XU HƯỚNG XỬ LÝ TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI THÔNG QUA TRỌNG TÀI

  • Bài viết
  • 25 tháng 5, 2011
  • 349 lượt xem
  • 0 bình luận

Thay vì “lôi” nhau đến toà án, các doanh nghiệp (DN) đang có xu hướng lựa chọn trọng tài là cơ quan giải quyết tranh chấp bởi ưu điểm nhanh, rẻ và kín đáo.

Ngày 24/3/2006, một DN thủy sản của Việt Nam ký hợp đồng bán hàng thủy sảng cho DN của Nga, với tổng trị giá hợp đồng là 163.139 USD. Điều kiện giao hàng là CIF Vladivostok, thanh toán bằng điện chuyển tiền (T/T), bên mua sẽ thanh toán trước 60.000 USD trước khi hàng được bốc lên tàu và thanh toán nốt phần tiền còn lại trong 3 ngày làm việc sau khi nhận được vận đơn. Đến ngày 26/3/2006, DN Việt Nam đã yêu cầu DN của Nga thu xếp thanh toán trước bằng tiền mặt trước ngày 30/3/2006.

Số tiền 500 triệu đồng (tương đương 31.847 USD) đã được chuyển cho người bán và phía DN của Nga thông báo việc thanh toán phần tạm ứng còn lại (28.133 USD) sẽ được thực hiện vào ngày 29/3. Song, đại diện của bên bán hàng đã không tới nhận tiền tạm ứng, không trả lời fax của bên mua và cũng không thực hiện giao hàng cho bên mua.

Vụ việc đã được đưa lên trọng tài với yêu cầu của nguyên đơn (DN của Nga) là: bị đơn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng, giao hàng cho nguyên đơn số hàng tổng trị giá là 163.139 USD. Phía nguyên đơn cũng yêu cầu trọng tài cho niêm phong số hàng theo hợp đồng tại kho của bị đơn, nhằm ngăn chặn tình trạng bị đơn bán hàng cho bên thứ ba.

Đây chỉ là một trong nhiều vụ tranh chấp đã được xử lý tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) thời gian qua. Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, Phó chủ tịch VIAC, trong năm 2007, VIAC đã nhận được 30 vụ kiện, thụ lý 25 vụ, tương đương năm 2006. Trong số đó, có tới 80% các vụ tranh chấp được xử lý liên quan tới các điều khoản của hợp đồng mua bán; các vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài chiếm phần lớn.

Do những ưu điểm của việc xử lý tranh chấp bằng trọng tài, trong thời gian tới, chắc chắn, DN trong nước sẽ sử dụng trọng tài nhiều hơn. Tiến sĩ Lê Hồng Hạnh, Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) khẳng định điều này và cho biết, thời gian xử lý một vụ việc bằng hình thức trọng tài rất ngắn. Một vụ tranh chấp trị giá hàng triệu USD thậm chí chỉ được giải quyết trong vòng 3-4 tháng. Trong khi đó, hầu hết các vụ tranh chấp kinh tế tại toà án thường kéo dài hàng năm.

Mức phí để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài cũng được coi là hợp lý. Theo biểu phí trọng tài mà VIAC ban hành, nếu một vụ tranh chấp trong nước có trị giá dưới 200 triệu đồng thì mức phí trọng tài là 15 triệu đồng; vụ tranh chấp có trị giá từ 10 tỷ đồng trở lên, thì phí trọng tài là 80 triệu đồng cộng với 0,3% số tiền vượt quá 10 tỷ đồng. Với các vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, nếu trị giá tranh chấp dưới 300 triệu đồng thì mức phí là 20 triệu đồng, trên 20 tỷ đồng là 162,5 triệu đồng cộng với 0,4% số tiền vượt quá 20 tỷ đồng.

Một yếu tố nữa được coi là ưu điểm của việc xử lý tranh chấp bằng trọng tài là tính bí mật của vụ việc. Vì vậy, cho dù có xảy ra tranh chấp thì vụ việc cũng không ảnh hưởng tới uy tín của DN với các đối tác khác.

Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, DN nên lựa chọn các trung tâm trọng tài còn là vì nơi đây tập trung nhiều chuyên gia giỏi, am hiểu các lĩnh vực mà DN đang vướng phải. Ngay tại VIAC, trong số 123 trọng tài viên, có 6 người nước ngoài, 66 tiến sĩ (trong đó 7 người đồng thời là giáo sư, 21 người là phó giáo sư, 9 là luật sư). Các trọng tài viên này hoạt động trong tất cả các lĩnh vực thương mại trong nước và quốc tế.

Trở lại câu chuyện tranh chấp của DN Nga và DN thuỷ sản Việt Nam đã dẫn ở trên, trọng tài thương mại đã buộc bị đơn phải trả lại cho nguyên đơn khoản tiền 43.481 USD, trong đó có 31.847 USD mà nguyên đơn đã tạm ứng để nhập khẩu hàng và 11.634 USD tiền phạt chậm hợp đồng mà nguyên đơn đã phải nộp cho đối tác thứ ba. Tuy nhiên, kinh nghiệm rút ra từ vụ việc là, hợp đồng của các DN nên có thêm điều khoản: tranh chấp nảy sinh sẽ được giải quyết tại một trung tâm trọng tài cụ thể nào đó, điều mà các DN trên thế giới đã làm từ lâu.

SOURCE: BÁO ĐẦU TƯ

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :