CÔNG TY CỔ PHẦN MỘT CỔ ĐÔNG

Cho đến nay, khi nói đến công ty cổ phần một cổ đông hay một thành viên, nhiều luật gia còn cảm thấy có điều gì đó “hơi ngược”. Thế nhưng, khi được hỏi tại sao công ty cổ phần lại cần phải có bảy hay ba cổ đông thì dường như rất khó có câu trả lời. Cảm giác “hơi ngược” về công ty cổ phần một cổ đông có lẽ xuất hiện bởi Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định: Số lượng cổ đông tối thiểu của công ty cổ phần là ba cổ đông (Điều 77); và công ty bị giải thể khi không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu trong thời hạn sáu tháng liên tục (Điều 157). Hiện nay, chưa có một sự giải thích chính thức về học thuyết nào và triết lý nào ẩn sâu sau các quy định này. Nhưng từ biểu hiện bên ngoài, có thể nhận xét: các quy định này có gì đó hạn chế quyền tự do kinh doanh hiến định bởi đưa ra các hạn chế thiếu lý do chính đáng và đôi khi chỉ vì các hạn chế thiếu lý do chính đáng như vậy, nhiều nhà đầu tư bị giảm đi sự lựa chọn về hình thức công ty và phải “lách luật”. Tuy nhiên, để có thể nói công ty cổ phần một cổ đông có phải là hình thức công ty chính đáng và có ích hay không, thì cần phải có những khảo nghiệm. Bài viết này tập trung vào việc đối chiếu một số quy định pháp luật của các nước về công ty cổ phần một cổ đông và đưa ra lập luận căn bản về việc nên thừa nhận loại hình công ty này. 1. Khái quát quy định của một số nước về số lượng cổ đông tối thiếu của công ty cổ phần Luật Công ty năm 1990 của Việt Nam quy định công ty cổ phần có số lượng thành viên tối thiểu là bảy (Điều 30, Luật Công ty năm 1990). Số lượng cổ đông tối thiểu đã được quy định rút xuống còn ba theo Luật Doanh nghiệp năm 2005. Sự rút xuống này không nảy sinh một nhận định nào về tình trạng xấu đi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.   Ở Anh, tuy mô hình công ty cổ phần xuất hiện từ thế kỷ thứ 17, nhưng mãi đến năm 1844, Nghị viện mới cho ra đời Đạo luật điều chỉnh và đăng ký công ty cổ phần. Năm 1856, Nghị viện nước này ban hành đạo luật mới về công ty, theo đó số lượng cổ đông tối thiểu của một công ty cổ phần là bảy cổ đông. Hiện nay pháp luật về công ty của Anh quan niệm, công ty (không phân biệt loại hình) có thể do một hoặc nhiều thành viên thành lập. Cụ thể, tại Mục 7 và Mục 8, Phần 2 của Đạo luật 2006 quy định: “Cách thức thành lập công ty: Theo luật này, một công ty được thành lập bởi một hoặc nhiều người; tên của những người góp vốn được ghi trong hợp đồng thành lập công ty và phải tuân thủ các quy định của Đạo luật này khi đăng ký thành lập”. Định nghĩa về công ty cổ phần tại Đạo luật này được quy định tại Mục 1041 mà ở đó người ta không tìm thấy đặc điểm nhận dạng công ty cổ phần liên quan tới số lượng cổ đông, mà chỉ tìm thấy đặc điểm nhận dạng liên quan tới việc chia vốn thành cổ phần, và chuyển nhượng cổ phần… Ở Hoa Kỳ trong thời kỳ thuộc địa, do pháp luật Anh được áp dụng, nên đòi hỏi một công ty cổ phần phải có tối thiểu bảy cổ đông. Hiện nay, theo Đạo luật mẫu về công ty ở Hoa Kỳ, việc có hay không quy định số lượng thành viên công ty là một vấn đề để phân biệt giữa các công ty đại chúng và các công ty khác, cụ thể: Mục 2.01 của quy định “Một hoặc nhiều người có thể hành động với tư cách là thành viên công ty bằng việc gửi hồ sơ thành lập đến cơ quan đăng ký kinh doanh để thành lập công ty”; và Mục 1.40.18A quy định “Công ty đại chúng là công ty mà cổ phần được niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc gia hoặc có hoạt động thương mại thường xuyên trên thị trường được sự bảo trợ của một hoặc nhiều thành viên hiệp hội chứng khoán quốc gia”. Ở Úc, trước kia pháp luật về công ty được xây dựng dựa trên khuôn mẫu của pháp luật Anh, theo đó, số lượng cổ đông tối thiểu của công ty cổ phần cũng được ấn định là bảy cổ đông. Năm 1981, với sự ra đời của Đạo luật công ty có tính độc lập, quan niệm về số lượng cổ đông tối thiểu trong công ty cổ phần có sự thay đổi. Điều 33 của Đạo luật này quy định số lượng thành viên tối thiểu là năm thành viên, và được áp dụng cho một số loại hình công ty mà trong đó có công ty cổ phần (company limited by shares). Ở Trung Quốc, Luật Công ty năm 1993 giới hạn số lượng thành viên tối thiểu của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần là hai thành viên (Điều 20). Tuy nhiên, việc thành lập công ty cổ phần bắt buộc phải có tối thiểu năm người bảo trợ. Luật Công ty năm 2004 của nước này tại Điều 75 quy định “Để thành lập công ty cổ phần phải có ít nhất năm sáng lập viên, hơn một nửa trong số đó đang sinh sống trong lãnh thổ Trung Quốc”. Chỉ một năm sau, Luật Công ty năm 2005 của nước này lại quy định tại Điều 79 như sau: “Để thành lập công ty cổ phần phải có ít nhất là hai nhưng không quá hai trăm sáng lập viên, hơn một nửa trong số đó phải có cư sở trong lãnh thổ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa”. Hiện tại, pháp luật của một số nước Châu Âu (như Lavia, Thổ Nhĩ Kỳ…) vẫn đang áp dụng quy định số lượng cổ đông tối thiểu của công ty cổ phần là năm cổ đông. Như vậy, nhiều quốc gia trong quá trình thực hiện chính sách của mình đã tiến hành điều chỉnh các quy định của pháp luật về số lượng thành viên tối thiểu của công ty cổ phần. Việc cho phép tồn tại công ty cổ phần một cổ đông không còn là vấn đề quá mới mẻ ở một số quốc gia. Các quy định có tính cách đột phá này đã phá vỡ sự lý giải chung nhất cho quan niệm công ty cổ phần cần phải có nhiều cổ đông. Có lẽ trước kia người ta ngầm hiểu rằng công ty là một loại hội, và hội thì không thể chỉ có một người. 2. Việc tiếp nhận hình thức công ty cổ phần một cổ đông ở Việt Nam Việc coi công ty là một hội để rồi đi đến dẫn giải rằng hội cần phải có nhiều người để áp đặt cho công ty cổ phần có lẽ chưa được thuyết phục lắm. Cách lập luận này không giải thích được tư duy lợi ích của người lập hội, mà còn không đả động đến sự định hướng của pháp luật đối với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Xét về lợi ích, lập hội là tạo ra một phương tiện để đáp ứng nhu cầu sống nào đó của người lập hội. Xét về định hướng của pháp luật, việc lập hội nói chung và thành lập công ty nói riêng phải được điều tiết trên tinh thần bảo đảm cho người dân có thể đáp ứng một cách tốt nhất cho nhu cầu sống của mình, đồng thời bảo vệ một cách hữu hiệu nhất cho sự tồn tại và phát triển chung của cộng đồng. Vì vậy, nếu không chứng minh được một cách rõ ràng sự ảnh hưởng đến cộng đồng hoặc bản thân người lập hội, thì có lẽ không cần thiết phải hạn chế sự lựa chọn của người dân. Thiết nghĩ rằng, sự cân đối giữa cá nhân và cộng đồng bao giờ cũng là vấn đề trọng tâm của cải cách pháp luật (1). 2.1. Công ty cổ phần một thành viên xuất hiện ở Việt Nam do thực tiễn thi hành luật và thực tiễn “lách luật” của nhà đầu tư Từ việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, hình thức công ty cổ phần một thành viên đã xuất hiện thực tế ở Việt Nam trong một vài năm qua. Có thể nhận diện nó như sau: Doanh nghiệp nhà nước, về bản chất là công ty một thành viên. Việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước có bản chất pháp lý là chuyển đổi hình thức công ty. Khi thực hiện cổ phần hoá, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cổ phần hoá. Sau khi có quyết định cổ phần hoá, người ta xác định giá trị thực của doanh nghiệp, và chia giá trị doanh nghiệp xác định ra thành các phần bằng nhau, giá trị của mỗi phần (mệnh giá cổ phần) được ấn định trước, hiện tại là 10.000đ/cổ phần (Điều 9 của Nghị định số 109/2009/NĐ-CP). Tại thời điểm này, mặc dù công ty cổ phần hình thành do cổ phần hoá vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng thực tế đang tồn tại một công ty với một thành viên là Nhà nước, và vốn của công ty này được chia thành các cổ phần để thực hiện việc chuyển nhượng. Như vậy, sau khi hoàn thành công đoạn này, doanh nghiệp nhà nước về bản chất đã trở thành công ty cổ phần một thành viên. Để có được một công ty cổ phần (bởi người đầu tư nhìn thấy lợi ích của hình thức công ty này trong hiện tại hoặc tương lai), người ta có thể bắt đầu bằng việc thành lập mới hoặc mua công ty đang hoạt động, do đó có thể dẫn tới việc xuất hiện công ty cổ phần một cổ đông trên thực tế. Trường hợp thứ nhất, có những người không muốn chia sẻ ý tưởng kinh doanh của riêng mình cho người khác, và chỉ muốn thành lập công ty cổ phần để thực hiện ý tưởng đó, bởi có chiến lược lâu dài, và kinh doanh ở quy mô lớn, do đó tìm cách “lách luật” để thành lập một công ty cổ phần của riêng mình; trường hợp thứ hai, có những người muốn một mình đầu tư tiền để mua toàn bộ một công ty cổ phần đang hoạt động kém hiệu quả, hoặc lâm vào tình trạng phá sản… để vực dậy công ty hay để tối đa hoá lợi ích cho riêng mình. Thế nhưng, những ước muốn “không tồi” như vậy ở Việt Nam hiện nay vướng phải các quy định của pháp luật về số lượng cổ đông tối thiểu của công ty cổ phần. Việc “lách luật” thường xảy ra cho các ước muốn nói trên, cụ thể là: Một là, khi một người thành lập công ty cổ phần mới để thực hiện ý tưởng kinh doanh, thì người này vẫn lập hồ sơ đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, ngoài người này, các cổ đông sáng lập khác chỉ mang danh nghĩa. Số cổ phần của những “cổ đông danh nghĩa” này trên giấy tờ là rất ít và không thể gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến công ty. Do đó, việc dẫn dắt công ty có thể nói hoàn toàn do một người thực hiện. Hai là, khi một người bỏ tiền mua 100% cổ phần của một công ty cổ phần đang hoạt động, hoạt động kém hiệu quả hoặc lâm vào tình trạng phá sản, thì người này hoàn toàn có thể đàng hoàng sở hữu và vận hành công ty. Việc kiểm tra, giám sát vấn đề này hiện nay gần như bị bỏ ngỏ, trừ một số công ty niêm yết, các ngân hàng… Khi bị phát hiện, thì việc hợp pháp hoá cũng khá đơn giản bằng việc chuyển nhượng hay cho tặng một số cổ phần ít ỏi là đủ để bảo đảm đúng số lượng cổ đông tối thiểu theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp 2005 cho thấy, có nhiều công ty cổ phần được thành lập với đúng số lượng cổ đông tối thiểu hoặc nhiều hơn, nhưng khi xảy ra tranh chấp thì chỉ xác định được một cổ đông. Nguyên nhân của vấn đề này khá đa dạng, có thể do một cổ đông tự nghĩ ra các cổ đông khác để đưa vào danh sách cổ đông sáng lập (sự vụ này xảy ra khá nhiều, đặc biệt là khi áp dụng Luật Doanh nghiệp năm 1999 – hồ sơ thành lập công ty không bao gồm Chứng minh nhân dân của cổ đông sáng lập); có thể do trong vòng 3 năm đầu kể từ khi công ty được cấp đăng ký kinh doanh, chỉ có một cổ đông nộp tiền mua cổ phần, và số cổ phần các cổ đông khác cam kết nhưng không mua, đã được chào bán nhưng không thành. Đặc biệt có nhiều trường hợp một người sử dụng Chứng minh nhân dân của người khác để thành lập công ty cổ phần… Các vấn đề nêu trên cho thấy hiện tại ở Việt Nam có hai loại công ty cổ phần một cổ đông: Một loại do hiệu lực của luật (cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước), nhưng chưa được mọi người nhìn nhận chính thức là công ty cổ phần một cổ đông; một loại khác do “lách luật”, nhưng chưa được nghiên cứu, xem xét một cách thấu đáo. Loại thứ hai này có thể gọi là các công ty cổ phần một cổ đông thực tế, xét ở mức độ nào đó, có thể coi là “trái luật”. Tuy nhiên việc xử lý các công ty được thành lập hoặc sở hữu “trái luật” này chưa có cách thức thoả đáng khi có tranh chấp, bởi trong thực tiễn tư pháp chúng ta chưa nghĩ đến vấn đề công ty vô hiệu, trừ các bài giảng về công ty thực tế, và công ty vô hiệu ở Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội và một số ít các công trình nghiên cứu về công ty (2). Có thể thấy, trường hợp một người mượn thêm tên của những người khác để thành lập công ty cổ phần “lách luật” như trên, là giao dịch vô hiệu do giả tạo, dẫn tới công ty vô hiệu. Cần phải lưu ý rằng giải thể công ty do vô hiệu là một trình tự tư pháp khác với giải thể công ty theo trình tự hành chính, bởi cơ quan hành chính không thể huỷ một giao dịch do vô hiệu. Nhưng vấn đề cần nói hơn ở đây không phải là giải pháp pháp lý cho các công ty “lách luật”, mà là tại sao cần phải sử dụng các giải pháp pháp lý như vậy như đối với các công ty được thành lập bất hợp pháp khác trong khi công ty cổ phần một cổ đông không phải là xấu và không gây tác hại. Tóm lại, vừa chưa có lý do xác đáng để loại bỏ hình thức công ty cổ phần một cổ đông, lại vừa chưa có giải pháp pháp lý đối với những “vi phạm” khi “lách luật” thành lập công ty cổ phần một cổ đông, thì tại sao chúng ta lại không thừa nhận hình thức công ty này một cách chính thức? 2.2. Sự tác động tích cực của hình thức công ty cổ phần một cổ đông đến sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam hiện nay Như đã nói trên, thực tế các nhà đầu tư có nhu cầu thành lập công ty cổ phần một cổ đông. Với một logic thông thường rằng: Con người có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, và pháp luật phải thừa nhận và bảo vệ những quyền đó của con người. Theo đó, pháp luật cần thừa nhận và bảo vệ phương tiện kiếm sống chính đáng của mỗi con người, có nghĩa là các phương tiện nhằm đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của con người, với điều kiện việc tạo lập và vận hành các phương tiện đó không xâm phạm đến trật tự công, không xâm phạm đến quyền và lợi ích của người khác. Một trong các phương tiện đó là công ty cổ phần một cổ đông. Công ty cổ phần một cổ đông không có sự khác biệt với công ty cổ phần nhiều cổ đông về bản chất, mà chỉ có sự khác biệt về trình tự, thủ tục thành lập và quản trị. Sự hình thành và hoạt động của nó không ảnh hưởng đến trật tự công cộng, đạo đức xã hội và lợi ích của bất kỳ người thứ ba nào khác. Điều này đã được kiểm chứng ở một số nước thừa nhận mô hình công ty một thành viên kể cả công ty cổ phần như ở Anh, ở Đức. Điều 157 của Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định, công ty bị giải thể khi không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu trong thời hạn sáu tháng liên tục đang hạn chế quyền tự do kinh doanh hợp pháp của nhà đầu tư. “Luật tư không thể buộc bất kỳ ai hành động trái với ý muốn của họ, nếu không có lý do chính đáng từ phía cộng đồng” (3). Thật lãng phí khi chúng ta giải thể công ty cổ phần do không đủ một số lượng cổ đông tối thiểu trong lúc công ty đó đang đóng góp lớn cho xã hội về của cải vật chất, về tạo ra công ăn việc làm… Mô hình công ty cổ phần một cổ đông có thể góp phần quan trọng thực hiện chính sách cổ phần hoá của Đảng và Nhà nước. Cụ thể, khi tiến hành cổ phần hoá, cơ quan thẩm quyền ra quyết định cổ phần hoá, doanh nghiệp chốt thời điểm và tiến hành định giá bình thường, hoạt động sản xuất kinh doanh không bị ảnh hưởng. Vấn đề quan trọng nhất của việc cổ phần hoá là bán cổ phần sẽ được tiến hành một cách chủ động hơn, linh hoạt hơn, và hiệu quả hơn sau khi công ty đã là công ty cổ phần. Số lượng cổ phần chào bán có thể được điều chỉnh theo thị trường, không nhất thiết phải đấu giá tất cả trong một đợt. Kinh nghiệm cho thấy, Bộ luật Thương mại của Cộng hoà Séc đã có tác dụng rất lớn trong việc chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước thành các công ty cổ phần do việc tiếp nhận hình thức công ty cổ phần một cổ đông. Chấp nhận hình thức công ty cổ phần một cổ đông sẽ giúp cho Luật Doanh nghiệp thực hiện tốt “chức năng tạo lập ra hình thức công ty đa dạng và phong phú cho các nhà đầu tư lựa chọn” (4), và phù hợp các nhu cầu thực tế của xã hội. Thực tế cho thấy, sự phát triển kinh tế ở Việt Nam đã có sự đóng góp rất lớn từ chính sách mở rộng các hình thức công ty thể hiện qua Luật Doanh nghiệp năm 1999 và Luật Doanh nghiệp năm 2005. Tiếp nhận hình thức công ty cổ phần một cổ đông không chỉ là một hệ quả tất yếu của việc thực hiện nguyên tắc tự do ý chí và quyền tự do kinh doanh, mà còn tạo điều kiện dễ dàng cho nhà đầu tư việc chuyển đổi hình thức công ty do sức ép của thị trường, do năng lực kinh doanh, cũng như do các rủi ro của đời sống, đồng thời hợp tác, liên kết với những người khác. Chú thích: (1) Ngô Huy Cương, Góp phần bàn về cải cách pháp luật ở Việt Nam hiện nay, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2006, tr. 62. (2) Ngô Huy Cương, Hợp đồng thành lập công ty ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Viện Nhà nước và Pháp luật, Hà Nội, 2004, tr. 64- 70; Các bài giảng của TS. Ngô Huy Cương cho các lớp Cao học Luật tại Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội. (3) Ngô Huy Cương, Khái niệm công ty hợp danh tại Luật Doanh nghiệp năm 2005, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 11 (148) tháng 6/2009, tr. 23- 26.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật