DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH THẾ GIỚI VÀ MỘT SỐ ĐỒNG TIỀN CHỦ CHỐT – DỰ BÁO XU HƯỚNG NĂM 2008

THS. LÊ HUYỀN DIỆU …Năm 2007 thực sự là năm làm các nhà đầu tư USD phải đối mặt với những cú sốc dữ dội.  USD tiếp tục giảm  giá từ đầu năm thế nhưng ngày 7/11, USD lao xuống vạch 1 Euro bằng 1,4967 USD, mức thấp nhất kể từ khi đồng Euro được đưa vào sử dụng… 1. Diễn biến nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính thế giới Nền kinh tế thế giới: Năm 2007 khép lại với rất nhiều sự kiện kinh tế và những biến động không ngờ của thị trường tài chính thế giới. Nền kinh tế toàn cầu năm 2007 đạt tốc độ tăng trưởng 5,2%, giảm 0,2% so với năm trước với các nền kinh tế Trung Quốc, ấn Độ và nhiều nước đang phát triển vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, nhìn chung nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn và dự báo sẽ giảm còn 4,8% năm 2008. Nợ xấu tăng mạnh, đặc biệt đối với hoạt động cho vay mua nhà trả chậm, một loạt ngân hàng lớn ở Mỹ bị thua lỗ và gặp khó khăn về thanh khoản, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong vòng 4 năm qua, lòng tin của người tiêu dùng giảm mạnh, ảnh hưởng xấu đến doanh thu bán lẻ. Những diễn biến bên trong nền kinh tế Mỹ đã đẩy đồng USD xuống thấp kỷ lục so với nhiều ngoại tệ mạnh khác, thậm chí so với một số đồng tiền của các nước đang phát triển châu á, thổi phồng bong bóng tăng giá dầu, ảnh hưởng xấu tới hầu hết các nền kinh tế trên thế giới do các mối liên hệ về thương mại, tài chính, rõ rệt nhất là các nền kinh tế châu Âu. Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,9% năm 2007, giảm rất nhiều so với 2,9% năm 2006 và thấp hơn 0,95% so với dự đoán ban đầu về tăng trưởng kinh tế năm 2008. Nền kinh tế Mỹ chịu những tác động tiêu cực của thị trường địa ốc đóng băng và những đòn tấn công của cuộc khủng hoàng nợ “dưới chuẩn”. Trong năm, nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với 3 lần cắt giảm lãi suất từ 5,25% xuống còn 4,25%. Thâm hụt cán cân vãng lai của Mỹ dự báo là giảm nhẹ nhưng vẫn chiếm tới 5,5% GDP năm 2007. Các nền kinh tế châu Âu thể hiện sự tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ thể hiện rõ qua thị trường tài chính đang ngày càng thắt chặt, ảnh hưởng đến tiêu dùng và đầu tư. Lạm phát tại khu vực châu Âu được dự đoán dưới 2% năm 2007 đã tăng nhẹ kể từ tháng 9 và vượt ngưỡng này trong những tháng còn lại của năm 2007 do dầu và thực phẩm tăng giá. Lạm phát năm 2008 tại khu vực này được đặt mục tiêu xung quanh mức 2,0% do các điều kiện về tiền tệ, tín dụng đang được thắt chặt. Các nước châu Á, giá lương thực tăng cao, giá dầu leo thang và luồng ngoại tệ chảy vào nhiều đang đòi hỏi chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nữa để kiểm soát lạm phát. Giá tiêu dùng sẽ tăng 4,2% năm 2008 so với mức tăng 4,0% năm 2007 tại các nước ASEAN 4 và tăng lên 2,3% trong năm 2008 so với 2,0% năm 2007 tại các nước công nghiệp mới nổi. Thị trường toàn cầu tiếp tục căng thẳng do những bất ổn về chính trị đang gia tăng tại một số khu vực, giá dầu có thể tiếp tục tăng cao, hậu quả là làm tăng áp lực lạm phát. Các nền kinh tế mới nổi tại châu á còn tiếp tục phải đối mặt với tình trạng mất cân đối kinh tế đối ngoại. Riêng kinh tế Trung Quốc có mức thặng dư cán cân vãng lai lớn, nếu Chính phủ nước này cải tổ cơ chế tỉ giá hối đoái và có biện pháp thúc đẩy tiêu dùng thì sẽ giúp tái cân bằng về cầu và cải thiện cân đối toàn cầu. Dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 4,8% trong giai đoạn 2008 – 2009. Tăng trưởng kinh tế Mỹ dự báo là 2,1%. Giá dầu thô dự báo sẽ giảm 69 USD/ thùng và 63,3 USD năm 2009. Thị trường tài chính thế giới: Nổi bật của thị trường tài chính thế giới năm 2007 là “bóng ma” tín dụng uy hiếp nước Mỹ. Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn hoạt động cho vay có phần dễ dãi và ồ ạt – được gọi là “nợ dưới chuẩn” (subprime) – của các ngân hàng đối với người vay tiền mua nhà trả góp với hy vọng sau đó bán đi để kiếm lời. Sau một thời kỳ sốt dài, thị trường địa ốc Mỹ rơi vào tình trạng đóng băng khiến người vay tiền không thể bán nhà để trả nợ. Số lượng nợ xấu và khách hàng vỡ nợ cứ thế tăng, đẩy các tổ chức cho vay vào cảnh thua lỗ đáng sợ. Hàng loạt các ngân hàng lớn ở Phố Wall như Bear Stearns, Merrill Lynch, Citigroup, Morgan Stanley liên tiếp công bố những khoản thâm hụt tài sản nhiều tỷ USD. Bóng đen khủng hoảng không chỉ dừng lại ở Mỹ mà còn lan sang cả châu Âu, tấn công vào các ngân hàng tại châu lục này như Northern Rock của Anh hay UBS của Thụy Sỹ. Hệ quả là cổ phiếu tài chính Mỹ liên tục lao dốc và vài giám đốc điều hành (CEO) của các tập đoàn tài chính Mỹ đã mất việc. Để cứu vãn tình hình, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và một số ngân hàng trung ương khác đã phải bơm tiền vào hệ thống tài chính để giảm áp lực vốn. Một số tập đoàn, trong đó có Citigroup, Merill Lynch và Morgan Stanley cũng phải “cầu viện” sự trợ giúp từ bên ngoài thông qua con đường bán lại cổ phần cho các “đại gia” đầu tư ở nước ngoài. Nhiều nhà phân tích dự báo, cuộc khủng hoảng tín dụng Mỹ sẽ còn lan sang năm 2008 và tổng số thiệt hại do nó gây ra đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể lên tới hàng nghìn tỷ USD. Nét nổi bật thứ hai là những đợt IPO khổng lồ của Trung Quốc. Nền kinh tế đông dân nhất thế giới này trong năm qua cũng khiến thế giới phải sửng sốt vì những đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) kỷ lục. Thị trường chứng khoán “rực lửa” của đại lục đã khiến giá cổ phiếu của nhiều công ty đại chúng tăng tới vài ba lần ngay trong ngày đầu niêm yết. Trong số này phải kể đến đợt IPO của tập đoàn dầu khí PetroChina, trang web thương mại điện tử Alibaba, và các “đại gia” địa ốc Country Garden và Soho. Ngay sau khi IPO, giá trị thị trường của PetroChina đã vọt qua 1.000 tỷ USD, đưa tập đoàn này “soán ngôi” công ty lớn nhất thế giới của ExxonMobil. Sự sôi động của thị trường chứng khoán và địa ốc Trung Quốc đã sản sinh ra một lớp tỷ phú mới ở nước này. Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A)  trên thế giới đạt mức kỉ lục trong  năm 2007. Đáng kể nhất là vụ một nhóm ba ngân hàng do Ngân hàng Hoàng gia Scotland dẫn đầu mua lại Ngân hàng ABN Amro của Hà Lan với giá 99 tỷ USD, đánh dấu thỏa thuận mua lại lớn nhất đã hoàn thành trong năm. Trong khi đó, “đại gia” khai thác mỏ BHP Billiton cũng đưa ra đề nghị mua lại đối thủ Rio Tinto với mức giá chưa từng có: 193 tỷ USD. Một khi hoàn tất, đây sẽ là thỏa thuận mua lại lớn nhất từ trước  tới nay. Khủng hoảng tín dụng ở Mỹ cũng khiến nhiều tập đoàn ngân hàng lớn ở nước này phải bán cổ phần cho các nhà đầu tư đến từ nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Điển hình là Citigroup bán cổ phần trị giá 7,5 tỷ USD cho cơ quan đầu tư Abu Dhabi (ADIA) của Các tiểu vương quốc ảrập thống nhất (UAE), Merrill Lynch bán cổ phần 6,2 tỷ USD cho tập đoàn Temasek của Singapore và một công ty khác của Mỹ, còn Morgan Stanley bán cổ phần trị giá 5 tỷ USD cho công ty đầu tư vốn của  nhà nước Trung Quốc. Các công ty đầu tư vốn tư nhân và các quỹ lợi ích quốc gia là hai lực lượng mới nổi trên thị trường M&A trong năm qua. Với nguồn tiền dồi dào từ bán dầu mỏ, các nhà đầu tư vùng Vịnh cũng tiến hành các vụ mua lại khắp thế giới. Tính ra, hiện các nước giàu có tài nguyên năng lượng này đã đầu tư tới 4.000 tỷ USD trên toàn cầu. 2. Diễn biến các đồng tiền chủ chốt trên thế giới và dự báo 2.1. Diễn biến đồng USD và dự báo Năm nay thực sự là năm làm các nhà đầu tư USD phải đối mặt với những cú sốc dữ dội.  USD tiếp tục giảm  giá từ đầu năm 2007 thế nhưng ngày 7/11, USD lao xuống vạch 1 Euro bằng 1,4967 USD, mức thấp nhất kể từ khi đồng Euro được đưa vào sử dụng năm 1999. Trong năm 2007, đồng USD đã bị mất giá 10% so với đồng EUR. Điều này không phải là mới vì trong 5 năm qua đồng USD đã giảm giá 25%. Một trong những nguyên nhân khiến cho đồng USD liên tục mất giá là do Mỹ liên tục cắt giảm lãi suất. Lần thứ nhất, vào ngày 18/9, FED cắt giảm lãi suất đồng “bạc xanh” từ mức 5,25%, xuống còn 4,75%. Lần thứ hai, vào ngày 31/10, lãi suất USD được FED hạ xuống còn 4,5%. Và lần thứ ba, trước sức ép nền kinh tế Mỹ có khả năng rơi vào suy thoái, trong phiên họp ngày 11/12/2007 vừa rồi, FED đã quyết định cắt giảm lãi suất chủ đạo từ mức 4,5% xuống 4,25%, đây là lần cắt giảm thứ 3 liên tiếp trong năm nay nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ trải qua thời kỳ khủng hoảng bắt đầu từ tháng 08/2007. Bên cạnh việc cắt giảm lãi suất định hướng, trong phiên họp này FED cũng đã quyết định cắt giảm lãi suất chiết khấu đi 25 điểm phần trăm xuống còn 4,75%. Mặc dù, đa số các chuyên gia kinh tế dự đoán FED sẽ cắt giảm lãi suất chủ đạo 0,25% (theo khảo sát của hãng Bloomberg, trong số 124 chuyên gia được hỏi có tới 115 người cho rằng FED sẽ cắt giảm 0,25% lãi suất chủ đạo, 7 người cho rằng FED sẽ cắt giảm lãi suất tới 0,5%), nhưng các nhà đầu tư vẫn hi vọng rằng FED sẽ có hành động mạnh mẽ hơn (chẳng hạn cắt giảm lãi suất chủ đạo đi 0,5%). Chính vì thế mà quyết định của FED đã làm cho các thị trường khá thất vọng, nên sau quyết định của FED được công bố, những diễn biến trái chiều đã xảy ra, cụ thể: Chỉ số công nghiệp DowJones đã giảm – 294 điểm (tương ứng – 2,1%). Theo sau sự sụt giảm trên thị trường New York, chỉ số Nikkei 225 cũng đã giảm – 308 điểm (tương ứng – 2%), giá vàng cũng giảm -1,4%. Tuy nhiên, sự giảm sút của thị trường chứng khoán cộng với việc FED giảm lãi suất đã khiến các nhà đầu tư chuyển hướng sang trái phiếu chính phủ Mỹ nhằm tìm kiếm một tài sản đầu tư an toàn hơn làm cho giá trái phiếu chính phủ tăng lên. Những ngày cuối tháng 12/2007, đồng USD có phần hồi phục trên thị trường ngoại hối dưới sự hỗ trợ tích cực của các thông tin kinh tế Mỹ khả quan (như tin về lạm phát, tin về sự hồi phục của thị trường bán lẻ, tin về mức thu nhập và tiêu dùng cá nhân…) thêm vào đó, “căn bệnh suy yếu” của đồng Đôla Mỹ cũng được khắc phục nhờ “liều thuốc vốn đầu tư của các quỹ đầu tư nước ngoài vào thị trường Mỹ – dự báo sẽ có thể lên đền 2,000 tỷ USD và gần đây nhất, đi tiên phong cho phong trào này là “liều thuốc nồng độ” 4,4 tỷ USD từ Singapore đầu tư vào tập Merrill Lynch – hình thành nên “lực cầu” đồng USD mà quan trọng là giúp lấy lại niềm tin của giới đầu tư vào thị trường tài chính Mỹ, vào viễn cảnh sáng lạng hơn của nền kinh tế Mỹ – đầu tàu kinh tế lớn nhất của thế giới này. Đồng đôla Mỹ cũng được nâng giá bởi trào lưu chuyển lợi nhuận về nước của các nhà đầu tư Mỹ và các hoạt động bán Euro thu lợi nhuận của các nhà đầu cơ vào thời điểm cuối năm. Theo nguồn tin Reuters, kể từ giữa tháng 11/2007, các quỹ bảo hiểm rủi ro, các nhà tài chính doanh nghiệp và các tổ chức đầu tư cũng đang dịch chuyển các khoản đầu tư của mình theo hướng hồi phục giá của đồng Đôla Mỹ. Một khi niềm tin đã được hồi phục, nhiều nhà phân tích dự báo rằng đồng USD có thể sẽ có biểu hiện tích cực hơn khi bước sang năm mới 2008. Biểu đồ 1: Diễn biến của đồng USD so với EUR năm 2007   Theo The Economist, một trong những lí do USD có thể ổn định trong năm 2008 trước khi bắt đầu phục hồi vào cuối năm này, trong đó dự báo tỷ giá USD/euro sẽ giảm bình quân từ 0,72 năm 2007 xuống 0,68 trong năm 2008, trước khi phục hồi lên 0,75 năm 2009. USD có thể tiếp tục giảm giá so với đồng yên Nhật về trung hạn, nhưng chủ yếu là do đồng yên sẽ lên giá mạnh nhờ lãi suất của Nhật Bản tăng và tình hình thương mại được cải thiện. Lý do chủ yếu làm giá USD khá lên là cuối năm 2008 tình hình rối loạn trên thị trường tài chính toàn cầu có thể lắng dịu, kinh tế Mỹ bắt đầu tăng trưởng sau một thời kỳ suy yếu và người ta bắt đầu bình tĩnh xem xét các điểm mạnh tương đối của nền kinh tế Mỹ, như năng suất tăng lên, tình hình lao động thuận lợi cho triển vọng dài hạn, những lý do hỗ trợ cho USD mạnh lên. Một khi sự suy yếu của đồng USD và nền kinh tế Mỹ giúp giảm sự mất cân bằng trong cán cân thanh toán đối ngoại của Mỹ, đồng USD sẽ có triển vọng lên giá dài hạn. USD có thể được hỗ trợ trong năm 2008 nhờ tác động của các chính sách lãi suất của Mỹ và châu Âu. Lãi suất quỹ liên bang ở Mỹ sẽ đứng ở mức 3,75% vào cuối năm 2008, còn lãi suất của châu Âu có thể giảm xuống. Như vậy khả năng chuyển đổi ào ạt quỹ dự trữ USD sang các phương tiện dự trữ khác rất khó có thể xảy ra vì các đối tượng có quỹ USD lớn thường tính toán đầu tư dài hạn, mà xét về dài hạn thì USD có triển vọng lên giá. Dù sao, nguy cơ USD giảm giá mạnh trong năm 2008 vẫn rất cao. Lý do chủ yếu là xu hướng điều chỉnh xuống các dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng thị trường tài chính kéo dài hơn dự đoán hiện nay và cuộc điều chỉnh thị trường nhà ở của Mỹ tác động lên nhu cầu mạnh Thêm vào đó, trong năm 2008, đồng USD vẫn dễ bị tác động trước tâm lý lo sợ của giới đầu tư về tình hình bội chi trong cán cân thanh toán vãng lai của Mỹ và về khả năng các ngân hàng trung ương và các quỹ tài sản nước ngoài chuyển đổi quỹ dự trữ từ USD. Ngay trong trường hợp kịch bản cơ bản diễn ra, trong đó USD tránh được một cuộc giảm giá mạnh ngắn hạn, đồng tiền này vẫn phải đối phó với các nguy cơ trung hạn và dài hạn. sang các phương tiện khác và thay đổi chế độ tỷ giá tiền tệ. Những nhân tố trên có thể dễ dàng làm cho USD giảm giá mạnh xuống dưới ngưỡng 1 USD = 0,63 EUR. 2.2 Diễn biến các đồng tiền khác (EUR, JPY, GBP) và dự báo Xem biểu đồ 1 ta thấy răng đồng trong năm qua đồng EUR luôn giữ được mức tăng trưởng ổn định đều đặn. Chỉ tháng 12, mức tăng trưởng này có xu hướng điều chỉnh giảm 1 chút do đồng USD có những thế mạnh tăng trưởng hơn. Việc ECB đã đi đầu trong việc bơm tiền qua hệ thống ngân hàng để tăng tính thanh khoản cho thị trường tài chính sau ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ở Mỹ tháng 8 năm nay như là một bước đi tiên phong thích hợp nhằm tăng sức đề kháng cho nền kinh tế để chống lại ảnh hưởng dây chuyền của cuộc khủng hoảng. Chính sự ổn định và chắc chắn trong đường lối lãnh đạo của ECB sẽ làm tăng lòng tin của giới đầu tư trong việc tiếp tục nắm giữ đồng EUR, do đó khả năng sang năm mới 2008, đồng tiền này sẽ tiếp tục chiếm ưu thế so với các đối thủ khác trên thị trường. Biểu đồ 2: Diễn biến của đồng JPY so với USD năm 2007   Trong năm qua, đồng JPY đồng Yên Nhật liên tục giảm giá so với USD với những đợt giảm vào tháng 2, 6, 9. Trong những tháng cuối năm, JPY tiếp tục đà giảm giá trên thị trường do chịu áp lực bởi sắc xanh của thị trường chứng khoán thế giới và sự gia tăng nhu cầu vay vốn ở các ngân hàng Nhật để đầu tư vào những tài sản có tỷ suất sinh lợi cao (do chi phí vay vốn giảm). Vốn mang danh là đồng tiền “carry trade” (được vay do có lãi suất thấp để đầu tư vào các tài sản có tỷ suất sinh lợi cao hơn)  nên khi các nhà đầu cơ dự đoán chính xác NHTW Nhật có ý định giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng JPY trong năm qua, làn sóng vay đồng JPY trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, từ đó gây ra áp lực khiến đồng tiền này giảm giá liên tục trên thị trường, tính đến nay, đồng Yên Nhật đã giảm giá so với 9 đồng tiền mạnh trên thế giới và xu hướng này có vẻ như chưa kết thúc. Khác với sự ổn định của đồng EUR, tình trạng của đồng Bảng Anh trong những ngày cuối năm càng trở nên ảm đạm hơn. Tính cả ngày hôm qua nữa thì đã 5 ngày liên tục đồng GBP rớt giá so với đồng EUR và đồng USD, thậm chí đồng GBP đã rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua so với đồng USD. Không khí trầm lắng trên thị trường do hầu hết các nhà đầu tư đã chốt lời xong trạng thái của mình và chưa vội bắt đầu một kế hoạch kinh doanh mới cộng với tình hình kinh tế không mấy khả quan của Anh đã khiến xu hướng trượt giá của đồng Bảng Anh bắt nguồn từ tuần trước kéo dài đến tuần này và dự báo cũng không có thông tin gì có giá trị để có thể tiếp sức cho đồng tiền này trong những ngày cuối năm. Theo đánh giá của các chuyên gia, ảnh hưởng tiêu cực của sự giảm sút thị trường nhà cửa Anh (đồng nghĩa với việc NHTW Anh có khả năng sẽ phải cắt giảm lãi suất cơ bản đồng GBP một lần nữa) sẽ còn tiếp tục đè nặng lên “vai” đồng Bảng Anh khi năm kinh doanh 2008 bắt đầu. Tóm lại, dự báo về dài hạn, đầu năm 2008 USD vẫn chưa khôi phục, các nhà đầu tư sẽ hi vọng USD sẽ khôi phục vào cuối 2008, đầu 2009. Đống EUR ổn định trong năm 2007 và sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của mình. Đồng GBP cũng sẽ tiếp tục giảm do những ảnh hưởng tiêu cực của thị trường nhà của Anh. Đồng JPY dự báo sẽ hồi phục về mặt trung hạn khi chính sách tiền tệ của Nhật đang có những thay đổi lớn.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật