HIỆP ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THUỘC HIỆP ĐỊNH KHUNG VỀ HỢP TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN GIỮA HIỆP HỘI CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á VÀ CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA

  • Bài viết
  • 22 tháng 5, 2011
  • 336 lượt xem
  • 0 bình luận

Chính phủ các nước Brunei Darussanlam, Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Indonesia, Cộng Hòa Dân chủ Nhân dân Lào, (“Lao PDR”), Malaysia, Liên bang Myanmar, Cộng hòa Philippines, Cộng hòa Singapore, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (“ASEAN”) và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (“Trung Quốc”) được gọi chung là “các nước ký kết”, hoặc “nước ký kết” nếu chỉ nhắc tới một thành viên ASEAN hoặc Trung Quốc);

Nhắc lại Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện (“Hiệp định khung”) giữa ASEAN và Trung Quốc do các vị lãnh đạo Chính phủ/Nhà nước của các quốc gia ASEAN và Trung Quốc ký tại Phnom Penh ngày 04 tháng 11 năm 2002;

Nhắc lại khoản 1 Điều 11 của Hiệp định khung về việc xây dựng các thủ tục và cơ chế giải quyết tranh chấp chính thức phù hợp phục vụ các mục tiêu của Hiệp định khung trong vòng 1 năm kể từ ngày Hiệp định khung có hiệu lực;

Đã nhất trí như sau:

Điều 1. Định nghĩa

Vì mục tiêu của Hiệp định này, các định nghĩa sau đây sẽ được áp dụng trừ phi có quy định khác:

(a) Tất cả các định nghĩa trong Hiệp định khung sẽ được áp dụng trong Hiệp định này;

(b) “ngày” nghĩa là ngày theo lịch, gồm cả ngày cuối tuần và ngày nghỉ khác;

(c) “các bên trong tranh chấp”, “các bên tranh chấp” hoặc “các bên liên quan” nghĩa là bên khiếu nại và bên bị khiếu nại;

(d) “bên khiếu nại” là bất cứ một hay nhiều bên nào có yêu cầu tham vấn theo Điều 4; và

(e) “bên bị khiếu nại” là bất cứ bên nào là đối tượng của việc yêu cầu tham vấn theo Điều 4.

Điều 2. Phạm vi áp dụng

1. Hiệp định này sẽ áp dụng đối với các tranh chấp phát sinh từ Hiệp định khung, bao gồm các Phụ lục và nội dung trong phụ lục. Bất cứ dẫn chiếu nào tới Hiệp định khung dưới đây sẽ bao gồm tất cả các văn kiện pháp lý trong tương lai được thỏa thuận căn cứ vào Hiệp định khung, trừ phi có quy định khác.

2. Bất cứ quy định và thủ tục đặc biệt hoặc bổ sung nào về giải quyết tranh chấp được nêu trong Hiệp định khung sẽ được Ban Thư ký ASEAN liệt kê vào thành Phụ lục của Hiệp định này với sự nhất trí của các bên.

3. Trừ phi có quy định khác trong Hiệp định này hoặc trong Hiệp định khung, hoặc các bên có thỏa thuận khác, các điều khoản của Hiệp định này sẽ được áp dụng nhằm tránh để xảy ra tranh chấp giữa hai hoặc giải quyết các tranh chấp giữa hai hoặc nhiều nước ký kết liên quan đến các quyền lợi và nghĩa vụ của các nước đó theo Hiệp định khung.

4. Các quy định của Hiệp định này có thể được áp dụng đối với các hành động ảnh hưởng đến việc tuân thủ Hiệp định khung do Chính phủ, chính quyền hoặc các cơ quan Trung ương, khu vực và địa phương tiến hành trong phạm vi lãnh thổ của một nước ký kết.

5. Phù hợp với khoản 6, không có quy định nào trong Hiệp định này hạn chế quyền của các nước ký kết được phép sử dụng các thủ tục giải quyết tranh chấp theo bất cứ điều ước nào khác mà nước đó có tham gia.

6. Khi các thủ tục giải quyết tranh chấp đã được tiến hành theo Hiệp định này, hoặc theo bất cứ điều ước nào khác mà các bên tranh chấp là thành viên liên quan tới quyền hay nghĩa vụ cụ thể của bên đó phát sinh từ Hiệp định khung hoặc từ điều ước khác đó, tranh chấp đó sẽ được giải quyết bởi cơ quan giải quyết tranh chấp mà bên khiếu nại lựa chọn và các bên không được sử dụng cơ quan nào khác để giải quyết tranh chấp đó.

7. Khoản 5 và 6 ở trên sẽ không được áp dụng trong trường hợp các bên tranh chấp đồng ý sử dụng nhiều hơn một diễn đàn giải quyết tranh chấp đối với vụ tranh chấp đó.

8. Nhằm phục vụ cho các quy định tại các khoản từ 5 đến 7, bên khiếu nại được coi là đã lựa chọn một cơ quan giải quyết tranh chấp khi bên đó đã yêu cầu thành lập, hoặc đã đưa tranh chấp tới một ban hội thẩm hay hội đồng trọng tài để giải quyết tranh chấp phù hợp với quy định của Hiệp định này hoặc với bất cứ điều ước nào mà các bên tranh chấp là thành viên.

Điều 3. Văn phòng liên lạc

1. Nhằm phục vụ cho Hiệp định này, mỗi nước ký kết sẽ:

(a) chỉ định một văn phòng chịu trách nhiệm về mọi công tác liên lạc được nêu trong hiệp định này;

(b) chịu trách nhiệm về hoạt động và chi phí của văn phòng này; và

(c) thông báo với các nước ký kết khác về vị trí và địa điểm văn phòng của mình trong thời hạn 30 ngày kể từ khi hoàn thành các thủ tục nội bộ để Hiệp định có hiệu lực.

2. Trừ phi được quy định khác trong Hiệp định này, việc gửi bất kỳ yêu cầu hoặc tài liệu nào theo quy định của Hiệp định tới văn phòng liên lạc của một nước ký kế được coi là đã gửi yêu cầu hoặc tài liệu đó tới nước ký kết đó.

Điều 4. Tham vấn

1. Bên bị khiếu nại sẽ có sự xem xét phù hợp và dành cơ hội thỏa đáng cho việc tham vấn liên quan tới yêu cầu tham vấn của bên khiếu nại về mọi vấn đề ảnh hưởng tới việc thực thi hoặc áp dụng Hiệp định khung mà ở đó:

(a) lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp của bên khiếu nại theo hiệip định khung đang bị mất mát hoặc tổn hại; hoặc

(b) việc đạt được bất kỳ mục tiêu nào của Hiệp định khung đang bị cản trở do hậu quả của việc bên bị khiếu nại không hoàn thành các nghĩa vụ của mình theo quy định của Hiệp định khung[1].

2. Yêu cầu tham vấn phải được lập thành văn bản, nêu rõ hành động cụ thể bị khiếu nại, cơ sở thực tiễn và pháp lý của việc khiếu nại (bao gồm những điều khoản của Hiệp định khung được cho là đã bị vi phạm và các quy định liên quan khác). Bên khiếu nại phải gửi yêu cầu tham vấn đó tới bên bị khiếu nại và các nước ký kết khác. Khi nhận được yêu cầu tham vấn, bên bị khiếu nại phải ngay lập tức thông báo cho bên khiếu nại và các nước ký kết khác về việc đã nhận được yêu cầu.

3. Nếu có yêu cầu tham vấn, bên bị khiếu nại phải trả lời yêu cầu này trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu và tiến hành việc tham vấn với tinh thần thiện chí trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu với mục tiêu đạt được giải pháp thỏa đáng cho các bên. Nếu bên bị khiếu nại không trả lời trong thời hạn 7 ngày hoặc không tiến hành việc tham vấn trong thời hạn 30 ngày nêu trên thì bên khiếu nại có quyền yêu cầu chỉ định Hội đồng Trọng tài để giải quyết vụ việc theo quy định tại Điều 6.

4. Các bên tranh chấp sẽ nỗ lực hết sức để đạt giải quyết các tranh chấp một cách thỏa đáng thông qua tham vấn. Với mục đích này, các bên liên quan sẽ:

(a) cung cấp đầy đủ thông tin để có sự xem xét toàn diện về những ảnh hưởng của hành động đó đối với việc thực hiện Hiệp định khung; và

(b) giữ bí mật những thông tin được trao đổi trong quá trình tham vấn mà các bên liên quan coi là bí mật.

5. Quá trình tham vấn sẽ được giữ bí mật và không ngăn cản quyền của các bên được sử dụng các thủ tục tố tụng khác hoặc cao hơn.

6. Khi một nước ký kết (không phải các bên tranh chấp) cho rằng mình có quyền lợi đáng kể đối với quá trình tham vấn được thực hiện theo quy định của Điều này, nước đó có thể thông báo bằng văn bản cho các bên tranh chấp về nguyện vọng được tham gia tham vấn trong vòng 10 ngày kể từ ngày bên bị khiếu nại nhận được yêu cầu tham vấn. Nước ký kết nói trên sẽ được tham gia tham vấn với điều kiện bên bị khiếu nại đồng ý rằng tuyên bố về quyền lợi đáng kể đó là có cơ sở. Bên bị khiếu nại sẽ thông báo cho bên khiếu nại và các nước ký kết khác về quyết định của mình trước khi bắt đầu quá trình tham vấn. Nếu yêu cầu tham gia tham vấn không được chấp thuận thì nước yêu cầu đó có quyền yêu cầu tiến hành quá trình tham vấn riêng theo quy định của Điều này.

7. Trong trường hợp khẩn cấp, bao gồm những trường hợp liên quan tới hàng hóa dễ hỏng, các bên liên quan sẽ tiến hành tham vấn trong vòng 10 ngày kể từ ngày bên bị khiếu nại nhận được yêu cầu tham vấn. Nếu tham vấn không giải quyết được tranh chấp trong vòng 20 ngày kể từ ngày bên bị khiếu nại nhận được yêu cầu tham vấn, bên khiếu nại có quyền yêu cầu chỉ định Hội đồng Trọng tài để giải quyết theo quy định tại Điều 6.

8. Trong trường hợp khẩn cấp, bao gồm những trường hợp liên quan tới hàng hóa dễ hỏng, các bên tranh chấp và Hội đồng Trọng tài sẽ nỗ lực tối đa để tiến hành nhanh chóng các thủ tục giải quyết tranh chấp.

Điều 5. Trung gian hòa giải

1. Các bên tranh chấp có thể đồng ý tiến hành trung gian hòa giải vào bất kỳ thời điểm nào. Các bên có thể bắt đầu và kết thúc trung gian hòa giải vào bất kỳ lúc nào.

2. Nếu các bên tranh chấp đồng ý, thủ tục trung gian hòa giải thông qua cá nhân hoặc tổ chức được các bên trong vụ tranh chấp nhất trí có thể được tiến hành song song với thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Hội đồng Trọng tài được chỉ định theo quy định tại Điều 6.

3. Thủ tục trung gian hòa giải và các quan điểm của các bên tranh chấp trong quá trình trung gian hòa giải sẽ được giữ bí mật và không ngăn cản quyền của các bên được tiến hành các thủ tục tố tụng khác hoặc cao hơn.

Điều 6. Chỉ định Hội đồng Trọng tài

1. Nếu quá trình tham vấn quy định tại Điều 4 không giải quyết được tranh chấp trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn hoặc trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn trong trường hợp khẩn cấp, bao gồm những trường hợp liên quan tới hàng dễ hỏng, bên khiếu nại có quyền gửi yêu cầu bằng văn bản tới bên bị khiếu nại để chỉ định trọng tài theo quy định tại Điều này.

Bản sao yêu cầu nói trên sẽ được gửi cho các nước ký kết khác.

2. Yêu cầu chỉ định trọng tài phải nêu rõ lý do cho việc yêu cầu đó, bao gồm việc xác định:

(a) hành động cụ thể bị khiếu nại; và

(b) cơ sở thực tiễn và pháp lý cho việc khiếu nại (bao gồm những điều khoản của Hiệp định khung bị cho là đã vi phạm và các quy định liên quan khác) đủ để xác định rõ vấn đề.

3. Khi có nhiều hơn một bên khiếu nại yêu cầu chỉ định trọng tài liên quan tới cùng một vấn đề, nếu có thể, các bên liên quan sẽ chỉ định một Hội đồng Trọng tài để xem xét vấn đề đó, trong đó có tính tới quyền lợi tương ứng của các bên đó.

4. Khi chỉ có một Hội đồng Trọng tài được chỉ định theo khoản 3, hội đồng này sẽ tổ chức việc điều tra và trình bày kết luận của mình tới tất cả các bên trong vụ tranh chấp theo cách không gây tổn hại tới quyền lợi mà các bên đáng lẽ được hưởng trong trường hợp vụ việc được xem xét bởi các Hội đồng Trọng tài riêng rẽ. Nếu một bên tranh chấp có yêu cầu, Hội đồng Trọng tài có thể cung cấp các báo cáo riêng rẽ về vụ tranh chấp cho các bên liên quan nếu thời gian cho phép. Các bên tranh chấp có quyền tự do tiếp cận các văn bản đệ trình của nhau và mỗi bên tranh chấp có quyền có mặt khi bất cứ bên nào trong cùng vụ tranh chấp trình bày quan điểm của mình trước Hội đồng Trọng tài.

5. Khi có hơn một Hội đồng Trọng tài được chỉ định theo khoản 3 để xem xét cùng một vấn đề, trong chừng mực tối đa có thể, các bên liên quan sẽ chỉ định cùng một trọng tài viên để phục vụ trong các Hội đồng Trọng tài riêng rẽ đó và thời gian tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp của mỗi Hội đồng Trọng tài riêng rẽ sẽ được tính toán phù hợp.

Điều 7. Thành phần của Hội đồng Trọng tài

1. Hội đồng Trọng tài gồm 3 thành viên, trừ phi có quy định khác trong Hiệp định này hay các bên có thỏa thuận khác.

2. Trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu chỉ định Hội đồng Trọng tài, bên khiếu nại sẽ chỉ định một trọng tài viên tham gia Hội đồng Trọng tài theo quy định tại Điều 6. Cũng theo Điều 6, bên bị khiếu nại sẽ chỉ định một trọng tài viên tham gia Hội đồng Trọng tài trong vòng 30 ngày kể từ ngày bên đó nhận được yêu cầu chỉ định Hội đồng Trọng tài. Nếu một bên trong tranh chấp không chỉ định được trọng tài viên trong thời hạn nói trên thì trọng tài viên do bên kia chỉ định sẽ là trọng tài viên duy nhất của Hội đồng Trọng tài.

3. Khi bên khiếu nại và bên bị khiếu nại đã chỉ định được trọng tài viên của mình theo khoản 2, các bên liên quan sẽ cố gắng thỏa thuận để chọn một trọng tài viên nữa làm Chủ tịch Hội đồng Trọng tài. Nếu trong vòng 30 ngày kể từ ngày trọng tài viên thứ hai được chỉ định theo khoản 2 mà các bên tranh chấp không thể thỏa thuận được Chủ tịch Hội đồng Trọng tài, các bên sẽ yêu cầu Tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chỉ định Chủ tịch Hội đồng Trọng tài và sự chỉ định đó sẽ được các bên chấp thuận. Trong trường hợp Tổng giám đốc WTO là công dân của một trong các bên tranh chấp thì các bên sẽ yêu cầu Phó Tổng giám đốc hay quan chức cấp dưới trực tiếp không phải là công dân của các bên tranh chấp chỉ định Chủ tịch Hội đồng Trọng tài. Nếu một trong các bên tranh chấp không phải là thành viên của WTO, các bên sẽ yêu cầu Chánh án Tòa án quốc tế chỉ định đó sẽ được các bên chấp thuận. Trong trường hợp Chánh án là công dân của một trong các bên tranh chấp, các bên sẽ yêu cầu Phó Chánh án hay quan chức cấp dưới trực tiếp không phải là công dân của các bên tranh chấp chỉ định Chủ tịch Hội đồng Trọng tài.

4. Ngày thành lập Hội đồng Trọng tài là ngày chỉ định được Chủ tịch theo Khoản 3 hoặc ngày thứ 30 tính từ ngày nhận được yêu cầu theo Điều 6 trong trường hợp chỉ cử được một trọng tài viên cho Hội đồng Trọng tài.

5. Nếu một trọng tài viên đã được chỉ định theo Điều này từ chức hoặc không thể thực hiện được nhiệm vụ, trọng tài viên kế nhiệm sẽ được chỉ định theo đúng các thủ tục để chỉ định trọng tài viên tiền nhiệm và trọng tài viên kế nhiệm có mọi quyền hạn và trách nhiệm như trọng tài viên tiền nhiệm. Hội đồng Trọng tài sẽ tạm ngừng hoạt động trong thời gian chỉ định trọng tài viên kế nhiệm.

6. Người được chỉ định là thành viên hay Chủ tịch của Hội đồng Trọng tài phải có kiến thức hay kinh nghiệm trong lĩnh vực luật pháp, thương mại quốc tế, những vấn đề khác thuộc phạm vi của Hiệp định khung hay kinh nghiệm giải quyết tranh chấp phát sinh theo các Hiệp định thương mại quốc tế, và sẽ được lựa chọn nghiêm ngặt dựa trên tính khách quan, độ tin cậy, công tâm và độc lập. Thêm vào đó, Chủ tịch Hội đồng Trọng tài không được là công dân của một trong các bên tranh chấp và không cư trú thường xuyên trên lãnh thổ hay làm việc cho bất cứ bên nào.

7. Khi Hội đồng Trọng tài đã được thành lập để giải quyết một vụ tranh chấp theo quy định trong Hiệp định không thể xem xét vụ việc vì bất cứ lý do nào, một Hội đồng Trọng tài mới sẽ được chỉ định theo Điều này.

Điều 8. Chức năng của Hội đồng Trọng tài

1. Chức năng của Hội đồng Trọng tài là đưa ra đánh giá khách quan về vụ tranh chấp, bao gồm xem xét những tình tiết của vụ việc và việc áp dụng và tuân thủ Hiệp định khung. Khi Hội đồng Trọng tài kết luận rằng hành động mà một bên thực hiện không phù hợp với điều khoản tương ứng của Hiệp định khung, Hội đồng sẽ khuyến nghị bên bị khiếu nại đưa ra biện pháp sửa chữa để tuân thủ với điều khoản đó. Cùng với các khuyến nghị, Hội đồng Trọng tài có thể gợi ý cách thức để bên bị khiếu nại thực hiện được khuyến nghị. Trong các kết luận và khuyến nghị của mình, Hội đồng Trọng tài không được phép thêm hay bớt các quyền và nghĩa vụ được quy định trong Hiệp định khung.

2. Trừ phi các bên có thỏa thuận khác, trong vòng 20 ngày kể từ ngày thành lập, Hội đồng Trọng tài sẽ có quy chế làm việc như sau:

“Nhằm xem xét, căn cứ vào quy định của điều khoản liên quan trong Hiệp định khung, vấn đề được bên… (tên bên khiếu nại) khiếu nại lên Hội đồng Trọng tài và đưa ra các kết luận, phán quyết và khuyến nghị theo quy định trong Hiệp định khung”.

Hội đồng Trọng tài sẽ xem xét căn cứ vào các điều khoản liên quan trong Hiệp định khung do các bên tranh chấp viện dẫn.

3. Hội đồng Trọng tài được thành lập theo Điều 6 ở trên sẽ:

(a) thường xuyên trao đổi với các bên tranh chấp vào tạo cơ hội để đạt được giải pháp thỏa đáng cho cả hai bên;

(b) đưa ra quyết định phù hợp với Hiệp định khung và các quy tắc của luật pháp quốc tế áp dụng cho các bên tranh chấp; và

(c) trong quyết định của mình, trình bày rõ các kết luận về luật pháp và thực tiễn và các lý do đưa ra các kết luận đó.

4. Phán quyết của Hội đồng Trọng tài có tính chung thẩm và ràng buộc đối với các bên tranh chấp.

5. Hội đồng Trọng tài ra phán quyết dựa trên nguyên tắc đồng thuận; trường hợp không thể đạt được quyết định đồng thuận thì Hội đồng có thể ra phán quyết trên nguyên tắc đa số.

6. Ngoài các vấn đề được quy định tại khoản 2, 3, 4 của Điều 6 và Điều 9, Hội đồng Trọng tài sẽ tự quy định các trình tự thủ tục của mình liên quan đến quyền được điều trần của các bên và quá trình xét xử của mình với sự tham khảo ý kiến của các bên tranh chấp.

Điều 9. Trình tự, thủ tục của Hội đồng Trọng tài

1. Hội đồng Trọng tài phải họp kín. Các bên tranh chấp sẽ chỉ có mặt tại các cuộc họp khi được Hội đồng Trọng tài mời tham dự.

2. Nơi diễn ra các cuộc họp chính thức của Hội đồng Trọng tài sẽ được các bên tranh chấp thỏa thuận quyết định. Nếu các bên không thỏa thuận được thì cuộc họp chính thức đầu tiên sẽ được tổ chức tại thủ đô của nước bị khiếu nại và cuộc họp chính thức thứ hai sẽ được tổ chức tại thủ đô của nước khiếu nại.

3. Sau khi tham khảo ý kiến của các bên tranh chấp, ngay khi điều kiện cho phép trong vòng 15 ngày sau khi thành lập Hội đồng Trọng tài, Hội đồng Trọng tài phải thống nhất khung thời gian cho hoạt động xét xử của mình. Khi xây dựng thời gian biểu, Hội đồng Trọng tài phải dành thời gian hợp lý cho các bên tranh chấp chuẩn bị các tài liệu đệ trình của mình. Hội đồng Trọng tài phải quy định thời hạn cụ thể để các bên đệ trình các tài liệu và các bên phải tuân thủ thời hạn đó.

4. Việc nghị án của Hội đồng Trọng tài và các tài liệu được đệ trình phải được giữ bí mật. Các quy định tại Điều này không ngăn cản một bên tranh chấp tiết lộ các quan điểm hoặc tài liệu đệ trình của mình ra công chúng; với điều kiện các bên tranh chấp phải giữ bí mật các thông tin do một bên khác cung cấp cho Hội đồng Trọng tài mà bên đó coi là bí mật. Nếu một bên tranh chấp đệ trình một tài liệu bí mật lên Hội đồng Trọng tài, trên cơ sở yêu cầu của các bên tranh chấp khác, bên đó phải cung cấp một bản tóm tắt công khai của các thông tin được cung cấp trong tài liệu bí mật đó có thể công bố công khai.

5. Các quy định và thủ tục liên quan đến trình tự thủ tục xét xử bằng Hội đồng Trọng tài được quy định tại Phụ lục 1 của Hiệp định này sẽ được áp dụng trừ phi Hội đồng Trọng tài có quyết định khác sau khi tham khảo ý kiến các bên tranh chấp.

6. Báo cáo của Hội đồng Trọng tài phải được soạn thảo mà không có sự hiện diện của các bên tranh chấp trên cơ sở các thông tin được cung cấp và các tuyên bố được đưa ra. Quá trình nghị án của Hội đồng Trọng tài phải được giữ bí mật. các quan điểm thể hiện trong báo cáo của Hội đồng Trọng tài của các trọng tài viên phải được giấu tên.

7. Sau khi xem xét các tài liệu đệ trình, nội dung biện hộ và các thông tin được cung cấp, Hội đồng Trọng tài sẽ dự thảo báo cáo, gồm một phần mô tả liên quan đến các tình tiết của vụ việc và các lập luận của các bên tranh chấp và các phát hiện và kết luận của Hội đồng Trọng tài và gửi dự thảo đến các bên tranh chấp. Hội đồng Trọng tài phải dành cơ hội thỏa đáng cho các bên tranh chấp xem xét toàn bộ dự thảo báo cáo trước khi hoàn chỉnh và trong báo cáo cuối cùng phải có giải trình về ý kiến bình luận của bên liên quan.

8. Hội đồng Trọng tài phải công bố báo cáo cuối cùng cho các bên tranh chấp trong vòng 120 ngày kể từ ngày được thành lập. Trong trường hợp khẩn cấp, bao gồm các trường hợp liên quan đến hàng hóa dễ hỏng, Hội đồng Trọng tài phải công bố báo cáo cho các bên tranh chấp trong vòng 60 ngày kể từ ngày được thành lập. Khi Hội đồng Trọng tài nhận thấy không thể công bố báo cáo cuối cùng trong vòng 120 ngày, hoặc trong vòng 60 ngày trong trường hợp khẩn cấp, Hội đồng Trọng tài phải thông báo lý do của sự chậm trễ cho các bên liên quan bằng văn bản cùng với dự kiến thời gian sẽ đưa ra báo cáo. Trong mọi trường hợp, thời hạn công bố báo cáo không được vượt quá 180 ngày kể từ ngày Hội đồng Trọng tài được thành lập.

9. Báo cáo cuối cùng của Hội đồng Trọng tài sẽ được công bố rộng rãi trong thời hạn 10 ngày sau khi công bố cho các bên tranh chấp.

Điều 10. Bên thứ ba

1. Bất kỳ nước ký kết nào có quyền lợi đáng kể trong một vụ tranh chấp được Hội đồng Trọng tài xem xét và thông báo bằng văn bản về quyền lợi của mình tới các bên tranh chấp và các nước ký kết khác (sau đây gọi là “bên thứ ba”), sẽ có cơ hội được đệ trình tài liệu bằng văn bản lên Hội đồng Trọng tài. Những tài liệu này sẽ được cung cấp cho các bên tranh chấp và có thể được phản ánh trong báo cáo của Hội đồng Trọng tài.

2. Bên thứ ba sẽ nhận được tài liệu đệ trình của các bên tranh chấp trong cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Trọng tài.

3. Trong trường hợp một bên thứ ba cho rằng một hành động là đối tượng xét xử của Hội đồng Trọng tài đã gây mất mát hoặc tổn hại đến quyền lợi của mình theo Hiệp định khung, bên đó có thể sử dụng các thủ tục tranh chấp thông thường theo Hiệp định này.

Điều 11. Đình chỉ và hủy bỏ tố tụng

1. Trường hợp các bên tranh chấp đồng ý, vào bất kỳ thời điểm nào, Hội đồng Trọng tài có thể tạm đình chỉ hoạt động trong thời gian không quá 12 tháng kể từ ngày các bên có thỏa thuận. Tố tụng trọng tài sẽ được bắt đầu lại sau khi đình chỉ nếu bất kỳ bên tranh chấp nào có yêu cầu. Trường hợp hoạt động của Hội đồng Trọng tài đã bị đình chỉ hơn 12 tháng, thẩm quyền thành lập Hội đồng Trọng tài sẽ mất hiệu lực trừ phi các bên liên quan có thỏa thuận khác.

2. Nếu các bên tranh chấp đạt được giải pháp giải quyết tranh chấp thỏa đáng cho cả hai bên thì có thể thỏa thuận hủy bỏ việc giải quyết tranh chấp của Hội đồng Trọng tài được thành lập theo Hiệp định này trước khi Hội đồng Trọng tài công bố báo cuối cùng.

3. Trước khi Hội đồng Trọng tài đưa ra quyết định, tại bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết tranh chấp, Hội đồng Trọng tài có thể đề xuất các bên tiến hành giải quyết tranh chấp một cách thiện chí.

Điều 12. Thực hiện

1. Bên bị khiếu nại phải thông báo cho bên khiếu nại về các ý định của mình liên quan đến việc thực hiện các khuyến nghị và phán quyết của Hội đồng Trọng tài.

2. Nếu bên bị khiếu nại không thể tuân thủ ngay lập tức với các khuyến nghị và phán quyết của Hội đồng Trọng tài, bên đó sẽ có một thời hạn hợp lý để tuân thủ. Thời hạn hợp lý này sẽ do các bên tranh chấp thỏa thuận. hoặc trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về thời hạn hợp lý trong vòng 30 ngày kể từ ngày công bố báo cáo cuối cùng của Hội đồng Trọng tài, các bên tranh chấp có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài đầu tiên giải quyết vấn đề đó nếu có thể. Sau khi tham khảo ý kiến của các bên tranh chấp, Hội đồng Trọng tài phải xác định thời hạn hợp lý trong vòng 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu. Khi Hội đồng Trọng tài cho rằng không thể báo cáo trong thời hạn nói trên, Hội đồng Trọng tài phải thông báo bằng văn bản cho các bên liên quan về lý do của việc chậm trễ và phải đệ trình báo cáo trong vòng không quá 45 ngày kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu.

3. Trong trường hợp các bên không nhất trí được với nhau về sự tồn tại hoặc phù hợp với Hiệp định khung của các biện pháp được thực hiện trong thời hạn hợp lý nêu ở khoản 2 để thi hành các khuyến nghị của Hội đồng Trọng tài, vấn đề đó sẽ được đựa đến giải quyết tại Hội đồng Trọng tài đầu tiên nếu có thể. Hội đồng Trọng tài này phải công bố báo cáo cho các bên tranh chấp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết. Khi Hội đồng Trọng tài cho rằng không thể cung cấp báo cáo trong thời hạn nêu trên, Hội đồng Trọng tài phải thông báo bằng văn bản cho các bên liên quan về lý do của việc chậm trễ và phải đệ trình báo cáo trong vòng không quá 75 ngày kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu.

Điều 13. Đền bù và tạm ngừng các nhượng bộ hoặc lợi ích

1. Đền bù và đình chỉ các nhượng bộ hoặc lợi ích là các biện pháp tạm thời được áp dụng trong trường hợp các khuyến nghị và phán quyết không được thực hiện trong thời hạn hợp lý. Tuy nhiên, cả đền bù lẫn tạm ngừng các nhượng bộ hoặc lợi ích đều không được khuyến khích áp dụng so với việc thực hiện đầy đủ khuyến nghị sửa đổi hành động vi phạm để tuân thủ với Hiệp định khung. Đền bù là tự nguyện và nếu có phải phù hợp với Hiệp định khung.

2. Nếu bên bị khiếu nại không sửa đổi các hành động vi phạm Hiệp định khung theo đúng các khuyến nghị của Hội đồng Trọng tài trong thời hạn hợp lý được xác định theo Khoản 2 Điều 12, nếu có yêu cầu, bên đó phải tiến hành thương lượng với bên khiếu nại với mục tiêu đạt được thỏa thuận về các biện pháp đền bù cần thiết thỏa đáng cho cả hai bên.

3. Nếu trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày bên khiếu nại yêu cầu thương lượng về đền bù mà các bên không đạt được thỏa thuận thỏa đáng, bên khiếu nại có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài đầu tiên xác định mức độ tạm ngừng các nhượng bộ hoặc lợi ích áp dụng cho bên không sửa đổi hành động vi phạm Hiệp định khung theo đúng các khuyến nghị của Hội đồng Trọng tài. Hội đồng Trọng tài sẽ công bố báo cáo tới các bên tranh chấp trong vòng 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận vấn đề. Nếu Hội đồng Trọng tài cho rằng không thể cung cấp báo cáo trong thời hạn nêu trên, Hội đồng Trọng tài phải thông báo bằng văn bản cho các bên liên quan về lý do của việc chậm trễ và sẽ phải cung cấp báo cáo trong vòng không quá 45 ngày kể từ ngày tiếp nhận vấn đề. Các nhượng bộ và lợi ích của các bên sẽ không bị tạm ngừng trong quá trình Hội đồng Trọng tài xem xét.

4. Việc tạm ngừng các nhượng bộ hay lợi ích sẽ chỉ hạn chế trong phạm vi các nhượng bộ và lợi ích phát sinh từ Hiệp định khung áp dụng cho bên không sửa đổi hành động vi phạm Hiệp định khung theo đúng các khuyến nghị của Hội đồng Trọng tài. Bên đó và các nước ký kết khác sẽ được thông báo về thời điểm bắt đầu và các chi tiết khác liên quan đến việc tạm ngừng các nhượng bộ hay lợi ích đó.

5. Khi xem xét các nhượng bộ hay lợi ích phải tạm ngừng:

(a) Trước tiên, bên khiếu nại phải xem xét tạm ngừng các nhượng bộ hay lợi ích trong cùng lĩnh vực hay các lĩnh vực chịu tác động của hành động mà Hội đồng Trọng tài kết luận là vi phạm quy định của Hiệp định khung hoặc gây mất mát hoặc tổn hại quyền lợi; và

(b) Bên khiếu nại có thể tạm ngừng các nhượng bộ hay lợi ích trong các lĩnh vực khác nếu bên đó thấy việc tạm ngừng các nhượng bộ hay lợi ích trong cùng lĩnh vực là không khả thi và không có hiệu quả.

5. Việc tạm ngừng các nhượng bộ hay lợi ích là tạm thời và chỉ được áp dụng cho đến khi hành động vi phạm Hiệp định khung đã được sửa đổi, hoặc bên phải tuân thủ các khuyến nghị của Hội đồng Trọng tài đã thực hiện các khuyến nghị đó, hoặc các bên đã đạt được giải pháp thỏa đáng.

Điều 14. Ngôn ngữ

1. Tất cả các trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp trong Hiệp định này sẽ được tiến hành bằng tiếng Anh.

2. Mọi tài liệu được đệ trình để sử dụng trong các trình tự thủ tục quy định trong Hiệp định này sẽ được làm bằng tiếng Anh. Nếu tài liệu gốc không phải bằng tiếng Anh, bên đệ trình tài liệu để sử dụng trong các trình tự thủ tục quy định trong Hiệp định này sẽ phải cung cấp bản dịch tiếng Anh của tài liệu đó.

Điều 15. Chi phí

1. Các bên tranh chấp phải chịu chi phí cho trọng tài mà bên đó chỉ định, chi phí pháp lý và các chi phí khác của bên đó.

2. Chi phí cho Chủ tịch Hội đồng Trọng tài và các chi phí khác liên quan tới việc tiến hành tố tụng của Hội đồng Trọng tài sẽ được chia đều cho các bên tranh chấp.

Điều 16. Sửa đổi

Các quy định của Hiệp định này có thể được sửa đổi với sự đồng ý bằng văn bản của các bên.

Điều 17. Lưu chiểu

Đối với ASEAN, Hiệp định này sẽ do Tổng thư ký ASEAN lưu chiểu, Tổng thư ký ASEAN sẽ gửi cho các nước thành viên ASEAN một bản sao có chứng thực của Hiệp định.

Điều 18. Hiệu lực

1. Hiệp định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2005.

2. Các nước ký kết cam kết hoàn thành các thủ tục nội bộ để Hiệp định có hiệu lực trước ngày 01 tháng 01 năm 2005.

3. Trường hợp một nước ký kết không thể hoàn thành các thủ tục nội bộ để Hiệp định có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 2005, các quyền lợi và nghĩa vụ của nước thành viên đó theo Hiệp định này sẽ bắt đầu từ ngày hoàn thành các thủ tục nội bộ đó.

4. Ngay khi hoàn thành các thủ tục nội bộ của nước mình để Hiệp định có hiệu lực, các nước ký kết phải thông báo bằng văn bản cho các nước khác.

Trước sự chứng kiến, những người ký kết dưới đây, đã được Chính phủ các nước ủy quyền, đã ký Hiệp định về Cơ chế Giải quyết tranh chấp thuộc Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội của Quốc gia Đông Nam Á và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Được làm tại Vientiane, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, ngày 29 tháng 11 năm 2004 thành hai bản bằng tiếng Anh.

PHỤ LỤC 1

QUY TẮC VÀ THỦ TỤC TỐ TỤNG TRỌNG TÀI

1. Trước phiên họp chính thức đầu tiên của Hội đồng Trọng tài với các bên tranh chấp, các bên liên quan phải chuyển đến Hội đồng Trọng tài bản đệ trình bằng văn bản trong đó trình bày tình tiết của vụ việc và các lập luận của mình.

2. Bên khiếu nại phải nộp bản đệ trình đầu tiên của mình trước khi bên bị khiếu nại nộp bản đệ trình đầu tiên, trừ phi trong khi xây dựng khung thời gian hoạt động của mình theo khoản 3 Điều 9 và sau khi tham khảo ý kiến của các bên, Hội đồng Trọng tài quyết định rằng các bên liên quan phải nộp bản đệ trình đầu tiên cùng một lúc. Nếu các bên không nộp bản đệ trình đầu tiên cùng lúc với nhau, Hội đồng Trọng tài phải quy định thời hạn cụ thể để bên bị khiếu nại nộp bản đệ trình của mình. Các bên đệ trình tiếp theo sẽ phải được nộp cùng lúc.

3. Tại cuộc họp chính thức đầu tiên với các bên tranh chấp, Hội đồng Trọng tài sẽ yêu cầu bên khiếu nại trình bày giải trình của mình. Tiếp đó, và cũng tại cuộc họp này, bên bị khiếu nại sẽ được yêu cầu trình bày giải trình của mình.

4. Biện hộ chính thức sẽ được tiến hành tại cuộc họp chính thức thứ hai của Hội đồng Trọng tài. Bên bị khiếu nại sẽ có quyền trình bày trước, tiếp đó là phần trình bày của bên khiếu nại. Trước khi diễn ra cuộc họp này, các bên tranh chấp phải nộp lên Hội đồng Trọng tài nội dung biên hộ bằng văn bản.

5. Hội đồng Trọng tài có thể đặt câu hỏi đối với các bên tranh chấp và yêu cầu các bên giải thích vào bất kỳ thời điểm nào trong các cuộc họp với các bên liên quan hoặc bằng văn bản.

6. Các bên tranh chấp phải cung cấp cho Hội đồng Trọng tài toàn văn nội dung các tuyên bố của mình bằng văn bản.

7. Để đảm bảo minh bạch, việc trình bày, biện hộ và tuyên bố được nêu tại khoản 2 đến khoản 6 phải được tiến hành với sự có mặt của các bên tranh chấp. Ngoài ra, văn bản đệ trình của các bên, bao gồm mọi ý kiến bình luận đối với dự thảo báo cáo, văn bản toàn văn của các tuyên bố và câu trả lời đối với các câu hỏi của Hội đồng Trọng tài đều phải được cung cấp cho các bên khác. Không có bất cứ sự liên hệ nào của một bên tranh chấp với Hội đồng Trọng tài liên quan đến các vấn đề đang được Hội đồng Trọng tài xem xét.

8. Hội đồng Trọng tài có thể tham khảo ý kiến các chuyên gia về các khía cạnh nhất định liên quan đến vấn đề tranh chấp. Đối với các vấn đề thực tiễn liên quan đến một vấn đề khoa học hoặc kỹ thuật khác mà một bên tranh chấp nêu ra, Hội đồng Trọng tài có thể yêu cầu một hoặc một nhóm chuyên gia tư vấn bằng văn bản. Hội đồng Trọng tài có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của các bên tranh chấp, lựa chọn các chuyên gia khoa học hoặc kỹ thuật để trợ giúp Hội đồng Trọng tài trong suốt quá trình xét xử trên cơ sở tham khảo ý kiến của các bên tranh chấp, nhưng những người này sẽ không có quyền biểu quyết liên quan đến các quyết định của Hội đồng Trọng tài./.

[1]Các vụ việc không vi phạm Hiệp định khung không thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này.

==================

Hiệp định về cơ chế giải quyết tranh chấp thuộc Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có hiệu lực đối với nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 04 tháng 4 năm 2005./.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :