LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG TY CỔ PHẦN TRÊN THẾ GIỚI VÀ Ở VIỆT NAM

TỪ THẢO – Chuyên gia Luật Kinh tế Công ty cổ phần (CTCP) là một hình thức tổ chức kinh doanh ra đời, tồn tại và phát triển trong những điều kiện kinh tế xã hội nhất định. Sự hình thành và phát triển của công ty cổ phần gắn liền với sự hình thành của thị trường vốn và thị trường tiền tệ. “Công ty cồ phần là một loại hình kinh doanh phổ biến hiện nay, được xem là phương thức phát triển cao nhất cho đến nay của loài người để huy động vốn cho kinh doanh và qua đó làm cho nền kinh tế của mỗi quốc gia phát triển”[1]. Ở các nước khác nhau, CTCP có thể có những tên gọi khác nhau. Ở Pháp là công ty vô danh (anonymous Company), Ở Anh là công ty với trách nhiệm hữu hạn (Company LTD), ở Mỹ nó được gọi là công ty kinh doanh (Commercial Coporation), và ở Nhật Bản gọi là công ty chung cổ phần (Kabushiki Kaisha)…[2]. Quá trình công nghiệp hoá ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ từ thế kỷ 18, 19 cùng với nhu cầu tích tụ vốn để đầu tư của các nhà tư bản đã làm xuất hiện loại hình CTCP. Sự phát triển mạnh mẽ của Chủ nghĩa Tư bản đòi hỏi sản xuất kinh doanh phải có quy mô ngày càng to lớn, cạnh tranh và độc quyền có mức độ ngày càng gay gắt. Các chủ tư bản đi đến thoả hiệp với nhau nhằm thu được lợi nhuận tối đa và bành trướng hơn nữa thế lực kinh tế của mình. CTCP là hình thức kinh doanh thoả mãn được những nhu cầu này, nó tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút và tập trung tư bản, nhu nhận định của Các Mác “Qua các công ty cổ phần, sự tập trung đã thực hiện được việc đó trong nháy mắt”[3]. Về mặt lịch sử hình thành, CTCP ra đời sau các loại công ty đối nhân nhưng là hình thức đầu tiên của loại hình công ty đối vốn. Khác với sự ra đời của hình thức công ty TNHH – là sản phẩm của các nhà lập pháp xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn kinh doanh, CTCP được hình thành trong hoạt động kinh doanh và do nhu cầu của các nhà kinh doanh rồi sau đó mới được pháp luật thừa nhận và được hoàn thiện thành một chế định pháp lý. Chẳng hạn như ở Anh, Luật công ty được ban hành lần đầu tiên năm 1844 nhưng trước đó hơn 100 năm đã có sự xuất hiện của các công ty cổ phần. Và đến năm 1856, ở Anh mới có Luật về công ty cổ phần.   Công ty cổ phần xuất hiện đầu tiên trên thế giới là công ty Đông Ấn (East India Company) của Anh (1600-1874). Nó được thành lập ngày 31/10/1860 bởi một nhóm có 218 người, và được cấp phép độc quyền kinh doanh trong vòng 15 năm ở vùng Đông Aán, các quốc gia và hải cảng ở châu Á, châu Phi và được đi lại từ tất cả các hải cảng của các đảo, thị trấn và địa điểm ở châu Á, châu Phi và Mỹ hay bất kỳ địa điểm nào như thế nằm ngoài Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) và Eo biển Magellan. Ngày 01/6/1874, Công ty bị giải thể khi giy phép lần sau cùng không được gia hạn. Công ty đầu tiên này hoạt động hết sức lỏng lẻo: “Người đầu tư góp vốn theo chuyến đi biển và sau mỗi chuyến đi biển nhận lại vốn cổ phần và tiền lãi”[4]. Đến năm 1602, ở Hà Lan xuất hiện các công ty cổ phần theo hình thức tương tự công ty Đông Aán của Anh, rồi lần lượt CTCP xuất hiện ở Thụy Điển, Đan Mạch, Đức… Ở Mỹ, CTCP phát triển rất mạnh. Lúc đầu là vì phải xây dựng đường xe lửa, sau này là để thiết lập mạng lưới phân phối và bán lẻ trên toàn lãnh thổ rộng lớn của Mỹ. Chính do yêu cầu tài trợ cho các công ty làm đường xe lửa mà thị trường chứng khoán ở NewYork phát triển. Năm 1811, bang NewYork ban bố luật về tính TNHH dành cho các công ty sản xuất. Nhờ có luật này, tiền ùn ùn đổ về NewYork và tính hữu hạn kia trở thành phổ biến vì bang nào không dùng đến nó là không thu hút được vốn[5]. Từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX, CTCP bắt đầu phát triển ở nhiều lĩnh vực khác nhau như giao thông, vận tải, xây dựng, các ngành chế tạo cơ khí, ngân hàng, bảo hiểm…? các nước tư phản phát triển và về sau phát triển rộng rãi ở các nơi khác trên thế giới. Đến những năm 20, 30 của thế kỷ XIX, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, kỹ thuật, nền kinh tế thế giới có bước phát triển mạnh mẽ, điều đó dẫn đến nhu cầu phải tập trung những nguồn vốn lớn để xây dựng cơ sơ hạ tầng kinh tế – xã hội. Công ty cổ phần là một trong những công cụ giúp thực hiện nhanh chóng vấn đề tập trung vốn. Vì vậy, có ý kiến bình luận rằng “Nếu như cứ phải chờ cho đến khi tích luỹ làm cho số tư bản riêng lẻ lớn lên đến mức có thể đảm đương được việc xây dựng đường sắt thì có lẽ đến ngày nay thế giới vẫn chưa có đường sắt”[6]. Sự ra đời của CTCP đã giúp cho các nhà doanh nghiệp giải quyết được mâu thuẫn về tiền vốn một cách sáng tạo. Tóm lại, trải qua quá trình phát triển lâu dài, CTCP đã từ phạm vi ở một nước, một khu vực nhất định đã phát triển thành những công ty đa quốc gia, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đúng như nhận định: “Công ty cổ phần đã phát triển ở hầu hết các nước từ đơn giản đến phức tạp, từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn, từ một ngành đến đa ngành, từ một quôc gia đến nhiều quốc gia thông qua các công ty siêu quốc gia”[7]. Ở Mỹ, năm 1989, số lượng các công ty cổ phần chiếm 31,7% trong tổng số các xí nghiệp công nghiệp và chiếm 92,6% giá trị tổng sản phẩm công nghiệp. Ngày nay, công ty cổ phần đã chiếm vị trí thống lĩnh trong các ngành công nghiệp, dịch vụ công cộng và trong các ngành khác nhau của nền kinh tế Hoa Kỳ. Ở các nước phương tây, công ty cổ phần là mô hình phổ biến nhất cho các doanh nghiệp có quy mô lớn. Ở Đức, vốn cơ bản trung bình của các công ty cổ phần năm 1980 là 43 triệu DM, trong khi đó vốn trung bình của một công ty TNHH chỉ là 0,38 triệu DM. Trong 100 công ty lớn nhất của Đức năm 1980 có tới 66 công ty cổ phần. Ở Pháp, vào năm 1986, có tới 123.303 công ty cổ phần, chiếm tới 15,22% tổng số các doanh nghiệp. Pháp luật về công ty cổ phần Như đã phân tích, chính từ nhu cầu khách quan phát triển kinh tế – xã hội cần có sự liên kết hùn vốn, đồng thời về mặt chủ quan, các nhà đầu tư muốn chia sẻ những gánh nặng rủi ro trong kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận cao hơn đã dẫn đến sự ra đời của CTCP. Sự ra đời và phát triển của CTCP đòi hỏi cần phải có sự điều chỉnh của pháp luật. Ở Anh, Luật về CTCP được ban hành năm 1844. Theo đo,ù các công ty muốn được thành lập không phải xin phép mà chỉ cần đăng ký. Tuy nhiên, luật này không cho công ty được hưởng chế độ trách nhiệm hữu hạn. Sự hạn chế này phản ánh sự nghi ngờ của dư luận về CTCP lúc đó. Tuy nhiên, vào những năm 1850 có hơn 40 công ty Anh sang Pháp để thành lập dù chi phí thành lập công ty ở Pháp rất cao. Chính phủ Anh sợ mất doanh nghiệp nên vào năm 1855 ban hành luật về tính TNHH (Limited Liability Act) dành cho các công ty đã được thành lập theo luật về CTCP. Cuối cùng cả hai luật kia được sáp nhập thành một năm 1862 lấy tên là Luật về công ty (Companies Act). Vào lúc ấy, nước Anh là đế quốc thống trị về hàng hải và là một cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới. Luật công ty của Mỹ được ban hành năm 1881 ở NewYork chịu sự ảnh hưởng mnh mẽ từ Luật Công ty của Anh do nguồn gốc hình thành nước Mỹ. Các nước trong khối Thịnh Vượng Chung ngày nay có luật công ty giống của Anh. Riêng Pháp và Đức đi theo con đường khác do những khác biệt về văn hoá và lịch sử. Ở Đức, luật CTCP được ban hành năm 1870. CTCP của Đức bị luật quy định chặt chẽ và không uyển chuyển như công ty của Anh và Mỹ. Ở Pháp, bộ luật Napoleon năm 1807 đã thiết lập một nền tảng cho công ty bằng cách cho lập hội hợp tư cổ phần[8]. Ở Việt Nam, Luật lệ về công ty lần đầu tiên được quy định là trong “Bộ Dân luật thi hành tại các toà Nam án Bắc Kỳ”, trong đó tiết thứ 5 (Chương IX) nói về hội buôn được chia thành hai loại là hội người và hội vốn. Trong đó hội vốn được chia thành hai loại là hội vô danh (CTCP) và hội hợp cổ (Công ty hợp vốn đơn giản). Nhìn chung, quy định của Pháp luật thời kỳ này về CTCP còn rất sơ khai[9]. Dưới thời Pháp thuộc, các quy định của Bộ luật Thương mại Pháp năm 1807, trong đó có quy định về hình thức CTCP được áp dụng ở cả ba kỳ tại Việt Nam. Đến năm 1944, chính quyền Bảo Đại ban hành Bộ luật thương mại Trung phần có hiệu lực áp dụng tại Trung Kỳ, trong đó có quy định về CTCP (gọi là công ty vô danh) từ Điều 102 đến Điều 142 và từ Điều 159 đến Điều 171. Năm 1972, chính quyền Việt Nam Cộng hoà ban hành Bộ luật Thương mại, trong đó CTCP được gọi là hội nặc danh với đặc điểm “gồm có các hội viên mệnh danh cổ đông, chỉ chịu trách nhiệm trong giới hạn phần hùn của mình dưới hình thức cổ phần” (Điều 236) và “chỉ được thành lập nếu có số hội viên từ 7 người trở lên” (Điều 295). Các vấn đề pháp lý liên quan đến hình thức hội nặc danh như thành lập, góp vốn, cơ cấu quản lý … đã được quy định rất chi tiết trong Bộ luật này từ Điều 236 đến Điều 278 cũng như từ Điều 295 đến Điều 314. Ở miền Bắc, sau năm 1954 cho đến khi thống nhất đất nước vào năm 1975 và trên phạm vi cả nước từ sau năm 1975 đến những năm 80 của thế kỷ 20, với chính sách kinh tế kế hoạch hoá tập trung, các hình thức công ty nói chung và CTCP nói riêng hầu như không được pháp luật thừa nhận. Khái niệm “công ty” trong giai đoạn này không được hiểu đúng bản chất pháp lý mà chỉ được hiểu theo hình thức kinh doanh. Các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn này chủ yếu bao gồm các nhà máy, xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã (đối với thành phần kinh tế tập thể) và công tư hợp danh (hình thành từ quá trình cải tạo công thương nghiệp XHCN). Trong giai đoạn này, mặc dù Điều lệ về đầu tư của nước ngoài ở nước CHXHCN Việt Nam (ban hành kèm theo Nghị định 115/CP của Chính phủ ngày 18/4/1977) có đề cập đến hình thức CTCP khi quy định “xí nghiệp hoặc công ty hỗn hợp” có thể thành lập theo hình thức “công ty vô danh” (một tên gọi khác của CTCP) nhưng lại không có văn bản pháp luật nào quy định về tổ chức và hoạt động của hình thức CTCP này. Và trên thực tế, cũng không có xí nghiệp hoặc công ty hỗn hợp nào được thành lập theo hình thức “công ty vô danh” theo quy định của Điều lệ về đầu tư của nước ngoài năm 1977 kể trên. Cho đến khi Luật công ty được ban hành ngày 21/12/1990, hình thức CTCP mới chính thức được quy định cụ thể. Theo Luật Công ty 1990, CTCP được xác định với các đặc điểm sau: - Số thành viên gọi là cổ đông mà công ty phải có trong suốt thời gian hoạt động ít nhất là 7. - Vốn điều lệ của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Giá trị mỗi cổ phần gọi là mệnh giá cổ phiếu. Mỗi cổ đông có thể mua 1 hoặc nhiều cổ phiếu. - Cổ phiếu được phát hành có thể ghi tên hoặc không ghi tên. Cổ phiếu của sáng lập viên, của thành viên Hội đồng quản trị phải là những cổ phiếu có ghi tên. - Cổ phiếu không ghi tên được tự do chuyển nhượng. Cổ phiếu ghi tên chỉ được chuyển nhượng nếu được sự đồng ý của Hội đồng quản trị, trừ trường hợp quy định tại Điều 39 của Luật này. Sau khi Luật Công ty ra đời, nhiều văn bản pháp luật khác nhau đã được ban hành nhằm điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau nhưng được tổ chức dưới hình thức CTCP. Hoạt động của các doanh nghiệp này một mặt phải tuân thủ các quy định của Luật Công ty, mặt khác, do đặc thù riêng của các ngành nghề kinh doanh, hoạt động của các doanh nghiệp này còn phải tuân thủ theo quy định của các luật chuyên ngành. Chẳng hạn như trong Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 01/10/1998 tại Điều 12 quy định về các loại hình tổ chức tín dụng có hình thức tổ chức tín dụng cổ phần của Nhà nước và nhân dân, hay nói cách khác các Ngân hàng thương mại cổ phần chính là các công ty cổ phần hoạt động trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ. Trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, tại Điều 2.1 Quy chế về tổ chức và hoạt động của công ty chứng khoán ban hành kem theo Quyết định số 04/1998/QĐ-UBCK ngày 13/10/1998 quy định “Công ty chứng khoán là công ty cổ phần thành lập hợp pháp tại Việt Nam, được uỷ ban chứng khoán nhà nước cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số loại hình kinh doanh chứng khoán”. Sau gần 10 năm thực hiện, Luật Công ty đã phát huy được tích cực vai trò của mình, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn các quan hệ kinh doanh ở nước ta trong thời kỳ này liên tục biến đổi, Luật công ty đã bộc lộ rất nhiều bất cập, nhất là trong vấn đề thủ tục thành lập và đăng ký kinh doanh. Nhiều quy định của luật này tỏ ra lạc hậu với cách thức tổ chức một công ty theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Việc sửa đổi, thay thế luật này được đặt ra như là một sự tất yếu khách quan. Ngày 12/6/1999, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp để thay thế cho Luật Công ty và Luật DNTN. Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, Luật DN 1999 đã được thay đổi bằng Luật Doanh nghiệp 2005. Trong các văn bản này, công ty cổ phần vẫn tiếp tục được ghi nhận và được quy định theo hướng tiếp cận dần đến các chuẩn mực quốc tế về quản trị công ty cổ phần.

Chú thích: [1] Nguyễn Ngọc Bích. Luật Doanh nghiệp, vốn và quản lý trong CTCP, Nxb. Trẻ, 2003, tr.18. [2] Viện Kinh tế Thế giới. Công ty cổ phần? Các nước phát triển – Qúa trình thành lập, tổ chức quản lý, Nxb. KHXH, 1991, tr.5. [3] Các Mác. Tư bản, quyển 1, tập III, Nxb. Sự thật, HN 1975, tr.199. [4] Đoàn văn Trường. Thành lập, tổ chức và điều hành hoạt động CTCP, Nxb. KHKT, HN 1996, tr.10. [5] Nguyễn Ngọc Bích. Sdd, tr.25. [6] Các Mác. Tư bản, quyển 1, tập III, Nxb. Sự thật, HN 1975, tr.199. 7. Đặng Cẩm Thuý. Bàn về con đường hình thành CTCP ở các nước Tư bản và vận d?ng vào Việt Nam, Tạp chí NCKT, Số 225, 2/1997, tr.35. [8] Nguyễn Ngọc Bích, Sdd, tr.26. [9] Lê Thị Châu. Quyền sở hữu tài sản của công ty, Nxb. Lao động, HN, 1997, tr.17  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật