CÔNG TY NẮM VỐN – HÌNH THỨC ĐỂ NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ VÀO LĨNH VỰC BẢO HIỂM THEO LUẬT HOA KỲ

NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội Tóm tắt. Bài viết khảo cứu cơ sở pháp lý và thực tiễn hình thành công ty nắm vốn trong lĩnh vực tài chính – công ty đầu tư tài chính ở Hoa kỳ. Mô hình công ty này cho phép định chế tài chính là ngân hàng khả năng sử dụng khả năng tài chính của chủ sở hữu để tham gia hoạt động tài chính đa dạng trong lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán thông qua hình thức thành lập công ty đầu tư tài chính theo Luật Gram-Leach-Billey. Công ty đầu tư tài chính được trao quyền tự chủ trong quyết định đầu tư, công ty đầu tư ngân hàng có thể chuyển đổi sang hình thức công ty đầu tư tài chính để tham gia kinh doanh bảo hiểm. Để chuyển sang hình thức công ty đầu tư tài chính, các công ty con của nó phải đạt những tiêu chuẩn về tài chính nhất định. Khi công ty đầu tư tài chính sở hữu công ty bảo hiểm, thì công ty bảo hiểm ngoài sự chi phối của công ty đầu tư tài chính, còn chịu sự giám sát của Cục bảo hiểm của tiểu bang. Điểm mà Việt Nam có thể tham khảo là Luật hoá quyền tham gia đầu tư trong lĩnh vực tài chính của ngân hàng thương mại, và xây dựng cơ chế kiểm soát đầu tư vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm của ngân hàng. Năm 1999, Quốc hội Hoa Kỳ đã ban hành Luật Gramm-Leach-Bliley – Luật cải cách chế độ tài chính (Luật GLB), Luật này đã cho phép thành lập công ty nắm vốn trong lĩnh vực tài chính – công ty đầu tư tài chính (Financial holding company – FHC), theo đó các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm và các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính khác có thể hợp nhất hoặc sáp nhập vào nhau. Luật GLB được ban hành nhằm thúc đẩy sự năng động của ngân hàng thương mại và sử dụng ngân hàng thương mại là một tổ chức hỗ trợ tái thiết các công ty thuộc lĩnh vực tài chính. Ở nước ta, gần đây các ngân hàng thương mại đã mở rộng hoạt động sang lĩnh vực kinh doanh chứng khoán và bảo hiểm. Ngâ nhàng thương mại có thể kinh doanh bảo hiểm thông qua làm đại lý bảo hiểm tại các chi nhánh ngân hàng hoặc góp vốn thành lập công ty bảo hiểm. Cơ sở pháp lý cho hình thức tham gia này là Luật kinh doanh bảo hiểm được Quốc Hội ban hành năm 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Để được góp vốn vào công ty bảo hiểm, Ngân hàng thương mại phải bảo đảm các tỉ lệ an toàn trong hoạt động theo qui định của Ngân hàng Nhà nước.   Trên thực tế, trong tháng 1/2007, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã thành lập Công ty bảo hiểm nhân thọ Vietcombank-Cardif trong đó, Vietcombank góp 45%, Cardif góp 43 %, và Seabank góp 12% [1]. Căn cứ vào tiêu chuẩn về công ty mẹ-con theo Luật doanh nghiệp thì Vietcombank không thể trở thành công ty mẹ với số vốn có quyền biểu quyết chưa quá 50%. Đặc biệt với 3 công ty liên kết góp vốn thì ít khả năng Vietcombank chi phối hoàn toàn thông qua việc cử người tham gia vào Hội đồng quản trị. Mặc dù vậy, với việc tham gia góp vốn, Vietcombank đã thiết lập quan hệ sở hữu với công ty kinh doanh bảo hiểm, và ít nhiều Công ty bảo hiểm Vietcombank-Cardif cũng bị ảnh hưởng bởi chiến lược kinh doanh của  Vietcombank, bởi tên gọi của công ty bảo hiểm gắn với thương hiệu của Vietcombank. Việc thành lập Công ty bảo hiểm Vietcombank-Cardif thể hiện rõ chủ trương ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực tài chính không liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng. Sự kết hợp kinh doanh ngân hàng và kinh doanh bảo hiểm trong một tập đoàn tài chính là hướng đi phù hợp với thông lệ quốc tế. Vấn đề đặt ra là sự mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bảo hiểm để tạo lập tập đoàn tài chính cần được pháp luật  điều chỉnh thế nào? Để góp phần làm rõ thực chất của liên kết trong tập đoàn tài chính – ngân hàng ở nước ta hiện nay thì việc nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn tham gia lĩnh  vực kinh doanh bảo hiểm của ngân hàng thương mại Hoa Kỳ có một ý nghĩa nhất định. Bài viết khảo cứu về điều chỉnh pháp luật của Hoa Kỳ cho phép ngân hàng tham gia vào lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm và đưa ra một số ý kiến về hướng hoàn thiện pháp luật về liên kết tài chính trong tập đoàn tài chính ở nước ta. 1. Nới lỏng sự tham gia của ngân hàng vào lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm ở Hoa Kỳ Trước đây, ở Hoa Kỳ, ở cấp liên bang không tồn tại cơ quan quản lý bảo hiểm, hoạt động kinh doanh bảo hiểm do Cục bảo hiểm của tiểu bang quản lý. Luật McCaran Ferguson được Quốc hội ban hành năm 1945 đã xác nhận điều này, theo đó, Luật liên bang không qui định ngoại lệ thì Luật của Bang sẽ được ưu tiên áp dụng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Mặc dù, về nguyên tắc, ngân hàng liên bang không được kinh doanh bảo hiểm, nhưng Luật ngân hàng liên bang (National Bank Act) vẫn cho phép ngoại lệ. Cụ thể là, các ngân hàng liên Bang được thực hiện đại lý bảo hiểm tại chi nhánh ngân hàng nơi thị trấn có dưới 5000 cư dân, với hoạt động chào bán và bán bảo hiểm cháy, nhân thọ (Federal Code 39 Stat. 735, 12. U.S.C Điều 92)(1). Năm 1956 Quốc hội Hoa Kỳ ban hành Luật công ty nắm vốn ngân hàng, hay còn có thể gọi là Luật công ty đầu tư ngân hàng (Bank holding company Law- Luật BHC), Luật này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hình thành Công ty nắm vốn ngân hàng – Công ty đầu tư ngân hàng (Bank holding company – BHC), tuy nhiên, phạm vi hoạt động của BHC chỉ hạn chế trong kinh doanh ngân hàng và các hoạt động phụ thuộc kinh doanh ngân hàng. BHC được coi là loại hình công ty chi phối ngân hàng, sở hữu trên 25% số phiếu biểu quyết của ngân hàng và có thể thực hiện quyền ảnh hưởng bổ nhiệm người quản lý ngân hàng (Điều 1841 (a) (1). Ngoài ra, khi BHC sở hữu công ty phi ngân hàng, thì phạm vi hoạt động của công ty này phải liên quan mật thiết đến hoạt động ngân hàng, đến quản lý chi phối của ngân hàng (12 U.S.C. 1843(c)(8)). Trên thực tế, BHC sở hữu các ngân hàng, trong đó các ngân hàng là công ty con đã thực hiện đại lý bảo hiểm [2]. Mặc dù hoạt động đại lý bảo hiểm chỉ được coi là một hoạt động liên quan với hoạt động kinh doanh của ngân hàng, nhưng bản thân BHC cũng như công ty con của nó không được nhận bảo hiểm với tư cách là hoạt động chủ yếu thường xuyên. Ngân hàng có ưu thế hơn so với nhiều định chế tài chính khác trong huy động vốn dưới hình thức nhận tiền gửi, nhưng trong quá trình hoạt động phải bảo đảm an toàn nguồn vốn đi vay. Bởi vậy, ngân hàng bị hạn chế tham gia đầu tư vào lĩnh vực tài chính đa dạng. Tuy nhiên, vào thập kỷ 90, ngân hàng rơi vào tình trạng thiếu năng lực cạnh tranh với sự tác động của tiến trình chứng khoán hoá. Với thực trạng này, Cục quản lý giám sát ngân hàng liên bang (Office of the Comptroller of the Currency – OCC) đã công nhận từng bước sự tham gia vào lĩnh vực hoạt động mới của ngân hàng bằng giải thích pháp luật. Theo đó, một trường hợp hợp nhất công ty trong lĩnh vực tài chính nổi tiếng  được biết đến đó là vụ hợp nhất của ngân hàng Citybank và công ty bảo hiểm Traveler Group vào năm 1998 tạo nên tập đoàn tài chính Citygroup, tập đoàn thực hiện kinh doanh trong cả hai lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm. Vụ hợp nhất này xảy ra trước thời điểm ban hành Luật GLB, và có tác động trực tiếp đến sự ra đời của đạo luật. Đồng thời với xu hướng tái điều chỉnh của Luật liên bang trong lĩnh vực tài chính, nhiều tiểu bang đã công nhận ngân hàng tiểu bang được kinh doanh bảo hiểm. Mặc dù Luật GLB đã nới lỏng sự tham gia của ngân hàng liên bang vào lĩnh vực bảo hiểm nhưng không phải đã nhận được sự tán thành của Luật các tiểu bang, bởi các tiểu bang không sửa đổi Luật mà vẫn công nhận sự ưu tiên áp dụng của Luật bảo hiểm của tiểu bang. Chẳng hạn: Luật bảo hiểm Bang Florida 1974 qui định “Không một tổ chức nào thuộc sở hữu và quản lý của định chế tài chính được thực hiện kinh doanh đại lý bảo hiểm” (Flo.State.Ann. Điều 626.988 (2)). Có nghĩa là, vẫn tồn tại xung đột pháp luật về việc cho phép ngân hàng liên bang tham gia hoạt động bảo hiểm ở các tiểu bang. Từ cuối thập kỷ 90, tham gia của ngân hàng vào lĩnh vực bảo hiểm đã được công nhận trên thực tế, trong đó toà án đã công nhận ưu tiên áp dụng Luật liên bang so với Luật tiểu bang. Điều này thể hiện ở phán quyết của toà án công nhận việc thắng kiện của Ngân hàng Barnett Bank of Marion County đối với Cục bảo hiểm Plorida trong vụ việc Cục bảo hiểm kiện yêu cầu chấm dứt  hoạt động đại lý bảo hiểm của Ngân hàng liên bang theo Luật của tiểu bang. Vụ thắng kiện này tạo cơ sở quan trọng cho việc công nhận về mặt pháp lý sự tham gia chính thức của ngân hàng liên bang vào lĩnh vực bảo hiểm ở các bang [3]. 2. Chuyển đổi hình thức công ty đầu tư ngân hàng sang hình thức công ty đầu tư tài chính Luật GLB 1999 cho phép ngân hàng có khả năng thông qua công ty đầu tư tài chính để thành lập công ty bảo hiểm và đại lý bảo hiểm. Trong Luật có đề cập hai nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm của ngân hàng. Một là: qui định cho phép hợp nhất ngân hàng với công ty bảo hiểm thông qua tổ chức lại theo mô hình FHC, trong đó FHC đóng vai trò đầu tư tài chính vào các công ty con là công ty bảo hiểm và ngân hàng. Hai là: qui định chi tiết trong Mục 3 về việc tham gia bán bảo hiểm của ngân hàng. Theo Luật này thì hoạt động của các công ty con của FHC không thuộc sự điều chỉnh của Luật của tiểu bang. Điều kiện để BHC có thể tiến hành hoạt động đa dạng trong lĩnh vực tài chính là phải chuyển đổi thành FHC. Tuy nhiên, BHC phải thoả mãn các điều kiện: 1) Vốn của toàn bộ định chế nhận tiền gửi là thành viên phải trong trạng thái tốt, tức là tỉ lệ vốn tự có trên 10% và tình trạng kinh doanh tốt; các tổ chức nhận tiền gửi là thành viên phải đáp ứng tiêu chuẩn đánh giá trong đợt kiểm tra gần nhất theo Luật tái đầu tư cộng đồng (Community Reinvestment Act); và phải xin phép Hội đồng Dự trữ liên bang (Federal Reserver Board – FRB). Phạm vi hoạt động tài chính chủ yếu của FHC là kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm, nghiệp vụ tư vấn tài chính, nghĩa vụ tín thác đầu tư v.v… Ngoài ra, FHC có thể thực hiện hoạt động khác nếu được chấp thuận của FRB và sau khi được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ tài chính. Cơ quan có thẩm quyền đánh giá dựa trên mục đích mở rộng hoạt  động kinh doanh của ngân hàng trên cơ sở duy trì sự phân chia giữa hoạt động ngân hàng và hoạt động đầu tư vào lĩnh vực thương mại đồng thời bảo đảm năng lực cạnh tranh của BHC và công ty trực thuộc. Ngoài ra, ngân hàng liên bang khi hội tụ các điều kiện nhất định cũng có thể thông qua công ty con để thực hiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Điều kiện đó là vốn tự có và hoạt động kinh doanh của ngân hàng liên bang, các cơ quan tài chính nhận tiền gửi phải trong trạng thái tốt, và ngân hàng phải đạt tới tiêu chuẩn nhất định về tổng tài sản ở vị trí dưới 100 trong xếp hạng ngân hàng liên bang. Tóm lại, Luật GLB là cơ sở pháp lý quan trọng để công nhận tính hợp pháp của các vụ hợp nhất của ngân hàng với công ty bảo hiểm, cho phép hình thành các tập đoàn tài chính có qui mô lớn, hỗ trợ cho quá trình tái thiết các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính, đồng thời cho phép ngân hàng liên bang được thành lập công ty con để kinh doanh bảo hiểm. 3. Lợi ích và hạn chế của sự kết hợp kinh doanh trong lĩnh vực tài chính Với sự thành lập của FHC, các ngân hàng liên bang có thể trở thành công ty con của FHC, đồng thời, các ngân hàng này có quyền hoạt động kinh doanh bảo hiểm thông qua công ty con của mình. Sau khi hình thành, FHC thuộc sở hữu của cổ đông, đóng vai trò đầu tư vốn vào các ngân hàng và các công ty con là ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán. Bản thân các ngân hàng liên bang là công ty con của FHC cũng có thể sở hữu công ty bảo hiểm. Tức là, nhờ sự liên kết giữa các công ty với công ty mẹ – công ty chóp là FHC, một tập đoàn tài chính đã hình thành. Thực chất, FHC đóng vai trò là tổ chức đầu tư vốn vào các công ty con và nhận lợi ích từ hoạt động kinh doanh của các công ty con. Như vậy, thông qua FHC, ngân hàng có thể sử dụng nguồn vốn hiện có của mình để tạo ra một hoạt động kinh doanh mới – kinh doanh bảo hiểm. Trên thực tế, sự kết hợp hoạt động kinh doanh ngân hàng và bảo hiểm trong tập đoàn tài chính đôi khi cũng chỉ mang tính chất nhất thời. Vụ hợp nhất của Công ty bảo hiểm Traveler Group vào Citybank tạo nên tập đoàn City Group để thực hiện sự kết hợp lĩnh vực kinh doanh ngân hàng và bảo hiểm, nhưng sự kết hợp này cũng chỉ tồn tại trong gần 5 năm, bởi vào năm 2002, City Group FHC đã bán công ty bảo hiểm thiệt hại là thành viên của Traverler Group [4, tr.142]. Ngoài ra, việc ngân hàng làm đại lý bảo hiểm cũng tạo ra một nguồn thu, tuy nhiên, nguồn thu này vẫn còn khiêm  tốn so với nguồn thu từ cung cấp dịch vụ ngân hàng. Chẳng hạn, Ngân hàng Bank of America đứng thứ 2 về qui mô ngân hàng ở Hoa Kỳ nhưng so với thu nhập từ hoạt động ngân hàng thì qui mô thu nhập từ phí bảo hiểm còn quá nhỏ, hoạt động bảo hiểm của các công ty con chỉ tập trung vào đối tượng là cá nhân với bảo hiểm nhân thọ, lương hưu ô tô. Một trong những lý do là Ngân hàng không tiến hành hoạt động bảo hiểm đối với công ty bởi vậy để làm mất đi một khoản thu nhập lớn. Ngân hàng luôn có lợi thế hơn so với công ty bảo hiểm là có số lượng khách hàng tiềm năng mở tài khoản giao dịch, điều này có thể tăng thu nhập từ hoa hồng đại lý bảo hiểm. Thế nhưng, gần đây xu hướng các ngân hàng chỉ thành lập công ty con để thực hiện đại lý bảo hiểm. Lý do cơ bản tác động tới xu hướng này là vụ khủng bố 9-2001 ở Hoa Kỳ. Việc trả khoản tiền bảo hiểm khổng lồ đã gây ra thiệt hại lớn cho các công ty bảo hiểm, đây là nguyên nhân dẫn tới tỉ suất lợi nhuận trên vốn của công ty bảo hiểm thấp. Chính vì vậy, nhiều công ty bảo hiểm của FHC và của các ngân hàng là công ty con của FHC không nhận bảo hiểm mà chỉ xúc tiến mua các đại lý bảo hiểm [4, tr.142]. 4. Quản lý đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm của FHC Để chuyển sang hình thức FHC để kết hợp hoạt động kinh doanh ngân hàng và bảo hiểm thì BHC cần phải có sự chấp thuận của Hội đồng Dự trữ liên bang. Trong khi đó, việc công ty bảo hiểm trở thành công ty con của FHC hoặc của ngân hàng con của FHC không bị ràng buộc bởi qui định của Cơ quan quản lý bảo hiểm các bang. Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi sang hình thức FHC, FHC có toàn quyền trong quyết định góp vốn đầu tư không phụ thuộc vào quyết định của cơ quan quản lý thành lập, bởi vậy có thể nói mô hình FHC cho phép tự chủ trong quyết định hỗ trợ tái thiết công ty để đáp ứng yêu cầu của thị trường. FHC không trực tiếp tiến hành hoạt động kinh doanh bảo hiểm mà chỉ quản lý trực tiếp phần vốn góp vào công ty con, nhưng trong qúa trình hoạt động, công ty con ngoài việc quản lý, chi phối của FHC còn chịu sự quản lý giám sát của Cục quản lý bảo hiểm bang. Với việc xúc tiến các hoạt động đầu tư thành lập công ty con để tham gia vào lĩnh  vực tài chính, rủi ro FHC có thể tăng lên do FHC là chủ thể đầu tư trực tiếp vào công ty bảo hiểm, bởi vậy, để bảo đảm an toàn trong sử dụng vốn và hoạt động kinh doanh bảo hiểm thì bên cạnh việc FHC tăng cường kiểm soát về sử dụng vốn của công bảo hiểm thì việc tăng cường kiểm tra giám sát từ Cục quản lý bảo hiểm bang và Hiệp hội bảo hiểm có ý nghĩa rất quan trọng. Trên thực tế, tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm phải thoả mãn những điều kiện nhất định. Công ty bảo hiểm phải tuân thủ qui định về yêu cầu rủi ro trên vốn do Hiệp hội giám sát bảo hiểm toàn Hoa Kỳ (NAIC) ban hành. Rủi ro của công ty bảo hiểm được định lượng hoá dựa trên rủi ro về giá, rủi ro về bảo hiểm, rủi ro biến động lãi suất, rủi ro trong kinh doanh. Hơn thế nữa, đối với công ty bảo hiểm nhân thọ thì tiền bảo hiểm, khoản tiền hoàn trả khi giải ước và nhập viện do NAIC ban hành trong phạm vi từ 100.000 đến 500.000 USD [5, tr.40, 42]. 5. Kinh nghiệm rút ra từ xây dựng pháp luật của Hoa Kỳ Từ kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật ở Hoa Kỳ, có thể thấy rằng, tập đoàn tài chính có thể hình thành tự nhiên do yêu cầu tổ  chức lại các công ty. Pháp luật có vai trò quan trọng trong xây dựng mô hình và tạo ra sự kiểm soát thông qua các tiêu chuẩn thành lập tổ chức kinh doanh trong tập đoàn. Bởi vậy, ở nước ta, để thúc đẩy sự liên kết công ty trong tập đoàn tài chính thì bên cạnh nới lỏng điều kiện tham gia góp vốn của ngân hàng vào công ty bảo hiểm thì cần nghiên cứu xem xét cụ thể một số vấn đề như: - Luật hoá quyền tham gia các lĩnh vực tài chính đa dạng của ngân hàng thương mại trong luật các tổ chức tín dụng. Việc xác định rõ lĩnh vực hoạt động và những hạn chế trong quá trình tham gia góp vốn thành lập công ty bảo hiểm là cơ sở pháp lý để kiểm soát hoạt động góp vốn của ngân hàng đồng thời tạo quyền chủ động lựa chọn hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại. - Xây dựng cơ chế kiểm soát đầu tư của ngân hàng và hoạt động của công ty bảo hiểm. Phải xác định rõ xây dựng cơ chế kiểm soát trong đó ngân hàng sẽ thực hiện quyền chi phối đối với công ty bảo hiểm hay chỉ cho phép ngân hàng tham gia góp vốn với tỉ lệ góp vốn bị giới hạn. - Cần tham khảo mô hình công ty nắm vốn tài chính của Hoa Kỳ để điều hoà mục đích tách trách nhiệm của ngân hàng với khoản nợ của công ty bảo hiểm, sử dụng khả năng tài chính của ngân hàng để hỗ trợ tổ chức lại công ty trong lĩnh vực tài chính. Hiện nay, ngân hàng thương mại nước ta ngoài tiềm năng thu hút nguồn vốn huy động trong xã hội còn có khả năng mở rộng hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng với số lượng đông đảo khách hàng. Với tư cách là nhà đầu tư, trong sự kết hợp giữa hoạt động kinh doanh ngân hàng và bảo hiểm trong tập đoàn tài chính, thì ngân hàng có nhiều lợi thế bởi đã có lượng khách hàng hiện có và lượng khách hàng tiềm năng. Sự mở rộng đầu tư của ngân hàng sang lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm cũng như các dịch vụ tài chính khác sẽ thúc đẩy sự hình thành và phát triển của tập đoàn tài chính. Bởi vậy, cần thiết phải tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài để xây dựng mô hình tập đoàn tài chính phù hợp với điều kiện nước ta, điều chỉnh pháp luật vừa phải bảo đảm sự kiểm soát gia nhập mới của ngân hàng, vừa phải bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Chú thích: (1) United States Code được Quốc hội ban hành năm 1916, http://www.findlaw.com. Tài liệu tham khảo [1] Thành lập Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Vietcombank – Cardif, 1/2001,http://vietcombank.com.vn. [2] J. Nellie Liang, Donald T. Savage, The nonbank activieties of bank holding companies, Federal Resever Bulletin, May 1990, http://www.findarticles.com. [3] Supreme Court Collection, Barnett Bank of Marion County, A.v.Nelson, Florida Ins,http://supct.law.cornell.edu/supct/html/1994-1837.ZO.html. [4] MiyaMura, Chiến lược bảo hiểm của ngân hàng Hoa Kỳ, Tạp chí Keieironshuu, Số 63, 11/2004, p.141 (tiếng Nhật). [5] Cục Tín Dụng, Ngân hàng Nhật Bản, Nhóm hoá lĩnh vực kinh doanh dịch vụ tài chính, 2/2005, http://boj.or.ip/type/ronbun (tiếng Nhật). [6] Banking Acts in USA – Luật ngân hàng Hoa Kỳ, NXB Hội nghiên cứu thông tin tài chính, Nhật Bản, 2001 (tiếng Nhật). [7] Aspen Law & Business, Banking Law and Regulation Third Edition, Aspen Publishers, 2001. [8] Satou (Viện Nghiên cứu chính sách, Bộ tài chính Nhật Bản), Xúc tiến hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Ngân hàng, PRI Disscussion Paper Series (No.06A-12), 4/2006, (tiếng Nhật).  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật