KINH NGHIỆM BẢO VỆ TRẺ EM CỦA THỤY ĐIỂN

ĐẶNG NAM Trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em của Thuỵ Điển đã đạt được nhiều thành quả. Vấn đề này, nước ta và Thuỵ Điển đã hợp tác và mở ra triển vọng khả quan. Tháng 5/2004, Việt Nam và Thụy Điển đã kí hiệp định song phương về con nuôi. Trung tâm nhận con nuôi quốc tế Adotion Centre (AC) của Thuỵ Điển đã mở văn phòng đại diện Dự án tại thành phố Hồ Chí Minh, có cộng tác viên tại Hà Nội, và hợp tác với 10 tỉnh. Con nuôi Việt Nam đầu tiên đến Thụy Điển vào năm 1990, đến nay tại Thuỵ Điển đã có 1.200 trẻ em các nước được nhận làm con nuôi. AC đang hợp tác với Việt Nam thông qua các dự án được triển khai 15 năm qua: a) Phòng ngừa trẻ em bị tách khỏi cha mẹ; b) Giáo dục trẻ em và thanh niên đang sống tại các Trung tâm (dự án 5 năm về dạy nghề cho 100 trẻ em tại Trung tâm Ba Vì); c) Cải thiện điều kiện sống tại các trung tâm nuôi trẻ tập trung (tập huấn cán bộ, hỗ trợ thức ăn, xây nhà, nâng cấp cơ sở vật chất, khám xét nghiệm HIV/AIDS, chăm sóc sức khoẻ). AC phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ ở một số địa phương trong các hoạt động: Dạy nghề, giáo dục, làm kinh tế, đào tạo lãnh đạo phụ nữ. Đã có 38.000 phụ nữ được đào tạo trực tiếp và gián tiếp, 300.000 trẻ em được hưởng lợi, 15 trẻ em tìm được việc làm. Dưới đây xin giới thiệu một số điều luật, biện pháp và mô hình bảo vệ trẻ em của Thuỵ Điển. Tư pháp người chưa thành niên Trẻ dưới 12 tuổi gây lỗi, gây hại thì bố mẹ không phải bồi hoàn nếu đã đóng bảo hiểm. Nếu không có bảo hiểm, trẻ bị ghi lỗi và phải bồi hoàn khi trưởng thành. Trẻ dưới 15 tuổi không bị xét xử tại toà. Thuỵ Điển có các toà Hình sự, Dân sự  (2 toà có quyền ra bản án) và toà Hành chính (không ra bản án mà ra các quyết định). Không có thẩm phán chuyên trách từng vấn đề mà họ được luân chuyển về các toà sau thời gian nhất định. Không có toà án chuyên về trẻ em nhưng có các thẩm phán chuyên biệt về các vụ trẻ em. Với trẻ em dưới 12 tuổi, các hành vi phạm pháp chỉ coi là các hành vi xã hội và sử dụng biện pháp giáo dục nên cảnh sát không tham gia quá trình điều tra mà do cán bộ xã hội thực hiện. Họ tìm hiểu những vấn đề liên quan đến trẻ (gia đình, xã hội, nhà trường) và đưa ra kế hoạch giáo dục để điều chỉnh hành vi của đứa trẻ. Có hai bộ luật xã hội cơ bản, chiểu theo 2 luật này không có các bản án mà chỉ ra các quyết định: a) Luật về hệ thống dịch vụ xã hội, áp dụng cho trẻ em, người già, người khuyết tật. Biện pháp áp dụng là các kế hoạch và các quyết định điều chỉnh liên quan đến nhiều đối tượng thi hành và nhiều biện pháp được áp dụng. Ví dụ, chăm sóc thay thế cho trẻ em, giám sát quá trình chăm sóc thay thế… b) Luật chăm sóc trẻ em và người trẻ tuổi.   Thực hiện 2 luật cơ bản này có 3 hệ thống đảm nhiệm: a) Cảnh sát: Điều tra chứng cứ và quá trình điều tra bắt buộc phải thông báo cho cán bộ xã hội; b) Cán bộ xã hội giữ vai trò trung tâm: Điều tra xác định chứng cứ, lên kế hoạch phục hồi hoặc hỗ trợ, trực tiếp hoặc điều phối việc cung cấp các dịch vụ điều trị, phục hồi; c) Bác sĩ chăm  sóc y tế, chữa bệnh, thông báo những vấn đề về sức khoẻ của trẻ cho cán bộ xã hội. Giữa 3 hệ thống có sự phân công chuyên môn và có cơ chế phối hợp cụ thể theo luật định. Quá trình ra quyết định thực hiện kế hoạch phục hồi, hỗ trợ có mối quan hệ chặt chẽ giữa cán bộ xã hội; gia đình thay thế, trung tâm chăm sóc và bố mẹ đẻ. Trong trường hợp bố mẹ đứa trẻ không đồng ý với kế hoạch chăm sóc, điều chỉnh đứa trẻ (có hoàn cảnh đặc biệt) do cán bộ xã hội đưa ra, kế hoạch phải được trình lên toà Hành chính để ra quyết định (phán quyết) và bắt buộc thực hiện. Mọi phiên toà hành chính cho các trường hợp này đều phải có luật sư – do nhà nước trả tiền thuê. Trong trường hợp bố mẹ và đứa trẻ có mâu thuẫn, cần có hai luật sư, một luật sư giám hộ cho đứa trẻ. Có 3 hệ thống giám sát các hoạt động mạng lưới nói trên: a) Hệ thống toà án và thanh tra; b) Giám sát của người dân; c) Uỷ ban quốc gia về y tế và phúc lợi xã hội (do Quốc hội trả lương, độc lập và giám sát các hoạt động của bộ tương ứng). Nội dung giám sát: Sử dụng nguồn ngân sách, trách nhiệm người dân. Về trẻ vi phạm pháp luật, chia ra hai độ tuổi: Từ 12 đến 15 tuổi. Cảnh sát có thể tham gia quá trình điều tra trong những trường hợp nhất định; nhân viên xã hội đóng vai trò chính. Quá trình này có thể ghi âm, ghi hình. Từ 15 đến 18 tuổi. Nguyên tắc chung là không đẩy trẻ vào nhà tù (trừ trường hợp đặc biệt). Nếu trẻ phạm tội, cần cách li khỏi cộng đồng, trẻ được đưa vào các “Trường thanh niên” (hệ thống trường này đã đóng cửa vào những năm 1970). Hiện Thuỵ Điển còn 02 trung tâm cho những trẻ em phạm tội nặng (tập trung khoảng 50 em) trước khi đưa vào nhà tù người lớn. Những trung tâm này bị Uỷ ban quyền trẻ em của LHQ phê phán. Thuỵ Điển có 80 trung tâm chăm sóc trẻ làm trái pháp luật. Có 02 loại trung tâm: a) Các nhà – trung tâm đóng (close house). Quy mô nhỏ thì mỗi nhà có khoảng 5-6 trẻ; quy mô lớn thì mỗi trung tâm có khoảng 30 trẻ/150 nhân viên chăm sóc, quy chế chăm sóc ở các trung tâm này rất cụ thể. b) Các trung tâm – nhà mở (open house) theo mô hình gia đình (5-  6 trẻ/01 người nuôi). Cả trung tâm mở và đóng, các kế hoạch chăm sóc, phục hồi đều do các cán bộ xã hội thực hiện. Có những kế hoạch riêng cho trẻ cá biệt, ngỗ ngược và cũng có những kế hoạch cho nhóm trẻ có cùng vấn đề. Trẻ được chăm sóc theo quy trình chuyển từ trung tâm đóng sang trung tâm mở để trẻ có thể hoà nhập. Quyết định cách li được áp dụng cho trẻ em dưới 18 tuổi, thời gian từ 8 tuần đến 4 năm. Nếu bị kết án trên 4 năm, trẻ có thể chuyển đến nhà tù, tuy nhiên các trường hợp này rất hạn chế. Trẻ 15 tuổi chịu trách nhiệm hình sự và chịu trách nhiệm trước bản án. Kiểm sát viên có quyền quyết định có đưa trẻ ra trước toà hay không. Có một số hình phạt được áp dụng như phạt tiền cho nợ đến khi trưởng thành trả bằng hình thức lao động công ích từ 20 đến 100 giờ. Nếu trẻ không đồng tình với kế hoạch  chăm sóc, phục hồi do cán bộ xã hội đưa ra có thể quay lại toà để xét lại hoặc lựa chọn hình thức khác nhưng vẫn phải do toà ra quyết định (lưu ý đây không phải là bản án đối với trẻ). Các biện pháp được sử dụng chủ yếu là hình thức gia đình thay thế. Hệ thống bảo vệ trẻ em Năm 1902, Luật Trẻ em đầu tiên được ban hành, chủ yếu về bảo trợ trẻ em. Từ 1924 đến 1960, nội dung của Luật chủ yếu về phúc lợi trẻ em. Những năm 1970, tập trung 3 vấn đề: Chăm sóc trẻ em, phòng chống nghiện hút và hỗ trợ người nghèo. Những thông tin và báo cáo cho hệ thống bảo vệ trẻ em đến từ hai nguồn: a). Báo cáo bắt buộc (chiếm 2/3 nguồn báo cáo), từ các điểm chăm sóc và những người có chức năng kiểm soát cung cấp cho những người cung cấp dịch vụ và cán bộ xã hội ; b).Báo cáo tự nguyện (chiếm 1//3 nguồn báo cáo), từ người dân và cộng đồng. Xu hướng chung là khuyến khích báo cáo tự nguyện. Cán bộ xã hội tiếp nhận các báo cáo và thực hiện các quyết định điều tra. Thời gian điều tra có thể kéo dài trong 4 tháng. Trẻ em, cha mẹ, cảnh sát được thông báo và tham gia quá trình này. Toàn bộ quá trình điều tra được ghi chép, những thông tin liên quan đến đứa trẻ được xem xét (như sức khoẻ, quá trình học tập, sử dụng thời gian rỗi, những sự kiện chính trong quãng đời…). Quá trình điều tra trẻ luôn được coi trọng và được giám sát. Có thể dùng gia đình để kết nối (contact family), tuy nhiên nỗ lực để trẻ ở tại gia đình chính thức để điều tra luôn được ưu tiên. Nếu trẻ trên 12 tuổi, cần có người luôn ở bên cạnh và hỗ trợ trẻ (contact person). Cán bộ xã hội có chuyên môn về làm việc với gia đình sẽ tư vấn và hỗ trợ gia đình tạo môi trường tốt cho trẻ. Nếu trẻ không ở được với gia đình thì đưa trẻ đến gia đình bảo trợ hoặc cơ sở tập trung. Luật pháp đã quy định rõ ràng về chất lượng các dịch vụ, nhưng các dịch vụ chủ yếu được thực hiện ở cấp cơ sở nên việc giám sát chất lượng theo các chuẩn mực gặp nhiều khó khăn, nhiều thách thức (nhất là trong quá trình phân cấp). Tăng cường giám sát là giải pháp chủ yếu. Biện pháp giám sát là tạo điều kiện cho trẻ em được trực tiếp trả lời và đánh giá các dịch vụ cũng như cảm nhận chất lượng chăm sóc, tuy nhiên vẫn còn thiếu tiếng nói trẻ em. Uỷ ban quốc gia về y tế và dịch vụ xã hội Một chương trình hành động quốc gia về dịch vụ xã hội được Chính phủ phê duyệt và được Uỷ ban quốc gia về y tế và dịch vụ xã hội vận hành. Chủ tịch Uỷ ban này là thành viên quốc hội, các thành viên khác gồm các đại biểu quốc hội, các nhà nghiên cứu, đại diện các đảng phái. Có 4 nhóm thư kí làm việc cho Uỷ ban này. Uỷ ban làm việc trong nhiệm kì 2 năm, có nhiệm vụ trình báo cáo thực hiện chương trình hành động cho Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi xã hội. Vụ chuyên trách của bộ lấy ý kiến đóng góp và chuyển đến lấy ý kiến nhận xét các thẩm phán rồi trình Quốc hội. Khi quốc hội xem xét báo cáo, nhiều vấn đề có thể trình Quốc hội để bổ sung và sửa đổi các luật cho phù hợp thực tiễn. Thụy Điển có nhiều chương trình hành động quốc gia (chủ yếu định hướng để cấp cơ sở thực hiện) về xâm hại trẻ em, bóc lột tình dục, ma túy… Tuy nhiên Chương trình về dịch vụ xã hội là chương trình lớn, phải được Quốc hội thông qua. Việc bảo vệ trẻ em có tính phòng ngừa sớm không chỉ thực hiện thông qua dịch vụ xã hội mà được lồng ghép vào nhiều chương trình khác. Một trong những giải pháp bảo vệ trẻ em là đào tạo đội ngũ cán bộ xã hội có chất lượng, gắn đào tạo với thực tiễn. Dịch vụ cho trẻ em có thể bóc tách được, chiếm khoảng 7% chi phí chung cho dịch vụ xã hội ở cấp cơ sở, tuy nhiên chi phí cho bảo vệ trẻ em khó bóc tách vì còn được thể hiện trong các chi phí khác như: nhà trẻ, trường học, bệnh viện…Chi phí chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tại các trung tâm của Thụy Điển rất cao: Tổng chi phí bình quân 1 triệu cua-ron/1 trẻ/năm nên chính sách đã khuyến khích chăm sóc trẻ tại cộng đồng và gia đình. Thụy Điển có truyền thống về chính quyền địa phương tự quản. Cấp địa phương (hạt) chịu trách nhiệm về các dịch vụ sức khoẻ, trường học và các dịch vụ xã hội khác. Hệ thống chính quyền được bầu ở 3 cấp, thuế thu từ người dân cũng được sử dụng ở cả 3 cấp. Các cơ quan chính phủ của Thụy Điển nhỏ hơn các quốc gia khác. Bên cạnh mỗi bộ có Uỷ ban quốc gia phụ trách các vấn đề chuyên môn, thúc đẩy cấp địa phương thực hiện theo luật và cung cấp các thông tin, kiến thức chuyên môn cho chính phủ. Văn phòng Uỷ ban quốc gia về Ytế và Phúc lợi xã hội tại Stockhom, có 400 nhân viên thuộc 7 vụ ở trung ương và 100 nhân viên các văn phòng địa phương. Uỷ ban có 170 cố vấn. Nhân viên của Uỷ ban có chuyên môn sâu, giỏi và có tầm nhìn chung trong lĩnh vực của Uỷ ban phụ trách. Căn cứ vào Luật, Uỷ ban đưa ra các định hướng cho các địa phương thực hiện chứ không chỉ đạo trực tiếp. Uỷ ban kiểm tra, giám sát các hoạt động và dịch vụ, thanh tra các khiếu nại từ địa phương về chất lượng và mức độ các dịch vụ. Uỷ ban luôn độc lập với Quốc hội. Nhà nước quy định những công việc của Uỷ ban và các bộ trưởng điều hành nhưng Uỷ ban phải cố gắng đưa ra những khuyến nghị độc lập, chịu trách nhiệm trước Chính phủ và trước dân. Hoạt động của dịch vụ Ngôi nhà mạng. Mô hình này được xây dựng cách đây 20 năm. Nhà mạng giúp Hội đồng Hành chính hạt xây dựng chính sách và hỗ trợ các gia đình có con dưới 18 tuổi, giúp các gia đình tiếp cận các dịch vụ công cộng và làm công tác tư vấn gia đình. Trong công việc trợ giúp và tư vấn này, nhiệm vụ chính là phòng ngừa. Nhà mạng liên tục cập nhật những thông tin, biến động của các cơ quan Chính phủ, phi chính phủ, các dịch vụ để hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn các gia đình tiếp cận. Nhà mạng có trách nhiệm nắm chắc các biến động dân cư, tình hình các gia đình trong khu vực để có thể hỗ trợ, tìm kiếm các khả năng, nguồn lực hỗ trợ, giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong mỗi gia đình (thậm chí cả những xung đột về quan niệm, suy nghĩ). Tại nhà mạng có khu vực nhà mở, nhà sinh hoạt, dành cho trẻ em từ sơ sinh đến 18 tuổi. Trong lúc cha mẹ nghỉ sinh và chăm sóc con (thời gian: 18 tháng), cha mẹ đưa con đến và tham gia sinh hoạt ở đây để chờ chỗ trong nhà trẻ, chia sẻ và học hỏi các kiến thức nuôi dạy trẻ (gia đình ở Thụy Điển là gia đình nhỏ nên các ông bố bà mẹ không thừa hưởng được kĩ năng nuôi trẻ từ cha mẹ mình). Ngôi nhà mạng có 2 địa điểm là cà phê và âm nhạc, dành cho thanh niên (12 đến 19 tuổi), mở cửa hằng đêm, trừ chủ nhật. Tuy nhiên, do nhu cầu của thanh niên, Ngôi nhà mạng sẽ đề nghị Hội đồng hành chính hỗ trợ để hai địa điểm này có thể hoạt động tất cả các tối, nhằm giảm bớt tệ nạn và bạo lực trong thanh niên. Nhà mạng còn quản lí các đội, nhóm công tác xã hội để giúp đỡ những thanh niên say rượu, giúp cha mẹ giám sát con cái ngoài đường phố…Các gia đình đơn nhất rất cần sự hỗ trợ của các đội công tác xã hội. Tiêu chí các dịch vụ và hoạt động của Ngôi nhà mạng là: Gần gũi – liên tục – tôn trọng. Các gia đình có thể sử dụng dịch vụ tư vấn tư nhân nhưng thường giá cao nên không phải là gia đình nào cũng có khả năng chi trả. Các đội công tác xã hội thường gồm 1 nam và một nữ cán sự xã hội. Họ làm việc với các gia đình, tìm hiểu và hỗ trợ, tư vấn tình nguyện nếu gia đình chấp thuận. Ví dụ, trong các nhóm này có những chuyên gia ngôn ngữ giúp trẻ học phát âm, đọc chuẩn nếu trẻ có vấn đề về ngôn ngữ. Quy trình làm việc tại nhà mạng thường là: Cha mẹ có yêu cầu thì gọi điện đến Ngôi nhà mạng, được hẹn và cán bộ Ngôi nhà mạng đến gia đình cùng cán sự xã hội. Nguyên tắc hỗ trợ và can thiệp các vấn đề của trẻ em luôn trên nguyên tắc Công ước quyền trẻ em, ưu tiên trẻ em. Mỗi ca trẻ em gặp khó khăn, thường có sự phối hợp giữa Ngôi nhà mạng + Phòng chăm sóc trẻ em, thanh niên, người nghiện + Gia đình và chính trẻ em, tổ chức các cuộc họp để tìm giải pháp. Mỗi ca họp thường 2,5 tiếng, với sự tham gia của 25 đến 30 người. Trẻ được tìm hiểu và phát hiện vấn đề bằng phương pháp “Xây dựng kế hoạch cá biệt” (“Case Plan Development”). Trẻ được hướng dẫn và khuyến khích mô tả các mối quan hệ của trẻ thông qua các hình vẽ và được bố, mẹ, các chuyên gia lắng nghe, chứng kiến. Nếu một cuộc họp chưa phát hiện được vấn đề và có giải pháp, có thể tổ chức các cuộc họp sau. Các dịch vụ của Ngôi nhà mạng thường phức tạp và khá nặng nên cần sự hỗ trợ của giáo viên và người hỗ trợ trẻ (contact person). Sự phối hợp giữa các bên được quy định chung trong luật, các ngành thì xây dựng quy chế phối hợp cụ thể. Thanh tra trẻ em (Child Ombusman) Sau khi phê chuẩn Công ước LHQ về quyền trẻ em, Thanh tra trẻ em của Thụy Điển được thành lập. Đây là hình thức thanh tra độc lập, là tổ chức thay mặt trẻ em để giải quyết và đáp ứng các nhu cầu của trẻ em. Thanh tra trẻ em đã thành lập 01 hội đồng của thanh niên và 7 hội đồng của trẻ em có nhiệm vụ duy trì các mối quan hệ với trường, lớp học trong các hoạt động thanh tra. Nhiệm vụ trọng tâm của Thanh tra trẻ em là: 1. Lồng ghép quan điểm quyền trẻ em vào công việc các bộ ngành, khuyến nghị các cấp chính quyền thân thiện với trẻ em hơn thông qua “Chiến lược thực hiện Công ước quyền trẻ em” của Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Thụy Điển; 2. Tuyên truyền, theo dõi tiến bộ trong việc thực hiện chiến lược ở các cấp; 3. Văn phòng Thanh tra trẻ em không trực tiếp tiếp nhận và giải quyết các vụ việc mà hỗ trợ, thúc đẩy việc triển khai chính sách, chiến lược theo phương pháp “Cây gậy và củ cà rốt”, tuy nhiên Thanh tra trẻ em không có quyền trực tiếp xử phạt. Thanh tra trẻ em quan tâm đến việc thúc đẩy giải quyết những khó khăn của trẻ em trong cuộc sống. Một số vấn đề đáng quan tâm của trẻ em Thụy Điển hiện nay: Nạn trấn lột, bắt nạt trong trẻ em; Đối xử không bình đẳng với trẻ em, tiêu chuẩn và khung pháp lí không bình đẳng đối với trẻ em như những người khác; Trách nhiệm chăm sóc trẻ em trong các cuộc li hôn; Các sang chấn tinh thần (stress) do các sức ép ở nhà trường, gia đình, quan hệ bạn bè… Thanh tra trẻ em thực hiện báo cáo Chính phủ về những vấn đề của trẻ em; thông tin cho trẻ em và thanh niên về những vấn đề đang diễn ra để làm cho người lớn phải tôn trọng quyền trẻ em; trẻ em nhận thức về quyền của mình. Thanh tra trẻ em hợp tác với cảnh sát để cung cấp các thông tin, tổ chức tập huấn về quyền trẻ em cho lực lượng này. Thụy Điển có 7 tổ chức thanh tra độc lập về các vấn đề (ví dụ người già, đồng tính…). Riêng Thanh tra trẻ em chưa thanh tra và xử lí các vụ cụ thể như một số nước khác do chưa có luật riêng về Thanh tra trẻ em cũng như Luật xử phạt phân biệt đối xử trẻ em. Tuy nhiên, ở cấp cơ sở cũng đã có hệ thống quyền lực để xử lí các vụ việc cụ thể. Trung tâm nhận con nuôi quốc tế Adoption Centre (AC) Thụy Điển hiện có 6 trung tâm nhận con nuôi, trong đó 3 trung tâm nhỏ. Trung tâm AC là trung tâm lớn nhất và có thời gian hoạt động lâu nhất, thành lập từ năm 1969, là một tổ chức phi chính phủ. Văn phòng AC hiện có 50 người làm việc chuyên trách và tình nguyện, có hoạt động và quan hệ tại 20 quốc gia. Đã giúp 21.000 trẻ em từ 50 quốc gia được nhận làm con nuôi tại 8.500 gia đình Thụy Điển. Trung tâm có bản tin định kì cung cấp cho các gia đình này. 50% trẻ em được nhận con nuôi qua Trung tâm này đến từ Trung Quốc. Trung bình một năm có 900 trẻ em được nhận nuôi tại Thụy Điển, trong đó có 600 em thông qua Trung tâm này. AC có 3 mảng hoạt động chính: 1) Thực hiện và hợp tác các dự án trợ giúp quốc tế với mục đích: phòng ngừa bỏ rơi trẻ em, tìm gia đình thay thế cho trẻ bị bỏ rơi, giáo dục trẻ em hiểu các quyền của trẻ em, hỗ trợ trẻ em; 2) Giúp trẻ em con nuôi tìm được cội nguồn khi trưởng thành như tổ chức các chuyến đi về đất nước sinh ra trẻ; 3) Tổ chức các hoạt động cho các gia đình nhận con nuôi (kiến thức về nhận con nuôi, giáo dục kĩ năng và chia sẻ kinh nghiệm…).

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật