GÓC NHÌN KHÁC VỀ DỊCH VỤ “GIAO DỊCH THỎA THUẬN NGOÀI GIỜ”

TS. LÊ VŨ NAM – Chủ nhiệm ngành Luật Tài chính – Ngân hàng – Chứng khoán, Khoa Kinh tế, Đại học Quốc gia TP. HCM ĐTCK - Thông tin liên quan đến giao dịch thỏa thuận đã được "chốt" trước giờ giao dịch chính thức được nhà đầu tư săn lùng là rất cao. Gần đây, một số công ty chứng khoán (CTCK) đã cho triển khai dịch vụ "giao dịch thỏa thuận ngoài giờ". Theo đó, các nhà đầu tư tham gia giao dịch thỏa thuận ngoài giờ sẽ tiến hành thỏa thuận giao dịch trước hoặc sau giờ giao dịch chính thức một số lượng chứng khoán niêm yết cụ thể với một mức giá thực hiện được ấn định tại thời điểm giao dịch. Mức giá này được bên mua và bên bán thỏa thuận với nhau trong biên độ quy định của mỗi sàn giao dịch. Thoạt nhìn, "giao dịch thỏa thuận ngoài giờ" dường như không ảnh hưởng gì đến thị trường, mà còn được xem như "một dịch vụ gia tăng" bởi việc thương lượng giá và khối lượng chứng khoán đều diễn ra trong biên độ và giới hạn lô lớn theo quy định. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là thời gian diễn ra hoạt động giao dịch này không theo lịch giao dịch chính thức đã được cơ quan quản lý ấn định, từ đó gây ra nhiều ý kiến khác nhau. Trong khi cơ quan quản lý vẫn chưa chính thức lên tiếng về vấn đề này thì đại diện CTCK ACB (ACBS), một trong những CTCK đang triển khai dịch vụ này, đã khẳng định dịch vụ giao dịch thỏa thuận ngoài giờ "không có bất kỳ yếu tố nào vượt rào so với quy chế giao dịch hiện nay". Bài viết này xin giới thiệu một góc nhìn khác về dịch vụ gây tranh cãi này. Theo Quy chế giao dịch tại sàn HOSE, thời gian giao dịch thỏa thuận cho cổ phiếu, chứng chỉ quỹ là từ 10h 30 đến 11h, nghĩa là sau khi giao dịch khớp lệnh đã kết thúc và VN-Index đóng cửa đã hình thành. Còn tại sàn HASTC, thời gian giao dịch thỏa thuận diễn ra song song với giao dịch khớp lệnh. Không phải ngẫu nhiên mà giao dịch thỏa thuận được quy định diễn ra sau khi giao dịch khớp lệnh đã kết thúc như ở sàn HOSE hoặc chí ít cũng song song với thời gian giao dịch khớp lệnh như ở sàn HASTC. Tham khảo lịch giao dịch của TTCK các nước thì thời gian giao dịch thỏa thuận cũng được bố trí tương tự như thế. Về bản chất, giao dịch thỏa thuận là những giao dịch có khối lượng lớn (nên còn gọi là giao dịch lô lớn) để tránh tác động đến giá và khối lượng giao dịch trên thị trường, qua đó tác động đến chỉ số chứng khoán nên giao dịch thỏa thuận được tách khỏi giao dịch khớp lệnh. Mặt khác, giao dịch thỏa thuận được bố trí thực hiện sau hoặc song song với giao dịch khớp lệnh nhằm tránh hoặc hạn chế thông tin về giao dịch thỏa thuận đến tâm lý nhà đầu tư giao dịch theo phương thức khớp lệnh. Nhà đầu tư thực hiện giao dịch thỏa thuận tự mình hoặc thông qua CTCK hay màn hình giao dịch thỏa thuận để tìm kiếm đối tác. Khi tìm được đối tác thì các bên sẽ tiến hành thương lượng về giá và khối lượng. Tại thời điểm hai bên đạt được một sự thỏa thuận về giá và khối lượng giao dịch thì đại diện giao dịch của CTCK nơi họ mở tài khoản xác nhận kết quả và nhập vào hệ thống giao dịch để ghi nhận. Cần lưu ý rằng, việc xử lý thông tin, tìm kiếm đối tác, thương lượng…, nhà đầu tư phải tiến hành ngay trong thời gian dành cho giao dịch thỏa thuận.   Tương tự như vậy, đối với nhà đầu tư tham gia giao dịch khớp lệnh (thường được xem là nhà đầu tư nhỏ) cũng phải xử lý thông tin để đưa ra quyết định mua bán chứng khoán và đặt lệnh chỉ giới hạn trong thời gian giao dịch khớp lệnh mà thôi. Ấy vậy mà giờ đây, thông qua dịch vụ "giao dịch thỏa thuận ngoài giờ", các nhà đầu tư lớn lại không bị ràng buộc về thời gian thực hiện giao dịch, nghĩa là họ có nhiều thời gian hơn trong việc xử lý, phân tích thông tin, cân nhắc thiệt hơn… để đưa ra quyết định đầu tư, trong khi nhà đầu tư nhỏ là những người cần được bảo vệ lại không có thêm cơ hội này. Nguyên tắc công bằng là một trong những nguyên tắc chủ đạo của TTCK và đã được Luật Chứng khoán quy định tại Điều 4. Nội hàm của nguyên tắc công bằng rất rộng, tuy nhiên, có thể hiểu nôm na đó là nguyên tắc đảm bảo cho các nhà đầu tư không phân biệt lớn hay nhỏ, trong nước hay nước ngoài đều có cơ hội như nhau trên thị trường, và dĩ nhiên, trong đó bao gồm cơ hội tiếp cận thông tin và thời gian xử lý thông tin để đưa ra quyết định đầu tư… Chính vì vậy, những ai tiếp cận thông tin trước khi nó được công bố để giao dịch chứng khoán được xem là hành vi giao dịch không công bằng (giao dịch nội gián). Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý là "giao dịch thỏa thuận ngoài giờ" liệu có được "khớp" trước giờ giao dịch chính thức hay chưa? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần xác định thời điểm giao kết hợp đồng trong giao dịch chứng khoán theo phương thức thỏa thuận là thời điểm nào? Pháp luật về chứng khoán và TTCK không quy định cụ thể khi nào thì hợp đồng mua bán chứng khoán được xem là đã giao kết. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự hiện hành quy định: "Hợp đồng dân sự được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết" (Khoản 1, Điều 404). Trường hợp hợp đồng được giao kết bằng lời nói thì thời điểm giao kết hợp đồng là "thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng" (Khoản 3, Điều 404). Như vậy, có thể thấy rằng, hợp đồng mua bán chứng khoán theo phương thức thỏa thuận được xem là giao kết vào thời điểm bên mua và bên bán đã thỏa thuận xong về giá và khối lượng giao dịch chứng khoán, điều này giải thích vì sao giao dịch loại này gọi là giao dịch thỏa thuận. Ngay sau khi thoả thuận đã đạt được, đại diện giao dịch của CTCK sẽ nhập thông tin về giao dịch vào hệ thống để ghi nhận và xử lý vấn đề kỹ thuật như thanh toán, chuyển quyền sở hữu… Từ thời điểm này, do hợp đồng đã được giao kết, nên các bên không được thay đổi ý định, không được hủy bỏ kết quả đã thỏa thuận được. Trường hợp đại diện giao dịch nhập sai lệnh thì lệnh sẽ được sửa, nhưng phải xuất trình lệnh gốc và được các bên tham gia giao dịch và Sở GDCK chấp thuận… Qua phân tích trên, có thể thấy rằng, "giao dịch thỏa thuận ngoài giờ" đã được xác lập trước thời gian giao dịch chính thức theo Quy chế giao dịch, đó là lúc mà các bên đạt được thỏa thuận, chứ không phải vào thời điểm nó được ghi nhận trên hệ thống. Hay nói cách khác, giao dịch thỏa thuận đã được thực hiện trước giờ giao dịch chính thức, còn trong giờ giao dịch chính thức người ta chỉ cần nhập kết quả vào hệ thống – nghĩa là giải quyết cái đã rồi. Tóm lại, "giao dịch thỏa thuận ngoài giờ" được thực hiện không trong giờ giao dịch chính thức mà Quy chế giao dịch quy định. Ngoài ra, do thời điểm giao kết hợp đồng mua bán chứng khoán trong "giao dịch thỏa thuận ngoài giờ" cách thời điểm nhập kết quả này vào hệ thống của Sở GDCK là khá dài (ngày hôm sau) cho nên khả năng các nhà đầu tư thay đổi ý định là rất cao, làm cho giao dịch này không ổn định và không an toàn. Trong khi quan điểm và nguyên tắc phát triển thị trường vốn, trong đó có TTCK, được Chính phủ đề ra là "an toàn, hiệu quả và lành mạnh". Song song đó, một vấn đề nữa cần cân nhắc kỹ là liệu "giao dịch thỏa thuận ngoài giờ" có làm xuất hiện yếu tố dẫn dắt thị trường hay không? Trên thực tế, một trong những yếu tố dẫn dắt thị trường thời gian qua là hành vi giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Khi nhà đầu tư nước ngoài mua hoặc bán chứng khoán sẽ gây chú ý cho nhà đầu tư trong nước và họ sẽ mua hoặc bán theo mà đôi khi lại bỏ qua việc phân tích, đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Hệ quả là không ít trường hợp "tạo sóng để lướt" đã diễn ra và người chịu thiệt thòi phần lớn là nhà đầu tư nhỏ. Khả năng thông tin liên quan đến giao dịch thỏa thuận đã được "chốt" trước giờ giao dịch chính thức được nhà đầu tư săn lùng là rất cao. Thông tin về "giao dịch thoả thuận ngoài giờ" chắc chắn sẽ tác động đến giá và khối lượng giao dịch đối với phương thức khớp lệnh, qua đó tác động đến chỉ số chứng khoán nhưng lại không nằm trong danh mục thông tin phải công bố theo quy định hiện hành. Thử tưởng tượng điều gì xảy ra, nếu trước phiên giao dịch chính thức có thông tin về việc cổ phiếu XYZ nào đó chiều hôm qua hoặc ngay trước giờ giao dịch chính thức đã có thỏa thuận giao dịch với khối lượng rất lớn ở mức giá trần hoặc sàn? Và khi đó, liệu có xảy ra tình trạng các nhà đầu tư lớn cấu kết với nhau để "làm động tác giả", vì họ hoàn toàn có thể thay đổi ý định mua bán mà không chịu bất kỳ chế tài nào. Trên đây là một số ý kiến của tác giả liên quan đến dịch vụ "giao dịch thỏa thuận ngoài giờ" với hy vọng sẽ góp phần tạo nên một góc nhìn đa chiều, qua đó cơ quan quản lý có thể tập hợp, cân nhắc trước khi thể hiện quan điểm chính thức về dịch vụ khá nhạy cảm này.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật