LUẬT SO SÁNH VÀ THỰC TIỄN XÂY DỰNG PHÁP LUẬT NGÂN HÀNG Ở VIỆT NAM

TS. NGUYỄN VĂN TUYẾN – KHOA PHÁP LUẬT KINH TẾ – ĐHL HÀ NỘI Với bề dày lịch sử hình thành và phát triển của mình, luật so sánh có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình phát triển của các hệ thống pháp luật trên thế giới. Ở Việt Nam, luật so sánh cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng pháp luật nói chung và pháp luật ngân hàng nói riêng. Bài viết này xin đề cập những ứng dụng chủ yếu của luật so sánh trong quá trình xây dựng pháp luật ngân hàng ở Việt Nam – lĩnh vực pháp luật được xem là chịu nhiều ảnh hưởng nhất của xu hướng tự do hoá và hội nhập quốc tế hiện nay.   1. Vai trò của luật so sánh đối với quá trình xây dựng pháp luật ngân hàng ở Việt Nam Đối với Việt Nam, vai trò của luật so sánh trong lĩnh vực lập pháp nói chung và trong lĩnh vực xây dựng pháp luật ngân hàng nói riêng được thể hiện ở những điểm sau: Thứ nhất, luật so sánh cho thấy sự tương đồng và khác biệt giữa pháp luật ngân hàng Việt Nam với pháp luật ngân hàng của các quốc gia khác trên thế giới và pháp luật ngân hàng quốc tế. Trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, trước sức ép của việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lí cho phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường, các nhà soạn luật Việt Nam buộc phải tiếp cận nhiều hơn với pháp luật nước ngoài (đặc biệt là pháp luật của các nước có nền kinh tế thị trường phát triển) và bước đầu sử dụng những kĩ năng mới mẻ của luật so sánh để tìm ra con đường phát triển thích hợp cho nền pháp chế Việt Nam. Với các lợi thế sẵn có của mình, luật so sánh không chỉ là phương tiện hữu ích để các học giả nghiên cứu pháp luật nước ngoài, mà còn là cẩm nang hữu dụng của các nhà soạn luật trong việc xây dựng pháp luật nói chung và pháp luật ngân hàng nói riêng. Thứ hai, luật so sánh cho ta thấy những nguyên nhân và cơ sở dẫn đến sự tương đồng hay khác biệt giữa pháp luật ngân hàng Việt Nam so với pháp luật ngân hàng của các quốc gia khác trên thế giới. Đây có lẽ là vai trò quan trọng nhất của luật so sánh trong “địa hạt” xã hội học pháp luật vì thông qua việc nghiên cứu các căn nguyên dẫn đến sự tương đồng hay khác biệt giữa các trường phái pháp luật, chúng ta mới có dịp tìm hiểu sâu hơn về lịch sử văn minh nhân loại, về sự đa dạng hoá của các nền kinh tế, các thể chế chính trị và các nền văn hoá khác nhau trên thế giới, với tính cách là những yếu tố chủ yếu tạo nên sự khác biệt giữa các hệ thống pháp luật quốc gia cũng như giữa các dòng họ pháp luật đương đại. Việc thừa nhận sự tồn tại khách quan của các dòng họ pháp luật, các hệ thống pháp luật quốc gia với những nét đặc thù riêng cho thấy rằng việc nhập khẩu một cách nguyên xi, máy móc các quy định pháp luật của nước khác vào hoàn cảnh của nước mình là điều nên cân nhắc và cần được nghiên cứu kĩ trước khi thực hiện. Dựa trên việc đánh giá những nguyên nhân và cơ sở dẫn đến sự tương đồng và khác biệt giữa pháp luật ngân hàng của các quốc gia, có lẽ nội dung quan trọng nhất của việc ứng dụng luật so sánh trong lĩnh vực xây dựng pháp luật ngân hàng chính là tìm kiếm những quy định hợp lí trong pháp luật ngân hàng của các nước cũng như pháp luật ngân hàng quốc tế, từ đó xây dựng và hoàn thiện pháp luật ngân hàng Việt Nam theo hướng tiệm cận với chuẩn mực tiên tiến của pháp luật ngân hàng ở các nước phát triển, phù hợp với thông lệ quốc tế về hoạt động ngân hàng. Thứ ba, luật so sánh trang bị cho những người soạn luật cách tư duy mới về một nền pháp chế hiện đại và cả kĩ thuật lập pháp tiên tiến. Tư duy và kĩ thuật này cần được ứng dụng trong lĩnh vực xây dựng pháp luật ngân hàng ở nước ta mà kết quả phải là sự tiếp nhận có chọn lọc các quy tắc pháp lí tiến bộ của pháp luật nước ngoài. Chẳng hạn, quy định về mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của ngân hàng trung ương, về các loại hình tổ chức tín dụng và cơ chế hoạt động kinh doanh của chúng trong nền kinh tế thị trường. Thực tế cho thấy, hầu hết các quy định cơ bản của pháp luật ngân hàng Việt Nam hiện nay có nguồn gốc từ pháp luật ngân hàng ở một số nước theo truyền thống án lệ cũng như một số nước theo truyền thống luật thành văn trong đó có Trung Quốc. Thứ tư, vai trò của luật so sánh đối với quá trình lập pháp ngân hàng còn được thể hiện ở chỗ nó giúp cho các luật gia trong nước làm cho pháp luật của nước mình tương thích với pháp luật quốc tế. Kĩ thuật so sánh luật được các nhà soạn thảo pháp luật sử dụng như một phương tiện trong quá trình xây dựng pháp luật quốc gia, nhằm đáp ứng nhu cầu hài hoà và thống nhất hoá pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế. Trong bối cảnh Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và chính thức tham gia vào sân chơi toàn cầu, việc tìm hiểu pháp luật nước ngoài và pháp luật quốc tế cũng như nắm vững các tập quán, thông lệ quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng để hành xử hợp lí là yêu cầu bức thiết. Nhu cầu này dường như chỉ có thể đáp ứng tốt nhất thông qua con đường ứng dụng luật so sánh. 2. Những yêu cầu cơ bản đặt ra trong quá trình sử dụng luật so sánh vào việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật ngân hàng Hiển nhiên, muốn ứng dụng luật so sánh vào việc xây dựng pháp luật nói chung và pháp luật ngân hàng nói riêng thì trước hết cần xác định những yêu cầu cơ bản đặt ra đối với hoạt động này. Từ đó, người soạn luật sẽ tìm ra được mô hình lí tưởng, thích hợp cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật ngân hàng theo hướng đảm bảo sự hài hòa, thống nhất và tương thích với pháp luật ngân hàng của các nước và pháp luật ngân hàng quốc tế. Thực tiễn hoạt động xây dựng pháp luật ngân hàng cho thấy để có được sự thành công trong quá trình sử dụng luật so sánh vào việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật ngân hàng, người soạn luật cần lưu ý các yêu cầu cơ bản sau đây: Một là, cần so sánh các quy định pháp lí về ngân hàng trung ương trong pháp luật ngân hàng của các nước, trong đó chú trọng đến nhóm nước phát triển và nhóm nước có hoàn cảnh, điều kiện tương đồng với Việt Nam. Những quy định này thường được thể hiện trong một đạo luật riêng về ngân hàng trung ương của các quốc gia, với nội dung quy định về mô hình tổ chức, cách thức quản lí và điều hành cũng như cơ chế hoạt động của ngân hàng trung ương. Việc so sánh các quy định này không ngoài mục đích tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt về địa vị pháp lí của ngân hàng trung ương trong các hệ thống pháp luật trên thế giới, lí giải căn nguyên của sự tương đồng và khác biệt đó cũng như làm rõ ưu điểm và nhược điểm của mỗi mô hình ngân hàng trung ương trên thế giới. Công việc này sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc ứng dụng luật so sánh trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật ngân hàng ở Việt Nam, đặc biệt là trong việc thiết kế địa vị pháp lí của ngân hàng trung ương sao cho phù hợp với hoàn cảnh của một nước đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế thị trường. Thứ hai, so sánh các quy định pháp lí về tổ chức tín dụng (các định chế tài chính trung gian) trong pháp luật ngân hàng của các nước. Đây là một nội dung cơ bản trong cấu trúc luật ngân hàng ở bất kì quốc gia nào trên thế giới, bởi lẽ hoạt động ngân hàng luôn được xem là vấn đề trọng tâm trong phạm vi điều chỉnh của luật ngân hàng. Tuỳ thuộc vào mục tiêu ứng dụng của luật so sánh, việc so sánh pháp luật ngân hàng có thể tập trung vào các vấn đề cơ bản như: Xác định giới hạn và cách thức can thiệp của nhà nước đối với hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong điều kiện của nền kinh tế thị trường; các loại hình tổ chức tín dụng và những hình thức hoạt động kinh doanh chủ yếu của nó; cơ chế bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền trong quan hệ nhận tiền gửi và cơ chế bảo vệ quyền lợi của tổ chức tín dụng trong quan hệ cấp tín dụng với khách hàng vay… Việc so sánh pháp luật cần đảm bảo tính toàn diện (so sánh giữa các hệ thống pháp luật điển hình trên thế giới) nhằm có được những kết luận khách quan về bản chất của các mô hình pháp luật đồng thời phải lưu ý đến tính đặc thù của pháp luật ngân hàng ở các nước đang phát triển và nhóm nước có điều kiện, hoàn cảnh kinh tế – chính trị – xã hội tương đồng với Việt Nam. 3. Các ứng dụng chủ yếu của luật so sánh trong quá trình xây dựng pháp luật ngân hàng ở Việt Nam Trong vòng khoảng hơn 10 năm trở lại đây, pháp luật ngân hàng Việt Nam đã có những bước tiến dài rất đáng kể. Bằng chứng cho nhận định này là sự ra đời của hai pháp lệnh ngân hàng và gần đây là hai đạo luật về ngân hàng. Dù không được chính thức tuyên bố nhưng không thể phủ nhận vai trò của luật so sánh đối với tiến trình xây dựng pháp luật ngân hàng ở Việt Nam trong thời gian qua. Thật vậy, trước năm 1990, về cơ bản hệ thống ngân hàng Việt Nam tồn tại theo mô hình một cấp, gắn với những đặc trưng của nền kinh tế kế hoạch hóa. Theo mô hình này, Ngân hàng nhà nước Việt Nam là pháp nhân duy nhất hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, vừa với tư cách là cơ quan quản lí nhà nước về ngân hàng, vừa tiến hành các hoạt động của ngân hàng trung ương trên lãnh thổ Việt Nam đồng thời cũng kiêm luôn chức năng của một ngân hàng thương mại, tức là huy động vốn và cho vay đối với khu vực kinh tế quốc doanh và khu vực kinh tế tập thể. Mô hình này không có sự tách bạch rõ ràng giữa chức năng quản lí nhà nước về ngân hàng của ngân hàng nhà nước với chức năng kinh doanh ngân hàng của ngân hàng thương mại. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong giai đoạn này không hoạt động theo đúng nghĩa của một ngân hàng trung ương, cũng không thực sự là một ngân hàng thương mại với chức năng kinh doanh ngân hàng chuyên nghiệp. Kể từ khi nền kinh tế Việt Nam chính thức được chuyển đổi theo hướng thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, việc tìm hiểu, học hỏi và tiếp thu kinh nghiệm lập pháp của nước ngoài trong nhiều lĩnh vực nói chung và trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng đã dẫn tới hệ quả là sự ra đời của hai pháp lệnh về ngân hàng (bao gồm Pháp lệnh ngân hàng nhà nước và Pháp lệnh ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ti tài chính). Đây chính là kết quả ban đầu của việc ứng dụng luật so sánh trong lĩnh vực xây dựng pháp luật ngân hàng ở Việt Nam. Với cơ sở pháp lí đầu tiên là hai pháp lệnh về ngân hàng và gần đây nhất là hai đạo luật ngân hàng, hệ thống ngân hàng ở Việt Nam đã có những thay đổi rất cơ bản về tổ chức và hoạt động, so với giai đoạn trước đó. Dựa trên nền tảng pháp lí trực tiếp là các văn bản quy phạm pháp luật này, hệ thống ngân hàng hai cấp ở Việt Nam đã chính thức được hình thành, bao gồm hai bộ phận là ngân hàng trung ương và ngân hàng trung gian, với sự phân tách rạch ròi giữa chức năng “ngân hàng trung ương” của ngân hàng Nhà nước Việt Nam với chức năng “kinh doanh ngân hàng” của các ngân hàng trung gian. Trên thực tế, hệ thống này được thiết lập dựa vào việc tiếp thu kinh nghiệm điều chỉnh của pháp luật nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng. Trong quá trình soạn thảo các pháp lệnh và các đạo luật về ngân hàng, nhiều tài liệu pháp luật nước ngoài đã được thu thập và dịch sang tiếng Việt để thuận tiện cho việc tìm hiểu, nghiên cứu, so sánh và đối chiếu, với mục tiêu học hỏi và vận dụng cho phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Dựa vào các kết quả so sánh luật, nhiều quy định của pháp luật nước ngoài đã được du nhập vào Việt Nam và được thể hiện rõ nét trong hai pháp lệnh về ngân hàng ban hành năm 1990, đặc biệt là hai đạo luật về ngân hàng ban hành năm 1997 (bao gồm Luật ngân hàng nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng). Đánh giá khái quát, có thể hình dung việc ứng dụng luật so sánh trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật ngân hàng ở Việt Nam được thể hiện trên những khía cạnh chủ yếu sau đây: - Về địa vị pháp lí của ngân hàng trung ương Trên thế giới, ngoài một số nước quy định ngân hàng trung ương là cơ quan độc lập với chính phủ và chỉ trực thuộc quốc hội như Hoa Kì, Đức, Hungary, Úc… thì các đạo luật về ngân hàng trung ương của một số nước khác như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Uzbekistan…() lại quy định ngân hàng trung ương là cơ quan của chính phủ và thuộc sở hữu của nhà nước. Chẳng hạn, Luật về Ngân hàng nhân dân Trung Quốc quy định: “Ngân hàng nhân dân Trung Quốc là ngân hàng trung ương của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Dưới sự lãnh đạo của Quốc vụ viện, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc thiết lập và thực thi chính sách tiền tệ, thực hiện thanh tra và kiểm soát toàn bộ hoạt động ngân hàng” (Điều 2); “Toàn bộ vốn của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc do nhà nước cấp và thuộc sở hữu của nhà nước” (Điều 18). Ngoài ra, những quy định tại các điều 5, 6, 7, 49 của đạo luật về Ngân hàng Hàn Quốc cũng ngụ ý rằng cơ quan này trực thuộc chính phủ Hàn Quốc và thuộc sở hữu nhà nước. Dựa trên kết quả so sánh đối chiếu mô hình ngân hàng trung ương theo pháp luật của một số nước có hoàn cảnh tương đồng với Việt Nam (ví dụ: Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Uzbekistan) và xem xét hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, các nhà soạn luật đã quyết định lựa chọn mô hình ngân hàng trung ương trực thuộc chính phủ và do nhà nước sở hữu. Sự lựa chọn này được thể hiện tại Điều 1 Pháp lệnh Ngân hàng nhà nước Việt Nam và sau đó được quy định trong Điều 1 Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam.() Đây là ví dụ điển hình về việc sử dụng kết quả so sánh luật vào quá trình xây dựng pháp luật ngân hàng Việt Nam trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường. - Về cơ cấu tổ chức của ngân hàng trung ương Việc thiết kế mô hình tổ chức của ngân hàng trung ương như thế nào là vấn đề rất được quan tâm ở các nước. Theo thông lệ, hầu hết các nước đều thiết kế ngân hàng trung ương phỏng theo mô hình tổ chức của một doanh nghiệp, dù rằng trong lịch sử, nó luôn tồn tại như là một định chế hỗn hợp của hai tính chất: Doanh nghiệp và chính quyền.() Theo mô hình này, cơ cấu tổ chức của ngân hàng trung ương bao gồm cơ quan quản trị, cơ quan điều hành tại trụ sở chính và có hệ thống chi nhánh, văn phòng đại diện, sở giao dịch tại các nơi khác ở trong nước và ở nước ngoài. Đặc biệt, ở ngân hàng trung ương các nước thường tồn tại một cơ quan giữ vai trò đặc biệt, gọi là hội đồng tiền tệ (Hàn Quốc), hội đồng chính sách tiền tệ (Trung Quốc, Pháp), hội đồng chính sách (Nhật Bản), hội đồng các giám đốc (Đài Loan) hoặc hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ (Hoa Kì)()… Cơ quan này có thể được thiết kế nằm trong cơ cấu tổ chức của ngân hàng trung ương (ví dụ ở Pháp) hoặc là một cơ quan độc lập ngoài bộ máy tổ chức của ngân hàng trung ương (ví dụ ở Trung Quốc, Hàn Quốc…).() Trong quá trình soạn thảo hai pháp lệnh ngân hàng và gần đây là hai đạo luật ngân hàng, hầu hết các quy định nêu trên về mô hình tổ chức của ngân hàng trung ương ở các nước đã được các nhà soạn luật nghiên cứu, so sánh và tìm cách đưa vào pháp luật Việt Nam, xuất phát từ sự tương đồng về điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội giữa Việt Nam với một số nước khác trong khu vực châu Á. Sự du nhập các quy định này về cơ cấu tổ chức của ngân hàng trung ương trong quá trình xây dựng pháp luật ngân hàng ở Việt Nam đã có những thay đổi theo thời gian, được thể hiện tại các điều 4, 5 Pháp lệnh Ngân hàng nhà nước và sau này là Điều 4 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam.()Về mục tiêu hoạt động của ngân hàng trung ương Theo các đạo luật về ngân hàng trung ương của các nước, cơ quan đặc biệt này được thành lập và hoạt động vì mục tiêu thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, ổn định giá trị đồng tiền trong nước và kiểm soát hoạt động của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế. Ví dụ: Trong khi Luật ngân hàng Liên bang Đức quy định nhiệm vụ của Ngân hàng Liên bang Đức là: “Điều tiết hoạt động lưu thông tiền tệ và cung ứng tín dụng cho nền kinh tế với mục đích ổn định tiền tệ trong đối nội và đối ngoại…” (Tiết 3) thì Luật Ngân hàng nhân dân Trung Hoa lại quy định: “Mục tiêu của chính sách tiền tệ là duy trì sự ổn định giá trị đồng tiền và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” (Điều 3). Còn đạo luật Ngân hàng Hàn Quốc thì quy định “Mục tiêu hàng đầu của Ngân hàng Hàn Quốc là: 1) Duy trì sự ổn định giá trị của đồng tiền để phục vụ cho sự phát triển kinh tế của quốc gia, và 2) Thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế và tiếp tục sử dụng một cách hữu hiệu các tài nguyên của quốc gia thông qua hoạt động an toàn và thực hiện chức năng của hệ thống tín dụng và ngân hàng quốc gia” (Điều 3). Xuất phát từ nhận thức cho rằng các mục tiêu nêu trên là quy định chung trong pháp luật ngân hàng của các nước, các nhà làm luật Việt Nam đã lựa chọn giải pháp xây dựng những quy định tương tự về mục tiêu hoạt động của Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Mục tiêu này bước đầu được ghi nhận trong Điều 1 Pháp lệnh ngân hàng nhà nước và sau đó được quy định rõ ràng hơn tại khoản 2 Điều 1 Luật Ngân hàng nhà nước.()Về hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng trung ương Có thể dễ dàng nhận thấy hầu hết các ngân hàng trung ương ở các nước đều thực hiện những hoạt động nghiệp vụ giống nhau, đó là nghiệp vụ phát hành tiền và quản lí, điều tiết lưu thông tiền tệ; nghiệp vụ tín dụng và cung ứng các dịch vụ ngân hàng đối với hệ thống tổ chức tín dụng và chính phủ; nghiệp vụ mua bán ngoại hối và quản lí dự trữ ngoại hối vì mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia. Trên thực tế, các hoạt động nghiệp vụ này cũng được quy định tương tự trong pháp luật ngân hàng Việt Nam. Đó là một trong những bằng chứng sinh động chứng minh quá trình hội nhập nhanh chóng của pháp luật ngân hàng Việt Nam với pháp luật ngân hàng của nước ngoài và pháp luật ngân hàng quốc tế, dựa trên các kết quả so sánh luật. - Về địa vị pháp lí của các tổ chức tín dụng Việc tiếp thu kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật của nước ngoài luôn được xem là nhu cầu cần thiết đối với mọi quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Kể từ khi khởi động quá trình chuyển đổi nền kinh tế theo hướng thị trường, các hoạt động so sánh luật trong lĩnh vực ngân hàng đã chính thức được tiến hành tại Việt Nam. Một trong những thành quả của quá trình này chính là sự khái quát hóa về các mô hình ngân hàng đa năng theo kiểu Đức, kiểu Anh hay kiểu Nhật Bản và Hoa Kì.() Kết quả này là cơ sở khoa học để các nhà làm luật Việt Nam lựa chọn một mô hình thích hợp về địa vị pháp lí của các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam. Theo các quy định hiện hành của Luật các tổ chức tín dụng, địa vị pháp lí của tổ chức tín dụng tại Việt Nam được thiết kế theo hướng kết hợp giữa mô hình ngân hàng đa năng theo kiểu Anh và kiểu Đức. Những quy định này cho phép mỗi loại hình tổ chức tín dụng được quyền thực hiện các hoạt động ngân hàng trong một phạm vi nhất định, tùy thuộc vào bản chất của tổ chức tín dụng đó là ngân hàng hay không phải ngân hàng. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng này cũng được phép góp cổ phần vào các doanh nghiệp khác bằng vốn tự có của mình với một giới hạn nhất định; được phép tham gia vào các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm thông qua việc thành lập các công ti con trực thuộc có tư cách pháp nhân. Đây chính là sự tiếp nhận có chủ đích các mô hình ngân hàng đa năng theo pháp luật của nước ngoài vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Thực tiễn cho thấy sự tiếp nhận các mô hình này tỏ ra khá thích hợp với xu hướng phát triển lâu dài của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. - Về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng Ngoài các quy định về việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động ngân hàng và những quy định về cơ cấu tổ chức nói chung của một tổ chức tín dụng, luật ngân hàng của các nước đều tìm cách quy định rõ các hoạt động ngân hàng chuyên nghiệp mà một tổ chức tín dụng được phép thực hiện. Các hoạt động này bao gồm việc huy động vốn dưới các hình thức nhận tiền gửi kí thác từ công chúng, phát hành các giấy tờ có giá ở trong nước hoặc nước ngoài, nhận các khoản tín dụng ngắn hạn từ ngân hàng trung ương và sử dụng các nguồn vốn huy động này để cấp tín dụng cho khách hàng đồng thời cung ứng các dịch vụ thanh toán cho khách hàng vì mục tiêu lợi nhuận. Có thể dễ dàng tìm thấy những quy định này trong Luật ngân hàng thương mại Trung Quốc (Điều 2 và Điều 3); Luật về ngành tín dụng Đức (Khoản 1 Tiết 1); Luật ngân hàng Ba Lan năm 1989 (Điều 11.1); Luật các tổ chức tài chính và ngân hàng năm 1989 – Đạo Luật 372 của Malaysia (khoản 2 phần mở đầu).() Tương tự như luật ngân hàng của các nước, những hoạt động chuyên nghiệp này cũng được ghi nhận khá đầy đủ trong Luật các tổ chức tín dụng của Việt Nam.() Những quy định này được xây dựng từ ý tưởng du nhập hoặc vay mượn các quy định tiên tiến của nước ngoài, nhất là các nước phát triển như Đức, Pháp, Hoa Kì, Nhật Bản hoặc các nước có điều kiện, hoàn cảnh tương tự Việt Nam như Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia…() Tóm lại, trong gần hai thập kỉ xây dựng và hoàn thiện pháp luật ngân hàng Việt Nam, nhiều quy định pháp luật tiên tiến của nước ngoài đã được du nhập vào Việt Nam nhờ việc sử dụng hữu hiệu luật so sánh. Ngoài việc tiếp thu có chọn lọc các quy định hợp lí của pháp luật nước ngoài, pháp luật ngân hàng Việt Nam cũng thừa nhận sự tồn tại có tính cách tạm thời của một số quy định đặc thù trong giai đoạn nền kinh tế chuyển đổi, chẳng hạn như việc duy trì vai trò chủ đạo của các ngân hàng thương mại nhà nước trong một giai đoạn nhất định; quy định chức năng quản lí nhà nước của Ngân hàng nhà nước Việt Nam đối với hệ thống ngân hàng… Sau gần hai mươi năm xây dựng các thiết chế và khung khổ pháp lí cho một nền kinh tế thị trường từ nền tảng của một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung cao độ, pháp luật ngân hàng Việt Nam dù chưa được hoàn thiện nhưng sự thừa nhận các nguyên tắc của thị trường trong việc thiết kế các quy định về mô hình tổ chức và hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng trung ương cũng như các định chế tài chính trung gian ở Việt Nam, có thể xem như là một bước tiến lớn trong tư duy pháp lí của các nhà soạn luật. Điều này phản ánh rõ nét kết quả ứng dụng luật so sánh vào lĩnh vực xây dựng pháp luật ngân hàng ở nước ta trong hơn thập kỉ vừa qua. Những thành tựu này sẽ là tiền đề thuận lợi cho việc tiếp tục ứng dụng luật so sánh vào quá trình hoàn thiện pháp luật ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới./.

([1]).Xem: Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Luật ngân hàng trung ương một số nước (tài liệu hội thảo), Hà Nội 1996. ([2]).Xem: Điều 1 Pháp lệnh ngân hàng nhà nước Việt Nam và Điều 1 Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam. ([3]).Xem: Lê Vinh Danh, “Tiền và hoạt động ngân hàng”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 1997, tr. 81. ([4]).Xem: Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Luật ngân hàng trung ương một số nước (tài liệu hội thảo), Hà Nội 1996. ([5]).Xem: – Lê Vinh Danh, “Tiền và hoạt động ngân hàng”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 1997, tr. 90, 91, 92, 93, 94, 95. - Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Luật ngân hàng trung ương một số nước (tài liệu hội thảo), Hà Nội 1996. ([6]). Theo quy định trước đây của Pháp lệnh ngân hàng nhà nước, cơ quan tư vấn cho Chính phủ về chính sách tiền tệ ở Việt Nam chính là Hội đồng quản trị, được thiết kế nằm trong bộ máy tổ chức của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, với tư cách là cơ quan giữ quyền quản trị ngân hàng nhà nước (quy định này có lẽ được du nhập từ mô hình Ngân hàng trung ương của Ba Lan, Hungari, Malaysia…). Tuy nhiên, khi soạn thảo Luật ngân hàng nhà nước, nhà làm luật đã có những thay đổi quan trọng về cơ quan này trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật của nước ngoài cho phù hợp với tiến trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Theo quy định tại Điều 4 Luật ngân hàng nhà nước, việc quản trị ngân hàng nhà nước được chuyển sang cho Thống đốc và nhiệm vụ tư vấn cho Chính phủ về chính sách tiền tệ được chuyển giao cho Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ, được thiết kế độc lập với bộ máy tổ chức của Ngân hàng nhà nước Việt Nam (quy định này được xây dựng dựa trên việc tiếp nhận mô hình tổ chức của Ngân hàng trung ương ở Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước khác ở châu Á). ([7]). Điều 1 Pháp lệnh ngân hàng nhà nước chỉ ghi nhận mục tiêu chính trong hoạt động của Ngân hàng nhà nước Việt Nam là “ổn định giá trị đồng tiền”. Còn khoản 2 Điều 1 Luật ngân hàng nhà nước lại có những quy định mở rộng và rõ ràng hơn: “Hoạt động của ngân hàng nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. ([8]). Theo mô hình ngân hàng đa năng kiểu Đức, các ngân hàng thương mại được phép cung ứng toàn bộ các dịch vụ ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm, thậm chí còn được phép sở hữu cổ phần trong các doanh nghiệp khác. Đối với mô hình ngân hàng đa năng theo kiểu Anh, ngoài việc cung ứng các dịch vụ ngân hàng, các ngân hàng thương mại cũng tham gia vào lĩnh vực chứng khoán nhưng phải thông qua các công ti con có tư cách pháp nhân đồng thời, các ngân hàng này cũng ít nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp thương mại khác và hầu như không có sự kết hợp giữa hoạt động ngân hàng với hoạt động bảo hiểm. Còn đối với mô hình ngân hàng đa năng theo kiểu Nhật Bản và Hoa Kì, điểm khác biệt lớn nhất so với hai mô hình kia chính là sự tách bạch rõ ràng giữa hai ngành công nghiệp ngân hàng và công nghiệp chứng khoán, cùng với khả năng nắm giữ hạn chế hoặc bị cấm nắm giữ các cổ phần trong các doanh nghiệp thương mại. Tuy nhiên, gần đây sự khác biệt này đang có xu hướng mờ nhạt dần bởi sự hài hòa hóa và thống nhất hóa giữa các hệ thống pháp luật trên thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nguồn: Ngân hàng nhà nước Việt Nam, tài liệu tham khảo mô hình ngân hàng tại các nước phát triển. ([9]).Xem: Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Luật ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng một số nước”, (tài liệu hội thảo), Hà Nội 1996. ([10]).Xem: Luật các tổ chức tín dụng năm 1997 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2004). ([11]).Xem: Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Luật ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng một số nước”, (tài liệu hội thảo), Hà Nội 1996.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật