CHẾ ĐỊNH THU HỒI TÀI SẢN TRONG CÔNG ƯỚC LIÊN HỢP QUỐC VỀ CHỐNG THAM NHŨNG VÀ KHẢ NĂNG ĐÁP ỨNG CỦA VIỆT NAM

  • Bài viết
  • 22 tháng 5, 2011
  • 407 lượt xem
  • 0 bình luận

Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (sau đây gọi tắt là Công ước) là một điều ước quốc tế đa phương do các quốc gia và tổ chức quốc tế thoả thuận xây dựng nên, với mục tiêu là hình thành một khuôn khổ pháp lý toàn cầu cho sự hợp tác giữa các quốc gia nhằm phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với tình trạng tham nhũng đang trở thành vấn đề bức xúc của cộng đồng quốc tế.

Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (sau đây gọi tắt là Công ước) là một điều ước quốc tế đa phương do các quốc gia và tổ chức quốc tế thoả thuận xây dựng nên, với mục tiêu là hình thành một khuôn khổ pháp lý toàn cầu cho sự hợp tác giữa các quốc gia nhằm phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với tình trạng tham nhũng đang trở thành vấn đề bức xúc của cộng đồng quốc tế. Công ước đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 07/10/2003 trong phiên họp lần thứ 58 tại Niu -oóc. Việt Nam đã tham gia đầy đủ 07 vòng đàm phán xây dựng Công ước trong thời gian từ tháng 3 năm 2002 đến tháng 10 năm 2003. Ngày 10/12/2003, tại Hội nghị cấp cao để ký Công ước được tổ chức tại Mê -hi-cô, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra nhà nước đã cùng đại diện của 95 quốc gia khác tham gia ký Công ước. Theo quy định của Luật Quốc tế, việc mỗi quốc gia ký Công ước chủ yếu là biểu đạt thiện chí chính trị mà chưa ràng buộc về mặt pháp lý với Công ước. Để trở thành thành viên chính thức của Công ước, các quốc gia phải thực hiện việc phê chuẩn hay gia nhập Công ước.

Trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị đề xuất cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phê chuẩn Công ước được tiến hành từ năm 2004 đến nay, thì vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng được quy định tại Công ước đã thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của các bộ, ngành, các chuyên gia nghiên cứu và các cán bộ công tác thực tiễn, nhất là khi đánh giá các yêu cầu của Công ước đối với các quốc gia thành viên về vấn đề này và bàn về khả năng đáp ứng của pháp luật và thực tiễn Việt Nam.

Việc nghiên cứu, tìm hiểu các quy định của Công ước về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, đồng thời rà soát, đánh giá thực trạng và khả năng đáp ứng của pháp luật và thực tiễn Việt Nam ở thời điểm hiện tại và trong tương lai, đồng thời tham chiếu kinh nghiệm của nước ngoài là sự cần thiết khách quan đối với các cơ quan chức năng của Việt Nam trong quá trình chuẩn bị đề xuất phê chuẩn thực thi Công ước. Những vấn đề cụ thể đã và đang đặt ra trong quá trình nghiên cứu là: (1) nhận thức đúng và thống nhất về chế định thu hồi tài sản tham nhũng và các quy định có liên quan; (2) đánh giá khả năng đáp ứng của pháp luật và thực tiễn Việt Nam ở thời điểm hiện tại và trong tương lai; (3) khẳng định việc Việt Nam có bảo lưu hay không bảo lưu chế định này khi phê chuẩn Công ước; (4) nhận định những khó khăn của Việt Nam khi thực hiện chế định này sau khi phê chuẩn Công ước; (5) đề xuất nội luật hoá để thực thi các quy định này phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam. Trong bài viết này, chúng tôi xin trao đổi xung quanh các vấn đề trên.

1. Nội dung chế định thu hồi tài sản tham nhũng quy định tại Công ước

Chế định thu hồi tài sản tham nhũng được quy định tại Chương V của Công ước với các Điều từ 51 đến 59 với 26 yêu cầu mang tính bắt buộc và 14 yêu cầu mang tính tuỳ nghi, khuyến nghị. Trong đó, Điều 51: Những quy định chung; Điều 52: Phòng ngừa và phát hiện việc chuyển tài sản do tham nhũng mà có; Điều 53: Các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng; Điều 54: Các cơ chế thu hội tài sản tham nhũng thông qua hợp tác quốc tế trong việc tịch thu; Điều 55: Hợp tác quốc tế vì mục đích tịch thu tài sản tham nhũng; Điều 56: Hợp tác đặc biệt; Điều 57: Trả lại và định đoạt tài sản; Điều 58: Đơn vị tình báo tài chính; Điều 59: Thoả thuận và dàn xếp song phương và đa phương về thu hồi tài sản tham nhũng.

Kết quả nghiên cứu sâu Công ước cho thấy, toàn bộ các quy định trên tạo nên một thể thống nhất, cùng quy định về một vấn đề lớn đó là: thu hồi tài sản tham nhũng và hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng, bao gồm 03 nhóm quy định: (1) nhóm những quy định chung mang tính nguyên tắc về thu hồi tài sản tham nhũng; (2) nhóm những quy định chung về phòng ngừa, phát hiện việc chuyển tài sản tham nhũng; (3) nhóm những quy định chung về các biện pháp thu hồi tài sản trực tiếp, cơ chế thủ tục và điều kiện hợp tác quốc tế trong tịch thu, trả lại và định đoạt tài sản tham nhũng. Vì mối quan hệ chặt chẽ trong tất cả các điều, khoản thuộc Chương V của Công ước, nên quá trình nghiên cứu, phân tích, đánh giá về mọi điều khoản đều không thể tách rời các điều khoản khác, cũng như không thể tách rời nội dung và tinh thần cơ bản của toàn bộ Chương V nói riêng và của Công ước nói chung. Theo đó, phần lớn các quy định tại các chế định này là sự khẳng định lại một trong những mục tiêu chung tối thượng của Công ước là thu hồi tài sản tham nhũng đã được quy định tại Điều 1 của Công ước, đồng thời khái quát các biện pháp tất yếu mà các quốc gia đã và đang áp dụng để thu hồi tài sản tham nhũng và định hình cơ chế hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Riêng các quy định tại Khoản 1b, 3 và 8 Điều 55 của Công ước đã thu hút sự quan tâm nhiều hơn của các nhà nghiên cứu và cơ quan chức năng với những nhận định, đánh giá khác nhau về khả năng đáp ứng của pháp luật Việt Nam, và về khả năng bảo lưu các quy định này khi Việt Nam phê chuẩn Công ước. Đây là những quy định mang tính bắt buộc; về thực chất, 3 khoản này chỉ quy định về cùng một vấn đề, đó là: điều kiện, thủ tục yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của nước ngoài trong việc ra lệnh tịch thu hoặc thi hành lệnh tịch thu của nước ngoài đối với tài sản và công cụ, phương tiện phạm tội tham nhũng đang nằm ở nước được yêu cầu; các trường hợp từ chối hoặc tạm hoãn việc hợp tác về thu hồi tài sản tham nhũng. Nội dung cụ thể của 3 quy định này có thể giải thích như sau: (1) Khi nhận được yêu cầu từ một quốc gia có quyền tài phán đối với một tội phạm tham nhũng về việc tịch thu tài sản do phạm tội tham nhũng mà có, thì quốc gia được yêu cầu sẽ trong phạm vi quy định của pháp luật quốc gia mình, ban hành các quy định cần thiết cho phép tịch thu tài sản tham nhũng nói trên. Để thực hiện việc đó, quốc gia được yêu cầu phải cho phép cơ quan có thẩm quyền của nước mình công nhận hiệu lực thi hành đối với một lệnh tịch thu được đưa ra bởi cơ quan có thẩm quyền của quốc gia yêu cầu. (2) Văn bản đề nghị quốc gia khác hợp tác thu hồi tài sản phải đảm bảo đầy đủ các thông tin mang tính thủ tục nhưng rất khắt khe của một văn bản yêu cầu tương trợ tư pháp, cụ thể: phải đủ 3 nhóm thông tin theo quy định tại Khoản 3 Điều 55 và 6 nhóm thông tin theo Khoản 15 Điều 46. Chẳng hạn như văn bản đề nghị phải nêu rõ: tên và chức năng của cơ quan có yêu cầu; tóm tắt sự kiện liên quan; miêu tả việc trợ giúp và quy trình cụ thể; mục đích của việc tìm kiếm tài sản tham nhũng; miêu tả tài sản tham nhũng cần tịch thu, địa điểm tài sản tham nhũng đó đang tồn tại và giá trị ước lượng của tài sản; bản sao hợp pháp của lệnh tịch thu; khẳng định yêu cầu về thu hồi tài sản là phù hợp với bên thứ ba ngay tình và đúng quy trình; những thông tin khác làm căn cứ để yêu cầu thu hồi tài sản tham nhũng… (3) Quốc gia tiếp nhận yêu cầu có thể từ chối việc hợp tác thu hồi tài sản hoặc huỷ bỏ các biện pháp tạm thời nếu không nhận được hồ sơ, tài liệu, chứng cứ đầy đủ, đúng hạn từ bên yêu cầu hoặc nếu tài sản có giá trị không đáng kể. Tuy nhiên, quốc gia được yêu cầu phải để quốc gia yêu cầu trình bày lý do trước khi huỷ bỏ các biện pháp tạm thời.

2. Đánh giá khả năng đáp ứng của pháp luật Việt Nam

- Việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có nói chung và do phạm tội tham nhũng mà có nói riêng để hoàn trả cho chủ sở hữu hợp pháp là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc pháp luật Việt Nam, phù hợp với chính sách của Nhà nước và đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện chế định thu hồi tài sản theo quy định của Công ước với lộ trình thích hợp. Vấn đề thu hồi tài sản phạm tội, tài sản tham nhũng, tài sản tranh chấp có yếu tố nước ngoài, hay thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ điều tra, xử lý các vụ án hình sự đã được pháp luật Việt Nam quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005; Bộ luật Hình sự năm 1999; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004. Ngoài ra, Việt Nam đã xác lập trên thực tế các điều kiện nhất định để phòng ngừa, phát hiện và thu hồi tài sản phạm tội nói chung thông qua các văn bản pháp luật như Luật Ngân hàng nhà nước năm 1997; Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997; Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, Nghị định 74/2005/NĐ- CP ngày 7/6/2005 của Chính phủ về phòng chống rửa tiền; Nghị định 37/2007/NĐ-CP ngày 9/3/2007 của Chính phủ  về minh bạch tài sản, thu nhập; Nghị định số 63/1998/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý ngoại hối.

Vấn đề hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài đã được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và thể hiện tại Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự với các nước ASEAN (2004) và các Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ với Hàn Quốc (2003). Đặc biệt, Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự với các nước ASEAN, Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự với Hàn Quốc đã quy định rõ phạm vi, nội dung, điều kiện và thủ tục tương trợ tư pháp trong thu hồi tài sản phạm tội nói chung. Hiện nay, Việt Nam đã cơ bản kết thúc đàm phán và đang chuẩn bị ký với Liên hiệp Anh và Bắc Ai Len Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự, trong đó, nội dung hợp tác trong “chia sẻ tài sản” sẽ là một trong những nội dung quan trọng của Hiệp định này.

- Những bất cập của pháp luật Việt Nam khi thực hiện việc thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài là: (1) Pháp luật Việt Nam còn rất thiếu những quy định cụ thể, trực tiếp về vấn đề thu hồi tài sản phạm tội, tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài. (2) Chưa xác lập được cơ chế phối hợp trong nước trong việc thực hiện thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài. Luật Tương trợ tư pháp 2007 thiếu hẳn chế định thu hồi tài sản và chưa xác định rõ vấn đề thu hồi tài sản phạm tội thuộc phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự. (3) Ngoài Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự với các nước ASEAN và các Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ với Hàn Quốc, hầu hết các hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký kết với các nước (14/16 hiệp định) không có quy định về thu hồi tài sản phạm tội.

3. Không đặt vấn đề bảo lưu chế định thu hồi tài sản tham nhũng khi Việt Nam phê chuẩn Công ước

Thứ nhất, việc hợp tác giữa các quốc gia nhằm thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những mục tiêu chung quan trọng nhất được quy định ngay tại Điều 1 của Công ước. Mục tiêu này là kết quả của quá trình đàm phán lâu dài và đã đạt được sự đồng thuận tuyệt đối của tất cả các quốc gia ký Công ước, trong đó có Việt Nam. Theo Công ước Viên 1969 về Luật Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì khi phê chuẩn hoặc gia nhập điều ước, các quốc gia không được bảo lưu trong ba trường hợp, một trong các trường hợp đó là: việc bảo lưu không phù hợp với mục tiêu và đối tượng chung của Điều ước. Thực tiễn quan hệ điều ước cho thấy, các quốc gia chỉ bảo lưu những vấn đề xung đột hoàn toàn với nguyên tắc pháp luật quốc gia và thường cân nhắc kỹ khi quyết định bảo lưu vì các nội dung bảo lưu luôn nhạy cảm, có thể làm tổn hại đến quan hệ quốc tế và uy tín quốc gia; và nội dung bảo lưu của một quốc gia luôn có thể bị các quốc gia khác phản đối. Mặt khác, với Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, tính đến nay, không có quốc gia nào bảo lưu vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng khi ký kết, phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước.

Năm 2008, Liên hợp quốc xác định là năm trọng tâm bàn bạc để thực hiện chế định thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của Công ước. Theo đó, tại các diễn đàn quốc tế đa phương về thực thi Công ước đã được tổ chức trong thời gian vừa qua như Hội nghị Hiệp hội các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng được tổ chức tại Ucraina; Hội thảo trong khuôn khổ APEC với chủ đề “Hợp tác đặc biệt nhằm hỗ trợ thu hồi tài sản tham nhũng” được tổ chức tại Pêru, Hội thảo khu vực về thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng do UNDP tổ chức tại Thái Lan; Hội thảo về phòng ngừa tham nhũng được tổ chức tại Trung Quốc, các quốc gia đều tập trung bàn định về cơ chế, kinh nghiệm, phương pháp và điều kiện để thu hồi tài sản tham nhũng và chia sẻ những khó khăn trong thực hiện mà không bàn đến vấn đề có thực hiện hay không toàn bộ chế định này.

Thứ hai, thực tiễn cho thấy, việc hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng là đòi hỏi khách quan đối với mọi quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hoá nền kinh tế với quan hệ đầu tư, thương mại và thanh toán toàn cầu hết sức phong phú, đa dạng, phức tạp. Trong bối cảnh đó, Chính phủ mỗi quốc gia phải bằng các công cụ vĩ mô và thông qua hành động của các cơ quan chức năng để tiến hành các biện pháp phù hợp, đồng thời phối hợp với các quốc gia khác, bảo vệ an toàn tài sản và hoạt động của các thành phần kinh tế và của công dân, dù tài sản đó đang ở trên lãnh thổ quốc gia nào, nhằm xác lập sự tin tưởng chính trị của công chức, doanh nghiệp, của công dân và của đối tác vào quan điểm và khả năng quản lý của chính quyền, đặc biệt trong những trường hợp phát sinh hiện tượng rửa tiền của các quan chức chính trị cấp cao, các tập đoàn kinh tế lớn. Việt Nam đã chính thức gia nhập WTO với chính sách và pháp luật về đầu tư rộng mở, nên không thể đứng ngoài quy luật tất yếu này.

Thứ ba, Việt Nam có những thuận lợi rất căn bản khi thực hiện chế định thu hồi tài sản tham nhũng, đó là:

(1) Công ước cho phép các quốc gia có thể từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp của quốc gia khác về thu hồi tài sản tham nhũng. Khoản 21, Điều 46 của Công ước quy định việc tương trợ tư pháp có thể bị từ chối trong các trường hợp “ (a) Nếu đơn yêu cầu được lập không đúng theo các quy định của điều này; (b) Nếu quốc gia được yêu cầu nhận thấy việc thực hiện yêu cầu có khả năng xâm hại đến chủ quyền, an ninh, trật tự công cộng hoặc các lợi ích thiết yếu khác; (c) Nếu các cơ quan của quốc gia được yêu cầu bị pháp luật quốc gia ngăn cấm thực hiện việc được yêu cầu đối với bất cứ tội phạm tương tự nào, bởi tội phạm đó đã là đối tượng của việc điều tra, truy tố và xét xử trong phạm vi quyền hạn của chính các cơ quan này; (d) Nếu việc chấp nhận yêu cầu tương trợ pháp lý của đơn yêu cầu này là trái với hệ thống pháp luật của quốc gia được yêu cầu”. Như vậy, Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều có thể tranh thủ vận dụng “rào cản” nói trên để từ chối hoặc tạm hoãn việc thực hiện các yêu cầu về thu hồi tài sản tham nhũng của quốc gia khác.

(2) Công ước luôn đề cao nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng chủ quyền quốc gia. Điều 4 của Công ước quy định về Bảo vệ chủ quyền như sau: “(a) Các quốc gia sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình trong Công ước này theo cách thức phù hợp với các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia cũng như nguyên tắc không can thiệp và công việc nội bộ của quốc gia khác. (b) Không điều khoản nào trong Công ước này cho phép một quốc gia thành viên được thực hiện trên lãnh thổ của quốc gia khác quyền tài phán và các chức năng được dành riêng cho các co quan có thẩm quyền của quốc gia đó theo pháp luật quốc gia mình”. Mặt khác, Công ước khuyến khích các quốc gia phối hợp thực hiện việc thu hồi tài sản tham nhũng trên cơ sở phù hợp với nguyên tắc pháp luật của mỗi nước và cổ vũ việc các quốc gia ký kết các hiệp định song phương và đa phương khác về vấn đề này.

(3) Vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng đã, đang và sẽ là mối quan tâm đặc biệt của tất cả các quốc gia thành viên Công ước, các tổ chức quốc tế. Khi phê chuẩn Công ước và chấp nhận thực hiện các quy định về thu hồi tài sản tham nhũng, Việt Nam sẽ được các quốc gia thành viên Công ước hỗ trợ kinh nghiệm và điều kiện kỹ thuật để thực hiện việc thu hồi tài sản tham nhũng theo mục tiêu chung của Công ước.

(4) Thu hồi tài sản tham nhũng là vấn đề hoàn toàn phù hợp với tư tưởng và chính sách, pháp luật của Việt Nam. Việt Nam đã xác lập những cơ sở nhất định cho việc thực hiện; đã có kinh nghiệm thực tiễn nhất định trong hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tranh chấp có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và theo một số Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự mà Việt Nam đã ký với các nước như đã nêu ở phần trên.

4. Khó khăn của Việt Nam trong thực hiện chế định thu hồi tài sản tham nhũng sau khi phê chuẩn Công ước

Căn cứ kết quả nghiên cứu, khảo sát, chúng tôi cho rằng sẽ có những khó khăn nhất định đối với Việt Nam trong việc thực thi chế định này sau khi phê chuẩn Công ước, đó là:

(1) Tâm lý lo ngại các thế lực thù địch có thể lợi dụng việc thu hồi tài sản tham nhũng của quốc gia khác đang ở trên lãnh thổ Việt Nam để phá hoại chính trị, an ninh, trật tự hoặc lợi dụng để phong toả tài sản của Nhà nước và công dân Việt Nam ở nước ngoài, nhằm phá hoại kinh tế và chính sách đầu tư của Việt Nam;

(2) Điều kiện và năng lực thực tế của Việt Nam để đáp ứng quy định này còn hạn chế, về con người, về cơ sở vật chất, kỹ thuật, về tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp và kinh nghiệm;

(3) Vấn đề thu hồi tài sản phạm tội theo phán quyết hình sự của toà án nước ngoài sẽ là điểm mới đối với Việt Nam. Việt Nam có chấp nhận hay không chấp nhận trên nguyên tắc việc thực hiện phán quyết hình sự của toà án nước khác, đặc biệt, có cho phép thi hành tại Việt Nam phần dân sự trong phán quyết hình sự của toà án nước ngoài không? hay điều này chỉ được thực hiện trên cơ sở của từng thoả thuận song phương về tương trợ tư pháp hình sự?

(4) Định nghĩa về “tài sản do tham nhũng mà có” theo quy định của pháp luật Việt Nam tuy không trái, nhưng cũng chưa hoàn toàn phù hợp với định nghĩa theo quy định của Công ước. Cụ thể là: Cụm từ “tài sản do tham nhũng mà có” được định nghĩa tại khoản (d) và (e) của Điều 2 Công ước, được hiểu là bao gồm mọi loại tài sản (cụ thể hay không cụ thể, động sản hay bất động sản, hữu hình hay vô hình, các văn bản pháp lý hay giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó) có nguồn gốc hay có được một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ việc thực hiện một tội phạm tham nhũng. Như vậy, tài sản do tham nhũng mà có theo quy định của Công ước sẽ bao gồm tài sản trực tiếp có được do phạm tội, tài sản đã bị biến đổi hoặc trộn lẫn đến mức không thể phân tách được với tài sản trực tiếp có được do phạm tội, và mọi hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó. Quan niệm trên theo định nghĩa và tinh thần của Công ước đã được đa số quốc gia thừa nhận xuất phát từ thực tiễn đấu tranh và xử lý tội phạm tham nhũng. Đây là một khái niệm phức tạp, đặc biệt là trong trường hợp các tài sản có được gián tiếp qua hành vi rửa tiền tham nhũng. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, cụm từ “Tài sản tham nhũng” đã được Khoản 1, Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định như sau: “Tài sản tham nhũng là tài sản có được từ hành vi tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng”. Như vậy, khái niệm “tài sản tham nhũng mà có” theo tinh thần của Công ước chưa được quy định rõ ràng và đầy đủ trong Luật Phòng, chống tham nhũng của Việt Nam. Các Nghị định số 120/2006 ngày 20/10/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 37/2007 ngày 9/3/2007 về minh bạch tài sản, thu nhập và Nghị định số 74/2005 ngày 7/6/2005 về phòng, chống rửa tiền hiện cũng chưa giải thích thực sự thoả đáng khái niệm này theo tinh thần của Công ước.

5. Đề xuất khái quát về việc thực hiện chế định thu hồi tài sản

- Đề xuất chung: Sau khi phê chuẩn Công ước, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và theo một lộ trình thích hợp, Chính phủ có hướng dẫn áp dụng và thực hiện Công ước nói chung và chế định này nói riêng trên cơ sở nguyên tắc và quy định của pháp luật Việt Nam; chú trọng việc đàm phán, ký kết và ưu tiên áp dụng các hiệp định, thoả thuận mà Việt Nam đã ký kết có nội dung thu hồi tài sản tham nhũng và theo nguyên tắc có đi có lại. Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan cần có sự chủ động trong triển khai thực hiện chế định quan trọng này. Trước mắt, cần có sự đầu tư phù hợp về cán bộ, về đào tạo, về cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các lực lượng trực tiếp thực thi, đồng thời quan tâm nghiên cứu khả năng thành lập cơ quan chuyên trách về thu hồi tài sản trong tương lai.

+ Đề xuất nội luật hoá: (1) Bổ sung chế định thu hồi tài sản vào Luật Tương trợ tư pháp hiện hành. (2) Nghiên cứu, bổ sung vào Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành quy định chấp nhận thi hành phần dân sự trong phán quyết hình sự của Toà án hình sự các nước. (3) Xây dựng Luật Chống rửa tiền thay thế Nghị định số 74/2005 ngày 7/6/2005 về phòng, chống rửa tiền (4) Nghiên cứu bổ sung tội danh rửa tiền vào Bộ luật Hình sự hiện hành; nghiên cứu bổ sung các quy định về hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng trong Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành. (5) Tiếp tục ký kết hoặc bổ sung, sửa đổi các hiệp định tương trợ tư pháp song phương, đa phương có nội dung về thu hồi tài sản tham nhũng. (6) Nghiên cứu khả năng xây dựng Luật về Thu hồi tài sản của Việt Nam.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 5 (142), THÁNG 3 NĂM 2009

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :