KINH DOANH CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM ĐIỀU GÌ CÓ THỂ RÚT RA TỪ MỘT HỢP ĐỒNG MUA BÁN CỔ PHẦN?

TS. PHAN VĂN TÍNH – PHI LAO Hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm gần đây, đã có những đóng góp tích cực cho phát triển và hội nhập đối với nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, để thị trường hoạt động có hiệu quả, an toàn và ổn định chắc chắn cần phải nghiên cứu để phát hiện những tồn tại và yếu kém nhằm có biện pháp khắc phục để hoàn thiện. Con đường đi ngoằn nghèo của một lô cổ phần mà tác giả sẽ đề cập dưới đây, phần nào, cho chúng ta thấy những gì và cần làm gì để thị trường phát triển một cách ổn định? Vì những lý do khác nhau, trong bài viết tên các doanh nghiệp và cá nhân liên quan được thay đổi. 1. Hành trình dài của một lô cổ phần Đoạn trường thứ nhất: Ngày 17/11/2005, một cá nhân tên là ông Tkm ký hợp đồng “góp vốn đầu tư”(gọi là HĐ1) với Công ty cổ phần Ctn. Nội dung HĐ1: ông Tkm góp vốn với Ctn để đầu tư mua lô cổ phần của công ty NĐP. Tổng giá trị hợp đồng là 30.600 triệu đồng; 90% vốn là do Ctn dàn xếp; ông Tkm đặt cọc 10%. Ctn cam kết chuyển nhượng cổ phần lại cho ông Tkm, nếu mua được; giá chuyển nhượng lại bằng giá trúng thầu cộng với lãi 11,1% trên 90% số tiền của Ctn. Lợi tức phát sinh ông Tkm hưởng. Đoạn trường thứ hai: - Ngày 18/11/2005 (ngay sau khi HĐ1 ký kết), Ctn ký hợp đồng với Ngân hàng Inba (HĐ2). Nội dung cơ bản của hợp đồng này cũng tương tự HĐ1.   - Ngày 18/11/2005 (đúng ngày HĐ2 được ký kết), Ngân hàng Inba ký ngay hợp đồng (HĐ3) với Công ty chứng khoán Ctckct thuộc ngân hàng Vitib với các điều khoản tương tự như HĐ2. Theo chúng tôi được biết thì 90% vốn để đảm bảo thanh toán mua cổ phần là của Ctckct vay từ các ngân hàng thương mại khác. Đoạn trường thứ ba: - Ngày 23/4/2006, ông Tkm ký hợp đồng (HĐ4) chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Pata với trị giá là 84.540 triệu đồng; trong đó, ông Tkm được trả 57 tỷ đồng, còn lại 27.540 triệu đồng Pata nhận nợ với Inba (?); các quyền lợi phát sinh từ cổ phần Pata hưởng. - Ngày 8/11/2006, Pata ký hợp đồng (HĐ5) chuyển nhượng cổ phần cho Công ty chứng khoán Vidi với tổng giá trị là 88.500 triệu đồng; trong đó, Vidi trả cho Ctn 27.540 triệu đồng nợ gốc (?) và trả cho Pata phần còn lại; phương thức chuyển nhượng là Pata chỉ định cho Inba chuyển quyền sở hữu cổ phần cho Vidi hoặc bên khác do Vidi chỉ định. Đoạn trường thứ tư: - Ngày 30/11/2006, Vidi ký hợp đồng (HĐ6) chuyển nhượng cổ phần trên cho Công ty chứng khoán Grno thuộc ngân hàng Nnnt với mục đích Repo. Nội dung cơ bản của hợp đồng như sau: Grno ứng cho Vidi số tiền bằng 1,5 mệnh giá cổ phần; Inba cam kết (thực chất là Ctckct chuyển) chuyển cho Grno phần chênh lệch giữa giá trị mua so với giá trị giao dịch. Sau khi Inba chuyển chênh lệch cho Grno hợp đồng Repo sẽ được ký kết. Các ngày 12,18,20 tháng 12/2006 Vidi đã chuyển cho Grno 98.432.859 ngàn đồng. Số nợ còn lại sẽ thanh toán vào ngày khác. Ngày 22/12/2006, hợp đồng này đã được thanh lý. Đoạn trường thứ năm: - Ngày 11/12/2006, Inba và Ctn thanh lý HĐ1 với hai điều khoản cơ bản: Inba chỉ định bên thứ ba (Ctckct) chuyển nhượng cổ phần (?); Ctn chỉ định bên thứ tư (Grno) nhận chuyển nhượng; cổ tức phát sinh từ cổ phần Inba chuyển cho bên thứ năm (Pata) theo chỉ định của Ctn. Phương thức giao dịch: bên thứ tư sẽ đặt lệnh mua, bên thứ ba sẽ đặt lệnh bán; Inba sẽ chỉ định Ctckct chuyển toàn bộ chênh lệch giữa giá mua và giá giao dịch vào tài khoản của Grno. Cùng ngày, Inba và Ctckct thanh lý HĐ2. - Ngày 22/12/2006, Pata ký phụ lục hợp đồng với Vidi với nội dung cơ bản: Pata đã chỉ định Ctn thanh lý hợp đồng với Inba để chuyển sở hữu cổ phần cho Vidi; các nghĩa vụ Vidi phải thực hiện là: thanh toán cho Ctn số tiền gốc là 27.540 triệu đồng; chuyển vào tài khoản của Grno 98.432.859 ngàn đồng. - Ngày 22/12/2006, Grno ký hợp đồng ( HĐ7) với Vidi với hai chi tiết cơ bản: i/ ngày 22/12/2006, Grno mua 3 triệu cổ phiếu của Vidi, tổng trị giá là 45 tỷ đồng. ii/ Grno bán 3 triệu cổ phiếu cho Vidi, ngày bán lại 22/6/2007; lãi Repo 11% năm, thời hạn Repo 182 ngày; giá bán lại là 47502 triệu đồng. Đoạn trường thứ sáu: Sau khi Ctckct chuyển tiền chênh lệch và sở hữu cổ phần sang cho Grno, giữa Vidi và Grno liên tục ký các hợp đồng Repo với nhau. 2… Đến sự không thống nhất về hình thức và nội dung nghiệp vụ Đối với “phi vụ” nói trên đã và đang có nhiều ý kiến không thống nhất về nguyên tắc giao kết, nội dung và tính hợp lý của các hợp đồng. a) Một số chuyên gia ở cấp độ vi mô cho rằng: - Việc mua 3 triệu cổ phiếu nói trên là hoạt động tự doanh của Ctckct với số vốn bỏ ra là 90% trên giá mua, vì vậy, cổ phần thuộc sở hữu của Ctckct; trong trường hợp này, Ctckct chỉ được bán tài sản thuộc sở hữu của mình theo đúng trình tự và quy định, cũng như nghiệp vụ mua bán. Xuất phát từ ý kiến này mà người ta cho rằng việc Ctckct chuyển toàn bộ chênh lệch, đặc biệt là cổ tức cho các bên khác hưởng là không hợp lý. - Xét về cả nội dung và hình thức thì hợp đồng giữa Inba và Ctckct không thuộc bất cứ loại hợp đồng nào trong số: Repo, tín dụng, ủy thác đầu tư, ủy thác đấu giá. Các chuyên gia theo ý kiến này có những lý lẽ riêng. Chẳng hạn như hợp đồng giữa Ctckct và Inba không thuộc lọai Repo bởi lẽ vào thời điểm ký hợp đồng Inba không có cổ phần, cổ phiếu và vì vậy, không phải là người sở hữu lô cổ phần của Ctckct mua. b) Một số chuyên gia cơ quan quản lý nhà nước cho rằng: Nghiệp vụ mà Inba, Ctckct thực hiện không có trong quy định hiện hành; hình thức hợp đồng không theo quy định nên không có cơ sở xác định tính sở hữu; việc Ctckct mua cổ phần theo hợp đồng giữa Inba và Ctckct không phù hợp với nội dung tự doanh. Tuy nhiên, theo một ý kiến khác của cơ quan quản lý thì hợp đồng ký giữa Inba và Ctckct vừa là hợp đồng ủy thác đấu giá, vừa là hợp đồng mua bán cổ phiếu kỳ hạn. Bản chất của hợp đồng mua bán kỳ hạn là tài trợ tín dụng. Do vậy, giao kết hợp đồng giữa Inba và Ctckct là vi phạm quy định hiện hành của Nhà nước (công ty chứng khoán không hoạt động cho vay). 3. Điều gì cần rút ra … - Vấn đề đầu tiên là nội dung nghiệp vụ Repo: Để có cơ sở phân tích và diễn giải vấn đề chúng tôi đã trao đổi và tìm hiểu với nhiều người, trong đó có cả chuyên gia chứng khoán và những người “ngoại đạo”. Qua đó thì thấy rằng phần lớn họ đều am hiểu về nghiệp vụ chứng khoán, đặc biệt là nghiệp vụ Repo. Repo là giao dịch trên thị trường tài chính, theo đó người sở hữu cổ phiếu (hay trái phiếu) bán lại cổ phiếu cho các công ty chứng khoán với điều kiện mua lại sau một thời gian thỏa thuận (gọi là thời hạn Repo). Người bán làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cổ phiếu cho người mua, hết thời hạn Repo người bán mua lại với giá bằng giá bán cộng lãi (lãi Repo). Nếu hết hạn Repo mà người bán không mua lại thì sở hữu cổ phiếu thuộc về bên mua. Trong thời gian bên mua nắm giữ cổ phiếu, người bán được hưởng cổ tức phát sinh. Như vậy, xét theo nội dung nghiệp vụ thì giao kết giữa Inba và Ctckct là đúng thì quy trình phải khác đi. Cụ thể, sau khi Ctckct mua đựợc cổ phần, phải làm thủ tục thanh toán 90% số tiền còn lại và chuyển sở hữu cho Inba. Bằng cổ phần là sở hữu của mình, Inba có thể thực hiện Repo với Ctckct hoặc bất cứ công ty chứng khoán nào. Chính vì vậy, HĐ1 giữa Inba và Ctckct không phải là hợp đồng Repo. Xét nội dung giao dịch thì có thể hình dung đây là nghiệp vụ bán khống. Thế nhưng tại sao một giám đốc công ty chứng khoán của một ngân hàng lại không nắm rõ nội dung của một nghiệp vụ thông dụng như vậy. Đây là điều mà có nhiều người băn khoăn. Nếu giám đốc không nắm được nội dung nghiệp vụ hoặc nắm được nhưng vẫn giao kết hợp đồng không theo quy định và thông lệ thì vấn đề thuộc về con người; cơ quan chủ quản cần suy nghĩ trong vấn đề tuyển dụng, bố trí và đào tạo cán bộ. - Vấn đề thứ hai và rõ nhất là số tiền (90%) Ctckct bỏ ra mua chỉ được hoàn lại bằng nguồn của Grno sau gần 1 năm. Về bản chất thì 90 % tiền mua cổ phần là nguồn vốn Cckct vay ngân hàng, chứ không phải bằng nguồn tiền tự có của ông Tkm tích lũy. Cách “đầu tư” như vậy xét về nội dung và vai trò của thị trường chứng khoán thì không có ý nghĩa thực đối với nền kinh tế. Đây là vấn đề cần lưu ý trong quản lý. - Vấn đề thứ ba cũng được nhiều người quan tâm. Đó là tại sao Cckct chuyển toàn bộ chênh lệch sang cho Grno? Và chuyển toàn bộ lợi tức phát sinh từ cổ phần cho Pata? Trong khi đó, ông Tkm, Ctcktn và Inba không phải là người sở hữu cổ phần đã mua? Nếu hợp đồng không thuộc Repo thì Ctckct không phải trả cổ tức cho người khác. Như vậy, hợp đồng này thuộc diện có đối tượng không thể thực hiện được theo quy định tại khoản 2 Điều 411 Bộ luật Dân sự. Xét theo ý kiến này, thì việc Ctckct chuyển cổ tức cho bên thứ ba hưởng là rất đáng tiếc đối với Ctckct nói riêng và ngân hàng Vitib nói chung. - Nhiều ý kiến cho rằng, các đối tác như Ctn, Inba, ông Tkm, Pata, Vidi dàn xếp các hợp đồng theo con đường phức tạp, ngoằn nghèo, rối rắm qua nhiều cung đoạn để tránh rủi ro khi giá cổ phiếu rơi, trục lợi nếu giá cổ phiếu tăng. Vòng vo thì đã rõ. Nhưng trục lợi hay không thì còn phải xem xét. Theo HĐ1 thì Ctn đảm bảo 90% vốn cho ông Tkm tham gia đầu tư. Số tiền này Ctn “lăng xê” cho Inba và cuối cùng là Inba “lăng xê” cho Ctckct. Về vấn đề chuyển nhượng cổ phần, các đối tác chỉ kinh doanh mua đi bán lại, chứ không phải đầu tư, vì vậy, họ chỉ làm thủ tục chuyển nhượng vào đoạn trường cuối cùng. Trên thị trường nhà đất cũng có hành động kinh doanh tương tự. Người ta mua dưới dạng đầu cơ các căn hộ chung cư, chờ lên giá bán lại, người mua tiếp theo lại chờ để bán lại cho người thứ ba… Người tiêu dùng cuối cùng mới có nhu cầu sang tên trước bạ. Ở đây, các đối tác chỉ bỏ 10% số vốn cần thiết để kinh doanh. Họ sẽ “được thì ăn cả”, nhưng nếu “ngã” thì chỉ mất số tiền rất nhỏ. Đây là thủ thuật kinh doanh. Nhưng có điều rất bất hợp lý là: Ctn, Inba không bỏ tiền ra, ấy vậy mà trong hợp đồng giữa Pata và Vidi thì Vidi phải có trách nhiệm trả cho Ctn số tiền gốc là 27.540 triệu đồng. Thực ra số tiền này do Ctckct bỏ ra và đã được khấu trừ khi chuyển tiền sang cho Grno. Trường hợp, nếu Ctn có nhận khoản tiền này theo logic thì phải chuyển cho Inba và Inba – Ctckct (?!). Đây cũng là vấn đề thuộc về giám sát tài chính đối với hoạt động của các công ty nhằm tính và thu thuế thu nhập. - Một vấn đề nữa thiết nghĩ nên đề cập là quan hệ giữa các đối tác trong các hợp đồng. Qua các “cung đường” của lô cổ phần, chúng tôi có cảm giác rằng, ông Tkm, Ctn và Pata là những cá nhân và đơn vị thiết kế tạo dựng hợp đồng, còn Ctckct hành xử giống “chỉ đâu đánh đấy”. Rõ ràng, trong nội dung hợp đồng là có vấn đề. Vậy tại sao khi thấy một nguồn lợi lớn cho công ty của mình, mà giám đốc lại để tụt khỏi tay một cách dễ dàng như vậy? Câu hỏi này chắc không ai trả lời được, ngoài giám đốc công ty. Nhưng dù sao thì đây cũng là bài học trong việc quản trị đối với các doanh nghiệp. Nội dung của vụ việc nêu trên, thiết tưởng các cơ quan quản lý chuyên ngành, đơn vị chủ quản hữu quan; cũng như các doanh nghiệp xem xét và suy nghĩ, rủt ra những bài học cho mình trong quản lý và kinh doanh.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật