MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG VỀ VIỆC PHÁT TRIỂN THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT TRONG KHU VỰC CÔNG TẠI VIỆT NAM

THS. BÙI QUANG TIÊN – Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Trong những năm gần đây, sự bùng nổ của khoa học công nghệ cùng với xu hướng toàn cầu hóa, tự do hóa tài chính đã thúc đẩy các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) phát triển. Ngày nay, TTKDTM đã và đang trở thành phương tiện thanh toán phổ biến và được nhiều quốc gia khuyến khích sử dụng, đặc biệt là đối với các giao dịch thương mại, các giao dịch có giá trị và khối lượng lớn. Với xu thế và định hướng đó, ngày 29/12/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 291/2006/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020” (Quyết định 291). Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 161/NĐ-CP ngày 28/12/2006 quy định về Thanh toán bằng tiền mặt (Nghị định 161), trong đó bao gồm các quy định về hạn mức thanh toán bằng tiền mặt, phí giao dịch tiền mặt và việc rút tiền mặt với số lượng lớn bằng Đồng Việt Nam trong giao dịch, thanh toán tại Việt Nam. Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy hoạt động TTKDTM và một trong các giải pháp đang được triển khai thực hiện đó chính là phát triển TTKDTM trong khu vực công. 1. Tình hình TTKDTM trong khu vực công thời gian qua Thời gian gần đây, Thanh toán dùng tiền mặt tại Việt Nam có xu hướng giảm dần, tỷ trọng tiền mặt so với tổng phương tiện thanh toán theo thống kê năm 2008 là 14,6% (năm 2007 là 16,36%, năm 2001 là 23,7% và năm 1997 là 32,2%). Điều này phản ánh TTKDTM đang được Hệ thống Ngân hàng mở rộng và phát triển, góp phần giảm đáng kể lượng tiền mặt trong thanh toán. Cơ sở hạ tầng phục vụ TTKDTM được chú trọng đầu tư phát triển mạnh. Ngày 28/2/2009, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khai trương Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng giai đoạn 2, đánh dấu một giai đoạn mới của hệ thống thanh toán ngân hàng với những thay đổi cơ bản về kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiệu năng xử lý và quy trình nghiệp vụ hiện đại theo thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu thanh, quyết toán tức thời và dung lượng ngày càng cao của đất nước.   Hệ thống này giữ vai trò là hệ thống thanh toán xương sống của quốc gia, tạo cơ hội mở rộng các dịch vụ ngân hàng hiện đại, thay đổi tư duy kinh doanh ngân hàng truyền thống và tạo thuận lợi cao nhất cho mọi đối tượng khách hàng. Hiện nay, Hệ thống đã sẵn sàng kết nối với Hệ thống thanh toán của Kho bạc Nhà nước, Hệ thống thanh toán bù trừ và quyết toán chứng khoán và các hệ thống cần thiết khác. Về phía các Ngân hàng thương mại (NHTM), bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai hệ thống Core Banking để hiện đại hóa hệ thống thanh toán nội bộ, mở rộng mạng lưới…, các NHTM cũng không ngừng đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thanh toán. Nhiều phương tiện TTKDTM mới, hiện đại, tiện ích ứng dụng công nghệ cao như thẻ ngân hàng, thanh toán qua Internet, điện thoại di động, Ví điện tử… được các NHTM cung ứng, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. Với xu thế phát triển hiện tại, thẻ ngân hàng đã và đang trở thành phương tiện thanh toán phổ biến tại Việt Nam, được các NHTM chú trọng phát triển. Đến cuối tháng 6/2009, toàn thị trường đã có 8.800 ATM và 28.300 POS, khoảng 17.032.000 thẻ đang lưu hành với 176 thương hiệu thẻ do 41 tổ chức phát hành. Để phát triển dịch vụ thanh toán thẻ hiệu quả, đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay, NHNN đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án xây dựng Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất”, qua đó thực hiện kết nối các hệ thống ATM của các liên minh thẻ hiện hành thành một hệ thống thống nhất trên toàn quốc nhằm tăng tính thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ thẻ ngân hàng, thúc đẩy thanh toán bằng thẻ ngân hàng, góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ phát triển TTKDTMt; đồng thời tăng hiệu quả quản lý nền kinh tế của các cơ quan quản lý thông qua kênh thanh toán và từng bước minh bạch hoá nền kinh tế. Trong việc triển khai các Đề án TTKDTM trong khu vực công thuộc Quyết định 291, thời gian vừa qua, NHNN đã phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan tập trung triển khai các nội dung và đã đạt được những kết quả nhất định. Trong việc thực hiện Đề án quản lý chi tiêu trong khu vực Chính phủ bằng phương tiện TTKDTM, Bộ Tài chính – Đơn vị chủ trì thực hiện Đề án phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Thông tư hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước; trong đó, quy trình thu ngân sách Nhà nước bằng tiền mặt sẽ được cải tiến bằng cách người nộp thuế nộp tiền mặt vào ngân hàng nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản. Tương lai, Bộ Tài chính sẽ triển khai thu thuế qua hệ thống thanh toán điện tử. Đối với chi Ngân sách nhà nước (NSNN), nhất là chi trả lương qua tài khoản cho đối tượng hưởng lương từ NSNN, Bộ Tài chính có văn bản quy định cụ thể về thanh toán cá nhân qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang tiến hành khảo sát và nghiên cứu xây dựng quy trình thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ qua thẻ ngân hàng và sẽ thí điểm ở một số thành phố lớn. NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20/2007/CT-TTg ngày 24/8/2007 về trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN (Chỉ thị 20); đồng thời phối hợp với các NHTM, các Bộ, Ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố, Kho bạc Nhà nước, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán … triển khai được nhiều nội dung. Việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN theo tinh thần Chỉ thị 20 đã hoàn thành giai đoạn 1 với kết quả khả quan, vượt mức về phạm vi địa bàn và lộ trình thực hiện, hiện tại đã triển khai đồng loạt tại 63/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Trong các đối tượng hưởng lương từ NSNN, từ cuối năm 2007 đến cuối năm 2008, số đơn vị trả lương qua tài khoản đã tăng hơn 4 lần, từ 5.181 lên 21.562 đơn vị, số người nhận lương qua tài khoản đã tăng 3,7 lần từ 298.920 lên đến 1.132.442 người. Cuối năm 2008, hầu hết các cơ quan ở Trung ương đã triển khai cho 100% cán bộ công chức ở trụ sở chính như NHNN, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông Vân tải, Văn phòng Chủ tịch nước… Tuy nhiên, TTKDTM tại Việt Nam hiện nay chưa phát triển mạnh, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực công, doanh nghiệp và dân cư. Chất lượng, tiện ích mới trong TTKDTM còn hạn chế, các tiện ích thiết thực và phổ biến (như thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, truyền hình cáp) chưa được triển khai mạnh trên thực tế. Các dịch vụ thanh toán trực tuyến như Mobile Banking, Internet Banking, Ví điện tử… mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ hẹp, chưa triển khai trên diện rộng để đáp ứng nhu cầu thanh toán nhỏ lẻ của khách hàng. Trong quá trình triển khai TTKDTM ở khu vực công, bên cạnh mặt đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Mặc dù, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã cố gắng tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa dịch vụ, mở rộng mạng lưới khách hàng, nhưng nhìn chung hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông phục vụ thanh toán của các NHTM còn chưa đáp ứng được nhu cầu gia tăng về hoạt động thanh toán trong nền kinh tế. Trong quá trình triển khai Chỉ thị 20 đã nảy sinh một số vướng mắc, chất lượng dịch vụ trả lương qua tài khoản và chăm sóc khách hàng chưa tốt (máy ATM hết tiền, gặp trục trặc kỹ thuật, việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện chưa nhanh chóng, kịp thời…). Do nhiều nguyên nhân, các Đề án thành phần về TTKDTM được triển khai chậm, và thực tế còn nhiều khó khăn. Các Đề án thành phần đều là những vấn đề mới, phức tạp nên ý kiến của các đơn vị cũng còn rất khác nhau; Cách tiếp cận và xử lý vấn đề cũng khác nhau. Việc chi trả trợ cấp ưu đãi xã hội và trợ cấp xã hội qua tài khoản thời gian qua cũng gặp khó khăn. Đối tượng được chi trả là những người có công với cách mạng phần lớn ở các thôn bản, xã, phường trong cả nước, hầu hết là người cao tuổi, thương binh, bệnh binh đi lại gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nhiều đối tượng là dân tộc thiểu số và có những trường hợp không biết chữ nên việc tự giao dịch qua tài khoản là không thực hiện được. Bên cạnh đó, các ngân hàng chỉ có các chi nhánh tại các quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh chưa có tại cấp xã nên việc chi trả cũng không đáp ứng được yêu cầu 2. Một số đề xuất để thúc đẩy nhanh TTKDTM trong khu vực công TTKDTM nói chung và trong khu vực công nói riêng là một lĩnh vực quan trọng trong hoạt động ngân hàng và còn nhiều việc phải làm. Đây là lĩnh vực mới, phức tạp và có những thay đổi nhanh chóng do sự tác động của tiến bộ khoa học công nghệ. Để đẩy mạnh phát triển TTKDTM trong khu vực công vào thời gian tới, chúng tôi xin đề xuất một số định hướng, giải pháp cụ thể sau: Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án TTKDTM theo Quyết định 291, phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế, hạ tầng kỹ thuật công nghệ và hệ thống thanh toán. Các giải pháp phát triển TTKDTM không mang tính hành chính, áp đặt, gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của các hoạt động kinh tế – xã hội, mà hướng tới việc sử dụng các biện pháp kinh tế là chủ yếu nhằm huy động các nguồn lực của tư nhân để đầu tư phát triển TTKDTM. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, Ngành, tăng cường tính kỷ luật trong quá trình triển khai thực hiện và tuân thủ các quy định về thanh toán bằng tiền mặt tại Nghị định 161 của Chính phủ và Quyết định 291 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở rà soát, đánh giá tình hình triển khai Đề án TTKDTM giai đoạn 2006 – 2010, NHNN cần trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung, chỉnh sửa các quy định tại Quyết định 291 đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình phát triển của công nghệ thông tin, lĩnh vực thanh toán và nền kinh tế trong giai đoạn tới. Thứ hai, NHNN cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động thanh toán, ngay từ việc sửa đổi, bổ sung Luật NHNN và Luật các TCTD để củng cố vị thế pháp lý của NHNN trong việc kiểm soát hoạt động TTKDTM; đồng thời hoàn thiện các văn bản dưới Luật liên quan đến các phương tiện, hình thức thanh toán hiện đại để đảm bảo tính ổn định, an toàn và hiệu quả của hệ thống thanh toán. Khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và sự giám sát hợp lý của NHNN đối với hệ thống ngân hàng cũng là một yếu tố quan trọng trong việc tăng cường lòng tin của người sử dụng và giới doanh nghiệp vào hệ thống thanh toán quốc gia. Thứ ba, thúc đẩy phát triển thanh toán trong khu vực công nhằm từng bước tăng hiệu lực quản lý thu chi ngân sách; thúc đẩy thanh toán trong khu vực doanh nghiệp để tăng hiệu quả sử dụng vốn, phục vụ cho mục tiêu phát triển thương mại điện tử và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập; khuyến khích mở rộng thanh toán trong khu vực dân cư bằng các phương tiện thanh toán phù hợp để từng bước giảm giao dịch bằng tiền mặt trong lưu thông. Thứ tư, tăng cường hiện đại hóa và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh toán trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, theo hướng tự động hóa và tăng tốc độ xử lý các giao dịch, bảo đảm dễ dàng kết nối, giao diện với các hệ thống ứng dụng khác; thực hiện kết nối Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng và Hệ thống thanh toán điện tử Kho bạc Nhà nước (Hệ thống TABMIS). Triển khai nhanh chóng, có hiệu quả Đề án xây dựng Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất. Thứ năm, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 20 trong giai đoạn 2 với mục tiêu trong năm 2009 là phát huy ưu điểm và kinh nghiệm, khắc phục những mặt hạn chế và xử lý tốt vướng mắc trong năm 2008, đặt trọng tâm vào chất lượng, tiếp tục triển khai mở rộng theo tinh thần thận trọng, đúng đối tượng; mở rộng việc thực hiện trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương ngân sách ở những nơi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có khả năng đáp ứng, kể cả mở rộng việc trả lương cho người lao động ở các doanh nghiệp cũng như các đối tượng khác. Đồng thời, chú ý và tăng cường tuyên truyền dưới nhiều hình thức như trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, tạo các diễn đàn trao đổi thông tin… để khách hàng tiềm năng có thể thấy được những tiện ích của việc TTKDTM. Về vấn đề chi trả trợ cấp ưu đãi xã hội và trợ cấp xã hội, trước mắt vẫn thực hiện chi trả theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính. Mặc dù, trong Quyết định 291 lộ trình ban đầu triển khai thí điểm tại các quận, huyện sau đó triển khai trên diện rộng, tuy nhiên hiện nay việc thực hiện trả lương qua tài khoản vẫn phải rút tiền mặt từ tài khoản mà chưa phát triển TTKDTM qua tài khoản. Vì vậy, đối với đối tượng này cần triển khai thận trọng và có lộ trình cụ thể, phù hợp với cơ sở hạ tầng cho phép. Thứ sáu, cần tăng cường thu hút nguồn lực và sự hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế; Ưu tiên nguồn kinh phí cho việc phát triển công nghệ, đào tạo cán bộ trong lĩnh vực thanh toán; Tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm về quản lý chi tiêu công của các nước phát triển trên thế giới và trong khu vực. Có thể nói, trong bối cảnh nhập kinh tế khu vực và thế giới hiện nay, TTKDTM trong khu vực công thực sự là một giải pháp có hiệu quả, đi tiên phong, mở đường, làm hình mẫu để triển khai TTKDTM tại Việt Nam.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật