ĐẦU TƯ MẠO HIỂM – ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

TS. NGUYỄN NGHĨA Đầu tư mạo hiểm (ĐTMH) là loại hình đầu tư thấy trước được nhiều rủi ro, nhưng nếu thành công sẽ đem lại hiệu quả rất cao. Đây là phương thức đầu tư gắn liền với sự hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao. Bài viết dưới đây giới thiệu tóm tắt những nội dung cơ bản về ĐTMH và đề xuất mô hình Quỹ ĐTMH ở nước ta. Hiện nay, nước ta đang ở trước ngưỡng cửa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hội nhập toàn diện với nền kinh tế thế giới. Trong môi trường cạnh tranh, doanh nghiệp muốn sinh tồn thì phải đổi mới công nghệ và doanh nghiệp nào có công nghệ cao, nhiều tài sản vô hình thì sẽ chiến thắng, cho nên ĐTMH là yếu tố quan trọng thúc đẩy hình thành doanh nghiệp công nghệ cao và phát triển công nghệ cao. ĐTMH là vấn đề mới tại Việt Nam. Điểm đặc biệt của nó là gắn kết chặt chẽ với các yếu tố như thị trường công nghệ, thị trường vốn… Những vấn đề lý luận về ĐTMH, các bước ĐTMH và cơ chế đầu tư, nguồn vốn cũng như khâu rút vốn, chính sách thuế… là những vấn đề phức tạp, cần phải dành nhiều thời gian nghiên cứu. Khái niệm cơ bản về ĐTMH ĐTMH – (Venture Capital) là khái niệm có nội hàm đặc biệt, trên thực tế, có thể biên dịch thành đầu tư khởi nghiệp, vì mục đích chủ yếu của ĐTMH là hình thành các doanh nghiệp KH&CN hoặc doanh nghiệp công nghệ cao. Theo nghĩa rộng, là đầu tư vốn vào toàn bộ hoạt động kinh tế mang tính phát triển, sáng tạo, có độ mạo hiểm cao nhưng tiềm năng hiệu quả cũng cao. Theo nghĩa hẹp, ĐTMH thường là đầu tư vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.   Theo Hiệp hội ĐTMH Mỹ, ĐTMH là loại vốn do nhà tài chính đầu tư vào doanh nghiệp mới khởi nghiệp, có tiềm năng cạnh tranh lớn và phát triển nhanh. Dưới góc độ đầu tư, ĐTMH là quá trình đưa vốn vào lĩnh vực nghiên cứu phát triển công nghệ cao và sản phẩm tiềm ẩn nhiều rủi ro nhằm thúc đẩy nhanh chóng thương mại hoá để có được lợi nhuận cao. Nếu thể hiện một cách đầy đủ cả quá trình, thì ĐTMH là một phương thức đầu tư trong đó vốn được cung cấp vào công ty mới khởi nghiệp, chưa niêm yết chứng khoán (chủ yếu là doanh nghiệp KH&CN), công ty có thể phải chịu rủi ro rất lớn, nuôi dưỡng doanh nghiệp phát triển nhanh chóng, sau vài năm thông qua niêm yết trên thị trường chứng khoán, hợp nhất hoặc chuyển nhượng cổ phần để thu được sự hoàn vốn đầu tư với mức cao. Mục đích của ĐTMH là thúc đẩy phát triển ngành công nghệ cao, hình thành các doanh nghiệp công nghệ cao. ĐTMH do 6 yếu tố cấu thành: Vốn mạo hiểm, nhà cung cấp vốn, đối tượng đầu tư, thời hạn đầu tư, mục đích đầu tư và phương thức đầu tư. Đặc điểm của ĐTMH ĐTMH thường được đầu tư vào giai đoạn thành lập doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao và giai đoạn nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Tỷ lệ thất bại của giai đoạn này có thể rất cao, tới 80-90%, tức là tỷ lệ thành công hoàn toàn của nó thấp hơn 30%. Tất nhiên, mức độ mạo hiểm càng cao thì khi thành công sẽ cho thu nhập cũng càng cao, vì công nghệ cao làm ra sản phẩm trước đây chưa có. Do đó, ĐTMH có thể thu được lợi nhuận rất lớn khi thành công. Nhà cung cấp vốn ĐTMH sử dụng lợi nhuận này chuyển hoá thành vốn chuẩn bị mạo hiểm, thực hiện giá trị gia tăng và quay vòng tuần hoàn của vốn mạo hiểm. Tại Mỹ, trong thời gian từ 1981 đến 1986, tỷ lệ giá trị gia tăng trung bình hàng năm của vốn mạo hiểm là khoảng 23,8% (năm cao nhất 37,2%), gấp 2-3 lần thu nhập bình quân của cổ phiếu. Vì vậy, khác với tài chính truyền thống, vốn mạo hiểm là loại vốn có thể đảm nhiệm mạo hiểm cao, đặc tính này phù hợp với việc phát triển dự án công nghệ cao. Đặc điểm khác của ĐTMH là nhà cung cấp vốn ĐTMH không chỉ đầu tư vốn, mà còn sử dụng kinh nghiệm, tri thức và mạng lưới thông tin tích luỹ lâu năm của mình hỗ trợ cho cán bộ quản lý doanh nghiệp để tiến hành kinh doanh sao cho tốt hơn. Tác động của ĐTMH đối với phát triển kinh tế Lịch sử phát triển các doanh nghiệp như Intel, Microsoft, Yahoo, Apple, thể hiện sự thành công của phương thức dùng vốn mạo hiểm hỗ trợ và nuôi dưỡng doanh nghiệp công nghệ cao. Những doanh nghiệp này khi khởi nghiệp đều nhận được ĐTMH. Công ty Apple trong thời kỳ ban đầu khởi nghiệp nhận được 400.000 USD vốn ĐTMH, Công ty Yahoo nhận được 4 triệu USD… Trên thực tế, không chỉ có các doanh nghiệp nói trên khi thành lập và phát triển phụ thuộc vào sự hỗ trợ của vốn mạo hiểm. Ơû Mỹ, ít nhất 50% doanh nghiệp công nghệ cao trong quá trình phát triển của mình đã nhận được sự giúp đỡ qua ĐTMH. Hiện trạng và triển vọng phát triển ĐTMH tại Việt Nam Hiện nay, ở nước ta có một số quỹ ĐTMH của nước ngoài đang hoạt động. Quỹ ĐTMH IDG (IDGVF) được thành lập từ năm 2004 tại Việt Nam, nhằm đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin với số vốn ban đầu lên đến 100 triệu USD. Tuy nhiên, sau 1 năm hoạt động, mới có 4 doanh nghiệp Việt Nam nhận được sự hỗ trợ của quỹ này với vốn đầu tư không đáng kể. Quỹ Mekong đã đầu tư cho các doanh nghiệp tư nhân hoạt động xuất khẩu: Đầu tư 1 triệu USD vào Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Minh Phúc, 1,6 triệu USD vào Công ty cổ phần nhựa Tân Đại Hưng, 745 ngàn USD vào Công ty Lạc Việt sản xuất phần mềm xuất khẩu. Nhìn chung, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chưa đủ điều kiện nhận được ĐTMH trung và dài hạn, vì trình độ tổ chức và vận hành doanh nghiệp thấp cũng như thiếu chiến lược dài hạn trong đổi mới công nghệ, ngoại trừ một số doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu hoặc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo nguyên tắc ĐTMH, vốn ĐTMH thường do các doanh nghiệp ĐTMH vận hành. Tức là, doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và phải bảo toàn vốn, ngoài việc đầu tư khởi nghiệp hoặc đầu tư vào các dự án công nghệ cao có tiềm năng công nghệ và triển vọng thị trường tốt, hứa hẹn mang lại thu nhập cao, doanh nghiệp ĐTMH còn tham gia quản lý trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua cung cấp dịch vụ tư vấn kinh doanh. Phương thức rút vốn thường được thực hiện trên thị trường chứng khoán. Để đa dạng hoá nguồn vốn ĐTMH, phải phát triển thị trường vốn, như: Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội hoặc huy động vốn nhàn rỗi của xã hội tham gia thị trường vốn. Tồn tại hiện nay của nền kinh tế nước ta là chưa hình thành được hệ thống các doanh nghiệp công nghệ cao, vườn ươm to công nghệ, đồng thời thiếu hệ thống pháp luật, chính sách hỗ trợ phát triển ĐTMH, cùng với thị trường chứng khoán còn yếu, chưa hình thành thị trường vốn. Do đó, vấn đề hình thành và phát triển doanh nghiệp ĐTMH một cách đầy đủ ở nước ta trong giai đoạn trước mắt chưa có điều kiện thuận lợi như ở các nước đã có các yếu tố thị trường mạnh mẽ hơn (thể hiện qua tỷ lệ cổ phần hoá, tư nhân hoá, phát triển thị trường chứng khoán…). Hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, việc đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là nhu cầu tất yếu. Trong những năm qua, Nhà nước đã và đang kiên trì thực hiện xây dựng các khu công nghệ cao tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều doanh nghiệp mới ra đời đã có những yếu tố công nghệ cao đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, vi điện tử, viễn thông, công nghệ sinh học, cơ khí chính xác và tự động hoá, vật liệu mới… cùng với nhiều dự án công nghệ cao đang được triển khai tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động tham gia hội nhập. Trong bối cảnh đó, hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp đang cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc đầu tư đối với các dự án đổi mới công nghệ và bước đầu trong việc hình thành các doanh nghiệp công nghệ cao để chuẩn bị đối mặt với những thách thức của quá trình hội nhập. Kiến nghị mô hình triển khai Quỹ ĐTMH tại Việt Nam Biện pháp hữu hiệu nhất, đồng thời cũng là con đường tất yếu mà các nước công nghiệp đi trước đã và đang áp dụng là thành lập Quỹ ĐTMH từ nguồn vốn Nhà nước (chủ yếu là nguồn vốn KH&CN và vốn vay ngân hàng) để hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển công nghệ cao, hình thành hệ thống các doanh nghiệp KH&CN vừa và nhỏ có năng lực cạnh tranh tốt. Đối với nước ta, trong giai đoạn đầu (không dưới 10 năm) nên tiến hành quản lý Quỹ ĐTMH theo các nguyên tắc sau: -  Mục đích của Quỹ: Phát triển doanh nghiệp công nghệ cao, tạo cơ chế hỗ trợ đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp. - Hình thức quản lý: Quỹ ĐTMH là doanh nghiệp chịu trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn. - Nguồn vốn bao gồm: Vốn điều lệ chủ yếu của Nhà nước, vốn của các cổ đông và cá nhân, vốn quyên góp của xã hội và các nguồn đầu tư khác. - Đối tượng đầu tư: Những dự án đổi mới công nghệ có hàm lượng công nghệ cao của các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân đầy đủ. - Phương thức đầu tư: 1) Đầu tư theo cổ phần tham gia (phương thức đầu tư chủ yếu): Trọng điểm lựa chọn là doanh nghiệp kinh doanh có thành tích ni bật, dự án có khả năng phát triển và hiệu suất hoàn trả đầu tư cao, đã có quy mô phát triển nhất định, thị trường xác định rõ ràng, trong vòng 3-5 năm khả năng mở rộng thị trường và thực thi chuyển nhượng cổ phần còn lại tương đối lớn. 2) Đầu tư khống chế cổ phần hoặc đầu tư độc lập: Trọng điểm lựa chọn là dự án khởi nghiệp có tiềm năng phát triển tốt, dự án có quyền sở hữu trí tuệ, thành tựu công nghệ có trình độ dẫn đầu trong nước, triển vọng thị trường đặc biệt tốt. 3) Hợp tác đầu tư (cho vay chu chuyển ngắn hạn): Hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chấp nhận đầu tư và công nghiệp hoá thành quả theo phương thức rót vốn ngắn hạn, nâng cao tỷ lệ chu chuyển và tỷ lệ hoàn trả vốn. Trọng điểm lựa chọn là doanh nghiệp có thành tích kinh doanh tương đối tốt, có tiền vốn đáng tin cậy và có năng lực trả thu nhập tiến hành hợp tác đầu tư. - Phương thức rút vốn: Chuyển nhượng niêm yết cổ phần, chuyển nhượng thoả thuận cổ phần hợp nhất doanh nghiệp, mua lại doanh nghiệp được đầu tư.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật