CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH VỀ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

LÊ VĂN KIỀU  – Nguyên Chánh Thanh tra Bộ KH&CN Trên thị trường tân dược xuất hiện sản phẩm mang nhãn hiệu Thekan & Hình của Công ty DTH. Ngay sau khi phát hiện trên thị trường xuất hiện loại thuốc mang nhãn hiệu này, Công ty Dược MEDIPLANTEX đã có thông báo, khuyến cáo Công ty DTH về tình trạng thể hiện nhãn hiệu và bao bì mang các chỉ dẫn thương mại trùng với các chỉ dẫn thương mại của MEDIPLANTEX. Tuy nhiên, Công ty DTH không chấp nhận các khuyến cáo này và vẫn cho lưu hành các sản phẩm của mình trên thị trường. Căn cứ của khuyến cáo trên là do sản phẩm mang nhãn hiệu Thekan & Hình có cách trình bày các chỉ dẫn trên bao bì, kể cả màu sắc và phần hình lá cây Ginkgo cách điệu tương tự với bao bì sản phẩm thuốc Superkan & Hình của Công ty Dược MEDIPLANTEX. Đây là nhãn hiệu hàng hoá được bảo hộ tại Văn bằng số 44906 ngày 20.1.2003 cho nhãn hiệu Superkan & Hình đối với các sản phẩm thuộc nhóm 5: Thuốc và dược phẩm các loại. Nhãn hàng hóa của MEDIPLANTEX đăng ký với Cục quản lý Dược từ ngày 21.10.2001 và được lưu hành từ ngày 25.2.2002. Còn nhãn hàng của Công ty DTH được lưu hành từ năm 2004. Từ các so sánh trên, cơ quan có thẩm quyền kết luận bao bì 2 sản phẩm được sản xuất bởi hai đơn vị khác nhau nhưng: Về tổng thể cách trình bày dấu hiệu Thekan & Hình trên vỏ hộp thuốc của Công ty DTH tương tự như cách trình bày dấu hiệu Superkan & Hình trên vỏ hộp thuốc của MEDIPLANTEX. Các sản phẩm thuốc mang dấu hiệu Superkan & Hình và Thekan & Hình đều có chỉ định điều trị các chứng bệnh về rối loạn tuần hoàn não và mạch máu ngoại biên như: Suy tuần hoàn não cấp và mạn tính, giảm chú ý tập trung, nhức đầu, giảm trí nhớ, mất trí do xơ cứng động mạch não và các tình trạng xảy ra sau đột qụy, sau chấn thương sọ não, rối loạn tuần hoàn máu và thần kinh tai, thần kinh mắt…   Từ căn cứ do hai bên cung cấp, cơ quan có thẩm quyền kết luận hành vi cạnh tranh không lành mạnh của DTH thể hiện ở việc sử dụng vỏ hộp thuốc mang nhãn hiệu Thekan & Hình đã vi phạm Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT). Việc xử phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp (SHCN) sẽ áp dụng theo quy định tại Điều 30 của Nghị định số 120/2005/NĐ-CP ngày 30.9.2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh. Do đó, cơ quan có thẩm quyền đã lập biên bản về hành vi cạnh tranh không lành mạnh về SHCN của Công ty DTH. Trong khi chuẩn bị hoàn chỉnh hồ sơ để ra quyết định xử phạt thì MEDIPLANTEX có thông báo cho cơ quan có thẩm quyền rằng, hai bên sẽ tự giải quyết, có sự thoả thuận với nhau về biện pháp giải quyết. Trên cơ sở thông báo rút đơn yêu cầu xử lý của doanh nghiệp bị canh tranh không lành mạnh về SHCN, cơ quan có thẩm quyền đã khép hồ sơ, không xử phạt Công ty DTH. (Nguồn: Pháp luật & Đời sống, ngày 20.9.2007) Lời bình 1. Quyền SHCN là tài sản vô hình chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Do vậy, quyền SHCN đang khẳng định vai trò to lớn, tạo nên giá trị và tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Chính vì thế, các doanh nghiệp đã và đang tích cực thực hiện các hoạt động bảo vệ các đối tượng SHCN của mình, trong đó có quyền chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh xuất hiện trong quá trình hoạt động kinh doanh. 2. Do việc kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền, hàng hoá giả mạo SHCN bị các lực lượng bảo vệ quyền SHCN tích cực phát hiện và xử lý, nên một số doanh nghiệp làm ăn không chính đáng chuyển sang sử dụng các chỉ dẫn thương mại để gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, cạnh tranh không lành mạnh về SHCN với các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực hoạt động. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phát triển công nghệ in ấn chống giả, kỹ thuật phản quang, làm tem chống giả, tạo sự khác biệt, ghi nhãn rõ ràng, giúp khách hàng nhận biết, phân biệt để lựa chọn đúng các sản phẩm của doanh nghiệp mình. 3. Trên hàng hóa, bao bì chứa hàng hóa, nhà sản xuất thường trình bày nhãn hiệu, nhãn hàng, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và tên thương mại của doanh nghiệp mình. Pháp luật về SHCN gọi các đối tượng trên là chỉ dẫn thương mại. Tuy nhiên, nếu việc trình bày các chỉ dẫn thương mại dẫn tới gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hoá/dịch vụ. Hoặc trình bày chỉ dẫn thương mại dẫn tới gây nhầm lẫn về xuất xứ của hàng hóa, cách sản xuất ra hàng hóa, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc tính khác của hàng hóa/dịch vụ hoặc về điều kiện cung cấp hàng hóa/dịch vụ thì đó là hành vi cạnh tranh không lành mạnh về SHCN. Hành vi này khác với hành vi cạnh tranh không lành mạnh về thương mại theo quy định của pháp luật về thương mại và cạnh tranh. 4. Cơ quan có thẩm quyền đã xem xét hai vỏ hộp thuốc của hai công ty và nhận thấy: Hai sản phẩm này sử dụng nhãn hiệu Superkan và Thekan có khả năng phân biệt. Vì vậy, không phải là hàng nhái nhãn hiệu của nhau. Tuy nhiên, phần chữ Superkan được trình bày bằng chữ viết màu xanh da trời đậm trên nền hộp màu trắng. Phần chữ Thekan cũng được trình bày trên nền hộp màu trắng, cùng kiểu chữ với chữ Superkan. Màu sắc trình bày Thekan cũng là màu xanh da trời nhưng nhạt hơn và tương tự với màu sắc trình bày của Superkan. Hơn nữa, trên mặt chính của hộp thuốc gắn dấu hiệu Superkan & Hình có hình chữ nhật với đường viền màu xanh lá cây, bên trong hình chữ nhật có chứa chữ Superkan, hình 1 lá cây Ginkgo màu xanh. Lá cây nằm ở chính giữa phía trên chữ Superkan, ở phía dưới chữ này là dòng chữ màu xanh da trời nhạt “ Cao bạch quả 40 mg”. Trong khi đó, sản phẩm Cao bạch quả của Công ty DTH ra đời sau, có vỏ hộp tương tự của MEDIPLANTEX. Hộp thuốc mang dấu hiệu Thekan & Hình cũng có hình chữ nhật nhưng được cách điệu ở 4 góc với đường viền màu xanh lá cây. Bên trong hình chữ nhật cách điệu có chứa chữ Thekan, hình 1 lá cây Ginkgo màu xanh lá cây nằm ở phía bên trái chữ Thekan và ở phía dưới chữ này là dòng chữ màu xanh da trời nhạt Cao bạch quả 40 mg. Như vậy, mặc dù có mặt trên thị trường sau, nhưng hàng hóa của Công ty DTH có cách thể hiện các thành phần của chỉ dẫn thương mại tương tự với các thành phần tương ứng của sản phẩm cùng loại của MEDIPLANTEX. Hành vi đó làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hóa, công ty kinh doanh loại hàng hóa này, tính năng, chất lượng của hàng hóa. Vì vậy, MEDIPLANTEX đã yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh về SHCN của Công ty DTH. 5. Quyền SHCN là quyền của chủ thể quyền. Vì vậy, trong một số trường hợp, chủ thể quyền có quyền định đoạt các đối tượng SHCN. Trong trường hợp cụ thể nêu trên, sau khi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chủ thể quyền rút đơn, không yêu cầu xử lý bên có hành vi cạnh tranh không lành mạnh với mình. Theo quy định tại Khoản 5 Điều 21 Nghị định số 106/2006/NĐ-CP trong trường hợp người nộp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm có văn bản thông báo rút yêu cầu xử lý hoặc có văn bản thông báo các bên đã đạt được thỏa thuận giải quyết vụ việc bằng biện pháp khác, không trái pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền sẽ không tiếp tục xử lý hành vi này. Do quy định như vậy, nên trong trường hợp này cơ quan có thầm quyền tôn trọng ý kiến của bên yêu cầu xử lý.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật