HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ ĐẶT RA NHỮNG CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

THS. NGUYỄN THỊ KIM THANH Điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) đó là quá trình kiểm soát cung tiền, tín dụng của Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) bằng tổng thể các biện pháp nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là ổn định hệ thống tiền tệ, ổn định giá cả ở mức hợp lý, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế bến vững. Chính vì vậy mà hội nhập kinh tế thế giới mang lại không ít những cơ hội và thách thức cho điều hành, thực thi CSTT của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cụ thể: Cơ hội - Đối với NHNN, hội nhập quốc tế tạo cơ hội để nâng cao hơn nữa năng lực và hiệu quả điều hành tiền tệ; đổi mới cơ chế kiểm soát tiền tệ, lãi suất, tỷ giá dựa trên cơ sở thị trường. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này đòi hỏi NHNN phải có những bước đi thích hợp phù hợp với quá trình cải cách và mở cửa và hội nhập của đất nước nói chung và của hệ thống tài chính nói riêng, bởi vì: (i) Tự do hoá thị trường tài chính và việc đổi mới công tác điều hành chính sách tiền tệ có mối quan hệ mật thiết với nhau.Tự do hoá thị trường tài chính, tạo điều kiện quan trọng để chuyển sang một khuôn khổ CSTT trên cơ sở thị trường hơn. Đồng thời tạo sự hiệu ứng nhanh của thị trường trước những thay đổi các điều kiện thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế nhằm đạt mục tiêu cuối cùng của CSTT. (ii) Kỷ luật tài chính và chính sách ngân sách thận trọng đóng vai trò quan trọng cho sự ổn định kinh tế vĩ mô, điều này sẽ góp phần tạo thuận lợi cho quá trình cải cách tài chính và thực thi CSTT chủ động hơn.   Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế quốc tế có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua các cam kết xây dựng và triển khai chính sách ổn định hơn của Chính phủ, phối hợp và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Hiện nay, chính sách tiền tệ của NHNN còn bị động và ảnh hưởng của chính sách tài khoá. Hội nhập kinh tế và sự phát triển của thị trường vốn sẽ tạo cơ sở, động lực cho các cơ quan quản lý tài chính, tiền tệ phối hợp chặt chẽ hơn trong điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá, giúp cho hệ thống các chính sách này có tác động bổ trợ nhau, qua đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả tác động/phát tín hiệu của chính sách tiền tệ. Mặt khác, hội nhập kinh tế trong hoạt động ngân hàng sẽ mở ra các cơ hội tăng cường phối hợp giữa NHNN và NHTƯ các nước, các tổ chức tài chính quốc tế về chính sách, chia sẻ thông tin và phương pháp hành động trong việc ngăn chặn và xử lý rủi ro, qua đó sẽ có tác dụng góp phần bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và hạn chế sự biến động của thị trường. - Hội nhập quốc tế sẽ buộc các ngân hàng phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường và minh bạch hơn. Mở cửa thị trường tài chính trong nước dẫn đến quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, phân chia lại thị trường giữa các nhóm ngân hàng theo hướng cân bằng hơn (ví dụ: thị phần ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) có thể bị giảm, thị phần của ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNNg) tăng lên), xuất hiện các ngân hàng hoạt động theo hướng chuyên môn hoá (bán lẻ, đầu tư hoặc bán buôn) tuỳ theo thế mạnh cạnh tranh của mỗi ngân hàng. Nâng cao tính cạnh tranh và kỷ luật thị trường trong hoạt động ngân hàng sẽ khuyến khích tạo ra những ngân hàng có qui mô lớn, tài chính lành mạnh và kinh doanh hiệu quả; các ngân hàng kinh doanh yếu kém sẽ bị đào thải hoặc phải vươn lên, nếu muốn tồn tại. Do vậy, khả năng cạnh tranh của các ngân hàng sẽ được nâng cao, bởi cơ hội liên kết hợp tác với các đối tác trong chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm và khai thác thị trường. Dưới sự tác động của hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng, các dịch vụ ngân hàng sẽ phát triển rất nhanh và có chất lượng cao hơn, đặc biệt là dịch vụ ngân hàng có hàm lượng công nghệ cao. Qua đó, uy tín, vị thế của hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ được nâng lên, ít nhất là trên thị trường khu vực và sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực tài chính, khơi thông dòng vốn, các doanh nghiệp và các ngân hàng trong nước có khả năng huy động các nguồn vốn từ thị trường tài chính quốc tế và sử dụng vốn có hiệu quả hơn để giảm thiểu rủi ro và các chi phí cơ hội. Có thể thấy, sự gia tăng về qui mô và tính đa dạng của các nguồn vốn quốc tế tham gia vào thị trường tài chính trong nước sẽ góp phần nâng cao khả năng cung ứng vốn; phát triển thị trường tài chính cả về chiều rộng và chiều sâu; và tăng cường kỷ luật thị trường. Một thị trường tài chính cạnh tranh và hiệu quả sẽ góp phần nâng cao hiệu quả truyền tải của chính sách tiền tệ (lãi suất cho vay/tiền gửi trên thị trường được gắn kết chặt chẽ hơn với lãi suất định hướng…). - Động lực thúc đẩy cải cách ngân hàng và hệ thống tài chính nội địa – một nhân tố quan trọng hỗ trợ việc điều hành CSTT có hiệu quả: Hội nhập kinh tế đã thúc đẩy cạnh tranh, mà cạnh tranh là động lực chính thúc đẩy cải cách của mỗi ngân hàng và toàn bộ hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng trong nước, một mặt, phải giải quyết những tồn tại, yếu kém; mặt khác, phải đẩy nhanh việc xây dựng nền tảng, tạo lên năng lực cạnh tranh và nâng cao năng lực quản trị điều hành. Thực tế trong 20 năm đổi mới đến nay, các ngân hàng Việt Nam đã và đang từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh; trong thời gian đó, các ngân hàng cũng đã tranh thủ được nhiều điều kiện để thu hút vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý của ngân hàng các nước trên thế giới và đào tạo được đội ngũ cán bộ bước đầu có kinh nghiệm quản lý. Bên cạnh đó, buộc các NHTM Việt Nam đã và đang thực hiện cơ cấu lại tổ chức, tăng năng lực tài chính, thực hiện chuyên môn hóa sâu hơn các nghiệp vụ ngân hàng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn và phát triển dịch vụ ngân hàng mới. Đó là những điều kiện quan trọng để hệ thống ngân hàng có thể đứng vững trong cạnh tranh và đảm bảo đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Hội nhập quốc tế thúc đẩy cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật và năng lực hoạt động của các cơ quan quản lý tài chính. Cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cũng phải tính đến việc cải cách căn bản năng lực hoạt động, xây dựng và thực thi chính sách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế. Hội nhập quốc tế đòi hỏi phải loại bỏ các biện pháp bảo hộ, bao cấp vốn, tài chính đối với các NHTMNN, điều này tạo ra cho lãnh đạo các NHTMNN có thêm động lực để tự cải cách, tăng cường năng lực cạnh tranh bằng chính mình, hạn chế trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Tất cả các biện pháp cải cách vĩ mô và vi mô nhằm tạo lập môi trường hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, hệ thống tiền tệ ngân hàng có khả năng thích ứng cao đối với môi trường toàn cầu hoá. Thách thức trong điều hành CSTT Kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy về dài hạn, hội nhập quốc tế cũng đặt ra những thách thức nhất định trong điều hành CSTT đối với NHNN: (i) Những diễn biến trên thị trường hàng hoá và tài chính toàn cầu sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn tới quá trình hoạch định chính sách của NHNN, như mức chênh lệch giữa lãi suất trong nước và lãi suất nước ngoài sẽ là một nhân tố quan trọng cần xem xét tới khi điều hành các công cụ CSTT; (ii) NHNN sẽ phải chú trọng nhiều hơn tới công tác nghiên cứu, dự báo, xác định những biến động trên thị trường quốc tế có khả năng ảnh hưởng hay lây lan tới thị trường tài chính trong nước và đưa ra quyết định kịp thời về các phản hồi chính sách cần thiết để giảm thiểu những tác động bất lợi đối với nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính trong nước nói riêng; (iii) Sự ổn định tài chính, cụ thể là sự ổn định của các tổ chức và các thị trường tài chính sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì lòng tin của công chúng đối với hoạt động của một NHTW. Điều này đòi hỏi NHNN phải xác định rõ những quyết định chính sách, sự can thiệp thông qua các công cụ điều hành gián tiếp sẽ có ảnh hưởng như thế nào tới sự ổn định tài chính; (iv) Trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính và nền kinh tế, cùng với số lượng các thành viên tham gia thị trường ngày càng nhiều và đa dạng sẽ làm tăng nguy cơ có những phỏng đoán sai lệch về những thay đổi của chính sách tài chính và tiền tệ. Điều này đòi hỏi NHNN phải nâng cao tính minh bạch trong điều hành chính sách tiền tệ thông qua việc truyền tải, cung cấp cung cấp thông tin đầy đủ, tin cậy và theo định kỳ về định hướng chính sách tiền tệ… cho công chúng. Đây thực sự là một thách thức, đòi hỏi nhiều nỗ lực của NHNN. (v) Việc mở cửa thị trường tài chính nội địa sẽ làm tăng rủi ro thị trường do các tác động từ bên ngoài, hạn chế khả năng tận dụng chênh lệch tỷ giá, lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế. Hệ thống ngân hàng trong nước cũng phải đối mặt lớn hơn với rủi ro khủng hoảng, các cú sốc kinh tế tài chính, khu vực, sự lây truyền của khủng hoảng. Sự kém phát triển của thị trường vốn có thể làm cho hệ thống ngân hàng phải chịu mức thiệt hại lớn hơn do rủi ro gây ra. Rủi ro gia tăng trong khi đó năng lực điều hành vĩ mô của NHNN và khả năng chống đỡ rủi ro của các NHTM còn nhiều hạn chế. Năng lực điều hành CSTT, tỷ giá và lãi suất của NHNN còn hạn chế, qui mô và hiệu quả của các công cụ gián tiếp của CSTT còn hạn chế (tổng giao dịch của các công cụ tái cấp vốn gián tiếp còn thấp xa so với tổng khối lượng tiền tệ, hoạt động của thị trường liên ngân hàng chưa phát triển, chưa thực sự trở thành công cụ hữu hiệu trong việc trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau giữa các TCTD…) CSTT hiện nay của NHNN hiện còn phải theo đuổi nhiều mục tiêu, không chỉ theo đuổi mục tiêu ổn định tiền tệ, kiềm chế sự gia tăng về giá cả và lạm phát mà còn phục vụ và theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Cơ chế lãi suất của NHNN tuy đã ngày càng được hoàn thiện, chuyển dần sang cơ chế lãi suất cơ bản nhưng chưa thực sự theo sát và phản ánh cung cầu thị trường, chưa hình thành lãi suất chủ đạo để thông qua đó, NHNN có khả năng tác động và định hướng lãi suất thị trường. Thêm vào đó, năng lực giám sát hoạt động ngân hàng của NHNN còn yếu, đặc biệt là khả năng giám sát rủi ro và giám sát đối với một số nghiệp vụ và sản phẩm ngân hàng mới được đưa vào thị trường… Đó cũng là những thách thức rất lớn cho NHNN trong điều hành CSTT và quản lý hoạt động ngân hàng. Hiện nay, mục tiêu điều hành CSTT của NHNN vẫn là khối lượng tiền cung ứng, tuy nhiên do tác động của quá trình tự do hoá, mở cửa thị trường, vai trò của lãi suất trong cơ chế truyền tải tiền tệ sẽ ngày càng được nâng lên, nguồn vốn tài trợ cho các hoạt động kinh tế sẽ ngày càng được huy động từ các thị trường có độ nhạy cảm đối với lãi suất (tín dụng ngân hàng, thị trường vốn) thay vì huy động từ các nguồn trái phiếu Chính phủ. Hơn nữa, gia tăng cạnh tranh giữa các TCTD sẽ giúp giảm chi phí giao dịch, đa dạng hoá các hình thức cung cấp dịch vụ tài chính trong nước, ví dụ như sự phát triển mạnh mẽ của mạng lưới máy ATM, thẻ tín dụng trong thời gian gần đây, đã làm cho cầu tiền phản ứng một cách nhanh hơn trước các diễn biến của lãi suất, tức là đã làm tăng độ co dãn của cầu tiền đối với lãi suất. Một cách tổng quát hơn, các biện pháp thúc đẩy thị trường tài chính phát triển sẽ góp phần phát triển độ sâu thị trường tài chính với những công cụ, tài sản hấp dẫn hơn, thêm vào đó sự biến động của các luồng chu chuyển vốn do tác động của tự do hoá sẽ làm cho cung, cầu tiền trở nên khó dự báo hơn. Điều này đòi hỏi NHNN phải đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao hiệu quả điều hành CSTT, xác định rõ các mục tiêu điều hành CSTT và cơ chế truyền tải tác động của CSTT đến mục tiêu CSTT. Cần những bước đi và giải pháp thích hợp Như vậy có thể nói, hiện nay, hội nhập kinh tế quốc tế mang lại nhiều cơ hội và thuận lợi, nhưng cũng sẽ nảy sinh không ít thách thức cho điều hành CSTT và quản lý hoạt động ngân hàng, đặc biệt là CSTT của NHNN Việt Nam. Vì vậy, đòi hỏi NHNN phải nỗ lực cải cách với những bước đi và giải pháp thích hợp. Theo đó: (i) Phải từng bước thiết lập những điều kiện cần thiết để chuyển điều hành CSTT đa mục tiêu thành CSTT theo đuổi một mục tiêu duy nhất là ổn định giá cả; (ii) Chuyển điều tiết khối lượng tiền sang điều tiết giá cả, đồng thời xây dựng những điều kiện cần thiết để thực thi khuôn khổ CSTT “lạm phát mục tiêu”; (iii) Cơ chế điều hành tỷ giá phải linh hoạt hơn, vì hội nhập quốc tế làm giảm tính độc lập của CSTT nếu như tỷ giá không được tự do hoá trong điều kiện tài khoản vốn được nới lỏng; (iv) Một chiến lược “kiềng ba chân” cần được áp dụng để tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập của hệ thống Ngân hàng Việt Nam, đó là: nâng cao tính minh bạch; phát triển hệ thống thanh toán; thúc đẩy việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và các qui định về an toàn.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật