tế mà chúng tôi chỉ muốn nói rằng, việc tôn vinh quá nhiều, không chọn lọc dễ dẫn đến những thay đổi không thuận chiều trong định hướng giá trị của xã hội. Từ đó cho thấy, việc tái xác lập định hướng giá trị của xã hội là cần thiết. Tư duy và hành động để xây dựng một đất nước phát triển bền vững nhất thiết phải xoay quanh con người bằng cách hoàn thiện nền văn hoá, phát triển giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ. Ba nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2011-2020 (và thứ tự ưu tiên) được xác định là: Chăm lo phát triển con người; xây dựng hệ thống chính trị và phát triển xã hội hài hòa. Các chỉ tiêu đánh giá quá trình phát triển cũng cần xoay quanh nhiệm vụ trung tâm là chăm lo phát triển con người. Tài liệu tham khảo 1. V.I. Lê nin: Toàn tập, tập 36. 2. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, lần thứ X. 3. Chu Văn Cấp: Định hướng XHCN nền kinh tế thị trường ở nước ta,www.tapchicongsan.org.vn. 4. Lê Xuân Đình: Hướng tới nền kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng XHCN,www.tapchicongsan.org.vn. 5. Lạm phát danh hiệu cho doanh nghiệp, doanh nhân,http://ca.cand.com.vn/vi-vn/anninhkinhte/tinANKT/2009/7/148417.cand. 6. Nguyễn Phú Trọng: Kinh tế thị trường định hướng XHCN: Quan niệm và giải pháp phát triển. Hội thảo lý luận giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc với chủ đề “CNXH và kinh tế thị trường – kinh nghiệm của Trung Quốc và Việt Nam”. 7. Tô Xuân Dân – Hoàng Xuân Nghĩa: Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam,www.tapchicongsan.org.vn. 8. Trần Ngọc Hiên: Kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhà nước pháp quyền xã hội dân sự nước ta,www.tapchicongsan.org.vn.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật